Nguyên thủy của linh hồn con người

(Thánh Albertus Magnus: Bản tính của linh hồn)


Khi đề cập tới công trình nghiên cứu triết học bao la của Albertô Cả (1200-1280) người ta có thể khẳng định rằng, ngay cả những người am hiểu tường tận toàn diện công trình đó của thánh nhân đi nữa, một công trình đã đề cập một cách đầy đủ đến hầu như tất cả mọi lãnh vực khoa học của thời đại bấy giờ, cũng sẽ không tránh khỏi thái độ lúng túng và đầy đắn đo suy nghĩ, nếu như những người đó phải đối mặt với câu hỏi: Văn bản triết học nào của Albertô Cả là văn bản có giá trị nhất?

Phải chăng người ta thực sự không thể biết được văn bản nào trong kho tàng triết học của Albertô Cả là văn bản chính, là văn bản có giá trị nhất hay sao?

Triết-thần học gia Albertô Cả (Albertus Magnus)
Người ta phải thú nhận rằng, trong suốt công cuộc nghiên cứu triết học của Albertô từ trước tới nay, người ta chưa hề đặt ra câu hỏi này. Có chăng là người ta đã cố tìm xem Albertô có khuynh hướng đề cao những truyền thống triết học nhất định nào, hầu có thể xếp loại hệ thống triết học của ông mà thôi. Nhưng, bởi vì công trình nghiên cứu của Albertô không những là một tổng hợp truyền thống triết học Aristote và tân phái Platon, nhưng còn nhiều sắc thái của các truyền thống tư tưởng triết học khác và tạo nên chính khuynh hướng triết học riêng biệt của ông về toàn diện thực tại hiện thực và cụ thể, nên tất cả mọi nổ lực tìm cách xếp loại khuynh hướng triết học của Albertô một cách có hệ thống rõ ràng là một điều không tưởng. Vì thế, ngay cả sự cố gắng tìm câu giải đáp cho câu hỏi đâu là công trình triết học quan trọng nhất của Albertô – người mà các nhà viết sử đã đặt cho biệt hiệu là «Doctor universalis» (Tiến Sĩ toàn diện, triết sĩ của mọi khoa học) – cũng hoàn toàn vô vọng, hoàn toàn bất thành, như việc tìm cách xếp loại khuynh hướng triết học của ông vậy.

Đúng thế! Trên 40 công trình nghiên cứu triết học đồ sộ của Albertô Cả mà đa số đã tập hợp lại thành những tác phẩm rất có quy củ và tương quan chặt chẽ với nhau, nên cả là một vấn đề vô cùng khó khăn trong việc tìm cách tách biệt riêng một công trình nào đó làm công trình có giá trị nhất.

Trọng tâm toàn bộ công trình triết học của Albertô Cả là việc bình giải và kiện toàn «Corpus Aristotelicum»«Liber de causis», một văn kiện sưu tầm của một triết gia Ả-rập vô danh thuộc Tân phái Platon, có lẽ phát xuất ở Bagdad/Irak vào thế kỷ IX, và đã được chính Albertô chia ra làm ba lãnh vực như sau:

Lãnh vực thứ nhất bao gồm triết học lý thuyết, mà ông gọi là triết học thực tiễn (philosophia realis). Thuộc về triết học thực tiễn gồm có các khoa như: Vật lý học, toán học và siêu hình học.

Lãnh vực thứ hai gồm triết học thực hành, tức triết học luân lý (philosophia moralis). Thuộc về triết học luân lý gồm có: Đạo đức học, chính trị và kinh tế học.

Lãnh vực thứ ba là triết học thuần lý (philosophia rationalis). Thuộc về triết học thuần lý là khoa luận lý học và các phần liên quan đến luận lý học, mà Albertô gọi là phương pháp luận triết học.

Qua công trình bình giải, sắp đặt lại các tác phẩm của Aristote, cũng như công trình nghiên cứu thuộc thế giới khoa học của chính ông, Albertô Cả trở thành triết gia đầu tiên trong thời Trung cổ đã khai thác và làm cho ba lãnh vực triết học vừa nói trên, như chúng đã được tóm lược trong các tác phẩm của Aristote, trở nên phong phú tại Tây phương.

Dĩ nhiên, công trình bình giải của Albertô Cả không chỉ là cắt nghĩa theo sát từng chữ từng câu trong bản văn của Aristote - mà vốn là những bản văn rất tối nghĩa, vô cùng khó hiểu -, nhưng những giải thích cặn kẽ và sâu sắc cũng như những bổ túc thêm một cách hoàn mỹ của ông đã làm chính bản văn hầu như hoàn toàn mang đậm tính chất cá nhân riêng của ông. Vì thế, các công trình bình giải đó đã hoàn toàn phản ảnh khả năng tri thức triết học sâu sắc cũng như sự hiểu biết cặn kẽ về các khoa học của Albertô Cả. Chính nhờ thế, ông đã hoàn toàn làm chủ được mọi khó khăn mà đối với nhiều người khác hầu như bất khả vượt qua, như việc phân định chính xác và rành mạch những ranh giới trong kho tàng triết học bao la của Aristote và của những nhà bình giải Hy-lạp và Ả-rập về triết học Aristote, cũng như cả những nguồn triết học phát xuất từ Aristote.

Ở đây, nếu chúng ta đưa phân tích mổ xẻ các công trình triết học mà Albertô đã soạn thảo, để biết đâu là tác phẩm đã được được ông soạn thảo ra do chính khả năng suy luận và khám phá riêng của mình, chứ không dựa theo các tài liệu sẵn có, thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng tác phẩm «Bàn về bản tính và nguyên thủy của linh hồn» là có tính cách tiêu biểu nhất.

Mặc dù so sánh với đa số các công trình triết học khác của Albertô, thì hình thức của tác phẩm «Bàn về bản tính và nguyên thủy của linh hồn» kể là nhỏ - chỉ có 44 trang mà thôi – nhưng xét về mặt nội dung triết học, về vai trò đặc biệt giữa triết học tự nhiên và siêu hình học cũng như về sự tác dụng đầy hiệu năng trong phương diện tiếp thu mang tính cách lịch sử của nó, thì tác phẩm đó rất xứng đáng để được coi là một tác phẩm có giá trị trổi vượt nhất về khoa nhân chủng học đậm tính cách triết lý trong thời trung cổ.

Dựa theo các dữ kiện liên hệ, công việc biên soạn và dựa theo các bản viết tay lưu truyền lại cũng như dựa theo nội dung của tác phẩm người ta đã có thể kết luận được là tác giả đã biên soạn tác phẩm:

• trong tương quan nào xét về mặt nội dung, hình thức và tính cách lịch sử các tư tưởng;

• dưới ảnh hưởng của mục đích nhằm đạt tới nào;

• và với ý định nào.

Albertô Cả đã kiện toàn công trình bình luận những văn bản ngắn của Aristote về triết học tự nhiên (cũng được gọi là Parva naturalia) bằng một số tác phẩm hoàn toàn do chính ông biên soạn ra. Trong số những tác phẩm đó, có tác phẩm «Bàn về trí năng và sự khả tri», được chia ra làm hai phần. Đây là một tác phẩm tiếp tục phát huy những quan điểm nền tảng của Aristote về trí năng, chống lại lối cắt nghĩa của những triết gia Hy-lạp, Do-thái và Ả-rập bị ảnh hưởng nặng nề khuynh hướng triết học của Tân phái Platon.

Vào cuối phần thứ hai của tác phẩm về trí năng, Albertô công bố hai công cuộc khảo sát đặc biệt. Trước hết, khảo cứu «Bàn về bản tính, nguồn gốc và sự bất tử của linh hồn»; tiếp đến là «Bàn về những nguyên tắc vận động của các giác quan.» Trong công cuộc khảo sát thứ nhất, Albertô đặt tên cho tác phầm của ông là «Bàn vể bản tính và nguyên thủy của linh hồn».

Cũng như trước kia trong tác phẩm về trí năng mà ông đã dựa theo lý thuyết về linh hồn của Aristote để viết ra, trong tác phẩm này Albertô phác họa ra một giáo trình chịu nhiều ảnh hưởng của truyền thống tân phái Platon, có tính cách tiên thiên và phù hợp với quan điểm Kinh Thánh Kitô giáo. Cùng với học thuyết về trí năng, giáo trình này là điểm tựa và là trọng tâm của khoa nhân chủng học triết học của ông.

Nhưng điều gì đã làm cho công trình của Albertô Cả có giá trị? Phải chăng sự hòa điệu giữa hai truyền thống triết học chính – truyền thống triết học Aristote và Platon -, mà dựa trên nền tảng của chúng, Albertô đã phát huy quan điểm triết học của ông về nguyên thuỷ, bản tính và sự bất thay đổi của linh hồn con người sau khi chết? Trong tác phẩm này, tác giả đã đề cập về những vấn đề triết học, những vấn đề mà Aristote và các triết gia khác cũng như chính Albertô trong từng phần của các tác phẩm của ông chỉ trình bày qua loa, chứ không đưa ra một giải đáp rõ ràng và có hệ thống. Điều mà Albertô nhằm tới như mục đích nghiên cứu của ông là ba chủ đề trọng tâm sau đây:

1. Nguyên thủy của linh hồn;

2. Bản tính của linh hồng;

3. Sự tồn tại của linh hồn sau khi con người chết.

Trong khi trình bày quan điểm của mình về ba chủ đề đó, Albertô chỉ sử dụng phương tiện triết học và tự giới hạn nội dung bàn luận trong những vấn đề có thể chứng minh bằng triết học được. Đây cũng là phương pháp – như ông thường hay nhấn mạnh – đối với giáo trình về tình trạng của linh hồn sau khi con người chết. Albertô cho rằng, dựa theo sự nhận thức của trí năng, thì tình trạng linh hồn con người sau khi chết sẽ đời đời được liên kết với sự thiện tối hậu và qua đó được hạnh phúc, hay đời đời bị rơi vào trong sự đau buồn và tối tăm, hậu quả của một cách sống tương tự như nơi loài vật, tức chỉ sống theo cảm tính của giác quan.

Điều mà Albertô đã thành công trong tác phẩm này là ông trình bày và giới thiệu một học thuyết triết học:

• về nguyên thủy siêu việt của linh hồn con người;

• về sự bất tử của linh hồn;

• và về sự hiện hữu của linh hồn con người sau khi chết,

hoàn toàn phù hợp với quan điểm Kinh Thánh Kitô giáo. Albertô đã đạt được mục đích đó nhờ vào sự liên kết các quan điểm triết học của Aristote với lý thuyết về linh hồn của Tân phái Platon.

Sau cùng, chính nhờ vào sự tổng hợp khéo léo này về lý thuyết triết học của ông về linh hồn như ông đã đã trình bày, Albertô Cả đã loại bỏ được sự mâu thuẫn giữa hai khuynh hướng triết học của Platon và Aristote. Vì thế, công trình nghiên cứu triết học đồ sộ của Albertô Cả là một tiêu biểu, đánh dấu một giai đoạn vàng son của lịch sử tư tưởng nhân loại vào thời trung cổ.

__________________

Sách tham khảo:

Albert der Grosse: Liber de natura et origine / über die Natur und den Ursprung der Seele. Lateinisch-deutsch, übersetzt und eingeleitet von H. Anzulewicz (Herders Bibliothek der Philosophie des Mittelalters, Band 10), Herder Verlag, Freiburg

2006.
Lm Nguyễn Hữu Thy