Hạ Lào và những chuyện bên lề
Sunday, March 18, 2007

 

medium_lao1.jpg

medium_lao2.jpg

 

 

Giao Chỉ, San Jose 2007
Ông Bùi Ðức Lạc giới thiệu cuốn bút ký về Lam Sơn 719 dưới tựa đề của tác phẩm “Cơn Uất Hạ Lào” vào ngày thứ Bảy 17 tháng 3-2007 tại San Jose.
Là Trung tá Pháo binh Dù, tác giả đã nhìn thấy trận liệt từ trên máy bay, đã từng trấn thủ các căn cứ hỏa lực để yểm trợ bao vùng cho các tiền đồn của đoàn quân Nhảy dù. Và chính tại các căn cứ hỏa lực của ông đã nhiều phen ăn pháo địch.
Bây giờ sau 35 năm lưu vong, ông đem gió Lào về San Jose. Ông nhờ anh em yểm trợ. Chúng tôi sẵn lòng. Và trên con đường đi tìm tài liệu bên lề trận liệt Lam Sơn 719 của đất Hạ Lào mà cộng sản gọi là trận đánh Nam Lào đường số 9, chúng tôi đã vô tình thấy được một số dữ kiện bên lề hết sức xúc động.
Cô Phan Trần Mai cho tôi mượn cuốn sách khá nặng nề của soạn giả mũ đỏ Hoa Kỳ Mike Martin. Cuốn sách hoàn toàn viết về gia đình mũ đỏ Việt Nam và các cố vấn Mỹ.
Trong cuốn sách rất lịch sử này, tôi chợt tìm thấy ông thầy Nguyễn Thọ Lập lúc còn đeo lon cấp Úy. Sau này ông lên Ðại tá. Rồi ông giải ngũ tại Sài Gòn, đi lái Taxi cũng tại đô thành. Ông qua Tân Tây Lan làm mục sư, bây giờ về Mỹ đi làm thiện nguyện cho họ đạo. Chuyên sửa máy lạnh. Thầy Lập dạy chúng tôi tác chiến năm 1954, và về sau ông là Tham mưu trưởng Nhảy dù.
Tôi thấy hình của bạn Ngô Lê Tĩnh nhỏ con đứng giữa các cố vấn Mỹ to lớn. Có cả hình của Trần Quốc Lịch chỉ huy hành quân. Nhưng thật hết sức bất ngờ, tôi chợt thấy hình của Trung tá Nguyễn Thế Nhã trong bài viết của một cố vấn Phòng 3 Sư đoàn Nhảy dù.
Nguyễn Thế Nhã, Nguyễn Ðăng Khánh và Vũ Văn Lộc tháng 3-1954 từ trại Ngọc Hà, Hà Nội tập trung lên đường vào trường Liên Quân Ðà Lạt. Chúng tôi cùng chung một tổ ba người. Tháng 10-1954 ra trường, Khánh bị xuống Trung sĩ rồi trốn luôn. Tôi về Bộ binh đi làm Ðại đội trưởng “Tiểu đoàn Sắt,” lính toàn là tù binh cộng sản hồi chánh. Ðêm nằm trong trại chỉ sợ lính giết. Nguyễn Thế Nhã đi Nhảy dù. Hơn 15 năm sau, tôi về Tổng tham mưu đóng vai lính văn phòng lên Ðại tá. Bạn Nhã của tôi vẫn một đời tác chiến vất vả đeo lon Trung tá thâm niên.
Sau Tiểu đoàn 9, anh về làm Trưởng phòng Hành quân Sư đoàn Nhảy dù rồi đi lãnh một Trung đoàn của Sư đoàn 1 Bộ binh tại Huế.
Cũng tại doanh trại của trung đoàn, ông Trung tá Trung đoàn trưởng Nguyễn Thế Nhã bị pháo nát đầu. Từ Bộ Tổng Tham Mưu, Nhảy dù Trần Gia Hội đến báo tin, tôi tìm máy bay đưa xác Nhã về Sài Gòn chôn ở Mạc Ðĩnh Chi. Vòng hoa của bạn đồng khóa đề chữ “Tiếc Thương Nguyễn Thế Nhã Anh Hùng” với cặp lon Ðại tá muộn màng.
Bao nhiêu năm, anh em chơi với nhau từ Ðà Lạt rồi suốt gần 20 năm ở miền Nam, phần số mỗi người một khác.
Từ năm 1975 đến nay, tôi vẫn có ý đi tìm tin tức, nhưng gia đình bạn Nhã lưu lạc qua Pháp không thấy tăm hơi. Một tấm hình cũng không có. Nhã cao hơn trung bình, đẹp trai, dáng dấp hết sức phong nhã. So với các bạn Nhảy dù, so với các bạn đồng khóa, Nguyễn Thế Nhã có thể coi là hoa hậu đàn ông. Vóc dáng đó lên tướng làm Tư lệnh Nhảy dù sẽ chẳng thua ai. Ai ngờ số kiếp không ra gì. Phải chết rồi mới lên Cố đại tá.
Tình cờ đọc ở cuốn Red Hats của tác giả Hoa Kỳ, chợt thấy hình Nguyễn Thế Nhã lúc Sư đoàn Nhảy dù đánh vào thành Quảng Trị. Hơn 30 năm xa cách, khóe mắt lại cay cay.
Tôi cho in lại gửi cho anh em cùng khóa, gọi là chút kỷ niệm và khoe với các bạn, một người bạn mà chúng tôi rất hãnh diện.
Tiếp theo là chuyện tình cờ thứ hai.
Nhân chuyện Hạ Lào, chúng tôi liên lạc với một tổ chức đặc biệt. Vì có cơ duyên sưu tầm di sản cho Viện Bảo Tàng Việt Nam nên chúng tôi yêu cầu họ tìm cho các báo chí cũ liên quan đến chiến dịch Hạ Lào. Họ đã tìm và gửi cho chúng tôi tờ báo Life có bài viết và hình ảnh độc quyền của phóng viên Akihiko Okamura gốc Nhật. Ðây là ký giả ngoại quốc duy nhất lọt được vào trận đánh đường số 9 theo cánh quân Thiết giáp mở đường vào Tchepone.
Ông Bùi Ðức Lại cho biết, Quân cảnh và cảnh sát được lệnh ngăn chặn bất cứ phóng viên ngoại quốc nào xâm nhập vào vùng hành quân. Tuy nhiên, anh phóng viên Nhật ăn mặc như lính trận đã đón đường chuyến xe gần như đầu tiên của đoàn quân 16 ngàn binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa từ phía sườn Tây của Khe Sanh. Con đường chiến lược số 9 chạy từ Quảng Trị qua Khe Sanh vào đất Lào qua thị trấn Tchepone.
Ðánh được vào Tchepone là phá được một căn cứ tiếp vận quan trọng và cắt đứt được hàng chục đoàn đường rừng nằm trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh từ Bắc xuống Nam. Khu này từ lâu vẫn được coi là bất khả xâm phạm.
Theo phóng viên Hoa Kỳ, tinh thần quân miền Nam lúc bắt đầu vào chiến dịch rất cao. Ai cũng biết là tiến vào đất Lào để cắt đường mòn Hồ Chí Minh và hy vọng còn đi xa hơn là sẽ chấm dứt chiến tranh.
Những ngày đầu chạm địch đã lấy được chiến xa PT76. Xác địch có ghi chữ “Sinh Bắc Tử Nam.” Một chiến nón vải của bộ đội ghi chữ “Sinh Bắc ố Chết Lào.” Lính miền Bắc cũng đã chuẩn bị đánh cho đến chết. Một tù binh khai là mới xâm nhập có 4 ngày qua biên giới.
Ðoàn quân có lúc lọt vào một bãi mìn ngay trên Quốc lộ số 9. Phóng viên chụp được bức hình các lính Việt Nam Cộng Hòa bị thương ngay tại trận địa và tấm hình bất hủ này được dùng làm bìa báo Life.
Càng về sau thì trận chiến càng ác liệt vì vậy nên sau hai tuần lễ, anh phóng viên được lệnh quay về. Vả lại theo linh tính, anh cảm thấy ở lại với đoàn quân này sẽ rất nguy hiểm. Ðịch quân sau những ngày đầu thăm dò đã bắt đầu phản công và vòng vây phía sau đường về có vẻ khép lại. Những nụ cười bên ta đã bớt dần và cấp chỉ huy của đoàn quân đã nhận thấy địch xuất hiện ở phía sau. Một ông đại tá nói với phóng viên rằng, mình tiến vào một đoạn đường mất hai ngày thì ra mất hai tuần. Ðịch gài mìn trên đường rút ra. Mà con đường lại là con đường duy nhất. Vẫn là đường số 9. Anh phóng viên theo trực thăng tản thương ra được và viết bài cho báo Mỹ không có đoạn cuối.
Về sau anh nghe nói, đơn vị anh đi theo bị đánh tan và đa số đã hy sinh.
Và những bức hình chúng tôi nhận được đăng kèm theo bài báo này là những bức hình duy nhất trên báo chí Hoa Kỳ.
Bây giờ hơn 30 năm sau, ngồi tại San Jose nghe Bùi Ðức Lạc kể chuyện Hạ Lào, tôi vẫn nhớ rằng, chúng tôi mất trên đường số 9 Nam Lào không phải là một mà là hai người bạn cùng khóa. Anh em cùng khóa như là anh em một trường, không chọn mà thành anh em. Ða số Mũ đỏ đã nhờ Pháo binh dù yểm trợ. Bây giờ Bùi Ðức Lạc yêu cầu yểm trợ thì mình lại trả nợ. Ai ngờ vì đó mà tìm thấy nhiều kỷ niệm. Từ hình bạn Nguyễn Thế Nhã đến tờ báo Life, đối với tôi đều là các di vật hết sức quý giá.
Giao Chỉ, San Jose 2007