Những Thứ Sáu Tuần Thánh

“Thánh Kinh là lịch sử ơn cứu độ của chúng ta đã được hứa hẹn trong Cựu Ước và được thể hiện trong Tân Ước” . Nhưng cũng có thể nói Thánh kinh là lịch sử Tình yêu liên tục của Thiên Chúa đối với con người không ngừng lỗi phạm. Những suy tư sau đây, được viết dưới dạng nhật ký, như một cái nhìn từ Tân Ước- qua biến cố tử nạn của Chúa Kitô- ngược về Cựu Ước- qua những hình ảnh trong sách Sáng thế. Ước mong làm nổi lên tính liên tục của Tình yêu Thiên Chúa, một Tình yêu bền vững làm phát sinh dòng lịch sử cứu độ.

NHỮNG THỨ SÁU TUẦN THÁNH

“Thánh Kinh là lịch sử ơn cứu độ của chúng ta đã được hứa hẹn trong Cựu ước và được thể hiện trong Tân ước”. Nhưng cũng có thể nói Thánh kinh là lịch sử Tình yêu liên tục của Thiên Chúa đối với con người không ngừng lỗi phạm. Những suy tư sau đây, được viết dưới dạng nhật ký, như một cái nhìn từ Tân ước- qua biến cố tử nạn của Chúa Kitô- ngược về Cựu ước- qua những hình ảnh trong sách Sáng thế. Ước mong làm nổi lên tính liên tục của Tình yêu Thiên Chúa, một Tình yêu bền vững làm phát sinh dòng lịch sử cứu độ.

 

1. Thứ Sáu tuần Thánh ngày...tháng...năm...

Chiều nay, một buổi chiều bình an cho nhân loại. Bởi vì Đấng Cứu độ đã đồng hóa mình với họ. Chiều nay nhân loại hạnh phúc vì trên nẻo đời, họ không bước đi đơn lẻ, mà Thiên Chúa đang cùng họ đồng hành. Người đang bao bọc từng người bằng Tình yêu.

Chiều nay họ đến nhà thờ lòng tràn ngập niềm vui, vì chiếc khăn tang bao trùm con cháu A-đam đã bị xé tan. Tội của một người nhân loại phải đau khổ, phải chết. Nhưng nhờ Máu Đức Kitô, nhân loại được chuộc lại sự sống.

Nơi các nhà thờ giáo dân cúi đầu tưởng niệm. Trong không gian trầm mặc, họ ngắm Đàng Thánh giá. Họ nghe Lời Chúa nói với họ về cuộc thương khó của Chúa Kitô. Họ cảm nhận gương mặt đau khổ của Con Thiên Chúa đang mời gọi họ trở lại với Người. Và họ thấy cuộc đời này thật ý nghĩa: vì đau khổ của họ, Con Thiên Chúa đã từng mang lấy. Con Thiên Chúa đã sử dụng cuộc đời này để làm người, để sống, để lớn lên và cứu chuộc họ.

2. Thứ Sáu tuần Thánh ngày...tháng...năm...

Lạy Chúa,

Thứ Sáu tuần Thánh năm nay, để giúp cộng đoàn suy niệm trước Thánh giá, con đã nghiền ngẫm và suy niệm điều này: “Trên thập giá Chúa Giêsu đã ôm trọn nỗi khổ đau của con người, chia sớt đến cùng những khắc khoải của con người về lẽ sống... Người trộm cùng bị án treo thập giá với Chúa Giêsu bỗng nhận ra con đường sự sống...”.

Thánh Kinh kể chuyện xưa kể rằng, có đôi vợ chồng kia yêu nhau đắm đuối, đến nỗi có lần chàng bảo nàng là xương, là thịt của chàng. Chúa yêu họ, cho họ sống giữa địa đàng trù phú. Trên hết mọi cỏ cây và muông chim cầm thú, họ nắm chủ quyền. Nhưng rồi một ngày, họ quay lưng phản nghịch lại Chúa. Thiên thần Chúa cầm gươm lửa đuổi họ khỏi địa đàng. Cửa trời khép lại. Từ nay họ bắt đầu một cuộc sống đày ải lầm than.

Ngài nay chuyện kể rằng, Ngôi Lời, Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm, sống giữa trần gian hầu “ôm trọn nỗi khổ đau của con người, chia sớt đến cùng những khắc khoải của con người về lẽ sống”. Thân xác Ngài oằn quại trên khổ giá lại chính là lời ngỏ của Tình yêu. Cửa trời từ nay lại mở rộng.

Ngày xưa cửa trời khép lại do lòng người khép lại. Họ không yêu Chúa và chẳng còn yêu thương nhau. Ngày nay cửa trời lại mở do một người biết mở rộng cõi lòng. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã yêu và chết vì yêu.

Thập giá không chỉ là ngọn cờ biểu trưng cho Tình yêu, cũng không chỉ là mầu nhiệm của Tình yêu, mà còn là lời ngỏ của Tình yêu gởi nhân loại.

Người trộm lành vì biết mở rộng lòng nên anh “bỗng nhận ra con đường sự sống”. Thế là trong phút chốc anh đã hưởng trọn vẹn lời ngỏ của Tình yêu.

Chúa ơi con rất sợ tâm hồn con không mở rộng, lòng con khép lại trong thụ hưởng ích kỷ, khép lại trong gian dối...Và khi ấy cửa trời cũng khép lại...

Con rất sợ. Chúa ơi con rất sợ...

Giêsu hãy giúp con...

3. Thứ Sáu tuần Thánh ngày...tháng...năm...

Từ ngày đôi vợ chồng đầu tiên của nhân loại bước ra khỏi địa đàng, sự sống trở nên gánh nặng. Liều thuốc độc của tội đã giết chết tat cả mọi tương quan giữa con người với Thiên Chúa, với tạo vật quanh mình, và giết chết chính mình.

Tội là một thất bại thảm hại của con người. Khi dựng nên con người, Thiên Chúa không cho họ giống một cái gì khác, nhưng là giống chính Thiên Chúa. Họ là phản ảnh vinh quang của Thiên Chúa. Từ nguyên khởi họ là một tạo vật tốt đẹp, một tạo vật ưu tú, vượt trên mọi tạo vật khác. Nhưng thay vì hướng về Thiên Chúa như Nười muốn, con người lại tập trung vào chính mình: con người kiêu ngạo. Chỉ vì một khoảnh khắc sai lầm mà mà bản tính tốt lành ấy bị đánh bại thảm hại. Tưởng rời xa Thiên Chúa để được bằng Thiên Chúa , không ngờ nó đã trở thành sự vong thân nghiệt ngã.

Lời Thiên Chúa vẫn nhắc nhở con người, để họ nghe mà suy nghĩ: “Thấy chưa! A-đam đã trở thành một bậc hiểu biết điều lành, sự dữ như Ta: nên bây giờ phải e dè kẻo y giơ tay hái trái trường sinh mà ăn hầu được sống vĩnh viễn chăng". Cùng với hành động tội lỗi, họ đã đạt mục đích: “Biết điều lành, sự dữ”. Nhưng cái giá phải trả quá đắt: mất tất cả và mất cả chính mình. Cả câu Lời Chúa như một lời mỉa mai chua chát xoáy vào số phận con người. “Sự sống vĩnh viễn” đâu không thấy, chỉ có nỗi nhục nhã, đau khổ là bám lấy. Cái được chẳng bao nhiêu, nhưng mất quá nhiều. Thà đừng được để đừng mất, đó là điều quý giá, nhưng con người chỉ nhận ra cách muộn màng.

Kinh nghiệm tội lỗi dù đã làm con người khiếp sợ nhưng họ vẫn không thể tự mình đứng vững. Sau mỗi lần phạm tội là mỗi lần đổ vỡ, là ray rứt, là mất mát, nhưng vẫn cứ lao vào. Con người mong manh, yếu đuối không đủ sức tự làm chủ mình. Vong thân đẩy họ đi từ nghiệt ngã này đến nghiệt ngã khác.

Vì thế, càng mất mát, càng sợ hãi, càng đau đớn... Con người càng biết ơn Đấng cứu thoát mình. Đức Kitô, Thiên Chúa làm người đã cúi xuống nâng họ lên từ số phận bạc phước, họ được cứu độ. Số phận không còn đen tối nữa, nhưng con người có quyền hy vọng. Tình yêu Thiên Chúa chiến thắng. Vì Tình yêu ấy mà Đức Kitô trở thành “người Tôi tớ đau khổ” của Thiên Chúa. Trên thập giá, gương mặt của Người là tất cả nỗi nhục nhằn của nhân loại được khắc sâu vào đó.

Hôm nay, thứ Sáu tuần Thánh, ngày mà nhân loại phải cúi đầu thống hối, ngày biết ơn Đấng Cứu chuộc mình.

Thứ Sáu tuần Thánh, ngày mà nhân loại tưởng niệm ơn cứu độ hồng phúc đang chảy tràn trề xuyên qua mọi thời đại.

Bởi thế thứ Sáu tuần Thánh cũng là ngày vui mừng của muôn tạo vật và của triều thần thánh, vì Đấng xóa tội trần gian đã chiến thắng khải hoàn trên mọi đầu mục thế gian. Vì  loài người là đứa con hoang của Chúa Cha đã mất nay tìm thấy, đã chết nay sống lại.

Loài người hãy reo lên, hãy ca vang bài ca vinh tụng Thiên Chúa là Cha nhân lành đến muôn đời.

4. Thứ Sáu tuần Thánh ngày...tháng...năm...

A. Hai câu chuyện về hai con rắn rong Cựu ước có liên hệ lạ lùng với nhau:

- Con rắn trong vườn địa đàng, xuất hiện đang lúc con người đang ở đỉnh cao hạnh phúc. Con rắn đồng trong sa mạc, xuất hiện giữa cảnh cơ cực của những người tha hương vừa thoát khỏi cảnh nô lệ.

- con rắn trong vườn địa đàng là hiện thân của tội lỗi và sự dữ. Con rắn đồng trong sa mạc là “tin mừng” cho những kẻ ngước nhìn lên nó.

- con rắn trong vườn địa đàng hủy diệt mọi tương quan tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa. Con rắn đồng trong sa mạc mang lại niềm hy vọng vì nhận ra lòng thương xót của Người.

- Vì con rắn trong vườn địa đàng, nhân loại đã phạm tội. Bởi tội, nhân loại đáng được “Đấng Cứu độ đời đời”. Con rắn đồng trong sa mạc là hình bóng báo trước ơn cứu độ.

B. Hai câu chuyện về hai con rắn trong Cựu ước cũng liên quan trực tiếp đến Tân ước:

Thiên Chúa nói với con rắn trong vườn địa đàng: “Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi, còn người sẽ táp lại gót chân”. Đây là lời hứa cứu độ đầu tiên và quan trọng nhất, mở ra một tia hy vọng giữa lúc án phạt do tội và mọi đau khổ đang đè nặng con người. Chính vì lời hứa này, mà suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa không ngừng ký kết giao ước. Và giao ước cuối cùng, vĩnh viễn đã hoàn tất nơi Chúa Kitô .

Câu chuyện thứ  hai về con rắn được chính Chúa Kitô nhắc lại: “Như Môisen giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy”. Nếu ngày xưa ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống, thì ngày nay thập giá Đức Kitô chính là ơn cứu độ trọn vẹn cho những ai tin. Hình bóng cũ đã được hoàn tất bằng thực tại mới. Hình bóng cũ thoáng qua, thực tại mới sống động và vững bền. Chúa Kitô mãi mãi là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian.

C. Thập giá- một phương thế cứu độ:

Nhìn ở một góc cạnh nào đó về lời hứa cứu độ, thì tội phát sinh phương thề cứu độ là thập giá: có tội mới có thập giá. Nhưng nếu không có Tình yêu sẽ chẳng bao giờ có lời hứa cứa độ. Thập giá là lời nói vô giá của Tình yêu. Huyền nhiệm Tình yêu đã phát sinh huyền nhiệm thập giá.

Tội làm đau khổ không chỉ nơi con người, mà còn nơi Thiên Chúa. Dĩ nhiên không thể nói Thiên Chúa đau khổ do thương tật, khiếm khuyết nhưng rõ ràng, đứng trước tội của con người, trái tim của Ngài đã phản ứng đến độ thốt lên: “Ta hối tiếc đã làm ra con người”.

Dù “hối tiếc”, Thiên Chúa đã không vì thế mà cứu chuộc con người cách miễn cưỡng, như chuyện dĩ  lỡ. Ngài đã tự nguyện cứu độ và đã cứu độ thực sự. Quyết định cứu độ của Ngài là một quyết định xuất phát từ Tình yêu của một người Cha - Thiên Chúa: “Sự đau khổ khôn lường và khôn tả của người Cha sẽ làm phát sinh nhiệm cục của Tình yêu cứu độ trong Đức Giêsu Kitô”. Nơi thập giá, Chúa Kitô mạc khải trọn vẹn về Tình yêu, nỗi đau khổ của Thiên Chúa. Nơi thập giá, Tình yêu của người Cha đã chiến thắng:

Một dòng dõi trường tồn sẽ đạp bể đầu con rắn xưa...

 

*****

Nhân loại vui mừng vì Đấng cứu độ trần gian đã dùng thánh giá nối trời và đất, giao hòa thụ tạo với Thiên Chúa.

Chiều nay, trên thập giá, Chúa lau sạch nước mắt nhân loại:

Vì Chúa bị treo lên và mọi loài được kéo lên cùng Chúa

Vì Chúa đã chết để mọi người sẽ sống

Vì máu Chúa tuôn trào lại chảy tràn ơn cứu độ khắp nhân gian

Và thập giá từ nay khoác lên đau khổ màu hy vọng

Nghìn năm qua, rồi mãi về sau, ngọn cờ thập giá vẫn được nêu cao. Ngọn cờ mang sức mạnh của sự sống.

Lạy Chúa, phụng vụ chiều thứ Sáu tuần Thánh trầm mặc: bàn thờ không hoa, cửa nhà tạm mở, chỉ có thập giá được dựng lại trên bàn thờ. Thập giá ấy, nỗi ô nhục không thể chấp nhận được đối với người Do thái, sự điên rồ đối với dân ngoại lại trở thành thánh giá, nguồn cứu độ vinh quang đời đời cho chúng con.

Mầu nhiệm thánh giá: mầu nhiệm của Tình yêu. Con không thể lý giải, nhưng con tin Tình yêu ấy. Ngước nhìn thánh giá, con thấy thương cho thân phận mình: Rủi thay, nếu Thiên Chúa chỉ là một ông chủ chỉ biết dọa nạt và đánh phạt. Nhưng con lại vui nhiều vì biết rằng nơi Chúa, Chúa Cha nói lời chung quyết của Tình yêu.

Quỳ trước thánh giá, chiêm ngắm mầu nhiệm tử nạn, lòng con muốn cùng tạo vật reo vang lời cảm tạ, tôn vinh Tình yêu ấy, vì Tình yêu đã hủy diệt ánn tử dành cho con. Tình yêu ấy lớn hơn tội lỗi, mạnh hơn sự chết.

Chúa ơi con muốn suốt đời là kẻ hát rong cho Tình yêu...

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

(Nguồn UB Giáo Lý VNHN)