NGƯỜI VIỆT NAM VỚI GIA ĐÌNH

Thanh Lãng

---------------------------------

------------------------------------- Ảnh minh họa: Gia đình Việt ngày tết

Dưới con mắt nho giáo, gia đình là một xã hội nhỏ và là giềng mối, là nền tảng xã hội lớn. Trong xã hội, hai quyền tối cao là Vua và Cha. Người làm chủ trong gia đình lớn là vua, người làm chủ trong gia đình nhỏ là cha. Cũng như vua có quyền tuyệt đối trong xã tắc, người cha có toàn quyền trong gia đình. Vợ và các con, không kỳ là trai hay gái, đều là những sở hữu tuyệt đối của cha. Bởi thế, người cha được tự do xử dụng và, nếu trái lệnh, cha có quyền giết đi. Bác sĩ Légendre, một người đã lâu năm sống ở Tàu, viết những dòng sau đây: “Gia đình Trung Hoa ở cả trong tay người cha. Người cha hầu đã biến thành một vị thần thiêng có quyền tuyệt đối: ông ta được tự do xử dụng sinh mạng của con cái, có thể đem bán hay giết đi. Người mẹ, ngược lại, ở một địa vị không đáng đếm xỉa đến. Quyền mẹ đối với con cái, nhất là con trai, hầu như không có. Từ ba bốn tuổi trở đi, đứa con trai hoàn toàn thuộc quyền cha. Mẹ hắn không có quyền sửa phạt hắn nữa” (1). Để thần hóa phụ quyền, người cha trong gia đình Trung Hoa sống cách biết hẳn các phần tử khác của gia đình. Ngay đến bữa ăn, ông ta cũng giữ mình một mâm. Ông Légendre viết: “Suốt đời, mẹ và con cái trong gia đình Trung Hoa không hề có được cùng ngồi ăn với cha”. (2)

Cũng do cái luân lý thần hóa phụ quyền, đẻ ra nhiều phong tục phiền toái, phức tạp. Bởi thế, trong gia đình Trung Hoa, tức nho giáo, có sự phân phái, cách biệt vô cùng: cách biệt giữa cha với mẹ, cách biệt giữa anh em và chị em: “Giữa anh em và chị em, lời Vannicelli, sự cách biệt bắt đầu từ bảy tuổi: anh em chị em không được ngồi chung một chiếu, ăn chung một mâm. Dù sau này mỗi người có gia đình rồi, sự cách biệt đó vẫn còn. Người con gái đi lấy chồng, lúc trở về thăm nhà, không được ngồi chung chiếu, ăn chung mâm với anh hay em trai bao giờ. Ngay đến cha nàng cũng không được ngồi chung chiếu với nàng… Giữa vợ chồng, sự cách biệt không quá nghiêm khắc, nhưng cũng rất phiền toái… Chẳng hạn vợ không được vắt áo chung một mắc với chồng, không được để đồ chung một hòm với chồng, không được tắm gội nơi phòng tắm của chồng….” (3).

Riêng chúng tôi, trong mấy năm, được cái may mắn sống sát cạnh hơn một trăm sinh viên do khắp các tỉnh nước Tàu gửi tới, đã có dịp học hỏi rất kỹ lưỡng. Kết quả cũng không có gì khác những nhận xét trên đây của hai nhà khảo cứu Pháp và Ý. Tuỳ từng địa phương, những phong tục trên đây có phần rộng hẹp hay dễ dãi đi ít nhiều, nhưng vẫn được thịnh hành toàn quốc. Sau ngày thành lập Chính thể dân chủ, ảnh hưởng của nền luân lý thép trên đây, tuy có giảm đi đôi chút, nhưng vẫn chưa mất hiệu lực.

Đem so sánh hai xã hội Tàu và Việt, ta thấy nếu trong tình ái, trái tim Việt thoát được ra ngoài những trói buộc của nho giáo, làm cho con người tự do, phóng túng trong một thời gian, nhưng một khi đã tổ chức thành xã hội, thành gia đình, thì ta thấy ảnh hưởng nho giáo thực là to tát. Nghĩa là cá nhân nhiều khi còn ở ngoài vòng cương tỏa của luân lý nho giáo, chứ toàn thể bất cứ đoàn thể to hay bé, gia đình cũng như làng mạc, đều khuôn nắn theo luân lý Khổng Mạnh. Là vì gia đình phải tuỳ thuộc Quốc gia, mà đọc cả lịch sử, quốc gia Việt Nam hoàn toàn xây dựng trên nền tảng nho giáo, các vua chúa không một ông nào không ham mê cổ động nho giáo, vì thế gia đình Việt Nam cũng rập theo đạo thánh hiền. Văn chương bình dân còn để vết tích đó lại rất rõ rệt… Tuy nhiên, ta nhận thấy ảnh hưởng đó, mặc dầu mạnh mẽ, cũng đã bị cá tính phóng túng và chống đối của dân chúng thay đổi đi rất nhiều. Đối với gia đình Trung Hoa, người dân Việt Nam, nếu có chịu ảnh hưởng, thì cũng chỉ chịu ảnh hưởng có cái tinh thần gia đình chứ không sa vấp vào những tục lệ phiền toái, khắt khe, quá đáng của họ. Trong các gia đình Việt Nam – trừ ít gia đình quý phái – không bao giờ có sự phân phái, cách biệt như trong gia đình Trung Hoa. Do sự chống đối của cá tính dân tộc ấy, đẻ ra một nền văn hóa trung lập không quá khắt khe như n hững thúc bách của luân lý Khổng Mạnh, cũng không hoàn toàn phóng túng theo cá tính của người dân Việt cổ sơ. Tất cả những vần thơ trích sau đây đều là con đẻ của cái văn hóa kết hợp ấy, cái văn hóa trung lập do hai nguồn ảnh hưởng Hán-Việt. Hay nói cách khác, nó là sự dung hòa giữa một cá tính phóng nhiệm và một nguyên tắc luân lý khắt khe. Những trang khảo cứu sau đây cho ta gặp luôn vết tích của hai yếu tố đó, nghĩa là ta sẽ gặp những tác động khe khắt của xã hội và, đồng thời, những chống đối sự khe khắt ấy do cá nhân.

I. CHẾ ĐỘ ĐẠI GIA ĐÌNH

Do sự tổ chức theo phụ hệ ấy của nho giáo, đẻ ra chế độ đại gia đình. Ở Âu Mỹ, quá thiên về cá nhân, con cái một khi đã có vợ chồng, là thoát ly hẳn gia đình cha mẹ. Ở xã hội Tàu (4) và ta không thế. Dù có ăn ở riêng đi nữa, con cái vẫn ở dưới quyền cha. Do mối liên lạc đó, anh em trong một nhà, một họ, rất chặt chẽ, thân mật. Và nếu cha mất đi, thì phải tuỳ thuộc người thay thế cha, tức chú, em cha: Sảy cha còn chú.

Đối với các cháu, người chú có quyền ngang với cha: tất cả mọi công việc trọng đại anh em cần phải bàn hỏi với chú mới được quyết định.

Nhờ thế, anh em trong một nhà, cũng như sau này anh em trong một chi tộc, có tính rất thân mật:

Con cô, con cậu thì xa,

Con chú, con bác thực là anh em.

Ở những dân tộc văn minh Âu Mỹ, người ta trở nên thế lực vì đảng trị, ở Việt Nam người ta thế lực vì gia tộc. Thường trong một dòng họ, nếu có người làm nên, thì đấy là cái cầu cho tất cả gia tộc cùng bước.

Câu tục ngữ vẫn lưu hành, diễn tả hết sự trạng đó: “Một người làm quan, cả họ được nhờ” – hay: “Con vua thì lại làm vua, con sãi chùa cứ quét lá đa”.

Cái tinh thần dân tộc ấy được duy trì lâu bền và có hiệu lực nhất là nhờ vào chỗ trong họ bao giờ cũng có người gia trưởng kế tiếp nhau giữ độc quyền thờ cúng tổ tiên. Những câu như: Giọt máu đào hơn ao nước lã hay: Máu chảy ruột mềm… đều diễn tả một ý tưởng ấy. Những tục để tang, thăm nom tết nhất nhau, cũng là vì cái tình gia tộc ấy. Không nguyên lúc sống người gia trưởng có ảnh hưởng đến gia đình mà cả lúc chết đi rồi: bởi thế, khi người gia trưởng quá cố đi, bà con lo chọn mồ chọn mả, tin tưởng đấy là căn cớ sự thịnh suy của gia tộc.

Sống về mồ mả, không sống về cả bát cơm.

Những công việc trọng đại có liên hệ đến danh giá của cả gia tộc như việc hôn nhân, không nguyên con cái không có quyền quyết định mà cả đến cha mẹ cũng không được độc quyết, trái lại, phải bàn hỏi chú bác, cô dì.

Do cách tổ chức gia đình chặt chẽ như thế, tình anh em trong một nhà hay trong một họ nhiều khi coi trọng hơn tình vợ chồng. Vợ chồng chẳng qua như chiếc áo nay mặc mai đổi:

Anh em như thể chân tay,

Vợ chồng như áo đổi thay nên lìa.

 

Tình anh em xưa thật mặn mà, tha thiết:

Anh em nào phải người xa,

Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng chung.

Yêu nhau như thể tay chân,

Anh em hòa thuận hai thân vui vầy.

Nếu người mẹ là mối giây liên kết lại trong thân ái anh em một nhà, thì người bà là sợi giây liên kết trong yêu thương tất cả các cháu chắt trong một chi họ. Tình người bà đối với tất cả các cháu âu yếm, tận tuỵ bao nhiêu thì lòng cháu đối với bà yêu đương, tha thiết bấy nhiêu:

Ngó lên nuộc lạt mái nhà,

Bao nhiêu nuộc lạt, thương bà bấy nhiêu.

Là vì người bà yêu và chăm các cháu, đi đâu về cũng mua quà mua bánh cho cháu:

Bà ơi cháu quí bà thay,

Quí bà vì nỗi bà hay cho quà.

II. ĐỊA VỊ NGƯỜI CHA TRONG GIA ĐÌNH

Tuy có địa vị to tát, người cha trong gia đình Việt Nam, không phải ông chúa tàn ác, độc đoán của đế quốc La Mã, hay của lý tưởng nho giáo, người cha, trong gia đình Việt Nam, là hiện thân của sự che chở, là người xây dựng gia đình, gây hạnh phúc cho con cái. Nếu mẹ nuôi nấng cho con ăn mặc, thì cha chăm sóc cho con nên người, lo cho con có địa vị xã hội, và hạnh phúc về lâu về dài:

Còn cha gót đỏ như son,

Đến khi cha chết, gót đen sì sì.

Người cha là hạnh phúc của gia đình, cái cảnh người cha Việt Nam tận tuỵ với việc gầy dựng gia đình thật là cảm động. Sớm tinh sương đã lặn lội và còn lặn lội cho đến khuya khoắt trên đồng cạn, dưới đồng sâu, quản chi nắng đốt hay sương lạnh. Và cái cảnh con mồ côi cha với tất cả sự vất vả, lật đật thật đã tả hết trong câu:

Con có cha như nhà có nóc,

Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

Người cha Việt Nam ít khi nghĩ đến mình. Họ làm việc mà không sợ già, không tưởng đến cái nắng làm rám mầu da, không nghĩ đến những lo âu, thắc mắc làm giăn trán, gù lưng. Gia đình trên hết… Thật là một mối tình cao cả:

Công cha như núi Thái Sơn.

III. NGƯỜI MẸ TRONG GIA ĐÌNH

Tuy người cha có quyền hành định đoạt trong gia đình, nhưng không vì thế mà quyền hành người mẹ bị thiệt thòi.

Ảnh hưởng nho giáo chỉ chi phối một phần nào thôi. Người mẹ trong gia đình Việt Nam khác với người mẹ trong xã hội nho giáo, hay trong xã hội Trung Hoa. Cha mẹ chia nhau quyền lợi để dạy dỗ, giáo huấn con cái. Trong gia đình Việt Nam quyền mẹ nhiều khi to tát hơn quyền cha. Người cha chỉ lo lắng những vấn đề liên quan đến xã hội, đến địa vị xã hội, chứ việc điều khiển gia đình hầu như ở cả trong tay người mẹ. Câu tục ngữ: Lệnh ông thua cồng bà tả hết cái phần ưu thắng của bà mẹ trong gia đình. Bởi thế, công việc giáo dục đều trong tay người mẹ.

Những ca dao kể công đức người mẹ nhiều hơn những ca dao kể công đức người cha. Nếu “công cha như núi Thái Sơn” thì “nghĩa mẽ như nước trong nguồn chảy ra”. Hạnh phúc gia đình ở cả trong tay người mẹ. Bởi thế, tuy chết cha, đứa con mồ côi có cảm thấy thấm thía sự đau đớn, xót xa, nhưng chưa khổ bằng cái cảnh chết mẹ.

Chết cha ăn cơm với cá,

Chết mẹ liếm lá đầu đường.

Với người Việt Nam, mục đích của gia đình là sinh con cái. Người không có con, nhất là không có con trai để nối dõi tông đường, bị coi như một đại họa. Người con gái, bởi vậy, lúc với về nhà chồng, tuy yêu chồng, thờ chồng, nhưng đến khi có con, thì đời người đàn bà rẽ lái theo con. Tất cả tình yêu họ đổ dồn cả vào con:

Chửa chồng, nón thúng quai thao,

Chồng rồi, nón rách quai nào thì quai.

Chửa chồng, yếm thắm đeo hoa,

Chồng rồi, hai vú bỏ ra tày giành.

Cái thói chăm nom làm dáng, làm đỏm lúc còn là con gái không còn nữa một khi họ đã bắt đầu có mụn con. Họ quên hẳn mình để chỉ nghĩ đến con, chăm sóc, nuông chiều con nhất là tận tuỵ với con:

Mẹ nuôi con biển hồ lai láng…

Nâng như nâng trứng

Hứng như hứng hoa…

Họ là một bà mẹ hơn là người vợ, không những họ quên mình mà quên cả chồng, để chỉ quanh quất bên đàn con mà họ lo ngày lo đêm.

Yêu con, yêu đến cực điểm, tuy nhiên không bao giờ họ nuông con. Yêu con là muốn cho nó nên thân, nên người, bởi thế họ rất lưu tâm đến việc giáo dục chúng. Chịu ảnh hưởng của nho giáo, bậc làm cha mẹ lấy việc giáo dục làm quan hệ nhất. Không có cái nhục nào bằng cái nhục có những đứa con vô giáo dục. Sinh con cái mà để chúng hư thân, thà đừng sinh ra:

Đẻ con chẳng dạy chẳng răn,

Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng.

Họ hiểu biết đẻ con mà không răn dạy thì về sau không những con hư thiệt cho chúng mà chính mình cũng không trông nhờ gì chúng. Thà nuôi lợn tốn kém nhưng sau còn được bộ lòng mà ăn.

Tấm lòng người mẹ Việt Nam đối với con cái làm cho người ngoại quốc phải sửng sốt, tuy nhiên, không những họ không nuông con mà còn rất ít khi vuốt ve âu yếm. Lòng yêu thiên về lý trí hơn là tình cảm:

Yêu con cho roi cho vọt,

Ghét con cho ngọt cho bùi.

Hai câu này tóm lại tất cả phương pháp giáo dục của các bà mẹ Việt Nam.

Tuy nhiên, không mãi mãi theo đuổi con cái trong việc giáo dục, họ phải đi làm vất vả. Nên từ khi con lên năm, lên sáu, họ lập tức phó thác chúng cho những nhà giáo dục chuyên môn để tiếp tục cái công việc giáo dục khắt khe ấy. Với Tây phương, ông thầy chỉ là một nghề ăn lương như các nghề  khác. Chứ đối với dân Việt Nam, thầy dạy cũng ví như cha mẹ. Tang thầy cũng như tang cha; dạy cho con một chữ cũng đáng thầy: nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Không những họ bắt con cái phải yêu mến thầy mà chính họ cũng săn sóc, yêu mến thầy:

Muốn sang thì bắc cầu kiều,

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.

 

Tuy trao con ra trường, tấm lòng mẹ không một lúc nào khỏi âu lo, thắc mắc. Bởi thế, nếu chúng đần độn thì phải khuyến khích, dạy bảo, nếu chúng cậy tài thì phải sửa, phải phạt:

Con tài lo láo, lo kiêu,

Con ngu thì lại lo sao kịp người.

 

Lo cho cho chúng khôn ngoan đâu đã đủ, còn phải lo cho chúng yêu thương nhau, đùm bọc lấy nhau, chứ đừng ganh tị nhau, biết bao lần người mẹ đã căn dặn con:

Khôn ngoan đá đáp người ngoài,

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.

 

Rồi đến khi khôn lớn lại một lần lo điêu, lo đứng gầy dựng cho con:

Có con gây dựng cho con,

Gọi là nối đức tổ tiên dõi truyền.

 

Với người con trai mãn đời ở với cha mẹ, không có gì lo ngại lắm, chứ với con gái, sau này đi làm dâu làm con người ta thì người mẹ mới lo âu thắc mắc làm sao.

 

Ngay đến lúc con gái bước chân về nhà chồng, mẹ còn “dặn với” khuyên con “học buôn học bán”, “ăn ở đừng có chua ngoa” để cho họ hàng ghét bỏ, chê cười. Rồi khi về nhà chồng, đói no lúc nào cũng phải tươi tỉnh:

Con ơi, mẹ bảo đây này,

Học buôn học bán cho tầy người ta.

Con đừng học thói chua ngoa,

Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười.

Dù no, dù đói cho tươi,

Khoan ăn, bớt ngủ là người lo toan.

Phòng khi đóng góp việc quan,

Đồng tiền, bát gạo lo toan cho chồng.

Trước là đẹp mặt cho chồng,

Sau là họ mạc cũng không chê cười.

Con nên nhớ bấy nhiêu lời.

 

Như thế là căn dặn lắm: giữ được như thế là tập được bốn đức cả của người đàn bà: công, dung, ngôn, hạnh.

Lo cho con như thế, bậc làm cha mẹ chỉ mong cho con cái nên thân, nên người, hạnh phúc mai ngày, và đấy là cách tạo cho mình lấy một nơi nương tựa trong cái tuổi già nua ốm yếu.

Giáo dục của các bà mẹ Việt Nam như thế thực là tỉ mỉ.

Những lời nhắn nhủ sau đây mới cặn kẽ và cảm động làm sao!

Con ơi muốn nên thân người,

Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.

Gái thời giữ việc trong nhà,

Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa.

Trai thì đọc sách ngâm thơ,

Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.

Nữa mai nối được nghiệp nhà,

Trước là đẹp mặt sau là ấm thân.

 

Người đàn bà Tây phương ít săn sóc, nuôi nấng con. Sinh con ra, nếu có vú nuôi, người ta trao cho vú nuôi, hay nếu không có thì cũng ném vào tróng, ít khi săn sóc, bồng bé. Các bà mẹ Việt Nam thì có rời con ra bao giờ, tự tay bồng con, tự miệng ru con; những cảnh gia đình nghèo, bà mẹ ru con với bao lo lắng, tư lự, mới cảm động làm sao:

Miệng ru mắt nhỏ hai hàng,

Nuôi con càng lớn mẹ càng lo thêm.

Nhưng bên cạnh những đức tính cực điểm ấy, người mẹ Việt Nam mắc vào những tật hư không phải nhỏ.

 

Trong việc dựng vợ, gả chồng, người mẹ giữ phần quan trọng hơn người cha, thường mẹ đã định sao, thì cha cũng theo như thế; con cái ít được bàn hỏi. Nên đôi phen người con gái đã phải than phiền đau đớn:

Mẹ tôi tham thúng xôi rền,

Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh-Hưng.

Mẹ tôi tham thúng bánh chưng,

Tham con lợn đẻ, em lưng chịu đòn.

 

Cái tật xấu đó là nguyên nhân sinh ra lệ mua bán con gái, gây nên những tấn thảm kịch mẹ chồng con dâu: vì đã phải bỏ tiền cho nhà gái, người mẹ chồng tưởng nàng dâu là của mình đã mua được và có toàn quyền xử dụng. Bởi có quan niệm không đẹp ấy, người mẹ cố bắt nàng dâu làm việc xứng đáng với đồng tiền đã mất. Cái câu người chồng dặn vợ lúc về nhà mình, tuy đau đớn và mỉa mai, nhưng tả đúng sự trạng đó:

Mẹ già dữ lắm em ơi,

Nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn lời mẹ cha.

Nhịn cho nên cửa, nên nhà,

Nên kèo, nên cột, nên xà tầm vông.

Nhịn cho nên vợ, nên chồng,

Thời em coi sóc lấy trong cửa nhà.

Đi chợ thời chớ ăn quà,

Đi chợ thời chớ kề cà ở trưa.

 

IV. ĐỊA VỊ CON CÁI

Bị ảnh hưởng nặng nề của nho giáo, gia đình Việt Nam rập theo gia đình Trung Hoa. Con cái phải hiếu đối với cha mẹ. Cha mẹ không phải là những ông ác chúa, mà là những người thân yêu, thân yêu nhất đời, thân yêu hơn người bạn tình, và bổn phận người con phải đặt chữ hiếu trên chữ tình.

 

Không như Âu Tây, người con Việt Nam có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ. Không biết bao nhiêu truyện xưa, tích cũ, tượng trưng tấm lòng hiếu của dân Việt đối với Chín chữ Cù-lao. Khi cha mẹ còn sống thì anh em phải chia nhau mà phụng dưỡng:

Em thì đi cấy lấy công,

Để anh nhổ mạ tiễn chung một lời.

Đem về cho bác mẹ xơi,

Làm con phải thế em ơi.

 

Đạo làm con không những dâng ngọt, sẻ bùi, mà còn phải chiều ý cha mẹ, săn đón xem cha mẹ thích ăn những giống gì thì liệu mà chiều. Phải săn đón từ miếng trầu, điếu thuốc: cau thời phải chọn những quả non, trầu phải têm cánh phượng dành sẵn để cha mẹ ăn đêm:

Cau non khéo bổ cũng giầy,

Trầu thêm cánh phượng để thầy ăn đêm.

 

Những cô lấy chồng gần thì ngày hai buổi các cô thì thọt tạt về thăm mẹ. Đó là những giây phút thần tiên. Nhưng nêu phải lấy chồng xa, không được hưởng cái hạnh phúc ấy, thì chiều chiều các cô ra ngõ, ra hồi nhà mà say sưa nhìn về quê mẹ:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

Ngó về quê mẹ ruột đau như dần.

 

Rồi những khi quá đau đớn vì cảnh gia đình nhà chồng, người con gái trông đợi, nhớ lại cái giờ hôm xưa mẹ đã tới thăm, lần mò ra ngõ để mà tìm trong xa xăm, để rồi thất vọng:

Chiều chiều ra ngõ ngó xuôi,

Ngó không thấy mẹ ngùi ngùi nhớ thương.

 

Những câu đó cho ta thấy, đối với người con Việt Nam, chồng con chưa phải là tất cả, tình yêu mẹ, tình yêu gia đình rất mãnh liệt. Tuy ở sát cạnh chồng, mà nếu xa gia đình, họ vẫn xót xa thương nhớ…

 

Thương cha mẹ không những lúc sống mà cả lúc cha mẹ đã khuất bóng. Người con hiếu thảo, lúc cha mẹ còn sống đã xách giỏ hái rau về nấu canh cho cha mẹ ăn thì dù đến khi cha mẹ đã chết đi, chiều chiều họ vẫn tưởng như cha mẹ còn thèm bát canh cua với rau tần, họ tất tưởi xách giỏ đi, nhưng ngó lên nấm mồ tẻ lạnh, họ lại ngã ngửa:

Chiều chiều xách giỏ hái rau,

Ngó lên mả mẹ ruột đau như dần.

Như thế ta thấy nếu lòng thương của mẹ Việt Nam mênh mông như trời biển, thì lòng yêu của con cũng bao la ngoài lượng ước.

Họ yêu cha mẹ vì cảm tình, vì họ cảm thấy công cha mẹ như núi, như biển, chứ không phải vì họ được nuông chiều. Và lòng người làm cha mẹ, không phân biệt, vẫn đầy như bát cơm. Tuy nhiên, vì muốn duy trì chế độ gia đình mà con trai được hưởng gia tài hơn con gái và con trưởng được hơn các con trai khác. Trưởng nam, nếu trong khi nhận gia tài được phần hơn, không vì cha mẹ có ý thiên lệch mà chỉ vì luân lý cha ông đã định thế. Với thực ra cái phần hương hỏa ấy, trưởng nam đâu được xài phí tự do: tất cả những chi phí hàng năm về tế tự, giỗ chạp, tết nhất đểu đổ cả lên đầu trưởng nam. Chứ sách về lòng thương thì có lẽ mẹ lại thương con út hơn cả:

Bốn con ngồi bốn góc giường,

Mẹ ơi! Mẹ hỡi, mẹ thương con nào?

Mẹ thương con út mẹ thay,

Thương thì thương vậy chẳng tày trưởng nam.

Trưởng nam nào có gì đâu,

Một trăm cái giỗ đồ đầu trưởng nam.

Rồi cũng để duy trì gia tộc, mà thói quen không cho cha mẹ được để con gái đem của về làm giầu cho nhà chồng. Bởi thế, khi chia của, người con gái chỉ được một phần nào mà thôi, chứ không được ngang hàng với con trai:

Tua rua đã mọc ngang đầu,

Sao em ở mãi làm giầu cho cha,

Giầu thì chia bẩy chia ba,

Thân em phận gái được là bao nhiêu.

Người con gái hầu bị coi là người sống ngoài gia đình. Có nhiều con gái mà chưa có con trai, người ta kể như chưa có con:

Một trai là có,

Mười gái là không.

 

V. HÔN NHÂN

1. Quan niệm về hôn nhân

Khảo cứu về ái tình Việt Nam, ta thấy cứu cánh của nó là hôn nhân, là gia đình… chứ không phải là cái thứ ái tình mà cứu cánh độc nhất chỉ là tìm thỏa nhục dục…

Nhưng tại sao trong ca dao ta thấy nhiều khi người đàn bà ghê sợ hôn nhân, muốn sống đơn độc? Tại sao có những người coi hôn nhân như một cái nợ đáng ghê sợ?

Chồng con là cái nợ nần,

Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm.

Rồi tại sao có những thiếu phụ đã phũ phàng xỉa xói vào mặt chồng:

Chồng gì anh, vợ gì tôi,

Chẳng qua là cái nợ đời chi đây.

Mỗi người một nợ cầm tay,

Người xưa nợ vợ, người nay nợ chồng.

 

Cái căn cớ của sự sợ hãi kia chính là do chế độ nho giáo: người đàn bà bị liệt vào địa vị tôi đòi không có tự do. Công việc chọn đôi, sánh lứa thuộc quyền cha mẹ, khiến người con gái đôi phen than khóc:

Đường đi những lách cùng lau,

Cha mẹ tham giàu ép uổng duyên con.

Như thế, ta thấy những tay sai chủ nghĩa nho giáo đã góp phần vào việc phá hoại bao nhiêu hạnh phúc trẻ. Những tiếng nấc nở kia chính là do chế độ hà khắc của nho giáo, và sự lạm quyền của cha mẹ. Nhiều người vì mối giao tình giữa hai tộc họ mà đem gả con, gả cái cho nhau, ngay lúc chúng còn trong thai:

Vô duyên vô phúc mắc phải anh chồng già,

Ra đường người hỏi rằng: cha hay chồng.

Nói ra đau đớn trong lòng,

Ấy cái nợ truyền kiếp có phải chồng em đâu.

 

Hay nhiều khi cha mẹ vì tham giàu, tham có, ưa môn đăng hộ đối mà ép uổng duyên con cái:

Mẹ tôi tham thúng xôi rền,

Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh-Hưng.

Mẹ tôi tham thúng bánh chưng,

Tham con lợn đẻ, em lưng chịu đòn.

Cái sợ hôn nhân của một số phụ nữ là sợ ở điểm ấy, sợ cái đời tù với người chồng họ không ưa ấy. Chứ thực ra, trong tâm tưởng các cô thôn nữ, ái tình bao giờ cũng là hôn nhân. Và đấy là cái họ mơ tưởng, vuốt ve ngay từ lúc biết ửng đỏ khi đứng trước phái nam nhi.

Bởi thế, tuy yêu mẹ thì yêu, nhớ mẹ thì nhớ, người con gái vẫn hình như đặt chồng ở trên, bởi vì họ cho bổn phận thờ cha, kính mẹ trọn đời là bổn phận con trai:

Tay mang khăn gói sang sông,

Mẹ gọi mặc mẹ, theo chồng cứ theo.

Thuyền bồng trở lái về đông,

Con đi lấy chồng để mẹ cho ai?

Mẹ già đã có con trai,

Con là phận gái dám sai chữ tòng.

Chỉ thề nước biếc non xanh,

Theo non cho trọn, tử sinh cũng đành.

Trời cao bể rộng mông mênh,

Ở sao cho trọn tấm tình phu thê.

Trót đà ngọc hẹn vàng thề,

Dẫu rằng cách trở sơn khê cũng đành.

 

Người ta coi hôn nhân là bổn phận cốt yếu của con người. Dầu khôn khéo đến đâu, nếu không có chồng cũng là hư:

Dầu ngồi cửa sổ chạm rồng,

Trăm khôn nghìn khéo không chồng cũng hư.

Con giai chưa vợ đã xong,

Con gái chưa chồng buồn lắm em ơi!

Vì thích hôn nhân, nên họ lo lắng đến cái tuổi dậy thì:

Nghĩ xa thôi lại nghĩ gần,

Làm thân con nhện mấy lần vương tơ.

Biết đâu trong đục mà chờ,

Hương thơm hết tuyết nương nhờ vào ai?

 

Nếu chim khôn biết tìm chỗ phải chăng mà đậu, trai khôn, gái tốt cũng phải biết tìm lập gia đình:

Chim khôn đậu nọc nhà quan,

Trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng.

Và nếu ế ẩm chưa lấy được chồng, thì họ than phiền trách móc:

Sao tôi chưa có đứng ngồi vân vi,

Ối thầy ôi, cấm đoán con chi,

Mười lăm, mười tám sao chẳng đi lấy chồng?

Ối ông giời ôi, sao ông ở không công,

Riêng tôi đã lỗi tôi trách ông

Tơ hồng sao khéo trêu ngươi,

Cứ đêm đêm tôi nằm tôi vuốt bụng gọi trời

Xin ông thí bỏ cho tôi chút chồng.

Tôi về làm lễ tế ông

Một con bò béo, ông cho tôi lấy đức ông chồng

Cho nó thật to.

Bõ công tôi mướn chú lái đi mổ bò.

 

Thực thế, đến cái tuổi dậy thì, đến lúc trông thấy người con trai biết đỏ má, đến lúc biết mơ mộng và say mê những bài hát tình tứ, những câu truyện duyên kiếp, thì người con gái bắt đầu lo đến số phận. Hôm nay đây, đang còn ở với cha mẹ, nhưng động có người khách lạ tới chơi thì có khi là lúc định đoạt cuộc đời của người con gái. Vì băn khoăn trong tâm trí như thế, người con gái nhiều lúc đã phải thổ lộ ra bằng những lời cảm động chân thành:

Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

Em ngồi cành trúc, em dựa cành mai,

Đông đào, tây liễu biết lấy ai bạn cùng.

 

Mục đích của ái tình, vì thế là hôn nhân, là gia đình, nhất là sinh con đẻ cái. Không có con bị coi như một đại họa:

Có võng mà chẳng có đòn,

Có chồng mà chẳng có con mà bồng.

 

Mặc dầu họ biết:

Có con phải khổ vì con,

Có chồng phải ngậm bồ hòn đắng cay.

 

2. Phong tục về hôn nhân.

Chung quanh vấn đề hôn nhân, dân tộc Việt Nam còn để lại bao nhiêu tục lệ không, hoặc ít thấy ở các xã hội khác:

Tục lấy chồng nhỏ:

Nguyên xưa những gia đình khá giả, giàu có, thường cưới vợ cho con lúc nó còn thơ dại, mục đích là để có người hầu hạ, làm việc trong nhà. Cái cảnh người vợ mười tám, đôi mươi, với ông chồng ba bốn tuổi nhan nhản ở các vùng quê Việt Nam. Thật là một thảm cảnh, làm đổ bao nhiêu nước mắt những cô thôn nữ ngây thơ, vô tội:

Tham giàu em lấy thắng bé tỉ ti,

Làng trên, xóm dưới thiếu gì trai tơ.

 

Tục đa thê:

Có người cho trước khi có thói đa thê hiện rất phổ thông ở Việt Nam thì xưa kia, đã có chế độ đa phu, một người lấy nhiều chồng:

Gái chính chuyên lấy được chín chồng,

Vo viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi.

Không may quang đứt lọ rơi,

Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng.

Ông Nguyễn Bách Khoa còn quả quyết hơn, cho rằng xã hội Việt Nam cổ sơ là xã hội mẫu hệ, người mẹ làm chủ và con cái đẻ ra đều phải mang tên họ mẹ (5). Theo ý chúng tôi, đấy không phải là tài liệu đích đáng để kết luận xã hội cổ sơ Việt Nam là xã hội đa phu và mẫu hệ, đó chỉ là một bài châm biếm cái tính lẳng lơ của những cô gái chính chuyên giả danh. Nhiều cô làm ra bộ chính chuyên mà thực ra chẳng những không chính chuyên mà còn tội lỗi đi ngang về tắt, thay đổi chồng con dễ dàng như thay chiếc áo lót.

Nếu những tài liệu về chế độ đa phu hiếm hoi, thì ngược lại, về chế độ đa thê lại đầy dẫy: một vết nhọ làm hoen ố tất cả luân lý nho giáo. Luân lý nho giáo hữu ý duy trì chế độ đa thê, cho người đàn ông được hưởng quyền lợi và coi người đàn bà như sở hữu tôi đòi trong tay mình.

Càng vua chúa, những người có nhiệm vụ duy trì nho giáo, càng cố duy trì cái chế độ thối nát đó. Bao nhiêu cái thảm cảnh “giấm chua” giữa vợ cả và vợ lẽ! Biết bao cô thôn nữ, vì địa vị xã hội thấp kém mà đã phải gả bán làm vợ bé, làm chị Hai, chị Ba, chị Tư để kéo dài cả một đời đau đớn trong tiếng khóc bất diệt:

Thân em làm lẽ chẳng lề,

Có khi chính thất mà lê giữa giường.

Tối tối chị giữ mất buồng,

Cho em manh chiếu nằm suông chuồng bò.

Nhiều người, sau khi đã trải và nếm cái nhục nhã chồng chung, tha thiết căn dặn chị em:

Đói lòng nằm gốc cây sung,

Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng.

……………………………

Đói no một vợ một chồng,

Một niêu cơm tấm dầu lòng ăn chơi.

 

Bởi vì người vợ cả nhiều khi hành hạ, bắt người vợ lẽ làm như tôi đòi… Đây là lời vợ lẽ tả cái thái độ kiêu hãnh và tàn ác của người vợ cả, mà họ phải gọi là chị:

Sáng sáng chị gọi: “Ớ Hai,

Mau mau trở dậy, thái khoai, đâm bèo”.

Chế độ đa thê thực đã đổ lên đầu người vợ lẽ mọi cực nhục, đau đớn, vất vả.

 

Tục cheo cưới:

 

Tục cheo, hay gọi nôm là tục đi trầu cau là phần cốt tử trong hôn lễ. Theo Nguyễn Trọng Thuật: “Cưới thì làm lễ cheo nộp trầu cau hay tiền bạc cho họ hàng và làng xóm người con gái để chứng thị lễ hôn nhân rồi xin tờ cheo ở lý trưởng”.

Theo các nhà kê cứu có thế giá thì tục đi trầu cau là một tục hoàn toàn Việt Nam, ở Trung Quốc không có tục lệ đó.

Có cười mà chẳng có cheo,

Nhân duyên trắc trở như kèo không đanh.

Không có lễ trầu cau, họ hàng sẽ không nhận người con gái về nhà chồng là người thuộc trong họ hàng….

Nhưng cũng do tục cheo lễ đó mà nảy ra tục mua vợ, một thảm trạng ở xã hội Việt Nam. Nhà gái thách cưới, nhà trai kỳ kèo, mặc cả, bao giờ “ngã giá” là số phận người con gái bị định đoạt… vô tình hay hữu ý cha mẹ đã tự tuyên bố bán con gái cho người ta! Vì thế có câu ví:

Con gái là con người ta,

Con dâu mới thật mẹ cha mua về.

Thật không gì mỉa mai hơn! Các bà mẹ vì tính ích kỷ, tham thúng xôi đầy, tham con lợn béo mà đem con đi bán cho người:

Mẹ tôi tham thúng xôi rền,

Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh-Hưng.

Tôi đã bảo mẹ rằng đừng,

Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.

Tục mua vợ ấy là nguyên nhân của sự thách cưới. Thách cưới nói nôm ra là “mà cả” giá bán người con gái. Cái tục tệ hại ấy – cái tục mà cha mẹ muốn kiếm lời trong việc gả con ấy – đã làm cho bao nhiêu cô thôn nữ ế chồng.

Em là con gái nhà giầu,

Cha mẹ thách cưới ra mầu xinh sao!

Cưới em trăm tấm lụa đào,

Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời

Tráp tròn dẫn đủ năm đôi,

Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng.

Sắm xe tứ mã đem sang,

Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu.

Ba trăm nón nghệ đội đầu,

Mỗi người một cái quạt Tàu thật xinh.

Anh về sắm nhiễu Nghi-Đình,

May chăn cho rộng, ta mình đáp chung.

Cưới em chín chĩnh mật ong,

Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò.

Cưới em tám vạn trâu bò,

Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm.

Lá đa mặt nguyệt hôm rằm,

Răng nanh thằng cuội, râu cằm thiên lôi.

Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi,

Xin chàng chín chục con giơi hóa chồng.

Thách thế mới thỏa trong lòng,

Chàng mà theo được, thiếp cùng theo chân.

 

Hay nếu có thành vợ, thành chồng đi nữa thì lại là nguyên nhân mọi hành hạ mai ngày về phía người đã bỏ tiền ra mua.

 

Cũng vì lệ thách cưới và mua bán ấy mà nhiều người con trai, vì cảnh nghèo, không lấy được vợ, hay nhiều khi bị người con gái ruồng rẫy. Cái mỉa mai ấy đã tả rõ trong bài:

Đồng tiền Vạn lịch thích bốn chữ vàng,

Tiếc công gắn bó với nàng bấy lâu.

Bây giờ nàng lấy chồng đâu,

Để anh đem phúng trăm cau nghìn vàng.

Trăm cau anh để cúng nàng,

Nghìn vàng anh đốt giải oan lời thề.

Xưa kia nói nói thề thề

Bây giờ bẻ khóa trao chìa cho ai?

 

Hay nếu lấy được vợ thì nhiều khi lại cực nhục vô cùng. Cái lệ thách cưới ấy còn đẻ ra cái tục gửi rể.

Thường những gia đình giầu có không có con trai, cha mẹ người con gái tìm người rể nghèo, bắt đến ở nhà mình. Tình cảnh người ở rể thực nhục nhã. Người ta đã ví cái cảnh ở rể như con chó ở gầm chạn.

Trai ở nhà vợ như chó ở gầm chạn.

Những người trai ở rể như thế nhiều khi bị gia đình vợ coi như con ăn đầy tớ:

Giời mưa cho ướt lá khoai,

Công anh làm rể đã hai năm giòng.

Nhà em lắm ruộng ngoài đồng,

Bắt anh tát nước cực lòng anh thay.

Tháng chín mưa bụi gió bay,

Cất lấy gầu nước chân tay rụng rời.

Ngay đến việc ăn uống nhiều khi cũng bị đầy đọa, không được cùng ăn với gia đình nhà vợ. Cái cảnh làm ăn vất vả ấy, tả hết trong bài:

Công anh làm rể có tài,

Một mình ăn hết mười hai vại cà.

Giếng đâu thì giắt anh ra,

Kẻo mà anh chết theo cà nhà em.

 

VI. NGƯỜI CHỒNG TRONG GIA ĐÌNH VIỆT NAM.

Nhưng cái tục gửi rể ấy chỉ là những nố trừ và cái cảnh vợ khinh chồng, chồng đàn áp vợ, chỉ là những ca nhỏ, phần đông người chồng trong gia đình Việt Nam đã rất văn minh. Giữa họ và người vợ không có sự cách biệt quá đáng như trong gia đình nho giáo, cũng không quá thiên (thờ vợ) như trong gia đình Âu tây. Cái giáo dục dung hòa quyền lợi và địa vị đôi bên đã làm cho gia đình Việt Nam thành một gia đình lý tưởng, làm sửng sốt những nhà khảo cứu văn hóa các dân tộc.

Cách cư xử của đôi vợ chồng Việt Nam, không suồng sã như Âu tây nhưng thực là cảm động sâu xa. Người chồng thành thực yêu và kính vợ chứ không coi như một đồ chơi. Người chồng thật hiểu họ cần phải có sự nâng đỡ và cộng tác của vợ, là người ngang hàng:

Dan tay đánh thiếp sao đành,

Tấm rách ai vá, tấm lành ai may?

Dao này cắt ruột máu rơi,

Ruột đau chửa mấy bằng lời em than.

 

Bởi yêu thương như thế, nhưng vì nặng tình hiếu thảo, người chồng ít khi dám cưỡng cha mẹ mà bênh vợ, nên trong lúc đêm khuya, chỉ âm yếm căn dặn vợ nên nhường nhịn cho êm cửa, êm nhà:

Mẹ già dữ lắm em ơi,

Nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn lời mẹ cha.

Nhịn cho nên cửa, nên nhà,

Nên kèo, nên cột, nên xà tầm vông.

Nhịn cho nên vợ, nên chồng,

Thời em coi sóc lấy trong cửa nhà.

Đi chợ thời chớ ăn quà,

Đi chợ thời chớ kề cà ở trưa.

Người chồng căn dặn vợ thật là tỉ mỉ:

Anh đi em ở lại nhà,

Hai vai gánh vác mẹ già con thơ.

Trong câu căn dặn đó, người chồng vừa âu yếm, vừa tin tưởng vào vợ, coi vợ là người đảm đang ngang hàng với mình. Vì thế khi phải xa nhau là họ thương, họ nhớ:

Đêm khuya ngồi tựa khoang bồng,

Sương sa, gió lạnh, chạnh lòng nhớ em.

Ta còn gặp thấy những ông chồng khi gặp vợ hờn dỗi đã âm yếm dỗ dành, vuốt ve:

Đêm nằm nghe vạc trở canh,

Nghe sư gõ mõ, nghe anh dỗ nàng.

Hay:

Lúc vô vén áo hỏi thầm:

Cớ sao rơi luỵ ướt đầm gối loan?

Những vần thơ tuyệt diệu ấy tả hết tâm tình say đắm tha thiết của người chồng với vợ.

Ngoài ra, người chồng còn trọng kính vợ, coi như một người ngang hàng cộng tác để xây dựng hạnh phúc gia đình chứ không phải là một người để sai phái. Đây là lời người chồng âu yêm thổ lộ cái cảnh nhà mình cho người vợ mới cưới để xin vợ gánh một phần trách nhiệm:

Nhà anh chỉ có một gian,

Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng.

Anh cậy em coi sóc trăm đường…

Để anh buôn bán trẩy hương thông hành.

Còn chút mẹ già nuôi lấy cho anh,

Để anh buôn bán thông hành đường xa,

Liệu mà thờ kính mẹ già,

Đừng tiếng nặng nhẹ người ta chê cười.

Dù no dù đói cho tươi,

Khoan ăn, bớt ngủ, liệu bài lo toan.

 

VII. NGƯỜI VỢ VIỆT NAM

Người đàn bà Việt Nam là một bà mẹ lý tưởng, một bà mẹ hoàn toàn, và tuy là mẹ hơn là vợ, dầu vậy, đối với chồng họ vẫn là một người vợ kiểu mẫu có một tình yêu đằm thắm, một lòng tinh cậy không bờ bến, một hi sinh cao cả.

Lòng tin cậy

Tự biết mình là thân liễu yến, người vợ thành thực tin cậy vào chồng, tin tưởng gặp được ở chồng một nơi nương tựa vững chắc, gặp được ở chồng một điều kiện nâng đỡ họ. Họ tự nhân không thể sống tự lập mà trái lại phải sống ở trong tay người khác. Họ chỉ lo sao cho cái người khác ấy là con người ý hợp tâm đầu:

Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

Em ngồi cành trúc, em dựa cành mai,

Đồng đào, tây liễu lấy ai bạn cùng?

Họ cũng thừa biết con trai không vợ đã xong, chứ con gái không chồng thì thực là tủi nhục, nên họ phải cố làm sao tìm được người chồng để yên ủi trong những giờ phút lẻ loi:

Con giai chưa vợ đã xong,

Con gái chưa chồng buồn lắm em ơi.

 

Họ băn khoăn như thế không phải chỉ muốn được giàu sang. Ngày xưa các cô thôn nữ chưa biết cái nghệ thuật “khai mỏ” của thế kỷ bom nguyên tử. Tìm được người chồng giàu sang, quả là một điều yên ủi, nhưng chưa phải là tất cả, cái họ mong đời chỉ là mong sao vừa lứa hợp đôi, sao cho thuận vợ thuận chồng. Ngoài ra có vất vả, cực nhọc họ vẫn vui vẻ.

Những nơi mà chát như sung,

Mà cay như ớt em tung mình vào.

Những nơi chiếu miến võng đào,

Điếu vàng bịt bạc em nào có say,

Những nơi chiếu rách võng đay,

Điếu sành xe sậy em say lừ đừ.

Là vì người vợ trong gia đình Việt Nam, không coi chồng như một ác chúa của thuyết nho giáo, mà coi chồng như một người đồng vai, một người bạn đường, nên dù yêu mẹ, yêu gia đình, họ vẫn quí chồng hơn:

Ai kêu, ai hú bên sông,

Mẹ gọi con dạ, có chồng phải theo.

Lòng tin cậy ấy làm cho người vợ Việt Nam hết sức đằm thắm thân yêu chồng. Tình yêu đó không quản một hy sinh nào:

Yêu anh cốt rũ, xương tàn,

Yêu anh đến thác vẫn còn yêu anh.

 

Sự đảm đang của vợ

Ở Âu châu, người đàn bà được thờ phượng, ít phải đả động đến những công việc nặng nhọc: người chồng phải đi làm nuôi vợ. Vì thế bao lâu người đàn ông chưa đủ năng lực để nuôi vợ thì không dám cưới vợ. Người Việt Nam quan niệm khác. Người vợ được coi ngang hàng với người chồng, trong việc xây đắp tương lai cho gia đình. Nếu giàu sang, thì vợ chồng cùng hưởng, nếu nghèo khó thì vợ chồng cùng chia sẻ. Và người đàn bà tỏ ra rất đảm đang trong công việc cộng tác với chồng. Bởi tin vào sự đảm đang ấy, nên người chồng mới thú với vị hôn thê:

Nhà anh chỉ có ba gian,

Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng,

Anh cậy em coi sóc trăm đường…

Để làm yên lòng chồng lúc phải ra đi viễn thù, người vợ đã âu yếm nhìn vào đôi mắt băn khoăn của chồng mà căn dặn:

Anh đi em ở lại nhà,

Hai vai gánh vác mẹ già con thơ

Lầm than bao quản muối dưa,

Anh đi anh liệu chen đua với đời.

Không những thế, còn có những người vợ một tay gánh vác việc nhà, một tay nuôi ăn cho chồng theo học để chồng làm nên sự nghiệp. Tìm đâu trên thế giới cái cảnh vợ nuôi chồng ăn học một cách tận tuỵ như bà vợ Việt Nam:

Mùa hè cho chi mùa đông,

Mùa nào thức ấy cho chồng đi thi.

Hết gạo thiếp lại gánh đi,

Hỏi thăm chàng học ở thì nơi nao?

Hỏi thăm đến ngõ thì vào,

Tay đặt gánh xuống miệng chào: “Thưa anh”.

Bởi thế, người ta có thể nói: công việc xây đắp gia đình xưa trong thời hàn vi là công của người vợ, của những người vợ “mùa hè cho chi mùa đông” làm lụng vất vả để “hết gạo thiếp lại gánh đi” vậy.

 

Quên mình

Đảm đang như thế, người vợ thật đã quên mình. Mà có lẽ người vợ Việt Nam đã quên mình quá giới hạn nữa. Quá nghĩ đến gia đình, đến hạnh phúc của chồng con, họ quên hẳn thân xác. Đang còn là một cô thôn nữ ưa đỏm đáng, thích chải chuốt, bước chân về nhà chồng, vừa có một đứa con, họ bắt đầu “sồ sề” không điểm trang nữa. Họ chỉ còn biết có hi sinh. Hi sinh cho chồng, cho con, cho cha mẹ, cho họ hàng, không chút màng tưởng đến thân xách mình nữa:

Chửa chồng, nón thúng quai thao,

Chồng rồi, nón rách quai nào thì quai.

Chửa chồng, yếm thắm đeo hoa,

Chồng rồi, hai vú bỏ ra tày giành.

Nhất là khi lấy được người chồng hay chữ – mà đó là giấc mộng yêu mến nhất của họ – thì ngày đêm họ chỉ còn biết nghĩ đến chàng. Nếu chồng họ ở xa thì phải gồng gánh đi theo chồng, nếu chồng họ ở nhà thì họ mải miết làm lụng: canh một dọn nhà, canh hai dệt cửi, họ chỉ nghỉ có canh ba, tư… đến canh năm đã rón rén đánh thức chồng dậy:

Canh một dọn cửa dọn nhà,

Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm.

Canh tư bước sang canh năm:

Trình anh dậy học, chớ nằm làm chi.

Nữa mai chúa mở khoa thi,

Bảng vàng chói lọi kia để tên anh.

Người chồng vì cảm tấm lòng tận tuỵ tha thiết ấy, mà không đòi vợ phải trang điểm. Và người vợ những thức khuya dậy sớm, không nghĩ gì đến cái khó nhọc nó làm già đi mái tóc, nhạt đi màu xuân xanh, giăn gieo hai má hồng…

 

Nhẫn nhục

Sự quên mình ấy tạo nên những bà vợ có một đức nhẫn nhục làm ta sửng sốt… Cái cảnh vợ chồng ganh tị nhau chỉ là họa hiếm.

Họ tận tuỵ hi sinh cho người chồng mà họ hi vọng được nhờ vả đã vậy, nhưng nếu lấy phải người chồng ngu dốt, đần độn, thì suốt đời, họ phải nhẫn nhục, chịu đựng hết mọi đắng cay vất vả, phải lo nghĩ cả đến cái thân xác cho chồng:

Con rô, con rạch lên phên,

Uốn tay cho mềm, dệt vải cho ngoan.

Lấy tiền đi đóng việc quan cho chồng.

 

Nhất là lấy phải anh chồng vũ phu, cờ bạc, thì người đàn bà thực phải sống một đời đau khổ triền miên, đau khổ mà vẫn nhẫn nhục che đậy cho chồng. Gặp những khi chồng thua bạc phải cầm cố, thì vợ lại bán gạo, bán bông rồi nhịn đói mà trả nợ cho chồng:

Chồng tôi nó chẳng ra gì,

Tổ tôm xóc đĩa nó thì chơi hoang.

Nói ra xấu thiếp hổ chàng,

Nó đánh, nó chửi toang hoang cửa nhà.

Có giăm bát gạo, có vài lạng bông,

Tôi bán đi trả nợ cho chồng,

Còn ăn hết nhịn cho bằng lòng chồng con.

Đắng cay ngậm quả bồ hòn,

Nói ra xấu hổ chồng con ra gì.

Cái đức nhẫn nhục “còn ăn hết nhịn” chứ không nỡ thấy chồng bị người ngoài rầy rà… cao cả biết bao! Mặc dầu nghèo khó, tủi nhục, họ vẫn trung thanh với chồng, không có thói chàng màng với kẻ khác mặc dầu giầu có:

Chồng ta áo rách ta thương,

Chồng người áo gấm xông hương mặc người…

Viết mấy dòng trên đây, chúng tôi có ý ca tụng cái đức cao cả của một thời đại, của những tấm lòng hào hiệp đã giúp xây đắp và kiến thiết nên một quốc gia hùng cường khả dĩ đương đầu được với kẻ thù phía Bắc hơn hai ngàn năm. Nhưng chính tôi không có ý níu lấy một tàn tích dĩ vãng, hay duy trì một chế độ thoái hóa trong đó người đàn bà chỉ biết có chịu đựng, đang khi các đức ông chồng vũ phu, tàn ác vẫn được pháp luật và luân lý chống đỡ.

 

Sự hòa thuận

Đức tính cuối cùng của phụ nữ Việt Nam là tính hòa thuận. Theo họ, đấy là tất cả bí quyết làm nên yên vui, làm nên sức mạnh, kiến thiết gia đình, mặc dầu vợ chồng còn ở trong cảnh hàn vi tấm cám:

Thuận vợ thuận chồng

Tát bể đông cũng cạn.

Người vợ không sợ gì bằng sự bất hòa trong gia đình: nghèo khó, vất vả, khổ sợ họ vui chịu tất cả, để làm cho gia đình yên vui.

Vợ chồng là nghĩa tao khang,

Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui.

 

Nên nếu có xẩy ra điều to tiếng nhỏ – mà đó là lẽ thường – thì người vợ mau mắn làm lành chứ không ngoay ngoảy như các cô tân thời ngày nay, những dọa li dị với tự tử:

Chồng giận thì vợ làm lành,

Miệng cười hớn hở rằng: “Anh giận gì?”

Cái lối làm lành chân thật và hồn nhiên như vậy, ai mà nỡ tâm giận lâu!

 

Người chồng tự nhiên biết hối và tha thiết yêu quí vợ. Vì cái tính hòa thuận dễ yêu ấy, mà nhiều ông chồng phũ phàng đã phải hối hận:

Đêm nằm nghe trống sang canh,

Nghe sư gõ mõ, nghe anh dỗ nàng.

 

Yêu chồng lúc sống, yêu chồng lúc chết: chồng chết họ hi sinh cả tuổi xuân để thờ chồng, nuôi con.

Yêu anh cốt rũ, xương mòn,

Yêu anh đến thác vẫn còn yêu anh.

Cái cảnh mẹ góa nuôi con, gây dựng cho con thật là những cảnh anh hùng biết bao! Những trang sử vẻ vang nhất của nòi giống biết đâu không phải sự nghiệp tầm thường tăm tối của đám phụ nữ!

Tất cả cái đảm đang, cái khí tiết ấy đã kết thai lại trong những tay liệt nữ như Trưng Trắc, Trưng Nhị hay Triêu Âu…

Họ là nền tảng gia đình mà gia đình là nền tảng quốc gia.

Chú thích

(1) Légendre, Civilisation chinoise, Payot, Paris 1926 p.28-29.

(2) Légendre, Deux années au Setchtown, Paris, 1906, p.345

(3) L.Vannicelli, La Famiglia cinese, Milano 1943, p.39-41.

(4) L.Vannicelli, o.c p.104: Ở xã hội Tàu, bao lâu ông bà cha mẹ còn sống, thì luân lý bắt buộc con cái, mặc dù đã có gia đình, vẫn phải ở chung một nhà với cha mẹ. Bởi thế, có những gia đình anh em 6, 7 đời vẫn chung sống một nhà dưới quyền một gia trưởng.

(5) Trương Tửu, o.c trg.106-110.

 

(Trích An Việt )