NỖI BUỒN CÔNG ÍCH, NIỀM VUI TƯ ÍCH

(Trích tập san GHXHCG số 4)

►Nguyễn Đan Huỳnh 

Tư ích sẽ không làm ta bị bắt, bị tù, bị mất sức, bị mất thì giờ, bị hiểu lầm, bị bỏ vạ cáo gian, bị nghèo, bị bệnh, bị chết sớm...

Chăm sóc cho bệnh nhân HIV ư ? Coi chừng bị kim đâm vào thịt da và có thể bị nhiễm HIV! Phải lập tức uống ngay thuốc kháng HIV. Thuốc này làm ta bải hoải rã rời thân xác.

Đi biểu tình chống nguy cơ bị xâm chiếm lãnh thổ ư ? Sẽ bị cho là ham tiền của những kẻ xúi dục.

Đi học Giáo huấn Xã hội Công giáo ư ? Gia đình có thể bực bội, cau có, nhăn nhó, cơm sẽ chẳng lành, canh sẽ chẳng ngọt.

Dám nói thẳng nói thật cho lãnh đạo ư ? Coi chừng sẽ mất cơ hội lên chức, lên lương và có thể sẽ bị trù dập. Có lẽ nên im lặng là vàng. Không bị thiệt tấm thân. Gia đình sẽ đề huề. Lại còn có thì giờ thoải mái lướt web, tung tăng trên internet.

Có làm nghề y thì chọn ngành dễ kiếm tiền mà lại ít bị lây trùng.

Đi đường gặp người hoạn nạn thì chớ bắt chước người Samaritanô. Ách giữa đàng đấy.

Chọn tư ích, tức là chọn mốt sống "nhàn nhạt, phiên phiến, gà mờ, giả ngu giả điếc...", coi bộ lại tồn tại lâu hơn, được “đa tử đa tôn đa phú quí” (thịnh vượng, sống lâu trăm tuổi bạc đầu râu, con cháu đông đúc đến ba bốn đời và được hạnh phúc may mắn trong tuổi già...), lại còn “đắc thời đắc lợi đắc nhân tâm”.

Ôi chao, tư ích vang lên bao lời mời gọi ngọt ngào êm ái. Kể sao cho hết NIỀM VUI TƯ ÍCH! Chân như muốn cuốn theo, lòng trí như dao động, chếnh choáng. Lửa nhiệt tình hăng say phục vụ như muốn nguội lạnh…

Kịp nghoảnh đầu nhìn lại: Bao cuộc đời đang bị đè bẹp bởi cái NGHÈO: nghèo áo cơm, nghèo sức khoẻ, nghèo tình thương, nghèo quyền sống, nghèo công lý, nghèo tự do.v.v…

Kịp hướng mắt nhìn về bao con người vẫn âm thầm phục vụ, vẫn âm thầm đấu tranh không mệt mỏi, bất chấp lao nhọc nguy nan…

Kịp đọc lại những lời giáo huấn: Có công ích vì có con người vô cùng cao quí (phẩm giá); vì ai cũng có phẩm giá nên ai cũng phải được đối xử bình đẳng. Và vì có phẩm giá nên con người đều giống nhau (thống nhất) về số mệnh về hướng đi... khi sống trên thế gian này. Thế nên CÔNG ÍCH phát xuất từ chính PHẨM GIÁ, SỰ THỐNG NHẤT, BÌNH ĐẲNG.

Công ích ban tặng cho ta cảm nghiệm được sự bình đẳng giữa con người với nhau.Ta thấy người nào cũng có giá trị cao quí. Nhờ làm công ích mà ta giúp cho người khác được phát triển dễ dàng hơn, đầy đủ hơn. Tha nhân và ta đều chung một kiếp người và đều có “một cõi đi về”: Đi khỏi thế gian này để về cõi vĩnh hằng nơi có Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực. Hiện tại thì cũng đã được Chúa ban cho ân phúc, được Chúa và Đức Mẹ đồng hành "trên từng cây số". Thế nhưng có một thực tế là chúng ta đang ở “nơi khóc lóc khách đầy”.

Ở Việt Nam, ta cảm nghiệm rất rõ các “nỗi buồn” sau đây do công ích chưa tràn đầy, chưa có nhiều các việc “thương xác và thương linh hồn”, do cơ chế thượng tầng còn có nhiều trục trặc: Hành là chính; gương mặt nếu không lạnh lùng vô cảm thì cũng nhăn nhó ở cơ quan công quyền; mọi giao dịch nhuốm vẻ nhiêu khê; đi đường có thể bị chết bất kỳ lúc nào do xe đụng; dễ dàng bị đủ thứ vi trùng tấn công; tai bay vạ gió; có những rình rập; “bạn dân” có khi trở thành “nạn dân”. Lại thêm nỗi buồn nhược tiểu…

Kể sao cho hết NỖI BUỒN CÔNG ÍCH!

Thế nhưng, nhạc sĩ đang nhắc khéo ta: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết về phần ai?” Này anh, này chị, hãy xắn tay áo lên.

Làm thế nào để dấn thân cho công ích?

Tác giả sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Giáo hội Công giáo cũng thừa nhận: Công ích “là một giá trị rất khó thực hiện” (số 167). Tác giả đưa ra phương thuốc bổ cho công ích: Phải có năng lực và phải cố gắng liên tục, coi công ích như thể đó là ích lợi của bản thân.

Chợt nhớ lời dạy của tổ tiên chúng ta: Thương người như thể thương thân. Nhưng các cụ cũng đáo để khi “còm men”: Thương người thiệt thân. Thiệt thân là do những “ách giữa đàng” mà vì công ích nên tự nguyện “mang vào cổ”. Nhưng trẻ em thì lạc quan và hát: “Thiên đàng hỏa ngục hai bên, ai khôn thì dại ai dại thì khôn”.

Còn Chúa chúng ta thì có nói gì về công ích không nhỉ? Ngài chỉ chất vấn có một câu thôi: “Ai là anh em của người ấy?”

Tác giả:  Nguyễn Đan Huỳnh