KHIÊM NHƯỜNG & KIÊU NGẠO

Khiêm Nhường và Kiêu Ngạo đều viết tắt là K.N. Nó giống nhau cách viết nhưng hoàn toàn khác nhau về tính chất. Khiêm nhường là khiêm tốn trong quan hệ đối xử, không giành cái hay cho mình mà sẵn sàng nhường cho người khác; không tự mãn tự kiêu cho mình là hơn người. Kiêu ngạo là tự cho mình hơn nguời, coi thường những người khác. Ai cũng mến người khiêm nhường và ghét người kiêu ngạo, mặc dù kiêu căng là bản tính của con người. Theo Kinh Thánh, Satan, thiên sứ Lucifer phản nghịch muốn có quyền năng bằng Đức Chúa Trời nên bị Ngài nguyền rủa và đày xuống hỏa ngục.

Trong Kinh Thánh có đoạn nói về sự kiệu ngạo: Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tánh tự cao đi trước sự sa ngã (Sự sa ngã, theo Kinh Thánh là sự mất đi tính trong trắng vô tội của nhân loại tiếp theo sự không vâng lời của Adam và Eve khi nghe lời cám dỗ của Satan ăn trái Chúa cấm để có được sự tinh khôn và sẽ nên như những Thiên Chúa biết cả tốt xấu).

Tính kiêu ngạo thường dẫn tới tật khoe khoang những gì mình thực hiện được. Thánh Kinh cho rằng con người không có một cơ sở nào để hợm mình, khoe khoang về những gì mình có, hay những gì mình thực hiện được, vì tất cả là quà của Thượng Đế ban cho. Người có tài năng xuất chúng người đời gọi là thiên tài (divine gift) tức là cái tài do Thiên Chúa cho. Trong một bức thư Thánh Phao-Lồ gởi giáo hữu Cô-rinh-tô, Ngài nhắc nhở: “Ai bảo là anh chị em hơn người khác? Có gì anh chị em có mà không phải quà tặng đâu? Và nếu là quà tặng thì tại sao anh chị em tự hào như thể quà đó do tay mình làm ra?”

Người kiêu ngạo chỉ thấy mình là tất cả, mình tài giỏi hơn, khôn ngoan hơn người khác, ý của mình luôn đúng, văn thơ mình luôn hay, họ không thấy trời cao đất rộng, như ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.

“Sự kiêu ngạo của người sẽ làm hạ người xuống, nhưng ai có lòng khiêm nhường sẽ được cất lên”.

(St)