Khung Trời Ðại Học: University of Pennsylvania
Friday, March 16, 2007

LTS.- Tiếp tục trong số báo này, trang Người Việt Trẻ của nhật báo Người Việt hân hạnh gởi đến các bạn “Khung Trời Ðại Học (College World),” một tiết mục hằng tuần giới thiệu những nét đại cương về các trường đại học tại Hoa Kỳ.
Vann Phan (tổng hợp)


University of Pennsylvania
Châm ngôn: Luật pháp không có đạo đức là vô dụng
Thành lập: 1740
Loại: Trường tư
Quỹ hiến tặng: $5.923 tỷ
Viện Trưởng: Amy Gutmann
Nhân viên: 4,603
Sinh viên cử nhân: 9,718
Sinh viên cao học và tiến sĩ: 10,103
Ðịa điểm: Philadelphia, Pennsylvania, Hoa Kỳ
Khuôn viên đại học: Ðô thị, 269 mẫu Anh (1.1 cây số vuông)
Thể dục, thể thao: 33 đội thể dục, thể thao đại học
Biệt danh: Quakers
Ðẳng cấp và liên hệ: Thuộc Ivy League, AAU (Hiệp Hội Ðại Học Hoa Kỳ)
Websites: www.upenn.edu
(http://www.upenn.edu/)

Trường University of Pennsylvania (cũng còn được gọi là Penn) là một trường đại học tư, nam nữ học chung, chuyên về nghiên cứu, tọa lạc tại Pennsylvania, Philadelphia. Theo sử liệu của trường thì University of Pennsylvania là một trong các trường đại học đầu tiên tại Hoa Kỳ và là viện giáo dục đại học lâu đời hàng thứ tư trên toàn quốc. Ðại Học Penn cũng còn là một trường trong liên viện đại học siêu sao Ivy League cũng như trong nhóm Colonial Colleges được thành lập từ thời Hoa Kỳ còn là thuộc địa của Anh.
Chín nhân vật ký tên vào bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập Hoa Kỳ và 11 nhân vật ký tên vào Hiến Pháp Hoa Kỳ đều có liên hệ tới viện đại học này. Nhà sáng lập ra Ðại Học Pennsylvania, là danh nhân Benjamin Franklin, cổ võ cho một chương trình giáo dục tập chú nhiều vào giáo dục thực tiễn về doanh thương và phục vụ công ích cũng như vào các môn học cổ điễn và thần học. Ðại Học Penn là một trong các viện gíao dục tiên khởi tuân theo khuôn mẫu nhiều lãnh vực học vấn do các trường đại học tại Âu Châu sáng tạo nên, tập trung năm, sáu chuyên khoa vào dưới một mái trường đại học.
Ðại Học Penn được công nhận là một học viện hàng đầu về văn chương, nhân văn, khoa học xã hội, kiến trúc, truyền thông, và giáo dục. Trường đại học này đặc biệt nổi tiếng với các trường kinh doanh, luật khoa và y khoa. Khoảng 4,500 vị giáo sư chăm lo cho gần 10,000 sinh viên toàn thời gian bậc cử nhân và 10,000 sinh viên cao học, tiến sĩ và sinh viên chuyên nghiệp.
Trong tài khóa 2006, các chương trình nghiên cứu của viện đại học này giành được hơn $660 triệu tiền trợ cấp nghiên cứu, liên hệ tới 4,200 nhân viên giảng huấn, 870 nghiên cứu sinh sau bậc tiến sĩ, 3,800 sinh viên bậc cao học và 5,4000 nhân viên yểm trợ. Phần lớn số tiền tài trợ là do Viện Y Tế Quốc Gia chuyên về nghiên cứu y học cung cấp. Năm 2005, Viện Ðại Học Pennsylvania nhận được 470 triệu đô-la tiền tài trợ, đứng hàng thứ nhì trong tất cả các viện đại học tại Hoa Kỳ.
Ðại Học Penn đứng đầu trong các viện đại học siêu sao Ivy League trong vấn đề chi tiêu hằng năm, với ngân sách 2006 dự trù là 4.41 tỷ Mỹ kim, trong đó tiền lương bổng nhân viên là $2.183 tỷ. Vào năm 2006, University of Pennsylvania đứng hàng thứ tư trong số các viện đại học tại Hoa Kỳ về số tiền gây quỹ, mang lại cho trường khoảng $409.5 triệu từ các cơ sở tư và các tư nhân. Ðại Học Penn là một trong 14 thành viên sáng lập của Hiệp Hội Ðại Học Hoa Kỳ (AAU).
Lịch sử
Năm 1740, một nhóm thức giả ở Philadelphia muốn chung sức thành lập một đại giảng đường dành cho hoạt động của nhà truyền giáo George Whitefield. Ðược kiến trúc sư Edmund Woolley vẽ kiểu và xây dựng, đây là tòa nhà to lớn nhất trong thành phố vào thời đó và được dự trù sẽ trở thành một trường học từ thiện. Tuy nhiên, do việc gây quỹ không đủ, tòa nhà được dựng lên rồi mà kế hoạch làm ngôi giảng đường và ngôi trường phước thiện lại bị đình hoãn. Vào mùa Thu năm 1749, vì nhiệt tình mong muốn lập nên một trường đại học để giáo duc thế hệ mai sau, Ông Benjamin Franklin cho luân lưu một tập sách nhan đề “Ðề Nghị Gíao Dục Thanh Thiếu Niên tại Pennsylvania,” bao gồm một cái nhìn xa rộng về một cơ chế giáo dục gọi là “Publick Academy of Philadelphia” (Học Viện Công Lập Philadelphia).
Không giống như ba trường đại học thuộc địa tại Mỹ đã xuất diện vào thời đó - là Harvard, William and Mary, và Yale - trường đại học mới của ông Franklin sẽ không chú trọng tới việc giáo dục cho các giáo sĩ. Ông cổ võ cho một ý niệm sáng tạo về nền giáo dục đại học bao gồm một phần là dạy dỗ những kiến thức cao vời của nhân văn nghệ thuật và phần kia là kỹ năng thực tiễn cần thiết cho nhu cầu kiếm sống và phục vụ công ích.
Ông Franklin tập họp một hội đồng quản trị gồm những công dân uy tín hàng đầu của Philadelphia, một hội đồng tiên khởi không thuộc giáo phái nào tại Hoa Kỳ. Trong phiên họp đầu tiên của 24 thành viên trong Hội Ðồng Quản Trị (vào ngày 13 Tháng Mười Một, 1749), vấn đề địa điểm tọa lạc của trường đã trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu. Ngày 1 Tháng Hai, 1750, hội đồng quản trị tiếp thu tòa nhà đã được xây dựng sẵn cho mục đích giáo dục vào năm 1740 đó. Năm 1751, tòa nhà tại góc đường 4th và Arch Streets của Học Viện Công Lập Philadelphia đón nhận số sinh viên đầu tiên. Một trường từ thiện cũng được mở ra trong khuôn viên này, nhưng cơ sở giáo dục đó chỉ tồn tại được ít lâu mà thôi.
Về ngày thành lập, trường Ðại Học Philadelphia chọn năm 1740 vì đó là thời gian “thành lập những quỹ tài trợ đầu tiên để từ đó dựng nên trường đại học. “Từ năm 1755 tới 1779, viện đại học được gọi là College of Philadelphia (Trường Cao Ðẳng Philadelphia). Ðến năm 1779, song song với trường này, quốc hội Pennsylvania lập nên University of the State of Pennsylvania (Trường Ðại Học Tiểu Bang của Philadelphia). Nhưng tới năm 1791, quốc hội lại thông qua một đạo luật sát nhập hai trường này lại với nhau để trở thành University of Pennsylvania, với tân Hội Ðồng Quản Trị gồm 24 người, mỗi tường cử vào 12 thành viên.
Trường Ðại Học Penn đã viện dẫn hai sự kiện sau đây để cho mình là trường Ðại Học Ðầu Tiên ở Hoa Kỳ: thứ nhất là Ðại Học Penn đã lập ra trường y khoa đầu tiên tại Mỹ vào năm 1765 khiến, trên thực tế, họ là trường đại học đầu tiên; thứ nhì là trường viện dẫn tinh thần của bản hiến chương năm 1779 của học viện, trong đó có viết rằng “trước Penn không có học viện giáo dục cao đẳng Mỹ nào được gọi là University cả.”
Sau khi đã yên vị tại trung tâm thành phố Philadelphia trong hơn một thế kỷ, khuôn viên Ðại Học Penn được dời qua bên kia sông Schuylkill đến một khu đất mua lại của Viện Tế Bần Blockley Almshouse ở West Philadelphia vào năm 1872 là nơi mà từ dạo ấy đến nay trường vẫn ở đó, và địa điểm này được gọi là University City (Phố Ðại Học).
Các sự kiện lịch sử khác về Penn
Những cái nhất trong việc giáo dục tại University of Pennsylvania bao gồm: trường y khoa đầu tiên trên toàn quốc vào năm 1765; bệnh viện giáo dục y khoa đầu tiên trên toàn quốc vào năm 1874; trường kinh doanh đầu tiên của thế giới Wharton School, vào năm 1881; tòa nhà sinh hoạt đầu tiên của sinh viên Mỹ, Houston Hall, vào năm 1896; trường thú ý thứ nhì trên toàn quốc, trường phát minh chiếc máy điện toán đầu tiên bằng kỹ thuật số của thế giới, vào năm 1946. University of Pennsylvania cũng là nơi sản sinh khoa tâm lý học đầu tiên tại Bắc Mỹ và là thành viên sáng lập Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ.
Ðại Học Penn cũng nằm trong một số những trường đại học tư mà danh xưng của trường được lấy từ tên thành phố nơi có khuôn viên đại học (các trường đại học khác là Princeton University, University of Southern California, Georgetown Univesrsity, Boston College, Boston University, Syracuse University, New York University và University of Chicago). Vì lý do đó, người ta thường lầm lẫn Penn với Pennsylvania State University vì trường này còn được gọi là “Penn State,” một trường đại học công chuyên về nghiên cứu mà khuôn viên chính tọa lạc tại State College ở Pennsylvania.
Học vụ - Chương trình bậc cử nhân
Viện Ðại Học Pennsylvania có bốn trường đại học bậc cử nhân:
* College of Arts & Sciences (Ðại Học Nhân Văn & Khoa Học)
* School of Engineering and Applied Science, SEAS (Trường Kiến Tạo và Khoa Học Ứng Dụng)
* School of Nursing (Trường Ðiều Dưỡng)
* Wharton School (Trường Quản Trị Kinh Tế Wharton)
Ðại Học Nhân Văn & Khoa Học trực thuộc trường Nhân Văn và Khoa Học bao gồm luôn Ngành Cao Học và Trường Nghiên Cứu Tổng Quát (School of General Studies).
Ðại Học Penn chuyên chú cao độ vào việc giáo dục và nghiên cứu trên nhiều lãnh vực. Học viện này chú trọng tới những chương trình giáo dục chung cho hai bậc cử nhân và cao học, những môn chính độc đáo và mang tính uyển chuyển trong học trình. Chính sách Một Ðại Học (One University policy) của Penn cho mọi sinh viên được phép thu thập và học hỏi chương trình của cả hai bậc cử nhân và cao học do viện đại học này cung ứng cùng một lúc, miễn là sinh viên có khả năng thu nhận các chương trình đó.
Các sinh viên bậc cử nhân tại University of Pennsylvania cũng có thể theo học tại các trường đại học nằm trong tổ hợp giáo dục Quaker, bao gồm các trường Swarthmore, Haveford, và Bryn Mawr.
Các trường bậc cao học và chuyên nghiệp
Các khoa và trường sau đây cung ứng chương trình bậc cao học:
* Annenberg School for Communication (Trường Truyền Thông Annenberg)
* Graduate School of Education (Trường Cao Học Giáo Dục)
* Law School (Trường Luật)
* Graduate School of Arts & Sciences (Trường Cao Học Nhân Văn & Khoa học)
* School of Dental Medicine (Trường Nha Y)
* Schoolof Design (Trường Ðồ Họa và Kiến Trúc, trước kia là Trường Cao Học Nghệ Thuật)
* Graduate School of Engineering and Applied Science (Trường Cao Học Kiến Tạo và Khoa Học Ứng Dụng)
* School of Medicine (Trường Y Khoa)
* Graduate School of Nursing (Trường Cao Học Ðiều Dưỡng)
* School of Social Policy & Practice (Trường Cán Sự Xã Hội)
* School of Veterinary Medicine (Trường Thú Y)
* Wharton School (Trường Quản Trị Kinh Tế Wharton)
Xếp hạng trường Penn
Tờ U.S. News & World Report xếp trường University of Pennsylvania vào hàng thứ bảy trên toàn quốc vào năm 2007, thứ tư trong liên viện viện đại học siêu sao Ivy League, sau Princeton, Harvard và Yale. Tờ Newsweek vào năm 2007 xếp Ðại Học Penn vào hàng thứ 12 trong số các viện đại học mang tính toàn cầu nhất thế giới và thứ tư trong các viện đại học siêu sao Ivy League, sau Harvard, Yale và Columbia. Chương trình kinh tế bậc cử nhân tại Trường Quản Trị Kinh Tế Warton được xếp hạng nhất toàn quốc. Tờ Business Week cũng đánh giá Wharton School là học viện hạng nhất.
Năm 2006, tờ Washington Monthly công bố một bản xếp hạng đặc biệt chú trọng tới các đại học có những đóng góp vào lợi ích quốc gia (như trong lãnh vực Nghiên Cứu thì dựa vào tổng số chi phí cho nghiên cứu và vào tổng số bằng Tiến Sĩ khoa học và kiến tạo được cấp ra, và trong lãnh vực Phục Vụ Công Ích thì căn cứ vào con số sinh viên gia nhập ROTC [Quân Ðoàn Huấn Luyện Sĩ Quan Trừ Bị] và Peace Corps [Ðoàn Hòa Bình]). Theo đánh giá của tờ báo này, Ðại Học Penn đứng thứ 30 trong toàn thể các trường đại học và cao đẳng, thứ 13 trong số các trường đại học tư.
Ở bậc cử nhân, các trường kinh doanh và điều dưỡng của Ðại Học Penn vẫn đều đặn duy trì vị thế số 1, 2 hoặc 3 của mình kể từ khi tờ U.S. News & World Report khởi sự việc đánh giá những chương trình giáo dục và các học viện. Các phân khoa tại University of Pennsylvania như văn chương Mỹ gốc Phi Châu, nhân chủng học, lịch sử nghệ thuật, kiến tạo sinh học, sinh vật học, truyền thông, điện toán, Anh ngữ, kinh tế, Pháp ngữ, lịch sử, cơ khí kiến tạo, khoa học chính trị, tâm lý, và tiếng Tây Ban Nha... cũng được đánh giá rất cao.
Trường cao học tại Ðại Học Penn nằm trong số những trường sáng chói trong các môn ngành được giảng dạy tại đây. Qua thời gian, các chương trình cao học của Ðại Học Pennsylvania vẫn được xếp hạng cao hơn các chương trình liên hệ thuộc bậc cử nhân tại trường. Các trường kinh doanh (Wharton School), kiến trúc (School of Design), truyền thông (Annnenberg School for Communication), y khoa (School of Medicine), nha khoa, điều dưỡng và thú y được xếp hạng vào năm trường hàng đầu trên toàn quốc. Trường luật tại Penn (Law School) được xếp vào hàng thứ bảy, trong khi đó thì trường cán sự xã hội và giáo dục được liệt vào số 10 trường hạng nhất của Mỹ.
Tuyển sinh nhập học
Viện đại học này đã xét 20,479 lá đơn xin nhập học vào mùa Thu 2006 - cho Khóa 2010 (Class of 2010) -nhưng chỉ thu nhận 17.7 phần trăm số đơn xin nhập học, tiêu biểu cho năm tuyển sinh chặt chẽ nhất trong lịch sử của nhà trường. Trong mấy năm gần đây, Ðại Học Penn đã nhận được từ 18,00 tới 20,000 đơn xin nhập học năm thứ nhất của sinh viên, và trường đã cho từ 20 tới 25 phần trăm số sinh viên gởi đơn được nhập học.
Năm 2002, tờ Atlantic Monthly xếp hạng Ðại Học Penn là trường kén chọn sinh viên đứng hàng thứ tám tại Hoa Kỳ. Ở bậc cao học, tỷ lệ nhân sinh viên vào của Ðại Học Penn - cũng như hầu hết các trường đại học trong nước- thay đổi nhiều dựa vào từng phân khoa và tùy theo chương trình học. Căn cứ vào các số liệu của tuần báo U.S. News & Word Report, các phân khoa kén chọn sinh viên nhất tại University of Pennsylvania là trường luật, trường chăm sóc y tế (y khoa, y dược, đều dưỡng) và trường kinh doanh.
Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa và Viện Khảo Cứu Sinh-Y (Biomediacl Research Complex)
Các khoa dạy những môn liên hệ tới y khoa tại Ðại Học Penn - kể cả Trường Y Khoa, Trường Nha Khoa, Trường Ðiều Dưỡng và Thú Y, và các chương trình dạy về sinh học kiến tạo (Trường Kiến Tạo) và quản lý y tế (Wharton School) - nằm trong số các bộ phận giáo dục hàng đầu của Ðại Học Penn. Sự kết hợp chiều sâu của nền giáo dục, mức độ tài trợ các công trình nghiên cứu, tài nguyên bệnh viện với các đánh giá tổng quát đã đưa Ðại Học Penn vào vị thế của một số ít các học viện ưu hạng tại Hoa Kỳ. (V.P.)
(Còn tiếp)