ĐỌC SÁCH THÁNH HIỀN

Tiểu nhân & Quân Tử (Người ác & Người thiện)

Thượng sĩ vô tranh
Hạ sĩ hiếu sự
Phạm sự ưu nhân tình
Hậu sự hảo tương kiến.
(Lão Tử)

Dịch:
Người cao trọng không nên tranh chấp
Kẻ dưới cơ mặc chúng hay gây
Việc gì cũng nghĩ tới xa
Nhơn tình lưu lại gặp sau vui vầy
.

*****

Thầy Trương Kính Phu viết:

Ác nhân mạ thượng nhân
Thiện nhân tổng bất đối
Thiện nhân nhược hoàn đối
Bỉ thử vô trí tuệ

Bất đối tâm thanh lương
Mạ giả khẩu nhiệt phí
Chính như nhân thóa thiên
Hòan tòng kỷ thân trụy .

Ngã nhược bị nhân mạ
Dương lung bất phân thuyết
Thí như hỏa đương không
Bất cứ tự nhiên diệt

Sân nhân diệt như thị
Hữu vật tao tha nhiệt
Ngã tâm đẳng hư không
Thính bỉ phiên thần thiệt .

Dịch:

Kẻ thủ ác gặp ta biếm mạ
Người hiền lương chớ trả lời chi
Đối đầu  chẳng có ra gì
Cả hai đồng hóa bất tri trí rồi

Thanh lương mát mẻ thảnh thơi
Kẻ mắng tự mắng khí trào càng sôi
Nhổ ngược nước miếng lên trời
Từ trên hòan lại rớt rơi thân người.

Ví  bằng bị  chửi chính mình
Tai ta giả điếc biện minh thêm rầy
Thinh không lửa cháy  trên vây
Tự nhiên  nó tắt loay hoay làm gì

Mạ lị, hờn giận mặc mi
Mình không quạt tiếp lửa thì không cao
Điêu trở môi lưỡi lào xào
Tâm ta trong sáng chẳng sao đâu mà.

***


“Dục lượng tha nhân tiên tu tự lượng
Thương nhân chi ngữ hòan trị tự thương..."

Hàm huyết phún nhân ô tự khẩu...
(Ngậm máu phun người  nhơ miệng ta)

MD

 

Làm Việc Thiện

* DƯƠNG THIỆN và ÂM THIỆN

Dương thiện hưởng tiếng - Âm đức hưởng phước

Thế nào là thiện âm hay thiện dương ? Làm việc thiện mà người ta biết gọi là dương thiện. Làm việc thiện mà không ai hay gọi là âm đức. Âm đức, trời sẽ thưởng. Dương thiện, hưởng tiếng tăm. Tiếng tăm, là phước báu của con người nhưng trời đất không thích lắm. Cho nên những ai hưởng tiếng tăm nhưng không xứng đáng với những gì họ làm thì thường gặp những tai họa bất ngờ. Còn người không tội lại bị oan chịu tiếng xấu thì thường con cháu bừng phát đạt. Chỗ sai biệt của dương thiện và âm thiện rất ít, cần phải cẩn thận suy xét.

* Làm thiện vì mình, công đức chỉ phân nửa. Không vì mình, được trọn vẹn

Hơn nữa làm việc thiện mà lòng không mắc vào ý nghĩ làm thiện thì làm thiện ở đâu cũng đạt công đức trọn vẹn. Nếu lòng mắc vào ý nghĩ làm thiện thì dù suốt đời siêng năng làm thiện nhưng công đức chỉ được phân nữa mà thôi. Ví như giúp người bằng tiền: Nếu trong không thấy mình cho, ngoài không thấy người nhận, giữa không thấy giá trị đồng tiền, mới gọi là Tam-Luân-Thể-Không. Bố thí với tấm lòng thanh tịnh như vậy thì dù bố thí một phễu thóc cũng có thể trồng thành vô lượng phước đức. Dù bố thí một đồng tiền cũng có thể tiêu trừ được ngàn kiếp nghiệp tội. Nếu làm thiện mà ghi nhớ trong lòng, thì dù bố thí ngàn lượng vàng chăng nữa, phước đức vẫn không trọn vẹn. Đây cũng là một ví dụ về vơi và đầy.

 

Nịnh bợ: Lấy lòng người đời

Người nịnh bợ không giữ vững lập trường, thường hay "a dua" theo người khác. Họ thích làm vừa lòng người đời bằng cách "nâng bi" ở trước mặt xem ra rất cung kính, nhưng sau lưng thì khác. Thế cho nên, nịnh bợ chỉ làm cho con người ta vui tạm thời, vừa lòng tạm thời, u mê trong những lời nói ngon ngọt, là cơ hội để những kẻ "gió chiều nào theo chiều ấy" phát huy cái gọi là tài khéo léo của mình - nhằm lấy lòng người. Tuy nhiên, khi người ta biết được những sự thật ẩn mình bên trong những lời nói hoa mĩ kia, thì kẻ thiệt thòi lại là những người được nịnh bợ ... vì vậy, những lời nịnh bợ như thế không tốt mà còn mang lại tai hại... . Người quân tử không nên làm vậy.

(Sưu tầm)

 

.