Các Thi Phẩm:

Trăng Thập Tự (LM Võ Tá Khánh, 1947-) tác-giả Tâm Tình Tu Viện (1969),

Điệu Buồn Học Trò (1971), Có Ai Về Cát Minh (tuyển tập Thơ 1963-2004), v.v...

Qua thơ, Trăng Thập Tự đã để hồn mình nhập vào Thánh Kinh, cầu nguyện với lời thánh thiện, diễn tả sự vật và biểu hiện tâm cảm qua lăng kính của Đức Tin. Trong bài dẫn nhập tuyển tập Có Ai Về Cát Minh, Trăng Thập Tự đã cho biết về bút hiệu: "Trăng tượng trưng cho nghệ thuật, thập tự tượng trưng cho đời ta. Một bên tròn một bên vuông, tưởng chừng không sao hòa hợp được, thế nhưng khi Đức Giêsu gục đầu trên cây giá gỗ ấy thì quanh đầu Ngài tỏa ra một vòng hào quang... ". Như vậy tuyên ngôn thi ca của Trăng Thập Tự đặt nền tảng trên Thánh Kinh và với ông, có giằng co giữa nghệ thuật và đời tu: "Sau bốn mươi năm nhìn lại, con thấy biểu tượng trăng trong thơ con cũng có nhiều thay đổi, có lẽ phần nào cũng nói lên được sự gặp gỡ ngày càng sâu đậm giữa hai đối cực. Thoạt đầu, nghệ thuật dường như chỉ thuần là một cám dỗ có nguy cơ đe doạ đời thánh hiến"(20).

 

 "Nàng trăng hỡi thôi đừng trêu ghẹo nữa,

Kẻ tu hành xin khẩn khoản van lơn".

Thế nhưng rồi một lúc nào đó, trăng đã thành biểu tượng của tình thương Thiên Chúa, như tấm bánh thánh bẻ ra:

"Trăng bẻ làm đôi tấm bánh đời, 

Nghe tình dìu dặt, tứ chơi vơi...".

 

Và hơn nữa, trăng lại cũng là chính Chúa Kitô:

"Con trăng chết rũ bêu cành 

Sáng nay nó dậy hoá thành Vầng Dương. 

Con trăng máu nhỏ dọc đường, 

Sáng nay đơm huệ kết hường lắm hoa. 

Rồi trăng cũng là chính bản thân người đầy tớ Chúa".

 

Như ở cuối bài Êlia suy niệm về sứ mạng của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II :

 "Con ngoảnh lại mé đồi ngó thử 

Con thỏ bạch quỳ dưới chân thập tự 

Hoà ánh trăng vào ánh bình minh".

 

Nguyễn Tầm Thường (LM Giuse Nguyễn Trọng Tước, 1951-): Tình thơ thập giá, Mùa hoa trên thánh giá gỗ, Nước mắt và hạnh phúc, Chúa biết con cần Chúa, Đường về thượng trí, v.v. Trích đoạn về lời tận hiến:

 

 "... Yêsu ơi Yêsu 

Trong nắng thu vàng gió

Với đôi bờ vai nhỏ 

Với tóc mây sầu thơ

Con xin dâng Chúa đó

 Ân tình lễ yêu thương

Con xin chọn khổ giá 

Thay nhẫn cưới gối hoa

Con xin chọn khổ giá 

Thay chén ngà rượu quý

Con xin chọn khổ giá 

Bằng cả mười ngón tay (...). (Gởi Chúa Giêsu).

 

Hay tâm sự với Chúa:

 

" ... Rừng âm u quán trọ con một mình 

Con thắc mắc nhưng không lời đáp trả

Chúa như chết, chết thật trên thập giá 

Chiều âm thầm trĩu nặng một niềm thương

Nếu tiếp tục lên đường về thượng trí 

Đường thì dài mà lắm quãng hồ nghi

Lắm mưa mùa sa mù nẻo tương lai 

Vó ngựa này có cuồng say mãi mãi

Nhưng bỏ thầy đời con biết theo ai 

Con hỏi nhỏ nghe lòng hiu quạnh quá

Đường siêu bạo ôi đường về thập giá 

Chúa chẳng nhìn chẳng nói chỉ lặng thinh

Trong cô đơn con tự hỏi lòng mình 

Tình chỉ đẹp khi âm thầm đau khổ

Giang tay mãi trên gác lầu chuông gỗ 

Như thập giá nhện giăng phủ mặt mày

Quán trọ buồn con mỏi mệt chiều nay 

Ngựa lững thững chán chường từng bước nhỏ

Thấy trước mặt một đường đời lộng gió 

Con u hoài nghi ngại quá Chúa ơi"     (Chiều Bên Quán Trọ)

 

*

Bên cạnh các thi nhân khoác áo tu là những giáo dân sống đạo với thơ. Lệ Khánh (1945-), một nhà thơ nổi tiếng thời văn-học miền Nam trước 1975, đã xuất bản 7 tập Em Là Gái Trời Bắt Xấu (1963-), ngoài ra còn những tập Vòng Tay Nào Cho Em 1966, Nói Với Người Yêu 1966. Bà đã có những bài hướng về Thiên Chúa:

 

"Ngày xưa xin Chúa một điều:

 Chúng con mong nhận thật nhiều tình nhau.

Cứ gì pháo đỏ trầu cau, 

Mới nên nghĩa nặng tình sâu cả đời.

Chỉ xin được Chúa nhậm lời,

 Chúng con thề sẽ suốt đời yêu nhau.

Nhưng rồi Chúa ở trên cao, 

Lời thề ai đã bay vào hư không."    (Nguyện cầu)

 

"Con ngợi ca Thiên Chúa đến vô cùng

Vinh danh Chúa không bao giờ sao lãng

Dù núi Sọ gập ghềnh con chẳng quản 

Nguyện một lòng thờ lạy Chúa toàn năng".   (Ngợi ca Chúa, 1991)

 

Thơ Trần Vạn Giã có lời dâng, lời cầu, với Thiên Chúa:

 

"Chúa ơi trong đời tạm này 

Con như một chiếc lá bay xuống đường

Trải qua gành thác, tai ương 

Trải qua bao nỗi đoạn trường, trải qua

Lời dâng trong bản Thánh ca 

Sông còn có khúc huống là đời con

Dù cho nước chảy đá mòn 

Tình yêu Thiên Chúa vẫn còn trong thơ

Mai sau cũng như bây giờ 

Cầu xin con tới được bờ tình yêu" 

  (Lời dâng, 1959)

 

Thơ Cao Huy Hoàng (1956-) là thơ của một đức tin vật lộn với thực tế đời thường, thơ của những ơn gọi sống thánh thiện giữa lòng đời ô trọc nhiều thử thách:

 

"Bụi hồng còn vướng gót chân

 Dẫu là hơi thở có ngần ấy thôi

Người về hỏi lại lòng ơi 

Còn bao mộng ước cuộc đời phù du?

Trái tim chưa thoát ngục tù 

Vòng vây gai kẽm: khúc ru dịu dàng?

Thời gian mây nắng chia tan 

Kiếp người một thoáng võ vàng tàn vong

Bên kia cơn lốc bụi hồng 

Có không một cõi phiêu bồng thiên thu

Hay chăng tiếng búa tình thù 

Đóng đinh tội trộm xác phu thê người

Người về khẻ gọi lòng ơi 

Trời ơi lòng đã qua đời từ lâu

Cõi lòng rữa dưới vực sâu 

Trần truồng nhoi nhúc giữa lầu nguyệt hoa

Bên đời âm động thu ba 

Vỡ tràn thành tiếng rên la nghìn trùng

Xót mình bất tín bất trung 

Vực sâu thăm thẳm mịt mùng thương đau

Ngữa tay xin tiếng kinh cầu...  (Ngữa tay xin tiếng kinh cầu)

 

*

 

Về văn xuôi, tính chất đạo nhẹ nhàng hơn về tính nghệ thuật, văn-chương, nhưng biểu tỏ hoặc qua nội dung hoặc qua thành quả đóng góp cho văn học, học thuật nói chung. Hãy đọc văn Bento Thiện và GM Hồ Ngọc Cẩn để biết văn phong, bút pháp và chữ dùng thời các ngài. Văn Bento Thiện của thời 1659:

"... Cả và thiên hạ năm mươi mốt phủ, một trăm bẩy mươi hai huyện, bốn mươi tám chu, bẩy nghĩa chia trăm tám mươi bẩy xã. Nước Annam đi bề dọc từ Kẻ Quảng cho giáp cõi Đại Minh, đi bộ năm mươi ngày. Bên ngang từ biển đến rừng đi hai mươi ngày.

Thói nước, trong nhà thì thờ Tiên sư, là dạy học các nghề nghiệp gì, thì có Tiên sư thay thảy.

Bếp thì thờ Táo quân, gọi là Vua bếp. Nó lấy chồng trước thì sa vào lửa mà chết, nó lại lấy chồng sau mà lòng còn thương nghĩa chồng trước, thì chồng sau đi xem nơi lỗ xưa, thì mình cũng sa xuống mà chết. Chồng sau thấy vợ chết, thì cũng gieo mình xuống mà chết, thì ba người vào một lỗ ấy; thì người ta nói bày đặt rằng: ấy là Vua bếp, thì phải cậy cho làm mọi việc nên ..."(21) .

GM Hồ Ngọc Cẩn qua bài Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo: "Đấng Tạo hóa cho con người một thiên cơ xảo gài máy nhơn tâm, ấy là cái lưỡi mềm giữa hàm răng cứng. Tính coi một miếng thịt ngó chẳng bao lăm mà mấy hòn cân nhấc lên cũng không nổi. Ngó trùi trùi không mài ma sát, biết bao nhiêu mạng cũng chém như không. Coi nhỏ nhỏ tưởng vắn mà dài, dẫu mấy dặm đàng phóng đưa cũng thấu. Nằm núp cửa hang chật hẹp, hai hàng cừ đóng tựa thảo lang; ngo ngoe một chỗ tối mù, liếc dao găm độc hơn vuốt hổ. Bởi vậy thiên hạ có ca rằng: Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Đường tắc đường rì, đường bát đường cạy, đường Nam Bắc Đông Tây, đường thượng hạ tả hữu, thì lưỡi cũng uốn theo được hết, nghĩa là uốn xuôi cũng được, uốn ngược cũng xong, uốn dữ cũng lanh, uốn lành cũng lạ.

"Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo 

Khen ngạn đời đã khéo ngâm nga,

Gẫm coi quanh khắp sơn hà... 

Không chi lắt léo cho qua miệng người.

Khoanh mình giấu ẩn một nơi, 

Giết người có thủa, bán trời đòi phen

Dầu chua ngọt, dầu trắng đen, 

Ngược suôi tự tại, chê khen cũng mình.

Nhớ lời Tuân Tử đinh ninh:

Gươm chém dễ lành, lưỡi cắt khó tiêu. 

Khuyên người nghe luận mấy điều,

Kíp lo sửa lưỡi, chớ liều uổng oan. 

Nhớ câu: bế khẩu thâm tàng,

Mình đà khỏi rối, người vàng được yên (22).

Chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu khi phê bình văn thơ ngài, nhất là bài Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, đã kết rằng: "Thật là một lối văn chém sắt chặt đanh vậy".

Nhưng văn xuôi tiểu thuyết thì Nguyễn Trọng Quản là tác-giả đầu tiên theo ảnh hưởng Âu Tây Thầy Lazarô Phiền trong đó ý tưởng đức tin đạo Thiên Chúa cùng những ý niệm sám hối, ăn năn. Truyện Thầy Lazarô Phiền cho thấy tác giả chịu nhiều ảnh hưởng của tiểu thuyết Âu tây, kể cả cách diễn tả tiếng Việt. Nội dung phân tích tâm lý, tả đời sống nội tâm, sự hối hận - một loại tiểu thuyết tâm lý. Kỹ thuật kết cấu và thắt mở câu chuyện lúc đó hãy còn xa lạ với người đọc. Các nhân vật lại chỉ là những người thường mà không phải là những anh hùng liệt nữ. Tác giả tin tưởng và đề cao một số lý tưởng văn hóa đạo đức căn bản của thời đại, tin ở một trật tự và tin ở lương tâm con người. Truyện được mở đầu như sau:

" Ai xuống Bà-rịa, mà có đi ngang qua đất thánh ở trong Cát tại làng Phước-lễ, thì tôi xin bước vô đất thánh ấy, kiếm cái mồ có cây thánh giá bằng ván, sơn nửa đen nửa trắng, gần một bên nhà thờ những kẻ Tử-đạo mà thăm mồ ấy kẻo tội nghiệp! Vì đã hai năm nay không ai thăm viếng, không ai màng ngó tới.

"Mồ đó là mồ một thầy đã chịu lương tâm mình cắn rứt đã mười năm, bây giờ mới đặng nằm an nơi ấy. (...) Tôi có bịnh tức đã hai năm nay; song tôi tưởng đi cũng vô ích, vì tôi biết tôi không còn sống đặng hơn nửa tháng nữa đâu."    Tôi nghe lời ấy, thì tôi nói rằng: "Xin thầy đừng nói làm vậy. Chúa lòng lành vô cùng người thường làm phép lạ hoài, nên thầy đừng có ngã lòng nản chí, ít ngày đây thầy sẽ lành."    Thầy tu ấy lắc đầu mà nói rằng: "Thầy ôi ! Phải thầy biết tội tôi thì thầy không muốn cho tôi sống làm chi..." Nói chưa dức lời thầy lấy tay che mặt mà khóc ròng.    Tôi thấy vậy mới nói cùng thầy rằng: Dầu mà tội thầy nặng thể nào thì Chúa cũng đã tha cho thầy rồi: vì thầy chịu cực cũng đã đủ cho nên xin thầy chớ muốn chết làm chi, vì thầy còn thuộc về những người phải dạy những kẻ chưa biết đạo Chúa; nên thầy phải sống mà đem những kẻ ấy vào đàng ngay."    Thầy tu nghe tôi nói như vậy mới cất đầu lên chùi nước mắt mà nhìn tôi ...".

 

Văn bản tiểu-thuyết văn xuôi đầu tiên bằng chữ quốc-ngữ này kể một câu chuyện tình tiết tâm lý éo le nhưng lại được đặt trong khung cảnh nhà tu và đất thánh nơi có "nhà thờ những kẻ Tử-đạo tại Bàrịa là nhà thờ nhỏ cất nơi mồ chôn xương những kẻ chịu đốt tại Bàrịa. Trong nhà thờ ấy, ở giữa có một cái mồ nơi đầu mồ có một cái bàn thờ, nơi mồ ấy thì có sáu câu như vầy: 

 Ba trăm bổn đạo xác nằm đây

 Những trông sống lại hưởng phước đầy

 Vì chúa tù lao dư ba tháng,

 Cam lòng chịu đốt chết chỗ nầy,

 Lập mồ táng chung vào một huyệt, 

Giáo nhơn coi đó nhớ hằng ngày",

Với những nhân vật nhà tu và ngôn-ngữ liên hệ do đó có thể đã bị tưởng là chuyện nhà thờ. Tiếng Việt bị gán là tiếng "nhà thờ" đó thực ra là tiếng Việt của thời đó! Chính Phan Khôi, một trí thức không công giáo khi làm báo (Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn, v.v.) và dịch kinh sách hội Tin lành ở Sài-Gòn, đã hơn một lần quả quyết nhận xét rằng "Chữ quốc ngữ hồi đầu chỉ có tín đồ đạo Thiên Chúa dùng mà thôi. Họ lấy nó mà dịch kinh, dịch sách rồi đem dạy trong các nhà trường của họ. Sự đó suốt từ Bắc chí Nam như nhau, không khác. Nghĩa là trong dân Annam thì người có đạo Thiên Chúa dùng chữ quốc ngữ trước hết thảy. Mà họ lại dùng theo y một lối; Bắc phải theo sự đúng của Nam, Nam phải theo sự đúng của Bắc, từ đó cho đến bây giờ. ... Tôi muốn nói xứ Nam Kỳ là thầy dạy chữ quốc ngữ cho cả và dân Annam cũng không phải là quá đáng... Mà là thầy thiệt. Hồi đó có hai ông đại sư về quốc ngữ, là ông Trương Vĩnh Ký và ông Paulus Của, tức là Huỳnh Tịnh Trai. Vì mỗi ông có làm ra một bộ tự vị tiếng Annam. Các ông cũng là học trường bên Đạo mà ra, cho nên các ông viết chữ quốc ngữ y như người bên Đạo, nghĩa là viết đúng"(23) .

 Phan Khôi cũng đã có lần chứng minh "Kinh thánh có quan hệ với văn-học ngày nay", và khuyên "văn quốc ngữ ta cũng nên dùng chữ Kinh thánh vào. Làm như vậy thì tiếng mình được dồi dào thêm, chớ có hại gì đâu ..." (24).

Nay xin xét qua một số tác-giả công giáo thời hiện đại. Thụy An Hoàng Dân trong Một Linh Hồn (1940) kể chuyện tình yêu rất đẹp nhưng đổ vỡ vì ngang trái gia đình, vì đạo đức thanh giáo (mẹ cô gái sống nghề bị xã-hội xem là xấu xa), đưa đến cái chết của cô gái và cuộc sống còn lại của người nam trong hối hận ăn năn phải tìm đến nhà Chúa. Hoàn cảnh khác nhưng cùng chủ đề sám hối như Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản thế ký XIX.

Nguyễn Thạch Kiên (1926-) tác-giả các tiểu-thuyết lý tưởng Hương Lan (1947), Màu Hoa Phượng (1959),  Mái Tóc Huyền (1970), và gần đây, tập hồi ức tình cảm xã-hội Búp Xuân Đầu (2004). Nguyễn Duy Diễn (1920-1965) ký bút hiệu Phương Khanh (1953), tác-giả Những Ngày Đẫm Máu là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về các Thánh Tử đạo Việt Nam. LM Petrus Vũ Đình Trác đã là tác-giả của tiểu-thuyết lý tưởng Đời Anh (1959) và tập thơ Đắc Đạo Thi Nhân (1960) trước khi xuất bản những tham luận triết học và văn-hóa. Phạm Đình Tân ngoài thơ và khảo cứu, còn là tác-giả truyện Duy Đức học-sinh trinh-thám, tiểu thuyết giáo dục (Văn Đàn, 1966). LM Nguyễn Duy Tôn tác-giả các tiểu-thuyết tôn giáo và tình cảm Trái Cam Máu 1959, Hai Tâm Hồn 1959, v.v.

Bùi Hoàng Thư tác-giả nhiều tiểu-thuyết tình cảm, xã-hội vào thập niên 1960 ở miền Nam : Sống Cho Nhau, Ảo Ảnh, Nàng, v.v. Nhân vật ông trẻ, sống vội. Trong khi đó, nhà văn Thảo Trường để các nhân vật của mình dấn thân sống đạo giữa đời, ngay cả trên bãi chiến trường, với những Thử Lửa (1962), Chạy Trốn (1965), Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Th. Trâm (1969), Bên Trong (1969), Ngọn Đèn (1970), Mé Nước (1971), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Bên Đường Rầy Xe Lửa (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Lá Xanh (1972),  Cát (1974) và sau khi ông tái định cư ở Hoa-kỳ năm 1993, đã xuất-bản Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai (1995), Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002), Miểng (2005) và mới nhất, cuốn truyện dài Thềm Đá Xanh Rêu (2007) - trong các tác-phẩm mới này, đời sống tâm linh được chú tâm hơn và một cái nhìn khác về sống đạo ở đất người (Hoa-kỳ).

Hà Thúc Sinh ngoài thơ, nhạc, còn là tác-giả Đại Học Máu (1985) hồi ký tù 'cải tạo' nổi tiếng về tính văn chương và nhiều truyện dài ngắn cũng như tuyển tập truyện, kịch và thơ Tống Biệt Hai Mươi (1999), ... Quyên Di chủ biên tạp chí Tuổi Hoa và tác-giả nhiều truyện và tiểu-thuyết giáo dục, hướng thượng từ trước 1975: Tuổi Trăng Tròn, Cánh Phượng Rơi, Tuổi Ươm Mơ, Chuông Đêm, ... cho đến thời hải ngoại Hoa Hồng Nhà Kín (1995).

Đường Phượng Bay một thời nổi ở ngoài nước với các tiểu-thuyết tình cảm xảy ra ở các họ đạo và các nhân vật chính thuộc giới tu hành: Mây Vẫn Nhớ Ngàn (1984), Yêu Màu Áo Đen 1989, Qua Cửa Thần Phù 1989, Tạm Biệt Rừng Hoa (1990). Mây Vẫn Nhớ Ngàn còn đựợc biết với tựa đề Vì Tôi Là Linh Mục, là một chuyện tình đẹp nhưng buồn thảm của Cha Thảo và cô Nga. Đoạn kết : "... Thảo bỗng ngước lên tháp ngôi nhà nguyện phía bên phải, cây thập giá gỗ sơn trắng vươn lên bầu trời mờ đục tự nhiên làm chàng lóa cả mắt. Ô hay, sao hôm nay bóng cây thập tự lại hùng vĩ khác thường thế kia! Thảo mở to đôi mắt: Không, vẫn là cây gỗ mọi ngày. Nhưng sao giờ đây như đang phóng ra những luồng điện siêu tần làm rúng động đầu óc chàng thế này? Chàng bỗng thấy rõ ràng tinh thần trở nên sảng khoái tươi tỉnh, như vừa giật mình thức giấc sau một cơn mê loạn đắm chìm. Giác quan chàng tự nhiên thông suốt, như cảm, như thấy, như nghe được tiếng nói dịu dàng của cả sỏi cát, cỏ cây. Chàng hít một hơi dài để làn khi mát nhập đầy buồng phổi khiến toàn thân bỗng thấy nhẹ lâng lâng. Gió sớm mai như bất ngờ tấu lên những nốt nhạc trầm bổng réo rắt gọi mời. Khoảng không gian như đầm ấm lạ lùng, mặc dù mặt trời còn e ấp chưa ló dạng. Đây rồi, bóng đêm phải nhường chỗ cho một ngày mới rạng sáng sắp sửa khởi đầu. Mau tan đi  những uẩn khúc tăm tối để đón chào nét diệu kỳ của nguồn hoan lạc từ Trên Cao. Đăm đăm nhìn lên bóng thập tự, Thảo thấy một thoáng như xuất thần. Như một bàn tay vô hình đang nhấc kéo. Như một nụ cười vừa nồng nàn mời đón và cũng như một giọng nói thiết tha khích lệ. Phải rồi, câu giải đáp của vấn đề là đây. Vươn lên đi ...

... Vui lên Nga ạ. Đời mình đâu chỉ là điêu tàn hoang phế và hạnh phúc mình nào mãi tan vỡ hư hao! Chúng mình đã biết tình yêu không thể trung lập, nên Nga và tôi cũng chấp nhận như đã được tiền định sẽ không thể sống bên nhau.

Hôm nay tôi lại ra đi vì tôi vẫn luôn là một linh mục".

Yêu Màu Áo Đen khởi đầu bằng chuyện tình thường của một nam một nữ và kết thúc bằng con đường hiến thân của người nam nay là cha Hoàng và nữ nay là sơ Têrêsa Quế Thanh.

Nguyễn Ngọc Ngạn trong Xóm Đạo (Tokyo: Tân Văn, 1998) nêu vấn đề tôn giáo ở xã-hội Việt-Nam, đã trình bày đời sống và các sinh hoạt của những người công giáo ở một xóm đạo di cư sau 1954 ở miền Nam, vai trò của các chủ chăn, những liên hệ giưã các giáo dân và với người bên lương, tình yêu và ngăn trở giữa những người trẻ không đồng đạo, v.v.

 

*

Thánh Kinh từ nhiều thế kỷ đã là nguồn mạch văn hóa và văn chương của nhân loại. Các tác-giả Việt Nam về mặt này cũng không ra ngoài nguồn mạch vô tận đó. Đức Ki Tô, những sứ điệp, Tin Mừng, mầu nhiệm, các nhân vật Cựu Ước, Tân Ước .., đã là những tứ thơ văn và đề tài quen thuộc.

Các thể loại đều được các tác-giả công giáo sử dụng, và đã có những tác-phẩm sáng giá, để đời, nhưng ngược lại, đối với một số thì các hình thức văn-chương được sử dụng như phương tiện sống đạo và giảng đạo. Các truyện ngắn, tùy bút và thơ của linh-mục Nguyễn Tầm Thường, Nguyễn Trung Tây, v.v. là những thể hiện khác của những bài giảng hay suy niệm, tĩnh tâm. Về thể loại, nguồn Đạo tỏ rõ hơn qua thi ca vì kỹ thuật thơ giúp thể hiện, trình biểu.

Các tác-giả văn-học công giáo Việt-Nam ít nhiều đã đụng đến ý nghĩa cuối cùng của đời người trần thế, và đa số họ nói đến đời sống hôm nay của người công giáo như là một người Việt-Nam, một thành phần của dân-tộc. Tư tưởng đạo Thiên Chúa, tư duy đạo, đã thật sự thấm nhuần vào văn-hóa và văn-học nghệ thuật nước ta. Và đã sinh ra một truyền thống văn-học có nền nếp và hiển nhiên trong thực tế lịch-sử và đất nước. Nguồn Đạo tỏ rõ hơn qua thi ca. Một hội nhập đức tin và văn-hóa cội nguồn Việt-Nam phát sinh hoa trái nghệ thuật. Trong Thi Nhân Việt Nam, nhà phê bình Hoài Thanh đã công nhận tài năng và vai trò chứng nhân đức tin Công giáo của Hàn Mặc Tử đã nhập thể trong dòng sống chung của một dân tộc. "Với Hàn Mặc Tử, Chúa gần lắm ... Thơ Hàn Mặc Tử ra đời, điều ấy chứng rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể" (25) .

Một đặc điểm của công giáo: trong khi tam giáo Khổng-Phật-Lão từ khi được đưa vào Việt-Nam, kinh sách đã chỉ bằng chữ Hán, một ngăn trở hiểu biết cho tín đồ bình dân. Trong khi đó, người công giáo, thừa sai ngoại quốc cũng như thầy giảng và tín đồ người Việt, đã bắt đầu trước tác, ghi chép với chữ Nôm (rất ít chữ Hán) và đã rất sớm phiên âm ngôn-ngữ Việt ra chữ alphabet cũng như tiếp đó đã chú tâm phiên dịch ra chữ Nôm và chữ quốc-ngữ Kinh thánh và các kinh sách khác.

Nói chung, các nhà nghiên cứu về văn-học công giáo Việt-Nam cũng như chúng tôi qua bài này, đã đồng thuận rằng người công giáo, tu sĩ cũng như giáo dân, trí thức cũng như các nhà văn thơ, đã sống chung thuận hảo với tập thể cộng đồng dân-tộc. Hơn thế nữa, trước khi là người công giáo, họ đã là người Việt, và khi đã chịu các phép bí tích làm người đạo Chúa, họ đồng thời là những con người Việt-Nam đúng nghĩa. Sự thực đó thể hiện qua những trang văn thơ và qua các nỗ lực thực thi văn-hóa. Người Việt-Nam đã theo đạo Chúa trước khi thực dân Pháp đặt chân đến nước Việt, trước khi Hội thừa sai Paris gửi người đến; người Việt đã góp phần "sáng tác" nên thứ chữ Việt alphabet về sau được gọi là chử quốc-ngữ trước khi guồng máy hành chính đô hộ của người Pháp ra nghị định và chỉ thị sử dụng chữ quốc-ngữ đó. Những ngộ nhận về người công giáo Việt-Nam từ khi thực dân Pháp đặt nền đô hộ miền lục tỉnh Nam-kỳ lan ra bảo hộ Trung và Bắc, do những người chống Pháp (như Văn Thân, cộng-sản) hoặc chống người Công giáo ngay trong những năm gần đây cũng có, mà do cả chính những người công giáo vì một lẽ gì đó, vì nhu cầu nghiên cứu lịch-sử, văn-hóa, đặt giả thuyết chẳng hạn, khiến những ngộ nhận đã ngày càng nặng nề dù bên cạnh đã có những hiểu biết chân chính và thật sự. Giáo sư Nguyễn Văn Trung trong tập tài liệu Vấn Đề Công Giáo Đặt Cho Dân Tộc (1988) đã hết lòng chứng minh chống lại cái "thiên kiến hần như đã trở thành chân lý là người công giáo Việt-Nam liên hệ với thực dân đế quốc và lai căng về văn-hóa", thành kiến mà chính một số người công giáo (trong đó có giáo sư thời trước 1975) đã nhìn nhận và từ đó tìm trở về dân-tộc (như nhóm Đối Diện, Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan, v.v.). Trong chiều hướng thời thượng đó, trong Chữ Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc (1974), giáo sư Trung đã đưa ra luận điểm bôi đen thành quả đóng góp với dân-tộc, cho rằng việc "sáng lập và sử dụng chữ quốc-ngữ nhằm mục đích cô lập người công giáo Việt-Nam với cộng đồng dân-tộc bằng cách xóa bỏ chữ Nho, chữ Nôm, ..."(26). Ông tiếc việc có những người ngoài công giáo đã trích dẫn những lập luận của ông thời đó. Ông lập lại và chứng minh thêm qua hai biên khảo khác là Đạo Chúa Ở Việt-Nam (1999?) và Dịch Thuật Và Lý Luận Dịch Thuật (2002). 

Tóm một chữ, người công giáo Việt-Nam, các giáo dân cũng như các văn-nghệ sĩ, đã và luôn sống đạo với tinh thần dân-tộc; riêng các vị sau đã sáng tác, làm văn-chương và đã thể hiện đức tin một cách chân thành và sâu sắc qua tác-phẩm.

 

Chú thích:

1.       Lịch sử nước Annam, Về văn bản, xem: <http://dunglac.net/bai/doqchinh-10_bento.htm>, trích từ Đỗ Quang Chính. Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659 (Sài Gòn: Ra Khơi, 1972), tr. 107-129. Tuy nhiên dấu vết chữ quốc-ngữ xưa nhất là lá thư đề ngày 12-9-1659 của thầy giảng Igesicô Văn Tín. 

2.       Georg Schurhammer. " Nền Văn Chương Công giáo về Phanxicô Xaviê tại Việt Nam" ("Annamitisch Xavierus Literatur") in Missioswisenschafliche Studien Aachen (Aix-la-Chapelle: Aacher, 1951, p. 300-314) do Đỗ Văn Anh và Trương Bửu Lâm dịch từ bản tiếng Pháp đăng trong Việt Nam khảo cổ tập san, số 2, Bộ QGGD, Saigon, 1961, tr. 143-171). X. <http://www.dunglac.net/Baiviet1/Jesuits-01.htm>

3.       Theo G. Schurhammer, bđd, "Ông viết tất cả 15 tác phẩm bằng tiếng Việt. Ngoài ra, theo lời yêu cầu của các giáo sĩ, ông có soạn truyện bà thánh Maria Mađalêna, và theo lời yêu cầu của rất nhiều người, truyện các thánh Inhatiô đờ Loyola, Phanxicô Xaviê, Dominico và Catarina, tất cả bằng lời thơ hết sức chải chuốt cùng với lòng thành kính lớn lao đến nỗi làm cho các truyện ấy được ưa thích bởi tất cả mọi người trong xứ. Tác phẩm chót của ông là một quyển sách về tuần trai lấy sự ăn chay của Chúa Cứu Thế trong sa mạc làm chủ điểm".

4.       G. Schurhammer, bđd: "Năm 1818, ông viết một quyển sách rất dày về tiểu sử thánh Phanxicô Xaviê, năm 1819, tiểu sử của thánh Inhatiô đờ Loyola, năm 1820, tiểu sử của Phanxicô Borgia, năm 1822-23, một bộ lịch sử Việt Nam gồm có hai quyển và cũng  trong thời gian này, ông khởi đầu tập ký ức. Năm 1830, lại có một tác phẩm vĩ đại về bà thánh Anna. Đó là tác phẩm cuối cùng của ông".

5.       Philiphê Bỉnh (1759-1832), linh-mục Dòng Tên, sống 34 năm 1796-1830 ở Lisbonne, Bồ, tác-giả nhiều văn bản chữ quốc-ngữ về nhiều đề tài, từ lịch-sử đến tôn giáo, xã-hội: Sách Sổ Sang Chép Các Việc 1822 (LM Thanh Lãng giới thiệu, Viện Đại học Đàlạt xb 1968), Truyện nước An-Nam Đàng Ngoài chí Đàng Trão 1827, v.v.

6.       Võ Long Tê. "Góp phần nghiên cứu một trong những truyện thơ công giáo đầu tiên viết bằng quốc-ngữ : Inê Tử đạo văn" (Văn-hóa tập san, XVII, 1, 9-1968, tr. 82-101),  dẫn lại trong Dẫn Nhập Nghiên Cứu Tiếng Việt và Chữ Quốc Ngữ (Reichstett : Định Hướng Tùng Thư, 1997), tr. 109, 152. Theo LM Petrus Vũ Đình Trác (Công Giáo Việt-Nam Trong Truyền Thống Văn-Hóa Dân-Tộc: biên khảo về văn-hóa giáo dục. Orange, CA : Thời Điểm Công Giáo, 1996, tr. 49), tập Inê Tử đạo văn "được coi như do ngòi bút của thánh Phan Văn Minh".

7.       X. Nguyễn Văn Trung. “Vấn Đề Công Giáo Đặt Cho Dân Tộc: tài liệu nội bộ”, 1988. Phần 13.

8.       Nguyễn Văn Trung. Tlđd

9.       Nguyễn Văn Trung. Tlđd

10.   Trích từ trang Internet dunglac.net

11.   Chữ dùng của Võ Ngọc Nhã và Lam Giang trong Đặng Đức Tuấn, Tinh Hoa Công Giáo Ái Quốc Việt Nam (dunglac.net). 

12.   Trích từ trang Internet dunglac.net

13.   Nguyễn Vy-Khanh. " Trương Vĩnh Ký sống đạo người Việt". Đặc San Petrus Ký (San Jose CA), Xuân 2005.

14.   Trần Tuấn Kiệt. Thi Ca Việt Nam Hiện Đại, Quyển I, 1880-1965, Khai Trí 1968.

15.   "Quan niệm Thơ" in  Chơi Giữa Mùa Trăng (Xuân Thu tb), tr. 34-35.

16.   Đặng Tiến. Vũ Trụ Thơ. Sài-gòn : Giao Điểm, 1972.

17.   Trích từ Phạm Thanh. Thi Nhân Việt-Nam Hiện Đại (Sài-Gòn: Khai Trí; Xuân Thu tb 1990).

18.   Trích từ Phạm Thanh. Sđd.

19.   Trích từ Phạm Thanh. Sđd.

20.   Trích từ trang Internet dunglac.net

21.   Trích từ Đỗ Quang Chính. Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659 (Sài Gòn: Ra Khơi, 1972), tr. 107-129.

22.   Trích từ trang Internet dunglac.net

23.   Phan Khôi. "Chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ với thế lực của phụ nữ", Phụ Nữ Tân Văn, số 28, 7.11.1929, trích theo Thanh Lãng. 13 Năm Tranh Luận Văn Học (TpHCM: Văn học, 1995), tr. 471-473.

24.   Phan Khôi. "Văn học với Kinh thánh" Trung Lập, đăng lại PNTV 74, 16-10-1930, tr. 7; trích lại từ Thanh Lãng, sđd, tập 3, tr. 206-207.

25.   Hoài Thanh-Hoài Chân. Thi Nhân Việt-Nam (Sài-Gòn: Hoa Tiên, 1967), trang 212.

26.   Nguyễn Văn Trung. Vấn Đề ... Sđd, trang mở đầu.

 

 

suu tap

6-7-2007