Sống giữa rác rến
Monday, March 19, 2007

Yến Tuyết

Bạn có bao giờ chứng kiến cảnh tượng nhà của một người nào đó, từ trong ra ngoài, tràn đầy những rác rến, hay là những đồ vật thừa thãi, đáng lẽ phải được liệng bỏ đi hay không?
Việc để dành những đồ dùng, áo quần, sách báo cũ... thường được xem là bình thường, thế nhưng thói quen này nếu đi quá xa có thể trở thành một căn bệnh mà những nhà tâm lý đặt tên là “Compulsive hoarding” (tạm dịch: áp lực buộc phải để dành lại).
Sau đây là một trường hợp đơn cử của Sue Howard ở Texas mà các chuyên viên xếp bà vào căn bệnh nói trên. Khi được hàng xóm báo cáo về mùi hôi bốc lên từ căn nhà bà đang cư ngụ, cán sự xã hội đã đến viếng thăm và cảnh tượng bày ra trước mắt làm họ kinh ngạc.
Từ ngoài cửa nhà đã thấy những thùng giấy, sách báo, đồ chơi, giày dép cũ, bao đồ ăn dành cho mèo nằm lăn lóc bừa bãi. Khung cửa lưới méo mó rớt xuống và được dựng nơi vách tường, bên cạnh một cái tủ cũ xì, trầy trụa và không có cửa.
Quang cảnh bên trong nhà lại còn tệ hơn. Lối vào phòng khách bị chắn ngang bởi một cái ghế nệm loveseat dơ dáy. Cái phòng khách và phòng ăn thì tối tăm. Từng chồng sách báo cũ, hộp bánh, đồ ăn dư và đủ mọi thứ đồ linh tinh khác hầu như ở khắp mọi nơi.
Thật ra, đó không phải là cuộc sống mà bà Sue Howard tưởng tượng là một ngày sẽ xảy đến cho mình vào năm 1988 khi bà còn có chồng và còn có việc làm ở một nhà thờ trong vùng. Thế nhưng, càng ngày bà Sue và chồng càng lâm vào cảnh chật vật vì số người trong gia đình trở nên đông hơn khi họ có đến 4 đứa con và chồng bà trở lại trường để lấy bằng cao học. Do đó, kể từ năm 1998 trở đi, bà Sue bắt đầu tiết kiệm bằng cách đi sắm đồ ở Walmart hay garage sale và đem về chất đầy nhà mọi thứ rẻ tiền mà bà mua hay xin được từ nhà thờ.
Vào những năm 2002 đến 2005, các nhân viên xã hội đã từng nhận được các cú điện thoại báo cáo về tình trạng ăn ở không vệ sinh của gia đình bà ấy, bao gồm cả việc bà Sue bỏ bê không săn sóc con cái. Nhận được giấy cảnh cáo, hai vợ chồng dọn dẹp nhà cửa gọn gàng được một chút rồi đâu lại vào đấy.
Năm 2006, khi nhân viên xã hội trở lại nhà của bà Sue thì tình trạng lại còn dơ dáy, bề bộn hơn nữa vì trong thời gian tiếp theo đó, bà Sue bị xuống tinh thần kinh khủng do việc ly dị chồng và phải một mình nuôi bốn đứa con. Bà bất cần, chẳng thèm lau chùi dọn dẹp nhà cửa gì nữa cả. Mà ngay cả đối với con cái, bà cũng mặc kệ, không buồn bắt tụi nó làm việc nhà, nên chỗ ở của họ trở nên bẩn thỉu và dơ dáy hơn. Các nhân viên xã hội thấy tình trạng sinh sống của bà Sue có thể nguy hiểm đến sức khỏe của mấy đứa nhỏ nên họ quyết định dời tụi nó đến ở với cha chúng.
Dưới con mắt của một bác sĩ, bà Sanjana Saxena, giám đốc của chương trình Obsessive Compulsive Disorders ở US San Diego nói rằng tình trạng của những người sống giữa rác rưởi như bà Sue không phải vì họ lười biếng, coi thường pháp luật hay thất bại về trách nhiệm với đời sống của chính mình; trên thực tế, đây là một chứng bệnh mà nếu không được chữa trị, nó sẽ trở nên tồi tệ hơn và đôi khi có thể đưa đến cái chết.
Bác Sĩ Saxena đưa ra trường hợp của hai anh em Collyer thuộc gia đình thượng lưu giàu có. Vào năm 1947, xác chết của họ được tìm thấy trong một lâu đài do họ sở hữu dưới 100 tấn rác rến của đủ mọi loại thứ mà họ cất giữ trong nhiều năm trời. Rồi trường hợp của một cư dân ở tiểu bang Washington cũng bị chết ngạt dưới hàng đống áo quần chất đầy trong nhà bà ta. Những người hay để dành đồ cũ này chứa những vật dụng dễ bắt lửa trong nhà của họ và những đồ vật này thường choán lối thoát thân của họ trong trường hợp nhà bị hỏa hoạn.
Như hai thí dụ trên cho thấy, bệnh cất giữ đồ vật (Hoarding) ảnh hưởng đến con người ở mọi lứa tuổi và mọi tầng lớp xã hội. Bà Saxena ước đoán là có từ 3 đến 6 triệu người Mỹ đang mắc bệnh này. Thế nhưng, các bệnh nhân thường không chấp nhận là họ bị bênh mà đổ lỗi cho việc chỉ vì họ có quá nhiều đồ đạc mà chưa có thì giờ dọn dẹp đến mà thôi. Ngoài ra, việc chữa trị được gọi là Cognitive Behavioral therapy cũng khá tốn kém, nên ít người có đủ khả năng để được định bệnh và được chữa trị.
Bà Gail Steketee, chủ tịch phân khoa School of Social Works ở Boston University, nói rằng khó có thể phân biệt rõ ràng thế nào là những người “Hoarders” vì họ không phải chỉ cất giữ những đồ đáng bỏ đi. Giống như chúng ta, họ cũng có thể để dành những đồ vật đẹp mắt, cần thiết hay có giá trị tình cảm. Chỉ có khác một điều là những người này tìm thấy mọi thứ đồ vật đều đáng cất giữ cả mà thôi!
Phần lớn chúng ta để dành một tờ báo cũ chỉ vì một bài báo hay trong đó, thế nhưng, người bị bệnh Hoarding thì cất giữ mọi tờ báo vì tìm thấy nhiều tin tức giá trị có thể giúp họ thay đổi cuộc đời; do đó họ không vứt bỏ vì nghĩ như thế là phí phạm, là điên rồ. Theo thời gian, hành động gìn giữ mọi đồ vật, trở thành một loại bệnh càng ngày càng nặng hơn.
Bà Steketee cho biết là đối với những người bị bịnh “hoarding” thì việc sắp xếp đồ vật cho có thứ tự là một cơn ác mộng vì họ không thể phân loại, gặp khó khăn khi phải quyết định và họ lo lắng rằng nếu những đồ vật không được bày ra trước mắt, ho sẽ quên nó đi. Do đó, họ thường để cái áo trên bàn làm việc thay vì cất trong hộc tủ. Lâu dần, các đồ vật chồng chất lên và trở nên hỗn độn, bừa bãi một cách nguy hiểm.
Bạn muốn biết là tại sao chúng nguy hiểm phải không? Những bụi bặm, mốc meo và nhưng phân gián, mối chứa trong đó sẽ tạo nên tình trạng bị dị ứng, nhức đầu hay hen suyễn cho những thành viên trong gia đình, nhất là nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ con và người lớn tuổi. Ngoài ra, nhà dơ bẩn và bừa bộn quá cũng khiến cho dễ bị trượt ngã hay vấp té.
Trong một vài trường hợp, vì sống một cách bừa bộn như thế, họ quên trả tiền gas, điện. Rồi đất, bụi không được quét dọn, làm hư hệ thống dẫn khí như máy sưởi khiến vào Mùa Ðông nhà họ lạnh lẽo kinh khiếp.
Những người bị bệnh giữ quá tải các đồ vật trong nhà còn gây nguy hiểm cho hàng xóm ở gần họ và lính cứu hỏa nếu có đám cháy xảy ra, vì những người này có thể bị thương hay chết khi di chuyển khó khăn để tránh đồ vật dễ bắt lửa trong nhà họ.
Ngoài ra, để giúp cho căn nhà của người bị bệnh “giữ quá nhiều đồ vật” này được an toàn và sạch sẽ, cộng đồng sẽ phải tốn kém tiền bạc vì chủ nhân bị bệnh này thường không có khả năng trả chi phí dọn dẹp. Ở một thị xã kia, hội đồng thành phố đã phải dùng đến 75% ngân sách để dọn dẹp nhà của một “hoarder”. Nhưng chỉ 18 tháng sau thì nhà người này trở lại như cũ!
Những người thân của bệnh nhân bị ảnh hưởng như thế nào?
Những người thân thường tức giận và bực bội vì hành động này của người hoarders. Họ cảm thấy bị bó tay vì phải tôn trọng quyền riêng tư của người thân. Còn một số người thị tự động tìm cách vất bỏ đi những đồ vật của hoarders mà không xin phép họ.
Fugen Neziroglu, giám đốc y viện Bio-Behavioral Onstitute ở New York, thì khuyên những thành viên trong gia đình nên kêu gọi sự hợp tác của một chuyện viên tâm lý để thảo luận trước khi vứt bỏ những đồ vật của người hoarders, nếu không, đôi khi sẽ gây cho họ tình trạng khủng hoảng khi biết mình mất những đồ vật nào đó mà họ coi trọng.
Việc muốn giúp đỡ những người bị bệnh hoarders cũng không phải xảy ra một cách dễ dàng. Trường hợp của bà Eugene Lesters, 60 tuổi, từng là một người làm ăn trong lãnh vực thương mại thì khi con gái của bà là cô Cynthia, 28 tuổi đến thăm mẹ, cô không thể vào nhà bằng cửa chính được mà phải leo cửa sổ vào vì đồ đạc chất đầy, chận cửa trước.
Trước đó, bà Eugene đã phải ra hầu tòa nhiều lần về chuyện không tuân theo luật tòa yêu cầu dọn dẹp nhà cửa và sân cỏ dơ dáy và bừa bãi của bà, sau khi hàng xóm nộp đơn than phiền. Hai đứa con trai và con gái của bà Eugene muốn đến giúp mẹ dọn dẹp nhưng bà không cho phép, trong khi những chồng sách báo, hình ảnh, áo quần trong nhà đã mốc meo và có gián, chuột ở trong đó.
Cô Cynthia đã làm cả một cuốn phim thời sự có tên “My Mother Garden” quay lại chuỗi những hành động của gia đình trong việc tách rời bà Eugene ra khỏi những thứ đồ mà bà muốn giữ lại trong suốt mất tháng trời của năm 2005. Các con của bà phải mất tất cả 8 tuần để thực hiện việc này và tốn tất cả 20 ngàn Mỹ kim để dọn sạch sẽ chỗ ở của mẹ mình. Bà Eugene đã khóc nức nở khi trở về và thấy căn nhà trống trải. Bà nói là bà ghét các con của bà và chửi rủa họ là đã ăn cướp tài sản của bà ấy. Một vài tuần lễ sau đó, bà Eugene tìm cách tự tử nhưng được cứu sống. Gia đình bà cuối cùng phải gởi bà vào viện dưỡng lão để bà ra khỏi căn nhà có quá nhiều kỷ niệm về những đống rác mà bà muốn sống giữa đó. Cynthia biết rằng mẹ cô không bao giờ tha thứ cho cô về hành động giúp bà dọn dẹp nhà cửa này.
Thông thường, khi đến dọn dẹp một căn nhà có quá nhiều đồ đạc, những người thân thường có khuynh hướng vất đi nhiều thứ đồ vật sở hữu của chủ nhân. Trong khi đó, hiện nay người ta có thể tìm thấy những dịch vụ nhà nghề và có kinh nghiệm giúp chọn lựa đồ vật cần vứt bỏ và xếp đặt gọn gàng những đồ vật muốn cất giữ.
Bergfeld's Estate Clearance Services ở New York là một trong những công ty cung cấp dịch vụ dọn dẹp và sắp đặt ngăn nắp lại nhà cửa, đã tìm thấy nhiều nữ trang và đồ vật giá trị như những hồ sơ quan trọng về lịch sử gia đình mà chủ nhân của chúng nhầm lẫn với rác rến.
Ngay tại Orange County, bạn đọc cũng có thể tìm thấy những dịch vụ ở địa phương giúp dọn dẹp nhà cửa gọn gàng lại một khi mình không thể kham nổi công việc khá mệt mỏi và phức tạp này.
Trung bình một giờ dọn dẹp của các dịch vụ này là 70 Mỹ kim và tùy tình trạng đồ đạc ít hay nhiều của cái garage hay căn nhà bừa bãi, người ta có thể tốn khoảng từ 300 đến 400 Mỹ kim để có được một cái garage hay chỗ ở khoáng đãng.
* Ðề nghị của người viết:
Sách báo cũ có thể bỏ vào thùng rác để tái chế biến (recycle), áo quần cũ nên hiến tặng các cơ quan từ thiện để giúp những người thiếu thốn. Vừa làm việc nghĩa, vừa bảo vệ môi sinh mà cũng tránh cho mình không bao giờ bị bệnh compulsive hoarding. (Y.T.)
(Viết theo bài của Deborah Branscum - Reader's Digest)