Chuyện phiếm: LÀNG TÔI ĂN TẾT

Chưa năm nào làng nhậu của tôi chuẩn bị đón tết chu đáo và tưng bừng như năm nay. Ngay từ ngày 23 tháng chạp, lễ Ông Táo về trời, phe các bà đã phân công đi chợ sắm cỗ. Năm nay làng tôi nhất định gói bánh chưng và bánh tét, các cụ ạ. Bánh chưng Bắc Kỳ sẽ do ông Từ Hoè điều hành, bánh Tét Nam kỳ sẽ do Chị Ba Biên Hòa phụ trách. Hai vị này sẽ đứng chỉ huy, còn việc đi chợ và gói bánh sẽ là việc chung cả làng. Cụ B.95 sẽ phụ trách đi chọn gạo nếp. Chị Ba Biên Hòa sẽ chọn đậu xanh. Ông ODP mua các hương liệu hành tiêu nước mắm. Tôi mua lá giong cho bánh chưng, và lá chuối cho bánh tét. Cụ Chánh sẽ đích thân đi chợ mua thịt heo.

Ông H.O. nghe tiếng thịt heo thì cười hà hà: gói bánh chưng Bắc kỳ thì phải nói tiếng Bắc Kỳ, thịt lợn, chứ ! Nghe đến đây thì cả làng tôi cười ầm lên. Ông H.O. đã nói đúng. Các nhà quân tử trong làng tôi toàn là dân Bắc kỳ nhưng là Bắc Kỳ 1954, giọng vẫn là giọng Bắc Kỳ nhưng ngữ vựng thì ngữ vựng Nam Kỳ đặc. Chúng tôi không còn nói con lợn mà nói con heo, không còn cái cốc mà nói cái ly, không còn nói béo mà nói mập...

Đó là việc chuẩn bị vừa xôn xao vừa náo nức thứ nhất trong làng.

Viẹc xôn xao náo nức thứ hai là việc đón tiếp ông Từ Hoè hội viên viễn cư từ miền tây Canada về làng ăn tết. Làng tôi ai cũng mê ông Từ Hoè. Ông báo tin sẽ về ngày 25 tháng Chạp, ngày xưa ở quê nhà là ngày tảo mộ, ngày đi dẫy cỏ và thắp hương phần mộ tổ tiên. Người mau mắn nhận ngay công tác đi dón ông từ phi trường là Cô Cao Xuân và cô phụ tá Tôn Nữ.

Máy bay đã đến rất đúng giờ. Tôi mê cái hãng Air Canada này qúa.

Ông Từ Hoè đã cao tuổi mà dáng người còn rất khoẻ mạnh. Hỏi ông bí quyết, ông cười hì hì: Khó gì đâu ! Buổi sáng thức dậy, tôi múa võ khí công và tai chi nửa giờ. Rồi đi bơi. Rồi đi làm. Làm việc tay chân cả ngày nên cơ thể được vận động luôn. Ông trồng nấm các cụ ạ. Nấm của ông ngon có tiếng, được bày bán khắp các chợ. Nghe nói có xuất cảng sang Hoa Kỳ và Au Châu. Nếu cụ hay ăn nấm, tôi nghĩ dám cụ đang ăn nấm ông Từ Hoè nha. Làm cái nghề này giầu lắm. Đó là bí quyết thứ nhất về sức khoẻ. Bí quyềt thứ hai mà ông Từ Hoè cho là cũng rất quan trọng, đó là giữ cái đầu thư thái và an lạc. Ông bảo bây giờ ông không còn thù oán giận hờn một ai. Ai cũng là bạn ông hết. Ông yêu cả kẻ thù. Ông cười hà hà: Chúa bảo vậy mà.

Ông Từ Hoè ở nhà Cụ chánh suốt tuần lễ tết. Từ ngày ông về, làng tôi rộn rã hẳn lên. Cụ B.95 bao giờ cũng khen: cái bác Từ Hoè này nói chuyện có duyên qúa đi mất, có đầu có đuôi, con rắn trong lỗ cũng phải bò ra! Ông nói chuyện đã hay, mà làm việc còn hay hơn. Ông kể đủ chuyện miền tây, nơi ông sống chung với vợ chồng chú Paul.

Các cụ còn nhớ chuyện Ông Từ Hoè và chú Paul chứ. Chú Paul là cái chú chính uỷ VC, người đã bỏ đảng vượt biên theo ông Từ Hoè ấy mà. Sang Canada này vợ chồng chú ấy cảm phục lối sống đạo của ông Từ Hoè, đã nhập đạo Công Giáo, rồi đã làm việc thiện nguyện ở nhà thờ, nuôi ăn người vô gia cư mỗi sáng thứ bảy ấy mà. Ông Từ Hoè kể: bây giờ cả nhà thờ, từ ông cha xứ tới mấy bà sơ, tới nhân viên văn phòng, tới mấy người vô gia cư ngủ đêm ở nhà thờ, tất cả đã bị chú Paul bỏ bùa. Bùa gì cơ ? Thưa là bùa nước mắm VN. Hồi đầu chú cho họ ăn bánh mì thịt, bánh mì chả quế. Sau rồi cho ăn phở. Thứ nào cũng có chút xíu nước mắm. Thét rồi cả họ đạo bén mùi, nghiền luôn.

Đó là chuyện chú Paul em kết nghĩa của ông Từ Hoè.

Và ngày trọng đại gói bánh ăn tết đã tới. Làng tôi đã gói bánh vào đúng ngày cuối năm. Theo lời hô hào của ông Từ Hoè, mọi người cùng chung sức. Gạo nếp, đâu xanh, thịt heo, tiêu hành nước mắm, lá giong lá chuối đã được chuẩn bị từ hôm trước. Đúng 9 giờ sáng cả làng ra tay. Chúng tôi phải dùng khuôn gỗ cho đồng bánh chưng được vuông góc và cân xứng. Ông Từ Hòe lãnh tụ không cần khuôn, ông gói buông mà đồng bánh đẹp qúa chừng. Hai mệ Huế Cao Xuân và Tôn Nữ thấy thịt heo có da có mỡ thì tỏ ra lo lắng sợ hãi, ông Từ Hoè trấn an ngay: nhân bánh chưng nếu chỉ có thịt nạc thì đồng bánh mất hết hương vị. Phải có da heo, mỡ heo. Hai thứ này nấu 8 tiếng đồng hồ sẽ tan ra rồi ngấm vào gạo nếp vào nhân đậu, làm rậy mùi bánh. Phần thịt nạc còn lại sẽ lẫn với đậu nằm trong lớp nhân. Một điều mà từ bé đến giờ tôi mới biết là khi gói bánh chưng, người ta không gói chặt qúa, vì phải để chỗ cho đồng bánh nở ra khi chín.

Rồi sang phần bánh tét. Phần này do Chị Ba điều hành. Bánh chưng Bắc kỳ gói theo khuôn hình vuông, bánh tét Nam Kỳ gói tay buông, hình tròn và dài. Nhân bánh tét cũng y như nhân bánh chưng. Bánh gói bằng lá chuối.

Đúng 12 giờ trưa là châm lửa nồi bánh chưng và nồi bánh tét. Ngọn lửa xanh cháy tí tách trông vui mắt làm sao. Buổi nấu này vui qúa chừng. Nồi bánh to tổ chảng không đặt trên bếp mà đặt ở giữa nhà. Hai cái bếp ga công nghệ này do ông H.O. mua từ cửa hiệu bán đồ nhà hàng chuyên nghiệp. Quê mình ngày xưa nấu bánh chưng với củi, khói bay mù mịt. Bây giờ ở đây chúng tôi nấu bằng bếp ga, ngọn lửa xanh hừng hực, chả có khói gì cả, chả phải lo châm củi gì cả. Lâu lâu thì châm thêm nước sôi cho nồi bánh khỏi cạn nước.

Và làng tôi đã vây quanh hai nồi bánh, vừa ăn trưa, vừa ăn tối, vừa nói bao nhiêu thứ chuyện. Mọi người chăm chú nghe ông Từ Hoè kể chuyện miền tây. Và ông đã kể rất nhiều chuyện. Sôi nổi nhất là chuyện vợ chồng chú Paul nuôi ăn những người vô gia cư ngủ đêm tại nhà thờ, và chuyện ông trồng nấm bán nấm.

Ông tỏ ra phục chú Paul lắm. Ông bảo Đức Tin của vợ chồng chú ấy rất mạnh. Từ Canada chú gửi tiền về VN giúp nạn nhân bão lụt rất nhiều. Có lần chú ấy bảo tôi: Mình đến đất nước này hai tay trắng, Chúa đã cho mình đầy hai tay. Bây giờ nếu cứ nắm chặt hai tay thì ta chỉ có thế, nhưng nếu ta mở hai bàn tay ra làm phúc thì Chúa lại cho đầy tay ngay.Vợ chồng chú thuộc Kinh Thánh và hiểu giáo lý của đạo rất sâu sắc. Chú ấy còn giảng đạo cho tôi nữa. Đáng nể thế. Có lần chú nói: Thánh Kinh nói rất rõ là sau khi ta chết Chuá sẽ hỏi ta có cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ trần trụi áo mặc không. Ai nói có thì vào thiên đàng ngay. Chúa không hỏi đến tội đánh nhau, tội ăn cướp. .. Lần khác chú bảo những người nhà giầu khi chết không ai mang theo được của cải về thế giới bên kia. Tiền bạc trần gian phải bỏ lại trần gian, trừ tiền giúp người nghèo khổ là được mang theo về đời sau.

Các cụ đã thấy vợ chồng chú Paul tốt lành chưa. Công truyền giáo của ông Từ Hoè đấy. Rồi ông Từ Hoè quay vào tôi kể chuyện người Da Đỏ. Ha, chuyện này hấp dẫn và dài đây, thưa các cụ.

Ông Từ Hoè xưa nay vẫn chung quan điểm với tôi về nguồn gốc người Da Đỏ ở Canada. Chúng tôi nghĩ rằng họ chính là người Việt Nam con cái của mẹ Au Cơ thời lập quốc. Rõ ràng sử ghi là 50 con đã theo mẹ lên núi. Lên núi đây là lên hướng bắc. Tột cùng hướng bắc là bắc cực. Lúc đó eo biển Beringa nối liền Á Châu với Mỹ Châu còn khô cạn, đoàn con mẹ Au Cơ đã tiến sang Bắc Mỹ và toả đi khắp nơi. Nét mặt người Da Đỏ là nét mặt Á Châu, con mắt họ không xếch và nhỏ như người Tàu và người Nhật. Rõ ràng họ có bộ mặt Việt Nam. Họ lại đội mũ lông chim. Trên mặt trống đồng có vẽ tổ tiên người Việt cũng đội mũ lông chim. Các nhà nhân chủng học cho biết ngươi Da Đỏ Inuit đã xuất hiện ở bắc cực cách đây 5.000 năm. Tổ tiên VN lập quốc và Mẹ Au Cơ lên núi cũng cách đây 5.000 năm. Tất cả rõ ràng nha. Các cụ có thêm ý kiến gì không ?

Dân làng nghe ông Từ Hoè diễn thuyết về người Da Đỏ vô cùng say đắm. Ông cho biết miền tây Canada nơi ông trồng nấm, hiện nay là Alberta và Saskatchewan, ngày xưa là rừng cỏ rộng mênh mông. Người Da Đỏ ở đây sống về nghề săn bắn. Họ săn bò rừng. Các cụ biết con bò rừng chứ, tiếng Anh là bison hay buffalo. Sắc dân Da Đỏ ở miền này tên là Sioux. Dân Sioux cỡi ngựa bắn súng. Nói đến đây, ông Từ Hoè mở ngoặc: Ngựa và súng là hai thứ hàng của dân da trắng đem tới đây. Theo lịch sử thì gốc con ngựa là ở Bắc Mỹ, về sau không hiểu tại sao con ngựa ở Bắc Mỹ biến đi, và xuất hiện tại Au Châu. Rồi người Tây Ban Nha từ Au Châu đem ngựa sang thuộc địa ở Nam Mỹ, rồi từ Nam Mỹ con ngựa đi lên, ngựa về gốc cũ là Bắc Mỹ.

Ông Từ Hoè nhấp ngụm trà rồi hứng khởi kể tiếp: Khi con ngựa trở lại Bắc Mỹ, nó đã làm đảo lộn nếp sống dân Da Đỏ: nhờ nó mà việc di chuyển nhanh hơn, tung hoành hơn, vùng săn bắn mở rộng hơn. Nói tới săn bắn là nói tới con bò rừng. Đây là kho lương thực và kho dụng cụ của người Da Đỏ. Thịt để ăn, da để may áo, che lều, làm giầy dép, làm dây buộc, dạ dày bò rừng làm túi đựng nước, sừng làm đồ để uống nước, phân để đốt sưởi. Khi người da trắng tới đây, người ta ước lượng miền đất bao la này có tới 60 triệu con bò. Người da đỏ săn bò nhưng không bao nhiêu, người da trắng tới đây mới là người đã hủy diệt bò rừng. Họ săn và giết bò không nương tay.

Rồi ông Từ Hoè hỏi mọi người: Tôi đố các bạn: ngoài súng đạn và con ngựa, người da trắng còn mang cái gì quan trọng khác để trao đổi với người Da Đỏ ? Dân làng chưa kịp trả lời thì ông Từ Hoè nói ngay: đó là bệnh tật ! Đó là bệnh đậu mùa, đó là bệnh cúm, đó là bệnh phổi. Xưa nay người Da Đỏ chưa hề mắc những bệnh này nên họ không có thuốc chữa và không biết cách chống đỡ, do vậy dân Da Đỏ đã chết gần hết. Sách nói họ đã chết tới 90% dân số !

Rồi ông nhìn mọi người: Thôi, xin ngưng chuyện Da Đỏ, để chúng ta kịp giờ dọn bàn thờ cúng tổ tiên lúc giao thừa. Năm nay làng tôi có nhiều thay đổi lắm. Chúng tôi nấu bánh từ 12 giờ trưa, bánh vừa chín là bày lên bàn thờ ngay. Dân làng chọn bàn thờ nhà cụ Chánh làm bàn thở tổ cả làng. Ông Từ Hoè đã tự đi chợ mua trái cây để bày trên bàn thờ. Lư hương ở giữa, hai bên là hai đĩa bánh và hai đĩa trái cây. Xin đố các cụ Ông Từ Hoè đã bày những trái cây nào ? Chắc các cụ lại trả lời là 4 thứ ‘cầu dừa đủ xoài’, phải không ạ. Thưa, không phải. Ông Từ Hoè chỉ bày có ba thứ thôi ạ. Đó là trái mảng cầu, trái dưa hấu, và trái xoài. Cô Tôn Nữ thắc mắc: sao chỉ có ba ? Phải đủ bốn trái ‘ cầu vừa đủ xài’ chứ. Ông Từ Hoè cười hà hà. Cầu vừa đủ xài thì cầu làm gì, ta phải ‘ cầu dư xài ’ chứ. Cô Tôn Nữ nghe xong, như ‘ngộ’ ra chân lý, phục ông qúa, mặt tươi hẳn lên.

Và giờ giao thừa đã đến. Cụ Chánh khăn đống áo dài, kính cẩn thay mặt cả làng đốt hương, thỉnh một hồi chuông, rồi lâm râm khấn với tổ tiên. Mỗi người tham dự đốt 1 cây hương. Tổ tiên đâu có ở xa. Các ngài vẫn sống quanh ta mà. Người khấn vái thành khẩn nhất là cụ B.95.

Xong lễ khấn tổ tiên là việc chúc tết. Ông ODP đại diện dân làng chúc tết tiên chỉ, rồi mời mọi ngươì thưởng thức bánh chưng bánh tét lấy hên ngay giờ đầu năm. Thật là nóng sốt. Bánh chưng không ăn với giò chả mà ăn với mật, các cụ a. Bánh chưng chấm mật mới đúng truyền thống. Ngon thật. Các cụ ăn thử mà coi. Ngày đầu năm mà được ngọt ngào như mật thì suốt cả năm sẽ ngọt ngào. Tổ tiên ta có lý vô cùng.

Rồi Cụ Chánh tiên chỉ mừng tuổi mỗi người một bao thư màu đỏ, và một gói lớn bánh chưng bánh tét. Chúng tôi về để xông đất nhà, đem vào nhà bao thư màu đỏ lấy hên và qùa tết quê hương. Nhà nào ăn tết nhà ấy. Chiều mồng một tết, làng tôi mới họp lại để chính thức ăn tết chung.

Người đầu bếp cho bữa tiệc đầu xuân là ông Từ Hoè. Theo truyền thống thì năm con nào ông Từ Hoè cho ăn thịt con đó. Năm gà ông cho ăn gà, năm heo ông cho ăn heo. Chị Ba Biên Hòa nói nhỏ với tôi từ trước: Em sợ chuột lắm. Anh có nghĩ rằng năm nay là năm con chuột, ông Từ Hoè sẽ mang thịt chuột từ đồng cỏ miền tây về làm cỗ tết không ? Tôi lắc đầu. Tôi không dám nghĩ như vậy. Tôi trấn an: Cái ông Từ Hoè này nhiều mưu chước lắm, ta phải chờ xem mới biết được.

Và cỗ tết được bày ra, đủ thứ như mọi năm. Đúng lúc mọi người chờ món chuột thì ông Từ Hoè từ nhà bếp bưng ra một đĩa rau xà lát. Ông vừa cười vừa nói: Tôi biết các bạn đang chờ món chuột, có chuột đây, thưa, đó là món dưa chuột. Mọi người à lên một tiếng lớn. Chi Ba Biên Hòa vuốt ngực thở ra một tiếng nhẹ nhõm. Ông nói với chị Ba: người Bắc gọi nó là dưa chuột, còn người Nam kêu là dưa leo. Đây là món chuột chay. Theo y lý đông phương thì dưa chuột vừa có chất dương vừa có chất âm, nó làm ta mát lòng mát ruột cả năm. Các cụ đã thấy ông Từ Hoè giỏi chưa ?

Rồi giữa tiệc phe các bà lên tiếng: Năm chuột xin các ông cho nghe chuyện chuột. Các cụ đã hiểu thông điệp của các bà chưa ? Các bà đòi nghe chuyện tiếu lâm mặn đấy. Các đấng quân tử trong làng tôi tự nhiên im bặt. Lạ qúa. Hình như kho tiếu lâm mặn không có con chuột. Mãi rồi cụ Chánh tiên chỉ mới cất tiếng: Trong ngôn ngữ VN có tiếng chim chuột, mèo chuột, để chỉ chuyện trai gái vụng trộm, thế nhưng hình như các chuyện trai gái thì chú chuột không đóng góp gì cả. Trái lại, nhiều khi còn đóng vai luân lý dạy đời. Lão vẫn còn nhớ câu chuyện con hổ và con chuột trong sách giáo khoa thư bậc tiểu học, như thế này:

Một hôm con chuột nhắt chạy qua gần con hổ. Hổ thò chân ra bắt. Chuột van lạy rằng: Trăm lạy ông, thân con bé bỏng, xin ông tha cho làm phúc. Hổ bảo rằng: Ừ, mày bé thế này, tao chẳng thèm ăn thịt. Thôi, ta tha cho. Chuột được tha liền cúi đầu tạ ơn: Con đội ơn ông, cái ơn tha mạng này con không dám quên. Được ít lâu sau, hổ mắc lưới người đi săn. Hổ gầm thét giẫy giụa mà không làm sao thoát, đành nằm im chờ chết. May sao con chuột nhắt đi qua trông thấy. Nó chạy về gọi cả nhà ra cắn lưới. Nhờ vậy mà hổ thoát thân.

Ngay từ bé, đọc xong chuyện này, ai cũng hiểu rằng ở hiền gặp lành, làm ơn sẽ được báo ơn.

Nghe xong, các nhà quân tử liền ông vẫn nín khe, không ai tiếp sức cụ Chánh. Thấy vậy, cụ Chánh liền kể tiếp chuyện treo chuông cổ mèo. Rằng bữa đó làng chuột hội họp tìm kế chống con mèo. Hội đồng đã nêu ra rất nhiều ý kiến, và cái ý được nhiều dân chuột hoan hô là nên treo cái chuông vào cổ con mèo. Con mèo có cái chuông ở cổ, đi đâu cái chuông cũng leng keng, ai cũng nghe thấy và tìm chỗ thoát thân. Nhưng đến khi ông chủ tịch chuột hỏi ai sẽ xung phong đi buộc chuông vào cổ mèo thì cả hội đồng im như tờ. Cả làng chuột rét hết. Bài học rút ra từ chuyện này là nói dễ làm khó.

Bây giờ ông ODP mới lên tiếng: Phần tôi thì tôi không thích chuyện chuột bằng thích tranh chuột. Ngày xưa còn bé tôi đã mê các bức tranh dân gian bày bán ở chợ tết. Bức tranh mà tôi thích nhất, đến nay vẫn còn nhớ, là bức vẽ hình làng chuột rước ông nghè chuột vinh quy bái tổ. Ông nghè chuột mặc áo tiến sĩ, ngồi kiệu, cờ quạt trống phách lọng loa chung quanh. Thế nhưng cuối con đường là bác mèo ngồi chờ. Dân chuột phải cử đại biểu đến dâng của lễ. Quà dâng là những con cá chép. Bức tranh này vừa ghi chuyện văn hoá vinh quy bái tổ, vừa ghi việc phải hối lộ cường quyền.

Nghe đến đây xong, phe các bà thấy chuyện của phe liền ông chúng tôi bữa nay không gay cấn gì nên đã bắt chước cụ B.95 đòi anh John kể chuyện thời sự. Liền có ngay. Anh kể chuyện cuộc thi nấu ăn bên Mỹ.

Giới ttruyền thông quốc tế vừa loan tin: Anh Huỳnh Quốc Hưng, 29 tuổi, cư dân gôc VN bên Mỹ đã thắng giải nhất về nấu ăn quốc tế trên Đài Bravo ở Chicago tối 3.10.2007. Bao nhiêu đầu bếp trứ danh đã tham dự. Vòng chung kết chỉ còn 3 cao thủ. Anh Hưng đã đoạt giải ‘Top Chef’ với món ‘ Ragu vịt nấu nấm’. Phần thưởng là 100.000 tiền mặt và một thùng dụng cụ nấu bếp loại thượng hạng. Anh đoạt giải này không phải bỗng dưng mà được. Anh đoạt giải do lòng say mê nấu ăn từ bé cộng với sự chịu khó học hỏi trong bao nhiêu năm từ khi tới Mỹ. Chánh chủ khảo cuộc thi đã ca ngợi món vịt ragu nấu nấm của Huỳnh Quốc Hưng là tuyệt hảo, culinary perfection.

Anh John kể tin này xong, rồi bình luận: trong thế giới ăn uống đã có bao nhiêu người nấu món vịt ra gu, thế mà tại sao món vịt ra gu của anh Hưng lại đoạt giải nhất ? Tôi nghĩ chắc chắn 100% là vua bếp Hưng đã bí mật ướp vịt với nước mắm VN. Nước mắm VN là một gia vị tuyệt vời. Nước mắm đã làm phép lạ.

Các bà trong làng nghe đến đây đều cười ha ha, vì các bà cho rằng anh John không có thẩm quyền gì về nấu ăn. Anh hăng say nói ngay: tôi xin chứng minh cái vĩ đại của nước mắm VN qua món bí tết. Các bạn thử ướp miếng bí tết với các gia vị thường lệ rồi thêm một chút nước mắm vào xem, cam đoan hương vị miếng thịt sẽ tăng lên bội phần. Đó là lúc ướp thịt. Lúc bày miếng thịt nóng hổi ra đĩa, bạn rưới một chút xíu nước mắm nữa, cam đoan miếng bí tết sẽ thơm ngon đậm đà vô cùng. Mà còn điều này cũng lạ lùng nữa: bí tết thêm nước mắm như trên, ăn với bành mì không ngon bằng ăn với cơm. Nghe có lý, các cụ ạ.

Chưa hết. Anh John còn tiếp tục bình luận: Món vịt ragu đoat giải nhất của Huỳnh Quốc Hưng nấu với nấm. Tôi cho rằng đây là nấm của ông Từ Hoè, các bạn nghĩ sao ? Nước mắm do người VN làm, nấm do người VN trồng, món ăn do người VN nấu, đương nhiên món đó phải chiếm giải nhất chứ. Cả làng ai cũng gật đầu và vỗ tay. Đúng như vậy. Nghe đến đây, ông Từ Hoè chạy lại ôm chầm lấy anh John rồi nói: Sao chú thông minh và nói đúng qúa vậy !

Nghe tin vui này xong, cô Cao Xuân hỏi ngay anh John: Chức của anh Hưng là Top Chef, chữ chef viết ra sao ? Tôi thấy có báo VN viết là chief, có chữ i. Anh trả lời ngay: Cô hỏi đúng lúc qúa. Quốc tế xếp đầu bếp theo ba hạng: hạng thấp gọi là COOK, hạng giữa gọi là SOUS CHEF, hạng nhất thượng đẳng là CHEF, chữ chef không hề có chữ i. Đoạt giải Chef quốc tế như anh Hưng là vinh dự tột đỉnh trong ngành nấu ăn. Xin chúc mừng Anh Hưng. Anh là niềm hãnh diện của người Việt chúng tôi.

Ông Từ Hoè là người rất mê anh John. Ông mê anh vì anh thông minh tài ba, vì anh vui vẻ hoạt bát, và vì anh nói tiếng Việt giỏi tuyệt vời. Nhân lúc anh John còn đang trên diễn đàn, ông Từ Hoè hỏi anh một câu khá hóc buá. Rằng ngày xưa khi bắt đầu học tiếng Việt, anh có thấy mạo từ Cái và Con trong tiếng Việt rắc rối và khó không ? Anh John liền gật đầu và cười khà khà, rồi anh kể:

Lúc đầu tôi thấy khó lắm, tại sao nói con chim, con cá mà không nói cái chim cái cá, giống như cái bàn cái ghế. Tôi cứ nói sai hoài. Rồi chợt ngày đẹp trời kia, tôi tình cờ đọc thấy một chuyện tiếu lâm, đọc xong thì tôi ngộ, không bao giờ tôi nói sai nữa. Chuyện như thế này: Có một anh Mỹ lấy vợ VN và bắt đầu học tiếng Việt với vợ. Bữa đó hai vợ chồng bơi thuyền trên Hồ Than Thở Đà Lạt. Anh chồng Mỹ thấy hồ đẹp qúa, bèn nói: Trời ơi, con hồ này đẹp quá. Cô vợ liền sửa sai: Không phải con hồ mà là cái hồ. Ít lâu sau anh chị đi tàu trên sông Saigon, anh nói: Chà, cái sông này nước chảy dữ ha. Cô vợ lại sửa: Không phải cái sông mà là con sông. Anh chồng bèn giơ tay lên trời: Khó qúa, lúc nào thì nói cái lúc nào thì nói con đây ? Cô vợ vốn là nhà giáo trả lời ngay: Dễ mà, thứ gì động đậy thì dùng con, như con sông, con gà, con chuột, còn thứ gì không động đậy thì dùng cái, như cái nhà, cái bàn, cái ghế. Anh chồng Mỹ nghĩ một lúc rồi cười hề hề với vợ: Hèn chi thứ ấy của anh thì gọi là con, còn thứ ấy của em thì gọi là cái. Cả làng nghe xong, phá ra cười như sấm, cười to qúa sức. Chị Ba Biên Hòa giơ hai tay lên trời rồi kêu lên: Lạy Chúa tôi ! Cụ B.95 cũng kêu lên: Mô Phật ! Cô Cao Xuân đấm cô Tôn Nữ thùm thụp. Không khí vui vẻ ngày tết trong làng tự nhiên khởi sắc hẳn lên.

Kính chúc các cụ năm con Chuột vui vẻ, giỏi về con với cáí, và quanh năm thân tâm an lạc.

 

Trà Lũ (VietCatholic)