Bi Kịch Lấy Chồng Ðài Loan

Chuyện Dài Không Hồi Kết

 

Co Dau Viet Nam

Ðoàn Thị N L sau hơn một năm điều trị đã hồi phục sức khỏe

 

Prepared for Ineternet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Cô dâu Việt Nam, Ðoàn Thị N L, bị người chồng Ðài Loan dùng khổ hình tra tấn dã man.

Co Dau Viet Nam

(Taiwan 21/06/2004) - Ðoàn Thị N L, một giáo dân Công giáo, hiền lành, đạo đức, thuộc Giáo Xứ... Cũng chỉ vì muốn đổi đời, nên cô đã chấp nhận lấy chồng Ðài Loan. Ngày hôn lễ, Ðoàn Thị N L mới 18 tuổi. Gia đình tổ chức đám cưới long trọng, bà con bạn bè ai nấy hân hoan đến tham dự tiệc cưới với những lời chúc trăm năm hạnh phúc, sống yêu thương nhau cho dù lúc khỏe mạnh hay lúc đau yếu... Và cũng kể từ ngày đó, Ðoàn Thị N L đã bắt đầu bước vào một cuộc đời mới, một cuộc sống khổ ải như địa ngục. Suốt 7 tháng dài bị người chồng Ðài Loan hành hạ, đọa đày, mà các báo chí Ðài Loan gọi là "còn khổ ải hơn là 12 kiểu khổ hình tra tấn dã man thời các bạo chúa ngày xưa của Trung Quốc".

Cảnh sát Ðài Loan sau khi điều tra và thu thập tất cả các chứng cớ đã báo cáo như sau:

Cặp vợ chồng người Ðài Loan, ông Lưu Chánh Kỳ (Mr Liu Cheng Chi), 39 tuổi, và bà Lâm Lệ Như (Ms Lin Lee zhu), 34 tuổi. Hai người có với nhau một người con gái. Nhưng sau đó, vì bà Lâm Lệ Như thường hay bị sẩy thai, không thể sinh cho ông một đứa con trai theo phong tục của người Trung Hoa để nối dõi tông đường. Bởi vậy, Lưu Chánh Kỳ, sau nhiều lần thuyết phục và bàn thảo với vợ, vào tháng Giêng năm 2002 hai người đồng ý ký tên, giả vờ ly dị, để ông có thể đi Việt Nam cưới một cô dâu Việt Nam đưa về Ðài Loan, một đằng có thể giúp họ đẻ thêm một đứa con trai nối dõi tông đường, đàng khác cũng có thể giúp quán xuyến mọi việc trong nhà, phục vụ mọi người.

Co Dau Viet Nam

Sau khi ký giấy tờ giả vờ ly dị, Lưu Chánh Kỳ đi Việt Nam. Ngày 13 tháng 3 năm 2002, Lưu Chánh Kỳ cùng cô dâu Việt Nam Ðoàn Thị N L kết hôn với nhau tại Việt Nam. Vào tháng 4 năm 2002, Ðoàn Thị N L được bảo lãnh qua Ðài Loan. Lưu Chánh Kỳ bắt đầu sống một cuộc sống như hoàng đế, mỗi đêm về, ngủ chung một giường với cả hai người vợ, một vợ đã giả ly dị và một vợ vừa mới cưới từ Việt Nam (báo chí Ðài Loan viết là Lưu Chánh Kỳ và Lâm Lệ Như cưỡng bức Ðoàn Thị N L phải "chơi trò 3 người trên một giường"). Ban ngày, Ðoàn Thị N L phải phục vụ cả gia đình như một người nô lệ. Từ tháng 7 năm 2002 đến ngày 15 tháng 2 năm 2003, Lưu Chánh Kỳ và Lâm Lệ Như bắt đầu hành hạ cô dâu Việt Nam Ðoàn Thị N L, nhốt cô ở trên Lầu 4, tại một căn nhà của họ ở đường Thủy Cảnh, Thành Phố Ðài Trung (Shuey Ching Rd, Taichung City). Cấm cô không được đi ra khỏi căn lầu, mỗi ngày chỉ cho ăn một bữa, chỉ được đi đại hay tiểu tiện hai lần trong ngày. Nhiều lúc bí quá cô đã tiểu tiện ra cả trong quần.

Co Dau Viet Nam

Vì ăn chơi trác táng, Lưu Chánh Kỳ đã bị nhiễm trùng đường tiểu, ông đổ lỗi cho Ðoàn Thị N L đã truyền nhiễm bệnh cho ông. Ông và Lâm Lệ Như bắt đầu dùng những hình thức tra tấn dã man cưỡng bức Ðoàn Thị N L phải ký những tờ giấy được viết sẵn bằng tiếng Trung Hoa, để làm bằng chứng đòi Công Ty Giới Thiệu Hôn Nhân phải bồi thường tiền lại cho hai người. Họ cưỡng bức bắt Ðoàn Thị N L phải ký nhận là trước kia đã từng làm gái mãi dâm, thường xuyên ăn nằm với khách ở khách sạn nên đã bị nhiễm bệnh đường tiểu, và vì vậy đã truyền nhiễm bệnh cho Lưu Chánh Kỳ. Họ thẳng tay tra tấn hành hạ cô. Nhiều lúc, Ðoàn Thị N L bị hai người trói lại, bị dùng kim đâm vào tay, rồi ngâm hai bàn tay bị thương trong nước muối. Hai người còn dùng dao dí vào lưng, rạch những vết thương chảy máu, bắt cô nhắm mắt lại rồi lấy giây thun bắn vào mí mắt làm hai mắt bị sưng vù và đau nhức. Sau 7 tháng bị ngược đãi và hành hạ, Ðoàn Thị N L từ một cô gái khỏe mạnh 48 ký biến thành một cô gái gầy còm teo xương chỉ còn lại 28 ký.

Co Dau Viet Nam Co Dau Viet Nam

Sau 7 tháng bị ngược đãi và hành hạ, Ðoàn Thị N L từ một cô gái khỏe mạnh 48 ký

biến thành một cô gái gầy còm teo xương chỉ còn lại 28 ký

Tất cả các giấy tờ của Ðoàn Thị N L, Hộ Chiếu, Thẻ Cư Trú, đều bị Lưu Chánh Kỳ cất giữ, và cấm cô không được liên lạc với bất cứ một ai. Mẹ của Ðoàn Thị N L, thấy con qua Ðài Loan đã hơn hai tháng, nhưng không một tin tức hay liên lạc nào. Lo lắng cho con đã có chuyện gì không hay xảy ra. Vì thương con, bà đã nhiều lần đến văn phòng chi nhánh của công ty môi giới lo việc giới thiệu hôn nhân ở Saigon để nhờ công ty liên lạc với con gái ở Ðài Loan. Công ty chỉ cho biết, đã nhiều lần gọi điện thoại tới nhà chồng ở Ðài Loan nhưng không có người trả lời điện thoại. Nhiều lần phái người đi qua nhà, nhìn qua cửa sổ, thấy có bóng người trong nhà, nhưng khi gọi điện thoại vẫn không có người trả lời. Nhân viên công ty có lần đứng ngoài cửa hét vọng vào nhà, chỉ thấy vợ cũ của Lưu Chánh Kỳ là bà Lâm Lệ Như mở hé cửa hỏi vọng ra "ai đó?" rồi khi thấy nhân viên của công ty môi giới, họ bèn đóng cửa lại và không một phản ứng nào khác. Cuối cùng nhân viên môi giới thấy hết cách, phải viết lại lời nhắn gắn lên xe của Lưu Chánh Kỳ: "Xin thông cảm cho nỗi lo lắng và nhớ con của người mẹ của Ðoàn Thị N L, yêu cầu quý vị cho phép Ðoàn Thị N L liên lạc về với gia đình người mẹ cô ở Việt Nam. Cám ơn".

Ngày 15 tháng 2 năm 2003, thấy Ðoàn Thị N L quá yếu đuối, Lưu Chánh Kỳ và Lâm Lệ Như khiêng Ðoàn Thị N L lên xe, chở cô tới một bãi vắng của Nhà Máy Phát Ðiện ở vùng ngoại ô Huyện Ðài Trung, khiêng cô xuống xe và để cô nằm trên đất rồi lái xe về nhà. Ðoàn Thị N L bèn dùng hết sức tàn, cố lê lết tới một vùng phụ cận. Người qua đường thấy tội nghiệp bèn đỡ cô dậy, cho cô một bát bún để ăn cho đỡ đói, và gọi cảnh sát tới. Cảnh sát được tin, tới ngay hiện trường và mang cô đi nhà thương cấp cứu. Nhờ đó mà mạng sống của cô đã được cứu.

Sau hơn một năm điều trị và bồi dưỡng sức khỏe, Ðoàn Thị N L đã hồi phục sức khỏe. Từ một thân tàn ma dại ốm teo như cây que cũi chỉ cân nặng 28 ký, nay đã mập mạnh trở lại với 48 ký. Ngày 11 tháng 6 năm 2004, cô đã mang theo những bó hoa đẹp, trở lại nhà thương, cám ơn các bác sĩ cũng như y tá đã tận tình chăm sóc. Cô cám ơn các ân nhân, các nhân viên cảnh sát đã đưa cô tới nhà thương kịp thời để cấp cứu. Cô cũng cám ơn người chủ tiệm bún đã cho cô một tô bún để cứu đói cô lúc bị Lưu Chánh Kỳ và Lâm Lệ Như bỏ rơi cô ngoài đường (báo Ðài Loan viết là bỏ rơi cô ngoài đường như con chó đói).

Ngày 9 tháng 6 năm 2004, công tố viện Ðài Trung đã quyết đinh khởi tố Lưu Chánh Kỳ và Lâm Lệ Như về tội "ngược đãi người khác như nô lệ", và đề nghị tòa án ra án phạt 7 năm tù ở để ngăn ngừa những trường hợp tương tự về sau.

Ðại Diện Văn Phòng Kinh Tế Và Văn Hóa Ðài Bắc ở Saigon, ông Ngô Kiến Quốc, trong chuyến về Ðài Loan nghỉ hè, cũng đã gọi điện thoại tới Văn Phòng Môi Giới Hôn Nhân, hỏi thăm tình hình sức khỏe của Ðoàn Thị N L. Ông đã phát biểu với báo chí: "Người dân Việt Nam thường phản đối không muốn gã con gái của mình cho người Ðài Loan, nay xảy ra sự việc như vậy, sẽ tạo nên nhiều hiểu lầm và sẽ làm cho người dân Việt Nam thêm nhiều thành kiến không tốt với Ðài Loan". Ông hứa rằng, ngày 13 tháng 6 năm 2004, khi ông trở lại Saigon, ông sẽ thăm viếng gia đình cha mẹ của Ðoàn Thị N L ở Việt Nam". Ông nói tiếp, "Theo thống kê, tỷ lệ những cô dâu Việt Nam tại Ðài Loan bị ngược đãi hành hạ chiếm khoảng từ 6 tới 10 phần trăm. Nếu kể luôn cả những trường hợp khác chưa biết đến nữa thì tỷ lệ này sẽ còn cao hơn. Những sự việc này sẽ làm cho quan hệ Việt Nam và Ðài Loan trở nên xấu hơn. Bao nhiêu công khó của các nhà kinh doanh Ðài Loan ở Việt Nam cố tạo nên những nhịp cầu tốt trong quan hệ giữa hai nước sẽ trở nên xấu hơn bởi những sự việc thiếu nhân đạo này". Ông nói tiếp. "Hiện nay có khoảng 77,000 cô dâu Việt Nam tại Ðài Loan. Dự tính trong khoảng hai năm nữa con số cô dâu Việt Nam tại Ðài Loan sẽ lên tới khoảng 100,000 người. Nếu cứ phỏng tính mỗi gia đình sinh 2 người con, như thế tối thiểu sẽ có khoảng 200,000 đứa bé có huyết tộc lai Ðài Loan Việt Nam. Nếu chúng ta không chú trọng đến điểm quan trọng này, Ðài Loan sẽ phải đối diện với rất nhiều rắc rối trong tương lai về nhiều tệ nạn xã hội xãy ra".

Không biết thế giới này có bao nhiêu người đang lắng nghe những tiếng khóc của những cô dâu Việt Nam tại Ðài Loan. Và không biết dân chúng Ðài Loan có hiểu rằng, hiện nay những cô dâu Việt Nam mà họ đang ngược đãi này sẽ là những người mẹ của nhiều đứa trẻ, của những công dân thế hệ tương lai của Ðài Loan sau này. Tuy những bi kịch tương tự đã xảy ra rất thường xuyên ở Ðài Loan, nhưng vì những mối lợi to lớn mà các Trung Tâm Môi Giới Hôn Nhân thu hoạch được qua các cuộc giới thiệu hôn nhân Việt Nam Ðài Loan, nên số cô dâu Việt Nam bị dụ dỗ qua Ðài Loan vẫn mỗi ngày một nhiều. Tiếng khóc và nước mắt của các cô dâu Việt Nam vẫn tiếp tục chảy, và những nỗi đau lòng của những người mẹ ở Việt Nam sẽ vẫn còn tồn tại mỗi khi hay tin những đứa con mà mình cưng chiều nâng như nâng trứng, nay bị người chồng Ðài Loan đánh đập hành hạ cách tàn nhẫn.

Mẹ Việt Nam ơi, cho đến ngày nào thì những con cái của mẹ mới thoát được những kiếp đọa đày này.

 

(Rev. Joseph Trương viết lại dựa theo những bản tin bằng tiếng Trung Hoa)

Mainland Chinese women

forced into sex trade by snakeheads

 

Mainland Chinese women forced into sex trade by snakeheads

2001/4/14

CNA

Two members of a cross-strait snakehead ring have been nabbed for allegedly smuggling mainland Chinese women into Taiwan to work in the sex trade, sources from the Criminal Investigation Bureau (CIB) reported.

The two Taiwan men, identified as Kao Mu-shan and Chen Ming-chi, were apprehended by CIB agents Thursday in the northern city of Hsinchu on charges of being involved in arranging false marriages between mainland women and Taiwan men and then forcing the women to work as prostitutes in Taiwan. The CIB agents arrested Kao and Chen after they received a complaint filed by a Taiwan friend of a mainland woman, surnamed Wan, from Sichuan province's Chongqing City, saying that she was among six women from mainland China being forced to work as prostitutes in an underground brothel in Hsinchu. CIB agents raided the underground brothel and rescued Wan and another mainland woman, surnamed Tsai. According to Wan, she became acquainted with Chen and Kao last June in Chongqing. Wan married Chen in December and had their marriage officially registered in both Chongqing and Taiwan. Chen brought Wan to Taiwan in March of this year but did not take her to his home. Instead, according to Wan, she was taken directly to Hsinchu by Kao, who arranged for her to live with five other mainland women in an apartment, forcing them to work as prostitutes. Wan claims that she had been forced to take customers 42 times since late March. The police found that the other four mainland Chinese women, some of whom are college graduates, were also taken to Taiwan in a similar manner and were forced into prostitution. According to Kao and Chen, the snakehead ring is actually operated by a man surnamed Hsu, whom the police are actively tracking down.

 

 

 

Người Mẹ Việt Nam đau lòng

uống thuốc sâu tự tử

khi hay tin con gái của mình

bị bán vào ổ mãi dâm tại Ðài Loan

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Một Người Mẹ ở Việt Nam đau lòng uống thuốc sâu tự tử khi hay tin con gái của mình bị bán vào ổ mãi dâm tại Ðài Loan.

Co Gai Viet

(Taoyuan, Taiwan - 5/09/2003) - Cô Vũ Thị T, sinh ngày 29 tháng 9 năm 1981 tại Thanh Hóa, một cô gái hiền lành chất phác, có nhiều mộng ước. Nhưng cuộc đời của cô với số mệnh đưa đẩy đã thay đổi tất cả những chương trình dự tính của cô. Là một nữ sinh trung học mới ra trường, cô ước mong sẽ có ngày được học hết đại học để chuẩn bị cho một tương lai sáng lạng hơn. Nhưng số trời đưa đẩy, vì tình hình kinh tế, cô đã phải bỏ ngang chương trình đại học đang học dở dang, để chấp nhận làm công nhân lao động hợp đồng với một công ty chuyên sản xuất giày ống (giày dùng để đi mưa và những nơi bùn lầy) ở Quảng Tây, thuộc tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc.

Sau bao nhiêu vất vả và tốn kém tiền bạc cho dịch vụ Xuất Khẩu Lao Ðộng, tháng 4 năm 2003, cô được đưa tới Quảng Tây, thuộc tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc, để làm công nhân. Tại đây cô quen với một số bạn bè người Trung Quốc cùng làm việc trong công ty. Ngày 24 tháng 6 năm 2003, cô được một người bạn nữ đồng nghiệp (cùng làm trong công ty) dẫn đi Phúc Châu để giới thiệu cho những người bạn nam có thể giúp đưa cô qua làm việc ở Ðài Loan. Ngày 27 tháng 6 năm 2003, như đã hẹn, họ tới Phúc Châu. Vừa tới Phúc Châu, một thanh niên Trung Quốc tên là A Lan dùng xe mô tô chở cô tới một căn nhà, vì trời tối nên cô chẳng biết là đâu cả. Họ giữ cô 3 ngày trong căn nhà này không cho đi đâu. Ðến tối ngày 30 tháng 6 năm 2003, họ dẫn cô lên một tàu nhỏ, loại tàu đánh cá, và đưa ra khơi. Khi gần tới Ðài Loan, họ chuyển cô và một số phụ nữ Trung Quốc khác trên tàu đánh cá qua một chiếc thuyền nhỏ khác. Khoảng 9 giờ tối ngày 1 tháng 7 năm 2003, thuyền nhỏ từ từ đưa họ vào một bãi hoang bờ biển Ðài Loan.

Sau khi lên tới bờ Ðài Loan, có hai người thanh niên Ðài Loan tới đón cô, và dẫn cô lên xe chở cô tới một căn nhà cô không biết là ở đâu. Họ nhốt cô 3 ngày trong căn nhà này và không cho đi đâu cả. Hai người thanh niên này nói cho cô biết là A Lan đã bán cô cho họ với giá 200,000 tiền Ðài Loan (tương đương 6,000 Mỹ Kim). Ngày 3 tháng 7 năm 2003, hai thanh niên này chở cô tới khách sạn thuộc thành phố Taoyuan để bán cô cho những ổ mãi dâm. Xe vừa ngừng ở sân khách sạn, một thanh niên đi vào khách sạn để liên lạc, thanh niên còn lại ngồi trong xe với cô. Cảnh sát thành phố Taoyuan, Ðài Loan,  tình cờ đi ngang gần khách sạn. Tên thanh niên còn lại ngồi trên xe thấy có bóng cảnh sát lại gần, sợ quá, mở cửa xe phóng chạy trốn. Cảnh sát thấy có người bỏ chạy vội vàng chạy nhanh lại gần xe, thấy trên xe còn có một cô gái đang kêu "cứu tôi với". Nhờ vậy Vũ Thị T đã may mắn thoát được những bàn tay vô nhân đạo của bọn buôn người.

Vì cô không có giấy tờ gì cả, cảnh sát đưa cô về trại tạm giam của ty cảnh sát. Qua lời khai của cô, cảnh sát Taoyuan, viết thư tới công ty ở Quảng Châu, Trung Quốc, nơi mà cô đã làm việc, để nhờ công ty gửi hộ chiếu của cô qua Ðài Loan. Vì địa chỉ cô cho không chính xác, nên thư của cảnh sát gửi đi bị gửi trả lại Ðài Loan. Cảnh sát phải nhờ những người bạn Ðài Loan quen biết đang  làm việc ở Trung Quốc tìm tới công ty để lấy lại hộ chiếu của cô.

Trong thời gian ở trong trại tạm giam chờ đơi giấy tờ để về Việt Nam, cô nhắn với một số bạn bè Việt Nam khác ở chung trong trại, những người bạn này đã xong thủ tục và chuẩn bị rời trại để về Việt Nam. Khi những người bạn này về tới Việt Nam, họ giúp cô liên lạc với gia đình của cô. Mẹ của cô hay tin cô bị bán qua Ðài Loan để làm mãi dâm, và đang bị nhốt ở Ðài Loan. Bà hiểu lầm rằng bà không còn dịp gặp được con gái nữa, đau lòng quá nên bà uống thuốc sâu tự tử. Cũng may, kịp thời cấp cứu nên mẹ của cô cũng đã được cứu sống. Qua điện thoại, biết được sự kiện đau lòng xảy ra ở Việt Nam, cô Vũ Thị T khóc lóc thảm thiết. Giáo dân Ðài Loan xem tin tức thấy cô gái Việt Nam bị lừa đưa qua Ðài Loan làm gái mãi dâm và người mẹ ở Việt Nam uống thuốc sâu tự tử. Một số giáo dân  thấy trường hợp tội nghiệp nên đã tới ty cảnh sát quyên giúp tiền để cảnh sát mua vé máy bay cho cô về Việt Nam thăm mẹ. Cũng may mắn, cảnh sát cũng đã nhận được hộ chiếu của cô. Tháng 9 năm 2003, cô Vũ Thị T đã được đưa ra phi trường, lên máy bay rời Ðài Loan về lại Việt Nam để kịp thời về thăm mẹ.

 

(Rev. Joseph Trương viết lại dựa theo những lời tường thuật của Vũ Thị T và dựa theo các bản tin bằng tiếng Trung Hoa)

Chợ Mua Bán Phụ Nữ

Công Khai Ở Việt Nam

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Trong truyền thống dân tộc Việt Nam, hôn nhân là một món quà đặc biệt Thượng Ðế tặng ban cho nhân loại. Ngoài những việc nam nữ yêu thương tỏ tình với nhau, đến ngày hai người se duyên kết bạn với nhau, mọi người đều cầu mong cho Lão Tơ Hồng sẽ se mối duyên hồng cột chặt hai người lại, giúp cho hai người sống trăm năm hạnh phúc bên nhau. Hôn nhân cũng là một bước đầu để tạo nên một tổ ấm mới cho gia đình và đàn con cái, là một đơn vị căn bản để tạo nên đại gia đình trong xã hội.

Tôi còn nhớ, vào một ngày lễ Kính Thánh Gia trong một nhà thờ ở Hoa Kỳ. Cha chủ tế mời những gia đình nào có cả chồng lẫn vợ sống chung trung thành với nhau từ đầu ngày cưới cho đến nay đứng lên để mọi người chúc mừng. Nhìn đi nhìn lại, những người đứng lên, nghĩa là những cặp vợ chồng trung thành với nhau lâu nhất, đa số đều là những gia đình Việt Nam. Quả thế, gia đình Việt Nam được nổi tiếng là có những người cha người mẹ trung thành với nhau nhất trên thế giới. Nhưng điều này nay đã thay đổi. Từ ngày nhà nước Cộng Sản Việt Nam lên cầm quyền toàn nước Việt Nam (1975) đến nay, đã làm cho bao gia đình ly tán, và điều đáng buồn hơn, đã tạo nên một phong trào mới, các cô gái Việt Nam đua nhau lấy chồng Ðài Loan để thoát khỏi kiếp nghèo.

Lấy chồng là một việc bình thường của nữ giới, nhưng lấy chồng Ðài Loan như các cô gái Việt Nam hiện nay, quả là một điều đáng buồn. Bao nhiêu cô gái nhắm mắt đưa chân lấy chồng Ðài Loan, để rồi qua Ðài Loan phải ôm nỗi buồn muôn kiếp. Có chồng mà không muốn sống với chồng (như những cô dâu vùng Xu-Au, I-Lan). Có chồng ngày trước, ngày sau muốn bỏ mà về (như trường hợp của cô X. vùng Ta-Xi, Taoyuan). Có chồng nhưng không phải chỉ phục vụ xác thịt tình dục cho chồng, nhưng cho cả nhà chồng và cả thảy những anh em nhà chồng (như trường hợp cô L. vùng Ðài Trung). Có chồng để có được một mái ấm gia đình nào đâu không thấy, chỉ thấy những kết quả tự tử (như trường hợp của cô T. vùng Chang Hoa), hoặc phải bất đắc dĩ ly dị, phải lang thang, và có người đã trở thành điên loạn, phải vào nhà thương điên, mất con mất tất cả (như trường hợp của cô T. Ta-Yuan, Taoyuan).  

Ngoài những sự việc đáng thương trên của các cô dâu Việt Nam xảy ra sau khi đến Ðài Loan mà lâu nay chúng tôi đã tường thuật rất nhiều trên báo chí và trên Mạng Lưới Toàn Cầu (Internet). Lần này chúng tôi xin gửi đến qúi vị những e-mail của những người thiện chí khác quan tâm đến tình hình Việt Nam gửi cho chúng tôi tường thuật về những sự việc xảy ra ở Việt Nam trước khi các cô dâu này tới Ðài Loan.

 

From : <HaTuLang@aol.com>

To : <vnmissio@tpts5.seednet.net.tw>

Sent : Saturday, November 17, 2001 7:01 AM

Subject : Chợ Mua Bán Phụ Nữ

Chợ môi giới mua bán phụ nữ hoạt động công khai ở Việt Nam.

Ðây không phải chuyện xảy ra ở... Phi Châu hồi thế kỷ thứ 19. Chuyện này đang xảy ra giữa ban ngày và hàng ngày ở giữa thành phố Sàigòn, thủ đô kinh tế của cả nước. Các tú bà, tú ông, các tay môi giới buôn bán phụ nữ, và đương nhiên là các cô gái - món hàng duy nhất không thể thiếu để trao đổi và trả giá - tất cả tụ họp lại ở cái chợ người tại Công Viên Cư Xá Lãnh Binh Thăng, thuộc Phường 8, Quận 11, Sàigòn. Chợ người này hoạt động sôi nổi 24/24.

Nhà Nước biết không? Phải biết chứ! Bởi vì chợ tập trung hàng trăm cô gái từ các miền quê Long An, Ðồng Tháp, Ðồng Nai, Sóc Trăng, Cà Mau... đến đây để chờ "lấy chồng" người nước ngoài. Tất cả các cô gái đều được đặt dưới sự "quản lý" của những đường giây tú bà và bọn "ma cô bảo kê". Những người đàn ông nước ngoài, hầu hết là người Ðài Loan, tìm đến đây để trả giá "mua vợ" như mua những món hàng. Các tú bà sẵn sàng lo thủ tục kết hôn cho họ, ngoài ra đàng sau bình phong hôn nhân là những vụ mua bán dâm trá hình. Tuy vừa qua công an Phường 8, Quận 11, thành phố Sàigòn đã truy quét những "đối tượng" tụ tập tại đây, nhưng bất cứ ai đi ngang Công Viên Cư Xá Lãnh Binh Thăng vẫn chứng kiến chợ môi giới mua bán phụ nữ hoạt động rầm rộ...

Tính đến nay, đã có hàng chục ngàn phụ nữ lấy chồng người nước ngoài qua các cuộc mua bán, mà phần lớn lấy người Ðài Loan. Thống kê năm 2000 của nhà nước cho biết, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2000, có hơn 1,000 vụ lấy chồng Ðài Loan. Riêng tỉnh Cần Thơ có số phụ nữ bán cho các vụ lấy chồng Ðài Loan tăng gấp 3 lần năm trước (1999) với 1,002 vụ...

Theo phúc trình của Cơ Quan Nhi Ðồng Liên Hiệp Quốc về tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em cho các vụ lạm dụng tính dục, khu vực châu thổ sông Mekong bao gồm các nước Thái Lan, Việt Nam, Cam Bốt, Lào và cả hai tỉnh phía nam Trung Quốc (Vân Nam và Quảng Tây), có khoảng 300 ngàn phụ nữ và trẻ em bị dồn vào trong các điều kiện sống như nô lệ... Hồi giữa tháng 5 năm 2001, báo Nông Thôn Ngày Nay ở Hà Nội dựa vào các báo cáo của nhà nước nói rằng khoảng 10,400 phụ nữ (70% là gái vị thành niên) đã bị bán sang Trung Quốc. Một số bị bán làm vợ, một số bị bán làm điếm. Trong số vừa kể, 1,829 người đã trốn về được Việt Nam, đem theo lối 200 trẻ con có cha là người Hoa.

Một số khá đông các cô gái (hầu như đều ở tuổi vị thành niên) cũng được bán cho các chủ chứa bên Cam Bốt. Qúa phân nửa đến 2/3 các cô gái trong xóm điếm nổi tiếng ở Nam Vang là gái Việt Nam bị gia đình bán cho đám môi giới. Các cô gái này sau một thời gian, trốn về được Việt Nam đem theo bệnh HIV/AIDS gieo rắc trên quê hương nhà.

Khi chưa có cái chợ người công khai ở Công Viên Cư Xá Lãnh Binh Thăng, các văn phòng môi giới hôn nhân có giấy phép hoạt động cho nhà nước cấp, làm thủ tục "lấy chồng" cho các cô gái Việt lấy người Ðài Loan để cha mẹ các cô nhận món tiền khoảng 2 ngàn đến 8 ngàn đô Mỹ tùy nhan sắc và tùy sự trả giá, thỏa thuận giữa đôi bên. Báo chí trong nước từng đăng tải nhiều cảnh thương tâm qua lời kể của các cô gái trốn được từ Ðài Loan về nước. Có trường hợp một cô gái Việt làm vợ cả mấy người đàn ông trong một đại gia đình.

Có trường hợp một thanh niên Ðài Loan sang Việt Nam lấy liên tiếp 4 cô gái khác nhau rồi bàn giao lại cho cha, cho các anh trong nhà, qua thủ tục ly dị, rồi mấy người kia kết hôn lại!

 

"Lấy chí nhân mà thay cường bạo,

Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn."

                                    (Nguyễn Trãi)  

 

Chuyện dài lấy chồng Ðài Loan: 12 bến nước

Những nàng Kiều thời đại

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Trong mấy năm gần đây, vì hoàn cảnh dân chúng Việt Nam quá nghèo khổ, nên đã xảy ra hiện tượng các cô gái Việt Nam đua nhau lấy chồng ngoại quốc, và đặc biệt tệ nạn ồ ạt lấy chồng Ðài Loan. Nhiều người nói rằng, lấy chồng ngoại là một chuyện bình thường, có người lấy chồng Mỹ, lấy chồng Pháp... thì cũng có người lấy chồng Ðài Loan. Ðương nhiên, chúng tôi đồng ý rằng, có những cuộc tình yêu vượt biên giới, yêu người ngoại quốc, và kết hôn với người ngoại quốc. Cũng có những cặp hôn nhân rất hạnh phúc, rất thành công, và và rất giàu có... Nhưng điều đáng nói ở đây đó là những tệ nạn các cô gái Việt Nam đua nhau gã cho các chàng trai Ðài Loan trong những tình trạng không được bình thường, và đã làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của hôn nhân. Có những mối tình quen nhau chớp nhoáng trong vài phút rồi cưới nhau, có những đám cưới ngoài ý muốn, có những cặp trai gái cưới nhau với những điều kiện rất là bất đắc dĩ, và có rất nhiều cuộc hôn nhân chỉ với mục đích lợi dụng nhau. Ở Ðài Loan, có rất nhiều cô dâu Việt Nam được các công nhân gọi là "những cô lấy chồng Ðài Loan nhưng không ngủ với người chồng Ðài Loan, chỉ thích ngủ lang chạ với trăm ngàn đàn ông khác". Hoặc có rất nhiều cô tâm sự với chúng tôi: "con chỉ kiên nhẫn chờ đợi 7 năm để mong có được giấy quốc tịch Ðài Loan rồi sau đó con sẽ ly dị".

Ngoài những sự việc đáng thương của các cô dâu Việt Nam xảy ra sau khi đến Ðài Loan mà lâu nay chúng tôi đã tường thuật rất nhiều trên báo chí và trên Mạng Lưới Toàn Cầu (Internet). Lần này chúng tôi xin gửi đến qúi vị những e-mail của những người thiện chí khác quan tâm đến tình hình Việt Nam gửi cho chúng tôi tường thuật về những sự việc xảy ra ở Việt Nam trước khi các cô dâu này tới Ðài Loan.

 

From : <HaTuLang@aol.com>

To : <vnmissio@tpts5.seednet.net.tw>

Sent : Saturday, November 17, 2001 7:02 AM

Subject : 12 Bến Nước

Chuyện dài lấy chồng Ðài Loan: 12 bến nước

Những nàng Kiều thời đại:

Các cô gái trẻ hy sinh tương lai, cứu gia đình qúa nghèo khổ.

Trung bình mỗi tháng, Bệnh Viện Chở Rẫy và Bệnh Viện Thống Nhất ở Sàigòn khám sức khỏe cho hơn 850 phụ nữ (phần lớn từ 18-20 tuổi) có nhu cầu xuất cảnh qua Ðài Loan theo diện kết hôn. Hàng ngày, những cô dâu trẻ đứng ngồi chờ đợi trong khuôn viên bệnh viện. Một buổi sáng tại Bệnh Viện Thống Nhất, hơn 20 cô gái trẻ đang ngồi trước một phòng khám thuộc khoa Khám Sức Khỏe cho người định cư ở nước ngoài.

Khác với người vào trị bệnh, họ trang điểm đậm và ăn mặc rất đẹp. Họ cùng giống nhau ở chỗ: lấy chồng Ðài Loan và đang làm thủ tục xuất cảnh theo chồng. Nguyễn thị Lan 19 tuổi, quê ở Long An ngập ngừng mang giấy yêu cầu siêu âm của y sĩ đến nhờ đọc giùm vì... không biết chữ? Cô vừa mới lấy chồng Ðài Loan, 48 tuổi, có tật ở chân trái. Trước đó, Lan ở đợ cho một gia đình ở đường Nguyễn Ðình Chiểu, Quận 3, Sàigòn (Phan Ðình Phùng cũ), từng có bạn trai là thợ sửa xe. Vì gia đình cần một số tiền, Lan đã chấp nhận lấy người chồng này qua một dịch vụ môi giới, với tiền cưới 10 triệu đồng VN.

Tại phòng khám số 1, Nguyễn Thị Ánh 18 tuổi, quê ở Long Hưng, Sóc Trăng buồn bã khi nghe y sĩ bảo phải điều trị bệnh phổi một thời gian mới đủ sức khỏe đi nước ngoài. Ánh nói:

- Nhà con nghèo lắm bác sĩ ơi! Chồng con không cho nhiều tiền để chữa bệnh đâu. Bà Phượng (người mai mối) hăm rằng nếu con không sang được Ðài Loan theo hợp đồng thì phải trả lại tiền đám cưới...

Hỏi về nghề nghiệp và gia cảnh nhà chồng, Ánh lắc đầu, nói là... không rành lắm, chỉ nghe chồng nói là ở Việt Nam Ánh làm ruộng thì sang Ðài Loan cũng sẽ có 2 mẫu ruộng để làm!

Ðáng thương hơn là cô Lê Ngọc Hạnh 19 tuổi, quê ở xã Long Sơn, Bà Rịa, đã phải cầu cứu với một nữ y sĩ. Qua 3 người môi giới, Hạnh về làm vợ một người Ðài Loan 39 tuổi, tên Shiu. Ngày đầu tiên sống chung tại một khách sạn ở Quận Tân Bình, Sàigòn, Hạnh phát giác ông này bị bất lực. Những ngày tiếp theo, Hạnh bị hành hạ đủ kiểu... Với khả năng có thể, y sĩ đã giúp Hạnh bằng cách kéo dài thời gian khám bệnh, nhằm tạo cơ hội cho Hạnh gặp gỡ gia đình, tìm cách giải quyết. Thế nhưng, hơn một tuần sau, Hạnh trở lại bệnh viện xin nhận hồ sơ chứng nhận đủ sức khỏe, vì:

- Ba má con đã xài hết tiền đám cưới. Con phải đi Ðài Loan để trả nợ!

Trong lúc Hạnh ôm lấy một nữ y sĩ khóc rưng rức thì bên ngoài, ở các phòng khám bên cạnh, hàng chục cô gái khác đang lặng lẽ chờ kêu tên bước vào phòng khám. Y sĩ Dương Lệ Chi, khoa Khám Xuất Cảnh, Bệnh Viện Chợ Rẫy Sàigòn cho biết, nếu trước kia người khám sức khỏe đi Ðài Loan theo diện kết hôn hầu hết tập trung ở các tỉnh Miền Nam thì hiện nay có nhiều người ở Miền Bắc. Phần lớn các cô gái đều không có nghề nghiệp, học vấn thấp, lấy chồng qua các dịch vụ, đường dây chuyên gả vợ cho người Ðài Loan, mà không hề biết gì về gia cảnh, nghề nghiệp của chồng. Theo tìm hiểu của các y sĩ ở Bệnh Viện Thống Nhất, chồng của các cô gái này thường đã lớn tuổi và bị khiếm khuyết thể chất hoặc tinh thần.

Các cô gái này chấp nhận lấy chồng, đều không vì tình yêu, mà chỉ vì một số tiền do cuộc hôn nhân mang lại, và sau đó được sang Ðài Loan sống. Theo y sĩ Nguyễn Ngọc Quế, phó giám đốc Bệnh Viện Thống Nhất, hàng ngày khám sức khỏe, tiếp xúc với từng "cô dâu" trẻ, lắng nghe tâm sự, suy nghĩ của họ..., hầu hết những nhân viên y tế ở đây đều cảm thấy đau lòng, lo ngại cho tương lai của họ...

Hỗn loạn những chợ chiều,

ráo riết những phiên... "chào hàng"

Buổi coi mắt ở khách sạn Hoàng Hậu, Sàigòn, kéo dài đến hơn 4 giờ chiều mới xong. Trên 100 cô gái được các bác tài xe ôm đưa tới "tập kết" nhốn nháo bốn bên lề đường của ngã tư Tạ Uyên - Nguyễn Chí Thanh , Chợ Lớn, và lần lượt xếp hàng đi vào bên trong đại sảnh của khách sạn. Chỉ có vài chàng rể Ðài Loan; khó mà biết được họ chọn vợ theo tiêu chuẩn nào, chỉ thấy từng tốp dăm ba cô gái rời khỏi khách sạn và leo lên những chiếc xe Honda ôm lao đi.

Về tình hình này, Trưởng Công An Phường 15, Quận 5, nói tỉnh bơ:

- Chuyện ấy đâu có gì mới!

Từ sau Tết Tân Tỵ, những người đàn ông Ðài Loan sang Việt Nam lấy vợ thưa dần, trong khi số lượng các thiếu nữ "cần" chồng ngoại vẫn không có vẽ gì giảm. Vài ba ngày lại diễn ra một đợt "coi mắt". Năm sáu người Ðài Loan tha hồ lựa chọn trong số hàng chục, hàng trăm "ứng cử viên". Ðợt ồn ào ở nhà hàng Ngân Sương, công an Phường 15, Quận 5 đã " vào cuộc" nhưng cũng không thể tìm thấy dấu hiệu gì của sự phạm pháp. Và tất nhiên không can thiệp được. Chủ nhà hàng chỉ nhìn nhận mình có "bán một bữa tiệc, với chỗ ngồi và các món ăn. Còn thực khách là ai và họ làm gì trong buổi tiệc ấy, nếu không phạm pháp thì đâu thể cấm họ được.

Công an chìm đã lân la tìm cách tiếp xúc, nhưng rất khó hỏi thêm được điều gì từ các cô gái ấy. Có cô thì lịch sự nói:

- Ðến đây chơi thôi, không có chuyện gì.

Có cô thẳng thừng:

- Ði đâu kệ người ta hỏi làm gì?

Nhiều cô đã kịp khoác lên mình những kiểu trang phục theo mốt của dân thành thị, nhưng trông dáng điệu thì biết ngay là gái quê. Ða số còn rất trẻ.

Những năm trước đây, "hội chứng lấy chồng Ðài Loan" đã bùng nổ, song cách "coi mắt" chọn nhau của các đôi nam nữ khi ấy còn e dè, thậm chí được che đậy khéo léo bởi những bữa tiệc sinh nhật, tiệc cưới của người quen... Từ hơn một năm nay, nhiều nơi trong Sàigòn bắt đầu xuất hiện những "hội thi kén vợ" công khai, như "hội thi hoa hậu" vậy, thậm chí gây ồn ào mất an ninh trật tự như đã nêu trên. Bên cạnh những địa điểm bất chợt, thỉnh thoảng mới diễn ra một lần, các "phiên chợ tình" ở khu vực Cư Xá Bình Thới (Phường 8, Quận 11) được coi là thường xuyên và quy mô nhất. Công an Phường đã từng có những báo cáo cho thấy số "ứng cử viên" của mỗi lần coi mắt tại đây lên đến 200-300 cô gái. Những "ông mai bà mối" đã sục sạo về các tỉnh Ðồng Bằng Cửu Long và tạm ứng trước tiền "che o" cho những cô gái nào đồng ý lấy chồng Ðài Loan. Sau đó họ dắt các cô lên Sàigòn, cho tá túc tại các khu nhà cho thuê chờ ngày "mở hội coi mắt".

Vừa qua, chỉ trong vòng 2 tuần "lập lại trật tự" tại khu vực Cư Xá Bình Thới, cơ quan chức năng đã xử phạt hàng chục xe Honda ôm chở 3 chở 4, giúp gần 50 cô gái tụ tập không có chứng minh nhân dân. Phạt xe ôm thì... ăn thua gì!

 

"Lấy chí nhân mà thay cường bạo,

Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn."

                                (Nguyễn Trãi)

 

Số mệnh bi thảm

của những cô dâu Việt Nam tại Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Cô dâu Việt Nam ra tay giết đứa con 7 tháng tuổi rồi tự cắt cổ tay tự tử.

Ðài Loan (19/06/2001). "Vào chiều ngày 19/06/2001, cảnh sát Ðài Loan tới ngay hiện trường sau khi nhận được điện thoại cấp cứu, nhưng chỉ kịp cứu người mẹ, riêng đứa con 7 tháng tuổi vì quá yếu nên đã chết trước khi cảnh sát tới hiện trường".

Trên đây là bản tin nói về cô dâu Việt Nam (cô Nguyễn Thị...) tại Ðài Loan, đã làm cho những người Ðài Loan phải giật mình vì sự tàn nhẫn của người mẹ cầm dao giết chết đứa con 7 tháng tuổi của chính mình, rồi tự cắt mạch máu của mình để tự tử. Cảnh sát tới ngay hiện trường chỉ cứu kịp người mẹ, còn đứa con thì đã qua đời.

Sự việc xảy ra cũng chỉ vì những mù quáng của đồng tiền. Nhiều cô dâu Việt Nam, bất chấp mọi sự, nhắm mắt đưa chân, chấp nhận kiếp lấy chồng xứ người, trong khi không biết một chút gì về người đàn ông mà mình sẽ về chung sống, hay chẳng biết gì về thành phần xuất xứ của người chồng tương lai. Nhiều lúc chỉ gặp nhau trong vòng một tuần lễ khi người chồng đi du lịch 1 tuần lễ ở Việt Nam, nhiều lúc chỉ biết nhau qua hình ảnh hay những lá thư. Ðôi lúc những lá thư này cũng chỉ là do mai mối viết lấy. Chú rễ viết tiếng Tàu, cô dâu viết tiếng Việt, (có những anh chồng hoặc tàn tật hoặc mù chữ, chẳng biết viết chữ nào),mai mối muốn viết ý gì để phiên dịch cũng rất tự do, nhiều lúc hoàn toàn không trung thực. Những cô dâu này, chỉ dựa vào những trung tâm mai mối là những người thích dùng những lời ngọt ngào để dụ dỗ, chỉ cần cô Việt Nam đồng ý qua Ðài Loan và chấp nhận làm vợ của những người Ðài Loan, và người chồng Ðài Loan chỉ cần trả tiền cho mai mối, mọi chuyện sẽ xong xuôi và rất nhanh chóng, bao luôn cả những thủ tục giấy tờ hôn phối, visa xuất nhập cảnh... Cũng từ đó, khi qua tới một nước xa lạ, bỡ ngỡ trước sự hoàn toàn mới lạ, ngôn ngữ bất đồng, đa số người chồng Ðài Loan loại này lại thuộc những thành phần có vấn đề. Ðủ thứ vấn đề phải đối diện, vấn đề kinh tế gia đình, vấn đề đời sống xã hội, và đôi lúc còn gặp cả những rắc rối về xã hội, vấn đề nợ nần, vấn đề tiền án của chồng.... và từ đó, có những cô dâu đã tự tìm đến những lối thoát dại dột, tự tử để thoát khỏi cái kiếp khổ ở đời này. Nhưng khốn nỗi, chạy trốn kiếp này trốn không thoát kiếp sau. Người mẹ giết con này bây giờ phải đối đầu với lao tù vì tội giết con.

Trong mấy năm gần đây, tuy báo chí truyền thanh truyền hình đã nói nhiều về những thảm cảnh cô dâu Việt Nam ở Ðài Loan, nhưng số lượng các cô gái Việt Nam đua nhau lấy chồng Ðài Loan mỗi ngày vẫn một gia tăng. Cũng từ đó, những thảm cảnh xã hội đến từ những gia đình thiếu hạnh phúc này vẫn cứ thế gây nên những tệ nạn mới cho xã hội.

Ngày 29 tháng 3 năm 2001, một trường hợp khác của cô Trần Thị... lấy chồng Ðài Loan (Ông Hung Kuo Chen), người chồng là một người bị mắc bệnh tâm thần. Trong một lúc lời qua tiếng lại, người chồng đã cầm lấy chiếc búa đập vào đầu cô dâu Việt Nam, cô dâu Việt Nam bị mê man và được hàng xóm báo cảnh sát và đã được đưa vào nhà thương chữa trị. Rồi đây sau khi cô dâu này được chữa trị, nếu may mánh còn sống, chắc cũng sẽ cùng chung số phận mát mát điên điên như người chồng, vì não đã bị trọng thương.

Khoảng cuối năm 2000, trường hợp của cô Hà Thị... sau khi qua Ðài Loan sống với chồng một thời gian, có được một đứa con nay đã được bảy tuổi. Cô cứ nghĩ rằng có con thì có thể thay đổi được tính tình của chồng. Nhưng cô đã lầm, tật đánh vợ của chồng vẫn chứng nào tật đó. Chịu hết nỗi, cô đành bỏ nhà ra đi, chồng ở nhà bơ vơ với đứa con. Sau bao nhiêu lần gọi vợ về nhưng vẫn không thấy vợ về, ông đành xách con ra bờ sông chuẩn bị tự tử. Hàng xóm chỉ nghe được những tiếng kêu cứu của đứa bé: "ba ơi đừng bắt con nhảy xuống sông". Nhưng không kịp, hàng xóm chạy ra thì chỉ kịp nhìn thấy người chồng kéo đứa con từ trên cầu cao cùng nhảy xuống sông tự tử. Ðội cấp cứu vội vàng tới cũng chỉ vớt lên được người chồng còn sống, nhưng đứa bé thì đã tắt thở. Người mẹ (cô dâu Việt Nam) nghe tin, chạy tới bờ sông nhìn thấy xác con, chỉ biết kêu la thảm thiết, đau lòng khóc cho đứa con thơ vô tội chết oan uổng.

Cũng khoảng cuối năm 2000, trường hợp của cô Phạm Thị... Sau khi qua tới Ðài Loan một thời gian, đã có được một đứa con bốn tuổi. Sống chung khổ như hỏa ngục, chịu hết nổi vì những trận đấm đá của chồng, cô đành cầm bình xăng tới đổ vào người đứa con và vào chính thân mình, chạy tới ngồi bên chiếc xe môtô, châm lửa tự tử. Ðội cấp cứu tới thì chỉ kịp tắt lửa để đưa ra hai tấm xác cháy thiêu của cô dâu Việt Nam và đứa con thơ vô tội.

Có lẽ những thảm cảnh này, đã và rồi sẽ còn xảy ra dài dài trên đất nước Ðài Loan này. Hôn nhân không phải là một phương tiện để kiếm tiền, cũng không thể vì tiền mà nhắm mắt đưa chân cưới gã cho ai thì mặc kệ. Nếu ai có dịp vào trong các trại giam của Ðài Loan, trong mấy năm gần đây, đã có rất nhiều cô dâu Việt Nam lấy chồng Ðài Loan bị bắt ở các ổ mãi dâm. Những cô dâu chỉ là những hình thức trá hình của những anh chồng ma cô giả danh, dụ dỗ các cô gái này qua Ðài Loan rồi đưa vào các ổ mãi dâm để phục vụ kiếm tiền cho bọn chúng. Có những cô chỉ ở tuổi 13 hay 14, nhưng đã được bọn chuyên nghiệp này thông đồng với các nhân viên nhà nước Việt Nam, để có được những hộ chiếu giả với tuổi 18 hoặc 20. Rồi đưa qua Ðài Loan theo diện hôn nhân và được đưa thẳng tới các ổ mãi dâm để kiếm tiền cho bọn chúng. Cả những cô dâu này cũng không biết anh chồng của mình là ai, và cũng không biết rằng mình qua Ðài Loan là vì đã có hôn phối với người Ðài Loan.

Chưa hết, những chuyện này sẽ càng ngày càng nhiều thêm, vì những cô dâu qua trước, không dám kể sự thật cho những người còn ở Việt Nam, một phần vì sợ hỗ nhục, một phần vì đã lỡ dại thì chỉ còn biết nhắm mắt đưa chân, một phần thì bọn mai mối sẽ không để yên cho những ai dám phá vỡ công việc làm ăn của bọn chúng. Lại còn có những cô tàn nhẫn hơn, mình đã lỡ dại rồi thì lợi dụng luôn cơ hội đó dụ thêm những cô dâu Việt Nam khác để kiếm tiền làm giàu: Ðây là trường hợp của cô Trần Thị Thu Hoài, sau khi lấy chồng Ðài Loan, cứ thường xuyên cùng với chồng qua lại Ðài Loan Việt Nam để làm mai mối cho đàn ông Ðài Loan và những cô gái Việt Nam. Vì đồng tiền, cô cũng dám lừa đảo luôn cả những việc thật vô lương tâm. Ngày 16 tháng 8 năm 2001, tòa án Thành Phố Sàigòn, Việt Nam, đã kết án chồng của cô (ông Feng Shu-Ya) 5 năm tù ở với tội đã dụ dỗ và đã tổ chức đưa các cô gái Việt Nam qua Ðài Loan làm mãi dâm. Còn phần cô Trần Thị Thu Hoài thì bị kết án 4 năm tù ở vì tội đồng lõa trong tổ chức chuyển người qua Ðài Loan làm gái mãi dâm. Hai người này đã bị bắt vào năm 2000. Kể từ năm 1988 đến lúc bị bắt, theo những chứng cớ trong phiên tòa, hai người này đã đưa ít nhất 8 cô gái Việt Nam qua Ðài Loan để làm gái mãi dâm.

 

Phong trào "bán thiếu nữ Việt Nam làm vợ"
hầu hết những người mua là người Ðài loan
với giá từ 2,500 đến 8,000 dollars Mỹ

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Phong trào "bán thiếu nữ làm vợ" tại Việt nam - hầu hết những người mua là người Ðài loan với giá từ 2,500 đến 8,000 dollars Mỹ.

 Tin Saigon, Việt nam (Mar 14, 2001. Zenit) Theo tường trình của đài BBC hôm thứ Tư 14/03/2001, hiện tình phong trào "buôn bán thiếu nữ làm vợ" tại Việt Nam đang dâng cao và tỏ mối quan ngại về tình trạng này.

 Hiện tại, nhiều dịch vụ đại diện bán những thiếu nữ trẻ chỉ từ 2,500 đến 8,000 US dollars cho người chồng tương lai, một cách công khai, tại thành phố Sàigòn.

 Theo đài BBC, thì phần lớn những người mua là những người đàn ông Ðài loan. Những anh chồng tương lai này thường qua trung gian "con buôn" và được dàn xếp cho ở tại một "mini hotel" nào đó; thế rồi "con buôn" sẽ dẫn một số các cô gái tới để diễn hành trước mặt anh ta, khi anh ta vừa ý chọn, thì thủ tục hành chánh cũng được làm ngay (vì mọi truyện đều có mối lái và phe cánh cả, công an phường, hotel, nhà hàng, vv...). Có khi chỉ trong 3 hay bốn ngày là có đám cưới ngay.

 Những nguời phụ nữ chấp nhận cho việc bán mình này thường thường xuất thân từ các gia đình nghèo ở nông thôn và hi vọng sẽ nhận được một ít tiền. Tuy nhiên trong thực tế, họ chỉ nhận một số lượng phần trăm rất ít tiền mặt được trả từ những người đại diện dịch vụ này, hầu hết số tiền còn lại đều vào túi riêng của các dịch vụ.

 Theo báo chí Việt nam, hiện tại có khoảng 4,000 người vợ Việt Nam tại Ðài loan được mua theo theo kiểu này. Theo đài BBC, phần đông những người vợ theo kiểu này không được hạnh phúc và, trong nhiều trường hợp, họ bị bán lại cho những ổ điếm tại Ðài Loan. Cảnh sát Việt nam nói, họ khó có thể làm được gì để chấm dứt việc làm này. Họ nói rằng, nếu những người vợ kiểu này có thể lấy một ít tiền từ những người chồng mới của họ, để gởi về cho gia đình họ tại Việt nam, và rằng những người thân trong gia đình lại rất miễn cưỡng, không muốn báo cho cảnh sát những gì đang xảy ra đối với thân nhân họ tại Ðài loan. Tuy nhiên, có một câu hỏi được nêu ra ở đây là nhà nước Việt nam có lấy thuế từ những dịch vụ này hay không?

 

Những cuộc hôn nhân trá hình

hay là một hình thức mua bán nô lệ

Prepare for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

 

"Tiếc thay cây quế giữa rừng,

Ðể cho thằng Mán, thằng Mường nó leo..."

Tôi đang vùi đầu với đống sách Research Methods trong dáng điệu mệt mỏi và ngái ngủ, thì tiếng chuông điện thoại reo vang. Ở đầu dây bên kia có tiếng cười rất phấn khởi của ông bạn già. Có lẽ hôm nay ông vớ được điều gì may mắn nên ông muốn gọi để chia sẻ điều gì với ông chăng? Tôi bắt đầu:

- "Hello!" 

Bên kia đầu dây, ông bạn già khởi sự:

- "Hôm nay vui quá bạn ơi! Tớ đâu có ngờ có mấy cô nàng Việt Nam tìm đến thăm tớ. Chúng nó đến đây mang theo thức ăn đầy đủ và nấu ăn trưa ở đây. Mình cũng được một bữa thưởng thức những món ăn Việt Nam thật là ngon".

- "Cậu có phúc quá. Cậu ở mãi trên đỉnh núi mà cũng có người lê bước đến thăm. Tớ nằm ở dưới đồng bằng, nhưng chẳng thấy có cô nào đến thăm cả. Nhưng mà được bao nhiêu cô đến thăm nè?"

- "Những sáu cô... ba cô ở vùng tớ đây và ba cô ở Ðài Bắc đến".

- "Các cô có tâm sự gì với cậu không? Các cô sống thế nào?"

- "Mấy cô sống ở vùng tớ thì suốt ngày đi bán bánh chưng với chồng.Cuộc sống khá long đong vất vả, cũng chỉ kiếm đủ tiền để sống qua ngày thôi. Nhưng bây giờ thì sắp có con rồi. Không biết chúng có có nuôi nổi con không. Cái nghề bán bánh chưng thì làm gì khá nổi. Thấy cũng đáng thương hại thật. Mấy cô Ðài Bắc tương đối trẻ trung và đẹp gái hơn, ăn mặc sạch sẽ vàcó vẻ bảnh chọe. Mình có hỏi về tình duyên của họ thế nào? Hầu hết các cô đều lặng thinh. Nhưng có một cô chia sẻ một cách rất thành thực: Cô là con nhà tốt lành và có đạo đức ở Hố Nai. Gia đình Bắc di cư vào Nam năm 54. Cô mới chỉ hai mươi mấy tuổi. Nhưng chồng cô hiện thời là một cụ già cũng gần 65 tuổi rồi. Khi làm giấy tờ sang Việt Nam lấy vợ thì họ bớt tuổi xuống chỉ còn năm mươi mấy tuổi. Làm sao mình có thể yêu một ông cụ như vậy. Cũng ráng chịu đựng vài ba năm. Ban ngày thì nấu cơm nấu nước, lau nhà lau cửa, làm công việc của một người nội trợ. Ban đêm thì chu toàn nghĩa vụ của một người vợ đối với cụ già cho nó yên chuyện. Mỗi tháng họ cho được vài ba trăm đô. Tạm như vậy ít năm để kiếm được số vốn rồi mới giã từ cụ già trở về Việt nam đi lấy chồng khác..."

Ðây mới chỉ là một trong muôn vàn những mẩu chuyện tình gượng ép, khiến chúng ta phải suy nghĩ: Hôn nhân hay là những hình thức mua bán nô lệ?

Cách đây không lâu, tôi có mở TV để xem tin tức. Bản tin có nhắc đến anh chàng thanh niên Ðài Loan sang Việt Nam lấy vợ. Anh ta là một người hào hoa, thích chơi sang kiểu công tử Tàu nên chỉ muốn lấy con gái Việt Nam thôi. Anh có đến những bốn cô vợ Việt Nam, như ng cô nào cũng chỉ sống với anh ta trong một thời gian ngắn, sau đó thì anh ly dị. Cô vợ thứ nhất trong thời gian làm giấy tờ ly dị, người bố anh thấy cô bé xinh đẹp trẻ trung, mới bảo anh: "Mày không thích nữa thì để nó cho tao. Nó tốt lành xinh đẹp như vậy mà bỏ đi thì phung phí của trời cho". Thế là thằng con làm giấy tờ ly dị chuyển sang cho bố. Cô bé này từ tư thế con dâu bây giờ trở thành người mẹ kế. Anh chàng này lại xin giấy sang Việt Nam lấy thêm một cô vợ khác. Nhưng chỉ trong một thời gian không lâu, anh cũng cảm thấy không thích nữa và lại làm giấy ly dị cô ta.. Người anh thấy cô bé đẹp gái dễ thương mới bảo với em: "Nếu mày không muốn nữa thì để cho tao. Tao thấy nó cũng được gái". Thế là anh ta đi làm giấy tờ chuyển sang cho người anh...

Ít lâu sau, anh lại lên đường sang Việt Nam để đi lấy cô vợ khác. Nhưng vốn bản tính đa dâm, lúc nào cũng chỉ muốn hưởng dùng những cái mới, nên cũng chỉ sau thời gian trăng mật, anh ta lại đưa nàng ra tòa để làm giấy ly hôn. Lần này thì đứa em trai của anh thấy cô bé cũng còn khá hấp dẫn, nên mới bảo anh làm giấy để lại cho em. Thế là anh đã trải qua ba lần lấy vợ Việt Nam.

Nhưng chưa tha, anh lại lên đường sang Việt Nam lấy vợ khác. Và dĩ nhiên, vì mục đích của anh là không phải thật tình muốn lấy vợ để cùng nhau chung sống xây dựng một cuộc sống an vui và hạnh phúc gia đình, nhưng là đi tìm những con người đẹp, trẻ trung, tốt lành, đơn sơ để thỏa mãn cho thú tính của anh, nên cũng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, anh lại đưa ra tòa ly dị. Cô vợ thứ tư này không còn ai trong nhà để chuyển giao nữa, nên người bố anh mới nói với anh: "Tao thấy nó cũng dễ thương, xinh xắn. thôi thì mày làm giấy tờ cho nó làm đứa ở trong nhà để nó lo phục dịch cho hết mọi người trong nhà này". Thế là cô dâu thứ tư này từ địa vị là một cô dâu xuống thành một đứa ở giúp việc trong nhà.

Vì anh ra tòa ly dị và làm giấy chuyển giao quá nhiều lần nên chính quyền cũng có đặt vấn đề: Liệu có còn luân thường đạo lý trong một gia đình và một xã hội như thế nữa không?

Nhưng mẩu chuyện lâm li bi đát về những cô dâu lấy chồng Ðài Loan diễn ra mỗi ngày trên hòn đảo bé nhỏ này khiến chúng ta không thể nào không quan tâm đến được.

"Và cũng từ đó người Ðài Loan

biết nhiều hơn về người Việt Nam..."

Ngày hôm qua, tờ báo China Post cũng đăng tin: Một cô dâu Việt Nam có tên là Nguyễn thị L., 30 tuổi, đã uống thuốc tự tử vì bị qúa tuyệt vọng. Cô ta đến Ðài Loan được ba năm rồi, nhưng cuộc sống ngày càng gặp nhiều khó khăn, bởi lẽ chồng cô là một anh chàng bị bệnh thần kinh thường hay nổi cơn điên, đánh đập cô bất cứ lúc nào anh muốn. Hơn nữa, ngôn ngữ bất đồng càng làm cho cuộc sống của cô trở nên bất hạnh và vô nghĩa. Cuối cùng không còn cách nào khác để giải quyết vấn đề khổ tâm của mình nên cô đã chọn con đường tự vận để sớm thoát khỏi cảnh cuộc đời ô trọc này. Dĩ nhiên, với những cuộc tình bi đát như vậy thì vấn đề tự tử là một chuyện rất thường tình, không có gì lạ cả.

Và còn, còn rất nhiều những mẩu chuyện sống động, bi đát, thảm thương khác mà chúng ta không thể nào kể cho hết được trong bài viết này.

Trước đây rất ít người Ðài Loan biết đến và nói đến người Việt Nam, bởi vì hòn đảo bé nhỏ này không muốn du nhập những người ngoại quốc, ngoại trừ một số sinh viên Việt Nam đi du học. Sau năm 1975, số sinh viên du học ở đây cũng tìm cách di dân sang các nước khác vì họ cảm thấy hòn đảo này không được an toàn khỏi ý đồ xâm lăng của Trung Cộng. Nhưng rồi vào mùa Thu năm 1987, bỗng nhiên một số chàng trai Việt Nam tuấn tú, trẻ trung, có dòng máu mạo hiểm đã dám liều mình phiêu lưu vào mảnh đất bé nhỏ này, chấp nhận cuộc sống can trường dấn thân và phục vụ. Họ là những chàng trai trẻ tuổi vừa học xong chương trình Trung Học hoặc vừa tốt nghiệp chương trình Ðại Học ở Mỹ. Họ sẵn sàng từ bỏ tất cả: Gia đình bạn bè cũng như đời sống phù hoa của miền đất phồn vinh Hoa Kỳ để dấn thân vào vùng đất xa lạ này với mục đích mang Tin Mừng cho những con người chưa được diễm phúc đón nhận Phúc Âm. Hầu hết họ phải trải qua một thời gian khá dài 10 năm trời để học ngôn ngữ và thần học. Trong số họ, cũng có một ít người lớn tuổi. Họ là những con người rất có thiện chí, muốn tận hiến quãng đời còn lại để phục vụ những con người đau khổ và bất hạnh. Quả thật, họ là những con người thật anh hùng, dám hy sinh tất cả để chọn lấy một đời sống nghèo hèn, thiếu thốn, xả thân phục vụ cho Nước Trời vàcho tha nhân. Và cũng từ đó, người Ðài Loan biết nhiều hơn về người Việt Nam qua những khuôn mặt truyền giáo khả ái này.

Nhưng rồi, bỗng dưng trong thời gian mấy năm gần đây, con số cô dâu Việt Nam nhập cảnh vượt quá kỷ lục. Chỉ trong vòng mấy năm mà đã có đến gần 30,000 cô dâu Việt Nam sang Ðài Loan với hình thức hôn nhân. Ðâu đâu cũng nghe người ta nói đến cô dâu Việt Nam. Một số người còn mỉa mai nữa: "Tội nghiệp cho các cô dâu Việt Nam, hết bị chồng đánh, đến bố mẹ chồng đánh. Ngay cả đến em chồng cũng lên tiếng mắng chửi, nguyền rủa như những dân nô lệ ngày xưa không kém. Trông thật đáng thương!"

Quả thật, họ thương hại cho những con người xấu số, những người bạc phước, bất hạnh. Họ không là thân nhân, không là người Việt Nam, nhưng chỉ nhìn thấy những hoàn cảnh đáng thương tâm, lòng họ cũng cảm thấy ngậm ngùi, se thắt.

Là người Việt Nam, chúng ta phải làm gì trước những hoàn cảnh đáng thương như vậy? Dĩ nhiên, chúng ta sẵn sàng làm tất cả những gì có thể làm được để giúp họ có được một đời sống khả quan hơn. Chúng ta không chấp nhận những hành động bất lương đó. Chúng ta lên án tất cả những hình thức lợi dụng, cả về phương diện tình dục cũng như việc đối xử tàn nhẫn dưới hình thức hôn nhân trá hình.

Về phần tôi, tôi muốn nói riêng với các bậc làm cha mẹ:
Là những bậc cha mẹ, chúng ta không thể nào nhắm mắt làm ngơ trước cảnh con cái mình đang bị đánh đập một cách tàn nhẫn bởi những người chồng vũ phu, bất bình thường, bị tật nguyền hay bị bệnh thần kinh. Làm sao lương tâm chúng ta có thể an bình nằm nhà tận hưởng một chút tiện nghi do những đồng bạc được bố thí bởi những con người bất lương và vô luân đó, trong khi con cái mình phải chịu muôn vàn gian khổ và tủi nhục.

Hãy mở mắt thật to để nhìn cho thật rõ những dòng lệ như những dòng suối không hề ngưng, đang chảy từ đôi mắt đẫm lệ của những đứa con mình đang hướng nhìn về quê mẹ trong cảnh tuyệt vọng. Hãy mở rộng đôi tai để nghe thấu tiếng kêu gào thổn thức giữa đêm thâu của những đứa con đang nghẹn ngào tức tưởi, bởi lẽ tiếng kêu cầu của họ không một ai đoái nhìn. Hãy mở cửa lòng để con tim mình biết rung động trước những cảnh tượng đáng thương tâm và đầy tủi nhục của những đứa con mình đang bị đày đọa như những người nô lệ bởi những con người dã tâm. Ðừng đòi hỏi con mình phải có những hy sinh vượt quá lý trí của con người. Hy sinh cho gia đình, cho người khác là một điều cao thượng và đáng khích lệ, nhưng cách thế mà chúng đòi con cái chúng ta hy sinh ở đây thì không phải là phương cách tốt. Chắc chắn kkhông một cha mẹ nào cảm thấy an vui và hãnh diện được khi biết rõ sự thật của đứa con mình đang rơi vào tình trạng đáng thương như vậy.

Qua bài viết này tôi muốn chia sẻ một chút tâm tình cũng như chỉ muốn gióng lên tiếng nói chân thành để giúp các bậc làm cha mẹ biết rõ sự thật phũ phàng của những cuộc tình duyên gượng ép, trá hình dưới hình thức hôn nhân mà nhiều kẻ gian thương đã lợi dụng để làm công việc thương mại cho chính họ. Hôn nhân không phải là một trò đùa, một công việc mua bán, một công việc đổi chác, mà là một sự quyết định, một sự lựa chọn cho suốt cuộc đời, có ảnh hưởng lớn lao đối với cuộc đời của con cái mình cũng như cho cả những thế hệ con cháu của mình trong tương lai.

Ðể kết thúc, tôi muốn mượn câu ca dao tục ngữ rất được thịnh hành trong dân gian để làm câu kết cho những tâm tình của bài viết này:

"Tiếc thay cây quế giữa rừng,

Ðể cho thằng Mán, thằng Mường nó leo..."

Taiwan, mùa Ðông 2000.

Lê Văn Quảng

 

Thân phận cô dâu Việt Nam
lấy chồng xứ người

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

LẤY CHỒNG XỨ NGƯỜI

 Mẹ tôi tham thúng xôi rền,
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Tôi đã bảo mẹ rằng đừng,
Mẹ hấm mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.
Bây giờ chồng thấp vợ cao,
Như đôi đũa lệnh so sao cho bằng!
(Tục ngữ Ca dao Việt Nam)

 Mỗi lần đọc báo thấy điều chi không đúng ý mình, người ta thường bảo nhau: "Tin vào mấy tờ báo làm gì" hay "nhà báo nói láo ăn tiền." Tôi không phải là nhà báo nên chẳng có lý do gì để nói láo kiếm tiền nuôi thân hay gia đình vợ con. Không biết do tình cờ hay số mạng nào dun dủi mà tôi hiện đang sống và làm việc tại Ðài Loan nên nhìn thấy nhiều điều chướng tai gai mắt nay xin được thành thật chia sẻ với mọi người những gì mắt thấy tai nghe cùng với những suy tư từ những gì tôi cảm nghiệm được trong cuộc sống ở Ðài Loan này.

 Báo chí hẳn đã nói nhiều viết nhiều về chuyện con gái Việt Nam ồ ạt đổ dồn nhau đi lấy chồng Ðài Loan với những oan khiên oái oăm cười ra nước mắt của nó. Nhưng hình như chẳng ai tin chẳng ai để tâm vì ai cũng nghĩ "chuyện xấu xẩy dến cho người khác chứ không thể xẩy ra cho tôi đâu?" Hay lý luận rằng: "Chẳng lẽ ai sang lấy chồng Ðài Loan cũng gặp đau khổ cả à!" Thế là chuyện lấy chồng Ðài Loan bỗng trở thành phong trào?chả khác chi phong trào tìm vàng ở tiểu bang California ở Mỹ trước đây. Xin quí độc giả nhớ kỹ trong đầu là tôi hiện đang sống và làm việc thiện nguyện tại Ðài Loan này chứ không phải tôi đang ngồi ở Việt Nam tưởng tượng mà viết ra những điều đau lòng dưới đây.

 Theo lời một anh bạn thân của tôi chuyên lo giúp cho các cô dâu Việt Nam ở Ðài Loan này cho biết hiện tại đã có khoảng trên dưới 50 ngàn cô dâu Việt Nam lấy chồng Ðài Loan. Anh còn bào tôi là hàng tháng có khoảng một ngàn cô sang đây theo diện lấy chồng. Làm một con tính nhẩm trong đầu ta sẽ thấy con số ấy nếu nhân cho 12 tháng thì một năm sẽ có khoảng 12 ngàn cô hân hoan tươi rói như bắt được vàng giã từ gia đình sang làm dâu xứ người trong lòng ôm giấc mộng làm giầu để giúp dỡ gia đình bên Việt Nam. Nếu quí vị có dịp sang Ðài Loan du lịch, nếu biết chữ Tầu và để ý một chút quí vị sẽ thấy các bảng quảng cáo mọc đầy trên các đường phố và ngay cả bên cạnh các đường siêu tốc. Nội dung của các bảng quảng cáo này thật đơn giản trắng trợn với hàng trắng tít lớn: "VIỆT NAM TÂN NƯƠNG". Bên dưới là số điện thoại, số fax và cả email nữa? Mỗi lần nhìn thấy các bảng quảng cáo này (tôi nghĩ nên gọi nó là bảng cảnh cáo thì đúng hơn với cái thực tế của nó!) lòng tôi lại chùng xuống một cung trầm buồn lạ lùng? Dĩ nhiên nỗi buồn của tôi có lý do của nó.

 Tôi quen khá nhiều cô dâu Việt Nam sống quanh thành phố nơi tôi đang ở và làm việc. Nhờ đó tôi biết rất rõ hoàn cảnh bi đát của họ. Các cô hy sinh cuộc đời của mình với hy vọng sang Ðài Loan kiếm tiền gửi về giúp gia đình bên Việt Nam. Nhưng thực tế bao giờ cũng phũ phàng không giống như mình mơ mình tưởng. Xin được đưa ra vài ví dụ cụ thể. Ở ngay cái chợ "chồm hổm" đối diện với nhà tôi ở có một cô dâu Việt Nam đứng bán ở một cái sạp bán rau cỏ. Cái sạp ấy là của bố mẹ chồng của cô nên cô chỉ làm như một người làm mướn. Nghe mấy cô dâu khác bảo tôi là chồng cô thỉnh thoảng vẫn đánh đập cô. Mỗi lần đi chợ mua thức ăn tiện đường tôi cũng hay ghé nói dăm câu chuyện thăm hỏi với cô. Một ngày kia khi đang nói chuyện với cô tôi thấy da mặt cô bỗng biến sắc. Cô lí nhí bảo tôi: "Anh đi về nhanh đi, thằng chồng em nó đang đến." Tôi vội vã bỏ đi trong lòng thắc mắc mình đứng nói chuyện với cô thì có gì mà làm cô phải sợ đến thế. Không cưỡng được tính tò mò, tôi ngoái đầu nhìn lại xem tướng tá anh chàng ta thế nào. Thì ra anh ta là một chàng gù lưng mà tuổi đời gấp đôi tuổi của cô. Khi anh ta bước ra khỏi chiếc xe honda tôi thấy anh ta đứng cao chưa đến vai vợ mình. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao cô sợ. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao cô hay bị đánh đập. Người chồng với mặc cảm tật nguyền như thế thì làm sao không nổi cơn ghen khi thấy cô tiếp chuyện tươi cười với những chàng trai khác nhất là người đó lại là người Việt Nam như tôi. Buồn!

 Còn một cô khác sống ở vùng quê. Tôi không được tận mắt nhìn thấy cô. Tuy nhiên nghe các cô dâu khác kể cho tôi nghe rằng chồng cô là một chàng câm. Tuổi đời, dĩ nhiên, cũng đã cao. Chuyện anh ta câm thì thực ra chẳng có gì quan trọng lắm. Nhưng khổ cái là cách đối xử của anh ta với vợ như là một con nô lệ. Hàng ngày cô phải vác bình đi xịt thuốc sâu cho lúa. Còn anh chồng thì rủng rỉnh đạp chiếc xe đạp theo sau. Hễ thấy cô nói chuyện với bất cứ ai là ai ta đánh ngay tai chỗ. Ra đến cánh đồng anh ta ngồi trên bờ nhìn vợ mình xịt thuốc sâu như ông chủ nhìn người làm công hay tên nô lệ. Buồn!

 Ngay chính tôi tình cờ một hôm phải can một anh chồng khi anh ta đánh vợ tại một quán ăn nơi vợ anh ta làm công ở đó. Quán ăn ngay cạnh nhà tôi ở nên tôi không thể làm ngơ để anh đánh cô ta được. Là người Việt Nam tôi có cái đau khi thấy người dân mình bị hà hiếp bóc lột đánh đập nơi xứ người. Nhưng tôi không thể làm chi hơn ngoài cách ôm anh chồng lôi ra ngoài. Nhìn mặt mũi cô thâm tím và một mắt bị sưng húp lên, bầm đen. Tôi gọi điện thoại cho một người bạn thân đến để cùng tôi đưa cô đi nhà thương và sau đó dẫn cô đi báo cáo cho cảnh sát. Phải đi đúng ba trạm cảnh sát mới xong. Nhưng cảnh sát cũng chẳng làm gì hơn ngoài việc gọi điện thoại về nhà cảnh cáo anh chồng rồi thôi. Tôi ra về mà lòng ngán ngẩm lòng trĩu nặng u buồn. Cô ta ở nhà tôi cho đến 11 giờ đêm thì tôi bảo cô về và dặn hễ có chuyện gì thì gọi điện thoại cho tôi. Buồn!

 Dịp hè vừa qua tôi về Việt Nam thăm gia đình bạn bè. Nhân ngồi đợi chuyến bay tôi bắt chuyện với một cô Việt Nam lấy chồng Ðài Loan. Sau phần giới thiệu tên tuổi quê quán. Tôi hỏi nhà chồng cô ở đâu. Nghe tên thì tôi biết là ở một quê hẻo lánh phía nam của Ðài Loan. Cô bảo tôi: "Nó ba sạo với em. Nó nói sẽ cho gia đình em hai ngàn đô. Nhưng thực ra má em chỉ nhận được có hai trăm đô qua bà làm mai mối." Nghe chuyện của cô tôi bỗng nhớ vài câu ca dao giễu cợt cái cảnh chồng già và chuyện tham tiền mà gả con cho anh chồng già vào thời phong kiến xa xưa. Nhưng chuyện đó không ngờ vẫn xẩy ra ở thời đại văn minh của thế kỷ 21 này:

 Gà tơ xào với mướp già,
Vợ hai mươi mốt, chồng đà sáu mươi.
Ra đường, chị giễu, em cười.
Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng.
Ðêm nằm, tưởng cái gối bông.
Giật mình gối phải râu chồng nằm bên.
Sụt sùi tủi phận hờn duyên,
Oán cha, trách mẹ tham tiền bán con.

 Còn nhiều lắm những chuyện thương tâm như thế. Nhưng kể sao cho hết trong một bài báo ngắn ngủi này. Tôi không bi quan đâu. Tôi không tiêu cực đâu. Cái nhìn của tôi thẳng thắn và thực tế. Và thực thế là như vậy đó. Nhiều khi ch1nh cha mẹ, ông bà đã bán con cháu mình chỉ vì tham vài ngàn đồng đô la. Có một cô than thở với tôi: "Em sang đây chỉ vì ngoại em nói nếu em không chịu lấy ông Ðài Loan đó thì ngoại em sẽ chết. Thế là em đành phải lấy ông ta cho ngoại vừa lòng." Chính chúng ta, ông bà hay cha mẹ đã đẩy con cháu mình vào chỗ đau khổ tủi nhục mà không biết, vào chỗ khổ cực nhọc nhằn mà không hay. Rồi ở Việt Nam đôi khi lại còn hãnh diện huyênh hoang với bà con làng xóm là con mình cũng là Việt Kiều như ai! Bởi không có cô nào dám nói lên sự thật về cuộc sống cay cực tủi nhục ở bên Ðài Loan này cho gia đình bên Việt Nam biết. Nếu nói ra thì cũng chẳng ai tin. Trái lại còn viện cớ là nó không muốn giúp đỡ gia đình nên bày chuyện nói vậy. Vì thấy con người ta cũng lấy Ðài Loan sao lâu lâu lại gửi tiền về cho gia đình hoài còn con mình thì không có gì cả. Nhưng nếu cha mẹ tin lời nói của các cô thì còn cha mẹ nào dám nhận những đồng tiền dành dụm bằng mồ hôi và nước mắt thống khổ của con cái mình gửi về. Nên cách hay nhất là im lặng cắn răng chịu đựng khổ đau cay đắng một mình và niềm vui là những lần dành dụm được ít tiền gửi về cho gia đình. Ngay tối hôm qua có cô gọi điện thoại xin mượn tiền của tôi để gửi về cho gia đình bên Việt Nam vì bên nhà gọi điện thoại sang nói là cần tiền gấp. Tôi làm sao dám từ chối đây!

 Nói thế không có nghĩa là không có những cô gặp được những người chồng đàng hoàng tử tế. Nhưng con số ấy rất nhỏ chỉ như hạt cát trong sa mạc mênh mông. Nói chung đời sống của họ không khác gì một thứ tù lỏng. Mới đây khoảng hơn một tuần tôi có hỏi một cô là năm nay cô có về ăn tết với gia đình bên Việt Nam không. Cô nghẹn ngào trả lời tôi là em muốn về cũng không được vì giấy tờ tùy thân của em bị chồng nó giữ hết rồi. Quay sang tôi hỏi cô khác thì cô cũng trả lời như vậy. Làm sao tôi không buồn khi thấy tuổi xuân của các cô bị vùi dập như vậy. Nhưng thật ra các cô chưa từng có tuổi xuân để mà bị vùi dập?

 Tôi rất đau lòng mà nói thật và thẳng những chuyện này. Là bên Việt Nam thì cứ luôn nghĩ dẫu sao gả con sang bên Ðài Loan cũng vẫn sung sướng hơn là bên Việt Nam. Cái lối suy nghĩ như thế đã ăn vào xương vào tủy nên không có cách chi thay đổi được. Mặc dù tôi biết báo chí tin tức đã nói rất nhiều nhưng vẫn không có hiệu quả gì. Người ta cứ bịt tai che mắt không dám nhìn hay không muốn nhìn sự thật. Ðồng tiền làm con người ra mụ mẫm mù quáng không còn biết đâu là thật đâu là giả.

 Các bậc phụ huynh hãy nghĩ kỹ xem đồng tiền mình đang ăn đang xử dụng có đáng với cái giá mà con mình đang trả không? Ðó là máu, là xương, là mồ hôi, là nước mắt là đau khổ của những đêm dài tủi hờn nhục nhằn âm thầm nằm bên người chồng mà mình không hề yêu không hề thương. Một tháng trước đây tôi có lo chuyện hậu sự cho một cô dâu Việt Nam chết vì tai nạn xe. Khi gọi điện thoại về cho gia đình của cô bên Việt Nam, mẹ cô bảo tôi rằng thôi thì con tôi, tôi đã gả bán cho người ta rồi. Vì thế xin anh thương lượng sao cho tốt đẹp bên họ đàng chồng của nó. Bà còn bảo tôi rằng thật tội nghiệp cho thằng chồng của nó bây giờ mất vợ. Tôi ngẩn người cứng họng không biết trả lời sao? Bởi bà có biết đâu là chàng con rể Ðài Loan yêu quí của bà là một thằng khùng. Ðã có một thời gian cả tháng trời con bà không ngủ được vì không biết lúc nào thằng chồng nó đánh mình. Không lẽ tôi bảo bà là với số tiền bảo hiểm bồi thường cho cái chết của con bà, khi lãnh được nó sẽ lại sang Việt Nam và lấy cô khác bây giờ chứ nó thương xót gì con bà. Nhưng cổ tôi đắng ngắt. Tôi lặng câm?

 Bỏ điện thoại xuống tôi suy nghĩ mông lung và chợt nhận ra bà nói đúng một điểm: Là bà đã bán con bà.

 Nói sao cho hết chuyện buồn này. Tôi xin kết luận rằng, dù rất đau lòng mà nói lên sự thật này, là đa số các cô lấy phải những tên vô lại, cờ bạc, rược chè, nghiện ngập, thất nghiệp, v.v? Có thể nói các cô dâu Việt Nam ở Ðài Loan trở thành một thứ nô lệ mới của thời đại văn minh này. Thứ nhất là họ trở nên kẻ hầu người hạ, con sen cái ở trong nhà mà không được trả tiền lương. Thứ hai là họ giúp thằng chồng vô lại có con nối dõi. Thứ ba là họ trở thành một công cụ để thỏa mãn sinh lý cho chồng.

 Viết bài này tôi chỉ có một mục đích duy nhất là muốn thức tỉnh lương tâm của những bậc làm cha mẹ có trách nhiệm hơn trong vấn đề dựng vợ gả chồng cho con cái mình. Con cái mình là con người có nhân phẩm cao quí chứ không phải là một vật để mình đổi chác rao bán để mong có vài ngàn đô la để đời mình có tí sung sướng. Một thứ sung sướng giả tạo, chóng qua và bất nhẫn. Ðừng nhẹ dạ nghe những lời dụ ngọt của bọn mai mối. Họ sống trên sự đau khổ tủi nhục của con cái mình. Họ chỉ biết có đồng tiền còn thì sống chết mặc bay. Cuộc đời vốn vẫn thế! Hãy nhớ rằng không một nơi nào ở trên trần gian này là thiên đàng cả. Thiên đàng là chính nơi mình đang ở và nếu nó chưa là thiên đàng thì mình phải có bổn phận biến nó thành thiên đàng.

 Taiwan tháng 12 năm 2000
Nguyễn Hoài Hương
 

Cô dâu Việt Nam
và vấn đề Luân Thường Ðạo Lý của thế kỷ 21

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Taipei, June, 2000 - Vào cái thời buổi loài người bắt đầu bước vào một thế kỷ mới, thế kỷ thứ 21, thế kỷ tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, thì dân Ðài Loan cũng bắt đầu cảm thấy rằng họ đã từ từ rời xa đi những nguyên tắc cũ xưa của cha ông để lại, những nguyên tắc như: Nam Nữ Thọ Thọ Bất Thân, Tam Tòng Tứ Ðức, Kính Lão Ðắc Thọ, Tu Thân Tề Gia Trị Quốc Bình Thiên Hạ... Những nguyên tắc mà nếu ai có còn nhớ và nhắc lại thì sẽ bị giới thanh niên chế diễu là "Ðồ lạc hậu, cổ lỗ sĩ...". Cũng đúng vào cái thời buổi đó, các nhà Ðạo Ðức và các nhân viên xã hội cũng bắt đầu đặt lại vấn đề với Nhà Nước Ðài Loan, với luật pháp, với luân thường đạo lý của dân tộc. Sau đây, chúng ta hãy nghe lại lời tường thuật của các ký giả, trong ngày bệnh viện Cheng Kung của thành phố Cao Hùng trình bày về trường hợp quái lạ của anh em nhà họ Lin với giới truyền thông:

 "A Lin...., một chàng thanh niên Ðài Loan, về Việt Nam cưới được một cô vợ thứ nhất, xinh xắn, dễ thương, và rất đảm đang. Cưới về được một thời gian, vì A Lin... thuộc loại tinh thần bất bình thường, kiểu làm tình cũng quá quái đảng, nên sau một thời gian, cô dâu Việt Nam thứ nhất này chịu hết nổi phải đòi ly dị. Ông bố của A Lin... thấy con ly dị thì cảm thấy nuối tiếc, vì bao nhiêu tháng nay, sống chung trong gia đình, cô con dâu dễ thương này đảm đang lo hết mọi sự, nay ly dị như thế và để cho cô ta ra đi thì thật là đáng tiếc. Vì muốn giữ cô ta ở lại, ông bố quyết định cưới cô con dâu mới ly dị này. Thế là cô vợ thứ nhất của A Lin... nay đã trở thành người mẹ kế của mình. Ly dị một thời gian, A Lin lại cảm thấy trống vắng khó chịu, lại về Việt Nam một lần nữa và cưới thêm một cô gái Việt Nam thứ hai. Cũng vết cũ diễn lại. Cô dâu thứ hai này, sau một thời gian, cũng chịu hết nổi với anh chồng, và cũng bắt đầu đòi ly dị. Cũng thế, cả gia đình đều cảm thấy nuối tiếc, chẳng nỡ để cô dâu cứ thế ra đi, nên đã bàn luận với nhau, và ông anh cả trong gia đình sẽ cưới cô dâu thứ hai vừa ly dị này. Thế là cô vợ thứ hai của A Lin... nay đã trở thành chị dâu của mình. Cũng như lần trước, sau khi ly dị một thời gian, A Lin... lại về Việt Nam cưới thêm một cô gái thứ ba. Chứng nào tật đó, cô dâu thứ ba này chẳng bao lâu cũng đòi ly dị với A Lin.... Và ông bố giải quyết bằng cách làm đơn xin giữ cô con dâu thứ ba vừa mới ly dị này lại theo diện đầy tớ giúp việc trong gia đình. Sự việc cũng không phải như thế là hết, A Lin... lại về Việt Nam tìm thêm được một cô dâu thứ tư, đang làm thủ tục để đưa cô vợ mới cưới này qua Ðài Loan, thì Bệnh Viện Cheng Kung của Thành Phố Cao Hùng và các ký giả truyền hình truyền thanh đã công khai đưa ra cho quần chúng biết trường hợp kỳ quái này và yêu cầu nhà Nước Ðài Loan xét lại để cho hợp với lẽ đạo của trời và hợp với luân thường đạo lý của loài người.

 Bệnh viện Cheng Kung, Thành Phố Cao Hùng, Ðài Loan, phát hiện được trường hợp khác thường của A Lin... một hiện tượng bất bình thường do sự di truyền của bệnh thần kinh trong gia đình anh ta. Và vì sự di truyền đặc biệt của nó, nên bệnh viện Cheng Kung của Thành Phố Cao Hùng cũng đã yêu cầu xét nghiệm tất cả mọi thành viên trong gia đình của anh ta gồm có: bố và anh ruột của anh ta.

 Trường hợp của anh thanh niên này đã làm cho các bác sĩ chú ý tới nhiều, tất cả các bác sĩ của bệnh viện đều đồng ý yêu cầu tất cả mọi thành viên trong gia đình này gồm bố và anh ruột của anh ta phải được đặc biệt áp dụng phương pháp tâm lý trị liệu. Nhưng gia đình này đã không cộng tác với bệnh viện đầy đủ, nên sau một thời gian với phương pháp tâm lý trị liệu, gia đình này tự động ngưng trị liệu và cắt đứt liên lạc với bệnh viện. Và ngựa quen đường cũ: A Lin lại vẫn về Việt Nam cưới thêm cô vợ thứ tư, và đã bị bệnh viện cũng như truyền thanh truyền hình yêu cầu nhà nước Ðài Loan phải đặt lại vấn đề với gia đình bất bình thường này. Nếu không cứu xét kịp, không biết A Lin... sẽ cưới tiếp cho tới cô gái Việt nam thứ mấy nữa đây...?

 Taichung, June, 2000 - Một trường hợp khác xảy ra ở Ðài Trung, Ðài Loan. Một cô dâu Việt Nam, Trần Thị...., sau khi đã được A Cheng.... cưới qua Ðài Loan, về sống chung trong một gia đình cùng với hai người anh em trai khác của chồng. Theo lời kể lại của cô Trần Thị.....: "Qua tới Ðài Loan, con trở thành giống như cô vợ chung của cả 3 anh em nhà họ. Sống với chồng được một tuần, vào một buổi chiều nọ, ông anh của chồng đi đâu ra ngoài về, miệng đang nồng nặc mùi rượu, vừa vào tới nhà, liền xồng xộc vào ...... và bắt đầu dã man hãm hiếp con. Sức yếu đuối của cô gái Việt, con chẳng chống cự được gì, khiếp vía con cũng chẳng biết làm sao, cũng chẳng nói được gì vì tiếng Hoa, một chữ con cũng chẳng biết. Biết phàn nàn kêu ca với ai đây. Chồng về, con cũng chẳng dám kêu ca hay giải thích làm sao. Cứ nghĩ anh của chồng say sưa nên làm bậy. Nào ngờ, qua mấy ngày sau, chú em của chồng lại cũng thế, không phải là lúc say sưa, liều bậy ... và cũng thế, con cũng đã bị hắn hãm hiếp. Cứ tưởng hai anh em nhà này lợi dụng lúc chồng con đi vắng, nào ngờ vào một ngày kia, sau bữa ăn tối, cả ba anh em đang ngồi uống trà với nhau ở phòng khách, ông anh của chồng cũng cả gan tìm tới con, và sự việc dã man kia lại xảy ra. Tưởng rằng có chồng đấy, chồng sẽ ra tay cứu vớt con, nào ngờ, chồng vẫn cứ ngồi yên, cứ như không việc gì... Qua một thời gian, con mới biết, chồng của con là một người đang thất nghiệp, tiền cưới con ở Việt Nam, là do sự đóng góp chung của cả ba anh em, mà phần của hai người kia nhiều gấp mấy phần của chồng con. Bởi vậy, con trở thành như kẻ để thỏa mãn thú xác thịt của cả ba anh em nhà họ chứ chẳng phải vợ của ai cả. Buồn lòng, chán đời, nhiều lúc con muốn tự tử, nhiều lúc con muốn chạy trốn về Việt Nam. Nhưng làm sao để về, đường sá, vé máy bay, những ngày ban đầu con chẳng biết gì cả.... Với thời gian lâu dài, con trở thành chai lì, cứ để mặc kệ cho cuộc đời nó trôi đi. Ðược bốn tháng sau, con phát giác ra con đã có thai. Bây giờ thì con càng hoang mang hơn, đứa con trong bụng này là của ai, của chồng hay của anh, em, nhà chồng. Không biết trong ba anh em có nhìn nhận xem con như người vợ của họ không, hay là cũng chỉ để thỏa mãn thú xác thịt của họ. Dù sao, con cũng là vợ theo giấy tờ của một trong ba anh em. Trong thời gian chân ướt chân ráo tới Ðài Loan, vì sự việc xảy ra ngoài sức tưởng tượng của con, nó quá khủng khiếp, làm cho con mất cả tinh thần lý trí, chỉ biết sợ, và lo lắng. Nay con bình tĩnh lại, con càng sợ hơn. Lại còn đứa con trong bụng của con nữa. Liệu khi Bác Sĩ đã cho biết kết quả là con của người nào, thì lúc đó con có được yên thân làm vợ người đó, hay.... Cứ nghĩ mà con càng lo buồn, vì ước mơ đơn sơ của con bây giờ là... ai cũng được, miễn là đừng để cho con phải bị quá phiền phức, và làm sao để có được một mái ấm gia đình và nuôi con khôn lớn."

 Trường hợp của cô Trần Thị... là điển hình của biết bao nhiêu trường hợp tương tự khác. Khoảng ngày 17 tháng Giêng năm 1999, cô Nguyễn Thị... được cưới qua Ðài Loan, và đã phải phục vụ sắc dục cho 9 đại ca của chồng... nhưng sau đó thì cô Nguyễn Thị... đã chạy trốn thoát được về tới Việt Nam và can đảm kể lại cho gia đình và báo chí đã đăng tải chuyện dã man này...
 
 

 

Hôn Nhân
kiểu xã hội chủ nghĩa
hay buôn bán nô lệ kiểu mới!

Chuyện những chàng trai Việt Nam
mong ước được "gã" cho
những cô gái tàn tật Ðài Loan

VietMissio sưu tầm tài liệu và chuyển dịch

Vào khoảng tháng 6 năm 1998, Cùng lúc với những người Việt tại Hải Ngoại đang nô nức chờ đón để được thưởng thức vỡ kịch lịch sử sắp được trình diễn tại California, Vỡ Kịch "Yên Bái Anh Hùng" với những hình ảnh vẻ vang của tổ tiên Việt Nam, thì những tờ báo tiếng Trung Hoa của Ðài Loan cũng đăng tải những bài báo viết về những chàng trai Việt Nam ngày nay với hàng tít lớn: "Hàng loạt Trai Việt Nam mơ ước "GÃ" cho gái Ðài Loan"

Ðó là đầu đề của một bài báo viết bằng tiếng Trung Hoa được đăng trên trang 9 (mục xã hội) của tờ Liên Hiệp Báo (một trong những tờ báo lớn của Ðài Loan) số ra ngày 11 tháng 6 năm 1998. Nội dung của bài báo được tóm lược như sau:

Lâu nay, chuyện Trai Ðài Loan cưới gái Việt Nam đã làm giật mình mọi người và trở thành một vấn đề sốt dẽo cho các báo chí đăng tải vì đã đạt tới một con số kỷ lục chưa từng thấy. Chính phủ Ðài Loan cũng đã phải lên tiếng vì những vấn đề xã hội xảy ra sau các cuộc hôn nhân: chú rễ bắt vợ đi làm điếm, chồng đốt giấy hộ chiếu (passport) của vợ để vợ khỏi bỏ về Việt Nam, những cô dâu Việt Nam chạy tới ty cảnh sát kêu cứu vì bị chồng đánh đập dã man... (Văn phòng Ðại Diện Ðài Loan tại Việt Nam cũng đã cho biết: Trong vòng 3 năm, từ 1996 đến 1998, đã có trên 10,000 cặp đăng ký thủ tục hôn nhân trai Ðài Loan gái Việt Nam). Nay lại thêm một vấn đề mới: Gái Ðài Loan tìm trai Việt Nam.

Gần đây, ở Huyện Ðào Viên, một huyện nằm sát thủ đô Ðài Bắc, có một nhóm chuyên nghề mai mối đã thành công khi đưa ra một cách thức làm ăn mới, đó là làm mai mối cho các cô gái tàn tật Ðài Loan "cưới" những chàng trai Việt Nam. Nhóm làm ăn nầy đã thành công trong việc mai mối cho một số gái lớn tuổi và tàn phế hạng nặng có được cơ hội "cưới" trai Việt Nam, mở màn cho một hiện tượng xã hội mới.

Theo lời của một người chuyên nghề mai mối họ Dương ở Ðào Viên cho biết: vì mơ ước đời sống giàu sang và ổn định của dân Ðài Loan, càng ngày càng có nhiều chàng trai Việt Nam và Campuchia ước muốn "Gã" cho những cô gái Ðài Loan để được về làm rễ cho nhà gái ở Ðài Loan. Họ đã thành công trong việc mai mối cho rất nhiều đôi, nhưng vì phía đàng gái thẹn thùng, không muốn khoa trương công khai quảng cáo như những thủ tục thường thấy của những chàng trai Ðài Loan cưới vợ Việt Nam.

Thủ tục để một cô gái Ðài Loan "cưới" một chàng trai Việt Nam cũng giống như thủ tục những chàng trai Ðài Loan cưới vợ Việt Nam. Các cô gái tàn phế của Ðài Loan phải trả một số tiền từ 350,000 cho đến 500,000 đồng tiền Ðài Loan cho những người mai mối gọi là "của hồi môn" (khoảng từ 10,000 đến 15,000 Mỹ Kim). (Người viết không biết thực tế những chàng trai Việt Nam nhận được bao nhiêu qua những người mai mối). Những chàng trai Việt Nam được "cưới" sang Ðài Loan sẽ làm những công việc như quét dọn nhà cửa, đẩy xe lăn cho bà vợ khi bà vợ muốn đi đây đó, thay tã lót cho bà vợ tàn phế, và làm tất cả những việc nặng nhọc trong nhà, dĩ nhiên có cả vấn đề riêng tư của vợ chồng...

Những người chuyên nghề mai mối nhấn mạnh: đây là một loại nghề "phục vụ xã hội mới", vừa rẻ tiền và vừa giải quyết được vấn đề của xã hội. Những người phụ nữ tàn tật nầy, cha mẹ họ càng ngày càng già yếu không thể chăm sóc họ được, anh chị em mỗi người phải lo cho gia đình riêng của mình, ai chăm sóc họ? Chính phủ thì chưa kiện toàn được vấn đề trợ cấp xã hội cho đầy đủ, do đó phải giải quyết bằng cách nầy thôi.

Ký giả báo Liên Hợp cũng đã trực tiếp phỏng vấn anh Nguyễn Văn Tiết, 29 tuổi, cách đây một năm đã được "Gã" cho một chị họ Lâm, 35 tuổi, ở thị trấn Ðại Khê thuộc huyện Ðào Viên. Chị ta nữa người phía dưới tê liệt bất động. Cuộc hôn nhân rất đặc biệt nầy đã gây nên sự tò mò chú ý và bàn tán của khá nhiều người. Trả lời phỏng vấn, anh Nguyễn Văn Tiết nói: "Có lẽ kiếp trước của tui ăn ở hiền lành, nên kiếp nầy tui mới được "dziễm phúc" "gã" cho bà xã tui!" Riêng cô Lâm và gia đình cô không muốn nói nhiều. Nhưng thực ra gia đình cô ta đã bỏ ra một số tiền khá lớn là 350,000 đồng tiền Ðài Loan để "cưới" được chàng tân lang nầy. Lúc đầu cô ta đưa ra những điều kiện: Có học vấn, thân thể khỏe mạnh, thành thật, siêng năng, và dưới 35 tuổi. Không ngờ khi vừa đến Việt Nam, bọn mai mối liền đưa đến độ 30 chàng trai để cô lựa. Tiếp lời cô Lâm, anh Tiết dùng tiếng Hoa bập bẹ phụ họa thêm: "Ở Việt Nam những chàng thanh niên tốt nghiệp lớp 12 mới có hy vọng tìm được chổ làm trong xí nghiệp, bằng không chỉ có thể tạm thời làm tài xế cho những nhà giàu hay làm những việc lặt vặt khác không bảo đảm được cho tương lai. Ở vùng thôn quê còn bi đát thê thảm hơn nữa. Tất cả đều nghèo, miếng ăn cái mặc đối với bản thân đã là một vấn đề, huống hồ còn tá anh chị em đang đợi chờ được giúp đỡ! Còn tui bây giờ tuy mới tốt nghiệp lớp 9 mà đã có được "của hồi môn lớn" để giúp gia đình, và tương lai của riêng mình cũng được ổn định".

Anh Tiết còn cho biết thêm: "Lúc giáp mặt cô Lâm ở một tiệm ăn ở Việt Nam, cô Lâm bảo đã quyết định chọn tui làm chồng, lòng tui sướng "rên" lên; tuy rằng cô ta ngồi xe lăn, mọi chuyện lớn nhỏ đều phải nhờ người khác giúp đỡ. Nhưng tui cho rằng loại công việc đó "no problem" với tui. Vã lại đã là vợ chồng rồi, thì đâu còn phân biệt Tớ Chủ, hơn nữa mọi việc đều có thể thương lượng mà!" Anh ta còn nói, cho đến hôm nay anh vẫn cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống như thế. Chỉ có một điều mong ước là làm sao để được về Việt Nam thăm thân nhân mỗi năm một hay hai lần. Anh ta cũng hy vọng gia đình bên vợ tin tưởng anh không phải là người "đi rồi dzông luôn".

Người viết bài nầy đã có dịp tiếp xúc với nhiều cô gái Việt Nam lấy chồng Ðài Loan và đã thấy được "giấc mộng giàu có" mà mấy cô gái Việt Nam thường ôm ấp chờ qua Ðài Loan và đã vỡ mộng một cách thê thảm trong ngày đầu tiên khi vừa đến nhà chồng ở Ðài Loan. Có những cô ôm mộng "vàng", sang Ðài Loan lại nhìn thấy thực tế là một đống rác! Ða số các trai Ðài Loan không có nghề nghiệp gì, hoặc tật nguyền, hoặc du đãng, hoặc thất học... Ðại đa số thuộc thành phần nghèo, thậm chí có anh phải vay tiền để đi cưới vợ để rồi cuối cùng phải bắt vợ đi làm điếm để trả nợ. Có anh chàng vì nhà cần người chăm sóc, nếu mướn thì quá đắt, mỗi tháng phải trả trên 20,000 đồng Ðài Loan (tương đương 590 Mỹ Kim), bởi vậy thà tốn một lần bỏ ra 350,000 đồng Ðài Loan mà có được một người phải phục vụ cho suốt đời, còn lợi gấp mấy lần. Các thanh niên thiếu nữ Việt Nam quá đơn sơ, nhiều lúc vì quá nghèo đói mà sinh ra quyết định mù quáng, nên dễ bị mắc bẩy của bọn làm mai mối trung gian. Khi đến Ðài Loan mới vỡ mộng thì đã quá muộn rồi. Khi "ván đã đóng thuyền" thì phải làm sao bây giờ, thôi thì đành đổ lỗi cho số phận và chỉ có cách là nhắm mắt xuôi tay chấp nhận cuộc sống phủ phàng; lại có những lúc vì cuộc sống của gia đình ở Việt Nam mà đành phải hy sinh suốt cả cuộc đời mình. Ðã thế, nay lại thêm một chuyện mới: gái tàn tật Ðài Loan cưới trai Việt Nam. Tình thế càng ngày càng nghiêm trọng hơn. Vấn đề nầy phát sinh ra là do đâu?

Chả lẽ sau hơn 23 năm dưới chế độ cọng sản, những con người Việt Nam con dân của một dân tộc vẻ vang như Nguyễn Thái Học, anh hùng Yên Bái, nay đã được huấn luyện thành những chàng trai chấp nhận làm thân nô lệ để có được cuộc sống đọa đày ở xứ người. Chẳng lẽ nhà nước Việt Nam cũng đã đạt được mưu đồ trong việc cải tạo để thay đổi luôn cả quan niệm truyền thống về hôn nhân của tầng lớp thanh niên thiếu nữ ngày nay? Hôn nhân và tình yêu! hạnh phúc và tiền bạc! đâu rồi những lời hứa dối gian của nhà nước: độc lập tự do và hạnh phúc.

Hôn nhân không thể là những kết quả của những ngày du lịch ngắn ngủi không đầy một tuần để kiếm vợ lấy chồng qua những trung gian mai mối, chưa bao giờ biết nhau, chưa một lời âu yếm, chỉ là những thương lượng tiền bạc và giá cả. Phải chăng đây là những đầu tư để kiếm ngoại tệ của nhà nước Việt Nam? Phải chăng đây là những hình thức trao đổi nô lệ trá hình? Nếu nhà nước Việt Nam không chịu thay đổi và cải tiến vấn đề nầy thì vô tình đã trở thành những tay sai cho những bọn ma cô "buôn lậu người" quốc tế.