MẢNH VỤN SUY TƯ 40

MÙA CHAY

Người Công Giáo ai ai cũng biết rằng vào Mùa Chay, có 2 ngày buộc phải giữ chay, đó là ngày Thứ Tư Lễ Tro và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Khi nghe đến danh từ “chay”, người ta hiểu ngay rằng đó là chay trong miếng ăn thức uống. Không ăn thịt, hoặc là ăn một bữa no hai bữa đói…

“Chay” không phải chỉ là kiêng thịt, mà là kiêng nhiều thứ khác. Tôi thích danh từ “chay tịnh” hơn danh từ “ăn chay”. “Chay” trong thức ăn nước uống … nhưng phải kèm theo chữ “tịnh”. “Tịnh” là tĩnh lặng, hay nói cho đủ chữ là thanh tịnh, có nghĩa trong sạch không tội lỗi, tâm lặng yên không phiền não, dao động. Vậy vừa “chay” bề ngòai và còn phải “tịnh” trong tâm hồn, còn có thể nói nôm na rằng “chay lòng”.

Hãm mình ăn chay bên ngòai chính là để làm chủ thân xác, hầu con người dễ hướng về tâm linh hơn. Nuông chìều thân xác thì linh hồn bị quên lãng. Chay tịnh không phải là kiêng thịt hoặc ăn ít mà thôi, nhưng còn là hy sinh hãm mình. Hãm mình trong những việc nho nhỏ trong cuộc sống thường nhật.

Hãm mình là gì? đó là giới hạn, kiềm chế không cho giác quan được thỏa mãn. Mỗi người hãm mình cách khác nhau, tuỳ theo đam mê sở thích của mình mà kiềm chế lại. Ai thích hút thuốc, thì giảm lại, ai thích nhậu nhẹt bia rượu thì bớt đi, ngưng lại hoặc tiết chế lại, giảm thiểu những thú vui, những đam mê mà thường ngày con người ta trở thành nô lệ chúng mà chẳng hay biết.

Chay bề ngòai phải liên kết với chay bề trong, mới là chay tịnh. Chay với tâm tình thống hối ăn năn, chứ chẳng phải chay để chu tòan luật Hội Thánh. Chay để hướng lòng mình lên sự thiện bằng tâm hồn hóan cải, muốn làm lành lánh dữ; từ bỏ nếp sống cũ để canh tân nếp sống mới đẹp lòng Chúa hơn.

Chay bề trong là hãm dẹp những lời nói lỗi đức ái, cắt đứt đi những tư tưởng xấu xa, ô uế, ngưng lại một phản ứng tiêu cực lúc bực bội, tha thứ cho một lời nói xúc phạm … Chà đạp “cái tôi”, để đức ái và đức khiêm nhu được lớn lên…

Ăn chay không phải chỉ là kiêng thịt, nhưng còn là ăn những cái không thấy ngon khẩu vị. Nếu tôi không thích ăn thịt, mà phải kiêng thịt thì tôi vui mừng biết mấy, vì quá dễ dàng, không có gì gọi là hãm mình, hy sinh, phạt xác cả. Tinh thần hy sinh trong Mùa Chay là làm những gì tôi không thích và ngưng làm những gì tôi thích. Tất cả đều phải đi ngược lại với sự thỏa mãn giác quan của tôi. Tôi phải thoát khỏi thân phận nô lệ cho tội lỗi, nếu không thì luôn như thánh Phaolô than thở: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi cứ làm” (Rm 7, 15)

Mùa Chay kêu gọi thống hối và quay trở về cùng Chúa, điều này là điều tối quan trọng hơn tất cả những điều khác. Đó là điều Chúa mong đợi ở mỗi một người, không những chỉ vào Mùa Chay, nhưng Người Cha Nhân Hậu luôn luôn chờ đợi đứa con hoang trở về bên lòng Cha yêu thương.

Mùa Chay còn là mùa giúp cho người ta hiểu hơn về Lòng Thương Xót, về tình yêu Chúa qua việc suy gẫm về Cuộc Khổ Nạn Chúa. Chúa đã chịu bao đau đớn trên thân xác và tâm hồn và hy sinh mạng sống để cứu chuộc nhân lọai.

Có lần tôi đi giúp văn nghệ từ thiện cho một ngôi chùa Phật Giáo. Người tổ chức cho tôi một ổ bánh mì chả lụa, ngon quá chừng. Tôi ngu ngơ thật, hỏi ông ấy mua chả lụa ở đâu ngon quá. Ông ta cười tôi và nói: “Cô ơi, đây là món chay mà, thịt đâu mà có, đây là chả lụa chay, các thầy các nicô ăn chay trường, đâu có ăn thịt”.

Tôi thiết nghĩ, cho dù chả lụa kia là “giả” làm bằng mì căn, không phải bằng thịt heo, nhưng nó ngon miệng y như chả lụa thật, ngon miệng đến nỗi không phân biệt được, vậy thì đâu còn là “ăn chay” nữa. Vì chẳng có gì là hãm mình ép xác cả.

Vậy, ăn chay mang một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều…

Lạy Chúa, xin cho con sống đúng ý nghĩa của danh từ “chay tịnh” để linh hồn con vươn mãi lên tới Chúa. Ước gì con có một tâm tình thống hối ăn năn suốt Mùa Chay và cả đời con.

Xin Mẹ ban cho con biết nhận thức và sống câu “Hãy xé lòng, đừng xé áo”. Chớ gì câu này là kim chỉ nam của con trong suốt cuộc sống nhân trần Amen.

Tri Ân Lucia
(Nhóm MẸ MARIA LÀ CỬA THIÊN ĐÀNG)
(Nhóm Tất Cả Cho Mẹ)