TRUYỀN THỐNG NGƯỜI MẸ THỨC HOÁ



Hôm mồng 3 tháng 5 năm 2007 vừa qua, hãng thông tấn Reuters đăng một bài báo với đầu đề: "Stay-at-home Mothers Work Worth $138,095 a Year". 'Làm mẹ' là một công việc thật đòi hỏi. Theo bài báo, nếu trả cho các bà mẹ ở nhà coi con theo tiền lương tối thiểu, với số giờ overtime mà các bà đã làm cho gia đình thì ông chồng và con cái phải trả cho bà trung bình là $138,095 một năm. Ða số gia đình chúng ta không đủ tiền để trả cho người mẹ chúng ta đâu.
Ngày nay, rất nhiều người mẹ cũng phải đi làm fulltime, 40 giờ một tuần. Hãng thông tấn Reuters ước lượng, gia đình của các bà đáng lý phải trả thêm cho bà $85,939 vì những việc bà làm cho gia đình ngoài giờ làm việc tại sở. Rõ ràng, người mẹ trong gia đình dành đa số tâm sức cho gia đình.
Công việc người mẹ làm trong gia đình thật đa dạng và cần nhiều năng khiếu: cô giáo vườn trẻ, tài xế xe van, housekeeper, cook, điều khiển và năng động nhân viên (chief executive office. Nên nhớ: đa số các nhân viên của bà trong gia đình không có tinh thần trách nhiệm cao), nữ y tá, bảo toàn nhà cửa và các vật dụng trong nhà (general maintenance worker), và dĩ nhiên thời đại bây giờ nhiều bà cũng là nhân viên hướng dẫn và sửa chữa rất uy tín cho những người trong gia đình cần xử dụng computer nữa.

 Bài báo chỉ nói đến những việc "làm ra tiền" mà các bà mẹ làm trong gia đình. Họ đã không nhắc đến những việc làm "vô giá" mà chồng con đã nhận được từ gia đình: những cái ôm ấp đầy nâng đỡ để cho con cái được lớn lên và vững tin trên đường đời; những ánh mắt dịu hiền đấy khích lệ, những lời nói tha thứ đầy bao dung, những nụ cười đầy âu yếm, và biết bao những cái bị chúng ta coi là nhỏ nhặt thường ngày nhưng thực ra tối cần thiết cho tâm hồn chúng ta.

 

Truyền Thống Kinh Nguyện


Bài báo của Reuters làm tôi suy nghĩ nhiều về chính người mẹ thân yêu của tôi cũng như về các bà mẹ cũng thời với bà. Mẹ tôi mất đến nay đã được hơn 3 năm. Thời gian không làm cho tôi và anh chị em trong gia đình quên đi người mẹ của mình. Tạ ơn Chúa! Anh chị em chúng tôi đã được dạy dỗ cẩn thận về việc đọc kinh cầu nguyện hàng ngày, do đó mỗi ngày chúng tôi đều nhớ đến và cầu nguyện cho mẹ mình. Việc dạy dỗ kinh hạt cho con cháu và tạo nền nếp cầu nguyện trong gia đình thực là một nét son trong truyền thống các bà mẹ Thức Hóa. Chính nhờ những kinh "làm lòng" được các bà mẹ dạy dỗ từ nhỏ mà gia đình hàng ngày được quây quần xum họp cho dù mỗi người ở mỗi ngả vì cuộc sống. Trong kinh nguyện hàng ngày, anh chị em trong gia đình nhớ tới nhau và cầu nguyện cho nhau; cũng nhờ đó mà các bác, các chú, các cô, các dì nhớ đến tất cả các cháu. Cuộc sống gia đình thế nào mà chẳng có lúc chung đụng; chính nhờ kinh nguyện hàng ngày mà anh chị em trong gia đình có dịp nghĩ lại và tìm cách vui vẻ với nhau. Sau cùng, chính nhờ kinh nguyện mà mọi người trong gia đình được gần gũi với người thân yêu đã qua đời. Thiết nghĩ, nhờ nhớ tới người thân yêu đã qua đời trong kinh nguyện mà chúng ta nhận được nhiều ơn lành đặc biệt qua lời cầu nguyện của chính người đã khuất núi.

 

Truyền Thống Cần Cù Chắt Bóp Hy Sinh


Các bà mẹ Thức Hóa cần cù hy sinh tột bậc. Nếu người chồng làm công chức thì số tiền lương ít ỏi chắc chắn không đủ để lo cho gia đình. Các bà phải xoay đường này, kiếm đường kia để lo cho gia đình. Rất nhiều gia đình Thức Hóa chúng ta sống bằng nghề làm ruộng rẫy. Công việc đòi hỏi các bà phải cùng chồng cầy sâu quốc bẫm, thức khuya dâïy sớm. Sau buổi làm việc nặng nhọc ở đồng ruộng về, các bà vẫn chưa được nghỉ phải săn sóc cơm nước cho chồng con. Xong chuyện cơm nước, các bà còn phải lo cám bã cho heo cho gà. Công việc thì nặng nhọc thế, nhưng việc ăn uống hưởng thụ thì bao giờ các bà mẹ cũng là người hưởng sau cùng. Các bà thường ngồi ăn cầm chừng, đợi chồng con ăn uống xong rồi mới bắt đầu ăn những của còn lại. Nhà nghèo con cái đông, rất nhiều khi con cái chẳng để ý để phần ăn cho mẹ; chắc chắn không ít lần bà mẹ Thức Hóa đã phải nhịn đói để con cái có của ăn mà lớn lên với người. Nếu gia đình phải ăn độn với khoai mì hoặc ngô thì bà mẹ Thức Hóa chỉ ăn ngô hoặc khoai mì độn mà thôi.
Nhờ tính hy sinh "nhịn ăn nhịn mặc" và nhất là "chắt bóp" của các bà mẹ Thức Hoá mà gia đình đã có thể vượt qua những lúc khó khăn, nắng hạn mưa dầm của cuộc đời. Rất nhiều các ông còn tâm sự: "Ðến việc cần phải có một số tiền khá lớn, chẳng hiểu bà ấy kiếm đâu mà ra số tiền ấy. Không có bà ấy cần kiệp ky cóp cho gia đình, nhất định gia đình không thể nào làm được việc ấy."

 Bà mẹ Thức Hóa của chúng ta cần kiệm chắt bóp nhưng nhất định không keo kiệt. Bà để dành tiền là để lo cho gia đình. Những gì cần phải tiêu, nhất là vì sự giáo dục của con cái, thì nhất định bà không tiếc. Tôi còn nhớ mỗi lần xin tiền mẹ để mua những cái lặt vặt thì bà thường chỉ cho một nửa: 10 đồng thì cho 5 đồng. Tính toán thì nhất định tôi cần 10 đồng; nhưng mẹ chỉ đưa 5 đồng. Biết làm sao bây giờ ... chỉ có 5 đồng đành phải xếp việc theo 5 đồng thôi. Lần ấy tôi đang học ở đại học khoa học, cần 1,500 đồng mua một cuốn sách nhập cảng từ ngoại quốc. Bà vào lấy đủ 1,500 đồng đưa cho tôi đi mua sách. Sau đó vài ngày, tôi hỏi nhỏ bà: "Mọi lần mẹ hay cho có nửa, hay ít nhất là cũng bớt một phần; sao lần này mẹ lại đưa cho cả số tiền mà không bớt chút nào vậy?" Bà trả lời: "Các lần khác là những chuyện lặt vặt, không thực sự cần thiết. Lần này con xin số tiền lớn là con thực sự. Không cho con thì để tiền làm gì?" Bài học đó càng ngày càng in đậm vào tâm khảm tôi; bài học đó đã giúp tôi sống cuộc đời này một cách khôn ngoan và đầy ý nghĩa.

 

 

Truyền Thống Giáo Dục Ðơn Sơ Nhưng Căn Bản

 

Ða số các bà mẹ Thức Hóa ít được học hành - nhiều bà không biết đọc biết viết -, nhưng các bà đã dạy con cái một cách hay ho tốt đẹp không thua gì các bà mẹ thông thái của đời bây giờ. Các bà có cả một bầu trời khôn ngoan của văn hóa Việt Nam qua Ca Dao Tục Ngữ để truyền lại cho con cái. Là người Công Giáo, các bà con ghi làm lòng những câu dạy đời bất hủ của Kinh Thánh nữa.  Cho dù không được học nhiều về văn hóa Việt Nam tại trường ốc, tôi thuộc nhiều câu ca dao tục ngữ của văn hóa mình hơn đa số các anh em linh mục bạn bè. Nhìn lại, tôi khám phá ra là học từ chính người mẹ của mình. Bà theo thuyết "dao năng mài thì sắc, người năng nhắc thì khôn" nên bao giờ cũng kèm những lời dạy bảo bằng các câu ca dao tục ngữ vừa thâm thúy vừa dễ nhớ. Nhớ lại những lần bị phạt, bà bắt tôi nằm xuống và mỗi lần cái roi quất xuống là bà đọc một câu ca dao tục ngữ. Rất nhiều lần tôi cầu xin cho bà đừng nhớ nhiều ca dao tục ngữ quá, nếu không cứ mỗi một câu một roi thì tôi có mà nhừ đòn.

 

Truyền Thống Biết Ơn và Trọng Nghĩa

Trong số những câu ca dao tục ngữ bà dạy dỗ, có câu này mang nhiều ý nghĩa:
Cóc chết 3 năm quay đầu về núi.

Dù có nên danh nên phận đến đâu, mình vẫn là người con của gia đình. Dù thành đạt tới đâu, thì "áo mặc cũng không qua khỏi cổ". Dù được danh giá tôn trọng đến đâu, thì cũng hằng phải nhớ đến nguồn gốc gia đình của mình. Sự thành đạt của mình của là sự thành đạt của cả gia đình đặc biệt là của cha mẹ và các bậc tiền bối.
Trong tinh thần biết ơn và tôn trọng ơn nghĩa đó, con muốn kính dâng lời cám ơn các bậc cha anh đã hy sinh suốt một đời cho chúng con. Trong các bậc sinh thành đó, chắc chắn những bà mẹ Thức Hóa chiếm một chỗ yêu thương đặc biệt trong tâm hồn chúng con. Trong tháng hoa Ðức Mẹ, nhất là trong Ngày Hiền Mẫu của tháng 5, chúng con sẽ dâng lễ tạ ơn và cầu nguyện đặc biệt cho các bà. Chớ gì chúng con năng nhắc nhở cho chính mình và cho nhau những truyền thống tốt đẹp các tiền nhân đã để lại hầu tâm niệm và phát huy những điều tốt lành đó trong cuộc sống mình. Cũng trong tinh thần đó, những dịp Ðại Hội Thức Hóa chính là những dịp quí hóa để truyền thống Thức Hóa tốt đẹp được phát huy và nảy nở nơi những thế hệ trẻ.

Lm. Ðinh Văn Nghị, OP