----------TÌM HIỂU TRIẾT VIỆT

 

 

 

 

 

 

 

 

I . Huyền Sử Hồng Bàng

Với Tâm Thức Lưỡng Hợp

 

Tuổi thơ của chúng ta ai không ít nhất thuộc vài câu chuyện cổ xưa, chuyện lập nước Văn Lang, của thời đại Hồng Bàng 18 vua Hùng. Bọc Mẹ Trăm Con cũng đã ấm lòng bao mối tình yêu người yêu nước yêu quê, nhất là nơi khắp đời lưu lạc tha hương.

Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng sao Bọc Mẹ lại bị chính các con Mẹ xé tọac đau thương? Tổ ấm của Chim Hồng, chim Lạc, nay còn đâu nữa?

     Việt Nam Quê Hương còn có gì để học hỏi, tìm về? Và gia tài tinh thần nào, chúng ta, những kẻ bất đắc chí phải lữ thứ tha hương, còn  có để trao gửi lại thế hệ mai sau?

Quê Hương có  chỉ là “ Chùm khế ngọt” không?  Bóng Mẹ có về trên cầu tre nhỏ lênh khênh như các khúc hát ru ngủ hồn người lạc bến mê nào?  Quê hương tan nát, quê hương rã rời, đâu phải là khúc hát lời ru …

     Cho nên có một chiều trên đáy vực đau thương, tận cùng mê lộ, mở dòng sử mệnh dựng nước, dựng nhà, tìm về đạo nước, đạo nhà…Xem có con đường nào về với Quê Hương. Miền Quê Hương Tinh Thần không ai có thể đánh tráo, biển lận, bôi đen hay là nhuộm đỏ. Thử bàn về một ý nghĩa nào khác hơn là văn thơ nhẹ nhàng về các câu chuyện của nước Văn Lang với các Vua Hùng, một đề tài về Triết Việt.

    Nói đến Triết Việt hẳn trong chúng ta cũng có thể có câu hỏi: Chúng ta có một nền tư tưởng, văn hóa đặc sắc nào khả dĩ gọi được là Triết không? Thế giới có Triết Tây, Triết Đông chứ chưa ai đề cập đến Triết Việt bao giờ. Vâng. Quả thực trước kia chúng ta chưa hề nghe cha ông, các bậc tiền bối nói về hai chữ Triết Việt. Thế nhưng, kể từ những năm 1960 trở đi, tại quê nhà, các sinh viên, trí thức, các vị quan tâm tới văn hóa, đã có một thời xôn xao, khi Cố Triết Gia, Giáo Sư Lương Kim Định, đã tuyên bố một cách hùng hồn rằng dân tộc Việt có một nền Triết đặc thù. Ngài đã tuyên dương nền Triết Việt ấy bằng một bộ sách Triết Lý 32 quyển, viết trong suốt  một đời người, kể từ 1960 ở  Việt Nam  cho tới khi ngài từ trần 1997 tại hải ngọai.

     Trước hết chúng ta thử tìm hiểu xem căn cứ vào đâu mà Triết Gia Kim Định khám phá được kho tàng Triết Việt cho dân tộc chúng ta? Chúng tôi xin tóm tắt nền tảng xây dựng Bộ Sách Triết Việt đầu tiên  ấy có thể  căn cứ nơi BỐN phạm trù  sau đây:

1-  Từ

2-  Tượng

3- Số

4- Chế.

   

      TỪ có nghĩa là từ ngữ, lời văn, lời nói. Thí dụ như những truyện tích cổ xưa, các vần ca dao, các câu tục ngữ, những lời nói truyền miệng trong dân gian…Những Từ này khi tìm hiểu  cặn kẽ, sâu xa thì ta thấy tất cả dường như có mối liên hệ chặt chẽ, chuyên chở những ý nghĩa đơn sơ mà thâm thúy  trong Tư Tưởng và Nhận Thức của tiền nhân Việt.

    

       Ngòai các từ ngữ  ra, Tổ Tiên Việt còn để lại dấu ấn tư duy qua hình TƯỢNG như hình ảnh, nét vẽ, dấu vết ghi lại cảm xúc, ý thức, cuộc sống, ước vọng tâm linh … qua các hoa văn trên các di vật đồ sứ, đồ gốm, đồ đồng cổ xưa. Họặc ngay trong các vật dụng thường ngày như cán dao, hòn sỏi v.v… mà khảo cổ  đã tìm được. Đặc biệt nhất trong lãnh vực Tượng này chúng ta phải kể đến nghệ thuật và ý nghĩa được khắc trên các Trống Đồng  của Việt Tộc  cách nay 3000 năm. Chúng tôi sẽ xin trở lại với vấn đề này trong dịp khác về nền Minh Triết Trống Đồng, họa đồ Tâm Linh của Dân tộc Việt.

 

      Nhưng không phải chỉ ở khía cạnh  TỪ  và TƯỢNG mà thôi, ở nơi chính các CON SỐ tầm thường nữa, Tổ tiên ta đã gửi gấm lại cho chúng ta các kinh nghiệm tâm linh về mối quan hệ nền tảng của các quy luật trong vũ trụ, tự nhiên, con người cũng như  xã hội. Những con số tiêu biểu cho các chân lý sâu xa, nền tảng ấy  như số 2, số 3, cặp số 2-3 mà chúng ta thường nghe  là : Vài - Ba hay là con số 5 chẳng hạn,  như trong câu ca dao:

      Ai về đường ấy hôm mai,

      Gửi Dăm (5) điều nhớ gửi vài (2) điều thương… 

 

Hay là câu:

     

      Cưới em quan tám tiền cheo,

      Quan Năm (5) tiền cưới lại đèo buồng cau…

 

      Còn  CHẾ  là là nề nếp sinh họat, thói tục, thể chế nơi đời sống gia đình, làng xóm, xã hội . Chế  không bị đồng nhất  khi có sự giao lưu với các nguồn văn hóa khác. Nó đặc biệt bền vững qua thời gian, qua bao thăng trầm của lịch sử. Như thế, CHẾ là thuần phong, là mỹ tục, là lễ nghĩa ràng buộc mỗi cá nhân trong xã hội  lại với nhau một cách đặc thù, riêng biệt.Việt tộc đã  có thể chế  tuy có thể trộn  nhưng không lẫn, hòa nhưng không tan  qua hàng bao ngàn năm giữ nước. Tinh thần, đặc sắc này được thể hiện qua đời sống “ Phép vua thua lệ Làng” ở khắp chốn làng quê, chúng ta nếu có dịp tìm hiểu thì thấy rất  rõ.

      Như “Hoa Cau mọc ở vườn cau”, Triết Việt xuất phát và tồn dưỡng nơi Làng Việt, mà cũng là Quê Việt.

 

      Như vậy, Bốn lãnh vực khác nhau này: Từ, Tượng, Số, Chế tuy có vẻ khác biệt, đa dạng về hình thức, về cách biểu lộ, diễn tả… nhưng lại có một sự Thống Nhất, chặt chẽ về nội dung, về những ý nghĩa làm nền tảng tư tưởng và sinh họat của dân tộc Việt từ bao ngàn năm xa xưa.

     Mối liên hệ sâu xa, thống nhất , quán triệt ấy của Tư tưởng và Văn hóa của tiền nhân Việt đã mang đầy đủ  giá trị của một nền Triết học khả dĩ có thể thấm vào tận chiều kích sâu thẳm của tâm hồn, rung động được lòng người, cũng như lan tỏa khắp vũ trụ, nhân gian, để người Việt có thể sống với,  làng nước Việt  đuợc an lạc, thái hòa, thì không những Việt Tộc ta đã có Triết, mà còn là một nền Triết thượng thừa, siêu việt, xứng đáng là Minh Triết nữa.

     Vì, Minh Triết là gì, có phải rằng Minh Triết chỉ là Nghệ Thuật sắp xếp cuộc sống làm sao cho con người đạt được niềm Bình An và Chân Hạnh Phúc ?

    Trước khi đi vào sự nghiên cứu sâu rộng thêm Bốn lãnh vực căn bản: Từ, Tượng, Số, Chế của Minh Triết Việt chúng ta thử ôn lại với nhau về vài  ba truyện tiêu biểu của kho tàng  truyện tích cổ xưa, mà Triết Gia Kim Định  gọi là Huyền Sử, thí dụ như Huyền Sử Tiên Rồng, Huyền Sử Bánh Dầy Bánh Chưng, Phù Đổng Thiên Vương v.v…

      Về Huyền Sử theo Minh Triết An Vi, Huyền theo nghĩa đen là sâu xa, ẩn kín, đen tối, không rõ. Còn sử như chúng ta cũng đã hiểu, là những sự việc xẩy ra có thể kiểm chứng được, với thời gian và không gian xác định được. Như vậy, Huyền Sử là những mảnh vụn của sự kiện lịch sử được dùng làm phương tiện để tổ tiên  gửi gấm vào đó những ý nghĩa sâu xa  vượt qua không gian và thời gian của câu truyện lịch sử.

     Hay nói cách khác, nói đến Huyền Sử là nói đến việc triết lý bằng lịch sử. Như thế việc chúng ta cùng nhau ôn lại câu truyện Huyền Sử của Dân tộc Việt, chính là tìm đến tận ngọn nguồn của Minh Triết Việt. Có như thế việc đi tìm nền tảng xây dựng nền Triết Việt cho hợp với cảm quan của thời đại mới là việc thực sự giá trị và cần thiết vì nó  tiếp cận chiều kích sâu xa của tâm linh dân tộc, chất liệu sống muôn đời của chủng tộc Việt chúng ta. Do đó, Tìm Về để mà Sống Với Minh Triết Việt của Tổ Tiên cũng chính là sự giải quyết tận gốc rễ tình trạng người Việt bị vong thân, vong bản, vong quốc của thời đại hôm nay dù ở cả trong hay ngòai đất nước .

      Dân tộc chúng ta có một câu truyện Huyền Sử mở đầu việc dựng nước, dựng nhà rất thơ mộng  mà tinh khiết, đó là Truyện Hồng Bàng hay còn gọi là Truyện Con Rồng Cháu Tiên mà người Việt nào cũng còn ghi nhớ. Truyện tuy truyền miệng đã lâu đời từ thuở dựng nước dựng nhà của dòng sử Việt từ 2879 trước Tây lịch, có nghĩa là cách nay gần 5000 năm, nhưng chỉ mới được viết thành văn bản trong sách Lĩnh Nam Trích Quái của Trần Thế Pháp, và Vũ Quỳnh hiệu đính vào cuối thế kỷ thứ 15 cách nay khỏang 500 năm. Dù câu truyện có khác biệt đôi chút qua sự truyền khẩu và sách nhưng tựu trung cũng tương tự với những ý nghĩa chính  có nghĩa là Minh Triết là Chủ Đạo.

 

     Truyện truyền rằng:  Vua Đế Minh là cháu ba đời Viêm đế họ  Thần Nông , có con là Đế Nghi rồi nhân  đi chu du xuống phương Nam, gặp Tiên ở núi Ngũ Lĩnh, cưới về sinh ra con trai là Lộc Tục.Đế Minh lập Đế Nghi làm vua ở phương Bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua ở phương Nam, tên là Kinh Dương Vương, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ.

    Rồi Kinh Dương Vương xuống thủy phủ, cưới Long Nữ con gái vua Động Đình, sinh ra Sùng Lãm, túc là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân nối ngôi cha, sau kết duyên với Âu Cơ, dòng giống Tiên, sinh đươc 100 trứng trong một bọc. Sau trăm trứng nở ra 100 người con trai, tự nhiên trường đại, trí dũng song tòan.

     Một ngày kia, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng “Nàng là dòng giống Tiên, ta là dòng giống Rồng, khó thích hợp để có thể sống chung dài lâu. Vậy nàng đem 50 con lên núi, ta đem 50 con xuống biển. mà sinh sống. Nhưng hễ có chuyện gì, thì cùng nghe nhau, không được bỏ nhau, và hẹn gặp nhau ở nơi Tương Dã “(tức là  Cánh Đồng Tương).

     Từ đó, Âu Cơ ở tại Phong Châu (huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên bây giờ) .Người con trưởng làm vua hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang. Về bờ cõi thì Đông giáp bể Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc giáp Động Đình Hồ, Nam đến nước Hồ Tôn

 ( sau  này là Chiêm Thành). Nước Văn Lang của Vua Hùng chia làm 15 quận, truyền được 18 đời Hùng Vương thì bị mất vào tay Thục Phán  năm 258 trước Tây Lịch . 

      Về lịch sử, xã hội  đối chiếu với khảo cổ, thời Hùng Vương nằm trong thời văn hóa Phùng Nguyên (khỏang  3000 năm trước Tây lịch) đến Văn Hóa Đông Sơn (khỏang 900 -700 năm trướcTây lịch cho đến 200 năm sau T.L.). Từ Thời Phùng Nguyên đến Đông Sơn người Việt Cổ đã biết thuần hóa cây lúa nước, gia súc, canh nông, có đời sống nông nghiệp định cư đầu tiên tại Đông Nam Á. Và thêm vào đó sự phát triển kỹ thuật đúc trống đồng, mà nghệ thuật Trống Đồng Đông Sơn là một đại biểu văn minh rực rỡ nhất đã được các nhà khoa học các ngành khảo cổ, di truyền, hải dương…trên thế giới công nhận. Khoa học ngày nay đang trả lại danh dự khai sáng văn minh Đông Nam Á của Việt Tộc – trong đó chúng ta, Lạc Việt, là một chi nhánh chính - cho sự thật lịch sử.

 

    Nhưng còn về mặt Tinh Thần, về khía cạnh VĂN HÓA của Nền Văn Minh Lúa Nước, Trống Đồng, thì thế giới chưa quan tâm đúng mức. Và đó mới chính là việc của chính người Việt chúng ta, chi nhánh cuối cùng của chủng tộc Việt thóat khỏi nạn đồng hóa tàn khốc của người Hán. Do đó chúng ta hôm nay cùng ôn lại Ý Nghĩa Huyền Sử Hồng Bàng để tìm xem Tổ Tiên đã muốn nhắn gửi điều gì cho con cháu?

   

 Để tìm ra MINH TRIẾT của một nền văn minh Cổ Việt đang được thế giới ca ngợi.

 

 

     Qua Huyền Sử Tiên-Rồng, ta có thể thấy hai nguyên lý chính chúng ta có thể chia sẻ:

 

     

 

     Thứ nhất, sự PHÂN LY vì Lý Trí: Khi Lạc Long Quân phân tích sự khác biệt, nào là Rồng khác với Tiên, đó chính là việc ám chỉ sự sử dụng lý trí sắc cạnh, thiển cận vào thực thể tòan diện  của đời sống, nên mọi việc phải tan rã, chia ly.

 

     Thứ hai, sự HÒA HỢP sau bước phân ly.Khi Lạc Long Quân nói rằng có chuyện gì cùng nghe nhau, không xa bỏ nhau, và hẹn gặp nhau ở canh đồng TƯƠNG, là một bước tìm về tình cảm, tâm đạo để giải quyết những khác biệt, chia rẽ.

 

 

     Như vậy ta thấy Tiên Rồng LY BIỆT để mà HỘI NGỘ. Truyện Tiên Rồng  nếu đơn sơ chỉ là bài học cư xử “ Ngòai thì là Lý, nhưng trong là Tình”. Do đó, tuy chia ly mà lai dặn dò không bỏ nhau, nghe lời nhau, và hẹn gặp nhau ở “Cánh đồng Tương”.

 

      Nhưng tìm hiểu sâu sắc thêm, Câu truyện Tiên Rồng vừa chia tay xong lại nói chuyện hội ngộ chính là TÂM THỨC LUỠNG HỢP, là trình độ tâm thức vươn lên khỏi những sự khác biệt bên ngòai của mọi hiện tượng trong vạn vật, khai mở bản chất  hai chiều của một thế giới tuy mâu thuẫn khác biệt nhưng lại không bao giờ  hủy diệt. Mà chính những mâu thuẫn khác biệt ấy lại bổ túc cho nhau, quân bình và hợp hòa với nhau. Cánh Đồng Tương do đó có thể hiểu như là Cánh Đồng TÂM. Vì chỉ khi gặp nhau ở Cánh đồng Tâm, con người mới nhìn thấy mọi phân ly, sai biệt chỉ là tạm thời, tương đối. Và mới đối xử với nhau với một chữ Tình.Trong cảnh giới của Tâm, thì muôn vật  bình đẳng như nhau, vạn hữu thái hòa, làm gì có phân biệt giữa Tiên với Rồng để mà phải chia ly. Nên chúng tôi gọi là Tiên Rồng Hội Ngộ. Cánh Đồng Tương là sự tương quan, bổ túc, quân bình . Có nghĩa là Tổ tiên ta đã TRỰC THỊ, có nghĩa là thấy ngay, không qua lý luận, quanh co, cái  Chân Lý dung hợp, Thái Hòa giữa hai chiều kích trong bản thể vũ trụ, vạn vật, con người.Đó là lý do Tổ tiên ta cứ truyền lại cho con cháu và chúng ta nhận cả HAI vật biểu TIÊN và RỒNG làm biểu tượng cho giống nòi.

 

     Với tư duy tòan diện, với tâm thức lưỡng hợp, Tổ tiên ta đã có một đạo sống quân bình, tương dung, nên Tình thương,  Nhân Nghĩa được dưỡng, được nuôi, tạo được mẫu người Hiền Lành , cái Hiền và Lành cũa Triết nhân hay là Thi nhân của Văn hóa Việt. Ngược lại, ta cứ  thử  nhìn sơ qua các biểu tượng của các dân tộc khác:

Tàu lúc đầu làạch hổ, sau đổi ra Rồng.

Ấn Độ vật biểu là Con Voi

Anh vật biểu là Sư Tử

Nước Pháp chọn vật biểu là Con Gà

Nước Hoa Kỳ có vật biểu là Con Ó.

Ta nhận thấy tất cả các dân tộc khác chỉ chọn MỘT vật làm biểu tượng. Mà chỉ DUY NHẤT có dân tộc Việt chúng ta cứ  giữ cả  HAI BIỂU TƯỢNG làm  gốc cho Người Việt, cho Nhà Việt, cho nước Việt.

Ta rất sung sướng tự nhận mình là Con của Rồng và Cháu của Tiên. Hai biểu tương Rồng- Tiên là nét nổi bật nhất của Tâm Thức Lưỡng Hợp, Thái Hòa của Văn Hóa Việt.   Tóm lại một chữ HÒA có thể nói lên  nét đặc trưng nền móng của Triết Việt.

 

     Nếu trình độ suy tư chỉ ở mức độ một chiều thì từ cách chọn biểu tượng, đến cách lý luận, cư xử sẽ đi đến chỉ chọn một và bỏ một, chỉ có thế này mà không có thế kia. Lốisuy tư hủy diệt bản chất đối lập tự nhiên trong vũ trụ, vạn vật ấy gọi là “ DUY” như duy vật, duy linh, duy tình, duy trí, duy lý, duy tâm…

 

     Trên thế giới tự cổ đến kim, từ tây qua đông ta cứ thấy chiến tranh xung đột, áp bức, tiêu diệt chủng tộc, tôn giáo, đảng phái, giai cấp khác cũng chỉ vì cái lọai suy tư bằng Lý trí, lối suy tư một chiều DUY phiến diện, không tiếp cận được chân lý hòa hợp quân bình  các mâu thuẫn khác biệt của tự nhiên - Chìa khóa của sự sống, bí quyết của thái bình, an vui.

 

   Vào thời Vua Hùng Vương thứ ba , sau khi phá tan giặc Ân rồi,  nhà vua muốn truyền ngôi cho con, mới nhân ngày đầu năm vua Hùng Vương gọi các con lai và bảo rằng người nào thi đua dâng phẩm vật cúng Tổ Tiên được  giải nhất thì se được làm vua. Trong khi bao hòang tử khác lo thi nhau tìm các sơn hào hải vị, trân cam mỹ vị khắp nơi  để mong được trúng giải, thì có một hòang tử tên là Tiết Liệu vì nghèo khó hơn các anh em, nên không có phương tiện đi tìm vật gì quý giá, ngồi than khóc. Một vị Thần Tiên hiện ra chỉ cho Tiết Liệu  cách nấu gạo nếp giã ra làm thành bánh hình tròn,là bánh dầy; và gói gạo nếp với các phẩm vật khác như đậu xanh, thịt làm nhân bên trong, rồi dùng lá chuối xanh gói lại và đem nấu  thành bánh hình vuông gọi là bánh chưng. Do đó đến ngày dự thi, Tiết Liệu có được  một cặp bánh TRÒN –VUÔNG dâng lên cúng Tổ Tiên. Khichấm giải, so với các phẩm vật cầu kỳ khác thì cặp bánh đơn sơ Tròn – Vuông quá đỗi thua kém . Nhưng nhờ Thần Tiên mách bảo, Tiết Liệu thưa với Vua Hùng về Ý NGHĨA của cặp bánh, thì vua Hùng nhận ra ngay đây là người xứng đáng làm vua. Bánh tròn tượng trưng cho Trời. Bánh vuông tượng trưng cho Đất.  Con người sống giữa Trời cùng Đất, là kết hợp tinh hoa của Trời Đất, nên  biết  thuận theo đạo lý hai chiều  tự nhiên ấy mới được tồn sinh, nên dâng cúng Bánh Dầy Bánh Chưng là dâng lên tâm nguyện ấy với Tổ Tiên. Lời và Ý và Chí và Tình của người con đã đẹp lòng vua Hùng vì  nói lên trọn vẹn bản chất  của Con Người, Đạo Làm Người  Đại Ngã cao cả, và nền Minh triết  Vuông Tròn để An Dân. Có nghĩa là  lo cho dân được ăn Bánh Chưng Vuông, nghĩa là đủ ăn, đủ mặc , và lo cho dân  ăn được cả Bánh Tròn của trời: biết đạo lý thờ cúng Tổ tiên , sống đạo làm người Hiền Lành, Nhu Thuận…của Minh Triết Việt.

 

      Cùng theo ý nghĩa VUÔNG - TRÒN đó, ngày nay, con người ngòai việc lo kinh tế, mưu sinh, địa vị xã hội, quyền lợi, trọng sức mạnh, ưa chuộng các giá trị khoa học, kỹ thuật củavăn minh…là mới chỉ dùng có một lọai thực phẩm của Đất, mới chỉ là ăn bánh chưng Vuông .

 

      Chúng ta cũng cần nhắc nhau ăn thêm bánh dầy Tròn của Trời: Bánh tình thương, nhu thuận, nhân nghĩa, hiếu đạo, trọng các giá trị tinh thần, văn hóa, văn hóa tài bồi tâm linh… để cuộc sống được VUÔNG –TRÒN như ước nguyện của Tổ Tiên gửi gấm trong Huyền Sử Bánh Dầy Bánh Chưng mà chúng ta vừa cùng nhau ôlại.

 

    Thật thế, chưa dùng  CẢ HAI thứ Bánh Trời - Bánh Đất, Bánh Tròn – Bánh Vuông  thì chúng ta chưa phải là kết hợp linh thiêng của  Con Rồng Cháu Tiên, có phải thế không, thưa các dòng máu Tiên Rồng còn đang luân lưu trong mỗi chúng ta?

 

 

      Đường về với Minh Triết Việt còn nhiều khám phá. n

 

     Chúng tôi chỉ xin phép bàn một vài góc cạnh  của chân trời Huyền Sử Việt , với những truyện thời các vua Hùng, mà hai truyện Hồng Bàng và Bánh Dầy Bánh Chưng là tiêu biểu . TIÊN-RỒNG hay TRÒN –VUÔNG đều cùng xuất phát từ  TÂM THỨC LƯỠNG HỢP, với đặc tính là THÁI HÒA. Thái Hòa là cái Hòa lớn lao, bao la, tràn  khắp vũ trụ, nhân sinh…Hòa tất cả HAI đối cực, Hòa Hữu hạn với Vô biên, Hòa Tương đối cùng Tuyệt đối , Hòa Vật thể với Tâm linh, Hòa Ý thức  với Tiềm thức, Hoà Lý với Tình, Hòa Ta với Người, Hòa Riêng với Chung…Tóm lại  là HÒA bất cứ đối  cực nào, trên lãnh vực gì.

 

 

     Cũng cần xin lưu ý,  Minh Triết  Hòa Hai Chiều Kích , Hợp Hai Lưỡng Cực  Tiên - Rồng  hay Tròn –Vuông của trình độ Tâm Thức Lưỡng Hợp của Tổ Tiên Việt Tộc  được chính truyền  từ thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang của chúng ta cách đây  5000 năm, cũng  tương tự với minh triết Sắc – Không của Phật giáo được du nhập sau này.  Đó cũng chính là khởi thủy nền tảng Âm - Dương của Dịch Lý mà hơn 2000 năm sau, Khổng Tử đã ngưỡng vọng sâu xa và dùng ngôn ngữ và chữ viết của Hán tộc  để chiếm lãnh chủ quyền Kinh Dịch  của Việt Tộc –  Cuốn Kinh nền tảng của Ngũ Kinh mà ai cũng ngộ nhận là  của Trung Hoa-   Chúng tôi sẽ xin phép trở lại với vấn đề này trong một dịp  khác về “ Cơ Cấu Việt Nho”.

 

 

     Trở lại với hiện tại, thì với khám phá khoa học  và tư duy của con người thời nay, thế giới chỉ là cuộc đại diễn của sự kết hợp : Một mà Hai, Hai mà Một:

 

     Trong đại vũ trụ, hai lực trường  LY TÂM và  HƯỚNG TÂM  tạo nên sự thăng bằng sống động cho các thiên thể.  Đơn vị nhỏ nhất trong vũ trụ là nguyên tử thì có cả âm điện tử và dương điện tử. Ngày nay với thuyết tân vật lý, người ta còn tìm ra, cấu trúc  nhỏ nhất có lúc là HẠT có lúc chỉ là LÀN SÓNG.   Cũng như với thuyết tương đối của Einstein, khối lượng (mass) và năng lượng (energy) không còn biên cương. Chắc chúng ta còn nhớ phương trình E= mc2, E chỉ năng lượng, m là khối lượng, c là vận tốc ánh sáng . Có nghĩa là khi phóng một vật nhanh với  bình phương  tốc độ ánh sáng, thì vật chất trở thành năng lượng. Như thế, ta thấy moi biên giới khác biệt giữa hữu hình và vô hình, vật chất và phi vật chất …bị xóa mờ.

 

     Với các khám phá trên, thì lại càng là một minh chứng Tổ Tiên ta với Minh Triết  có tính Lưỡng Hợp như Rồng – Tiên, Vuông - Tròn rất gần với các thuyết khoa học tân tiến nhất, có nhân bản tính tòan diện phù hợp với vũ trụ tính, tự nhiên tính, nên  có khả năng làm thăng hoa cuộc sống trong sức khỏe, tri thức và họat  động.

 

Quê Hương ta đẹp như thế đó, bạn ơi ! Sao chưa về?

 

Tìm lại Cha Rồng Mẹ Tiên. Và, cùng nhau dậy con cháu gói bánh Tròn Vuông dâng cúng Tổ Tiên, sống theo Tâm Đạo Việt.

 

 

II. - NHÂN CHỦ TÍNH

TRONG HUYỀN SỬ VIỆT

                         

Nhân Chủ là con Người được làm chủ, tâm hồn được an nhiên, tự tại, không bị làm nô lệ cho bất kỳ đối tượng nào .

Thể chế nô lệ  không hề  có ở miền  Viễn Đông  ta, nhưng  ở Tây Phương thì đã có lịch sử cả hàng ngàn năm  cảnh người  nô lệ lầm than  như súc vật, đồ vật . Gần đây, chế độ nô lệ bị bãi bỏ, nhưng không phải do lòng nhân đạo, mà là vì kỹ thuật  tiến bộ nên không cần nô lệ nữa.

     Nhưng như thế, bàn về NHÂN CHỦ, về việc con người làm chủ ở đây có lỗi thời, vô ích không?

     Thưa không, thể chế nô lệ đã đi qua, nhưng hình thức nô lệ mới vẫn đang còn…Trăm ngàn dạng nô lệ mới đang còn. Ở quê nhà, trong xã hội lầm than, đạo lý Việt bị trốc tận gốc rễ, nên người làm dân chẳng giữ nổi cái chân thiện mỹ ban sơ;  kẻ có quyền thì lợi dụng chức tứớc vơ vét sạch của công  cho đầy túi tham tư riêng, làm rách nát tả tơi chút dư đồ nước Việt. Còn chúng ta  nơi này, vật chất không thiếu nữa, nhưng vì nền văn minh sản xuất, kỹ thuật quảng cáo nhồi sọ, làm nhu cầu giả tạo của con người cứ càng ngày càng tăng. Chúng ta không biết dừng lại ham muốn của mình, nên cuộc sống càng âu lo, bon chen, vất vả. Hoặc còn nhiều hình thức nô lệ khác như những sự tranh danh, đọat lợi…làm con người thêm bất an tinh thần. Sống trong tâm thức lệ thuộc các giá trị vật chất phù du,  con người  đều đang làm nô lệ cho  những bảng giá trị  bên ngòai chính con người, đang làm mất đi quyền làm chủ tâm hồn mình, đời sống của mình. 

    

     Như chúng ta đã biết, đa số truyện Huyền Sử của chúng ta là những truyện thời các Vua Hùng dựng nước, cách đây gần 5000 năm.  Ngòai những truyện Hồng  Bàng và Bánh Dầy Bánh Chưng  với Tâm Thức Lưỡng Hợp, chúng ta còn có các truyện khác như: Ngư Tinh, Hồ Tinh, Phù Đổng Thiên Vương, Kim Qui …

Về Truyện Ngư Tinh và Hồ Tinh, như sau:

 

     Truyện Ngư Tinh: Trong biển Đông Hải, thời thượng cổ, có một lòai quái vật, thường gọi là Ngư Tinh, mặt giống như mặt người, mình dài hơn năm mươi  trượng, có nhiều chân giống như rết, biến hóa khôn lường, khó dò được. Mỗi khi đi đâu thì nổi cơn mưa gió, hay ăn thịt người, khiến ai nấy đều sợ hãi.

Ngư Tinh thường ẩn nấp trong hang đá, miệng răng nhô ra ngòai bờ biển, thuyền của nhân dân qua đó thường bị hại, phong ba hiểm yếu, họ không có đàng nào mà tránh; muốn mở một lối đi khác thì họ lại gặp cát đá, không thể nào đào được.

     Lạc Long Quân thấy thế rất thương dân, mới làm một con thuyền lớn, ra lệnh cho Thủy Dạ Xoa cấm thần biển không được làm sóng gió, đích thân Vua Hùng chèo thuyền đến núi có Ngư Tinh, giả đem một người đến cho Ngư Tinh ăn; Ngư Tinh há miệng toan nuốt, bất ngờ Hùng Vương lấy một miếng sắt nướng đỏ bỏ vào miệng cá; Ngư Tinh vùng vẫy nhẩy đến đánh thuyền; Long Quân chém được vào đuôi cá, và chém Ngư Tinh thành ba khúc. Khúc đuôi lột da treo trên núi, nay gọi là Bạch Long Vỹ. Hai khúc mình và đầu thả trôi ra biển. Vua Hùng Vương lấy đá lấp biển trừ tuyệt hậu họa cho nhân dân.

    

         Truyện Hồ Tinh:  Thời thượng cổ, thành Thăng Long ngày nay chưa có người ở. Về sau này gọi là Long Biên. Khi vua Lý Thái Tổ chèo thuyền chơi dọc theo hai bên, cứ có hai con Rồng hiện rasông Nhị Hà mà dẫn thuyền đi, nhân đó nhà vua mới đặt là Thăng Long và chọn làm kinh đô.

Thưở đầu, ở về phía Tây của thành Long Biên, nơi dưới một chân núi có một cái hang, có con hồ chín đuôi sống hơn ngàn năm thành ra yêu quái, biến hóa vạn trạng, có lúc hóa ra người, có lúc hóa khỉ. Con hồ chín đuôi còn hóa ra người áo trắng, ở chân núi Tản Viên, nhập vào bọn mọi ca hát, rồi dụ dỗ con trai con gái về núi, nhốt ở hang đá, người người đều sợ.

     Long Quân mới sai bộ hạ ở thủy phủ  dâng nước lên đánh , phá núi đào thành một cái hầm lớn, chính giữa thành có một cái vực sâu, lập chúa quan trấn yểm. Phía Tây đồng nội bằng phẳng, ruộng ao cầy cấy, gọi là Lỗ Hồ Động. Chỗ cao ráo, dân cư  lập nghiệp, tục gọi là Lỗ Hồ Thôn. Chiếc vực sâu ấy nay là Hồ Tây, Hà Nội.

     Qua truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh, ta thấy  vào thời Vua Hùng , dân ta đã vượt qua  trình độ tâm lý sơ khai, hay tin sợ ma quỷ, các thế lực bất trắc trong  tự nhiên , tức là vượt qua tâm thức Bái Vật, để đi vào đợt giải quyết các hiểm họa thiên nhiên bằng khối óc, bàn tay của con người. Đây là cuộc Khai Quang tâm thức một cách triệt để, và dọn đất Tổ cho các bài học Nhân Chủ  sau này, về việc dựng nước, dựng nhà, các mối nhân luân cụ thể và chân thực. Như Truyện Trầu Cau, về tình nghĩa trong gia đình; truyện Phù Đổng Thiên Vương  với bài học đánh giặc cứu nước, không màng danh lợi…

     Do đó, Huyền sử Việt là Nhân Thọai, là những truyện  phục vụ cho Con Người. Hoặc có thần linh hiện diện, cũng chỉ là để phù trợ cho con người giữ vững được nước, giữ yên được nhà. Ngược lại, thần thọai Tây Phương hay Ấn Độ thì các vị thần thường hung dữ, ác độc,  thần có đủ trăm ngàn thói hư tật xấu của trần gian, cũng giận dữ, gian tham, sắc dục, vô luân… và hay làm hại con người, để con người phải sợ sệt. Đến nỗi giai cấp cai trị dùng Thần linh làm điểm tựa để trấn áp con người, trục lợi trên sự tin tưởng ngây thơ của đại chúng bình dân.

     Trở lại với Huyền Sử hay Nhân Thọai Việt. Thật thế, vì Nhân Chủ là điểm nền tảng của Huyền Sử Việt, nên ta có thể thấy rõ Văn Hóa Việt từ hàng ngàn năm xưa đến nay có đặc tính Tôn Trọng con người, nên xã hội Việt  vô giai cấp, bình đẳng nam nữ, tự do kết hôn, trọng phụ nữ, trình độ văn minh cao rất sớm, nếu đồng ý rằng trình độ văn minh chính là lòng Nhân đạo. Tìm hiểu sự điều hành  làng quê Việt xưa với các sinh họat dân chủ, bầu cử, tự trị…cho thấy ta đã đi trước các nguyên tắc sinh họat chính trị của  nền dân chủ  Tây phương ngày nay.  Chử Đồng Tử bần cùng không có nổi cái khố che thân mà lại được kết hôn cùng công chúa Tiên Dung con củaVua Hùng, là đề cao tinh thần xóa bỏ giai cấp xã hội một cách tuyệt đối. Ta thấy địa vị người phụ nữ trong gia đình rất được quý trọng: Trong hôn lễ có phép “ Phu thê giao bái”, trong gia đình người đàn bà là “nội tướng”. Những điểm Nhân Chủ nền tảng này không hề có trong xã hội Trung hoa và Tây phương cùng thời.        

 

     Tinh thần Nhân Chủ của Huyền Sử Việt còn  thấy trong truyện Phù Đổng Thiên Vương:

     Đời vua Hùng Vương thứ ba, thiên hạ thái bình, dân vật đầy đủ. Vua nhà Ân phương bắc mượn cớ ta thiếu lễ triều cống, giả đi tuần thú để xâm chiếm nước ta.

     Vua Hùng Vương nghe tin mới triệu tập quần thần bày kế sách đánh giặc cứu nước. Sau khi  lấy ý kiến chung,Vua Hùng  sai sứ đi khắp nơi tìm người tài dẹp giặc.

     Tại  làng Phù Đổng, quận Vũ Ninh, có một đứa bé mới có ba tuổi, từ lúc bé đã không biết nói, không biết ngồi, chỉ năm ngửa . Chợt nghe sứ giả kêu gọi đánh giặc để cứu nước, đứa bé ấy mới bật lên tiếng nói: Mẹ gọi sứ giả vào đây cho con bày cách dẹp giặc.Bà mẹ cả kinh, khi tự nhiên nghe con nói, nhưng cứ mời sứ giả vào.  Đứa bé đòi sứ giả về tâu với vua xin sắm cho gươm sắt, ngựa sắt, mũ sắt, roi sắt  để dẹp tan giặc. Sứ giả tuy không tin, nhưng cũng về tâu với vua. Nhưng không ngờ vua Hùng nghe lời, sai người luyện sắt, sắm đủ gươm,mũ, ngựa, roi.Khi nhận đủ đồ vật  vua ban, đứa bé vùng dậy, ăn uống nhanh lớn như thổi và đội mũ nhảy lên ngựa sắt hô to:

     - Ta là tướng nhà trời đây.

     Đứa trẻ  phóng ngựa nhanh như bay, tay cầm roi sắt, tiến đến chân núi Trâu Sơn, lũy của giăc Ân. Roi sắt vụt đến đâu biến thành lửa đốt quân giặc đến đấy. Giặc Ân cả sợ, chạy tháo lui.  Vua giặc Ân  bị chém  chết ở Trâu sơn, tàn dư sụp lạy xin đầu hàng. Đứa bé còn đuổi theo, đến đâu giặc chết như rạ, sẵn đi qua làng La Ngà, cứ khí thế ấy mà nhổ tre La Ngà quất túi bụi vào giặc Ân  cho đến khi van lậy xin tha.

      Đến núi Sóc Sơn, huyện Việt Yên  đứa trẻ phóng ngựa bay lên trời, chỉ để lại dấu ngựa còn in trên đá.Vua Hùng nhớ đến công lao, tôn làm Phù Đổng Thiên Vương, lập đền thờ tế lễ ở làng Phù Đổng. Sau trận đại bại kinh hòang ấy, đời nhà Ân 27 vua, trải qua sáu trăm bốn mươi năm, không dám đem binh sang đánh nước ta nữa.

    

     Hình ảnh những anh hùng cứu nước là nét son nổi bật trong lịch sử dân tộc ta trải qua mấy ngàn năm chống ngọai xâm, để bảo tồn lãnh thổ, bảo tồn nòi giống, giữ gìn Văn Hóa - Hồn Thiêng  của  Dân Tộc.

     Thế nhưng, huyền sử Phù Đổng Thiên Vương còn nói lên một điểm đặc biệt, độc đáo, đó là tấm lòng VÔ CẦU của cậu bé làng Phù Đổng. Vì vô cầu, nên làm vì đại nghĩa, làm vì yêu nước, thương dân, tuyệt nhiên không màng đến công danh, bổng lộc.

      Cho nên sau khi xông pha sống chết dẹp giặc, giặc tan rồi, người chiến sĩ làng Phù Đổng bỏ tất cả mà đi…Ngày nay danh từ Triết Việt gọi  là AN VI. An Vi  là các việc làm không còn ảnh hưởng bởi  lợi danh. Mà thấy việc hợp Chính Nghĩa, đáng làm thì làm. Cho nên  An Vi là làm với một tâm hồn an nhiên, tự tại của tâm thức Nhân Chủ. Niềm hạnh phúc của An Vi là chân hạnh phúc, vì nó không lệ thuộc bên ngòai, nên ở mãi trong lòng, chan hòa niềm an vui cuả vũ trụ tâm linh.

     Chắc chúng ta không bao giờ quên, vào thời nước ta bị giặc Pháp xâm lăng, năm 1930, người anh hùng Nguyễn Thái Học đã hiên ngang an vui  hy sinh thân mình cho đại nghĩa, và để lại câu : “Không thành công thì thành nhân”làm gương sáng muôn đời. Hai hành động  An Vi vô cầu ấy trong Huyền sử xa xưa và lịch sử  thời nay cũng cùng chung một  ý thức về giá trị NHÂN CHỦ cao quý của Con Người. Từ truyền thống đó, với những bậc anh hùng, kẻ sĩ, hiền nhân đất Việt thì  cái chết, cái vinh, nhục của xác thân nào có sá gì.

     Dòng  sử  mệnh dân tộc Lạc Việt – Một chi nhánh duy nhất của đại tộc Bách Việt còn tồn tại sau hàng ngàn năm bị xâm lược và trải qua nạn Hán hóa tàn khốc- có lẽ xuất hiện cũng chỉ để chứng minh chân lý ấy, qua bao trang lịch sử hào hùng mà nhân nghĩa thấm nhuần đạo lý Nhân Chủ của Tổ Tiên.

     Tới đây chúng tôi nhớ đến một vài điểm  trong cuốn sách “ Triết Lý Giáo Dục” của Triết Gia Kim Định. Khi bàn về giáo dục ngày mai, Ngài viết:

“  Đại Học phải làm thế nào để vận nước  được trao vào tay những Người -bác -sĩ, Người- kỹ- sư, Người -tiến -sĩ…” .Ý ngài muốn nói đến giá trị của Nhân Chủ Tính, nên mới đề cao Con Người trước mọi cấp bằng, ý thức  Nhân Chủ bao trùm lấy các tri thức chuyên môn.

 

     Huyền Sử Việt còn một câu chuyện nữa cũng dạy chúng ta bài học Tự Chủ, Nhân Chủ: đó là

     Truyện Kim Qui: An Dương Vương tức là Thục Phán, người Ba Thục, nước Âu Lạc, vì muốn hòan thành ý chí tổ tiên , nên cử binh đánh nước Văn Lang của các vua Hùng.  Diệt được Văn Lang rồi, An Dương Vương xây thành ở đất Việt Thường, nhưng thành xây hòai không xong, cứ xây xong lại sụp đổ.  Nhà vua lập đàn trai giới cầu đảo 3 tháng.

     Một ngày có vị thần tiên đến mách bảo phải chờ Thanh Giang sứ giả đến giúp thì mới xong.

     Rồi đến ngày mồng bẩy tháng ba, bỗng nhiên đang đứng ở cửa đông thì Vương trông thấy một con Rùa vàng theo hướng đông mà bơi lại,  rùa đứng trên mặt nước, nói được tiếng người, xưng là Thanh Giang sứ giả, biết chuyện trời đất, quỷ thần. Khi Vương hỏi nguyên do xây thành hòai không xong, Thanh Giang sứ giả tìm ra yêu ma quỷ quái là con gà trắng sống ngàn năm ở núi Thất Diệu, làm đủ trò giết người, khủng bố…Thanh Giang sứ giả phối hợp với Vương để giết được con gà trắng thành tinh ấy, sau đó con ở lại 3 năm để giúp xây xong thành. Trước khi từ biệt, Kim Qui dặn rằng:

“ Đất nước trường yểu là vận trời. Nhưng nếu con người tu đức thì cũng có thể lâu dài được”. Nói xong trao cho Vương chiếc nỏ thần bách phát bách trúng rồi biến mất.

     Sau Triệu Đà sang xâm chiếm Âu Lạc, nhờ có nỏ thần, Vương chiến thắng giặc và Triệu Đà phải rút lui.

     Nhưng Triệu Đà sau lập mưu với con trai là Trọng Thủy cầu hôn với con gái Vương là Mỵ Châu, để tìm cách tráo nỏ thần. Sau khi đánh cắp đựơc nỏ thần, Trọng Thủy để lại nỏ giả, cáo từ về thăm cha, và cất quân đánh Vương. Vương không lo phòng bị, mải đánh cờ, đến khi Trọng Thủy tiến gần, mới xách nỏ thần ra chống cự. Vì là nỏ giả, nên không linh nghiệm, Quân sĩ của Vương bỏ chạy tán lọan. Vương thua bỏ chay, mang con gái là Mỵ Châu trên sau lưng ngựa. Vương chở Mỵ Châu về hướng Nam, đến bờ biển, không có thuyền sang sông, cùng đường, bị Trọng Thủy đuổi theo, Vương bèn cầu Thanh Giang sứ giả .

     Sứ giả hiện ra, nói “ Giặc ở sau lưng nhà ngươi đấy”.

      Vương quay lai, thì thấy lông ngỗng rải đầy đường. Mỵ Châu nhớ lời chồng dặn trước khi chia tay rằng khi có lọan, rải lông ngỗng làm dấu để Trọng Thủy đi tìm. Mỵ Châu tưởng thật nên y lời. Nào ngờ đó chỉ là cách đểTrọng Thủy đuổi theo Vương .

     Vương giận quá, tuốt gươm chém Mỵ Châu, và cầm sừng văn tê bẩy tấc, theo Thanh Giang sứ giả rẽ nước vào biển.

     Khi Trọng Thủy đến nơi thấy xác vợ, thương cảm, đem về chôn ở Loa Thành, sau hóa thành ngọc thạch. Sau hối hận nhảy xuống giếng mà chết. Riêng máu của nàng chảy trên nước biển, hào hến ăn vào, hóa thành minh châu. Ai bắt được ngọc châu ở Đông Hải, múc nước giếng ấy lên mà rửa thì ngọc châu lại càng thêm rực rỡ.

 

     Qua câu chuyện trên, ta thấy việc ý nghĩa nhất là lời khuyên của Thanh Giang sứ giả khi bàn về việc giữ nước. “ Đất nuớc trường yểu là vận trời, nhưng con người tu đức có thể giữ dài lâu được”. Như vậy, câu này là nền tảng cho thuyết NHÂN CHỦ . Tuy phải chịu đựng những giới hạn, khắc nghiệt của hòan cảnh thực tế, bên ngòai như lịch sử, địa lý, môi sinh, thiên nhiên…có thể làm trở ngại đến sự tồn sinh, thế nhưng con người nếu biết “ tu đức” - ở đây tiền nhân muốn nói đến việc dùng cái khả năng, tài trí , tận dụng tâm trí, sức lực - để vượt qua trở ngại, thì cũng có thể giữ vững được nước, giữ yên được nhà…

 

     Như thế, xuyên qua các truyện tiêu biểu kể trên, ta thấy Tổ Tiên đã gửi lai một nền tảng đề cao NHÂN CHỦ TÍNH trong cuộc sống:

     Truyện Vua Hùng diệt Ngư Tinh, Hồ Tinh chính là khi khai sơn phá thạch, mở nước, dựng nhà, khi chiến đấu với mãnh thú, tà ma, yêu quái để bảo vệ mạng sống cho dân.Đó là đề cao Tâm Thức Nhân Chủ của con người trước tự nhiên. Và đặt nền tảng cho  Nhân Thọai, nghĩa là huyền thọai đề cao con người, phục vụ con người,  trên quê hương của các vua Hùng.

     Truyện Phù Đổng Thiên Vương   với giá trị của việc làm xả thân không cầu danh lợi, trả lại công danh hư ảo cho trần gian, về với giá trị vĩnh cửu của con người: đúng là Nhân Chủ cùng cực.

     Rồi đến truyện Kim Qui thì ta thấy rõ ràng Thanh Giang sứ giả, tượng trưng cho Minh Triết, để lại bài học NHÂN CHỦ tự lập, tự cường, lấy cái trí tuệ, ý chí hóa giải mọi trở ngại.  Vương đã phạm phải sai lầm là “ ỷ lại vào nỏ thần” không lo thao lược chuẩn bị binh biến, nên nước mất, nhà tan, thân tận. Thiếu ý thức và tinh thần Nhân Chủ, ỷ lại vào sức mạnh của thần quyền, không lo tự tu thân, tự cứu, thì không ai cứu được.

      Tóm lại, NHÂN CHỦ TÍNH đã là nét nổi bật trong Huyền Sử Việt xuyên qua các câu truyện chúng ta vừa ôn lại. Nhờ có tính Nhân Chủ, tâm thức được khai quang, tổ tiên ta có một đạo lý Thờ Người, đó là  Đạo Hiếu  hay Đạo Thờ Cúng Tổ Tiên.

     Cũng cần nhấn mạnh ở đây,sự thờ cúng Tổ Tiên đã có nhiều nơi trên thế giới, như  Hy Lạp, La Mã xưa, nhưng chỉ  dành cho  người tự do mới được thờ tổ tiên. Đa số hơn 80%  người trong xã hội là nô lệ, không được đặc ân này. Chỉ có ở Việt tộc chúng ta, Thờ Tổ Tiên mới thành một cái  Đạo cao cả, phổ biến, ai ai hễ là Người bất kể giầu nghèo, quý tiện đều được thờ cúng tổ tiên mình.Ngòai ra, đức tính Đễ là tôn trọng người lớn tuổi, già yếu được thành thể chế  từ trong gia đình, làng xóm, đến cả chốn triều đình. Xã hội ta cũng vì Nhân Chủ nên không đặt quan trọng việc tôn thờ thần linh, nên suốt dòng lịch sử  Việt 5000 năm không hề có chiến tranh tôn giáo, không vì thần linh mà giết hại con người.Nhưng với tâm thức Nhân Chủ, ta lại tôn thờ Quốc Tổ, các danh nhân, anh hùng dân tộc.

Ngược lại, văn hóa Tây phương 2500 năm chỉ là lò sản xuất thuốc độc cho con người, như trong câu nói thời danh của chính thức giả của họ “Ba lọai thuốc độc của Âu Châu được truyền bá trên thế giới là: óc kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa Cộng Sản”(Paul Scortesco, thi sĩ người Ý thiên về Triết , tác giả cuốn sách có thời nổi tiếng “ Gog et Magog”) .

     Ngòai ra, Tây Phương chỉ là “nhà giầu mới” trong lịch sử thế giới.  Tây phương trước thế kỷ 14 còn nghèo nàn, chậm tiến, thua kém châu Á. Ba phát minh khoa học đầu tiên của nhân lọai: Kim chỉ nam, giấy và thuốc súng  đều từ Đông Phương. Tây  mượn các phát minh này từ  Đông. Từ  thế kỷ 15,Tây phương làm giầu nhờ thuốc súng và  thuộc địa. Khoa học cũng từ đó mà tiến bộ. Điều mà ít người ngờ là ánh sáng khoa học với các phát minh tân kỳ làm đảo lộn bộ mặt  Âu Châu chỉ chừng 300 năm nay thôi. Các tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào đầu thế kỷ 20, đã dẫn đến sự tranh giành ảnh hưởng thị trường và quyền lợi của các nuớc, hậu quả là 2 cuộc đại  thế chiến tiêu diệt hàng triệu nhân mạng chỉ cách nhau chưa đầy nưả thế kỷ. Tây Phương sợ hãi vội vàng đưa ra Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948. Từ đó con người bắt đầu có lối nói kiểu Nhân Quyền của Tây phương.

          Nhưng thực ra, Á Đông mới là quê hương của Nhân Quyền. Theo tinh thần Nhân Chủ của Minh Triết Việt, các triều  Lý, Trần đã thực hiện được thái bình, an lạc.Điển hình  thời Vua Lê Thánh Tôn đã để lại một Bộ luật Hồng Đức năm 1483 (Quốc Triều Hình Luật) mà ngày nay thế giới ca ngợi, vì các khỏan về Nhân quyền  về người phụ nữ, giáo dục, chủng tộc đã đi trước cả Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc những gần 500 năm.Thật thế, Nhân Quyền chỉ là hệ luận tất nhiên của Nhân Chủ. Con người chỉ có Nhân Quyền một khi được làm chủ, được tôn trọng hơn bất cứ điều gì. Kể cả thần linh hay vật chất. Chưa có Nhân Chủ Tính làm nền tảng  trong tư tưởng, triết lý chính trị thì nói chuyện Nhân Quyền chỉ là hời hợt, mị dân, hoặc để làm khó, đặt điều kiện trả giá, đổi chác các mối lợi giữa các cường quốc kinh tế, chính trị, quân sự…chứ hòan tòan không liên quan thật sự gì tới con người, quyền làm người của ai cả! Còn Dân Chủ cũng thế. Con người là một NHÂN DÂN. Có nghĩa là ngòai việc là dân, con người trên hết phải là Nhân, là con người. Nhân được làm chủ, được tôn quý đã, thì cái vai trò làm Dân mới được  tôn trọng theo. Vì Nhân đi trước Dân. Nhân quan trọng hơn Dân. Chưa có Triết Lý Chính Trị đạt tới mức độ Nhân Chủ, thì Dân Chủ chỉ là một từ ngữ rỗng, giả hiệu, một trò chơi  của tư bản, đảng phái và các chính trị gia mà thôi.

          Hay nói cách khác, NHÂN CHỦ là Xương Sống của Nhân Quyền và Dân Chủ. Không có Triết Lý Chính Trị Nhân Chủ thì Nhân Quyền chỉ là Mị Dân, Dân Chủ chỉ là Hình Thức, con người vẫn  nô lệ dưới nhiều dạng thức, vẫn bị vong thân, vẫn cần chờ được giải phóng.

     Chúng ta đang sống trong sự giả trá của ngôn từ, đang quay cuồng theo một thế giới của các suy tư hời hợt, chưa ngay chính, các lý thuyết èo uột, các sinh họat thóai hóa, vì thiếu cái xương sống cuả chính trị, đó là Triết Lý  Nhân Chủ.

     Hôm nay, chúng ta tìm về nguồn Minh Triết của Tổ Tiên, hầu tìm ra một nền tảng NHÂN CHỦ chân thực, để xây dựng lại lối suy nghĩ, cung cách sống, để cuộc sống không còn bị  cuốn  theo cơn lốc nô lệ mới của nền văn minh vật bản. Thật thế, cả tư bản lẫn cộng sản đều chú trọng đến giá trị kinh tế, quên con người tự thân, nên đều là vật bản. Do đó, tìm về Minh Triết Việt, ta vẫn tiếp thu văn minh  nhưng là sự tiếp thu có chọn lọc của con người văn hóa, có Chủ Đạo làm định hướng. Chủ Đạo Việt là Nhân Chủ . Nhân Chủ là Con Người phải biết sống làm chủ, nối kết  Tâm linh và Vật thể, hòa hợp cả hai bản thể Rồng - Tiên , để được ăn cả hai Bánh Chưng Vuông của Đất với Bánh Dầy Tròn của Trời, để đạt thái hòa, an lạc.

   

    Nhân Chủ không phải là lý thuyết triết lý chính trị xa vời.

    Thử có cái nhìn Nhân Chủ, ta thấy trong ta như có một Trời mới và Đất mới.

     Trong mọi quan hệ với thân nhân, thân hữu, tâm thức Nhân Chủ khiến con người san bằng  những bất bình đẳng vì cái vỏ giá trị   hời hợt bên ngòai, thực sự đến với nhau vì hòa hợp, yêu thương, tương kính. Trong gia đình, xã hội  khi  đặt nổi cán cân Quân Bình tâm linh và vật chất thì đời sống bớt bon chen, tranh dành sẽ là một cuộc hành hương về Chân Lý, để mọi người  góp phần vào  môi trường phát triển Tâm Đaọ. Con người sinh họat với nhau không chỉ trong sự trao đổi lơi nhuận, kinh tế. Con người sẽ xây dựng  một  Đạo Trường Chung cho thế giới song song với Thị Trường Chung. Người làm chính trị sẽ đặt nền tảng Nhân bản cho các chính sách Văn Hóa  để An Dân chứ không chỉ tòan là các giải pháp kinh tế, xã hội, quân sự hòan tòan nặng nề vật bản.

     Do đó, những khổ đau, bất an sẽ vơi dần… Tâm thức an nhiên, thanh nhẹ … cảm nhận chân hạnh phúc bao la trong từng ý nghĩ, việc làm dù bình thường nhỏ bé.Vì ta đã biết   NHÂN CHỦ HÓA  đời người.

 

 

III.- CƠ CẤU HUYỀN SỬ

Cơ Cấu là một cố gắng vượt qua những cái gì dị biệt, tạp đa để đạt tới những nét căn bản nhất của bất cứ một môn học nào. Nói đến nét căn bản có nghĩa là nói tới tổng quát. Nhưng không là một cách tổng quát dựa trên lý trí. Sự tổng quát ở đây không nhằm mô tả sự kiện như khoa nhân chủng học trước kia đã làm, mà là cách tổng quát của Cơ Cấu, có nghĩa là của cái gì uyên nguyên hơn, tế vi hơn, vô hình hơn, do đó có sức bao quát hơn nhiều.

     Claude Lévi-Strauss đã nghiên cứu rất tỉ mỉ về thần thoại của nhiều loại dân, sau phân tích bên ngoài những dị biệt, ông tìm ra được rất nhiều nét giống nhau giữa các thần thoại. Căn cứ vào đó, ông kết luận rằng có một bản tính đồng nhiên cho mọi con người không phân biệt màu da, dòng máu…và do đó đi đến kết luận là có những luật bất biến chi phối mọi hoạt động của con người cổ cũng như kim. Luật này không ý thức được dễ dàng. Nó nằm ngầm dưới Vô thức, đưa ra những dạng thức bắt buộc Ý thức phải tuân theo. Vì thế chỉ cần tìm ra được cái Cơ Cấu Vô Thức nằm ngầm trong mọi định chế, thói tục là tìm ra Nguyên lý giải thích các thể chế, thói tục, thần thoại khác. Vì thế các nhà Cơ cấu học nuôi hy vọng có thể sắp xếp hàng trăm các nền văn hóa khác nhau bằng phương pháp đối chiếu, vào một mẫu số chung nào đó, vì văn hoá chỉ là những hình thái khác nhau của Cơ Cấu Tâm Thức của mỗi dân tộc. Theo Lévi-Strauss, Cơ Cấu Tâm Thức ấy được hình thành ngay từ bước sơ khai của mỗi dân tộc, và do đó, ông đề cao những huyền thoại của những trang đầu lịch sử .

     Sau khi nghiên cứu vô số những huyền thoại kèm với thể chế thói tục…của nhiều sắc dân, chủng tộc thuộc nhiều nền văn hoá khác nhau bằng phương pháp mới của Cơ Cấu luận, Lévi-Strauss tóm tắt công trình nghiên cứu của mình bằng cách đưa ra 4 nét đặc trưng của Cơ Cấu như sau:

 

     - Cơ Cấu vượt  lý trí để sang bình diện tiềm thức.

     - Cơ cấu chú ý đến những mối liên hệ giữa các hạn từ hơn là những hạn từ riêng rẽ.

     - Cơ Cấu là đứng ở toàn cảnh nhìn vào từng phần và tìm cách giải nghĩa từng phần bằng cách đặt chúng trong tương quan với toàn bộ. Chính mối tương quan vô hình định tính các loại văn hoá. Thí dụ Lévi-Strauss phân tích 4 loại giao liên với những ký hiệu sau:

    

     = Giao Liên có tính chất Tương Liên

     +_Giao Liên đảo lại

             

     + Giao Liên xây trên quyền lợi

     _  Giao Liên chú ý đến nhiệm vụ

 

     * Điểm cuối cùng và nổi bật của Cơ Cấu là tìm ra những luật chung từ những mô hình, dạng thức mình đã phác hoạ để suy diễn và quy nạp.

Ta có thể hình dung sự kiến tạo ra dạng thức như hình sau:

 

 

 

 

                                             

 

   

 

 Trục ngang Th chỉ Thực thể hiện hình, các mũi tên hướng lên điểm D là dạng thức, còn trục từ D đến C là sự phản chiếu của Cơ Cấu.

 

     Dưới đây ta hãy thử xét nội dung của thần thoại nói chung, Huyền Sử Việt nói riêng qua từng tiêu chuẩn trên của Cơ Cấu Luận.

 

 

1- VƯỢT LÝ TRÍ ĐỂ ĐI SANG BÌNH DIỆN TIỀM THỨC.

 

 

      Nếu tổ chức xã hội thuộc phạm vi rõ rệt với mục tiêu xác định, tất cả nổi lên trên mặt Ý thức dễ nhận biết, thì Cơ Cấu là cái gì nằm ngầm bên dưới tổ chức, ngoài tầm xét nghiệm của ý thức vì nó nằm tận miền Tiềm thức âm u, nên có phạm vi cũng rộng lớn hơn nhiều. Cơ cấu là mối liên hệ không hiện hình, là thế quân bình giữa những yếu tố trái ngược làm nên thực thể xã hội, và biểu lộ ra bằng những bậc thang giá trị, những ý tưởng của xã hội.

 

     Một cách tương tự, nếu Sử ký là sử hàng Ngang nhằm ghi lại những sự kiện, những biến cố có tính cách cá thể, chỉ xẩy ra một lần trong một không gian và thời gian nhất định, thì Huyền Sử là sử hàng Dọc, vượt lên bao trùm cả không thời, nhắm tới cái gì phổ quát, vượt lý trí phân minh, đi vào miền thâm sâu của Tiềm Thức, tiếp cận miền vi tế của Tâm Linh. Hay nói cách khác, nếu Sử ký là sử vòng Ngoài của những biến cố ngoại diện, thì Huyền Sử là sử vòng Trong của Tâm Linh dân tộc, là di bảo thiêng liêng, là giá trị tinh thần do bao đời kết tinh, là linh hồn của lịch sử.

 

     Như thế, nếu Tổ chức xã hội và Sử ký thuộc về lãnh vực Lý trí, Hiện tượng, thì trái lại, Cơ Cấu và Huyền sử vượt được sự giới hạn của lý trí để đi sang miền thâm sâu của Tiềm Thức, Tâm Linh.

 

 

2- CHÚ Ý TỚI LIÊN HỆ GIỮA CÁC HẠN TỪ HƠN LÀ HẠN TỪ RIÊNG  RẼ.

 

 

     Khi tìm hiểu Văn Hoá theo lối xưa, nhà nghiên cứu chỉ trình bày, mô tả, hay cho dù phân tích hoặc tổng hợp những yếu tố riêng rẽ của Văn hóa, cũng chỉ dựa trên một số phạm vi chung của  Văn hoá như ngôn ngữ, kỹ thuật, khoa học, tín ngưỡng, tổ chức xã hội, kinh tế…Với đường lối nghiên cứu mới về Văn hóa của các nhà Cơ Cấu luận ngày nay, họ không dừng lại sự khảo sát nơi các hạn từ chung ấy. Cơ Cấu gia đi sâu hơn vào sự khám phá ra các Mối Liên Hệ hay là các Mối Tương Quan giữa các yếu tố Văn hóa để tìm ra những nét đặc trưng sâu xa biểu hiệu cho một nền văn hoá. Do đó, nhà Cơ Cấu nhấn mạnh đến  liều lượng và vị trí của mỗi yếu tố riêng của từng nền văn hóa trong mối liên hệ  với toàn thể các hạn từ văn hóa chung.

 

     Ta thử áp dụng phương pháp trên vào lãnh vực Huyền Sử với truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên. Khi đối chiếu Vật biểu của các dân tộc khắp nơi trên thế giới, ta thấy tuy dân tộc nào cũng chọn vật biểu cho họ, nhưng tất cả chỉ chọn một vật biểu duy nhất, chỉ riêng nước Việt là chọn Vật biểu kép Tiên và Rồng, ta mới thấy nổi bật về Lưỡng-Nhất tính của quan niệm Triết Việt về vũ trụ, vạn vật, con người. Chỉ có một hạn từ làm vật biểu như các dân tộc khác, thì làm gì có việc tương quan, liên hệ, nghĩa là cái nhận thức Duy một chiều kích đã là bước khởi đầu. Triết Việt với Hai Hạn Từ Tiên Rồng là vật biểu, đã mặc nhiên nói lên tính Liên Hệ giữa hai hạn từ, tính Tương Quan hai chiều, mà sau nay Cơ Cấu luận chú  ý đến để định tính một nền văn hóa.Một điểm quan trọng khác, về mối liên hệ giữa các hạn từ nơi Huyền sử, như những trang sử đầu tiên của các giống dân thường có nhiều điểm chung giống nhau, như sự xuất hiện của các Thần, vơí những việc làm phi thường, lớn lao so với các con người bình thường.Và con người với tất cả những sinh hoạt của thuở sơ khai, còn nhiều quan hệ với thần thánh. Thế nhưng, áp dụng phương pháp Cơ Cấu, khảo sát về sự Tương Quan cùng liều lượng và vị trí của các yếu tố giữa Thần và Người, cũng như dùng phương pháp đối chiếu để so sánh nội dung khác nhau của Huyền thọai của các dân tộc, nhà Cơ Cấu sẽ tìm ra được những nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu cho từng sắc dân.

 

     Thật thế, Thần và Người đã có khắp trong các nền Văn hóa xưa, Đông cũng như Tây. Nhưng mối Liên Hệ hay là Tương Quan giữa Thần và Người đã có sự khác biệt căn bản trong từng nền văn hóa. Huyền thoại của các dân tộc khác thường đặt nổi vai trò của Thần linh, trong khi Huyền thoại Việt lại đề cao vai trò của con Người. Nói cách khác, Huyền thoại  của các dân tộc khác chính là Thần Thoại, vì Thần Linh làm Chủ, thì ngược lại, Huyền thoại Việt chính là Nhân Thoại, vì Con Người được làm Chủ, nên Huyền thoại Việt có tính Nhân Chủ.

 

     Sự khác biệt trong mối Tương Quan giữa Thần và Người trong Huyền thoại  còn được minh chứng nơi hai hình ảnh: Một bên là hình ảnh bi thương của con người qua nhân vật Prométhée trong Thần Thoại Hi Lạp, chỉ vì tội ăn cắp một chút lửa trời để đem về soi cho trần thế bớt u tối, không may bị thần Zéus bắt gặp, mà bị trói trên núi Caucase, làm mồi cho chim kền kền moi móc gan ruột. Còn bên kia là hình ảnh oai phong của ông Bàn Cổ trong Nhân Thoại Việt Tộc “Bàn Cổ thủ xuất, thủy phán âm dương”. Ông Bàn Cổ đâu cần leo lên trời để ăn trộm chút lửa như Prométhée, vì chính ông xếp đặt trời đất theo ý mình, chính danh định phận cho vũ trụ, in dấu ấn của con Người Nhân Chủ Tâm Linh khắp bước khai thiên lập địa. Chính ông còn làm ra sấm sét, thì chút lửa có đáng gì mà phải trở thành một kẻ tội đồ.

 

     Hai tính chất Lưỡng-Nhất và Nhân Chủ có một sự quan hệ mật thiết với nhau: Nhờ nhấn mạnh đến tương quan như Hai mà Một trong bản chất Rồng Tiên, nên Người cũng tương quan với Thần trong thế Tương Liên cao cả, hai chiều, để rồi Người cũng uy quyền mạnh mẽ, đầy tự tin như Thần. Với vai trò con người được đặt nổi ở đây, nền Nhân Thoại Việt trổi vượt hơn các Thần thoại khác về mặt Nhân Bản. Mà Nhân Bản là gì nếu không là chủ trương phục vụ hạnh phúc và quyền lợi của con Người hơn bất cứ điều nào khác. Và ở đâu hạnh phúc và quyền lợi con người được phục vụ hơn ở trong mảnh đất của Nhân hoàng, Nhân thoại, nơi mà Con Người nắm giữ vị trí của  Chủ Nhân ông? Như trong truyện “Ngư Tinh”, “Hồ tinh”, với vai trò “Chủ nhân ông”, vua Hùng đã diệt Ngư Tinh, Hồ tinh, có nghĩa là tiêu diệt những lý thuyết hoang đường, mù quáng, làm hại cho con người, khai quang tâm trạng bái vật sơ khai trước khi xây căn nhà Nhân Chủ Tâm Linh cho con Người có nơi An cư Lạc đạo. Truyện “Bánh Dầy Bánh Chưng” nói lên ý thức Trời Đất Giao thoa làm nên Con Người Đại Ngã. Ai mà nhận thức và hiện thực được, biểu thị bằng cách làm ra được bánh trời bánh đất, thì sẽ được phần thưởng vĩ đại là làm vua, mà ý nghĩa cụ thể là trở nên Nhân Chủ.

 

     Tóm lại, nếu Cơ Cấu luận nhấn mạnh đến Tương Quan, Liên Hệ giữa các hạn từ hơn là các hạn từ riêng rẽ, thì tương tự như thế, không đề cao một hạn từ riêng biệt, như Trời hoặc Đất, với Lưỡng-Nhất tính và Nhân Chủ tính, Huyền Sử Việt đặt nổi vai trò, địa vị con Người như là mối Tương Quan, Liên Hệ hay điểm Nối Kết, Hội Tụ giữa Trời và Đất, giữa Hữu hạn và Vô biên, giữa Cá Nhân nhỏ bé và Đại Ngã bao la.

 

3- ĐỨNG TỪ TOÀN CẢNH  NHÌN VÀO TỪNG PHẦN VÀ GIẢI NGHĨA TỪNG PHẦN BẰNG TƯƠNG QUAN TOÀN BỘ.

 

     Chính từ quan điểm Lưỡng-Nhất tính và Nhân Chủ tính, nghĩa là từ nhận thức mối Tương Quan, Liên Hệ giữa các hạn từ mà không nhìn hạn từ theo cách riêng rẽ, nên Huyền Sử Việt mới có được cái nhìn Toàn Cảnh vượt lên sinh hoạt từng phần của đời sống và mới có khả năng giải thích đời sống từng phần bằng cách đặt tương quan của chúng với toàn bộ.

 

     Hay nói cách khác, nếu ta mới chỉ nhìn qua các tập hợp xã hội con người ở bất cứ nơi nào, thời nào trên thế giới, về nền tảng, không có nhiều khác biệt. Con người thời nào, nơi nào thường cũng có những nhu cầu căn bản như nhau: ăn ở, truyền sinh, thông cảm với tha nhân và được thông cảm, được biết đến, có tín ngưỡng…Nhưng nếu tìm hiểu sâu xa hơn, ta sẽ nhìn thấy sự khác biệt. Sự khác biệt đó chính là nơi những phương thức, cách thế mà các nhu cầu trên được đáp ứng, thoả mãn, qua mối tương quan vô hình định tính nội dung của nền văn hóa liên hệ.

 

     Như đã trình bày ở trên, ta thử chiếu giải 4 loại giao liên mà Claude Lévi-Strauss phân tích từ nghiên cứu các loại văn hoá và xã hội khác nhau trên những bình diện ngôn ngữ, thói tục, định chế, huyền thoại, để xét các tương quan của chúng trong việc định tính từng loại giao liên trong các sinh hoạt ấy. Trước tiên, hãy xét đến sự khác biệt trong cách xử dụng ngôn ngữ trong lối nói “Vô Ngã Hóa” của Tây Phương, khi với bất cứ ai, trên hay dưới, thân hay sơ, cũng chỉ có một lối xưng hô duy nhất vô sắc thái là “you”, “vous”,“il ”…với lối “Thân Tộc Hoá Xã Hội” của người Việt: gặp người xa lạ ta vẫn dùng những lối xưng hô thân mật như trong gia đình: thưa ông, thưa cô, thưa dì, chú, bác, anh, chị, em…

 

     Nới rộng phạm vi nghiên cứu từ lãnh vực ngôn ngữ qua các địa hạt văn hóa, xã hội, huyền sử…Có một liên hệ nào chăng của lối xưng hô “Vô Ngã Hóa”, vô sắc thái của Tây Phương với tính chất Trừu Tượng, Duy Lý, Duy Vật của Triết cổ điển mà phong trào Hiện sinh tố cáo là Phi Nhân Bản, vì chỉ thích hợp cho thế giới Sự Vật? Cũng như có một tương quan nào chăng, của lối xưng hô cạn cợt, lạnh lùng, thiếu thân tình với liên hệ hàng ngang Chủ-Nô trong xã hội Hi Lạp, La Mã, Tây Phương trước đây xem người Nô lệ như Đồ Vật để có thể trao đổi, mua bán, vì người Chủ có mọi Quyền, còn người Nô có mọi Nghĩa Vụ, phản ánh mối giao liên mà Lévi-Strauss đặt ở phần thấp nhất trong bảng sắp loại của ông, đó là:

 

     Giao liên xây trên quyền lợi

 

     Giao liên chú ý đến nhiệm vụ

 

     Thêm nữa, phải chăng, liên hệ Chủ-Nô trong xã hội Tây Phương xưa khởi nguồn từ thân phận bé nhỏ của con người Prométhée trước uy quyền của thần linh Zéus, mà hậu duệ của con người bé nhỏ ấy là giới Nô lệ, và kẻ kế thừa dòng máu Thần linh là giới Quý tộc, trưởng giả trong xã hội La-Hy xưa và giới Chủ nhân sau này trong xã hội Tây phương?

 

     Một cách tương tự, ta có thể nhìn được mối tương quan của lối xưng hô “Thân Tộc Hoá Xã Hội” với nội dung Nhân Bản trong Văn Hoá Việt. Mối Tương Liên nền tảng từ một Bọc Mẹ Âu Cơ sau này biến thể thành nội dung Nhân Bản Toàn Diện của Việt Nho, một nền Triết Lý phù hợp với thế giới Con Người với mối Ngũ Luân (vợ chồng, cha con, vua tôi, anh em, bạn hữu) Đa Kích thay cho liên hệ Chủ-Nô một chiều của Tây phương. Đạo Thờ Người qua Lễ Gia Tiên cũng nói lên tính Nhân Bản trong quan hệ với người đã khuất. Từ cái nôi Văn Hóa Nhân Bản, xã hội Việt cổ xưa đã sớm có ý thức công chính trong sự tương xứng Quyền lợi và Nghĩa vụ, phản ánh qua mối giao liên đảo lại mà Lévi-Strauss đã đặt trị giá trên 2 loại giao liên dựa trên quyền lợi và nhiệm vụ của Tây phương.

 

     Nhưng Giao liên cao nhất theo Cơ Cấu luận là Tương Liên (Mutualité). Nếu hai giao liên thấp nhất dựa trên quyền lợi và nhiệm vụ bắt buộc nằm trọn vẹn nơi sự tính toán hơn thua, thì giao liên đảo lại, “có qua có lại”, đã có phần tình cảm kèm theo lý trí, nhưng vẫn chưa phải là mức độ cao cả trọn vẹn của Nhân tính. Tương Liên là mối giao liên Chân Thực nhất, hoàn toàn dựa trên Tình Nghĩa là nét đặc sắc nhất của xã hội loài người, làm nên con người Đại Ngã Tâm Linh. Thật vậy, chính yếu tố Tâm Linh làm cho con người trở nên Người đích thực, con người khôn sáng (homo-sapiens) đứng biệt lập ra khỏi cái khối vượn người đã xuất hiện cách đây nhiều triệu năm. Như đã trình bày ở trên, theo các nhà cổ nhân học, có hai yếu tố gây ra biến cố quyết liệt này là Lao Tác và Tình Nhà.

 

     Đặc biệt trong xã hội Lạc Việt, lao tác được tuyên dương đến cấp siêu hình như nét đặc trưng của con người Đại Ngã, khi Hòa Hợp với thiên nhiên theo nhu cầu để sinh tồn, khi Tham dự vào việc sinh dưỡng của vạn vật trong việc tạo hoa mầu trong đời sống Nông Nghiệp ổn định.

 

     Chính nơi Lao Tác của nếp sống Nông Nghiệp, Tình Nhà được trưởng dưỡng để rồi từ đó con người thực sự tách biệt khỏi đời sống động vật, để tiến mãi trên cấp độ của Tâm Linh. Như đã nói ở trên, nơi con thú không có tình nhà. Không cả tình mẫu tử hay nếu có thì cũng rất yếu ớt, ngắn ngủi. Trái lại, nơi con người, tình người được kết thành gia tộc, rồi lớn lên thành thị tộc, rồi dân tộc, nhân loại, vươn lên mãi tới đợt Đại Ngã Tâm Linh. Nghĩa là, khởi đi từ họ hàng huyết thống, tình nghĩa con người đi đến tình họ hàng thiêng liêng của  Nhân loại.

 

     Thật thế, chính trong bầu khí sinh dưỡng Tâm Linh của Việt tộc đề cao Lao Tác và Tình Nhà mới hội đủ điều kiện của mối giao liên cao nhất theo Cơ Cấu luận là Tương Liên. Chính ở nơi đây, ta mới thấy xuất hiện những con Người Chân Thực, thấy việc đáng làm thì làm, không cần để ý đến danh vọng hay quyền lơi. Làm vì mối Tương Liên, vì Tình Nhân Loại, vì Nghĩa Đồng Bào, vì Đại Cuộc, vì những lý do cao đẹp khiến người trở nên NGƯỜI hơn. Những tính toán nhỏ nhen, hơn thiệt, không xứng đáng với sứ mạng Làm Người cao cả sẽ không còn chỗ đứng nơi mảnh đất quê hương của Tâm Linh. Cũng chính nơi đây, mới có truyện Phù Đổng Thiên Vương  qua hình ảnh cao đẹp của Thánh Gióng, sau khi đánh giặc cứu nước, người Chiến Sĩ An Vi không màng công danh phú quý mà bay thẳng lên trời, hưởng hạnh phúc trên đỉnh An Lành.

 

     Chính vì ý thức An Vi, nên người Chiến Sĩ An Vi tiên phong trong  Đạo Việt đã có những bước “Nghĩa Hành”, làm vì Nghĩa, chứ không vì hào quang của lợi danh (lợi hành), lại càng không vì bị cưỡng ép của luật pháp hay sức  mạnh (cưỡng hành), nên còn gọi là An Hành. Nghĩa Hành hay An Hành là hành động với Ý thức cao cả của Trí tuệ và Tâm tư, trong mối Tương Liên với Đại Ngã và cùng là Đại Nghĩa. Triết lý sống cao đẹp của Người Chiến Sĩ vùng trời An Vi Việt Đạo chính là đỉnh cao trên hết của 4 cấp độ giao liên nền tảng mà Cơ Cấu luận, lý thuyết Nhân văn tân tiến nhất nhân loại ngày nay đã phác họa.

 

     Tóm lại, qua phần trình bày trên, xuyên qua 4 mối giao liên xây trên nhiệm vụ, quyền lợi, đảo lại và Tương Liên, ta thấy chính đỉnh cao của các mối giao liên xã hội mà Cơ Cấu luận phân tích, lại là Minh Triết An Vi của Việt tộc. Rồi trong sự nghiên cứu sâu xa, nguồn gốc bao dung, cái nôi Văn hóa của An Vi, chính lại là nơi Ý Nghĩa mà Huyền sử Con Rồng Cháu Tiên muốn gửi gấm bức Di Chúc Vạn Đại Thiên Thu: Hình ảnh “Bọc Trăm Trứng” diễn đạt một cách đúng đắn, trung thực nhất nguyên tắc “Đứng Từ Toàn Cảnh Nhìn Vào Từng Phần và Giải Thích Từng Phần Bằng Tương Quan Toàn Bộ” của Cơ cấu luận của Claude Lévi-Strauss. Thật vậy, từ cái nhìn toàn cảnh, tức từ “Bọc Trăm Trứng”, nhìn vào từng phần, tức “Trăm Trứng của Bọc”, và giải thích từng phần bằng tương quan toàn bộ, có nghĩa là Người Việt Lý Tưởng không xem nhau như những phần tử lẻ loi cô độc, để phải đấu tranh sinh tồn, giai cấp chủ nghĩa. Theo tinh thần Việt Đạo, mỗi người đều là một thành phần của toàn thể, là lân nhân với niềm cảm xúc gần gũi, thân cận trong ý nghĩa đều là cùng một bụng Mẹ Âu Cơ, cùng phải thân yêu đùm bọc nhau bằng tương quan toàn bộ là Tình Nghĩa ruột thịt, bằng tình “Đồng Bào” (cùng một bọc).

 

     Chính nhờ cái nhìn toàn cảnh trên, mà Cơ Cấu Văn Hoá Việt mới có mối Nhất Quán của các tính Lưỡng-Nhất, Nhân Chủ, Tâm Linh và An Vi, mới trùng hợp và hội đủ các tiêu chuẩn của Cơ Cấu Luận (Structuralism) của Claude Lévi-Strauss, lý thuyết nhân văn tân tiến nhất ngày nay.

 

     Như thế, tìm về Văn Hoá Dân Tộc cũng là tìm về Cơ Cấu Huyền Sử, tức Sử Hàng Dọc, Sử Tâm Linh để có cái nhìn Bao Quát, Nền Tảng, Ý Nghĩa trên những sinh hoạt đa dạng của Văn Hoá, hầu đọc được Hoạ Đồ Tâm Linh Dân Tộc, bức Di Chúc Tinh Thần của dòng Sử Mệnh Việt.

 

 

4- TÌM RA NHỮNG LUẬT CHUNG TỪ NHỮNG MÔ HÌNH DẠNG THỨC ĐỂ SUY DIỄN VÀ QUY NẠP

  Như đã trình bày ở trên, theo Cơ Cấu luận, cơ cấu văn hoá nói chung, Cơ Cấu Huyền Sử nói riêng của mỗi dân tộc, vì ở bình diện Vô thức nên nằm ngầm trong các định chế, thói tục, thần thoại…Nếu tìm được ra cơ cấu vô thức ấy, đó chính là Nguyên Lý giải nghĩa được tất cả các thể chế, thói tục, thần thoại khác. Muốn tìm ra cơ cấu chung này, thì cần phải đẩy sự phân tích sâu xa đến trung độ, vì cái lương tri bất biến của bản tính con người là hệ thống những Niệm thức nằm xen kẽ giữa hạ tầng và thượng tầng kiến trúc. Nhờ vị trí trung gian đó, mà chúng trở nên lưỡng diện, tức vừa có tính thường nghiệm mà lại khả tri (empirique et intelligible). Là thường nghiệm, nên biến đổi, còn là khả tri nên bất biến, nghĩa là chúng vâng theo một số mẫu mực trở đi trở lại, vì chúng xuất phát từ một lương tri luôn luôn đồng nhất với mình. Do đó, chúng vượt lên trên quan điểm xã hội hay biến đổi. Điều quan trọng là tìm ra những cơ cấu đó. Chúng tuy không có nhiều, nhưng rất khó tìm, vì chúng bị chôn vùi dưới những phạm trù lý trí, những dạng thức do trí óc con người tạo ra hoặc những tổ chức đa dạng trong xã hội. Trong mục đích tìm hiểu Cơ Cấu Vô Thức cơ bản đó, Lévi-Strauss đề nghị một phương pháp là kiến tạo ra những dạng thức để làm dụng cụ quan sát và xếp loại từ những dữ kiện thâu lượm được trong vùng tiềm thức vì Tiềm thức là miền âm u mờ mịt như biển đại dương, nên không thể y cứ vào cái gì để làm tiêu điểm. Những dạng thức được kiến tạo ra không có phần cảm giác cụ thể (sensible), nhưng lại có phần khả niệm (intelligible). Nói cách khác, dạng thức làm cho ta lùi xa thực tại, vì đánh mất phần cảm giác cụ thể, là cốt để nắm vững hơn được thực tại bằng khả niệm tính, kiểu như khoa học vật lý cũng cắt xén sự vật bằng những phương pháp trừu tượng hầu chế ngự thực tại. Dạng thức của Cơ Cấu luận tương tự như Phạm trù của triết gia Kant, còn Cơ Cấu giống như Niệm thức của Kant, nghĩa là một thứ trung gian vừa có tính chất cảm giác cụ thể hầu đi sát sự vật, lại thêm tính chất lý luận trừu tượng để sắp xếp sự vật. Do đó dạng thức được kiến tạo có lý do tồn tại của nó, nên đã xuất hiện nhiều lần, nhưng với Lévi-Strauss thì được khai triển một cách triệt để và hệ thống.

 

     Trong khi đi tìm những chất liệu để kiến tạo dạng thức, Lévi-Strauss chú ý đến điểm nối đã hiện hình trong lãnh vực liên hệ. Vì Cơ cấu thường hình thành ngay từ thưở sơ khai của mỗi dân tộc, nên Lévi-Strauss đề cao giá trị của những bước khởi đầu, coi đó như là những điểm nối giữa Ý Thức với Tiềm Thức, giữa Sử hàng Ngang và Sử hàng Dọc. Cũng chính vì nhận ra rằng Tiềm Thức con người còn tác động mạnh nơi tâm trạng ban sơ nên Lévi-Strauss quan niệm muốn tìm hiểu một xã hội mà bỏ quên Huyền Thoại, nghĩa là những trang đầu tiên của lịch sử, những sáng tạo ban đầu để chỉ biết có sử ký là một sự sa đọa, mà hậu quả là không nắm được cấu thức của các định chế.

 

     Chúng ta thử áp dụng phương pháp Cơ Cấu vừa được trình bày ở trên vào việc nghiên cứu Huyền Sử Việt. Điều  cần nhấn mạnh ở đây, là có một sự dị biệt thuộc phương pháp giữa Dạng thức của Lévi-Strauss và Mô hình của Việt Triết. Với Lévi-Strauss, mô thức phải được kiến tạo ra (modèles construits). Nói cách khác, ông tìm cách thay thế các mô hình của các thổ dân bằng những mô hình lý trí để có thể thành những công thức đại số nhờ đó có khả năng giải thích rộng rãi hơn, dễ điều động hơn là mô dạng của thổ dân còn nằm chìm trong tiềm thức. Ngược lại, Mô thức của Việt Triết đã có từ lâu đời, còn kèm theo cả Số (Xem Những Số Huyền Cơ trong Văn Hóa Việt), cũng như đã nhô lên bình diện Ý Thức nên rất dễ điều động, khả năng biến thái vô biên nên cũng uyển chuyển linh động. Cho nên, thay vì phải kiến tạo Mô thức như Lévi-Strauss, ta chỉ cần lựa chọn mô thức đã sẵn có. Ba Mô thức căn bản của Việt Đạo là: Âm Dương, Tam Tài, Ngũ Hành đã hàm chứa ba nét căn cơ nổi bật nhất: Lưỡng-Nhất Tính, Nhân Chủ tính và Tâm Linh của thời Khai Nguyên Tư Tưởng Việt qua Huyền Sử.

 

     Như đã trình bày ở trên, Việt tộc là dân tộc duy nhất có Hai vật tổ Tiên  Rồng. Nét đặc trưng này là khởi thuỷ của Mô Hình Âm Dương sau này nơi Dịch Lý. Truyện Bánh Dầy Bánh Chưng tượng trưng cho Trời Đất Giao thoa làm nên con Người Đại Ngã. Ý tưởng Nhân Chủ tiên thiên này dẫn đến Mô Hình Tam Tài Trời-Đất-Người trong Trung Dung. Khi con người nhờ nhận thức được Tiên Rồng Tính nơi Bản Thể Uyên Nguyên mà dung hoà được cặp mâu thuẫn nội tại trong thân tâm mình, cũng như điều lý được các cặp mâu thuẫn trong vũ trụ vạn vật, nên tâm hồn vươn lên tới đợt An Nhiên , giác  ngộ An Vi giữa đời động lọan vì sống với chiều kích Đại Ngã Tâm Linh. Minh thức về Bản Thể Tâm Linh, suối nguồn Thái Hòa của trình độ  Tâm Thức An Vi  được đúc kết nơi Mô Hình Ngũ Hành của Việt Nho sau này.

 

     Nếu chúng ta biết là Lévi-Strauss được gợi ý lập ra Cơ Cấu luận từ một học giả về Nho giáo là ông Marcel Granet, cũng như những triết gia (Leibnitz, Hegel, Jaspers, Heidegger), tâm lý gia (Carl Jung), khoa học gia (Niels Bohr, Fritjof Capra) và nhiều người khác ở hàng đầu của giới trí thức Tây phương chịu ảnh hưởng của Kinh Dịch và Đông phương, thì ta mới hiểu ra rằng khi đi tìm hiểu, học hỏi về nguồn gốc Văn Hoá Dân Tộc Việt, ta sẽ trở về những Chân Lý cổ xưa, nhưng ở đây,“cổ mà không  cỗi” vì những giá trị ngàn xưa đã trở thành bất hủ, là những chân lý vượt không thời, để trở thành đối tượng học hỏi của giới trí thức ưu tú của cả Tây phương lẫn Đông phương ngày nay. Do đó, đối với người Việt, “Về Nguồn” không phải là về với những gì cổ hủ, lỗi thời, mà trái lại, về với Nguồn Việt là trở về với những tiềm năng, khả thể của Thực Tại Miên Trường, giải phóng cho con người khỏi những bước vong thân dưới đủ mọi hình thái lệ thuộc của căn bệnh DUY một chiều kích của nhân loại.

 

      Thật thế, Cơ Cấu Huyền Sử của Việt Đạo đã có từ xa xưa, rất rõ nét là đã đặt nổi chữ TƯƠNG trong sự quan hệ giữa hai hạn từ nền tảng nhất của Bản Thể Đại Đồng. Hai hạn từ đó có thể gọi là Tiên-Rồng, Hữu-Vô, Thời-Không, Thiên-Địa, Nam-Nữ, Tâm-Vật, Lý-Tình…Khi chiếu Ánh Sáng Tương Quan, Hòa Hợp của Bản Thể Bất Biến trên khắp các mâu thuẫn biến động của cuộc nhân sinh, con người cảm thấy Tâm Hồn An Nhiên, thư thái, hợp nhất cùng linh lực mầu nhiệm của Đạo Thể Viên Dung. Đó là lý do Minh Triết An Vi cần khai quật lại cái CƠ CẤU CẶP ĐÔI UYÊN NGUYÊN TIÊN – RỒNG trong Việt Đạo để mỗi chúng ta được tham dự vào vẻ đẹp thầm lặng của Chân Lý Bình Quân trong sự thiết lập mối Tương Quan thầm lặng với vũ trụ, vạn vật.

 

IV Ca Dao An Vi

Từ trước tới nay chúng ta chỉ nghe nói đến các lọai ca dao: Theo đặc tính địa phương thì có ca dao nam bộ, ca dao miền trung…Hoặc theo cách kết cấu thì có ca dao ở thể trào phúng, nói lái…Hay là theo nội dung thì có ca dao tranh đấu, ca dao ru em…Nhưng thật ra, đi sâu vào tư tưởng và tâm tình của dân tộc Việt  qua Ca Dao, ta còn có thể phân biệt một dòng ca dao khác nữa. Ca Dao An Vi là những vần ca dao chắt lọc từ kho tàng ca dao dân tộc. Nhưng tích cực hơn nó có  Tính An Vi cuả con người Việt. Có nghĩa là Ca Dao An Vi là những vần thơ  từ dòng tâm thức  tự nhiên, an lành, đơn sơ , chuyên chở ý nghĩa về Tâm Đạo của Dân Tộc Việt.

     Đề cập đến Tâm Đạo, có lẽ chúng ta dễ nghĩ đến những điều cao siêu xa rời đời sống. Thưa không, Tâm Đạo ở đây chỉ là con đường trở về cái Tâm Thức ban sơ của con người. Nó trong lành như tâm thức vô phân biệt của Trẻ Thơ.  Cái Tâm  Thức sáng suốt thiện lành đẹp đẽ, cái Tâm chan hòa khắp vũ trụ nhân linh . Cái Đạo Tâm bao la ấy biểu lộ cụ thể thành  xúc cảm, Tình Yêu  của con người với vạn vật , thiên nhiên, và giữa người và người với nhau, không phân biệt mầu da, tôn giáo, tài sản….Tình Yêu ấy như vượt qua cả cá nhân nhỏ bé, chật hẹp, cảm thức vươn lên cõi mênh mang của niềm hòa hợp thông giao cái ta nhỏ bé này với cội nguồn  nào bao la hơn. Triết Việt gọi niềm rung cảm hòa đồng ấy là Thái Hòa. Hòa Trời- Hòa Đất- Hòa Người. Ca Dao An Vi là cách biểu tỏ niềm rung cảm tự nhiên  ấy trong bản thể con người bằng những vần thơ lục bát dịu dàng nuôi dưỡng cái tình yêu trời yêu đất yêu người hòa ái đơn sơ . Nên có thể nói Ca Dao An Vi chính là nhịp đập cuả Trái Tim  Dân Tộc.

     Lao tác là một đặc tính sáng tạo của trí óc con người. Của trình độ mà khi con người đã bắt đầu ý thức Nhân Chủ của mình, tách ra khỏi đời sống du mục săn bắt, hái trái hoang dã, biết chế biến dụng cụ, chăn nuôi, trồng trọt hoa mầu, làm nhà, dệt vải…  Do đó, trong nền văn hóa nông nghiệp của Tổ Tiên Việt Tộc, Ca Dao An Vi, cũng bắt đầu với những nhịp đập yêu mến của cảnh lao tác của nhà nông.

 

Cỏ luá đã dọn sạch rồi

Nước ruộng vơi đầy còn độ một hai

Cao thì đong một gầu dai

Ruộng thấp thì phải đong hai gầu sòng

Chờ cho luá có đòng đòng

Bấy giờ ta sẽ trả công cho người

Bao giờ cho đến tháng mười

Ta đem liềm hái ra ngòai ruộng ta

Gặt hái ta đem về nhà

Phơi khô quạt sạch ấy là xong công.

 

Ca Dao An Vi còn nói lên cảnh sống tổng quát của một năm trong một gia đình điển hình ở làng quê:

 

Tháng chạp là tháng trồng khoai

Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà

Tháng ba cầy vỡ ruộng ra

Tháng tư làm mạ mưa sa đầy đồng

Ai ai cùng vợ cùng chồng

Chồng cầy vợ cấy trong lòng vui thay

Tháng năm gặt hái đã xong

Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy

Năm nong đầy em xay em giã

Trấu ủ phân cám bã nuôi heo

Sang năm lúa tốt tiền nhiều

Em đem đóng thuế đóng sưu cho chồng

Đói no có thiếp có chàng

Còn hơn chung đỉnh giầu sang một mình.

          

Ca Dao An Vi cũng nhắc ta cội nguồn Lạc Việt :

 

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ về giỗ Tổ mùng Muời tháng Ba.

   

Và Ca Dao nói lên tính chất Nhân Chủ Thờ Người của Văn Hóa Việt, nơi  di tích lịch sử ở Vĩnh Phú, Phú Thọ, dân ta đã lập đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương:

 

Ai về Phú Thọ cùng ta

Vui ngày giỗ Tổ tháng ba mùng mười.

    

Ca Dao An Vi  còn nói lên  tình tự quê hương với lịch sử và đất nước như  các vần ca dao về câu chuyện lịch sử :

 

Ai về đến huyện Đông Anh

Ghé xem phong cảnh Loa thành Thục Vương

Cổ Loa hình ốc khác thường

Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây.

    

Hay là:

 

Ai về Hậu Lộc Phú Điền

Nhớ đây bà Triệu trận tiền xung phong.

   

 Người Việt ngòai đời sống nông nghiệp ổn định có những khi phải đối phó với giặc ngọai xâm để giữ gìn mảnh đất, bờ ruộng, đời sống an vui hòa lạc của văn hóa quê mình. Tâm thưc Nhân Chủ lại biến thể thành tình yêu đất nước, đồng bào. Và còn đẹp hơn nữa, Tình Yêu ấy , vì mang sắc mầu Nhân Chủ, đạo lý của quê hương, nên tuyệt nhiên Làm vì Tình Yêu, vì Đại Nghĩa. Đó là tâm thức vô cầu của cậu bé làng Phù Đổng. Dẹp giặc cứu nước xong rồi, không màng đến công danh hư  ảo của trần gian, bay về trời hưởng chân hạnh phúc trong đỉnh an lành:

 

Nhớ xưa đương thủơ triều Hùng

Vu Ninh nổi đám bụi hồng nẻo xa

Trời thương Bách Việt sơn hà

Trong nơi thảo mãng nổi ra kỳ tài

Lên ba đang tuổi anh hài

Roi ngà ngựa sắt ra oai trận tiền

Một phen khói lửa dẹp yên

Sóc Sơn nhẹ gót thần tiên lên trời.

    

Rồi làng Quê Việt lại trở về trong cảnh hữu tình thấm trong từng mạch đất hương quê, cho lòng an nhiên  thanh thóat:

 

Làng tôi có lũy tre xanh

Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng

Bên bờ vải nhãn hai hàng

Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng.

    

Vào ngày lễ hội, những sinh họat cũng có sắc mầu riêng của nền  văn hóa chân chất cuả làng quê  khi từng bè nam nữ cùng hát vui, hát đố nhau. Con người vưà hát, nói, ăn, chơi bên những vần điệu và ý thơ chở đầy tình tứ:

 

Ở đâu năm cửa nàng ơi

Sông nào sáu khúc nước chẩy xuôi một dòng

Sông nào bên đục bên trong

Núi nào thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh

Đền nào thiêng nhất tỉnh Thanh

Ở đâu mà lại có thành tiên xây

Ở đâu là chín tầng mây

Ở đâu lắm nước ở đâu nhiều vàng

Chùa nào mà lại ở hang

Ở đâu lắm gỗ thời nàng biết không?

…….

   

 Rồi bên nữ phải trả lời cho được các câu hỏi. Ta hãy nghe nàng đáp lại:

 

Thành Hà nội năm cửa chàng ơi

Sông Lục đầu sáu khúc nước chẩy xuôi một dòng

Nước sông Thương bên đục bên trong

Núi Đức Thánh Tản thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh

Đền  Sòng thiêng nhất tỉnh Thanh

Ở trên tỉnh Lạng có thành Tiên xây

Trên trời có chín tầng mây

Dưới sông lắm nước, núi nay lắm vàng

Chuà Hương tích mà lại ở hang,

Trên rừng lắm gỗ thời chàng biết không?

….

    

Nhưng nổi bật nhất của Ca Dao An Vi vẫn mãi là những vần thơ trữ tình của trai gái làng quê trong cảm mến, yêu thương:

 

Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen

Em được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà

Ao anh sứt chỉ đuờng tà

Vợ anh chưa có Mẹ già chưa khâu

Ao anh sứt chỉ đã lâu

Hay mượn cô ấy về khâu áo này

Khâu rồi anh sẽ trả công

Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho

Giúp em một thúng xôi vò

Một con lợn béo một vò rượu tăm

Giúp em đôi chiếu em nằm

Đ6i chăn em đắp đôi chằm em đeo

Gíup em quan tám tiền cheo

Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

    

Đình Làng Quê Việt còn là một trung tâm văn hóa của người Việt: Ngòai việc là nơi lo công việc hành chính, không những là cơ duyên cho chàng trai ngỏ lời của tình yêu âm thầm trong trái tim, mà còn là nơi sinh họat bao hội hè lễ tết, cho nên Đình còn là nơi chốn của bao kỷ niệm.

Ôi ! Đình làng Quê Việt với bao hình ảnh gợi nhớ gợi thương!

 

Qua đình ngả nón trông đình

Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.

    

Sau ngày vui hội làng chàng trai đã nghe thỏang mùi hương hoa chanh hoa bưởi với một nụ cười của riêng ai trên bước đường về:

 

Mình về mình nhớ ta chăng

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười

Năm quan đổi lấy miệng cười

Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen

Răng đen ai khéo nhuộm cho mình

Để duyên mình đẹp cho tình anh mê.

    

Nụ cười mà hàm răng đen nhánh  đến nỗi “hạt huyền kém thua” như một vần thơ ví von nào  thì quả là cái đẹp  của Cô Gái Việt  thật rồi . Vì chỉ có cô gái Việt mới nhuộm răng đen để làm duyên làm đẹp và để ăn trầu. Nhưng chàng trai đâu chỉ muốn nói có bấy nhiêu. Chàng còn phải cần nói một câu quan trọng hơn:

 

Đường xa thì thật là xa

Mượn người làm mối cho ta một người

Một người mười tám đôi mươi

Một người vưà đẹp vừa tươi như mình.

 

    

Rồi nhiều khi nàng con e lệ chưa biết trả lời sao, thì chàng lại sẵn hồn thơ lai láng, dệt những  vần thơ mơ ước:

 

Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng

Ước gì anh cưới được nàng

Thì anh mua gạch bát tràng về xây

Xây dọc rồi lại xây ngang

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân…

 

   

 Không biết rằng chàng trai lãng mạn có xây được hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân không, nhưng ước mơ Tình đẹp quá!

 Rồi cưới được nàng rồi, mộng mơ chuyển sang tình nghĩa. Nghĩa là Tình Thăng Hoa. Trong Nghĩa mới có Tình thương chân thật và bền vững :

 

Ai ơi  chua ngọt đã từng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.

 

Hình ảnh người vợ mới cưới phải quên thân yếu đuối, sớm khuya trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt lụa, lo canh cửi giúp chồng ăn học đã là bức tranh đẹp nhất của tình nghĩa vợ chồng thời xưa:

 

Sáng trăng sáng cả vườn chè

Một gian nhà nhỏ đi về có nhau

Vì chồng tôi phải chạy dâu

Vì chồng tôi phải qua cầu  đắng cay

Chồng tôi thi đỗ khoa này

Bõ công canh cửi từ ngày lấy tôi

Kẻo không thì chúng bạn cười

Rằng tôi nhan sắc cho người say mê

Tôi thường khuyên sớm khuyên trưa

Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng.

    

Tình đẹp quá, Nghĩa lại còn đẹp hơn. Ca Dao An Vi đã nuôi dưỡng một chữ Tình chở  Nghĩa vợ chồng đến tận thiên thu.

Nhưng, có hạt lúa mới thành cây lúa. Có nhân mới có quả . Cuộc sống trồng cấy canh tác đã phát triển cái  Tâm Bao La của Đạo Việt Tình thương ấy phải có  nguồn có gốc. Ca Dao An Vi  do đó cũng đặt nền tảng cho một nền văn hóa  tô bồi cho một Đại Tình thuở ấu thơ, đó là lòng Hiếu Đạo. Người con được cha mẹ thương yêu lo lắng, hy sinh cho từ lúc lọt lòng.Nhưng tình thương cha mẹ trong đời sống bị nhạt nhòa theo năm tháng với những đuổi bắt công danh, sự nghiệp, và ràng buộc của mối tình nam nữ, vợ chồng, con cái. Hiếu là một thứ tình của  văn  hóa. Nếu không có văn hóa người ta dễ quên đi chữ hiếu.  Hiếu không nằm trong bản năng của lòai sinh vật. Hiếu phải được ý thức, trau giồi, phải có ý chí   của con người tham dự.  Hiếu là một biểu tỏ cao cấp của Văn Hóa Nhân Chủ.   Cho nên nhìn đạo Hiếu của một sắc dân, ta có thể  đánh giá trình độ Nhân Chủ của sắc dân đó.      

 

Ai về tôi gửi buồng cau

Buồng trước kính mẹ buồng sau kính thầy

Ai về tôi gửi đôi giầy

Phòng khi mưa nắng cho thầy mẹ đi.

 

Vần thơ từ thuở thơ ấu dậy về Đạo Hiếu , người Việt nào cũng thuộc nằm lòng:

 

Công cha như núi thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

    

Với tâm thức Nhân Chủ, nên coi việc tôn kính, phụng dưỡng cha mẹ như là một  cái Đạo, là sự tu hành chân thật, chính đáng nhất trong đạo làm người:

 

Tu đâu không bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.

    

Trong tình ruột thịt Ca Dao An Vi  cũng chất phác  ví von:

 

Cắt dây bầu dây bí

Ai cắt dây chị, dây em.

    

Hay như đàn gà ríu rít :

 

Khôn ngoan đối đáp người ngòai

Gà cùng một mẹ chớ hòai đá nhau.

    

Ngòai khía cạnh biểu lộ tình cảm, Ca Dao An Vi còn nói lên cái quan niệm đạo đức tu sửa con người. Đời sống nông nghiệp nên cách ví von cũng  chân chất bên hột đỗ, trái bí, dây bầu:

 

Ai ơi thương lấy nhau cùng

Đỗ ngâm ra giá đãi đùng nhau chi.

    

Hay là:

 

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

    

Giàn hoa nhân lọai! Đẹp biết bao nhiêu, Ca Dao An Vi còn chăm sóc cụ thể hơn:

 

Kẻ ăn người ở trong nhà

Sớm khuya công việc giúp ta nhọc nhằn

Thương người  đầy đọa chút thân

Chớ nên ngược đãi lòng nhân mới là.

 

 Phát triển cái tình nhân lọai đầm ấm, thương xót nương nhẹ người yếu kém hơn như thế trong Ca Dao An Vi, làm sao xã hội Việt có những cảnh dã man như nô lệ, vô sản lầm than , bất nhân như bên Tây Âu được.

Cái Tình bao la, cao cả, trải khắp nơi không phân biệt con người qua của cải, giai cấp, chủng tộc …đã thể hiện qua hai câu thơ :

 

Kinh đô cũng có người rồ

Man di cũng có sính đồ trạng nguyên.

 

 Tuy nhiên, Quân Bình là đạo lý của Việt Tộc. Cho nên, Ca Dao An Vi ngòai việc tô bồi Tình Nghĩa Con Người , nhưng  cũng khuyên con người phải dùng Trí Tuệ của mình đề nhận thức  mọi vấn đề của đời sống sao cho đạt được sự sâu xa tòan diện :

 

Làm người phải có trí khôn

Nghĩ sao cho hết đất VUÔNG trời TRÒN.

 

     Đạo Lý Vuông Tròn của Dân Tộc Việt là Đạo Làm Người, là Nhân Đạo Hai Chiều  Nối Kết, Ràng Buộc  giữa  Thiên Địa, không duy thiên lơ lửng huyễn hoặc trên trời hay duy địa là sà mặt đất. Hình ảnh một hình Tròn bao bọc lấy hình Vuông một cách cân đối như cặp bánh chưng bánh dầy, là một biểu tượng của sự giác ngộ mối Tương Quan, Hòa Hợp  ấy của tất cả các cặp mâu thuẫn nền tảng trong vũ trụ, con người, vạn vật. Triết Việt còn gợi ý tương tự như HAI BIỂU TƯỢNG  RỒNG – TIÊN : Như  lý trí và tình cảm, vật thể và tâm linh, tiểu ngã và đại ngã, tương đối và tuyệt đối, hữu hình và siêu hình, không gian và thời gian, đời và đạo…

 Do đó Đạo Lý Việt  nhìn đời sống trong cái nhìn tòan thể, bao dung , tương đối:

 

Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn

Sao trăng lại phải chịu lòn đám mây

Đèn khoe đèn to hơn  trăng

Đèn ra trước gió được chăng hỡi đèn?

    

Dòng Ca Dao An Vi còn là một dòng suối Nhân bản tinh tuyền .  Đường đời xa xôi, gian nan, lòng người đâu phải lúc nào cũng trinh bền với Tâm Đạo, cũng có lúc lao lung, lầm lối, lạc đường. Thì Ca Dao An Vi nhắc nhở:

 

Ai mà phụ nghĩa quên công

Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.

    

Hay:

 

Trăm năm bia đá thì  mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

    

Cùng giúp nhau giữ Nhân Đạo, những vần  Ca Dao An Vi còn  giúp nhau đức khiêm nhường:

 

Ai nhất thì tôi thứ nhì

Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba.

    

Hay cái Hạnh của đức tương dung, giải quyết mọi mâu thuẫn, khác biệt trong hiểu biết, hòa hợp. Kỵ nhất là cái tính cực đoan, hủy diệt đối lập.

 

Bên thẳng thì bên phải chùng

Hai bên cùng thẳng thì cùng đứt  dây.

 

Đức Tương Dung còn sáng tỏ hơn trong cách đối nhân xử thế :

 

Đừng khôn ngoan chớ vụng về

Đừng cho ai lấn chớ hề lấn ai.    

Một nền Văn Hóa có những vần ca dao của tình yêu thương mà thực tế, cụ thể, ơn ích cho sự hòa ái với nhau, thảo nào Văn Hóa Việt chẳng tạo ra những mẫu người HIỀN LÀNH. . Cái hiền hậu và an lành của triết nhân, thi nhân, hiền nhân xứ Việt.  Cái hiền hậu, an lành của tâm thức sáng suốt, sống theo quy luật Thái Hòa muôn thuở của vũ trụ nhân sinh. Cho nên người Hiền Lành của Văn HóaViệt sống với tâm an nhiên giữa đời động lọan như những đóa sen trong sạch giữa bùn lầy:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng

Nhụy vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

       Trình độ tâm thức đạt đến “ Sen Trắng giữa Bùn Đen’, đó chính là Tâm Thức An Vi. An Vi là sống với Vô biên trong đời Hữu hạn, nên  tâm hồn được Bình An với Đạo Lý giữa bao nghịch cảnh của đời thường .

     Ca Dao An Vi đã đưa con người Việt về với Tâm Đạo Việt. Thật thế, Ca Dao An Vi đã hun đúc tình tự dân tộc, tình thâm giữa người với người, đạo lý gia đình, mỹ tục thờ cúng tổ tiên, lòng hiếu đạo.

      Hay nói cách khác, Ca Dao An Vi, dòng Ca Dao chắt lọc tinh tuyền từ dòng sông Tâm linh phù sa Mẹ, đã nuôi dưỡng tình cảm tâm tư con người để xây dựng  NHÂN CÁCH của một CHỦ NHÂN trong vũ trụ. Ca Dao An Vi, từ phản ánh lao tác và tình nhà, đã đưa con người tiến lên, tiến mãi, vượt trên cấp độ của một con vật sống bằng cảm tính của bản năng. Ca Dao An Vi đã đưa con người bay lên cõi bao la của Tâm và của Linh, nghĩa là vượt những gì nhỏ bé thô cạn, để vươn lên cao, đến tận miền trời bao la, vi tế, thanh thóat.

     Hòan cảnh xã hội thay đổi, sinh họat kinh tế thay đổi, hình ảnh thơ mộng“ bên anh đọc sách bên nàng quay tơ” cũng không còn…Nhưng trên tất cả những ý và lời, Ca Dao An Vi đã hun đúc cho con người mọi nơi mọi thời một nền Đạo Đức nhất định : Một chữ  TÌNH để đưa lòng người về với  cội  nguồn  an lành  TÂM ĐẠO.

**

V. TRỐNG ĐỒNG

Trống Đồng là một vấn đề có liên quan đến khảo cổ. Do đó bài trình bày về Trống Đồng của chúng tôi  gồm co 2 phần chính:

Thứ nhất là Khảo Cổ Trống Đồng

Thứ hai là Minh Triết Trống Đồng

      Như chúng ta biết, Trống là một cổ vật chung ở miền Đông Nam Á, gồm cả các nước Tàu, Việt, Miến, Thái, Phi, Mã Lai, Nam Dương…mà trung tâm phát xuất lớn nhất là ở Việt nam. Trống xuất hiện ngay từ thời khuyết sử như trống đất, trống gỗ, trống đồng , trống cầu mưa, trống sấm, trống vu hích, trống cầm canh…

     Về cổ thư Việt, vì bị quân Tàu xâm lược lấy mất hết , không tìm được di tích.

Những sách sử từ thế kỷ 14 trở đi có nhắc đến, và rất trân trọng. Trống thường được dùng trong tế lễ, các cuộc thề nguyền rất thiêng liêng, trọng thể.

Triết gia Kim Định mô tả rất chính xác ý nghĩa  tôn quý của Trống: 

                                  “Trống Là Tiếng Vọng  của Linh Hồn Việt”

 

Sử sách xưa của  Trung Hoa từ thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch, đã đề cập đến trống đồng của Việt Tộc, tuy với ngụ ý xuyên tạc văn hóa, nhưng đã nói lên sự sở hữu của Việt Tộc về Trống đồng. Năm 43, khi Mã Viện đánh Trưng Nữ Vương, đã thu hết trống đồng của ta để đúc ngựa mẫu, nên trống bị quên lãng dần, chỉ còn là đối tượng của sự thờ cúng. Tuy nhiên, khi Trần Lương Trung, sứ nhà Nguyên sang nước ta, đời vua Trần Nhân Tôn (1291), có bài thơ “ Cảm sự’ trong Sứ Giao Châu tập ,  về Trống Đồng Việt :

Bóng lòe gươm sắc lòng thêm đắng

Tiếng rộn trống đồng tóc đốm hoa.

     Nghĩa là nhớ đến  trận chiến quân Nam đuổi đánh quân Mông Cổ sợ kinh khiếp đến nỗi chỉ nghe tiếng trống đồng rộn rã mà sứ giả đã bạc trắng tóc rồi!

.

    Về phía Tây phương, đến thời Pháp thuộc, khỏang 1885-1895 thực dân Pháp mới nhận ra trống đồng Việt  là một di vật quí, tìm mua khắp nơi, và trưng bày ở các hội chợ, viện bảo tàng ngọai quốc. Bốn trống nổi tiếng nhất là: Sông Đà, Khai Hóa, Ngọc Lữ, Hòang Hạ. Hai trống Ngọc Lữ, Hòang Hạ đẹp và cổ hơn cả. Trống Ngọc Lữ ở chùa Long Đại Sơn làng Ngọc Lữ tỉnh Hà Nam. Năm 1901 trường Viễn Đông Pháp đã nhờ trung gian chánh sứ Phủ Lý lấy trống ấy về Viễn Đông Bác Cổ, Hà nội. Còn trống Hòang Hạ, tìm được năm 1932, nhân lúc khai sông gần làng Hòang Hạ, tỉnh Hà Đông., trao cho trườngViễn đông Pháp ở bảo tàng viện Finot, nay cũng ở Hà nội.

     Về khảo cổ, thật ra mới đầu trường Viễn Đông Pháp  lập ra năm 1900 chưa chú ý nhiều đến trống đồng. Họ tập trung vào nghiên cứu thời kỳ đồ đá ở Việt Nam như thời Hòa Bình và Bắc Sơn. Nhưng một sự kiện tình cờ xẩy ra năm 1924, một người làng Đông Sơn ra sông Mã câu cá sau trận bão lụt, thấy chiếc trống đồng nằm trên bờ sông, lấy về bán lại cho một người Pháp  tên là Pajot. Sau đó trường Viễn Đông Pháp giao cho Pajot khai quật di chỉ Đông Sơn  và tìm được tổng cộng 489 đồ đồng, trong đó có 20 chiếc trống loại lớn , thân hình trụ đứng thẳng, trên mặt có hình sao đúc nổi. Lọai này được Heger chuyên gia khảo cổ về trống phân lọai hạng I trong các lọai trống. Từ đó, trên thế giới chú ý và  xuất hiện nhiều bài bình luận về Trống Đồng Đông Sơn. Và tên Văn Hóa Đông Sơn trong ngành khảo cổ cũng do một nhà khảo cổ người Đức Heine Geldern đặt tên trong thời gian này. Nhưng cũng từ khi Trống đồng Đông Sơn được nổi tiếng thì nhiều di chỉ trống đồng được thám quật, và Trung Quốc có sự tranh chấp chủ quyền về trống đồng với ta đã bắt đầu, khỏang năm 1950. Gần đây, các nhà nghiên cứu khảo cổ trống đồng  phối hợp với các ngành khác như di truyền, hải dương, nhân chủng…thì sự tranh cãi không còn nữa. Sự thật của lịch sử về nền Văn hóa Đông Sơn đã được các nhà khảo cổ trên thế giới thưà nhận là của chủng tộc Việt. Mà Trống Đồng Đông Sơn tại Việt Nam  là một  đại biểu chói chang nhất.

     Nói về các niên đại văn hóa, ta có thể kể sơ:

     -Văn Hóa Hòa Bình: Khỏang ít nhất 10,000 năm trước Tây Lịch: Đây là thời đại đồ đá mới, người Hòa Bình  đã khắc phục trở ngại thiên nhiên, chế tạo dụng cụ sản xuất,  từ bỏ đời sống hoang dã, hái trái, săn bắt, Khai Sáng nền Văn Minh Nông Nghiệp tại Đông Nam Á. Người Hòa Bình còn di chuyển từ Nam lên Bắc, sau này thành người Tàu, đi qua Nam dương, Mã Lai, vượt qua Mỹ Châu…Người Hòa Bình là tổ tiên của người Việt chúng ta ngày nay.

-      Thời đại Bắc Sơn: Khỏang 5000 năm truớc Tây lịch.

-      Thời Phùng Nguyên: Khỏang 3000 năm truớc T.L

-      Thời Đông Sơn :Khỏang 900-700 trước TL tới 200 năm sau T.L

 Vua Hùng dựng nước từ 2879 trước Tây Lịch, và bị Thục Phán cướp nước vào năm 258 trước Tây Lịch.Như vậy Thời  Văn Hóa Đông Sơn nằm trong cuối thời của  các Vua Hùng Vương .

Sự nổi tiếng của Trống Đồng Đông Sơn về mặt cổ vật quý vì kỹ thuật luyện kim thời ấy. Trống Đông Sơn là đỉnh cao của kỹ thuật hợp kim đồng, chì và thiếc, nhờ vậy đồng có độ dai bền vô cùng, có thể dát mỏng làm mặt trống mà tha hồ đánh không thủng. Các hoa văn trên trống đồng cũng là những khắc chạm độc đáo cùng với vẻ hòanh tráng của trống đồng đã làm các nhà khảo cổ quốc tế ngưỡng mộ.

Chúng tôi xin tả sơ về các hoa văn trên trống Ngọc Lữ:

 

Trống Ngọc Lữ có kính 79 cm, thân trống cao 63cm, tang trống ( thành trống) phình ra đường kính 86cm. Trên mặt trống ở giữa là hình mặt trời nổi cao có 14 tia sáng  . Giữa các  tia sáng là hình các tam giác. Từ đó chia làm 16 vòng hoa văn, mỗi vòng bao bởi HAI đường chỉ chạy song song.

     16 vòng này lại chia làm BA nhóm vòng :

Nhóm vòng thứ nhất sát vòng mặt trời, gồm hình như chim bay kiểu hình chữ S.

 

 

 

 

Nhóm vòng thứ hai, ở giữa, chia thành hai nửa bán nguyệt: một bên 6 hình, một bên 8. Triết gia Kim Định gợi ý cho chúng ta rằng có thể đây là dấu hiệu của thời thể thơ lục bát . Điều này cũng dễ đồng ý vì lục bát là lọai thơ riêng của Việt Nam.

Một nửa 7 người hóa trang thành chim tay cầm lao, giáo,kèn.

Một dàn 4 chiếc trống với 4 người đang đánh bằng chầy đứng.

Một dàn cồng chia hai, một bên 7, một bên 8, một người đánh.

Một nhà sàn hình  thuyền  mái cong, có một chim đậu và hai người ở trong đang múa giao tay giao chân, tức là như lối hát  Lý Liên sau này.

 

 

 

Hát Cài Hoa Kết Hoa ( Lý Liên)

 

Nửa khác trên nóc nhà có hai chim, đòan người bên chẵn bên lẻ.

 

            

Nhóm vòng thứ ba, gồm hai vòng nai và chim. Đặc biệt là cứ có một chim đứng thì một con bay, một con đuôi dài cạnh một con đuôi ngắn, một con đực đi đôi với một con cái…

     Khảo cổ làm việc để ghi lại các yếu tố vật chất, như  hình thể trống thuộc lọai nào, độ cao, chiều kích,hình các hoa văn trên trống liên hệ ra sao với các hoa văn của từng thời đại văn hóa, hay phân tích thành phần hợp kim, kỹ thuật đúc trống, nơi xuất phát trống của từng lọai v.v….Những công trình khảo cổ giúp cho ta có cái nhìn về khía cạnh hữu hình, hữu hạn của di vật cổ mà thôi.

     Nhưng Nghệ Thuật không chỉ là những gì bộc lộ ra ngòai.  Điều mà nghệ thuật diễn tả được phải là chỗ không lời, không thấy, gợi được cái cảm nghiệm vô biên, cái ý nghĩa thấm vào tận đáy lòng người, làm rung cảm mối suy tư…Do đó, lý tưởng của nghệ thuật cũng là lý tưởng của con người. Vì con người là gì? Có phải rằng chúng ta cũng chỉ là một Tác Phẩm  Nghệ Thuật  độc đáo, cao cả, mầu nhiệm nhất của vũ trụ ?

     Như vậy, ngắm nhìn các hoa văn trên trống đồng dân tộc, nếu  tâm hồn  trầm lắng các vọng động, ta sẽ cảm được cái  nghệ thuật ẩn tàng của trống, nghĩa là tiếp cận miền vi tế của Tâm Linh Tổ Tiên Việt.

     Như vậy, Ngắm Nhìn Trống, với Tâm Tư, chính là tác động của một Công Án Thiền Tâm Linh của Đạo Việt.

    Hay nói cách khác, theo Triết Lý An Vi, muốn tìm hiểu tư tưởng Tổ tiên, ta phải đặt mọi vấn đề trong cái sinh động của TÒAN THỂ nền văn hóa. Ta sẽ thấy các hoa văn   trên di chỉ trống đồng liên hệ chặt  chẽ với các yếu tính văn hóa chung trên các khía cạnh khác như ngôn ngữ trong huyền thọai, ca dao, tục ngữ; như con số huyền nhiệm ; hay là các phong tục, thể chế trong sinh họat làng quê Việt.

    Thật thế, quan sát  các hoa văn chạm trổ trên trống đồng ta thấy các ấn tích văn hóa Việt  đầy khắp.

 

 

 

 

 

 

 

1-Mặt trời :  Là yếu tố ở trung tâm trống: Điều này cũng trùng hợp với các quốc hiệu xưa của nước ta là Xích Quỷ, Viêm Việt; Xích chỉ lửa đỏ, Quỷ nghĩa là Làm Chủ,Tinh Hoa, Viêm là xứ nóng.

   Như vậy, mặt trời có liên hệ với danh hiệu nước, chứng tỏ sự gắn liền với mặt trời của dân xứ nóng, nông nghiệp. Mà Việt Tộc là lãnh đạo. Thêm nữa, Việt Tộc làm  nghề nông thì luôn dựa vào thời tiết, mặt trời để canh tác cho thích hợp, nên  trước khi sang biểu tượng vật linh, trong giai đoạn đầu còn ảnh hưởng tâm lý bái vật, Việt Tộc  đã sùng bái mặt trời như là nguồn sinh dưỡng.

 

2- Vật biểu chim  hiện ra trong việc con người hóa trang bằng lông chim, các con chim đầy khắp vòng trống. Tinh thần nước Việt hiện ra hình chim Tiên bay múa theo chiều tay trái. Truyện Con Rồng Cháu Tiên chính từ biểu tượng của chim bay nhởn nhơ trên ruộng lúa nước từ thời còn là người văn minh tiền sử Hòa bình cả chục ngàn năm xưa .

 

3- Dấu tả nhậm :Tả nhậm là cài áo tay trái, nói rộng ra là trọng phía trái.Đòan người chim nai trên các vòng trống đồng đều đi về phía trái. Phía trái là dấu riêng của Việt tộc, một lần nữa, trống đồng đã ghi lai nét văn hóa độc đáo của chủng tộc. Chúng tôi có một điều cần lưu ý ở đây: Không hiểu với trình độ cảm nhận Tâm Linh siêu việt tới mức nào, mà Tổ Tiên Việt Tộc chúng ta cứ trọng hướng trái. Vạt áo bên phải, nút áo bên phải, nên khi cài nút áo mặc, người Cổ Việt  dùng tay trái. Điểm đặc biệt này ngược với các sắc dân khác, như là người Hoa Hán, họ cài áo tay phải, cho nên họ có câu: “ Tứ Di tả nhậm” để chỉ sự khác biệt của dòng tộc Tứ Di- tức là tiền thân cũa dân tộc Việt. Thế mà ngày nay, với những khám phá mới nhất của khoa thần kinh não bộ học, đã chứng minh phần bán cầu não phải  là tập trung của năng lực nghệ thuật, thẩm mỹ, cảm xúc. Mà như chúng ta đã biết, phần bên phải của  não  điều khiển các vận động bên trái của cơ thể. Như thế có nghĩa là khi sử dụng tay trái là liên hệ tới não phải, phần nghiêng về nghệ thuật, thẫm mỹ, cảm xúc- tức là Minh Triết. Như chúng tôi đã thưa ở trên, Minh Triết gắn liền với Nghệ Thuật và Nhân Sinh, và đó chính là đặc điểm của nền Minh Triết Việt.

     Ngòai ra, tả nhậm còn ý nghĩa là hướng ngược chiều mặt trời, ngược chiều kim đồng hồ. Đời sống đi theo chiều kim đồng hồ là đời sống của vật thể, đo đếm, đều đặn, lạnh lùng, vô cảm, lý trí cứng rắn của ý thức phân biệt . Ngược lại với những tính chất này, là đời sống của tâm linh vô phân biệt, của cảm xúc nồng nhiệt của trái tim. Trong ngôn ngữ, văn hóa ta nói vợ chồng, nhà nước… vợ trước chồng, nhà trước nước tức  là cái yếu ớt, nhỏ bé, cụ thể trước, đó là tả nhậm.

     Có lẽ cũng vì cảm thức với Tiềm Thể Tâm Linh Minh Triết, nên Việt tộc trọng phía trái, còn có nghĩa là sự trọng tình cảm, thương người yếu kém trong văn hóa và đời sống Việt, còn tương quan với  sự họat động của thần kinh cảm xúc. Nếu như vậy, cảm xúc, sự tương giao, hòa hợp, hay tình yêu thương  của con người với thiên nhiên, vũ trụ, vạn vật, và với nhau đã nằm sẵn trong cơ cấu thần kinh não bộ. Kích động cái nguồn tiềm lực ấy lên, khơi nguồn cái dòng tâm đạo ấy lên, một trong những vận động ấy chính là tác động tả nhậm của Tổ tiên Việt Tộc? Ôi! Huyền nhiệm thay sức sáng tạo từ trực giác tâm linh của Tổ Tiên ta. Chúng ta đã tháp đôi cánh Tiên nương bay lượn trong cõi vô cùng, nên thấy ngay cái chân lý tâm linh tả nhậm của bản thể vũ trụ, nhân sinh trong khi khoa học mò mẫm bằng lý trí phải mất mấy ngàn năm mà cũng chỉ tìm được những mảnh vụn rách rời của tấm họa đồ bí mật sự sinh tồn của vũ trụ. 

 

4-- Tính Lưỡng Hợp trên trống: con cái và đực, các đuôi chim dài ngắn xen kẽ. Con bay con đứng cũng  từng cặp…Rồi đến các vòng song song chạy đều trên mặt trống để phân chia giữa những nhóm vòng hay các vòng tiếp tuyến chạy song song giữa từng vòng. Đây là hình ảnh của tính nhịp đôi củaVăn Hóa Việt, là biểu lộ tâm thức hai chiều , đã đầy khắp mặt trống. Hình ảnh này ta còn tìm thấy nơi những hòn sỏi tìm được ở Bắc Sơn ( 5000 năm trước Tây lịch)có hai dấu vạch song song với nhau.  Cũng như theo các nhà  nghiên cứu  cấu trúc ngôn ngữ Việt , thì khỏang 80% từ ngữ Việt gồm hai chữ ghép với nhau. Thí dụ như: đi lại, ngang dọc, ăn làm, nói năng…

 

5-  Nông nghiệp đã hiện rõ nơi các chầy đứng  giã gạo của nhà nông.

 

 

 

 

 

6- Địa vị Con Người : Địa vị của một chủ nhân trong vũ trụ đã thể hiện trong mọi sinh họat trên trống đồng ngay giáp vòng trung tâm mặt trời. Con người xuất hiện trong các động tác của  múa, hát, giao hòa . Mọi người cùng múa, cùng hát, cùng giao tay chân . Người điều động là một người của nhóm, ta thấy cảnh mọi người cùng nhau tham dự trong một Tinh Thần Công Thể, như là các phần tử trong một cơ thể. Tuyệt nhiên không hề có cảnh  của mối liên hệ chủ –nô, ngay cả hình ảnh của vua quan và thứ dân cũng không có. Đây là điểm nổi bật  của tinh thần Nhân Chủ  đã thể hiện rõ ràng trong cảnh trên mặt trống. Mọi người bình đẳng bên nhau múa hát vang trời dậy đất trong cuộc đại diễn  hành về hướng trái để hội nhập với lửa trời thiêng liêng ở trung tâm Trống Không của lòng mình.

7- Minh Triết Thái  Hòa trên mặt trống . 16 vòng bao gồm 3 nhóm vòng cuả  Trời, Đất, và Người . Tất cả đang an vui  sinh động bên  nhau.

 

 

 

 

 

                            

                                                  Cảnh Trời-Đất-Người Thái Hòa

.

 

     Tất cả cái khung tâm thức lưỡng hợp, thái hòa như trời - đất, chẵn - lẻ, vuông - tròn…là cái khung họa đồ của tư tưởng dân tộc. Khung tâm thức ấy dù trải qua bao thăng trầm nguy biến, dưới ách lệ thuộc ngàn năm, qua bao âm mưu cướp sạch, tiêu hủy văn hóa Việt để con cháu không con nhớ đuợc cội nguồn, văn hóa của tổ tiên, nhưng kỳ diệu và may mắn thay, Văn Hóa chủng tộc Việt chúng ta vẫn sống còn. Để ngày hôm nay, ta còn cơ hội chiêm ngắm các hoa văn khắc ghi trên mặt trống mà nhận diện tấm họa đồ di bảo của tổ tiên. Nó hướng con người Việt tìm về nội tâm, tìm ra lẽ sống an vui hòa bình . Nó linh thiêng vì lẽ sống ấy không phải là vật chất nên không bị tiêu hủy qua  bao ngàn năm tang thương. Sức sống Việt là sức mạnh của Văn Hóa, nên trường tồn, nên linh thiêng. Nên chúng ta có thể gọi tên là Họa Đồ Tâm Linh Dân Tộc Việt.

 

    Khảo cổ đã mang lại cho ta niềm tự hào Việt Tộc, với nền văn minh lúa nước Hòa Bình.Đặc biệt nơi đây, khảo cổ đã mang cho chúng ta tiếng Trống Đồng Đông Sơn rộn rã trong từng đáy lòng  con dân Việt.

 

     Nhưng thật ra, Trống Đồng chỉ là một biểu tượng của khía cạnh Văn Minh. Nhưng còn nền Văn Hóa của Tổ tiên, chúng ta chưa có dịp tự hào vì chưa tìm cho thấu triệt, để ôn lại với nhau, truyền đạt cho nhau về ý nghĩa  bức tranh Họa Đồ Tâm Linh Việt  khắc ghi trên trống. Nơi đây ta sẽ thấy cả một nghệ thuật sống của đạo lý Việt : Chỉ là một chữ HÒA thật lớn lao. Minh Triết HÒA ấy bộc lộ rõ ràng : Mặt trời ở giữa trung tâm, đó là HÒA TRỜI. Như là Hòa với nguồn ánh sáng nuôi dưỡng vạn vật, sự sống cho muôn lòai.  Rồi những vòng thú vật hiền lành, các con chim, nai bé nhỏ chính là vòng của đạo sống HÒA với ĐẤT. Và giữa cái cảnh trời đất mênh mông niềm hòa ái ấy, con người mới HÒA NGƯỜI với nhau.Đó là chính từ cảnh hòa hợp khắp cùng trời đất vạn vật, con người làm nên cuộc đại diễn hành thiêng liêng ca múa bên nhau với trời cùng đất. Trên trống đồng chính là cảnh “Ta cùng trời đất ba ngôi sánh, Trời - Đất - Ta đây một chữ đồng”.

     Bức họa đồ ấy vẽ nên những nét căn cơ của đời sống . Nét căn cơ ấy là Bản Chất  và cũng là Hành Trình của con người. Bản chất con người tóm gọn chỉ là giao điểm của tinh thần vô biên với vật thể hữu hạn. Hành trình của con người chẳng qua là cuộc hành hương về với bản gốc mình, có nhịp tiến lên thanh cao mà cũng có bước đi xuống lưu hành cùng thế tục . Đó là ý nghĩa chữ GIAO CHỈ cũa Việt tộc. Giao Chỉ là giao lại, nối kết hai Chỉ ( hai đầu mối, hai thái cực) Trời và Đất, hai đối cực làm nên con người. Cho nên nói con người là vật chất, như duy vật là “duy chỉ” chứ chưa là “ Giao Chỉ”, nên  còn tách biệt phân ly thực tại hai chiều Lưỡng Hợp của Chân Lý Việt. Nói con người là linh thiêng xa rời xác thân, vật thể cũng là “duy chỉ” chứ chưa phải là ‘“Giao Chỉ”. Con người là “Giao Chỉ” có nghĩa là con người là một nơi hội tụ, ràng buộc , tương giao của trời và đất, hữu hạn với vô cùng. Trên trống đồng chúng ta thấy tinh thần “ Giao Chỉ” cùng cực.

     Trời không cô lẻ, đất cũng chẳng xa rời, con người khắc ghi cái cảm thức Hòa điệu Trời - Đất -Người bằng vòng người hóa trang chim nhảy múa theo chiều minh triết  tả nhậm. Chúng ta thấy tinh thần ca vũ, hóa trang với lông chim với sự  thanh thóat bay bổng của cháu TIÊN. Và chúng ta cũng thấy Tiên không một mình, mà trên tang trống ( thành trống) lại có nét khắc họa cảnh chim Tiên lao thẳng vào miệng Rồng tạo thành cảnh Tiên Rồng hòa hợp sánh đôi để rồi sẽ sinh ra một bọc trăm Con Rồng Cháu Tiên mà Triết Gia Kim Định đã mô tả bằng từ ngữ  rất gợi hình: “Thuyền Tình bể ái”   Tiên Rồng.

 

 

 

 

 

Thuyền Tình Bể Ái Tiên Rồng

 

 

Ngòai ra, chữ VĂN trong từ ngữ Văn Lang cũng cùng ý nghĩa trời đất giao thoa  như GIAO của giao Chỉ. Nước ta quốc hiệu Văn Lang tức là đất nước của con người đã đạt mức độ Văn Trời -Văn Đất , tương quan với Trời cùng Đất. Trên Trống Đồng, họa đồ  Con Người Giao Hòa cùng Trời Đất,  ca múa những bước  hòa nhịp Văn Lang, mà Triết Gia Kim Định đã đặt tên vũ điệu này là Văn Lang Vũ Bộ.

     Như vậy, tìm hiểu trống đồng cổ vật quý của văn minh Đông Sơn thời Hùng Vương, cũng như các khía cạnh khác về kích thước, sự luyện kim trong kỹ thuật đúc trống…, chỉ là mới tìm hiểu cái hình thức bên ngòai, các yếu tố vật chất của trống. Nhưng khi mà chúng ta tìm hiểu thâm sâu thêm vào ý nghĩa của trống, qua các hoa văn , thì đó mới là tìm lại những gì trường cửu hơn, văn hóa hơn, nội tâm hơn, mới đúng như cái nhìn ngắm để rồi nghe được  “Tiếng Vọng  của Linh Hồn Việt”.

      Hay nói cách khác, nếu thế giới hôm nay đang miệt mài say sưa hữu vi duy vật quá độ, xa rời yếu tính Giao Chỉ tâm linh, nên gần kề cơ nguy hủy diệt, thì tìm về ý nghĩa Minh Triết  Trống Đồng chính là việc kéo con người  về với  cái  luật quân bình tự nhiên An Vi, để sinh tồn. Nghĩa là sống với Đạo Trống . Trống dùng như danh từ, là cái trống, về hình thể bên ngòai. Mà động từ Trống là sự hư tĩnh trống không. TRỐNG chính là  HƯ TÂM, theo đạo Trống là làm cho lòng trống không( cái Không dọn đường chứa đựng cái  có, tương tự như Chân Không Diệu Hữu ) như tâm thức trong suốt trẻ thơ. Thiên đàng nào ở đâu xa., chính ngay tại tâm thức Giao lại Chỉ trời và Chỉ Đất, Văn lại cái Hữu hình  với Siêu hình. Nơi Tâm thức Vô phân biệt hai cõi Hữu và Vô, con người đạt đến cái ngây thơ hồn nhiên của tâm hồn trẻ thơ, chính là Tâm Đạo. Cho nên, Triết Việt là đường về Nội Tâm , tiếp cận  được cảnh giới siêu việt,  chan hòa niềm an vui thanh tịnh, giao hòa được với bản thể sinh mệnh hai chiều đại ngã tâm linh. Do đó, Triết Việt là triết của TÂM nên rất ĐƠN SƠ mà NỀN TẢNG, chỉ vài nét chạm khắc nghệ thuật như hình Tiên Rồng HAI chiều lưỡng nghi hòa hợp, hay BA vòng đại diễn Trời- Đất- Người  cũng đủ đúc cốt xây nền cái  trụ  cột chính của họa đồ tâm linh dân tộc Việt.

     Từ đó, nếu đọc đúng được họa đồ di chúc tinh thần của tổ tiên thì con cháu được an lành, đời là cuộc diễn hành về nhất thể thiêng liêng, như hoa hướng dương hướng về mặt trời chân lý. Nếu không đọc đúng, sai một ly đi một dặm, thì phải lâm vào khổ nạn của sai lầm, bất an cả thể xác lẫn tâm hồn, đắm chìm trong thế giới đau thương và hủy diệt. Cuối cùng chúng ta nhận ra rằng trăm sự khổ đau, bất an của con người xuất phát từ  tư tưởng giới hạn, vì dùng TRÍ  nhiều hơn TÂM, nên chỉ thấy cái chẻ nhỏ của thực tại, chỉ thấy khía cạnh  mà chưa thấy cái tòan thể. Chỉ thấy con người của cá nhân tiểu ngã, con người lý trí, con người của đòan lũ, con người của phe nhóm, con người của tôn giáo… Đó là con người còn thiển cận, nhỏ bé,hẹp hòi, nên gọi là con người

 “ Duy Chỉ”. Con người “ GIAO CHỈ” là phải lớn lao hơn, cao cả hơn, là con người tự thân, tự do, đơn sơ, tinh tuyền một chữ NGƯỜI không pha tạp bất cứ sắc mầu nào.  Cho nên, Triết Gia Kim Định cứ kêu thống thiết lên rằng: “ Đạo mất trước, nước mất sau”. Do đó, muốn cứu nước, cứu nhà, trước tiên ta phải tìm về Đạo Việt, Đạo GIAO CHỈ của nguồn Minh Triết Việt.

 

     Một cách hình ảnh hơn, ta có thể nói rằng Đạo Việt chính là Đạo Trống. Có để lòng trống không, thì mới giao hòa được bao cái mâu thuẫn, chia rẽ chính bản thể của mình với vũ trụ, nhân sinh, trong bao đa đoan, đa sự của cuộc đời… Bình An và Chân Hạnh Phúc nào đến được khi ta chưa mở lòng cho Trống, cho Không.

   Thật thế, Đạo Trống đã khắc ghi trên các hoa văn  có con dấu ấn LƯỠNG HỢP, THÁI HÒA hay là HAI- BA , dấu chỉ đường về với Đạo. Đọc lịch sử quê hương, ta thấy biết bao thăng trầm, vinh nhục . Và mang Đạo Trống quán chiếu, ta thấy ngay tầm ảnh hưởng của bức họa đồ sinh tử của dân tộc Việt . Hôm nay, trên bước  bất đắc chí phải tha hương , nói đến chuyện cứu quốc, kiến quốc, thì không thể không tìm lại một họa đồ thích hợp với căn tính Việt để xây nhà Việt, cho người Việt khỏi lâm cảnh không cửa không nhà, tinh thần bơ vơ không nơi  trú ngụ. Một dân tộc có bản sắc 5000 năm không bị tiêu trầm, chắc hẳn tấm họa đồ của dân tộc ấy phải chưá đựng nổi hồn thiêng văn hóa của giống nòi. Chắc hẳn  nền văn hóa ấy phải đủ sức sống mãnh liệt để  hàng ngàn năm  dòng máu Lạc Việt cứ tuôn đổ ra để bảo vệ nó qua bao thăng trầm. Tấm họa đồ ấy trong thời thanh bình an lạc Hùng Vương đã khắc ghi cái tâm tình, trí tuệ, đau thương của giống nòi Việt Tộc trên hoa văn của Trống Đồng mà đại biểu là Trống Đông Sơn rực rỡ một thời.

     Bài tìm hiểu Triết Việt về Minh Triết Trống Đồng  này của chúng tôi chỉ như một gợi ý, không có tham vọng giải thích được hết cái đạo, cái  tình, cái ý, cái chí của tổ tiên. Chỉ là những phác họa lại trong muôn một, cái Hồn của đất Việt, cái Tâm của Đạo Việt, bức Họa Đồ Tâm Linh Dân Tộc Việt,  để chúng ta cùng chia sẻ với nhau gia tài tinh thần của tổ tiên trao gửi lại nơi các hoa văn trên Trống Đông Sơn Gọi Hồn Dân Tộc.

 

VI --

NHỮNG SỐ HUYỀN CƠ CỦA VĂN HÓA VIỆT

 

                                                                                                            Đông Lan

 

   

 

Trên đường hướng đi tìm một ý nghĩa Minh Triết cho Văn Hóa Việt Nam để xây dựng một nền tảng sâu sắc, tòan diện và quán triệt  về Tư Tưởng và Nhận Thức của Tiền Nhân Việt, những bài tham khảo  trước, chúng tôi  đã đề cập đến  Triết Việt qua nhiều   khía cạnh khác nhau:  Về  ngôn ngữ, như  Tâm Thức Lưỡng Hợp trong  các truyện tích  Con Rồng Cháu Tiên, Bánh Dầy Bánh Chưng của  Huyền Sử Dân Tộc. Như  Nhân Chủ Tính trong các truyện tích Phù Đổng Thiên Vương, Kim Qui; hay dòng  Ca Dao chuyên chở Tính An Vi của Triết Việt. Về  nghệ thuật tiêu biểu như những hoa văn trên Trống Đồng Đông Sơn  với Ý Nghĩa  Trời – Đất – Người trong cảnh  Thái Hòa, dấu chỉ An Vi Việt Đạo từ những  thời các  Vua Hùng  dựng nước, dựng nhà.

 

     Hôm nay chúng tôi xin trình bày tư tưởng Việt Tộc của chúng ta trên một khía cạnh mà có lẽ chúng ta ít nghe nói tới: Đó là những CON SỐ. Có nghĩa là thay vì diễn tả tư tưởng, nhận thức bằng lời nói, câu chuyện, hay hình vẽ, các nét khắc họa của nghệ thuật, Tổ tiên ta cũng đã   nói lên cái nhận thức tư tưởng  căn bản của mình về vũ trụ, con người , xã hội, lịch sử và sứ mạng của nó qua những biểu tượng có một trật tự sắp xếp như những con số.  Triết Việt gọi là những Số Huyền Cơ. Huyền là huyền bí, sâu xa. Cơ là căn cơ, căn bản, nền tảng.

 

     Như vậy tìm hiểu Những Số Huyền Cơ của Văn Hóa Việt  là tìm hiểu những nét đơn sơ mà sâu sắc, là tìm hiểu linh hồn vũ trụ , bản tính của vạn vật trong đó có con người, đuợc diễn tả bằng một mô hình mới của ngôn ngữ với những con số huyền bí , thần kỳ…

     Văn hóa bao gồm mọi hình thái sinh họat của con người khi tiếp xúc với thiên nhiên, xã hội. Mọi hình thái ấy, dẫu có đa diện tới đâu, có phức tạp thế nào, nếu có Minh Triết soi đường thì thật ra vẫn có một quy luật nằm ngầm chi phối, liên kết , ràng buộc các yếu tố lẻ tẻ riêng biệt lại với nhau theo một dạng thức nhất định. Một trong những biểu lộ Yếu Tính ấy của Văn Hóa Việt  chính là những Con Số Huyền Cơ . Thật vậy,  những con số huyền bí như cơ trời ban riêng cho chủng tộc Việt chúng ta,  chính là cái mạch nguồn ngầm chảy, dưỡng nuôi, có khi không ý thức được, nhưng nó vẫn  là Mô Hình Nền Tảng xây dựng nên  5000 năm  Văn Hóa Việt . Những Số Huyền Cơ này là sự  độc đáo, là bản sắc, để rồi sau này, trong dòng vận mệnh, nó phải  tạp lưu với các nền văn hóa khác, Minh Triết Việt vẫn không bị tiêu trầm.

     Có thể nói, chính vì thế, ngày hôm nay chúng ta còn có  cơ hội tìm về bản gốc của nền văn hóa riêng của chúng ta, nhờ vào dấu ấn Huyền Cơ  với những Con Số Minh Triết từ  thuở sơ khai của Nhận Thức và Tư Tưởng  của Tổ Tiên để lại.

     Thật thế, trước khi con người có ngôn ngữ đủ để diễn tả mọi trạng thái suy tư, con người đã dùng hình vẽ và con số để diễn tả thực tại. Rồi sau này văn minh hơn, có ngôn ngữ, chữ viết , con người dần dần quên đi cách biểu tỏ bằng hình vẽ và con số. Nhưng vì chính bị bỏ quên, nên con số có một vị trí Thiêng Liêng của nó.Nó đại diện cho các chân lý cổ sơ, trình độ tâm thức khai nguyên, khi con người còn ở tình trạng tâm thức hòa đồng bản ngã với vũ trụ, nên dễ diễn tả gần đúng các định luật nền tảng ấy.

     Hôm nay ta hãy cùng  tìm hiểu xem Văn Hóa Việt đã diễn tả thế giới bằng những con số nào.

 

     Trước nhất là cặp con số 2-3, mà chúng ta thường thấy trong ngôn ngữ Viêt là Vài- Ba.

     Chúng ta thấy Ngôn Ngữ Huyền Sử mở đầu nước Văn Lang là:

                                

Con Rồng Cháu Tiên:

   

 Về ý nghĩa  HAI biểu tượng Rồng -Tiên. Tức là KHÔNG DUY CHỈ là MỘT biểu tượng mà thôi, điều này chúng tôi đã đề cập đến Tâm Thức Lưỡng Hợp  trong Huyền Sử Hồng Bàng. Nhưng vấn đề mới chúng ta đặt ra ở đây là, đành rằng với tâm thức lưỡng hợp, truyện Hồng Bàng đã GIAO CHỈ - có nghĩa là nối kết hai đối cực - được  Rồng và Tiên, nhưng lại là CON RỒNG CHÁU TIÊN  chứ không phải Cháu Tiên Con Rồng hoặc là  Cháu Rồng Cháu Tiên ? Nếu nhằm ngụ ý sâu xa, thì từ ngữ CON đi với Rồng và  CHÁU đi với Tiên  hẳn phải có một  ý nghĩa .

     Chúng tôi xin phép được giải thích như thế này:

     Con Rồng là số 2, vì nếu tính từ đời mình là số 1, con là số 2.

     Rồi Cháu Tiên , tức là số 3, ví  như mình là số 1, con là số 2 thì cháu là số  3.

     Con Rồng Cháu Tiên có nghĩa bằng số là 2 Rồng 3 Tiên. Nghĩa là thay vì ngôn ngữ nói Con Rồng Cháu Tiên, thì bằng con số, là cặp số 2-3. Ta thường nghe nói từ ngữ “ Vài – Ba” cũng chính là bộ số Huyền Cơ 2-3 này.

     Văn hóa truyền lại rằng chúng ta là Con Rồng Cháu Tiên, là ý nghĩa vũ trụ cũng như  con người có đặc tính 2 phần Rồng, 3 phần Tiên. Tỷ lệ Rồng Tiên là 2-3.  Rồng là  linh vật ở thấp, gần  đất nước, đó chính là biểu tượng cho phần  hữu hình ,xác thân, vật thể . Tiên là hình ảnh thanh cao  trên trời,  thuộc về siêu hình, vô hạn, tinh thần. Như  thế Văn Hóa Việt đã xác định Tính GIAO CHỈ  tức là Nối kết, Hòa hợp, Tương tác của hai  tính chất đối lập của VÔ biên và HỮU hạn nơi vũ trụ vạn vật . Minh Triết biểu thị  bằng con số,  Có và Không  Giao Chỉ với  tỷ lệ 2/3. 

     Thật thế, con người  là một sinh vật trong muôn lòai, cũng có xác thân hữu hạn, bất tòan. Nhưng con người còn có khuynh hướng vươn lên những giá trị cao cả, thiêng liêng, tìm về tuyệt đối vô cùng. Minh Triết Việt không những soi sáng chân lý ấy mà còn đặt đựơc số độ cho tỷ lệ Vật và Tâm là 2/3 nữa.

     Chúng tôi có thể minh chứng  về mô hình của Bộ Số Huyền Cơ 2-3 này nơi một  truyện khác trong Huyền sử của ta là Bánh Dầy Bánh Chưng tức là Hình Vuông  với Hình Tròn .

                              Cặp Bánh Chưng Vuông Bánh Dầy Tròn.

     Nếu ta thử tính diện tích một hình vuông với hình tròn của nó, có nghĩa là cạnh chéo của hình vuông là đường kính của hình tròn, ta thấy diện tích hai hình Vuông Tròn  có tỷ lệ là 2/3.

     Như vậy có thể nói bộ số 2-3 là  ngôn ngữ  bằng số của  Huyền Sử CON RỒNG CHÁU TIÊN,  hay là Bánh Chưng VUÔNG  với Bánh Dầy TRÒN .

 

                                                Di Chỉ Khảo Cổ.

 

 

     Về lãnh vực khảo cổ, ta cũng tìm thấy dấu ấn 2-3 trong rất nhiều di chỉ: các đồ dùng cao trọng như tế lễ thì tòan là theo kiểu 2-3: Như cái đỉnh, cái lịch có 2 quai với 3 chân . Cái phủ Việt ( cái rìu )  lưỡi cong, di chỉ khảo cổ thời Văn Hóa Đông Sơn  có khắc hình 2 con giao long ở trên với hình 3 con nai ở dưới. Hoặc  2 con giao long ở trên ,  phía dưới là  3 người hóa trang chim như đang trong một Vũ Điệu Vài- Ba của dân tộc.

 

 

Phủ Việt

 

 

 

 

 

 

 

 

Bộ số 2-3 trong di chỉ khảo cổ

 

 

    

Trên mặt trống đồng Ngọc Lữ, Đông Sơn, chúng ta cũng thấy số bộ số 2-3 đi với nhau như bóng với hình: Cứ bao bọc mỗi vòng lớn lại có 2 đường chỉ chạy song song, và 3 nhóm vòng từ giữa mặt trống tỏa ra đại biểu cho 3 tầng Trời- Đất-Người rõ rệt .

 

     Tóm lại, chúng ta  có thể  kết luận,  bộ số 2-3  là bộ số đặc biệt chỉ Văn Hoá  của chủng tộc Việt mới có, mà Lạc Việt ta còn giữ được nhiều nhất nơi Ngôn Ngữ như Con Rồng Cháu Tiên, hình thể như Vuông Tròn, khảo cổ như các hình khắc chạm trên các di chỉ phủ việt , đỉnh, trống đồng kể trên.

 

     Một điều rầt ngạc nhiên và thích thú, khoa học ngày nay cũng chứng minh chân lý ấy. Hai nhà bác học Trung Hoa là Dương Chấn Ninh và Lý Chánh Đạo đã được giải thưởng Nobel về Vật Lý năm 1957 qua thí nghiệm tại nhà máy nguyên tử ở Columbia, đã công bố kết quả  rằng : Khi cho nổ hạt nhân nguyên tử, tức là có phóng xạ, thì những tia phóng xạ của  âm và dương điện tử có độ dài không bằng nhau. Độ dài của tia ly tử  âm vàly tử  dương  có tỉ lệ 2/3. Khi đem một nguyên tử khác chặn các tia ly tử ấy, tia dương phát ra 3 tia nhỏ. Tia âm phát ra 2 tia.Như vậy, chân lý tương quan giữa hai lực - nói theo danh từ thông thường  là âm-dương-  căn bản trong trời đất vạn vật mà con người là một phần tử có một tỉ lệ là 2/3, nếu nói theo tả nhậm tức là âm đi trước. Cái cụ thể, yếu ớt , hữu hạn trước. Thì có thể nói trong ngôn ngữ Huyền Thọai tổ tiên ta gọi là  Rồng - Tiên, Vuông - Tròn . Cũng như trên nghệ thuật khắc họa khảo cổ  Tổ Tiên Việt  đã trực thị Minh Triết 2-3 , mà ngày nay  khoa học tối tân với bao dụng cụ tinh vi cũng chỉ chứng minh chân lý Vài-Ba này.

     Thật ra suy nghĩ sâu xa, thì ta có thể hiểu được, Minh Triết  bắt đầu với Trực Giác, Tâm Linh, cho nên chân lý đến nhanh thần kỳ, nhiều khi chỉ trong một giây phút thần giao cảm ứng, trí tuệ thông suốt bao trùm vũ trụ, mà cả ngàn năm sử dụng  lý trí của khoa học vật chất chưa đến được cái chân lý tận cùng ấy.

 

     Ngòai ra số 2 cộng với 3 là con số 5 là tổng hợp của cả hai yếu tính sống còn của đời sống, cho nên ta có thể gọi con số 5 là số  thiêng liêng của Tâm Linh  vì nó là số liên kết, giao chỉ được hai số  2 và  3 nền tảng kể trên .  Nói cách khác, khi đạt quân bình 2-3 là đạt đạo của con số 5 một cách đúng liều lượng 2 Rồng 3 Tiên, 2 Vuông 3 Tròn. Hay nói theo ngôn ngữ ngày nay là 2 vật chất 3 tinh thần, 2 lý 3 tình. Nhưng nếu tổng cộng là 5 nhưng là 1 tinh thần + 4 vật chất hay 1 vật chất + 4 tinh thần, tức là duy vật hay duy linh đều  là sự bất quân bình. Lý tưởng là Con Rồng Cháu Tiên, hay Tròn bao bọc Vuông, tức là 3 Tròn 2 Vuông, 3 Tiên 2 Rồng. Khi nào số 5 đạt mực độ dung hòa Thiên Quân thì phải đạt cái quân bình tự nhiên 2/3 như đã trình bày, thì 5 mới là con số nói lên đạo lý dân tộc . Như vậy xã hội duy vật của tư bản hay cộng sản chưa thực hiện được bản chất của Văn Hóa Việt, vì chưa xây dựng cuộc sống trên căn bản con số 5 huyền cơ của vũ trụ vạn vật mà tổ tiên  đã trực thị một sớm mai của thời Khai Nguyên Tư Tửơng Việt.

 

     Thêm nữa, con số 9 cũng rất quan trọng trong văn hóa nước nhà. Số 9 mang ý nghĩa an vui, hạnh phúc. Ta nhớ lại từ ngữ Cửu Lạc, Cửu Lạc là số 9 an vui. Rồi thời kỳ kết tụ 9 chi nhánh của một  dòng  Bảo Giang - dòng sông  xuất phát từ Tây Tạng huyền bí với rặng  Hi Mã Lạp Sơn ngút ngàn  - tại miền Tây Nam đất   Việt , để thành dòng Cửu Long Giang mơ màng với con số 9 huyền cơ đã là giấc mơ đẹp tuyệt vời  cho một mùa Hội  Long Hoa. Long Hoa có phải là Rồng Việt nở Hoa? Đóa Hoa An Vi nở trên đất thiêng của Con Rồng Cháu Tiên Việt  tộc? Bảo Giang Triết Vương xuất?   Cửu Long và Cửu Lạc đều là ý nghĩa về con số 9 với niềm tin và hy vọng an vui thái hòa .

    

     Nếu chúng ta đã thấy số 2 và 3 là số của văn hóa Việt, mà mấy ngàn năm sau khoa học mới chứng minh được nhờ vào bao dụng cụ tinh vi, thì con số 9 An Vui với dòng Bảo Giang Cửu Long và Hội Long Hoa trên đất Việt, một trực thị Tâm Linh của Hồn Thiêng Sông Núi, Anh Linh Giống Nòi, có khi cũng không cần phải khoa học chứng minh một lần nữa. Khoa học là lý trí, dựa vào cụ thể, nên luôn chậm chạp. Nhưng tâm linh là trực giác, cái biết ngay lập tức, cảm ứng việc vũ trụ trong cái giao hòa thông thiên với lẽ vận hành tiến hóa, không qua thời gian hay quá trình trong phòng thí nghiệm. Cho nên không thể không trân trọng những con số huyền bí cơ trời vận nước.

 

     Nói đến Cơ Trời, chúng ta đã vừa tìm hiểu về Cơ của Trời qua những con số Huyền bí 2-3, số 5 và số 9 của Văn Hóa Nhân Bản Tâm Linh Việt.

Và còn Vận nước, có lẽ chúng ta cũng thử nhận xét thêm về thế giới hôm nay, mà giữa trào lưu tòan cầu hóa về mọi mặt, vận nước nhỏ bé của chúng ta cũng không thể tách rời.

      Chúng ta thấy, truyền thống DUY LÝ khởi đầu tự Socrate đã phân đôi thế giới đối lập nhau, một có thật và một không thật, theo tinh thần gọi là nhị nguyên, đã tiêu diệt ý thức huyền thọai- gia tài tâm linh Hy lạp, đã  bỏ rơi con người với tòan thể giá trị sống động của nó.Mấy thế kỷ gần đây, tinh thần duy lý lại được sự tiếp tay của khoa học kỹ thuật, cùng với giới tư bản vụ lợi  đã đẩy nhanh  nền văn minh duy vật một chiều đến bên bờ vưc thẳm:

 

Về Y học:

Y học theo lý tưởng tự nhiên là một ngành học để cứu đời, nhưng vì hiện nay nằm trong tay giới tư bản đầy óc trục lợi, nên thay vì chữa bệnh, thì những cách thức nuôi bệnh lại gia tăng, cộng với sự sản xuất , quảng cáo chi phối sự tiêu thụ thuốc men một cách bừa bãi, quá độ: Theo thống kê đầu thập niên 1980, riêng về thuốc Aspirin, cả nước Mỹ tiêu thụ khỏang 20,000 tấn mỗi năm, đổ đồng 255 viên cho một người. Trong 50 năm vừa qua, các lọai thuốc tâm thần như thuốc ngủ, thuốc an thần, kích thích, hoặc các lọai trụ sinh tiêu thụ gia tăng khủng khiếp.Đến nỗi các nhà nghiên cứu về xã hội Âu Châu,  các  đã báo động rằng số tiền chi phí về tâm thần nhiều hơn ngân sách quốc phòng.

 

Về nông nghiệp:

Thiên nhiên đáng lẽ là bà Mẹ dưỡng nuôi  con người thì cũng bị giới tư bản lợi dụng. Sản xuất nông nghiệp không còn để giải quyết ưu tiên cho các nhu cầu của người dân địa phương, mà là để phục vụ  trước nhất cho mục tiêu lợi nhuận của giới tư bản.

     Vì thế, sự canh tác phải lệ thuộc vào phân hóa học, thuốc diệt trùng. Điều này người nông dân phải từ bỏ lối canh tác không tốn kém dựa theo mặt trời, đất đai và các chu kỳ thiên nhiên; người tiêu thụ phải dùng sản phẩm đầy chất độc hại của hóa chất phân bón, rất có hại cho sức khỏe.Đó là chưa kể đến việc các thuốc diệt trùng, phân bón hóa học chẩy xuyên vào lòng đất, nhiễm độc nước uống , cùng bị trộn lẫn vào các chất lọc dầu hỏa có thể làm hư hại hệ thống miễn nhiễm của cơ thể con người.

     Về đất đai, sự tiếp nhận phân bón hóa học từ năm này qua năm khác, khiến sự cân bằng trong lòng đất bị phá vỡ. Số lượng chất hữu cơ trong lòng đất bị giảm thiểu, khiến khả năng giữ độ ẩm của đất bị giảm theo. Đất mùn bị tiêu hao, độ xốp của đất bị sút giảm. Đất trở thành khô và chết, nên một mặt cần lọai máy cầy mạnh hơn, một mặt đất dễ bị xóay mòn bởi gió và nước. Đất mất dần mầu mỡ.

Về sự thay dổi khí hậu :

     Tình trạng vừa trình bày ở trên đang xẩy ra hầu như khắp nơi trên thế giới ngày nay. Đặc biệt, các đại công ty liên quốc như Goodyear, Volkswagen, Nestlé…đã và đang ủi bằng phẳng hàng trăm triệu mẫu Anh trong rừng Amazon ở Ba Tây để nuôi gia súc trong mục tiêu xuất cảng. Các nhà môi sinh học  đã cảnh cáo các hành vi trên của giới tư bản có thể gây ra các  ra những cơn mưa như thác lũ cùng với ảnh hưởng của mặt trời vùng xích đạo có thể gây ra các phản ứng dây chuyền khiến khí hậu khắp nơi rên thế giới sẽ thay đổi  một cách nghiêm trọng.

     Nguyên nhân thứ hai thường được đề cập tới là ảnh hưởng của các nhà kính( greenhouse effect). Trái đất nhận nguồn phát xạ(radiation) từ mặt trời phần lớn dưới dạng ánh sáng. Khỏang 1/3 số lượng phát xạ trên dội ngược lên không gian  do mây mù, bụi bặm và ô nhiễm. Phần còn lại chạm mặt đất, bị trái đất hút vào, nhưng rồi bị đẩy  lại lên không gian dưới dạng hơi nóng. Nhưng một phần hơi nóng đó bị giữ lại do các chất gas làm nên “greenhouse” bao gồm hơi nước, CO2, Methane, Nitrious, Oxyde, Ozone nằm ở phần dưới cuả bầu khí quyển. Kết quả là trái đất ấm hơn 3 độ Celsius với “ảnh hưởng nhà kính”.

     Ngòai ra, các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy là độ đặc của các chất CO2, Methane gia tăng rất nhiều từ các cuộc cách mạng kỹ nghệ( các chất khóang sản như than đá, dầu thô và gas thiên nhiên bị đốt cháy).

     Các sự thay đổi khí hậu sẽ gây tổn hại cho môi sinh, các ngành công nghiệp làm rừng, đánh cá, cũng như hạ tầng cơ sở các thành phố ven biển. Nhiều lọai cầm thú, thủy sản bị tiêu diệt.

     Các bệnh tật do muỗi ao, hồ, sông biển sẽ gia tăng.

     Quan trọng hơn cả, là sự kiện nhiệt độ không khí tăng lên  có nguy cơ làm tan băng tuyết ở Nam, Bắc cực gây nên nạn lụt lội và tới một mức nào đó tạo sự bất quân bình và trái đất có thể đổi trục và nạn hồng thủy sẽ xẩy ra và tiêu hủy hòan tòan sự sống trên trái đất.

     Vì tính vị kỷ, thiếu tinh thần trách nhiệm, hoặc bị áp lực của giới tư bản dầu hỏa hay than đá, một số quốc gia như Hoa Kỳ, Úc, Trung Hoa, Ấn Độ, Nam Hàn …vẫn chưa chịu ký thỏa ước KYOTO nhằm đồng ý với các biện pháp đối phó với cơn khủng hỏang về môi sinh kể trên.

 

Hiểm họa chiến tranh:

     Chỉ trong vòng một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của văn minh Tây Phương, nhân lọai đã trải qua không biết bao nhiêu là cuộc chiến tranh: chiến tranh giữa các dân tộc da trắng với nhau qua Thế chiến I, Thế chiến II, chiến tranh thuộc địa, chiến tranh lạnh, chiến tranh chủng tộc, chiến tranh tôn giáo.Rồi mới đây là chiến tranh khủng bố.

     Chiến tranh luôn là vấn đề nghiêm trọng, nhưng đặc biệt ngày nay  với sức tàn phá khủng khiếp, dễ dàng, nhanh chóng của vũ khí nguyên tử, hiểm họa diệt vong của con người đến bất cứ lúc nào.

     Trong bối cảnh tòan cầu như trên, ta thấy thế giới hôm nay đang trên bờ vực thẳm. Và với sự ngự trị của các thế lưc sau:

Sự đối nghịch của phe DUY THIÊN, BÁI VẬT của Hồi Giáo.

Sự thống trị của phe DUY VẬT, Ý HỆ của Tây Phương.

Tinh thần DU MỤC của Hoa Hán.

 Như thế, ngoài việc hiểm hoạ về môi sinh, y tế, con người hôm nay sẽ phải trực diện một nguy cơ tự sát tập thể trong ba ảnh hưởng của các thế  lực  phi nhân trên. Hay là phải bừng lên  một Ý THỨC SỐNG CÒN.

     Tinh thần NHÂN BẢN TÂM LINH của VIỆT TỘC Tâm Thức Mới để đóng góp vào yêu cầu tồn sinh và vượt thóat ấy.

Con người sẽ tạo dựng một cuộc sống nhân sinh tốt đẹp hơn. Mà các tôn giáo thường gọi bằng những tên khác nhau.

 

     Như câu chuyện HỘI LONG HOA cuả Phật Giáo, VƯỜN ĐỊA ĐÀNG trong Thánh kinh của Thiên Chúa Giáo…

 

     Vườn Địa Đàng là tượng trưng cho Tâm Thức Con Người buổi sơ khai. Nơi đó, người và vạn vật, thú vật, cây cối, đều sống trong cảnh hòa đồng với nhau, không phân chia khác biệt. Đại diện cho lòai người chỉ có ông Adam và bà Eve mà thôi, cũng chưa biết phân biệt nam nữ. Hai người đầu tiên ấy sống trần truồng không biết e thẹn.Chúa Trời để hai người ấy ở vườn Eden có đủ tự do dùng các món ăn cũng như vật dụng, chỉ trừ trái của cây Thiện - Ác. Trái lệnh, Chúa sẽ đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Nhưng vì bị con rắn cám dỗ, bà Eve hái một quả Thiện-Ác, thấy ngon, đem cho Adam cùng ăn. Thiện - Ác, Thị - Phi hiện lên rõ ràng, biết mình là nam hay nữ, nên cũng biết hổ thẹn, chạy đi tìm lá cây che thân. Chúa hiện lên quở mắng và đuổi ra khỏi vườn Eden đầy hạnh phúc vô tận và phải sống trong cõi đời đau khổ.

 

     Câu truyện thần thọai trên chính là ý nghĩa của các giai đọan Tâm Thức của con người.

 

     Khi tâm thức ban sơ hồn nhiên  còn chưa biết phân biệt tức là Tâm Không, không có cả Sắc- Không , nên là Sắc Sắc-Không Không. Hay là còn cảnh Rồng Tiên chưa ly biệt. Khi con người dùng lý trí sống trong sự phân biệt của tinh thần nhị nguyên, thì có phải quấy, thiện ác, lợi hại, mâu thuẫn đủ lọai, là bắt  đầu đi vào thế giới của khổ đau, mất đi cái hạnh phúc vô tận trong tâm thức hòa đồng vạn vật ở vườn  địa đàng. Cũng như khi nói chuyện phân biệt này nọ kia, như  Rồng dưới nước, Tiên trên trời…thì cặp Rồng Tiên cũng phải chia tay, chia con.

 

     Như vậy, gốc rễ cái tai họa  của con người chính  vì tinh thần nhị nguyên phân biệt. Trở về với tâm thức trẻ  thơ mới đến được nước thiên đàng, tuy gọi tên khác nhau - Huyền Sử Việt gọi là “ Cánh Đồng Tương”- nhưng cũng  là trình độ tâm thức của Minh triết HÒA của  Việt  Đạo.

 

     Minh Triết thì gần với nhau, cũng như chân lý tuyệt đối thì chỉ có một chân lý. Nhưng con người trên hành trình đi tìm Chân Lý lại xuất phát từ những không gian, thời gian khác nhau. Khác nhau những điểm khởi hành, khác nhau những cơ duyên, nên con người có những phương tiện khác nhau, dù cùng chung một mục đích. Do đó, Minh Triết sẽ là cây cầu nối mọi phương tiện của các con đường tìm về Nhất Thể Tâm Linh. Triết Việt là Minh Triết nên có khả năng làm được nhịp cảm thông mầu nhiệm ấy, với những Con Số Huyền Cơ linh thiêng của linh hồn vũ trụ.

 

 

     Trong lúc chờ đợi con số 9 thể nghiệm Hội Long Hoa, chúng ta hãy dọn tâm tư sống theo  Đạo Việt với dấu chỉ  Số Huyền Cơ 2-3, nghĩa là thực hiện cho đúng sử mệnh của Con Rồng Cháu Tiên. Một khi tâm hồn vươn lên tới trình độ hiểu biết được định luật chi phối vũ trụ, hiểu được linh hồn vũ trụ, linh hồn ta sẽ được giải thóat, sẽ được trở về hạnh phúc nơi vườn địa đàng. Xưa kia, chúng tôi thường ngạc nhiên khi nghe kể rằng người dân miền đồng bằng Sông Cửu Long chiều chiều bắc võng sau hè vừa ru con ngủ vừa  chờ Hội Long Hoa. Mới đầu nghe còn lạ, nhưng sau tìm hiểu ra, tâm thức người dân quê miền Nam chân chất, nên niềm tin mau đến, nên cảm nhận Tin Mừng  Tin Lành  Long Hoa nhanh hơn tất cả các người dân  địa phương khác.

 

    Cùng chia sẻ niềm ước mơ, xin trao về Cửu Long Giang con số 9 Huyền Cơ. Quê Hương sẽ sang một thời đại mới… Mùa Văn Hóa thay Pháp Trị, Nhân Bản thay bạo lực, mùa Hoa Yêu Thương về trên Đất Mẹ. Con Mẹ thật sự là Con Rồng Cháu Tiên nên   Hiền và Đẹp  như giấc mơ .

 

 

      Chúng tôi chỉ là những kẻ ươm trồng hạt nhân An Vi giữa mùa đông lạnh giá, gieo hạt An Vi với đôi tay nhỏ bé, giữa lúc giao mùa. Có thể chúng tôi sẽ không có cơ duyên để thấy một mùa Xuân, mùa Hội lớn trên đất Việt. Nhưng chúng tôi, vì AN VI, không làm vì kết quả việc làm. Thấy việc đáng làm thì làm, và chấp nhận mình chỉ là đàn quạ chịu rụng ít lông đầu, bắc cầu ô thước, cho Rồng Tiên không còn ly biệt , Vuông Tròn khỏi cách chia, Việt Đạo không xa đời. Cho có một ngày mai,  Triết Việt trở về soi sáng đường Quê Hương có ánh bình minh , Rồng Việt vươn lên  chào mùa Long Hoa kết tụ nơi đất thiêng có dòng Cửu Long Giang và con số 9 An Vui.

 

***

VĂN MINH LÀNG QUÊ VIỆT

 

Đông Lan

    

    

 

     Nếu đồng ý rằng trình độ văn minh cao chính là lòng Nhân Đạo, là sự phát huy Nhân Bản tính, thì làng quê xưa của Việt Nam đã đạt được tinh thần và thể chế dẫn đạo hướng tiến của văn minh.

      Với nền kinh tế nông nghiệp, đời sống đầu tiên của Việt tộc khởi đi từ nếp sinh họat của làng, vì làng là cơ cấu văn hóa của nếp sống nông nghiệp. Làng là tập hợp của gia đình, gia tộc, thôn xóm chung một tổ chức hành chánh, tục lệ.

     Làng Việt là một thực thể độc lập đã có từ lâu đời, nét đặc trưng của làng Việt là Tự Trị.Đó là yếu tố nổi bật nhất để làng Việt có thể giữ được nhiều sắc thái Việt qua những giai đọan chống xâm lăng của văn hóa du mục Tây Bắc như Tàu và Tây.

     Đời sống dân du mục Tây Bắc khi đi vào sinh họat nông nghiệp , họ cũng biết tổ chức làng xã như ta, nhưng sự   khác biệt vẫn do những yếu tố căn bản: Một đằng làng Việt của sắc dân bản địa có đời sống nông nghiệp định cư lâu đời nhất trên thế giới, còn làng Tàu  thì có sinh họat pha trộn giữa tính chất của văn hóa du mục với văn hóa nông nghiệp bản địa, nên ta có thể nhận thấy sự khác biệt  tiêu biểu giữa làng Tàu và làng Việt như sau:

    1- Làng Tàu mới xuất hiện từ thế kỷ thứ 11, do chính quyền trung ương của Tàu nhượng bộ sự chống đối của các sắc dân bản địa. Ngược lại, làng Việt là hậu thân của Họ Hồng Bàng, có ngay từ trong nôi của nước Việt. Điểm này đã được minh chứng do khảo cổ đã khai quật được hàng trăm làng Việt cổ xưa trứơc khi Việt tộc tiếp xúc với Tàu.Làng của Tàu thờ Hậu Tắc. Làng Việt thờ Thổ Thần hay Thần Làng.

Làng Tàu hội họp ở chùa. Làng Việt có đình làng. Đình là Nhà của Làng Việt.

3-       Tư tế của làng Tàu là Ban Bảo Thành. Làng Việt có Hội Đồng Kỳ Mục.

4-      Làng Tàu có thành lũy bằng đất. Làng Việt được bao bọc bằng những rặng tre  dầy.

 

     Như đã trình bày ở trên, nền Tự Trị xã thôn là một nét nổi bật của Làng quê Việt. Khi tiếp xúc với văn minh Tàu, Làng quê Việt vẫn cố lẩn tránh để bảo tồn văn hóa truyền thống. Năm 43, khi Mã viện thắng Hai Bà Trưng, nhận thấy làng Việt khác làng Tàu 10 điểm, liền ra luật bắt sửa đổi. Ta chỉ tuân theo bên ngòai, còn bên trong vẫn cứ xử dụng tục lệ Việt.

     Đến thời đại độc lập Đinh, Lê, Lý Trần, sự tranh đấu di chuyển từ nhà nước Tàu sang nhà nước Việt. Vì tuy nước nhà đã độc lập, nhưng ảnh hưởng của nhiều năm lệ thuộc khiến vua quan ta vẫn còn bám víu vào những lề lối chuyên chế do Tàu để lại. Thời Tiền Lê, triều đình vẫn đặt  xã quan, lập sổ đinh, điền để    cai trị, hội đồng kỳ mục chỉ giữ vai trò tư vấn. Như vậy, nền tự trị xã thôn  bị xâm lấn, dân vẫn chống đối và đến thời Trần Thuận Tôn(1338-1397) phải bỏ xã quan.

     Khi nhà Minh đô h ộ nước ta, tìm cách thay cơ cấu làng xã của ta theo Tàu: Mỗi gia đình phải có một sổ gia đình gọi là hộ thiếp, chia dân chúng thành từng lý, mỗi lý gồm 120 gia đình. Người đứng đầu là lý trưởng được cử lại hàng năm.Đời Lê lập lại chức xã quan, chia dân chúng theo đinh mà không theo hộ, tuy có nới tay hơn, nhưng dân vẫn chưa lấy lại được nền tự trị xã thôn. Mãi  đến đời vua Lê Thần Tôn và Lê Ý Tôn(1732-1740) dân mới được quyền tự trị, bầu xã trưởng cho mình.Từ đấy, nền tự trị của làng quê Việt được duy trì.

     Đến triều Nguyễn, quan của triều đình bổ ra chỉ đến phủ, huyện , còn từ tổng trở xuống thuộc quyền tự trị của dân. Dân tự chọn lấy người của mình mà cử ra trông coi mọi việc. Quá trình tự trị của Làng Quê ta lớn lên theo nền độc lập của dân tộc… Khi Làng Quê Việt phải đương đầu với Tây Phương, thực dân sửa đổi lại theo mẫu làng Tây của họ.

     Làng Tây mới xuất hiện từ thế kỷ thứ 10. Trước đó, Tây Âu không có làng. Xã hội Tây Âu trung cổ có giai cấp phân biệt  con người qua tài sản, dòng tộc rõ rệt, trở thành những định chế xã hội. Số người có tài sản và  địa vị khỏang ¼, còn lại là giai cấp nô lệ.Đứng đầu là giáo sĩ, sau đó là quý tộc rồi đến lãnh chúa. Nô lệ không được kể là người, mà chỉ là đồ vật, người ta có thể mua qua bán lại, hay giết tùy ý.Định chế cực kỳ bất công, nhưng vì xã hội đã quá quen thuộc nên không ai cho là sai lầm, ngay cả có những dòng tu cũng có hàng chục ngàn nô lệ. Thánh Venise buôn nô lệ để lấy tiền xây cất đền  thờ. Cả xã hội sống trên xương máu và mồ hôi lao động của giai cấp nô    lệ, nên không có một nền triết học hay đức lý nào tìm cách   giải phóng cho họ. Do đó tình trạng nô lệ thời  trung cổ Tây âu kéo dài cho đến khi công nghiệp tiến bộ, người ta mới nới tay cho giai cấp nô lệ. Nô lệ trở thành nông nô, tuy vẫn vô sản. Nhưng được lãnh chúa  giao cho đất để  khai thác, và phải trả tiền thuê đất cùng làm dịch vụ cho lãnh chúa. Nông nô vẫn phải lệ thuộc vào lãnh chúa, sống tụ tập chung quanh lâu đài của lãnh chúa để làm binh lính khi cần, đặt dưới quyền một lý trưởng do chúa chỉ định. Nông nô là nô lệ của  giai cấp lãnh chúa. Do sự bành trướng của công nghệ và thương mại, các lãnh chúa nghèo dần, và một giai cấp mới ra đời phát triển thị xã gồm số nông nô cũ với sự lãnh đạo cũng vẫn bất công tận nền tảng như cũ. Có điều từ hình thức sinh họat  nông nghiệp chuyển sang công nghiệp. Sự cai trị dựa trên tài sản    như sau:

- Nắm độc quyền đánh giặc để chiếm thị trường và nguyên liệu.

- Cấm lao công  lập nghiệp đòan.

- Quyết định số  lương bổng.

     Người nghèo không có quyền nào hết, vì quyền đầu phiếu dựa trên tài sản.Mỗi người được bỏ một hay nhiều phiếu tùy theo có một hay nhiều trăm tiền (centuric). Tóm lại, thị xã Tây có nguồn gốc và nền tảng tinh thần lẫn vật chất hòan tòan khác biệt với làng Việt. Nên ta có thể nói, nếu theo kiểu sinh họat của làng quê Việt, thì Tây không có làng.

     Người Pháp sang   nước ta, mới đầu tưởng sự tự trị của làng quê ta là một  lợi điểm cho việc chia để trị. Nhưng với thời gian, họ mới vỡ lẽ ra rằng Làng của Việt gắn liền với Quê, cho nên tinh thần kháng chiến mới mạnh để dân tộc ta có thể độc lập sau cả ngàn năm lệ thuộc Tàu. Và nhất là, Làng Quê Việt là ổ của Cách Mạng, là mầm ươm tình yêu đất nước, quê hương. Do đó, năm 1904, Pháp đưa hội đồng tề tuyển lưạ trong số điền chủ. Thế là Pháp đã tái lập cái thị xã Tây trên  làng Việt.Ngòai Bắc, năm 1921 , Pháp thay Hội đồng kỳ mục bằng Hội đồng tộc biểu, với điều kiện người trong hội đồng phải là giầu, không can án, và tất nhiên phải được duyệt y do chánh sứ. Sự chống đối của dân sau đó làm giảm chút điều kiện, nhưng cuối cùng Pháp vẫn duy trì điều kiện tài sản, chỉ cho khôi phục  hội đồng kỳ mục bên cạnh hội đồng tộc biểu. Do đó sự chống đối của dân với chính quyền thực dân  để đòi quyền tự trị vẫn gia tăng. Cho đến năm 1941, thực dân đã phải mượn tay nhà vua để cải tổ lại bằng cách bãi bỏ cả hai hội đồng kỳ mục lẫn tộc biểu để sự thâu nhận được rộng rãi hơn. Nhưng đó là bề ngòai, bên trong vẫn là lý trưởng được người Pháp chỉ định để nắm then chốt.

     Sự chống đối vẫn tiếp tục cho đến khi Cộng sản tiếp nối con đường của thực dân và còn tước đọat quyền tự trị đến cùng cực: Nhân viên ủy ban hành chánh xã đều  do tỉnh lựa chọn, trên tiêu chuẩn trung thành với đảng  và nhà nước. Họ phát động những chiến dịch chuyển tình yêu gia đình sang nhà nước, và thực hiện những sự đấu tố rùng rợn  giữa những người ruột thịt trong gia đình, những người cùng làng với nhau. Hành động này đã làm chấn động lương tâm của dân lành và phá hủy tòan triệt nền tảng gia đình và nếp sống văn hóa làng quê Việt.

     Phần trên chúng tôi mới trình bầy nét đặc trưng căn bản về hình thức sinh họat tự trị của làng quê Việt.

     Một đặc tính nữa là nền kinh tế bình sản ở làng quê. Thể chế công điền, công thổ ở làng quê ta cho thấy đời sống dân được quân phân tài sản, ai ai cũng được có đất để cầy cấy .Đến tuổi tráng niên là được làng  cấp cho một số đất công đễ tự lự mưu sinh. Ngòai ra mỗi nhà còn có vườn rau, ao cá, chuồng gà, gốc mít để có thể tự túc. Sự chênh lệch giầu nghèo không đáng kể để có thể   gọi là giai cấp như trong xã hội nông nô tây âu.

       Đặc tính quan trọng nữa là, sự  áp dụng luật pháp rất uyển chuyển theo từng địa phương. Dân trong làng sống  với nhau bằng những tục lệ truyền đời. Tục lệ là những lễ nghĩa kết tinh do những kinh nghiệm lâu đời nên đã thích nghi với hòan cảnh, tiêu biểu cho quyền lợi của dân chúng, xóm làng. Tục lệ vì vậy hợp tình người và được người dân trong làng bảo tồn. Đến nỗi có câu “ Phép vua thua lệ làng”. Thật thế, phép vua là pháp luật từ ngòai vào, từ trên xuống áp đặt dân phải theo, nó có tính chất lý trí cứng ngắc, không uyển chuyển và không thích hợp với những hòan cảnh riêng của người dân. Do đó dân trong làng vẫn cảm thấy cần điều hòa luật của triều đình và tục lệ của làng quê để có cuộc sống thỏai mái tự do để rồi còn thả mình trong những ngày hội hè đình đám lễ tết để vui trọn tuổi trời.

     Về chính trị, sự bầu cử hội đồng kỳ mục, lý trưởng, phó lý…chính là phép cử những người hiền đức, học thức vào guồng máy lãnh đạo cho thấy làng quê Việt từ rất xa xưa đã có tinh thần dân chủ cao giống như ngày nay tại các nước văn minh tây phương, Trong khi ban lý dịch thi hành luật lệ, hội đồng kỳ mục chính là vai trò của giám sát viện ngày nay. Sự kiện tôn trọng tục lệ hơn pháp luật, tự trị tại làng quê Việt xưa chính là thể chế tản quyền của nền chính trị dân chủ tại các nước tiến bộ ngày nay.

     

Tóm lại làng quê Việt từ ngàn xưa đã có tinh thần và thể chế dân chủ qua sự bầu cử các ban chức sắc, xã hội có phân  quyền cho địa phương qua việc làng xã tự trị,  là các căn bản  sinh họat dân chủ của xã hội văn minh hiện nay.

     Thêm vào đó ta còn nền kinh tế bình sản nên trong xã hội  hố cách biệt giầu nghèo, quý tiện không thành giai cấp bóc lột, sự  bất quân bình tài sản không cao -  Điều mà cả hai xã hội theo nguyên tắc  kinh tế tư bản và cộng sản cho đến nay không thực hiện được .

    

Các điều căn bản trên tuy rất giá trị, cũng chỉ là về các lãnh vực chính trị, kinh tế. Hơn một bậc nữa, là đặc tính của nền Văn Hóa Nhân Bản Tâm Linh của làng quê Việt. Nền văn hóa nhân bản này xây trên nền tảng gia đình, chứ không xây trên cá nhân chủ nghĩa ( tư bản) hay trên đoàn lũ ( xã hội) chủ nghĩa của Tây phương. Và cũng không là kiểu “đại gia đình” gò bó của Tàu. Nền tảng tiểu gia đình của Việt đã xây nên một xã hội mang lại hạnh phúc cụ thể  thực tế cho người dân , mà con người vẫn giữ được lòng trung hậu với đồng bào, đất nước. Chính vì  khi bình thường, con người được sống trong tình gia đình, tình làng quê đầm ấm. Có thể nói, người dân yêu làng quê của mình trước khi biết yêu quốc gia, dân tộc. Do đó làng là cái gạch nối giữa cá nhân và đất nước, cũng như gia đình là gạch nối giữa cá nhân và làng. Vì nhiều gia đình tập hợp lại thành làng.Vì có yêu gia đình nhiều mới yêu làng quê mình nhiều. Gia đình do đó là nền tảng của xã hội nông thôn dưới mái đình quê và trong lũy tre làng có cây đa bến nước con đò năm xưa.

     Tóm lại, Làng Quê Việt với kinh tế bình sản, chính trị dân chủ, văn trị, lễ trị, tinh thần công thể trên nền tảng gia đình, đã dưỡng nuôi bao tình tự nhân bản và hạnh phúc cho người dân. Thật thế, mặc dù đời sống nông nghiệp không cao về vật chất, nhưng làng quê Việt đã là một môi sinh an bình, mỗi  con người  đều có cảm thức hòa hợp với vũ trụ, thiên nhiên, đất nước, và với nhau. Tình lân lý thiết tha, tình yêu trời yêu đất yêu người mênh mang. Đến nỗi ai sau này dù có đi xa, vẫn cảm thấy thiếu thốn cái hương vị đầm ấm nơi làng quê mình, mà mơ được trở về. Hưởng lại những ngày hội, những mùa xuân thu tết nhất.

    

Ta thử xem tục lệ ăn tết ở làng quê xưa cũng khác xa ngày nay. Tết là từ chỉ ta mới có. Nó không phải là sự mừng một điều gì đó như ở các nước Tây phương. Tết chính nghĩa là Tiết, là tiết nhịp cùng đất trời. Vì vậy ta có tứ thời bát tiết đều được dân chúng  ăn mừng. Thật ra còn có tới 24 cái Tết, tức là 24 cái tiết nhịp cần được chia sẻ với đất trời: Tiết Thanh Minh, Tiết Đoan Ngọ… Thành ra những ngày Tiết ở Làng Quê trải dài quanh năm, con người không giầu có nhưng sống phong lưu, nhàn hạ, an hưởng tiết nhịp thiên nhiên, tham dự vui hòa cùng ánh sáng của trời trăng với các vì sao.

 

Tháng giêng ăn tết ở nhà

Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè . . .

    

Rồi khi chỉ mời nhau ăn một miếng trầu thôi, miếng trầu đơn sơ vậy mà cũng là chủ đề của cuộc chuyện trò về nó:

 

Trầu bọc khăn trắng cau tươi

Trầu bọc khăn trắng đãi người xinh xinh

Ăn cho nó thỏa tâm tình

Ăn cho nó thỏa sự mình với ta . . .

    

Như vậy ăn không còn là ăn, hội hè lễ tết không là hội hè lễ tết, mà là cho nó thỏa những tâm tình giữa người với người, những chiều kích vô biên giữa con người nhỏ bé với tiềm thể u linh. Dân trong làng không chỉ là Dân. Mà còn là Nhân trong giao cảm với chiều kích bao la với thiên địa, với nhân tính đại đồng. Đình Làng Quê và những ngày mùa của hội hè để tiết nhịp với thiên nhiên đã nghiễm nhiên trở thành môi sinh tâm linh an lạc của đời.

     Tương tự, tục lệ Hát Trống Quân là một biểu thị chói chang cái cơ cấu vũ trụ của những lễ hội ở chốn làng quê. Trống Quân thường được tổ chức vào hai mùa Xuân–Thu. Đó là hai mùa quân bình nhất về ngày cũng như đêm. Nơi tổ chức phải là dưới chân núi nơi có suối nước. Nếu không có núi sông thì cũng làm thay vào cửa phía Đông Nam hay Nam. Rồi nơi hát phải đào một cái lỗ làm cái trống đất, trên có chăng dây thành cái trống trời cũng như làm biên giới giữa hai bè nam nữ đóng vai hai đạo quân. Còn khí giới thì là ca, vũ, toàn là những thứ có nhịp đôi. Cuối cùng là những đôi nào bị bắt thì sẽ sang qua sông, trao hoa cho nhau và hợp thân ngay trên nệm cỏ xanh (đạp thanh).

                 

 Vài thí dụ về hát trống quân:

 

Bè Nữ

 

Gặp nhau ăn một miếng trầu

Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào

 

Bè Nam

 

Miếng trầu đã nặng là bao

Muốn cho đông liễu tây đào là hơn

 

Bè Nữ

 

Miếng trầu kể hết nguồn cơn

Muốn xem đây đấy thiệt hơn thế nào

 

Bè Nam

 

Miếng trầu là nghĩa xướng giao

Muốn cho đây đấy duyên nào hợp duyên

 

Một thí dụ khác:

 

Bè Nam

 

Bây giờ mận mới hỏi đào

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Bè Nữ

 

Mận hỏi thì đào xin thưa

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào

 

Nam Kết

 

Ai về đường ấy hôm nay

Gửi dăm điều nhớ gửi vài điều thương

Gửi cho đến chiếu đến giường

Gửi cho đến chốn buồng hương em nằm.

 

     Tính chất cơ thể của hát trống quân là miệng phải hát, tâm trí phải tác động để đối đáp, vì không được hát bài có sẵn mà phải tùy cảnh mà sáng tác lấy rồi hát lên tức khắc cho hợp với câu hỏi. Ý tứ trong câu hát phải đi từ xa tới gần, nói lên không úp mở, nhưng lại phải văn hoa, và đạt tới nghệ thuật hồn nhiên trong tình tự nam nữ.

     Tây phương xưa hay dùng việc đấu gươm mà xử kiện: Ai thua là đuối lý, vì vậy mới có câu lý là lý của kẻ mạnh. Dựa trên sức mạnh mà quyết định, đó là lối xử sự của dân du mục, và là truyền thống của Tây phương, đưa đến xã hội trọng luật pháp sau này. Nhưng Đông phương có Hát Trống Quân chỉ đấu tình, đấu ca, đấu nói và kết quả là hòa hợp hồn nhiên bên nhau như mùa Xuân đến tham dự vào hội sinh sôi nẩy nở của đất trời. 70% dân Tàu là gốc Việt, nên vì thế Kinh Thi  của Tàu, một cổ thư thu thập các bài ca dao bình dân lại được mở đầu với những lời dân ca chan chứa hoa tình của dân gian với những tiếng hát Trống Quân, cũng chỉ là nói lên cái cảm thức hòa đồng cùng Nhất Thể vô biên của nền Minh Triết Việt.

 

     Làng Quê cũng còn là nơi có Lễ Gia Tiên nơi con người phát huy trọn vẹn nhân tính mình qua Đạo Hiếu. Thật vậy ta hãy xem cách đặt bài vị Văn Tổ trong Lễ Gia Tiên của Việt Đạo (Bài vị là miếng gỗ to cỡ quyển sách, có chân đứng, trên viết tên người được thờ cúng). Lễ gia tiên có nhiều nơi trên thế giới cổ xưa, nhưng chỉ duy nhất cách sắp đặt bài vị của ta là nói lên khía cạnh đặc biệt của triết lý.

 

                      

      

 

 

 

 

 

Ngũ Hành                        Lối đặt bài vị

 

                                                  Hỏa                                      Tổ

 

      Mộc    Thổ    Kim                Tằng   Văn Tổ    Cao

       

Thủy                                      Nỉ

 

    

      Lối sắp đặt bài vị Cao, Tằng, Tổ, Nỉ (Cao: ông của ông; tằng: bố của ông; tổ: ông, nỉ: cha) theo khung Ngũ hành, giữa có một bài vị gọi là Văn tổ. Chính sự sắp đặt vĩ đại này đã nói lên được triết lý Việt ở đợt siêu hình. Cùng thờ tổ tiên, nhưng Văn tổ là vị Tổ không có thực, mà lại có vị trí ngay ở trung cung. Theo Ngũ Hành thì trung cung là nơi linh thiêng, mà mỗi hành ở ngoại vi phải lưu thông được ở trung cung thì mới linh nghiệm. Áp dụng lối sắp đặt bài vị vào triết lý Ngũ hành, tổ tiên ta gửi gấm cả một di chúc tinh thần cho con cháu: Trở về với bản ngã của mình. Thờ cái linh thiêng trong Tâm mình. Vì không có linh đức bản nhiên ấy, thì làm gì có con người linh thiêng nữa mà thờ.

    

     Trải qua bao sự xâm lăng của các nền văn hóa trọng sức mạnh của du mục công thương Tây phương, chúng ta đã mất dần và gần hết các giá trị văn hóa cổ truyền. Đời sống bon chen theo sức ép của vật chất đã làm chúng ta gần như kiệt lực. Làm sao lấy lại những niềm an vui, những mùa hội xuân của tâm hồn? Làm sao trở về cái không khí thanh bình hòa đồng cùng vạn vật vô biên? Làm sao cho có linh thiêng dấy lên trong cuộc đời vô vị?

     Chốn Làng Quê xưa đã êm đềm đi vào dĩ vãng, một lần chào từ biệt ta giữa cõi tử sinh. Thế nhưng, còn có một cõi bờ sinh sinh, cõi bờ không còn thành thịnh suy hủy, cõi bờ của ý thức vô thường, cõi bờ của Đạo Lý, không thể nào tận diệt. Minh Triết Hòa Đồng cùng Trời Đất, Vươn lên Tính Thể Đại Đồng…của những thể chế, phong tục, ca vũ, tế tự tâm linh nơi Làng Quê vẫn là những lý tưởng sáng soi những bước dựng xây cho nếp sống Nhân Chủ của thời hậu kỹ nghệ sau này. “Cải ấp, bất cải Tỉnh”. Đổi chỗ, nhưng không sửa Giếng (Kinh Dịch-quẻ Tỉnh, thoán từ). Giếng trong ao nước quê nhà vẫn ngọt ngào muôn đời dòng sống Tâm Linh. Mỗi khi kiệt sức với đời chạy đua hữu vi nơi văn minh thành thị, con đẻ của xã hội vật bản và bóc lột Tây phương, sao ta chẳng khơi mạch tìm nguồn về Giếng Việt mến yêu mà uống nước cam tuyền, bồi dưỡng miền tâm linh khô cằn cho đời viễn xứ. Không phải chỉ có mình chúng ta mới viễn xứ tha hương. Tiêu diệt nếp sống Làng Quê, linh hồn văn hóa Việt, anh em chúng ta cũng đang chịu cảnh cô đơn thiếu nguồn sinh dưỡng, đang ngày đêm bị con quái vật Cộng Sản cắn xé, chắc gan ruột cũng đau xót chín chiều.

 

Tình thương bể thảm lạ điều

Mà hồn Tinh Vệ biết theo chốn nào?

    

Giếng Thiêng ở trong lòng. Giếng Việt ở trong Tâm. Làng Quê Việt ở tại Tâm Thức An Vi biết vươn lên vượt thoát đời nô lệ của duy lý và duy vật. Tiếng hát Trống Quân có bài ca vũ Việt Thường ở trong mỗi giây phút Tĩnh Tâm cho Hư Vô một chỗ đứng trong đời.