HANG ĐÁ BÊ-LEM

Hàng năm, cứ bước vào Mùa Vọng là các gia đình Công Giáo chuẩn bị làm hang đá, các giáo xứ làm hang đá trong khuôn viên Thánh Đường. Nhiều nơi làm hang đá rất sinh động, đa dạng tùy theo quan niệm và truyền thống văn hoá của mỗi dân tộc. Người Việt Nam cũng là một trong những dân tộc có hoa tay "sáng tạo" hang đá Bêlem khá độc đáo.

Còn nhớ ngày xưa, khi bước vào Mùa Vọng, chúng tôi có nhiệm vụ chuẩn bị làm hang đá cho nhà thờ (lúc đó chúng tôi là huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể). Một số anh em đi đào đất "thịt" thật dẻo về nhào nặn để làm các tượng cho hang đá Bêlem. Nào là Thiên Thần, Mục Đồng, Ba Vua, chiên, bò, hươu, nai, lừa, V.V.... Nặn tượng xong, phơi nắng, rồi lại đi tìm kiếm cây Noel. Cây thông ở dưới vùng chúng tôi lúc đó không có, nên phải xuống Kênh 6, nơi có nhiều cây cối mọc hoang ngoài bờ đìa, bờ ruộng, chọn cây nào thật đẹp, thỉnh về, trồng gần hang đá Bêlem, rồi trang điểm thành cây Noel. Những vật liệu để làm hang đá lúc đó thường là: một đống giấy bao xi-măng để làm các tảng đá, những cục pin cũ để lấy than đen sơn lên đá, và vôi trắng trang điểm cho hang đá, ... vân vân... Mọi người cùng chung tay hì hà, hì hục hơn một tuần thì hang đá Bêlem cũng được hoàn thành - với các bức tượng... thôi thì đủ cỡ, đủ sắc thái, "thiên hình vạn trạng"_ trông rõ hay ! Nhưng lạ chưa, sau khi sơn phết các pho tượng, trang điểm các thứ vào, cùng với những ánh đèn màu chạy xung quanh, thì hang đá trở nên lung linh huyền ảo, thánh thiện không ngờ. Vào đêm Giáng Sinh, các cụ, các bà... đến viếng, cảm động, mấp máy đôi môi, chắp tay, cúi đầu bái lạy ... Lạy Chúa Hài Đồng .

Thật ra, ngày ấy chúng tôi chỉ biết chăm chỉ làm hang đá sao cho thật đẹp, thật nổi. Vừa làm vừa tự thêm thắt cái này, cái kia vào, chứ chẳng có mẫu mã gì nhất định - đúng là hang đá Bêlem đã bị "tam sao thất bổn". Hồi đó chúng tôi chưa hiểu rõ các bức tượng cùng các vật dụng trong hang đá (như máng cho lừa ăn, cỏ khô, chiếc khăn cuốn Chúa Hài Đồng, V.V..) có mang những ý nghĩa rất sâu sắc theo Thánh Kinh, vậy mà chúng tôi cứ tự vẽ vời, làm như thật. Chúng em là thế đấy, còn các vị "thông thái" chắc là am hiểu hết mọi sự (?).
Sau này có dịp tìm hiểu các tài liệu trên internet, thì hạ nhân mới khám phá ra lai lịch của người làm hang đá đầu tiên, và cũng được nghe những lời giải thích về ý nghĩa của các ảnh tượng và các thứ khác nữa trong hang đá Bêlem. Đúng là "Mầu Nhiệm Giáng Sinh".

Nay xin trích lại một số trong các sự kiện đó, để cùng chia sẻ với nhau trong niềm vui chuẩn bị mừng kỷ niệm Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Sinh lần thứ 2014.

 

I. Ai là người trưng bày hang đá Bê-lem đầu tiên và ở đâu ?

Ai đã trưng bày hang đá Bêlem lần đầu tiên ? Đó là do sáng kiến của thánh Phanxicô thành Assisi. Theo tác giả Omer Englebert kể: vào năm 1223, chỉ còn đúng 2 tuần lễ nữa là đến ngày mừng lễ Chúa Giáng Sinh, Phanxicô Assisi lúc đó đang trên đường từ Rôma trở về làng Assisi, quê hương của ngài; khi đi ngang qua làng Greccio thì Phanxicô gặp một thày tên là Jean Velita, thày này mới tập tu, Phanxicô liền ngỏ lời với thày ấy rằng : “Ta mong ước cử hành lễ Giáng Sinh để suy tôn Chúa ra đời ở Bê-Lem, nhưng để thể hiện nỗi cơ cực và khổ đau của Chúa ngay từ lúc còn thơ để cứu chuộc nhân loại, ta xin con làm một hang đá giống như thật với cỏ khô, rồi con dẫn một con lừa và một con bò vào để cho giống với con bò con lừa đã chầu quanh Chúa Hài Đồng năm xưa nhé’’. Thế là thày vâng lời, đi làm một hang đá giống như lời Phanxicô dặn.

Còn Phanxicô, sau khi công bố Tin Mừng xong, ngài chia sẻ Lời Chúa cho những người đến nghe. Ngài kể chuyện sự tích về một vị ‘‘Hoàng Đế nghèo’’ sống trước ngài 12 thế kỷ, được sinh ra tại Bê-Lem mà người ta thường gọi Ngài là Giêsu, tức “Hài Đồng Bê-Lem”. Giảng xong, Phanxicô giả bắt chước giọng của con chiên, con lừa kêu “Bethlélem! Bethélem!!!’’, tức thì người ta liền thấy Hài Nhi Giêsu đang ngủ trong hang đá chợt thức giấc và nhoẻn miệng cười.

Hang Đá Chúa Hài Đồng đầu tiên tại Greccio được loan truyền rộng rãi, sau đó hàng năm, tại các giáo xứ và nhà nhà khắp nơi trên thế giới, người ta bắt đầu làm hang đá với cây thông để mừng Lễ Chúa Giáng sinh.

II. Ý nghĩa của các bức tượng và các vật dụng trong hang đá

Về các tượng được trưng bày trong Hang đá, mỗi tượng đều có một ý nghĩa tượng trưng riêng biệt như sau:

1) Chúa Hài Đồng

Là tượng nhỏ nhất trong hang đá. Tuy là tượng nhỏ nhất nhưng lại là trung tâm của hang đá, được đặt trong một cái máng ăn của loài vật lót đầy cỏ khô. Chúa Hài Đồng được quấn bằng một chiếc khăn màu trắng.

Chiếc máng ăn của chiên bò và nắm cỏ khô lót trên đó tượng trưng cho sự nghèo hèn tột độ của Chúa. Ngài nghèo đến độ chẳng có gì là tài sản của mình. Còn chiếc khăn trắng quấn Chúa Hài Nhi Giêsu là dấu hiệu báo trước chiếc khăn sẽ liệm xác Ngài sau khi Ngài chết trên núi sọ vì tội lỗi của nhân loại.

2) Mẹ Maria

Từ năm 1400, tượng Mẹ Maria mới được trưng bày trong hang đá như một người đang chìm sâu trong sự thờ lạy, yêu mến và suy ngắm mầu nhiệm Giáng sinh của Chúa Cứu Thế. Tuy vậy, khuôn mặt của Mẹ Maria cũng không thiếu những băn khoăn, những lo âu như của bao người mẹ khác khi sinh đứa con đầu lòng cùng với những vui - buồn lẫn lộn. Như suy nghĩ về con trẻ sẽ lớn lên thế nào? Nó sẽ sống ra sao trong một thế giới thiếu tình người, ích kỷ, hận thù, ghen ghét?.... Tuy băn khoăn lo lắng, nhưng Mẹ không bao giờ thất vọng trước tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Mẹ hoàn toàn tín thác tất cả cho Đấng đã tin tưởng Mẹ.

3) Thánh Giuse

Thánh Giuse thường mang một chiếc áo choàng rộng, tượng trưng cho sứ mệnh cao cả nhưng đầy khó khăn mà Thiên Chúa Cha đã giao phó cho thánh nhân: Đó là sứ vụ bảo vệ Con Một của Người là Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ nhân loại và Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Người.

Chiếc đèn thắp sáng mà thánh Giuse cầm trong tay nói lên sứ mạng chăm sóc và gìn giữ Hài Đồng Giêsu. Tượng thánh Giuse được đặt đứng ở phía bên tay phải, bên cạnh các con bò đang chiêm ngắm Chúa Hài Đồng với vẻ mặt vui sướng và tin tưởng.

4) Các Thiên Thần

Vào đêm Chúa giáng sinh trong hang chiên lừa xa xôi hẻo lánh, thiếu bóng người qua lại thăm viếng, nhưng ca đoàn các Thiên Thần từ trời cao xuất hiện thờ lạy và ca hát mừng Chúa Hài Đồng với những điệu nhạc du dương huyền diệu: «Gloria in excelsis Deo», “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Chính các Thiên Thần là những vị đi báo tin cho các mục đồng đang ngủ ngoài đồng một tin vui: “Hôm nay, Đấng cứu độ đã sinh ra cho loài người”.

5) Các Mục đồng

Các mục đồng với nét mặt vô cùng vui mừng và ngạc nhiên chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu mới sinh đặt nằm trong máng cỏ. Họ biểu tượng cho từng lớp người nghèo mà Thiên Chúa đặc biệt quan tâm ưu ái. Họ cũng là đối tượng được Chúa Cứu Thế yêu thương, bảo vệ và đề cao, vì họ sẽ được “Nước Trời là của họ”. Con Thiên Chúa đã muốn trở nên một trong những người bé nhỏ như họ, sinh ra trong cảnh nghèo hèn và khiêm tốn. Người còn tự đồng hóa với họ khi tuyên bố: «mỗi lần các ngươi làm như thế cho những kẻ bé mọn nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta» (Mt 25,40).

6) Các con bò và lừa

Các loài vật là «các bầy tôi» dễ thương phục dịch cho Chúa Giêsu Hài Đồng ngay từ giờ phút đầu tiên khi Người cất tiếng chào đời. Những con bò tượng trưng cho người Do-thái đang phải gồng mình dưới sức nặng của luật pháp, nhưng đồng thời cũng tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực. Còn những con lừa tượng trưng cho dân ngoại mang thân phận loài vật chuyên chở trên mình bao gánh nặng tội lỗi, trong đó gánh nặng nề nhất là tội không nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Tối Cao duy nhất và là Tạo Hoá của muôn loài. Đồng thời những con lừa cũng tượng trưng cho sự lao công và sự thờ tự. Sự hiện diện của những con bò và lừa trong Hang đá Bê-lem muốn diễn tả ý nghĩa: Đức Kitô đã gánh mọi tội lỗi nhân loại, và sau cùng Ngài hiến tế chính bản thân Ngài làm của lễ đền tội cho nhân loại.

7) Ba Vua

Nghe tin Đấng Cứu Thế đã sinh ra, ba nhà đạo sĩ từ Phương Đông đến để triều bái và dâng tiến Hài Nhi những lễ vật. Những nhân vật đó là:

• Melchior : quì gối dâng lên Chúa vàng, tượng trưng cho quyền lực và sự giàu sang. Ông là người Âu Châu.

• Balthasar : đứng ôm trên tay bình đựng nhũ hương, tượng trưng của lễ hiến tế và sự cầu nguyện. Ông là người Á Châu.

• Caspar : là vị đạo sĩ trẻ nhất, đứng sau hai vị kia và ôm trên tay bình đựng mộc dược, tượng trưng cho sự đau khổ và sự chết. Ông là người gốc Phi Châu với nước da đen sậm.

Ngoài ra, còn có một vị vua thứ bốn tên là Artaban, ông là người ít được nhắc đến và được trưng bày trong hang đá, tượng trưng bằng viên đá quý.

8) Các hình tượng khác

Tuỳ theo quan niệm văn hóa và sở thích của mỗi nơi, mỗi miền mà người ta trưng bày trong hang đá những tượng khác nữa; mặc dù trên thực tế, những tượng đó không có chỗ đứng chính thức và quen thuộc trong hang đá, nhưng mỗi tượng cũng mang một ý nghĩa tượng trưng, sâu sắc. Chẳng hạn, tượng bác nông phu đang cầm cày, tượng trưng cảnh thiên nhiên chốn thiên đàng trong đêm Giáng Sinh. Bác tiều phu, tượng trưng cho người quản trị những mầu nhiệm nguyên thuỷ của nhân loại, mà ngày nay trong thời đại kỹ thuật đã bị đào thải. Bác ngư phủ, tượng trưng cho sự cứu thoát đã được thực hiện. Và sau cùng là các nhạc công, tượng trưng cho sứ mệnh đi loan báo Tin Mừng cho mọi người.

Nguyện xin Chúa Hài Đồng Giêsu, qua lời bầu cử của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, ban cho mỗi người chúng ta được luôn AN BÌNH, đầy PHÚC LÀNH và trào tràn NIỀM VUI SÂU THẲM của Chúa Hài Đồng Giêsu trong Mùa Giáng Sinh cũng như trong suốt cuộc hành trình trên dương thế.

 

 

Sưu tầm