Ý niệm về lương tâm trong thế giới tương đối hóa ngày nay

 




Phỏng vấn Linh Mục Vincent Twomey, nguyên giáo sư thần học luân lý đại học công giáo Thánh Patrick tại Maynooth bên Ailen, về ý niệm lương tâm trong thế giới ngày nay

Trong các tháng qua Linh Mục Vincent Twomey, nguyên giáo sư thần học luân lý đại học thánh Patrick tại Maynooth bên Ailen, đã cho phát hành cuốn sách tựa đề ”Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Lương tâm của thời đại chúng ta”. Cha Twomey đã từng viết luận án tiến sĩ với Linh Mục Giáo sư Joseph Ratzinger hồi thập niên 1970.

Vì bài phỏng vấn hơi dài, chúng tôi xin trích một vài câu hỏi và trả lời trong cuộc phỏng vấn cha về đề tài này. Trong quan niệm ngày nay, lương tâm bị giản lược và trở thành một cái máy biện minh, theo đó con người không bao giờ có thể sai lầm, bởi vì bất cứ cái gì nó cho là đúng, thì cũng được coi như là điều tự đúng đắn trong nội tại.


Hỏi
: Thưa cha Twomey, cha đã viết luận án tiến sĩ dưới dự hướng đẫn của Linh Mục giáo sư Joseh Ratzinger xưa kia. Kinh nghiệm đó đã giúp cha viết cuốn sách nói trên như thế nào?

Đáp: Tôi đã tham dự cuộc nói chuyện liên quan tới luận án tiến sĩ với cha giáo sư Ratzinger hồi năm 1971, và tôi đã theo học chương trình tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của người và trình luận án năm 1979.


Hỏi: Thưa cha, cha miêu tả Đức Thánh Cha Biển Đức XVI như là người không sợ sai lầm và có can đảm biết mình là người không toàn thiện. Cha có thể giải thích thêm một chút về điểm này không?

Đáp: Có can đảm biết mình là người không toàn thiện thì vượt xa hơn là việc không sợ sai lầm chứ. Nền tảng của thái độ này đối với cuộc sống và nền thần học là xác tín chỉ có Thiên Chúa là toàn thiện thôi, và công trình của con người thì luôn luôn bất toàn.

Khuynh hướng ”duy toàn thiện” trong bất cứ lãnh vực nào cũng là kẻ thù của con người, đặc biệt là trong lãnh vực chính trị. Đa số các ý thức hệ chính trị muốn tạo ra một thế giới toàn thiện, một xã hội toàn thiện, thường kết thúc với việc đem hỏa ngục đến trên trái đất này. Đây là một trong các đề tài về chính trị trong các bút tích của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, nhưng quy chiếu về nỗ lực của con người trong lãnh vực thần học. Nhưng đề tài này cũng sẽ là một công trình dang dở, luôn cần được cải tiến, sửa chữa và đào sâu. Chúng ta không thể biết hết mọi sự, lại càng không thể biết hết mọi sự về Thiên Chúa, và chương trình của Chúa đối với con người.

Tôi đã nói tới tính cách vụn vặt trong các bút tích của Đức Thánh Cha. Đa số là các tác phẩm chưa hoàn tất như cuốn ”Dẫn nhập vào Kitô giáo” và cuốn ”Đức Giêsu thành Nagiaret”, nhưng người vẫn có can đảm cho phát hành trong hình thức chưa xong đó. Thái độ này trao ban cho Đức Ratzinger sự thanh thản nội tâm và tính cách không dính bén, mà mọi người đều biết. Nhưng có lẽ đó cũng là bí quyết cung cách dễ thương và sáng ngời của Người.

Hỏi: Cha đã cho rằng có sự méo mó nơi lương tâm của con người trong thế giới ngày nay. Nó hệ tại chỗ nào, và nó có ảnh hưởng nào trên Giáo Hội hay không?

Đáp:
Điểm khời hành là ý niệm truyền thống thế nào là một lương tâm sai lệch. Sau khi Thông Điệp ”Humanae vitae” về sự sống con người được công bố, nó đã dấy lên các cuộc tranh luận sôi nổi. Người ta hiểu lương tâm một cách sai lầm, và cho rằng điều một người làm không quan trọng, miễn là họ thực sự xác tín rằng nó tốt.

Như thế, sự thành thật trở thành tiêu chuẩn của luân lý; và theo cái luận lý đó thì cuối cùng cũng không thể lên án các nhà độc tài như Hitler hay Staline được, vì họ cũng đã hành động theo ”các ánh sáng” riêng của họ, theo các xác tín chân thành của họ.

Việc nhấn mạnh trên quyền tối thượng của lương tâm, mặc dù sai lệch, đã dẫn đưa tới một ý niệm mới là ý niệm ”lương tâm không thể sai lầm”. Ý niệm này cho rằng lương tâm không thể sai lầm được, và điều bạn nghĩ là đúng thì thực tế nó là đúng. Điều này có nghĩa là giản lược lương tâm thành một cái máy biện minh. Và đây là một ý niệm được kiểm chứng trong khuynh hướng duy tương đối, đang thống trị thời đại chúng ta ngày nay.

Ngày nay người ta thường khẳng định rằng mỗi người có quyền theo các nguyên tắc luân lý, mà mình có thể tự do lựa lọc. Chúng là kết qủa của sự lựa chọn có ý thức, được quyết định sau khi cân nhắc mọi khả thể. Dĩ nhiên, đây là một lý thuyết rất hấp dẫn. Nhưng cuối cùng thì nó có nghĩa là mỗi người có thể tự quyết định cho mình cái gì là đúng cái gì là sai: đó đã là cám dỗ của Adong và Eva trong vườn Eden. Người ta thường nói tới đạo công giáo ”trên giấy tờ”, theo đó, mỗi người lựa chọn điều tiện lợi cho mình nhất. Quan niệm này về lương tâm đang ngự trị trong xã hội ngày nay và đã gây ra hậu qủa tàn phá trong Giáo Hội và trong cuộc sống của Kitô hữu.

(Trích đoạn của ZENIT 5-7-2007)