Triều đại Quang Trung dưới mắt các nhà truyền giáo Tây phương
Nguyễn Văn Lục – Giới thiệu

Càng lớn tuổi đời, tôi càng nghi ngại những chân lý sự thật đã định trước. Thứ chân lý định sẵn, đúng không thể sai là rất nguy hiểm. Tôi nghi ngại đến gần như nghĩ đến một thứ chủ nghĩa vô tri, chủ nghĩa hoài nghi về sự thật.

Và việc đọc, việc viết đối với tôi bây giờ gần như là công việc dùng đèn pin soi bóng tối trong một đường hầm. Nó khổ chứ chẳng sung sướng gì. Nó làm tôi liên tưởng đến những người tù bị trói suốt đời chỉ được nhìn vào bức tường trong hang mà không có cơ hội ngoảnh ra nhìn phía bên ngoài.

Chân lý, sự thật phải chăng chỉ là những bóng hình phản chiếu trên bức tường trong hang? Và sự thật thì nằm ở chỗ nào?

Trước đây, chúng ta chỉ đọc “chính sử”. Đó là một thói quen đã trở thành nếp, như những sự thật không chối cãi được khi viết về Vua Quang Trung. Đó là một vị vua anh hùng dân tộc vì đã đại phá quân Thanh . Một chiến thắng lẫy lừng, thần tốc, vô tiền khoáng hậu.

Tượng bán thân Vua Quang Trung
Nguồn ảnh: Thomas J. Barnes
Thật vậy, ba anh em họ Hồ đã đổi ra họ Nguyễn chỉ với mục đích “TUÂN MỆNH TRỜI”, Thế thiên hành đạo? Thoạt kỳ thủy chỉ muốn chống triều đình vì nạn sưu cao, thuế nặng và chặt đứt nguồn lợi nhuận làm giầu của bọn vua quan. Phải chăng đã hé lộ ra một ý thức xã hội cách mạng? Người lái buôn Nguyễn Nhạc bỗng chốc trở thành người hùng làm nổ ra phong trào phản kháng. Sự suy nhược, yếu hèn, tham lam ô trọc của từng lớp thống trị phải chăng là dọn đường hay là tiếng pháo lệnh cho một cuộc nổi dậỵ? Cướp thành Quy Nhơn, phá Trịnh cưỡng Lê như dọn đường cho một cuộc cưỡng chế: “Vua Lê đã không giữ được nước thì các trấn từ Thanh Hóa ra, Tây Sơn không lấy, người khác cũng lấy”.

Lấy rồi thì bọn Lê thần phải mời Tôn Sĩ Nghị với 20 vạn quân Thanh sang làm cỏ nước Nam. Tôn Sĩ Nghị chỉ quên một điều, không thuộc những bài học lịch sử của những tiền nhân của y, khi tràn xuống phương Nam? Nghị đã cẩn thận dùng những tấm lá chắn bằng da trâu sống để làm mộc che tên lửa của Tây Sơn. Nhưng Nghị lại nghĩ tới vơ vét, buôn bán và cho quân sĩ nghỉ ngơi thay vì đánh tiếp một mẻ đến tận sào huyệt của Tây Sơn. Cái thế đánh như chẻ tre đã làm Nghị khinh địch, coi thường Ngô Văn Sở và chỉ ngồi đó “thiết triều” nhìn Lê Chiêu Thống quỳ gối vào chầu mỗi buổi? Nhưng chẳng ai ngạc nhiên và hỏi xem bằng cách nào 20 vạn quân Tôn Sĩ Nghị tràn được xuống phía Nam? Đi bằng gì, lương đâu, ăn bằng gì trong suốt dặm đường chinh chiến chỉ có núi đèo?

Nhưng rõ rệt là có một chiến thắng. Chiến thắng đó đó góp phần vào một lịch sử vẻ vang chẳng những cho triều đại Quang Trung mà cho lịch sử tộc Việt. Tuy nhiên, đó là giòng sử Việt có nhiều hào quang sáng chói, nhưng phải chăng cũng có nhiều huyền thoại chung quanh người anh hùng áo vải?


Vua Quang Trung Nguyễn Huệ là một vị vua mà sau này cả hai phía người Quốc Gia cũng như người Cộng Sản đều trân trọng coi như một vị anh hùng dân tộc. Một phần, nó thỏa mãn tự ái dân tộc của chúng ta, thỏa mãn cái mặc cảm thua kém đã bị người Trung Hoa đô hộ. Nhưng phải chăng đó là những sự thật của lịch sử?

Khi đọc những lá thư trao đổi giữa các thừa sai Công giáo người Pháp từ thế kỷ thứ 18 chúng ta sẽ hiểu rõ thêm về triều đại Tây Sơn. Những lá thư này không phải là chính sử, nhưng nó lại chứa nhiều sự thật mà chính sử có thể bỏ qua hoặc đã bóp méo sự thật vì lý do chính trị. Mặc dù vậy, cái nhìn của các vị thừa sai này có bị giới hạn vì họ luôn luôn coi Nguyễn Ánh Gia Long là chính thống. Họ gọi Nguyễn Ánh bằng Vua Nam Hà. Còn họ gọi Tây Sơn chỉ là bọn phiến loạn Nam Hà.

Nhưng hãy cứ đọc để thấy xem sự thực lịch sử nằm ở chỗ nào?

Và đây là vài dữ kiện về quân lính Tây Sơn:

Những kẻ man rợ từ cao nguyên miền Nam đến không biết gì về thuật cai trị cả. Họ chỉ biết cướp phá quấy nhiễu mà không sợ bị truy nã. Họ đã lấy hết tiền bạc của vương quốc., tất cả các dược phẩm của các y sư và dược tế sư. Họ đã bắt những kẻ cầy ruộng tại thôn quê đi lính. Họ đã đốt phá một phần lớn các làng mạc và đã hành hạ dân chúng với thuế má và khổ dịch. (bởi thế nên mới có đói kém, dịch hạch và số tử xuất người và súc vật tăng lên)... Vì ông ta (Quang Trung) là một người có can đảm và được coi như một Alexandre tại đây, nên ông lập tức xuất chinh đem theo tất cả thanh thiếu niên và bô lão mà ông bắt gặp. Quân đội ông trông giống như một toán bệnh nhân ốm yếu hơn hơn là một đoàn chiến binh. Nhưng không can gì. Những binh lính khốn khổ ấy đã tiêu diệt quân Trung Hoa hồi đầu năm.

Trong khi đó dân chúng đáng thương đang chết đói. Mùa này, tháng 10 âm lịch, năm 1788 đã bị mất vì đại hạn vào mùa hè năm trước. Vị tân chúa tể của chúng tôi ít mê tín hơn chủ tể các thế kỷ trước. Họ đã cướp phá chùa và họ đã đốt những ngôi chùa danh tiếng nhất của các cựu vương Bắc hà. Nắng quá, mưa quá, bệnh dịch, cướp. Nhà nào có mấy người thì bắt đi lính cả, 6 người đi cả 6, nhà có 5 người thì đi cả 5, không kỳ già nua, trẻ yếu... quân này nó lấy sự chém người ta như chơi vậy... Có khi cả làng, có khi một phần làng bị tàn phá, nhà cửa không còn người ở, ruộng noơng bị bỏ hoang không ai cầy cấy. Cả xứ hoang tàn. Nơi nào cũng chỉ có khủng bố tang tóc và tiếng khí giới xô xát, kêu lẻng xẻng.


Và họ kết luận như sau:

Tôi phải nói rằng lũ quân phản loạn, mọi rợ đó mà người ta gọi là Tây Sơn theo tiếng bản xứ, đã tàn phá đất nước này từ 4 năm nay. Chúng thật là lũ quỷ hiếm có trên thế gian này. Đó là một giống người gian manh, dữ tợn, chỉ biết chém giết, đánh nhau không chừa nam nữ, không nể chức vụ hay tuổi tác, luôn luôn làm hại, tàn ác, phá phách, cướp bóc.


Đọc mà như thể sống lại cái thời kỳ đó với bao khốn khổ, oan nghiệt, chết chóc, tàn phá do chiến tranh. Không khỏi bùi ngùi. Không hẳn là không có phần lớn sự thật?

Và sau đây là những nhận xét của các thừa sai về quân lính Tầu và cho biết do đâu mà họ đã thua trận. Vua Chiêu Thống kế vị vương của ông là Cảnh Hưng đã cầu viện Hoàng Đế Càn Long bên trung Hoa.

Càn Long đã gửi một số khá đông quân lính sang Bắc Hà vào khoảng cuối năm ngoái, 1788, nhưng đoàn quân vừa yếu, vừa quá mê tín dị đoan. Giống như vị hiền triết Hy Lạp nói: “Tôi mang mọi thứ theo tôi”, lính Trung Hoa mang theo cả điếu hút, bát đĩa và các hành trang phụ klhác, đeo lủng lẳng ở thắt lưng họ. Họ vừa là lính, vừa lái buôn bồi bếp... Bởi vậy, quân Tầu đã không động binh, chỉ nghĩ đến kiếm lợi với nhau và với dân Bắc Hà. Trong khi đó quân Nam Hà chưa bỏ cuộc. Họ đã tập trung gần nơi chúng tôi ở bên kia sông tại một nơi gọi là Vặn làng. Nếu quân Tầu muốn đánh đuổi họ chắc cũng đuổi được họ một cách dễ dàng khỏi vương quốc.


Về tổn thất của quân đội Tầu thì không đến nỗi to tát với hàng vạn binh lính Tầu bị giết như sử sách của ta ghi chép lại đâu:

Quân Tầu này cũng gây thiệt hại cho quân Nam Hà và cũng tỏ ra có chút giá trị. Chiến phẩm của họ gồm có bạc, quần áo, vải lụa, v.v... đã vào tay quân Nam Hà và độ 3400 người bị bắt làm tù binh.



Sau trận đó quân Trung Hoa đã lên đường trở về nước

Sau đó quân Trung Hoa trở về nước... Trở về nước có nghĩa là chúng không xô đẩy, dầy xéo, đạp lên nhau mà chết, thây chất đầy sông như sử sách ghi lại.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu trực tiếp một số đoạn tiêu biểu trong tập tài liệu gồm những bức thư trao đổi giữa các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo tại Việt Nam và Trung Hoa cùng những bản tường trình của họ cho các vị Giám Đốc Giáo Hội, hiện được tàng trữ tại Văn Khố Hội Truyền Giáo Paris (Archives des Missions Etrangères de Paris). Những tài liệu này đã được đóng thành tập và được xếp theo thứ tự từ số 1 và dưới ký hiệu Tonkin và Cochinchine.

Những văn liệu liên quan đến Tây Sơn từ năm 1787 đến 1792 ở trong tập Tonkin 692 đến 700 và Cochinchin 740 trở đi. Một số thư đã được đăng tải trong bộ: “Lettres Édifiantes et Curieuses” và “Nouvelles Lettres Édifiantes et Curieuses” hay trong các bài báo của ông Cordier L.M. Cadière. (T’oungpao, B.A.V.H., B.E.F.E.O...)

Hiện nay còn rất nhiều những tài liệu về Tây Sơn cũng như về Việt Nam Văn Khố của Hội Truyền Giáo Paris vẫn chưa được khai thác. Đó là một điều khiếm khuyết rất lớn cho sử học Việt Nam bởi các tài liệu này rất quí giá, cho biết thực trạng xã hội Việt Nam trước thời Pháp thuộc, có thể bổ túc cho sự thiếu sót của sử liệu nước nhà.

Phần trích dẫn dịch thuật ở trên và sau đây do Đặng Phương Nghi hoàn chỉnh và đã được Tập san Sử Địa, do Nguyễn Nhã chủ biên, ấn hành trong số 17, 1969 tại Sài Gòn. Xin trân trọng giới thiệu.


Tập Tonkin 662

06/07/1789: Thư của ông Lefro (1) gửi cho ông Blandin (2) [tr. 111]

Họ Trịnh và nhà Lê đã suy. Dường như họ không bao giờ có thể khôi phục cơ nghiệp được nữa. Tất cả các đại thần đã bị giết. Ông Coung Chỉnh (3) hữu danh, người đã mang chiến tranh đến ngay tại xứ sở của ông đã bị xử trảm tại kinh thành [tr. 112], cùng với người con trai ông. Các tòa án không còn quan tòa. Những kẻ man rợ (4) từ cao nguyên miền Nam đến không biết gì về thuật cai trị cả. Họ chỉ biết cướp phá quấy nhiễu mà không sợ bị truy nã. Họ đã lấy hết tiền bạc của vương quốc, tất cả các dược phẩm của các y sư và dược tế sư. Họ đã bắt những kẻ cày ruộng tại thôn quê đi lính. Họ đã đốt phá một phần lớn các làng mạc và đã hành hạ dân chúng với thuế má và khổ dịch (bởi thế nên mới có đói kém, dịch hạch và số tử xuất người và súc vật tăng lên). Vua Chiêu Thống (5), kế vị vương của ông ngài là Cảnh Hưng đã cầu viện Hoàng Đế Càn Long bên Trung Hoa. Càn Long đã gửi một số khá đông quân lính sang Bắc Hà vào khoảng cuối năm ngoái (1788) nhưng đoàn quân vừa yếu vừa quá mê tin dị đoan. Giống như vị hiền triết Hy Lạp đã nói: “Tôi mang mọi thứ theo tôi”, lính Trung Hoa mang theo cả điếu hút, bát đĩa và các hành trang phụ khác, đeo lủng lẳng ở thắt lưng họ. Họ vừa là lính vừa là lái buôn, bồi bếp...

Tây Sơn: Cuộc nổi loạn thế kỷ thứ 18 tại Việt Nam
Nguồn ảnh: Thomas J. Barnes
...Quân Thanh thoạt đầu đã đánh đuổi quân Nam Hà khỏi Kinh Thành. Vua Bắc Hà đã được đặt lên ngôi trở lại. Người ta đồn rằng Hoàng Đế Mãn Thanh đã biếu nhà vua một số tiền lớn, mà nhà vua cần món tiền này lắm. Nhưng các tướng nhà Thanh không được quảng đại như vậy. Chắc họ tưởng rằng vua Chiêu Thống sẽ biết ơn họ và sẽ đền bù công khó nhọc của họ. Nhưng ông vua nghèo cai trị một xứ nghèo như xứ này không thể thỏa mãn từng đó túi tham. Bởi vậy quân Tầu đã không động binh, chỉ nghĩ đến kiếm lợi với nhau và với dân Bắc Hà... Trong khi đó, quân Nam Hà chưa bỏ cuộc. Họ đã tập trung gần nơi chúng tôi ở bên kia sông tại một nơi gọi là Vặn Làng (6). Họ còn chặn tất cả những lối đi từ xứ Nam tới hai xứ Thanh-Nghệ. Nếu quân Tầu muốn đánh đuổi họ chắc cũng đuổi được họ một cách dễ dàng khỏi vương quốc. Trong khi đó Tân Vương Nam Hà đã kịp hay tin quân Tầu tới và những chiến công của họ. Vì ông ta là người có can đảm và được coi như là một Alexandre tại đây, nên ông lập tức xuất chinh đem theo tất cả thanh thiếu niên và bô lão mà ông bắt gặp. Quân đội ông trông giống như một toán bệnh nhân ốm yếu hơn là một đoàn chiến binh. Nhưng không can gì! Những binh lính [tr. 113] khốn khổ ấy đã tiêu diệt quân Trung Hoa hồi đầu năm.

Quân Tầu này cũng gây thiệt hại cho quân Nam Hà và cũng tỏ ra có chút giá trị. Chiến phẩm của họ gồm có bạc, quần áo, vải lụa v.v... đã vào tay quân Nam Hà và độ ba ngàn 3,400 người của họ bị bắt làm tù binh. Sau trận đó quân Trung Hoa đã lên đường trở về nước. Có thể tin chắc rằng Hoàng Đế Mãn Thanh sẽ không được hài lòng lắm về chiến trận này và ông sẽ không đợi gì mà chẳng gửi sang đây đội quân khác được chỉ huy chỉnh bị khá hơn. Trong khi đó dân chúng đáng thương đang chết đói. Mùa này tháng 10 (âm lịch) năm 1788 đã bị mất vì đại hạn vào mùa hè năm trước. Gạo cũ còn lại của mùa trước thì bị vơ vét vào kho lương địch thành thử ngay cả lái buôn cũng chết đói [có cả bệnh dịch nữa]. Vị tân chúa tể của chúng tôi ít mê tín hơn chủ tể các thế kỷ trước. Họ đã cướp phá chùa và họ đốt những ngôi chùa danh tiếng nhất của các cựu Vương Bắc Hà [Nói về Linh mục Hóa đến thăm Lạc Thổ tại xứ Thanh ở ranh giới xứ Thượng, xứ Đoài và xứ Nam, về những người Thượng có phong tục khác hẳn người Bắc Hà]. Các làng gọi là Mường và xã trưởng gọi là Lang. Các Lang có uy quyền lớn. Đó là một thứ tiểu vương có quyền sinh sát dân làng. Dân dưới quyền ông ta phải cày ruộng ở cạnh nhà cho ông ta và chịu tất cả tổn phí bắt buộc để nuôi con ông ta hay chôn cha mẹ ông ta... Những người Mường đó rất giản dị mộc mạc và sống như những người thời Hoàng Kim mà ta thường tưởng tượng đến.

Phần đông họ không biết ất giáp gì, không đếm ngày và cũng không đếm năm. Họ ăn cơm với muối không thêm nước chấm, rau cỏ hay thịt cá gì. Thật là một đời sống khổ cực. Họ không có vườn hay có tiền. Để trả thuế má họ phải đi thật xa bán gạo bởi tại cả châu huyện không có hội chợ nào. Họ để lúa trong nhà họ và mỗi buổi sáng họ phải đập lúa để có đủ gạo cho ban chiều hôm đó. Làng họ ở trên núi và trên dốc đồi. Họ không thích đồng ruộng mà họ chỉ dùng để gieo mạ. Mỗi làng có nhiều nhất là 40 nóc gia. Mỗi gia đình có tòa nhà vuông rộng chia ra làm 3 phần bằng nhau ở dưới là chuồng ngựa. Con cái họ kể cả những người lập gia đình...


04/07/1789: Thư của Vincente Lâm ký (7) [tr. 127].

“...Năm sau, ngày ấy tháng ấy (30/01/1788) tôi đã được (thư) vì năm ấy có tầu Frégate nước Phalansa đem năm thầy cả và các thư bởi Macao mà về nước Annam.”
[Nguyên văn chữ quốc ngữ]

05/07/1789: Thư của ông Eyot (8) gửi cho ông Blandin [tr. 128-30].

...Người ta thu thuế không ngừng và thuế nặng quá đáng đến nỗi nhiều hàng “xiêu đi” [nguyên văn]. Lúc bấy giờ thì quân địch vào nhà và cướp đoạt tất cả cái gì vừa mắt chúng. Đó là số phận của những làng đáng thương không đủ sức nộp thuế. Dân Bắc Hà bất hạnh của chúng ta còn phải chịu sự tham lam vô bờ bến của quân địch và của người Bắc Hà trốn phe địch nữa, nếu không có một trận lụt làm mất mùa tháng 10 khiến dân chúng lâm vào một cảnh nghèo khổ vô cùng [có làng mất đi ½ hay ¾ dân số người còn thì bỏ đi] mùa tháng 5 đã chặn sự đói kém nhưng quân Nam Hà vẫn tiếp tục thu thuế; vì tại nhiều nơi mùa gặt không được phong phú và vì nhiều làng chỉ trồng cấy một phần ruộng của họ hoặc vì họ đói quá không đủ sức cày hoặc tại chủ ruộng đã chết hoặc vì một lý do nào khác, nên chẳng bao lâu nữa dân chúng có thể lại rơi vào sự nghèo khổ.

...Hết đói kém lại đến bệnh tật...

Kẻ Vĩnh (9) 06/07/1789: Thư của ông La Mothe (10) gửi ông Blandin [tr. 132-5].

[Đói kém... Vua đã ẩn tránh tại nhà một võ quan công giáo; ông này rước vua tới nhà một người nông phu công giáo, cha vợ của ông ta, và vua đã cải trang trong 3 tháng]. Nhà vua [Chiêu Thống] đã được quân Trung Hoa đặt lên ngai vàng trở lại vào cuối năm ngoái, cha vợ thì trở thành thượng thư [tr. 135] người con làm đại thần.


12/07/1789: Thư của ông Sérard (11) gửi ông Blandin [tr. 136-].

[tr. 137] Chúa Trịnh thua. Lộn xộn sau khi quân Tây Sơn rút lui. Không một vị tướng nào có thể ngăn cấm dân chúng cướp bóc lẫn nhau, đánh nhau, đốt phá, không chịu nộp thuế cho vua hay cho chúa và như thế trong 4 tháng trời.

[tr. 138] [nói về] Sự kiêu căng của các võ quan tân chính quyền.

Sự nghi kỵ giữa các tướng sĩ, nhất là sự mê tín của vị vua trẻ tuổi [Chiêu Thống] đối với “thần” mà ông thăng tước hay thưởng... [quân phiến loạn trở lại; vua và Coũ Chỉnh thua] quân địch ngay khi đó đã vào kinh thành, đại tướng đã bị kết tội mưu phản đã bị xử trảm. Vua đã chạy vào rừng. Chuyện này xảy ra hồi năm 1788 khi chiếc Tầu Pháp mang giáo sĩ đến [quân Tây Sơn có hay việc này và có bắn đại bác vào phía Tầu... vua chạy đến hạm đội của ngài nhưng không thoát] vua đã chạy về phía bờ biển ở xứ nam và từ đó rút lui vào trong núi bằng đường bộ, vài chiếc Tầu đã đi về phía duyên hải các trấn miền đông; đó là những chiếc Tầu duy nhất không rơi về tay địch.

[tr. 140] “quân Tây Sơn là ‘quân quảng’”
“quân Trung Hoa là ‘quân Ngô’”

“... Nắng quá, mưa quá, bệnh dịch, cướp (?) Nhà nào có mấy người thì bắt đi lính cả, 6 người thì đi cả 6, nhà có 5 người thì đi cả 5 (không kỳ già nua, trẻ, yếu)... quân này nó lấy sự chém người ta như chơi vậy... Ngoài nước Nam bây giờ đang bắt làm thành lũy khó nhọc lắm; Trão xứ Nghệ đã làm 3, 4 nơi, làm chỗ nọ rồi lại bỏ đi làm nơi khác bắt cả thảy thảy lên rừng đành gỗ, chém củi, nung gạch [tr. 141] ganh đất ganh cát làm đền làm phủ (động gì thì chém)”
[Nguyên văn]


Kẻ Đầm 17/01/1790: Thư của ông Sérard gửi ông Blandin [tr. 153-6].

[tr. 154] [Dịch hạch, chiến tranh đói kém].

... Có những làng mạc xưa nay đông dân cư bây giờ không còn ai, có cả hàng huyện nữa như vậy: Thạch Liêm, Bình Lục, Thiên Bản bị tàn phá và Gia Viễn (14) ở xứ Thanh gần như không còn ai nữa.

20/01/1790: Thư của ông Eyot gửi ông Blandin [tr. 207-9].
Ba tai ương: Đói kém, dịch hạch và chiến tranh, đã sát hại nhiều người, người ta đồn rằng “khí Địch” (15) hiện cai trị ở xứ Nghệ! Xứ này đã bị tàn phá nhiều. Biết bao người đã chết ở đó. Ngay đến cọp cũng ăn thịt mất 10 người trong 15 ngày, trong số đó có 1 nữ tu sĩ của chúng tôi.

[tr. 208] Ông Letondal viết cho tôi rằng chúa Nguyễn hiện ở Nam Hà. Người ta đồn rằng quân Bồ Đào Nha giúp ngài trong cuộc viễn chinh của ngài...

28/05/1790: Thư của ông La Mothe gửi ông Blandin [tr. 216].

Tiếm Vương Quan Trung yên hưởng kết quả của sự tiếm ngôi dầu lời đồn [ngược lại]... ông vẫn đắm chìm trong niềm hoan lạc và bình thản hưởng cái kết quả của những chiến thắng của ông tại Phú Xuân, và như chúa Sơn Lâm, tuy ra vẻ nằm ngủ nhưng sẵn sàng vồ mồi nếu kẻ nào chọc tới nó.

Về phần dân Bắc Hà chúng tôi, chúng tôi chỉ có một cậu bé 6, 7 tuổi là con cả (16) của tiếm vương, làm vua hay đúng hơn làm chúa, nhưng cậu bé đó có đại tướng và đại thần biết kiềm chế chúng tôi và bắt chúng tôi vâng lời.

[Chiêu Thống có yêu cầu ẩn tránh tại nhà dân công giáo của Cha Thành ở xứ Đoài, ông đã cải giáo, chúa cũng vậy?]

Kẻ Đầm 18/01/1791: Thư của ông Sérard gửi ông Blandin.


[tr. 224] Gần cửa nhà chúng tôi, ở giữa làng này có một trại lính gồm tất cả lính huyện Thanh Liêm (17). Họ để chúng tôi muốn làm gì thì làm. Trại của trấn thủ từ Hiến (18) đem về Sở Kiện (19) cũng tại huyện này, rất dễ chịu. Chỉ có tại xứ Nghệ là họ quấy nhiễu không nể nang ai.

(Còn tiếp)


© DCVOnline