Ngày Giới trẻ (Công giáo) Thế giới 2008

Trà Bồng




Sau nhiều năm tìm hiểu và so đo ban tổ chức đã quyết định tụ điểm chính của Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2008 tại Sydney sẽ là một trường đua ngựa ở Randwick. Ðịa điểm này cách trung tâm thành phố Sydney khoảng 6 cây số, và bờ Nam Thái Bình Dương khoảng 3 cây số. Ðây không phải là chọn lựa đầu tiên của ban tổ chức, dù nó rất thuận tiện. Họ biết là chi phí tổ chức sẽ tăng cao khi đụng đến ngựa!

Nước Úc có một quan hệ rất đặc biệt với ngựa. Có con ngựa chết đã 70 năm, nay vẫn được nói tới. Tiểu bang Victoria còn có ngày nghỉ lễ hàng năm để xem đua ngựa. Vào ngày đó nhân viên các công tư sở khắp nước Úc đều mua cá ngựa, tới giờ đua thì ngưng làm việc để chăm chú vào màn ảnh truyền hình… Ðó là cuộc đua lớn hàng năm. Hàng tuần cũng có đua ngựa khắp nơi, là dịp nam nữ ăn mặc lịch sự tụ tập uống sâm banh, xem đua ngựa và gặp gỡ nhau. Ðây là nguồn thu nhập của các trường đua. Một tuần không đua là một tuần không lợi tức.

Vậy mà năm ngoái các trường đua đã phải đóng cửa nhiều tháng vì dịch cúm ngựa. Chuyện này do thiếu sót trong hệ thống kiểm dịch của chính phủ gây ra, nên sẽ có bồi thường. Các công ty luật đang chuẩn bị một vụ kiện đòi bồi thường lên tới cả tỷ đô la.

GH Benedict XVI tại phi trường Darwin (Australia, 12/07/2008)
Nguồn: news.ninemsn.com.au
Năm nay trường đua Randwick lại phải đóng trước sau tất cả 10 tuần. Khu đất rộng mênh mông này của chính phủ cho hiệp hội đua ngựa thuê. Muốn mượn lại để tổ chức đại hội thì phải bồi thường. Mấy trăm con ngựa phải được dời đi chổ khác để tập luyện. Chi phí này chính phủ phải lo. Lương cho cả trăm nhân viên trong suốt hơn 2 tháng không lợi tức này cũng chính phủ lo. Chính phủ đã phải trả hơn 40 triệu đô la để bồi thường cho hiệp hội đua ngựa.

Cạnh trường đua là công viên Centennial Park. Một phần của công viên sẽ được dùng cho thánh lễ ngoài trời qua màn ảnh truyền hình. Công viên này rộng gấp đôi trường đua, đã được lập nên cả trăm năm trước, để đánh dấu một thế kỷ đầu từ khi người da trắng định cư ở lục địa này.

Càng gần tới ngày đại hội thì mọi sự càng trở nên gấp rút. Bảng hướng dẫn được dựng lên để chỉ các con đường sẽ bị đóng. Một số đường được tráng nhựa chỉnh trang. Khoảng 4 ngàn cầu tiêu công cộng mới toanh được lắp đặt khắp khu vực đông người của đại hội. Ðây không phải loại nhà cầu bằng nhựa ọp ẹp, mà là loại vách cứng với bồn cầu bằng sành rất chu đáo.

Như một gia đình không muốn làm điều gì buồn lòng khách qúi, chính phủ đã ra một đạo luận đặc biệt cấm các hoạt động quấy nhiễu khách hành hương, ai vi phạm sẽ bị phạt tiền. Luật này cho phép cảnh sát một số quyền đặc biệt. Dù chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn và trong một khu vực giới hạn nhưng đã có vô số ý kiến phản đối.

Thế nào là những việc làm có thể làm cản trở sinh hoạt của các tín đồ hành hương? Phải chăng đó là hành động của những nhóm dự trù sẽ phát động chiến dịch phân phối bao cao su ngừa thai “con đơm” cho khách hành hương? Phải chăng đó là những áo thun với hình Ðức Giáo Hoàng đội một cái mũ chỏm là bao cao su nói trên? Hay là với câu nói “Ông sai rồi ông Giáo Hoàng ơi, hãy mang ‘con đơm’ vào đi!” ?

Các tổ chức y tế thế giới rất bất bình vì giáo luật vẫn không cho phép tín đồ dùng bao cao su để ngừa thai và ngừa bệnh. Ðối với các nước Châu Phi thì thật sự bao cao su có công dụng liên hệ tới sự sống còn của họ. Nó có thể giúp giảm tử suất do sự lây lan của bệnh liệt kháng và giảm sinh suất do mang thai ngoài ý muốn.

Ban tổ chức cung cấp “con đơm” miễn phí cho rằng giới trẻ khi tụ tập vui chơi, kể cả giới trẻ công giáo, thì họ hay “cởi áo cho nhau” lắm. Nếu không cung cấp bao cao su để họ “cho nhau” một cách an toàn là vô trách nhiệm. Giáo hội công giáo chỉ khuyến khích việc “cho nhau” trong hôn nhân. Ngoài hôn nhân thì đừng cho (và chắc cũng ...đừng nhận!)

Nếu không nhịn được, đừng đợi thiên thần mà hãy dùng bao sao su
Nguồn: catholic.com

Các áo thun in hàng chữ “The Pope touched me Down Under” cũng có thể quấy rầy nhiều người. Dĩ nhiên nó có nghĩa là “Ðức Giáo Hoàng đã đánh động tâm hồn tôi ở Úc.” Nhưng không thể cấm người ta hiểu là “Ðức Giáo Hoàng đã sờ tôi ở phần dưới.”

Cách nói này có thể là sự ám chỉ chuyện lạm dụng tình dục của hàng giáo phẩm công giáo. Một tuần trước ngày đại hội bắt đầu Tổng Giám Mục George Pell của địa phận Sydney đã bị một nạn nhân yêu cầu phải từ chức đi vì ông đã bao che cho thủ phạm. Tổng Giám Mục Pell đã phải họp báo để thanh minh rằng ông không hề có ý che dấu chuyện một linh mục đã lạm dụng tình dục trẻ em.

Ngoài ra người Úc còn có tật hay “chơi nổi” rất kỳ cục là cởi truồng chạy ra giữa vận động trường trong các cuộc tranh tài thể thao. Hàng ngàn khán giả la ó, hàng trăm ống kính chĩa vào… thế là kẻ ngông cuồng tồng ngồng được vài phút huy hoàng!

Nếu có một người làm như vậy trong dịp đại hội này, vào thời điểm thánh lễ đang tiến hành thì chắc chắn họ sẽ “nổi danh” khắp thế giới.

Cũng một tuần trước ngày đại hội thì công đoàn đường sắt dở chứng. Vì chính phủ không chịu tăng lương 5% theo đòi hỏi của họ, nên công nhân xe điện tuyên bố sẽ đình công vào ngày bận rộn nhất của đại hội.

Thường ngày đã có gần nữa triệu người dùng hệ thống xe điện đi làm việc ở trung tâm thị tứ Sydney. Ngày đó sẽ có thêm hàng trăm ngàn người hành hương tập trung về Sydney đón rước Ðức Giáo Hoàng. Nếu không có xe điện thì chắc chắn lưu thông sẽ tắc nghẽn vì xe hơi, và việc đi lại sẽ vô cùng rối rắm.

Chính phủ tiểu bang NSW cũng như liên bang Úc rất lo ngại sẽ mất mặt vì là nước chủ nhà. Vì thế Thủ Tướng Úc đã yêu cầu các lãnh tụ công đoàn phải kính trọng vị chủ chiên của Giáo Hội Công Giáo, cũng như tỏ lòng hiếu khách đối với hàng trăm ngàn người từ phương xa đến.

Thật may là chỉ sau một buổi thương lượng công đoàn đã quyết định huỹ bỏ cuộc đình công. Nhờ vậy chính phủ khỏi phải lôi đạo luật cấm đình công ra xài một lần cho biết. Ðạo luật này chưa hề được xử dụng, vì nó chỉ cho phép chính phủ được dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Ðại hội này do giáo hội công giáo Úc phối hợp cùng chính phủ tiểu bang và liên bang tổ chức. Tên gọi chính thức của đại hội trong tiếng Anh là Sydney World Youth Day 2008, viết tắt là WYDSYD08. Dù do giáo hội công giáo chủ xướng, nhưng theo sáng kiến của Giáo Hoàng John Paul II thì mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt tôn giáo. Vì thế trong tên gọi không có chữ “công giáo.”

Trong tinh thần đó một cơ sở giáo dục của Hồi Giáo ở Sydney đã nhận cung cấp nơi tạm trú cho gần 400 người hành hương. Ðiều kiện duy nhất của họ là không được mang rượu và thịt heo vào đó tiêu thụ.

Hàng trăm ngàn người đến từ khắp nơi trên thế giới sẽ có một số khá lớn được nhận vào các gia đình sẳn lòng cho tạm trú trong nhà họ. Tùy điều kiện, mỗi gia đình nhận một hai người, hoặc mấy chục người một lúc như một số gia đình Việt Nam ở miền Tây Sydney. Số còn lại sẽ ở trong các trường học đang thời gian nghỉ hè, kể cả 10 ngàn người phải ở trong khu vận động trường thế vận.

Hàng triệu đô la đã được chi ra để lắp đặt thêm các phòng tắm và phương tiện vệ sinh cá nhân tại các cơ sở này. Phí tổn cho toàn thể đại hội có thể lên khoảng 150 hay 200 triệu đô la. Một phần sẽ do giáo hội công giáo Úc trả, phần kia do chính phủ tài trợ, tức là lấy từ tiền thuế của dân Úc. Dĩ nhiên các công ty tư nhân bảo trợ cũng đóng góp một phần đáng kể vào các chi phí này.

Nhiều người cho rằng đây là chuyện phí tiền của công chúng cho riêng công giáo. Nhưng cũng có thể nhìn ngược lại. Giáo hội công giáo Úc là tổ chức đã thiết lập và điều hành một hệ thống trường học và vô số cơ quan từ thiện rộng khắp nước Úc. Mỗi một người vô gia cư được các cơ sở này chăm sóc là bớt đi một phần gánh nặng cho người thọ thuế. Mỗi học sinh đi học tại các trường này là một học sinh chính phủ bớt phải lo.

Ngoài ra còn phải kể tới hàng ngàn người làm việc thiện nguyện. Những người này đến từ mọi giới, thuộc nhiều lứa tuổi và các chuyên môn khác nhau. Họ sẽ có mặt mọi nơi và làm những việc thường không liên quan gì tới chuyên môn của họ. Họ sẽ lo phân phối thực phẩm, tổ chức, điều hợp, lái xe đưa đón, hay hướng dẫn khách hành hương trên đường phố.

Đại hội sẽ diễn ra trong 6 ngày tại Sydney, từ 15 tới 20 tháng 7 năm 2008. Bạn đọc có thể xem chương trình chi tiết tại www.wyd2008.org

Xem ra mọi sự “tại nhân” đã được dàn xếp đâu vào đó. Còn chuyện “tại thiên” thì khó lường và cũng không ai làm gì được, ví dụ như trời mưa chẳng hạn. Dự thánh lễ hoặc ngủ ngoài trời một đêm mùa đông mà lại mưa thì chắc là lạnh và chẳng thú vị gì. Ích chăng là một chút tinh thần hiệp thông của người hành hương với những mãnh đời khó nghèo đói lạnh. Có lẽ đó cũng là một phần cuộc sống đạo của người công giáo
.

(Nguồn DCVOL)