Ôn lại kỉ niệm ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận:

"Trước tình hình mới người Công Giáo phải làm gì?"

Đó là đề tài bài nói chuyện của Đức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận khi xưa

Phạm Quang Trình



T
háng 4 năm 1975, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Giám Mục địa phận Nha Trang được Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Phó với quyền kế vị ĐTGM Phaolô Nguyễn Văn Bình tại Tổng Giáo Khu Sài gòn. Ngay sau khi được bổ nhiệm, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận đã lần luợt đi thăm từng giáo xứ, từng dòng tu để khuyến khích và ủi an giáo dân cũng như tu sĩ trong lúc tình hình nguy ngập của Miền Nam. Người viết nhớ lúc đó, ngài về Thủ Đức và nghỉ ở Dòng Đồng Công. Ngài đến thăm giáo xứ Chân Phúc Khang (nay là Giáo Xứ Thánh Khang), dâng thánh lễ vào buổi chiều và nói chuyện với giáo dân vào buổi tối. Bài nói chuyện của Đức Tổng Giám Mục xoay quanh đề tài là trước tình hình mới thì người Công giáo phải làm gì?

Đại cuơng những điểm chính trong bài nói chuyện như sau: Trước tình hình mới, người Công giáo phải bình tĩnh, phải sáng suốt, phải dấn thân và phải trung thành với Giáo Hội. Điểm sau cùng là phải lo chu toàn trách nhiệm giáo dục con cái trong gia đình. Đức Tổng đã giải thích rất cặn kẽ những điều ngài nói. Dù ngài không trực tiếp nói bên này bên kia, nhưng người nghe thì hiểu tình hình mới đây là tình hình chính trị sẽ thay đổi nay mai. Phe quốc gia hay VNCH lúc ấy thì cứ được lệnh di tản chiến thuật dài dài, từ cao nguyên ra duyên hải, từ miền Trung vào miền Nam. Còn phe Cộng sản thì thừa thắng xông lên cứ thế là tiến, chẳng mấy chốc là đến Sài gòn. Miền Nam đang trên đà rơi vào tay Cộng sản.

Tình hình nguy ngập như vậy làm cho người ta lo sợ. Cho nên Đức Tổng khuyên giáo dân phải bình tĩnh, đừng hoang mang, lo lắng. Vì có bình tĩnh thì mới sáng suốt nhận định một cách đúng đắn về hoàn cảnh mới, về chế độ mới để rồi phải sống và phải đối phó ra sao? Trong tình cảnh nhiễu nhuơng, chắc chắn có nhiều thay đổi, nhiều thành phần sẽ lợi dụng thời cơ nhẩy ra múa may quay cuồng để thủ lợi và làm hại đến người khác. Cho nên người Công giáo phải dấn thân vào mọi hoạt động, nếu không kẻ xấu sẽ thừa cơ ra tay làm băng hoại xã hội. Trong khi dấn thân thì phải luôn trung thành với Giáo Hội mà Giáo Hội thì phải có những đặc tính: Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông Truyền. Duy nhất là chỉ có một Hội Thánh Công Giáo mà đứng đầu là Đức Giáo Hoàng ở Rôma. Thánh thiện là dạy làm điều lành. Một Giáo hội mà dạy người ta làm điều ác thì không phải là Giáo Hội Công Giáo. Công giáo là nói lên tính cách phổ quát và Tông truyền là được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ mà Chúa Giêu su đã đặt Thánh Phêrô làm đầu Hội Thánh. Nhắc lại những điều cơ bản trong Kinh Tin Kính có lẽ ngài muốn nhắc nhở giáo dân cũng như giáo sĩ phải đề cao cảnh giác các thứ Giáo Hội quốc doanh trong âm mưu phá hoại chia rẽ Giáo Hội Công Giáo của kẻ thù.

Công việc giáo dục con cái trong gia đình là điều vô cùng quan trọng. Ngài kể chuyện Hoàng Đế Napoléon của nuớc Pháp khi tiếp kiến các mệnh phụ phu nhân, đã hỏi:

- Các bà sinh con ra thì các bà nghĩ mình phải dạy con khi nào?

Một bà mau mắn thưa:

- Chúng tôi nghĩ là dạy con từ thuở lên ba.

- Không phải! - Napoléon bảo.

Một bà khác lên tiếng:

- Thưa Hoàng Đế, có người nói là dạy con khi chúng còn ở trong bụng mẹ.

- Không phải. Napoléon lại phản đối.

Lúc ấy các bà không biết trả lời làm sao, đành im lặng chờ đợi. Sau cùng một bà liên lên tiếng:

- Xin Hoàng Đế cho chúng tôi biết phải dạy con khi nào?

Napoléon dõng dạc nói:

- Phải dạy con hai muơi năm trước khi nó sinh ra.

Mọi người ngỡ ngàng. Và lúc ấy các bà mới thán phục Hoàng Đế có câu trả lời thật là tuyệt diệu. Dạy con 20 năm trước khi nó sinh ra tức là dạy cha mẹ nó. Cha mẹ có tốt thì con cái mới tốt. Cũng như Chúa đã phán trong Phúc Âm: "Cây tốt sinh trái tốt. Cây xấu không thể sinh trái tốt.

Sau bài nói chuyện ấy, ngài trở về Toà Tổng Giám Mục để làm việc. Lúc ấy dư luận Công giáo cho rằng việc Tòa Thánh bổ nhiệm ngài về Tổng Giáo Khu Sài gòn là một quyết định sáng suốt. Đức Cha Thuận lúc đó đã được tiếng là người khôn ngoan, đạo đức và có khả năng lãnh đạo. Cũng trong thời gian đó, LM Trần Hữu Thanh cho ấn hành tài liệu về cách sống đạo trong hoàn cảnh mới. Trong tài liệu này, cha Thanh đã trình bày khá cặn kẽ hoàn cảnh mới (chế độ Cộng sản) như thế nào và người Công Giáo phải sống đạo ra sao. Tiếc rằng, sau đó chưa đầy mấy tháng thì Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận bị Việt Cộng đem ra Nha Trang "quản chế" rồi đưa ra nhà tù miền Bắc. Cha Trần Hữu Thanh cũng bị chúng bắt vô tù luôn. Năm 1978, người viết bị biệt giam ở khu AB khám Chí Hòa (T 30) thì được biết Cha Thanh và Cha Định cũng từng bị biệt giam ở nhà tù này.

Những điều Đức Tổng Giám Mục nói với các giáo dân thuộc Tổng Giáo Khu Sài gòn đã xẩy ra đúng như vậy. Nhiều người Công giáo đã dấn thân hoạt động trong hoàn cảnh nghiệt ngã và đã gánh những hậu quả bi thảm. Đó là những bài học cần được kiểm điểm và ôn lại. Riêng Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, trong thời gian ở tù, ngài cũng đã suy nghĩ rất nhiều và viết nên cuốn "Đuờng Hy Vọng". Trong cuốn sách nổi tiếng này, người đọc có thể lãnh nhận được những tư tuởng rất hay như kim chỉ nam cho hành động. Có lẽ chính bản thân tác giả cũng phải suy gẫm và rút tỉa kinh nghiệm hoạt động khi ngài viết" "Thời đại mới, nhu cầu mới, phuơng pháp mới". (Đuờng Hy Vọng số 296). Nhưng trên thực tế, nhiều khi chúng ta không biết đổi mới mà cứ khư khư quan niệm độc đoán, bắt mọi người phải có quan điểm hay hành động như chúng ta nên tác giả cảnh báo: "Việc Chúa, không được ai giữ độc quyền đại lý. Các tông đồ thưa Chúa: Thưa Thầy, chúng tôi đã thấy người kia lấy danh Thầy trừ quỷ, nhưng hắn lại không theo chúng ta". (ĐHV 306).

Trở lại hoàn cảnh của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sau 1975 khi Cộng sản thôn tính miền Nam, cũng như hoàn cảnh các Giáo Hội bên Đông Âu, đã bị nhà cầm quyền và chế độ mới làm khó dễ đủ điều. Tác giả Đường Hy Vọng viết: "Đừng ngạc nhiên khi người ta phá Hội Thánh vì đó là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Họ muốn tiếp tục giết Chúa Kitô, nhưng không giết được Ngài nữa, bèn phá Hội Thánh." (ĐHV 251)

Không phải chỉ kẻ thù mà chính ngay trong nội bộ cũng có những phần tử phá hoại chỉ vì không nhận chân được hoặc vì quên rằng: "Hội Thánh được sinh ra trên thánh giá. Hội Thánh lớn lên bắng tiếp tục sự thương khó Chúa Giêsu đến tận thế. Con lầm lạc, nếu tin vào tiền bạc, ngoại giao, quyền thế, vận động, con sẽ là nạn nhân trước hết! Khi con sáng mắt thì đã quá muộn. (ĐHV 258).

"Con bảo con không phản Hội Thánh, nhưng con chống những người đại diện Hội thánh con làm trò của biệt phái: họ không bao giờ chống đối Giavê nhưng họ giết kẻ Ngài sai đến. Lý luận tinh vi!" (ĐHV 259)

"Hai ngàn năm nay, có nhiều giai đoạn, những cá nhân trong hàng ngũ Tông đồ, Giáo hoàng, Hồng y, Giám mục, Linh mục, tu sĩ, giáo dân đã phản bội Hội Thánh không thể tưởng tượng.. Đức Phaolô VI gọi là tự hủy diệt. Nhưng mỗi lần như thế, Hội Thánh lại canh tân hơn, tươi sáng hơn, mãnh liệt hơn; Hội Thánh tiếp tục mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh." (ĐHV 263)

"Hội Thánh có nhiều khuyết điểm và gương xấu, nhưng Hội Thánh có lời hứa của Chúa. Hội Thánh là một phép lạ liên lỉ, tuy nhiên đừng vì thế mà phơi bày khuyết điểm và gương xấu cho mọi người. Cũng đừng vì đó mà tha hồ làm gương xấu, để Chúa làm phép lạ mỗi ngày." (ĐHV 264)

Người Việt ta thường nói: "Đóng cửa bảo nhau". Ai cũng coi đó là chân lý để nói lên tinh thần đoàn kết thương nhau. Có sai lầm thì đóng cửa ở trong nhà bảo nhau. Không ai dại gì đem chuyện nhà ra cho hàng xóm biết để họ đàm tiếu. Vậy mà hôm nay lại có kẻ lại thích "vạch áo cho người xem lưng" và la toáng chuyện nhà ở ngoài đường để cho hàng xóm không biết mô tê gì hết cũng nhào vô đánh hôi. Thật là bất hạnh!

Còn chuyện kẻ thù thì vốn ghét Hội Thánh. Chúng luôn tìm mọi kẽ hở để đánh phá Hội Thánh trên khắp hoàn cầu. Chúng luôn tìm mọi dịp để gây chia rẽ, xúi giục con cái "đánh lại" cha mẹ. Còn chúng thì vỗ tay reo cười. Nhưng Hội Thánh có Chúa gìn giữ nên vẫn kiên cuờng sống mạnh. Hãy nhớ lại khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ra đi tưởng khó có người xứng đáng thay thế. Nào ngờ Hồng y Karol Josef Wojtyla, người Ba Lan được bầu lên làm Giáo Hoàng với danh hiệu Gioan Phaolô đệ II. Rồi biến cố Ba Lan xẩy ra với Công Đoàn Đoàn Kết năm 1981. Lúc ấy, người viết vừa vượt thoát ngục tù Cộng sản từ trại Z30D Hàm Tân, Thuận Hải. Trong một dịp bất ngờ ghé thăm một Dòng Tu. Bà bề trên bảo với người viết: "Cha X. vừa mới đi Sài gòn về. Cha cho biết, Trường Chinh từ Hà Nội bay vào Nam, mời các cha đến họp ở Đại Chủng Viện Thánh Giuse số 6 Cường Để, Sài gòn. Ông ta mạnh mẽ cảnh cáo: "Nhất định Việt Nam không thể là Ba Lan thứ 2."

À thì ra Đảng Cộng sản và ông ta vẫn sợ Công Giáo Việt Nam nổi lên như ở Ba Lan. Sao kỳ vậy à? Công Giáo làm gì có súng đạn hay bao nhiêu sư đoàn nào đâu mà mấy anh phải hăm dọa dữ vậy? Lúc bấy giờ người viết mới nhớ lại lời ông bạn LĐD làm trong ngành Cải Huấn của VNCH. Ông này từng làm việc ở hai Trung Tâm Cải Huấn Thủ Đức và Trung Tâm Cải Huấn Tân Hiệp nên đã quen biết Vũ Hạnh lúc bị bắt giam ở đó. Sau 30-04-2007, có lần Vũ Hạnh đến gặp ông LĐD, nói rằng: "Ông Nguyễn Văn Thuận là một người lãnh đạo giỏi và có uy tín. Nếu để ông ta làm Tổng Giám Mục với số giáo dân mấy triệu ở miền Nam thời là một nguy cơ cho Đảng và Nhà nước. Ông ta là người có khả năng sách động chẳng những khối Giáo dân Thiên Chúa Giáo mà cả các Tôn giáo khác ở miền Nam chống lại Nhà nuớc. Cho nên Đảng phải đưa ông ta đi chỗ khác.

Vũ Hạnh nhận xét đúng hay không, xin mỗi người trả lời dùm. Duy một điều chắc chắn Giáo Hội Công Giáo là một Giáo Hội có tổ chức chặt chẽ và có kỷ luật. Các tín hữu đều được huấn luyện kỹ càng về Đức Tin cho cuộc sống từ lúc có trí khôn cho đến khi trưởng thành, lập gia đình. Những người đi tu (dâng mình cho Chúa làm Linh Mục, Tu sĩ) thì còn được huấn luyện kỹ càng hơn nữa. Đã vậy, sinh hoạt của Giáo Hội hay các nhà thờ họ Đạo đều sống động, sốt sắng. Ngày thường giáo dân đến cầu nguyện hay dự Thánh Lễ ở nhà thờ đã đông. Ngày cuối tuần hay Lễ trọng thì còn đông gấp bội vì là luật buộc. Cho nên người ta sẽ không lấy làm lạ, nhà thờ lúc nào cũng đông tín hữu dù ở nông thôn hay thành thị. Ông cha hô một tiếng là có ngàn người tụ tập ngay. Một thí dụ khác về hoạt động chính trị thời VNCH, trong 6 Liên danh đắc cử vào Thượng Nghị Viện năm 1967 thì 4 Liên danh là nhờ số phiếu thống nhất đoàn kết của các cử tri Công giáo (Nguyễn Văn Huyền, Huỳnh Văn Cao, Nguyễn Gia Hiến, và Trần Văn Lắm). Hai liên danh còn lại là: Nông Công Binh (Tôn Thất Đính, Trần Văn Đôn, Đặng Văn Sung...) và Bông Lúa (Đại Việt: Phạm Nam Sách, Nguyễn Văn Ngải, Nguyễn Văn Kỷ Cương, Hoàng Xuân Tửu...). Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, người tín hữu Công giáo cũng đã dấn thân hàng đầu trong phong trào Phục Quốc, vụ Nhà thờ Vinh Sơn, vụ Cha Vàng (Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam - Mặt Trận Liên Tôn), vân vân. Cho đến năm 1987 xẩy ra vụ Dòng Đồng Công ở Thủ Đúc bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đàn áp tàn bạo. Rồi giáo dân các vùng chung quanh như Tam Hà, Hố Nai, Tân Mai, vân vân phản ứng quyết liệt ra làm sao và lãnh những hậu quả thế nào vần còn được ghi nhớ như những bài học rất đắt giá. Thế cho nên khi Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận viết rằng: "Thời đại mới, nhu cầu mới, phương pháp mới..." có lẽ ngài cũng có ý nói về những bài học đấu tranh mà Người Tín Hữu Giáo Dân cũng như Giáo Sĩ phải để tâm nghiên cứu, áp dụng một cách linh động hợp thời, kẻo phải lãnh nhận những hậu quả tệ hại ngoài ý muốn.

Thật vậy, công cuộc đấu tranh giành lại Tự do, Dân chủ, Nhân quyền đâu phải chuyện chơi. Cho nên, qua những kinh nghiệm xương máu, những người dấn thân vào cuộc đấu tranh phải thận trọng. Đã đánh thì phải thắng. Đánh mà thành liệt sĩ thì phải coi lại. Không thể nhắm mắt bừa bãi húc đầu vào xe Tank để thành liệt sĩ! Nói như thế để hiểu rằng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, nhất là Người Công Giáo Việt Nam vẫn luôn đồng hành với Dân tộc. Nhưng phương pháp đấu tranh thì phải linh động để bảo toàn lực lượng. Hơn 7 triệu tín đồ tức là 01 một phần 10 dân số dù cho được tổ chức chặt chẽ cũng chỉ là thiểu số thì giới lãnh đạo phải khôn ngoan để duy trì ưu tiên số một là bảo toàn lực lượng trước đã. Ngay các Tôn giáo có số lượng tín đồ lớn hơn Công giáo cũng còn chưa dám dấn thân mạnh bạo thì hà cớ chi lại có những tổ chức hay cá nhân chỉ muốn Công giáo nhào vô đấu tranh theo ý đồ của họ. Nhưng thật sự thì người tín hữu Công giáo vẫn đấu tranh đấy chứ. Từ 1945 đến nay, nhất là sau ngày 30-04-1975, họ đã đi tiên phong. (Xin cứ nhìn lại lịch sử từ 32 năm qua). Còn chuyện Việt Cộng để cho các Giám Mục đi Roma ba năm một lần phúc trình cho Toà Thánh và Đức Giáo Hoàng hay cho các Linh mục du học ngoại quốc hay xuất ngoại vận động tài chánh xây dựng Giáo Hội bên nhà là do thế mạnh của Giáo Hội Công Giáo. Việt Cộng nào tốt lành gì, nhưng chúng ở vào cái thế có liên hệ ngoại giao với quốc tế mà đành phải chấp thuận, đơn giản thế thôi.

Thật ra thì Cộng sản có nể sợ Công giáo là vì Giáo Hội Công Giáo được tổ chức chặt chẽ và nhất là đã dấn thân ngoài sức tưởng tượng vào nhiều lãnh vực. Chỉ xin được kể một chuyện nhỏ thôi là Việt Nam có 26 Trại Cùi thì Dòng tu thuộc Giáo Hội Công giáo nhận coi sóc 25 trại. Nhà nước Cộng sản nhận một trại. Cuối cùng nhà nước Cộng sản chịu không nổi, lại xin trao nốt cho Công giáo coi sóc. Mấy người phê bình chỉ trích Giáo Hội Công Giáo, cách riêng HĐGMVN có bao giờ nghĩ đến chuyện đó chưa?

Người viết thiển nghĩ việc một số phần tử công kích các vị Giám Mục, Linh mục xuất ngoại quyên tiền mà không xét đến mục tiêu và phương cách quản trị tài sản của Giáo Hội Công Giáo quả là một điều hết sức bất công. Vì, thứ nhất là tiền quyên được là do Giáo dân đóng góp. (Thiết nghĩ những ai không góp thì đừng nên lên tiếng). Thứ hai là số tiền đó được sử dụng cho việc xây dựng Giáo Hội: tu bổ nhà thờ lâu năm bị đổ nát, giúp dân nghèo các vùng truyền giáo, dân miền Thượng cao nguyên, xây dựng Chủng viện đạo tạo Linh mục, mở mang công tác giáo dục, y tế, vân vân... Tất nhiên trong xã hội thì lãnh vực nào cũng có thể xẩy ra những hiện tuợng tiêu cực, có thể bị lợi dụng, vẫn có những con sâu làm rầu nồi canh cần phải bị tẩy trừ. Đại thể, tổng quát thì việc quyên góp xây dựng Giáo Hội là việc làm chính đáng. Không nên vì chuyện "Cha Tadeo Nguyễn Văn Lý" mà bẻ cong ngòi bút xuyên tạc công cuộc bác ái, truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Đọc những bài viết của những kẻ nhận mình là tín đồ Công giáo công khai công kích Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trên mạng, người ta thấy vẻ hằn học, thiếu suy nghĩ, rất là chủ quan, không thể hiện tinh thần Bác ái và thật lòng yêu Giáo Hội. Hầu như chỉ vì mục tiêu chính trị phe nhóm, họ muốn Giáo Hội Công Giáo và nhất là Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhào vô đấu tranh theo ý họ và cho mục tiêu của họ. Tệ hại nhất là có những kẻ từng "ăn cơm nhà Đức Chúa Trời" nhưng mở miệng hay viết ra toàn những lời vô đạo, xấc xược không thể tưởng tượng! Thay vì "tốt đẹp phơi ra, xấu xa đậy lại", những người này tỏ ra rất thích thú khi bới tìm được một tì vết nào đó của Giáo Hội, của vị Giám Mục hay vị Linh Mục để họ có cơ la toáng trên diễn đàn Internet! Họ còn thích thú hơn khi phát minh ra được mánh khóe tinh vi hoặc đơn giản nào đó để đánh phá HĐGMVN, đồng thời xúi giục, chỉ vẽ cho kẻ khác nhào vô đánh phá theo họ. Rõ ràng là họ chỉ nhìn thấy cái chấm đen nhỏ (để căm thù) mà không chịu nhìn ra cả cái bảng trắng lớn lao treo trên tường (để yêu mến và bảo vệ). Họ lớn tiếng chỉ trích người này, phê bình người kia làm tay sai cho Cộng sản. Vậy hành động bới lông tìm viết, vạch lá tìm sâu của họ làm lợi cho ai? Nhưng chưa hết. Lại còn có những kẻ xưng mình là sùng đạo, yêu mến Giáo Hội mà cứ lấy bút làm dao phang vào lưng của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Có lẽ chưa lúc nào Cộng sản Việt Nam lại vui mừng như lúc này khi thấy Hội Đồng Giám Mục Việt Nam bị những "con cái trong nhà" chuyên vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết để "vạch áo cho người xem lưng", ngang nhiên mạ lị, phỉ báng một cách trơ trẽn "bố mẹ" mình. Kẻ xưng mình là sùng đạo và yêu mến Giáo Hội thật lòng lại hành động tồi tệ như thế sao? Họ tuyên bố chống Cộng quyết liệt mà Cộng thì không thấy chống cho đúng phép, lại cứ nhè đánh vào cái lưng của mình?

Cũng trong lĩnh vực truyền thông, thiển nghĩ người cầm bút Công giáo lại càng nên thận trọng hơn. Thú thật khi đọc bản tin nói rằng Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn gọi những người Việt ở hải ngoại là đám người "THA PHƯƠNG CẦU THỰC", người viết cũng phải cau mày, khó chịu. Nhưng cũng vì đã một phen làm báo, người viết mong muốn tìm ra sự thực như một số người bình tâm đã nêu câu hỏi là "Liệu Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn có nói như vậy không?" rồi hãy phản ứng. Đàng này, vừa đọc bản tin thế là mấy ông tự nhận là Công giáo sùng kính vội vàng lên Net phang Đức Hồng Y với những ngôn từ cay chua độc địa làm cho vấn đề thêm trầm trọng. Phang Đức Hồng Y chưa đủ, họ phang luôn Đức Cha Nguyễn Văn Hòa và Đức Cha Nguyễn Chí Linh tạo ra một làn dư luận chống đối vô cùng tệ hại. Người viết xin nhấn mạnh một lần nữa là có lẽ chưa khi nào Cộng sản Việt Nam "hả hê" với những lời phỉ báng Giáo Hội Công Giáo VN như lúc này, khi có những đứa con trong nhà ngang nhiên "phang" lại cha mẹ. Đám tay sai "quốc doanh" bao nhiêu năm vẫn không dám ngang nhiên hành động xấc xược như thế. Nay có những kẻ tự xưng là Công giáo sùng kính vớ được cái tin "chưa được kiểm chứng" liền "phang" cho mấy ông Giám Mục phải mất mặt thì Cộng sản VN sướng quá rồi. Không đánh mà có kẻ đánh giùm ta thi đúng là bất chiến tự nhiên thành. Những kẻ đó lại tự nguyện làm "nội công" cho ta (CSVN) thế mới thích chớ!

Nhưng sự thật vẫn phải là sự thật dù cho sự thật đó đã bị xuyên tạc, bóp méo. Mới đầu, người viết thật là khó chịu khi đọc bản tin đó. Nhưng người viết cũng tự hỏi: Chẳng lẽ một chức sắc như Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn có tiếng là khôn khéo lại phát ngôn hồ đồ khinh miệt như vậy sao? Người viết nhớ có đọc bản tin về chuyến thăm viếng Nhật Bổn của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn về việc tưởng niệm vụ tàn sát của hai trái bom nguyên tử. Đức Hồng Y đã phát biểu: "Cộng sản là một tai họa còn nguy hiểm hơn bom nguyên tử". Lời nói hùng hồn như vậy mà không thấy mấy ông tự nhận là sùng đạo khen, kể cũng lạ! Cho nên người viết đã tìm hiểu và được một Linh mục tiếp xúc với Đức Hồng Y hỏi cho ra sự thật. Đức Hồng Ý trả lới rằng: "Tôi không nói câu đó. Tôi nói trước hàng chục ngàn người. Xin cứ hỏi lại để kiểm chứng." Như vậy thì hiển nhiên, người viết bản tin đã tường thuật sai. Và những người dùng ngòi bùt để tấn công Đức Hồng Y và HĐGMVN thì vội vàng hấp tấp. Liệu những người tự nhận là sùng kính có hối hận khi ngòi bút của họ đã làm tổn thương đến uy tín của Giáo Hội Công Giáo và HĐGMVN hay không?

Thật ra thì không lạ về chuyện xuyên tạc này. Nó vẫn thường xẩy ra đối với những phần tử cực đoan, kiêu ngạo và thiếu suy nghĩ. Nhất là khi những người này có âm mưu chính trị hay bị những âm mưu chính trị lôi cuốn. Bằng chứng điển hình là vào năm 1991, hai vị lãnh đạo Tôn giáo đã tuyên bố trên TV và được báo chí đăng lại rằng: "Mỹ đã đem 800 ngàn con chiên Bùi Chu, Phát Diệm vào Miền Nam để ủng hộ Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Thục vì ham cái chức Hồng Y nên đã làm nhiều điều ác ôn, bất xứng..." Chính mắt tôi (người viết) coi TV và đọc báo rồi đặt vấn đề với hai vị lãnh đạo Tôn giáo đó trên tờ tuần báo Thời Sự ở San Jose:

- Cuộc di cư 1954 là của dân chúng miền Bắc gồm đủ mọi thành phần lương giáo chớ đâu phải chỉ có giáo dân Bùi Chu, Phát Diệm?

- Cả hai tình Bùi Chu và Phát Diệm có dân số lên tới 800 ngàn người không?

Hai vị đã không trả lời được mà lại đi trách ông chủ nhiệm đã tường thuật buổi phỏng vấn đó. Rõ ràng là họ không phục thiện. Bởi vì họ đã có sẵn định kiến trong đầu, không sao gột rửa được.

Trở lại chuyện mấy ông tự xưng là sùng kính đánh phá HĐGMVN cũng thế thôi. Họ có định kiến, không chịu nhìn ra sự thật. Cái gì có lợi cho họ thì họ hoan hô. Cái gì không có lợi cho họ là họ đả đảo.

Xin trở lại chuyện các Tôn giáo với nhà nước Cộng sản thì như mọi người đã biết ngoài tinh chất tổ chức ra, Tôn giáo nói chung và Công giáo hay Thiên Chúa Giáo nói riêng đối nghịch với Cộng sản vô thần như nước với lửa. Cộng sản muốn diệt Tôn giáo vì coi Tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ con người. (Thực chất thì chính Cộng sản mới là thứ thuốc phiện để lường gạt những dân tộc chậm tiến. Một khi các dân tộc này đã sa vào vòng thống trị của chúng thí rất khó có đường đi ra.) Thế nên, khi tấn chiếm được miền Nam thì ngụy quyền Hà Nội tìm đủ mọi thủ đoạn nhắm khống chế các Tôn giáo. Riêng đối với Công giáo là Tôn giáo có ảnh hưởng và uy tín lớn lao trên thế giới mà đúng đầu là Đức Giáo Hoàng tại Vatican nên Cộng sản Hà Nội phải quan tâm đặc biệt. Vả lại Công Giáo Việt Nam đã nhiều phen "thử lửa" với Việt Cộng nên chúng phải đối phó bằng nhiều mánh khóe tinh vi hơn. Ngoài một số rất nhỏ theo chúng như đám Huỳnh Công Minh, Vương Đình Bích, Trương Bá Cần, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ, Chân Tín, vân vân trong cái gọi là Ủy Ban Đoàn Kết Tôn Giáo, Cộng sản VN không thể nào lập được "Giáo Hội quốc doanh" như chúng mong muốn. Điều đó chứng tỏ Giáo Hội Công Giáo Việt Nam rất vững mạnh trước âm mưu phá hoại của kẻ thù. Còn cái gọi là Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ) là tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản nhằm kiểm soát các đoàn thể quần chúng và các Tôn giáo nhưng Mặt Trận Tổ Quốc đâu dễ gì khuynh loát nổi Giáo Hội Công Giáo. Ngược lại, các Tôn giáo và cách riêng Công Giáo vẫn tham gia MTTQ, coi đó như cách dể "xem chừng" chúng làm ăn hay múa máy gì đối với Giáo Hội mà đề phòng hay đối phó. Hãy nhìn qua các Tôn giáo bạn xem có bao nhiêu Tôn giáo đã bị Cộng Sản Việt Nam "quốc doanh hóa" để rồi nhìn lại Giáo Hội Công Giáo để thấy sự kiên cường của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trước âm mưu xâm nhập phá hoại của Việt Cộng.

Đối với Giáo Hội Công Giáo VN thì vừa phải duy trì sự hiệp thông với Tòa Thánh Vatican vừa phải đối phó thế nào cho khôn khéo. Đó là cái khó của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Lần đầu tiên họp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ở Sài gòn, có sự tham dự (quan sát) của nhà cầm quyền Cộng Sản, hội nghị đã xướng danh các vị Giám Mục, trong đó có tên Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Đại diện VC đã nêu câu hỏi là "Ông Nguyễn Văn Thuận không còn ở đây, tại sao lại đọc tên ông ấy?" Hội nghị đã trả lời: "Trên danh nghĩa và trên giấy tờ, Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm Đức TGM Nguyễn Văn Thuận và quyết định này vẫn còn giá trị vì Tòa Thánh chưa thay đổi?" Câu trả lời đã nói lên thái độ dứt khoát và quyết liệt của HĐGMVN khiến CSVN phải cau mày. Trong tình hình mới. nhất là sau Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội Công Giáo chú tâm về sự đối thoại trên phương diện ngoại giao, kể cả các nước bị Cộng sản thống trị. Đối thoại tất nhiên có cái hay của nó, nhất là khi Tòa Thánh Vatican và Giáo Hội Công Giáo toàn cầu có vị thế quan trọng trên bản đồ thế giới.

Tất nhiên, sống trong một chế độc độc tài toàn trị, chủ trương duy vật, vô thần như CSVN thì Giáo Hội Công Giáo phải khôn ngoan đối phó. Dù ôn hòa, nhưng cũng chỉ đến mức nào đó thôi, vẫn phải quyết liệt khi cần phải bảo vệ Đức Tin như khi bị bách hại vào thời cấm Đạo từ hai thế kỷ trước. Thời đó đã có những người tử vì đạo thì ngày nay vẫn có nhiều người can đảm công khai làm chứng cho Tin Mừng.

Có lần người viết hỏi ông cha em (con ông chú, làm Linh mục dạy ở Đại Chủng Viện):

- Chú thấy Đức Cha Huỳnh Văn Nghi khi được Tòa Thanh bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa ở Sài gòn thế nào?

- Đức Cha đi sớm quá.

- Còn Đức Cha Phạm Minh Mẫn? Người ta đồn Đức Cha bị Huỳnh Công Minh kiểm soát?

- Huỳnh Công Minh kiểm soát Đức Cha hay Đức Cha kiểm soát Huỳnh Công Minh? Em thấy Huỳnh Công Minh thay đổi khá nhiều....

Chú em Linh mục cho biết nhiều chuyện lạ mà người viết thấy chưa tiện nói ra. Khổ nỗi nhiều người ở ngoài không hiểu rõ sự việc nên cứ hay đoán mò và đánh phá lung tung..

Khoảng năm 2000 hay 2001, Linh mục NTT, gốc Bắc Ninh đến thăm gia đình người viết. Linh mục có kể chuyện cho nghe chuyến về quê hương thăm Giáo phận mẹ. Khi cha NTT đến thăm Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Quang Tuyến tại Tòa Giám Mục Bắc Ninh thì Đức Cha chỉ vào hai gói đồ trên bàn rồi hỏi cha:

- Cha biết cái gì đây không?

- Làm sao con biết được.

- Bộ Chính Trị cho người đến "hối lộ" tôi đó.

- Thưa Đức Cha, chuyện gì mà lớn lao vậy?

- Họ yêu cầu tôi là "ngày mai họp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, xin ngài phát biểu nhẹ nhẹ một chút".

Cha NTT cho biết Đức Cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến là vị Giám Mục bề ngoài trông nhu mì, ôn hòa nhưng lại rất cứng rắn, dám ăn dám nói, không có sợ Cộng sản đâu.

Chuyện thứ hai: Một giáo xứ thuộc địa phận Lạng Sơn (?), vị Linh mục già qua đời, không có Cha đến làm Lễ. Tòa Giám Mục đã vắng vì Đức Cha Phạm Văn Dụ đã qua đời từ lâu, cho nên Giám Mục địa phận Bắc Ninh phải làm "Quản nhiệm Tông tòa" luôn. Giáo xứ này xin Cha đến làm lễ thì chính quyền địa phương không cho. Mà xin gửi con em đi học Chủng Viện để sau này làm Linh Mục, chúng cũng không cho nốt. Có một lối đi chính vào nhà thờ thì bọn Việt Cộng địa phương xây bít lối luôn. Thế là giáo dân kéo nhau lên xã biểu tình. Họ yêu cầu phải dẹp bỏ việc xây cất bít lối vô nhà thờ và phải cho con em họ đi học ở Chủng Viện. Ủy Ban Nhân Dân Xã ra nạt nộ, đuổi giáo dân. Giáo dân liền vây xã bắt toàn bộ Ủy Ban Nhân Dân. Chính quyền tỉnh nghe tin liền gửi về hai Uỷ viên. Giáo Dân bắt giữ luôn. Trung Ương Đảng nghe báo cáo vội đưa 8 xe tăng về hăm dọa. Giáo dân nhất định không thả. Lúc đó nhiều phóng viên ngoại quốc nghe tin muốn đến coi tình hình. Bộ Chính Trị bắt đầu sợ, cho người về nói với Đức Cha Nguyễn Quang Tuyến:

- Xin Ngài ra lệnh giải tán Giáo dân.

- Tôi làm nhiệm vụ Tôn giáo. Tôi không có quyền ra lệnh cho họ biểu tình hay giải tán. Vì họ tự động làm.

Bộ Chính Trị liền cho người đến nói chuyện với Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng, thỏa mãn mọi điều Giáo dân yêu cầu. Đức Hồng Y liền gọi cho ĐGM Nguyễn Quang Tuyến:

- Họ đồng ý tất cả những điều Giáo dân yêu cầu rồi. Xin Đức Cha bảo giáo dân thả những người bị họ cầm giữ và trở về nhà.


Trở về trường hợp Đức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài đã sống, đã đi trọn con đường ngài chọn là yêu Chúa đến cùng. Ngài đáng được tưởng nhớ như một mẫu gương can đảm cho giáo sĩ và giáo dân. Một vị Giám Mục như thế, quả là ít có trong hoàn cảnh này.

Sau 13 năm bị giam giữ không lý do (từ 15-08-1975 đến 21-11-1988), Đức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội trả lại tự do. Đích thân Bộ Trưởng Công An đến mời ngài ra và sau đó tìm cách trục xuất ngài ra nước ngoài. Nhưng do thánh ý Chúa quan phòng, Đức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận lại được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 tấn phong Hồng Y, cử làm Chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, một chức vụ rất quan trọng và có ảnh hưởng quốc tế.

Giờ đây, ngồi nhớ lại bài nói chuyện của Đức Tổng Giám Mục và đọc lại Đường Hy Vọng của ngài, người viết cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội Cộng Giáo Việt Nam nhiều vị khôn ngoan, sáng suốt. Không phải không có những con chiên ghẻ, tồi tệ, nhưng đó chỉ là thiểu số, chẳng đáng sợ.

Đức TGM. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã đi trọn con đường ngài chọn là THEO CHÚA ĐẾN CÙNG. Ngài đáng được Thiên Chúa thưởng công. Vậy mà nghe tin Tòa Thánh chuẩn bị hồ sơ phong Thánh cho Ngài thì có ông chạy đến hỏi Cha xứ:

- Thưa Cha, Toà Thánh định phong thánh cho Đức Cha Thuận à?

- Tôi nghe phong thanh như vậy. Nhưng mà tốt thôi. Việt Nam mình có thêm một vị thánh nữa.

- Con phản đối chuyện này. Đức Cha Thuận không lên tiếng bênh vực Cha Tadeo Nguyễn Văn Lý thì không thể phong Thánh được. Con phản đối đến cùng.

- Này ông, mọi người phải nên Thánh mới được vào Nước Trời. Biết đâu Đức Cha Thuận đã lên tiếng cách nào đó về trường hợp của cha Lý trên cương vị Chủ tịch Ủy Ban Công Lý Hòa Bình. Ngài làm việc cho cả thế giới mà.

- Sao con không biết. Con nhất định phản đối.

- Bộ ngài làm việc phải báo cáo cho ông sao?

* * *

Chúa Giêsu đã nói với thánh Phêrô: "Simon, con là Phêrô (nghĩa là đá). Thầy sẽ xây Hội Thánh trên đá này. Các cửa hỏa ngục sẽ không thắng nổi." Matt. 16, 17. Hội Thánh đã được Chúa xây dựng trên nền táng Tông đồ Phêrô hơn hai ngàn năm. Biết bao thử thách và bách hại, nhưng Hội Thánh vẫn tồn tại.

Đối với Giáo Hội Việt Nam, một Giáo Hội cũng mới chỉ được xây dựng hơn 3 thế kỷ nay, cũng gặp bao gian nan thử thách với hàng trăm ngàn vị tử Đạo, Giáo Hội Việt Nam vẫn hiên ngang tồn tại trong khi các triều đại cấm đạo đã cáo chung.

Cộng sản cũng thế thôi, cũng chẳng hơn gì các triều đại cấm đạo trong quá khứ. Năm 1954 với hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước, Giáo Hội Công giáo Việt Nam vẫn không sợ và vẫn tồn tại. Năm 1975 Cộng sản Bắc Việt xua quân tấn chiếm miền Nam, một vài tên tay sai a dua với kẻ thù đuổi Khâm sứ Toàn Thánh ra khỏi Việt Nam. Nhưng Giáo Hội Công giáo Việt Nam vẫn không sợ, vẫn tồn tại.

Bây giờ là năm 2007, - 32 năm sau khi Cộng sản xua quân tấn chiếm Miền Nam, 16 năm sau khi Cộng sản Đông Âu cùng Đế quốc Liên Sô thi nhau sụp đổ khiến chủ nghĩa Mác bị quăng vào sọt rác của lịch sử. Vậy thì lấy gì mà la toáng lên rằng Cộng Giáo Việt Nam bị "thuần hóa", bị khống chế bới một dúm "tay sai".

Hãy nhìn cho kỹ đi. Chính đám tay sai này mới tỏ ra sợ sệt vì chúng biết rằng chủ nghĩa Cộng sản đã đến ngày cáo chung. Chính đám tay sai này mới bị "thuần hóa". Bởi vì sau 1991, Huỳnh Công Minh không ra ứng cử Quốc Hội nữa! Nguyễn Ngọc Lan và Chân Tín là hai kẻ "ăn cơm quốc gia thờ ma Việt Cộng" hồi trước 1975 từng vào Chiến Khu liên lạc với chúng cũng đã "mở mắt" và chống lại Đảng Cộng sản! Phan Khắc Từ có hai đứa con thì nói giáo dân nào nghe!

Hãy nhìn cho kỹ đi. Chính Cộng sản Việt Nam mới đang run sợ trước những thay đổi không thể cuỡng lại của trào lưu của lịch sử. Chính Cộng sản Việt Nam rất lo sợ khi phải đương đầu với Tôn giáo có tổ chức chặt chẽ như Giáo Hội Công Giáo. Chắc chắn Việt Cộng ác ôn sẽ ra đi như các triều đại cấm Đạo và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vẫn trường tồn. Nhưng nếu chúng ta muốn đạt thắng lợi mau lẹ thì phải hành động đoàn kết. Đừng dại dột vạch áo cho người xem lưng, và đừng "uýnh" vào cái "lưng" của mình.


San Jose tháng 05 năm 2007, Lễ Thánh Giuse Lao Động & Tháng Hoa kính Đức Mẹ

Phạm Quang Trình