Kể Chuyện Ra Miền Bắc Di Dời Mồ Mả Tiền Nhân

Thủ Đức Ngày 21/12/2014

 

Anh Tân,


Em và Phượng mới về đất Bắc. 
Xin kể lại chuyến đi để mời mọi người nghe chơi.
Cả đi và về có ba ngày nên cũng không thấy gì được nhiều. Nhưng cũng có những thay đổi đáng kể về đời sống bà con mình ngoài đó. 
Còn cái không thay đổi, mới là lý do chính mà tụi em phải cất công ra tận ngoài đấy.
Đó là chuyện di dời mồ mả thân tộc bên ngoại của Phượng, vợ em. 

Việc này được coi là rất quan trọng, bởi quan niệm tổ tiên có mồ cao mả đẹp mới yên nghỉ mà phù hộ cho con cháu. Phúc đức có thể được qua nhiều hình thức, cái được thấy ngay là con cháu an lòng, coi như đã thể hiện được chữ hiếu.

Má và các cụ dân Di Cư 54 đã nhiều lần kể cho con cháu nghe về cảnh nghèo đói trước và sau năm 1945 ở Đồng Bằng Sông Hồng, nhất là ở những tỉnh chuyên nghề nông như Nam Định.
Cũng như Lạc Long Quân và Âu Cơ, bố mẹ phải chia con ra để đi tìm đất sống. Lên rừng là Lào Cai, Yên Bái; xuống bể là Quảng Ninh, Hòn Gay, Cẩm Phả... Chẳng được mấy ai thoát cảnh nghèo mà rồi gia đình mãi mãi ly tán, cuối cùng nhiều người cũng phải chôn thân nơi đất khách.

Ông ngoại của Phượng mất ở Yên Bái, khi ấy bác Ngữ và người em gái còn nhỏ lắm có mặt lúc chôn. Bác ấy nhớ lại là chôn ở một sườn đồi. 
Khoảng năm 90 cậu Hộ từ miền Nam có ra thăm quê và lên Yên Báy tìm mộ cha, thấy nghĩa địa đó bây giờ đã bị đất cát phủ đi hết nên không tìm thấy dấu vết. Cậu không hề biết rằng còn một bà chị sống gần ở đấy, đã cải mộ bố về khu mộ gia tộc ở chỗ khác. 
Bà này lấy chồng bên Lương. Bã đã mất sau khi vào Nam gặp được chị em. Ổng thì vẫn còn sống khỏe mạnh với 17 người con. Vợ lớn tám, vợ bé chín! 
Gần đây ổng lại chuyển hết mồ mả cha ông về chỗ khác, để ông bố vợ nằm lại chơ vơ một mình. Thế là con cái cháu chắt ngoài đó lấy làm một sự đau khổ, đau khổ lắm lắm, nên thông báo cho bác Ngữ và ông bà ngoại thằng Bống nhà em, phải tính làm sao cho ổn.
 Họp gia đình lại thấy chi phí đi lại cũng bộn, ngoài "cháu rể Chung" ra thì biết cậy trông ai? Rõ khổ.

Em xuống phi trường Nội Bài lúc 8 giờ sáng.
 Đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai còn tốt lắm, lượng xe đi lại rất ít nên đường ta cứ thoải mái chạy một trăm cây số giờ, chỉ hơn một tiếng đã rẽ phải, xuống thành phố Yên Bái. 
Thành phố này khá yên tĩnh, người dân tộc thiểu số Mán, Mường ở đây cũng có rất nhiều.
Việc bốc mộ khoảng hai tiếng thôi, vì những lần cải trước họ đã bỏ vào tiểu sành, chỉ vài ba lớp xẻng là tới.
Lại phải quay về Hà Nội ngay, rồi cũng đi đường cao tốc mà về Nam Định. 
Ngoại ô Hà Nội, 7 giờ tối, phố xá đã đèn điện tưng bừng, gần Giáng Sinh nên càng lung linh rực rỡ. Cảnh kẹt xe cũng không kém gì Sài Gòn.
 Lúc trước ở Hà Nội chỉ nghe có cầu Long Biên có từ cuối thế kỷ 18, nay đã thêm sáu cây cầu nữa, rất nhiều đường dẫn nên khách lạ lái xe rất dễ bị lạc.
Tài xế nói cũng có con đường khác từ Yên Bái về Nam Định, nhưng đường đã nhỏ thì chớ, lại còn phải qua phà nên thời gian tốn gấp hai.

Qua huyện Hải Hậu về đến Lục Phương là nơi có sẵn phần mộ cho gia tộc họ Phạm, tức cụ tổ bên ngoại của Phượng, còn bên nội mới họ Hoàng.

Địa danh ở đây rất dễ nhớ. 
Trong Huyện Hải Hậu toàn có chữ Hải, như Hải Hoà, Hải Triều, Hải Chính v v... Bên Huyện Giao Thủy thì có Giao Tân, Giao Thịnh, Giao Tuyến, Giao Long... Có nơi cái mình mặc bị mất gọi là cầu Lạc Quần, người khác vớ được lại kêu bằng làng Quần Lạc.

Việc tâm linh em nghĩ không nên bài bác nhưng thấy nhiều cái cũng bực mình và buồn cười. Mấy anh chị con bà bác, theo cha bên lương nên khi cải mộ ở Yên Báy đã thỉnh một bà thầy cúng về làm lễ. Bả đọc như máy, giọng Bắc Kỳ the thé, thỉnh thoảng móc điện thoại nói một thôi một hồi rồi mới tiếp tục chương trình tụng kinh tiếp.
 Mình đã gấp mà cái gì họ cũng bắt chờ tàn hai tuần nhang.
Về đến giáo họ Simon-Lục Phương, Nam Định 10 giờ đêm rồi mà con cháu vẫn chờ sẵn để đưa cụ ra nghĩa trang.
 Ai đọc kinh cứ việc đọc, còn ông chủ sự cứ quát ầm ầm: "Đầu đâu. Đầu đâu? - Chân đi trước". 
Nhưng khi đến huyệt thì ông hô to:"Quay đầu lại". 

Có người thắc mắc sao cứ quay tới quay lui, bèn bị trả lời "Chúng mày không biết bây giờ là lúc Đâm Đầu Xuống Lỗ hay sao?" ! 

Công nhận là họ nhiệt tình, khuya như vậy mà vẫn xúc cát, trộn hồ đậy nắp cho xong. Sau đó kéo về nhà ông trưởng họ nghe Chung Mốc nói phét chuyện trong Nam đến gần sáng, không thấy ai nhắc nhở cháo gà khuya, cháo vịt hôm gì sất.... như trong Nam.

Dân ở vùng này làm nhiều nghề: nông nghiệp, nghề biển và làm muối, vậy mà còn rất nhiều người nghèo. Dung nhan ai cũng coi già trước tuổi vì đa số bị rụng răng, hàng "tiền đạo" đi chơi đâu mất hết.! 
Có mấy đứa cháu hỏi " Rì Phượng" năm nay bao nhiêu tuổi? Phượng nói 55, chúng nó ồ lên kinh ngạc, bảo cứ tưởng "rì" mới 30, khiến dân trong Nam ra cứ vênh mặt lên, hiu hiu "phượng đắc".
Nhà thờ Tang Điền to lớn, nghĩa địa cũng bề thế không kém. Nơi đây có cụ tổ của bà ngoại Bống là Ông Phạm văn Học, tử đạo năm 1867. Con cháu xin được mỗi phần đầu về chôn. Bia ghi bắng chữ nho. Mộ được xây dựng lớn nhất nghĩa trang này.
Từ cụ tổ tính đến Phượng đã là đời thứ sáu. Nhưng ngoài này tình nghĩa họ hàng thật đậm đà. Máu đào hơn ao nước lã. Họ kể vanh vách từ đời ông này sang tới bà kia. Có ông anh rể họ tính toán họ hàng thế quái nào rồi bảo em rằng là: 
-Dù chiếu theo luật đạo hay đời "Có rễ" (có lẽ) chú "nấy" nhà tôi cũng được đấy". 
Tếu thật. Nếu em không lấy Phượng thì có họ gì với mấy người này đâu. Muốn "nấy" ai thì "nấy" chứ.

Từ đây, xe vòng ra đê bao bờ biển về làng Thức Hóa. Lúc xe đi ngang qua làng Tang Điền, nơi có nhà thờ trước đây trong đất liền, nay bị lở nên khi thuỷ triều lên tháp chuông chỉ còn nhô lên một phần. 

Em nhớ có lần ai đó đưa lên tấm hình nhà thờ nghiêng như một kỳ quan thế giới. Có lẽ họ chụp kiểu chứ như em coi thì cả hai phía vẫn thấy thẳng đứng. Nếu có khả năng xây bờ đê ra ngoài chừng cây số thì có thể trùng tu lại nhà thờ này. 

Riêng nhà thờ làng Thức Hóa lớn lắm (Hơi ngạc nhiên là cây cầu lại đề Cầu Thức Khóa) nghe đồn dân làng có 90% là tỷ phú vì họ khai thác vàng ở Quảng Nam -Đà Nẵng trúng lắm. Có thể họ còn dấu nhưng coi các vật dụng sắm sửa trong nhà thì thấy đúng là họ khá thật.

Sau khi ghé thăm vài người họ hàng ở làng này em mới qua làng Địch Giáo là quê ngoại làm bữa cơm, mời hết bà con thân tộc trong buổi chiều.Thời gian quá ít không thể thăm từng nhà nên em nhờ chú Lai (con cậu Đông)  làm bữa cơm họp mặt, vừa đầy đủ, vừa vui, quan trọng là tốn ít tiền! 
Con heo tạ với rau rác mà chưa tới 4 triệu. Thật may. Hú hồn!

 Một điều rất mừng là khi em ngỏ lời muốn biếu mỗi người "nắm gạo" thì các em con cậu Đông quả quyết trong họ mình không còn ai đói nghèo cả. Thậm chí có dư để xây nhà mới.
Một điều đáng phục nữa là những thanh niên trên dưới 30 đều quyết chí làm ăn. Mấy đứa con chú Phú, Gia đi làm tàu biển trong Nha Trang, làm đường ở Cà Mau. Có đứa ra Hà Nội chạy xe ôm...Chúng đều "hạ quyết tâm" nếu không kiếm được 5 chỉ vàng thì nhất định chưa qui hồi cố hương..

Mấy năm trước trong làng này đua nhau trồng cây cảnh, nhất là cây Sanh bonsai. Phong trào cứ đua giá lên như bong bóng. Bây giờ chết tửng cả đám, nhất là ai ôm vào sau cùng thì lỗ khẳm. 
Đi qua nhiều vườn muốn bỏ hoang, vào mùa hanh khô này coi cành lá héo queo rất tiêu điều. Chú Tuy chán chường bảo "Đốt bố nó đi, rồi cấy lấy cái rau cái ráng mà ăn".

Em hèn tin còn hơn Toma nhưng chuyến đi kể như rất tốt đẹp. 
Tạ ơn ông bà tổ tiên phù hộ cho chúng em đi đến nơi về đến chốn.

Nguyễn Viết Chung

 

.