Giải pháp nào sẽ đem nhân quyền đến với Việt Nam?

2007.06.15

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Đầu tuần tới, ông Nguyễn Minh Triết, Chủ Tịch Nước Việt Nam sẽ bắt đầu chuyến viếng thăm Hoa Kỳ. Chuyến đi khởi đầu vào ngày 18 ở thành phố New York, gặp Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush và các nhà lãnh đạo Quốc Hội Liên Bang Mỹ tại Washington vào ngày 22, và kết thúc sau bữa tiệc chiêu đãi của Thị Trưởng thành phố Los Angeles vào trưa ngày 23.

Hôm 29-5-2007, Tổng Thống George W. Bush và Phó Tổng thống Dick Cheney đã gặp 4 đại diện của những tổ chức tranh đấu, vận động cho dân chủ Việt Nam là các ông Nguyễn Quốc Quân, Chủ Tịch Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản; ông Ðỗ Hoàng Ðiềm, Chủ Tịch Ðảng Việt Tân, ông Ðỗ Thành Công, thành viên Ban Lãnh Ðạo Ðảng Dân Chủ Nhân Dân; và ông Lê Minh Nguyên, Trưởng Ban Ðiều Hành Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, tại phòng Bầu Dục của Tòa Bạch Ốc. AFP PHOTO/Mandel NGAN
>> Xem hình lớn hơn

Rất nhiều vấn đề sẽ được nhà lãnh đạo Việt Nam và các quan chức cao cấp Hoa Kỳ đặt ra trong các cuộc thảo luận, từ an ninh quốc phòng, hợp tác phát triển quan hệ song phương, trao đổi kinh tế, thương mại, giáo dục, cho đến nhân quyền, một vấn đề mà mới hồi đầu tuần này, người phát ngôn Nhà Trắng lên tiếng cho biết Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush rất quan tâm, và sẽ thẳng thắn trình bày với vị Chủ Tịch Nước Việt Nam.

Giải pháp nào sẽ đem nhân quyền đến với Việt Nam? Ðó là câu hỏi được chúng tôi đặt ra với Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên, Trưởng Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, trụ sở đặt tại bang California, Hoa Kỳ. Cách đây 3 tuần lễ, Tiến Sĩ Nguyên là một trong 4 người được Tổng Thống Hoa Kỳ mời đến gặp ông ở Nhà Trắng để trình bày về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày nay và đóng góp ý kiến cải thiện tình trạng đó.

Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và Ban Việt Ngữ chúng tôi xin gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Chế độ dân chủ pháp trị thực sự

Nguyễn Khanh: Trước hết thay mặt quý thính giả, Ban Việt Ngữ chúng tôi xin cám ơn Tiến Sĩ đã dành cho buổi nói chuyện hôm nay. Biết Tiến Sĩ vừa mới từ Ba Lan dự Họp Mặt Dân Chủ về lại Hoa Kỳ, nên muốn hỏi là có khi nào ông nghĩ đến một giải pháp cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam hay không?

Việc dân chủ hóa Việt Nam là công việc của toàn thể dân tộc, Tổng Thống Bush khi gặp chúng tôi ngày 29/5/2007 có nói là “dân chủ phải do chính người dân trong nước muốn và đứng lên đòi thực hiện”, ông và Hoa Kỳ “chỉ có thể hỗ trợ”.

Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên

Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên: Thưa anh, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam là một tổ chức có tính cách chuyên biệt, chú trọng đến việc bênh vực, bảo vệ và thăng tiến nhân quyền của người dân trong nước, dù cho chế độ chính trị ở bất cứ dưới dạng thức nào. Riêng cá nhân tôi, tôi tin rằng một chế độ dân chủ pháp trị thực sự sẽ giúp cho nhân quyền được tôn trọng.

Việc dân chủ hóa Việt Nam là công việc của toàn thể dân tộc, Tổng Thống Bush khi gặp chúng tôi ngày 29/5/2007 có nói là “dân chủ phải do chính người dân trong nước muốn và đứng lên đòi thực hiện”, ông và Hoa Kỳ “chỉ có thể hỗ trợ”. Do đó, người dân trong nước thuộc tất cả mọi thành phần phải tích cực xăng tay áo, tham dự vào tiến trình dân chủ hóa này, kể cả những người trong đảng Cộng Sản Việt Nam.

Theo tôi, một giải pháp ôn hoà, diễn ra trong một xã hội có nhiều động tính, để tạo một sự thay hình đổi dạng cái hệ thống độc tài đảng trị sang hệ thống dân chủ pháp trị cần phải được thực hiện. Tiếc là trong kỳ bầu cử Quốc Hội ngày 20/5/2007 vừa qua chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội thay hình đổi dạng này, vì họ đã không để cho người dân được thực sự tự do trong việc ứng cử và bầu cử.

Việc tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội cũng sẽ tích cực góp phần vào việc thay hình đổi dạng chế độ, nhưng chính quyền Việt Nam vẫn chủ trương chỉ thay đổi hiện tượng chứ không thay đổi bản chất, do đó cho đến nay, tất cả việc các việc làm của họ chỉ là huê dạng bên ngoài và chưa có nội dung.

Phương cách thực hiện

Nguyễn Khanh: Làm sao để thực hiện giải pháp mà ông vừa nói?

Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên: Thực hiện giải pháp này đòi hỏi phải tạo ra cái thế mà chính quyền Cộng Sản Việt Nam không thể cưỡng lại được, thí dụ như Hoa Kỳ và thế giới tự do luôn luôn kềm giữ những áp lực cần thiết và đúng chổ, trong khi đó thì các lực lượng như sinh viên, công nhân, tín đồ các tôn giáo lớn đứng lên bày tỏ ước vọng của mình một cách ôn hoà, bất bạo động ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn hay Huế chẳng hạn.

Những người Cộng Sản muốn dân chủ hóa chế độ yểm trợ ngầm bằng cách không cho công an hay quân đội đàn áp họ, những người Việt hải ngọai yểm trợ vật chất và tinh thần va nhanh chóng chuyển tin để họ có khả năng tranh đấu lâu dài cho đến khi đạt được mục tiêu.

Nguyễn Khanh: Trong tinh thần đó, theo ông, sự kết hợp giữa trong và ngoài nước sẽ như thế nào ?

Chúng tôi đã thảo luận sâu rộng về ý nghĩa của cuộc gặp gỡ này và nhận thấy rằng đây là cơ hội để chúng tôi trình bày trực tiếp đến Tổng Thống Hoa Kỳ về tình trạng đáng quan tâm về nhân quyền và tự do dân chủ ở Việt Nam.

Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên

Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên: Sự kết hợp giữa trong và ngoài nước hết sức là thiết yếu, nhưng để tránh bị đàn áp thì nên theo hình mạng lưới.

Điều quan trọng là tạo được một bản nhạc mà tất cả các nhạc cụ và người chơi ngạc đều tích cực tham dự được, một ban đại hoà tấu. Nếu mãnh hổ không địch lại quần hồ là vì quần hồ biết hợp quần và tấn công mãnh hổ ở những vị trí với những khả năng khác nhau.

Tôi không e ngại có nhiều tổ chức tranh đấu cho tự do dân chủ, tôi chỉ e ngại là các tổ chức không tạo được đội hình và phản ứng theo nhịp điệu của cuộc đấu tranh. Theo tôi, việc trong ngoài cùng nhau xây dựng đội hình nó quan trọng hơn việc xây dựng một cá nhân hay một tổ chức lãnh đạo.

Liên lạc và thảo luận

Nguyễn Khanh: 3 tuần lễ trước đây, hình ảnh ông, Bác Sĩ Nguyễn Quốc Quân của Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, ông Ðỗ Thành Công của Ðảng Dân Chủ Nhân Dân và ông Ðỗ Hoàng Ðiềm Chủ Tịch Ðảng Việt Tân ngồi bên cạnh Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush và Phó Tổng Thống Dick Cheney ở Nhà Trắng được phổ biến khắp nơi.

Khi chia tay nhau ở Nhà Trắng, các ông đã nói gì với nhau, sau đó các ông có gặp nhau để bàn chuyện làm việc chung hay mạnh ai nấy về, mạnh ai nấy ở?

Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên: Thưa anh, một tuần trước khi gặp Tổng Thống Bush, chúng tôi đã thường xuyên nói chuyện điện thoại với nhau, tìm hiểu xem mục đích của buổi gặp gỡ này là gì, có lợi thế nào cho cuộc trranh đấu cho dân chủ và nhân quyền.

Một ngày trước khi gặp Tổng Thống Bush, tức tối ngày 28/5/2007 chúng tôi khỏang 14 người tiêu biểu cho nhiều tổ chức có gặp nhau, trong đó có anh Bác Sĩ Nguyễn Quốc Quân, anh Đỗ Thành Công, cá nhân tôi và anh Bác Sĩ Đặng Vũ Chấn thay mặt cho anh Đỗ Hoàng Điềm đang còn trên máy bay đến Washington D.C.

Chúng tôi đã thảo luận sâu rộng về ý nghĩa của cuộc gặp gỡ này và nhận thấy rằng đây là cơ hội để chúng tôi trình bày trực tiếp đến Tổng Thống Hoa Kỳ về tình trạng đáng quan tâm về nhân quyền và tự do dân chủ ở Việt Nam.

Chúng tôi cũng đồng ý với nhau rằng mỗi tổ chức khi nêu lên các đề nghị của tổ chức sẽ cùng nhau có ba điểm chung là thứ nhất, qua những sự đàn áp nhân quyền rầm rộ vừa qua, Hoa Kỳ cần đặt Việt Nam trở lại vào danh sách của những quốc gia đáng quan tâm tức CPC, thứ hai, đòi hỏi Việt Nam thả tất cả các tù nhân chính trị và tôn giáo, trong đó có anh Nguyễn Vũ Bình, Luật Sư Lê Quốc Quân, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Luật Sư Nguyễn Văn Đài, Luật Sư Lê Thị Công Nhân, và thứ ba là đòi hỏi Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do lập hội.

Trong khi gặp Tổng Thống Bush, chúng tôi đã luân phiên nhau trình bày đến Tổng Thống tình trạng đàn áp và gán ghép trơ trẻn của chính quyền Cộng Sản Việt Nam lên các nhà tranh đấu ôn hoà trong nước và có đạo đạt đến Tổng Thống các đề nghị của chúng tôi. Sau khi gặp Tổng Thống thì chúng tôi không có gặp nhau ngay nhưng có trao đổi là giữ sự liên lạc với nhau như chúng tôi đã làm trong tuần lễ trước khi gặp Tổng Thống.

Nguyễn Khanh: Các ông chỉ giữ liên lạc với nhau thôi hay sao? Các ông có bàn luận gì thêm với nhau hay không?

Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên: Thưa anh, giữ liên lạc chỉ là bước cần thiết đầu tiên. Chúng tôi sẽ thảo luận với nhau để có những hành động tích cực và kịp thời trước sự bang giao của hai chính quyền Việt Nam và Hoa Kỳ với những diễn tiến đang trải ra trước mặt.

Chúng tôi muốn cho họ biết rằng giữ hai thực thể ấy còn có đại khối người Việt hải ngọai và ước vọng của người dân trong một chế độ độc tài mà tiếng nói của họ lâu nay đã bị khinh rẽ hay bỏ quên.

Nguyễn Khanh: Thay mặt quý thính giả, xin cám ơn Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên.