Hình Thành Khu Vực Ông Tạ và Các Giáo Xứ Quanh Vùng

 

“THỦ PHỦ” BẮC 54 TOÀN MIỀN NAM LỘ DIỆN VỚI 3 CỬA Ô CÓ... 9 NGHĨA ĐỊA

 

Có mặt sau khu vực mặt nam đại đồn Chí Hòa vốn cao ráo một chút, mặt bắc đại đồn xưa cũng nhanh chóng chen chúc những gương mặt Bắc, trên một khu vực sình lầy, hoang hóa hơn khu vực anh em bên kia; chính thức mở ra khu Ông Tạ, dân Ông Tạ.
Bốn giáo xứ Nghĩa Hòa, Nam Hòa, Lộc Hưng, Sao Mai ở cạnh phải, mặt nam đại đồn Chí Hòa vậy đã có những bước chân Bắc di cư đầu tiên. Ngần ngừ một chút, nhưng cạnh trái, mặt bắc đại đồn xưa cũng nhanh chóng hình thành bốn giáo xứ Bắc: Nam Thái, An Lạc, Thái Hòa, Tân Chí Linh; kéo dài hơn 2/3 con đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), tính từ ngã ba Ông Tạ.

 

NAM THÁI CỦA “THỦ PHỦ” ÔNG TẠ - NHƯ QUẬN NHỨT VỚI SÀI GÒN

Thật ra, cộng đoàn giáo dân đầu tiên đến khu vực ngã ba Ông Tạ hiện nay không phải là bà con giáo xứ Nghĩa Hòa ở mặt nam đường Phạm Hồng Thái/Lê Văn Duyệt nối dài mà là Cổ Việt. Cả hai đều dân Thái Bình, ở ngoài Bắc cũng gần nhau, cùng cách Tòa Giám mục Thái Bình năm bảy cây số: Nghĩa Hòa vốn gốc xứ Nghĩa Chính, huyện Thư Trì (nay là xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình); Cổ Việt ở huyện Vũ Tiên (nay là huyện Vũ Thư).
Bà con giáo dân Cổ Việt lên tàu há mồm vào Nam rất sớm. Một tháng sau Hiệp định đình chiến, chia đôi đất nước Geneva 20-7-1954, giữa tháng 8-1954, vị linh mục chánh xứ Cổ Việt là Đaminh Vũ Đức Triêm đã cùng một số con chiên lên bắt đầu chuyến đi. Tàu bỏ neo ở Cần Giờ, chuyển tàu nhỏ về bến Bạch Đằng, tạm trú ở Bến Bình Đông (Q.8), rồi tới khu định cư Hố Nai (Biên Hòa), nhưng rồi không hiểu sao lại và đến ngã ba Ông Tạ giữa tháng 9-1954.
Lúc ấy, khu vực ngã ba Ông Tạ, cụ thể khu đất giáo xứ Nam Thái hiện nay như một khu đất hoang nhìn sang bên kia đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) là nghĩa địa Ông Tạ khá rộng. Trong đó, chỉ có một biệt thự liền với một dãy nhà trệt bảy gian liền nhau, không rõ làm gì. Biệt thự và dãy nhà này vốn của vợ chồng một sĩ quan Pháp hiến cho Tòa Tổng giám mục Sài Gòn sau Hiệp định Geneva trước khi về nước. Cha Triêm và các con chiên đã tạm cư tại căn biệt thự nói trên theo sự chấp thuận của Tòa Tổng giám mục.
Điều “oái ăm” xảy ra khi những cư dân Bắc di cư đầu tiên đến đây lại không “bén duyên” Ông Tạ. Cha Triêm vốn gốc giáo xứ Cổ Ra (Nam Định), nhưng đi tu và thụ phong linh mục bên Thái Bình. Khi thấy đoàn chiên ở xứ Cổ Việt, Thái Bình vào lập trại ở khu ông Tạ, một số giáo dân gốc Cổ Ra xưa “à thì ra cha Triêm là người quen”. Quen thì may rồi, đoàn chiên Cổ Ra rủ nhau theo cha đồng hương, ngày một đông.
Bà con quê cũ ai nỡ chối từ, nhưng ở thì không đủ chỗ, vì thế cha Triêm lên Tòa Tổng trình bày thực tế, xin Tòa Tổng “nhón tay làm phúc”. Nghe hợp tình hợp lý, Tòa Tổng giám mục Sài Gòn hào phóng ban ơn: cấp ngay cho bà con giáo dân Cổ Việt 3 ha đất ruộng. Đất này vốn của Giáo phận Sài Gòn, giao cho Nhà hưu dưỡng Chí Hòa quản lý (nay là giáo xứ Tân Việt), phía trên ngã tư Bảy Hiền, cách ngã ba Ông Tạ khoảng hơn 1 km.
Trở lại khu ngã ba, bà con Cổ Ra sang lại một số căn nhà của giáo dân gốc Cổ Việt và những vườn rau của bà con cố cựu nơi đây làm nhà, lập trại định cư dù cha xứ chưa có, phải nhờ cha Giuse Phạm Bảo Huấn, trại Nam Hòa bên kia đường coi sóc giùm.
Mãi đầu năm 1956, giáo xứ Nam Thái mới thành lập, mang ý nghĩa kết hợp tỉnh cũ của Cổ Việt và Cổ Ra xưa: Nam Định và Thái Bình. Vị trí nhà thờ hiện nay (xây mới năm 1994) vốn là vị trí ngôi biệt thự và dãy nhà trệt bảy gian xưa.
Khu vực Nam Thái quá đẹp, như quận Nhứt của Sài Gòn khi ôm luôn ba địa danh: ngã ba Ông Tạ, chợ Ông Tạ, phòng khám Ông Tạ.

 

PHÍA ĐÔNG TRÊN ĐƯỜNG PHẠM HỒNG THÁI: AN LẠC KẾT SỔ

Ngay cạnh bên Nam Thái, ngay sau đó, xuất hiện một giáo xứ khác mà “lịch sử” Ông Tạ luôn ghép đôi họ với nhau: An Lạc.
Năm 1954, linh mục Gioan Baotixita Trần Ngũ Nhạc cùng một số giáo dân di cư đến tạm cư ở “Phú Thọ lều”. Dù chờ tái định cư, họ vẫn nhanh chóng cùng nhau dựng một nhà nguyện bằng gỗ, vách ván, mái tôn.
Không hiểu vì sao cộng đoàn này ở “Phú Thọ lều” khá lâu như vậy, nhất là khi đã dựng một nhà nguyện riêng cho mình? Liệu có nhen nhóm ý nghĩ sẽ định cư luôn nơi này?
Nhưng cuối năm 1956, khu “Phú Thọ Lều” có lệnh giải tỏa với gợi ý về các vùng nông thôn như Cái Sắn, Tây Ninh… Một số giáo dân bàn với cha Nhạc: Tìm đất gần Sài Gòn, tự túc mưu sinh thay vì đến các khu tái định cư được hỗ trợ.
Lần xuống khu Ông Tạ, lúc ấy đã có mấy giáo xứ Bắc, cha Nhạc phát hiện một khu đất có chủ sát bên Nam Thái còn trống, cỏ hoang phủ đầy. Chủ đất là Nguyễn Văn Thêm, nhà bên phải ngõ Con Mắt. Cộng đoàn này tìm đến ông Thêm, đề nghị sang nhượng. Đất để không, ông chủ đất đồng ý. Người miền Nam vốn dễ dãi, hào phóng, đông người càng thêm vui, lại có tiền bỏ túi.
Khu đất này nằm xéo giáo xứ Lộc Hưng bên kia đường Phạm Hồng Thái/Lê Văn Duyệt nối dài (nay là Cách Mạng Tháng Tám) và kéo dài tới sát kinh Nhiêu Lộc. Không rõ những gương mặt tìm đến đất An Lạc ấy có bao nhiêu người Hà Nội, chắc cũng không nhiều. Nhưng lấy tên Hà Nội có “uy” hơn chăng nên ngay lập tức, một khu trại mới xuất hiện: “Trại Hà Nội”. (Thậm chí sau này, ngõ Con Mắt - con đường ngăn cách hai giáo xứ Nam Thái và An Lạc còn lấy tên đường Thăng Long; một khu chợ rất lớn đã hình thành, “âm mưu” lật đổ chợ Ông Tạ mang tên chợ Hà Nội…).
Ngày 1-1-1957, một giáo xứ mới có mặt trên đất Ông Tạ với cha Trần Ngũ Nhạc thành chánh xứ tiên khởi; mang tên An Lạc, hàm nghĩa "an cư lạc nghiệp”.
“Nghiệp” ban đầu của bà con cộng đoàn này có lẽ là tận dụng khu đất trũng thấp khá lớn sát rạch Nhiêu Lộc để trồng một loại rau “đặc sản” Bắc kỳ: rau muống, như khu vườn rau Lộc Hưng gần 5 ha đối diện bên kia đường. Hai khu trồng rau này đã chủ động cung cấp vô số rau, dĩ nhiên nhiều nhất là rau muống cho bà con cả khu Ông Tạ nhiều năm sau này, kể cả gần đây, trước khi nó bị cưỡng chế giải tỏa…
Qua khỏi An Lạc, bên kia đường, sát Lộc Hưng, chỉ cách một con đường Bắc Hải lúc ấy nhỏ xíu là nghĩa địa Đô thành Chí Hòa. Qua khỏi nghĩa địa là sang khu Hòa Hưng, cũng dân nhập cư mới, nhưng đa số là người Trung, người Nam.
Chợ Hòa Hưng bà con Ông Tạ bảo đó là “chợ người Nam”. Cũng có một số người Bắc ở đó, trên đường Tô Hiến Thành, nhưng là Bắc 1940, 1945, do ít ỏi nên ít nhiều đã “Nam hóa” từ lâu...
Ở đó có một khu vực cũng lừng lẫy chốn giang hồ: Cống Bà Xếp mà dân Ông Tạ cũng ngại “kiếm chuyện”, ngược lại dân Cống Bà Xếp cũng không muốn đụng chạm cái đám di dân Bắc kỳ Ông Tạ vốn quen phiêu lưu, sẵn sàng chơi tới. Nước sông, nước giếng không đụng nhau cho khỏe.
Trấn giữ cửa ngõ vào khu Hòa Hưng là một con hẻm cư dân võ nghệ đầy mình: hẻm chùa Định Thành. Trong hẻm có võ đường Hổ Bạch Ân của vị võ sư tài năng Trịnh Văn Ân, gốc Quảng Ngãi. Anh em nhà Vũ Đình Khánh, sau này là Sơn Đảo – trùm du đãng khu Ông Tạ từng thụ giáo nơi đây.
Đôi lúc đám con nít khu Lộc Hưng, An Lạc mải mê chơi, quá bước sang Hòa Hưng gây ồn ào là biết tay lực lượng thanh thiếu niên khu chùa này ngay.

 

CỬA NGÕ PHÍA TÂY: THÁI HÒA KHÉP GÓC

* Trở lại xứ Nam Thái ở ngã ba Ông Tạ. Khu bên kia đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) vốn là một nghĩa địa có từ lâu lắm của dân địa phương. Bản đồ của Sở Địa chính từ năm 1895 đã ghi nhận cái nghĩa địa thuộc quản lý của nhà thờ Chí Hòa này. Nhưng lúc ấy nó còn nho nhỏ.
Khi bà con giáo xứ Thái Hòa (thành lập năm 1956) tìm đến đây, nó đã kéo dài từ ngã ba Ông Tạ tới gần hồ tắm Cộng Hòa cách đó 300m, về hướng Bảy Hiền. Khu nghĩa địa này phân cách với Sở Chăn nuôi có từ thời Pháp bằng một con đường nhỏ cạnh hồ tắm Cộng Hòa xây dựng sau này.
Đôi khi vào đó, có lúc tôi lẩn thẩn đi coi mồ mả. Có cái đúc mái che bêtông, đá rửa, chắc của dân Ông Tạ qua đời sau này; có mộ chỉ có tấm bia, đắp đất, ngó hoang tàn lắm. Tôi thấy có vài tấm bia ghi năm sinh 18xx..
Những ngày đầu tiên của bà con Thái Hòa diễn ra cạnh khu nghĩa địa này; nên bà con Thái Hòa sinh hoạt cũng khá lặng lẽ; khép nép như bà con Sao Mai bên kia ngã ba.
Đành chịu vậy khi “tập đoàn” Nam Thái hùng hậu quá, dù bắt đầu chỉ là những túp lều dựng mặt ngoài nghĩa địa, chạy dọc đường Thoại Ngọc Hầu, từ ngã ba đến sát phòng khám Ông Tạ. Ở ngã ba, nó vòng sang Phạm Hồng Thái về hướng ngã tư Bảy Hiền. Có người sinh sống ngay túp lều đó, có gia đình mướn nhà trong khu nhà thờ Nam Thái bên kia đường Thoại Ngọc Hầu– lúc ấy cũng chỉ toàn nhà tranh vách đất, “giàu” lắm là nhà gỗ mái tôn…
Khu Thái Hòa chính thức kéo dài đến con hẻm bên hông hồ tắm Cộng Hòa, với một võ đường trong con hẻm này mà hồi nhỏ đi học tắt qua đây đến trường tiểu học Mai Khôi (nay là đường Bành Văn Trân), tôi hay dừng lại, há hốc mồm đứng xem. Hình như đó là võ đường Trung Sơn hay gì gì đó mà thời đó con nít tôi không nhớ.
Xéo con hẻm này, lên tiếp là cư xá Tự Do, thuộc xứ Chí Hòa. Bên này Thái Hòa, bên kia Chí Hòa, cánh phía Bắc khu Ông Tạ đã hình thành, lên tới ngã tư Bảy Hiền. Nhưng bên Chí Hòa còn có dân, còn bên Thái Hòa là đụng ngay Sở Chăn nuôi có từ thời Pháp. Đây vốn là nơi thực nghiệm chăn nuôi các loại động vật trong ngành canh nông như heo, bò, ngựa, gà … cho toàn khu vực các nước thuộc địa Đông Nam Á của người Pháp...
Pháp về nước, khu này như bỏ hoang, thỉnh thoảng có triển lãm trâu bò gà vịt gì đó (tuyệt đối không có chó nha, người Pháp thực nghiệm chó rõ ràng thua xa người Việt – Bắc kỳ). Toàn cây cổ thụ chứ hiếm khi thấy con bò con trâu nào nuôi thả ở đó.
Qua khỏi khu chăn nuôi, nhìn bên kia đường là Nghĩa trang Quân đội Pháp cũng mênh mông, có điều mồ mả thẳng thớm, quy củ, gọn ghẽ chứ không như nghĩa địa Ông Tạ, Thánh Minh...

 

CHỐT HẠ HƯỚNG BẮC: TÂN CHÍ LINH

Cộng đoàn giáo xứ Tân Chí Linh là lực lượng Bắc di cư cuối cùng, chốt hạ khu Ông Tạ trên trục đường Thoại Ngọc Hầu nằm bên kia sông Đuống, à quên, rạch Nhiêu Lộc, lúc ấy (1954-1955) nước còn trong như cái “ngòi đầu cầu” của bà Đoàn Thị Điểm ở Chinh phụ ngâm: “Ngòi đầu cầu nước trong như lọc – Đường bên cầu có mọc còn non” .
Tôi lẩn thẩn ngẫm nghĩ biết đâu khi nữ thi sĩ họ Đoàn viết những dòng này do… đã vô Sài Gòn, đến đoạn đầu con rạch này nên mới viết được như vậy (!). Bà sinh năm 1705, mất năm 1749, lúc Sài Gòn đã chính thức thuộc “nước Đại Việt ta từ trước” - năm 1698) rồi mà.
Quay trở lại chuyện Tân Chí Linh, cũng năm 1954, linh mục Đaminh Vũ Phụng Thiên (Thuyên) cùng với khoảng 150 người gốc xứ Tần Nhẫn, tỉnh Hưng Yên, địa phận Thái Bình, đến tìm đất tại khu vực Ông Tạ này để định cư và lập xứ. Sau đó có thêm một số bà con Hòa Định (Bùi Chu) đến định cư.
Cộng đoàn này gốc giáo xứ Tần Nhẫn, Hưng Yên; cách Tòa giám mục Thái Bình khoảng 70 km (hiện là nhà thờ Tần Nhẫn, thôn Tần Tiến, xã Minh Tân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên).
Điều thú vị là ngôi nhà thờ Tần Nhẫn ngoài Bắc vốn soi bóng bên một dòng kinh đào thì ngôi nhà thờ Tân Chí Linh cũng vậy, cạnh rạch Nhiêu Lộc, qua lại khu Nam Thái, An Lạc, Thái Hòa chỉ bằng một cây cầu nhỏ trên đường Thoại Ngọc Hầu.
Mưa lớn, cả bốn xứ này đều ngập nước lênh láng. Tất nhiên khu Tân Chí Linh cạnh rạch thì cái sự ngập nó nhiều hơn. Bà con, trẻ con khu này, trong đó có tôi, tự vịnh cái sự ngập của mình: “Tân Chí Linh – Có nhiều sình – Mất vệ sinh”, “Chúa Cứu Thế - Có nhiều dế - Rất chịu chơi”. (Xứ tên Tân Chí Linh, nhưng nhà thờ và ngôi trường tiểu học cạnh nhà thờ mà tôi học hồi 1969, 1970 đều mang tên “Chúa Cứu Thế”).
Lúc ấy, sình lầy và cỏ mọc đầy xung quanh ngôi nhà thờ đầu tiên của giáo xứ này (dựng năm 1955), lãng mạn thí mồ, nên cái lũ dế trồng dế mái tha hồ trống mái, sinh con đẻ cái, khỏe như vâm, mang ra đá không biết lùi. Đám con nít Tân Chí Linh sướng lắm. Đi lễ tối, dế kêu vang bên ngoài như phụ họa tiếng cầu kinh trong nhà thờ. Nói phải tội, mấy thằng con nít chúng tôi ngồi xem lễ trong nhà thờ mà dạ chỉ nghe tiếng dế bên ngoài như ma quỷ cám dỗ, cứ lẩm nhẩm cầu Chúa cho cha làm lễ nhanh nhanh một tí để còn ra bắt dế.
Ngôi nhà thờ này có hình dáng khá giống nhà thờ Tần Nhẫn ngoài Hưng Yên (hiện nay vẫn còn).
“Ta đi ta nhớ quê nhà” là đây chứ đâu; cất giống chắc cho đỡ nhớ quê; cũng là “nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Vậy nên cứ chỗ nào trống trống là rau muống mọc lên. Như trước nhà tôi trên đường Thoại Ngọc Hầu, ở xéo rạp hát Đại Lợi đến 1960 vẫn còn là cái ao rau muống của bà con trong xứ tranh thủ đất trống tăng gia sản xuất. Khu rạp hát, bullding (cao ốc) cùng tên Đại Lợi (cùng một chủ là trung tá Huệ) còn là cái vũng, cái ao trâu bò đằm mà các anh tôi và đám con nít “Bắc kỳ con” Tân Chí Linh thỉnh thoảng cũng ra giành đằm với trâu bò…
Phía trước khu rạp hát, cùng bên và cách nhà tôi vài chục mét (đến 1983 mới giải tỏa làm chợ Phạm Văn Ha hiện nay) là khu nghĩa địa bao la. Không phải một mà là nhiều nghĩa địa san sát nhau, cách nhau bởi những rào kẽm gai hay bờ tường: Thánh Minh tương tế, Trung Việt ái hữu, Vĩnh Long…
Bên cạnh khu nghĩa địa này là một con hẻm rất nhỏ. Một bên hẻm là bờ tường dài che nghĩa địa. Có một võ đường trong đó mà sau này tôi chắc chắn đó là võ đường Vovinam, vì khó quên những tiếng hô “Nghiêm lễ... Lễ!” uy nghiêm đầu và cuối buổi tập - trong đêm Ông Tạ. Võ nghệ đầy mình thì họ còn sợ gì ma sống cũng như ma chết đầy khu Ông Tạ...
Nói ma sống là thật. Mẹ tôi kể: mãi năm 1960, đứng trên bancông can gác gỗ nhìn về phía Đại Lợi ấy còn là ao nước, cỏ hoang, còn thấy trộm cướp ngờ ngờ giữa ban ngày ban mặt mà không ai dám hó hé gì. Trụ sở Hội đồng xã Tân Sơn Hòa ở xa tuốt bên kia ngã tư Trương Minh Ký (nay là một trường mầm non, bên cạnh trường Ngô Sĩ Liên). Qua Hội đồng xã đến ngã tư Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển), bên trái ra khu Lăng Cha Cả, bên phải là khu đất rộng mênh mông của Sở Bảo vệ mùa màng, chuyên trồng thí nghiệm rau củ quả gì đó chứ dân không bao nhiêu. Đi thẳng dăm chục mét là cuối đường, lúc ấy là đất trống, chưa có Bệnh viện dã chiến Hoa Kỳ đầu đường.
Lên nữa là đụng một bãi cỏ hoang rất lớn chắn ngang, rộng đến mấy hectar (nay là công viên Hoàng Văn Thụ), cửa ngõ vô phi trường Tân Sơn Nhứt. Trong khu cỏ hoang này có một hồ tự nhiên, ước đến mấy ngàn mét vuông (giờ vẫn còn trong công viên).
Đám con nít khu Đại Lợi và xung quanh ngày hè nóng nực kéo đến ngụp lặn khá đông. Có lần, lúc 6, 7 tuổi gì đó, tôi cẩn thận cởi áo quần để trên bờ mới nhảy xuống tắm. Khi lên, cái quần không cánh mà bay. Đứa nào lấy tôi không biết, nhưng nó ở đâu thì có chế tôi cũng bảo: khu Lăng Cha Cả, một kình địch Bắc di cư của Ông Tạ. Đám này thì không phải dễ chơi, nhất là đang trong tình trạng... oái ăm như thế. Đành phải nuốt hận vào lòng, năn nỉ một thằng cùng xóm tắm chung về nhà cách đó hơn nửa cây số lấy quần áo khác, mặc vào , mới dám lên bờ, rảo bước về...
Khu giáo xứ Tân Chí Linh dàn ngang theo rạch Nhiêu Lộc, bao trọn mặt trên ba giáo xứ Nam Thái, An Lạc, Thái Hòa.

Lên chút nữa là đường Bùi Thị Xuân, lên nữa là ngã tư Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ), lên tiếp là đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ). Chấm hết đường Thoại Ngọc Hầu dài 980 mét, chốt hạ cửa ô phía Bắc Ông Tạ.

 

“THỦ PHỦ” ÔNG TẠ BUỔI BAN ĐẦU: CŨNG “CÓ RIÊNG” MỘT... NGHĨA ĐỊA
Chỉ ít lâu sau, những túp lều nơi đây đã thành nhà gỗ, mái tôn, che khuất cái nghĩa địa u ám phía sau. Thỉnh thoảng, hồi năm 1970, 1971, đi học đường tắt đến trường Mai Khôi (nay là trường Bành Văn Trân) trên đường Thánh Mẫu (nay là đường Bành Văn Trân, Tân Bình) bên kia đường cho khỏi qua khu chợ Ông Tạ lầy lội, qua nghĩa địa này, tôi thấy vẫn còn cái giếng nước này nằm trong một góc nghĩa địa. Giếng có đường kính phải đến hai mét, khá sâu; mùa khô nhìn xuống, đáy lờ mờ, rộng hơn mặt giếng.
Vậy mà thuở ban đầu, ba bốn chục gia đình phía ngoài đường Thoại Ngọc Hầu (Phạm Văn Hai hiện nay) và Phạm Hồng Thái/Lê Văn Duyệt nối dài (nay là Cách Mạng Tháng Tám) mấy chục gia đình ăn uống, tắm giặt… với cái giếng này; mạch nước chảy dưới bao nhiêu ngôi mộ.
Trong đó, tôi nghĩ có cả gia đình anh em nhà ca sĩ Ngọc Trọng – MC Nguyễn Ngọc Ngạn ở phía ngoài vì gia đình ông Ngạn đã về đây từ 1957, sau một thời gian sống ở khu định cư tại Củ Chi. Lúc đó, khu Ông Tạ chưa có nước phôngtên. Nhà gia đình ca sĩ Giang Tử cũng gần nhà gia đình ông Ngạn, thuở ban đầu, gia đình ông bán hàng tre nứa đan: rổ rá, thúng mủng…
Khó mà nói dãy mồ mả nghĩa địa Ông Tạ mênh mông phía sau nhà các vị này không ảnh hưởng họ. Nếu không, sao sau này bên Canada, nhà văn – MC Nguyễn Ngọc Ngạn đầy những “hồn ma bóng quế” và ca sĩ Giang Tử toàn hát những bài Bôlêrô buồn như... đưa đám: “Lá thư trần thế”, “Hàn Mặc Tử”, “Hoa nở về đêm”, “Sương lạnh chiều đông”, “Chuyến đi về sáng”... Nghe kỹ thử xem, ai oán thê lương lắm lắm...
Chợ Ông Tạ vốn những ngày đầu tiên này chưa có chợ mà là chỉ những gian, sạp hàng bày dọc đường Thoại Ngọc Hầu, tập trung quanh ngã ba xuống phòng khám Ông Tạ (nay là phòng khám đông y Trần Thái Đường – cháu nội Ông Tạ, số 272 Phạm Văn Hai). Người bán là các chị các em gái Bắc kỳ mới vào Nam còn nguyên má đỏ môi hồng “nết na trong xóm”; những bà cụ chân đất, vấn khăn, răng đen, nhai trầu… cười hiền “như thóc với khoai”.
Những quầy hàng, thúng mủng ấy bán rau cỏ trồng bên vườn rau Lộc Hưng hiện nay, ao rau muống trong ngõ Con Mắt xứ An Lạc. Gà qué, thịt heo nhà nào đó nuôi, ngả ra mang bán… Nói bây giờ là “rau nhà trồng, gà thả vườn, heo thả ruộng” gì gì đó, rất sinh thái chứ không biết xài hóa chất, “bùa chú” này nọ như hiện nay… Rồi những nhu yếu phẩm như kim chỉ, rổ rá rế (kê nồi, nấu than củi đen kìn kịt)…
Tất nhiên không thể thiếu là thuốc lào, mua từ khu định cư Bắc 54 Cái Sắn ở miền Tây đưa lên. Những gói thuốc lào ban đầu không tên tuổi, thường chỉ quảng cáo miệng là “thuốc lào Cái Sắn” được cho là êm say như thuốc lào Hà Nội trước 1954, gói bằng lá chuối khô hút ẩm tuyệt vời. Sau có tên hẳn hoi: ba số 8 của nhà họ Khổng Trung, rồi 4 số 8 “êm say như á phiện” đầu ngã ba, Giang Ký bên kia cầu Ông Tạ...
Hút bằng điếu bát mang từ Bắc vào (mấy ông bà Bắc kỳ này thật bái phục, mang cả bát điếu sành sứ dễ vỡ lên tàu vào Nam mới ghê). Điếu cày thì thoải mái, những bụi tre gộc lúc ấy còn đầy trong khu vực. Những bụi tre gai này có ở đâu chắc lâu lắm rồi; hồi đại đồn Chí Hòa dựng nên, nó trở thành hàng rào, thành chông… dày đặc xung quanh chiến lũy, cản bước liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công đại đồn năm 1861.

 

VẬY LÀ KHU ÔNG TẠ ĐÃ THẬT SỰ LỘ DIỆN, VÀ BỊ ĐỊA THẾ KHU VỰC KHOANH LẠI, CHẶN LẠI CHỨ CŨNG KHÔNG PHẢI HOÀN TOÀN TRONG Ý MUỐN CỦA HỌ: TỨ PHÍA XUNG QUANH KHU ÔNG TẠ TOÀN RỪNG CÂY ĐẤT THỰC NGHIỆM, NGHĨA ĐỊA VÀ KHU QUÂN SỰ (BỘ TỔNG THAM MƯU VNCH, SÂN BAY, TRẠI DÙ NGUYỄN TRUNG HIẾU, TRẠI SƯ ĐOÀN DÙ HOÀNG HOA THÁM...).

DÂN CƯ ÔNG TẠ LỌT THỎM TRONG ĐÓ, CHEN CHÚC DÀY ĐẶC TRONG ĐÓ – TỪ NHỮNG BUỔI ĐẦU TIÊN...

P/s: Vậy khu Bảy Hiền, Chăn nuôi, Kiến Thiết, Tân Sa Châu, Lăng Cha Cả, Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển)... có thuộc về Ông Tạ? Xin chờ stt sau sẽ rõ...

 

(Cù Mai Công)