-----------Chính Trị Hay Không Chính Trị



Giáo Hội Công Giáo rõ ràng đứng trên chính trị, nhất là chính trị đảng phái. Đơn giản chỉ vì Chúa Kitô đã nói rõ: của Xêda, hãy trả cho Xêda; của Chúa, hãy trả cho Chúa (Mt 22:21); nước tôi không thuộc thế gian (Gioan 18:36)… Nhưng Ngài đã được sai xuống thế gian, đi vào thế gian, và sai những người theo Ngài vào thế gian ấy “như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian” (Gioan 17:18). Ngài “không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Gioan 17:15).

Trong bối cảnh văn hóa ngày nay, mệnh đề cuối cùng trên đây chắc chắn không còn được hiểu theo nghĩa thụ động nữa, kiểu há miệng chờ sung. Bạn đọc không ai không nghe câu truyện vui về anh chàng chạy lụt. Cứ ngồi đọc kinh xin Chúa cứu giúp, không chịu sử dụng những phương tiện sẵn có, cuối cùng bị nước cuốn đi chết tuốt, dù đã leo lên đỉnh cao nhất trong vùng. Lên thiên đàng hỏi cớ sự, được Chúa giải thích: Ta cứu con bằng cách gửi ghe đến, hết ghe đến thuyền, rồi tầu cấp cứu, sau cùng là trực thăng, mà nào con có màng!

Người Công Giáo, ít nhất từ thời đức Gioan XXIII, ý thức rõ nhiệm vụ của họ là phải sử dụng những nén bạc Chúa trao để sinh ích gấp năm gấp mười. Trong những nén bạc ấy rõ ràng có những nén dành cho việc cải thiện xã hội về mọi phương diện, kể cả phương diện chính trị, bởi không còn chỗ nào, ác thần đông hơn ở đó. Cũng không đâu bằng ở đó, ác thần núp dưới mọi chiêu bài, mang đủ mọi mầu sắc, khuôn mạo, hình dáng.

Muốn thoát được chúng, ta không còn cách nào khác hơn là theo phương thức của Thánh Phaolô: hành động như một thân thể duy nhất, trong đó, không một thành phần nào không có vai trò và không vai trò nào được quyền “vênh váo” bất cần vai trò kia (1 Cor 12:12-30).

Giáo Hội Công Giáo, nhờ kinh nghiệm liên tục của hơn 20 thế kỷ qua, đã đưa ra được một bảng “phân công” thật nhịp nhàng giữa các vai trò trong Giáo Hội, giúp cho các bộ phận trong thân thể duy nhất kia vừa sống còn vừa hoàn tất được sứ mệnh “ở trong thế gian…nhưng không thuộc thế gian” (Gioan 17: 11,14). VietCatholic vừa có một bài giá trị của tác giả Lương Tâm cho thấy phần nào chức năng của các chi thể Giáo Hội trong sứ mệnh gìn giữ mình “khỏi ác thần”. Theo đó, soi sáng hoạt động chính trị rõ ràng là của hàng giáo phẩm mà các giáo sĩ là những người phụ tá đắc lực; còn hoạt động chính trị, nhất là chính trị đảng phái, trực tiếp là của hàng ngũ giáo dân. Chúng tôi không có ý nhắc lại những nguyên tắc căn bản ấy, chỉ xin trình bầy thêm một vài trường hợp điển hình

1. Trường Hợp Ba Lan

Bây giờ thì cả thế giới đều biết nhờ ai, Ba Lan đã thoát ách Cộng Sản. Ông Gobachev không ngần ngại chỉ rõ đó chính là đức Gioan Phaolô II. Những người thù ghét tòa Rôma cay đắng nhất, coi tòa này như nơi ngự trị của Kitô Giả (Anti-Christ), cũng phải nhìn nhận như thế. Điều ấy đã thành lịch sử, khỏi cần bàn cãi gì thêm. Nhưng ngài đã làm gì?

----------------------------------------Ngài đã soi sáng để người tín hữu Ba Lan hành động chính trị. Lời họ muốn nghe ngài nói đầu tiên từ ngai tòa Phêrô là lời “Đừng Sợ!”, được ngài long trọng nói với toàn bộ thế giới, không phải một mà ba lần tất cả, trong bài giảng Lễ Đăng Quang ngày 22 tháng 10 năm 1978: “Đừng sợ chào đón Chúa Kitô và nhìn nhận quyền lực của Ngài… Đừng sợ mở rộng cửa cho Chúa Kitô. Hãy mở rộng biên giới các quốc gia, các hệ thống kinh tế và chính trị, những cánh đồng bao la của văn hóa, văn minh và phát triển cho quyền lực cứu vớt của Ngài. Đừng sợ. Chúa Kitô biết ‘trong con người có gì’. Chỉ một mình Ngài biết điều ấy” (George Weigel, Witness To Hope, p.262).

Có điều cần nói ngay: con người nói những lời trên được Oleg Bogomolov, giám đốc Viện Kinh Tế Của Hệ Thống Xã Hội Chủ Nghĩa Thế Giới, mô tả vắn tắt trong phúc trình gửi Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Xô Viết như sau: cựu tổng giám mục Krakow là một tên khuynh hữu từng gây rối ở Ba Lan trong khi né không trực diện tấn công chủ nghĩa cộng sản (George Weigel, đã dẫn, tr.280). Người ta tin rằng thái độ ấy cũng đã được ngài mang từ Krakow tới Roma. “Karol Wojtyla không lên ngôi giáo hoàng với một kế hoạch tổng thể nhằm hủy diệt Liên Bang Xôviết hay đế quốc của họ. Ngài cương quyết đưa ra chứng tá công khai cho sự thật về thân phận con người chứa đựng trong Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô – và một triều giáo hoàng có hướng phúc âm như thế tất yếu sẽ chống đối các chủ nghĩa chống lại bản nhiên, cộng đồng và định mệnh con người vốn nằm sâu trong chủ nghĩa cộng sản” (George Weigel, đã dẫn, tr.281).

Con người này, ngày 2 tháng 6 năm 1979, đã trở lại quê cha đất tổ để nói những lời này: “sẽ không có một Âu Châu công chính nếu không có nền độc lập của Ba Lan trên bản đồ của nó”. Đẹp đẽ thay, làm điệp khúc cho bài diễn văn của ngài hôm ấy, không phải là nền độc lập của Ba Lan, mà là lời tuyên xưng “chúng tôi muốn Thiên Chúa, chúng tôi muốn Thiên Chúa trong gia đình, chúng tôi muốn Thiên Chúa trong trường học, chúng tôi muốn Thiên Chúa trong sách vở, chúng tôi muốn Thiên Chúa, chúng tôi muốn Thiên Chúa…” thỉnh thoảng lại được gần một triệu con người vang lên ở Công Trường Chiến Thắng đệm cho bài diễn văn kia. Người dân Ba Lan đã đồng hóa nền độc lập của họ với việc phá đổ chủ nghĩa cộng sản (George Weigel, đã dẫn tr.294-295).

Sự kết hiệp hài hòa giữa các vai trò trong Giáo Hội quả là tuyệt diệu. Bài diễn văn không chính trị, nó nguyên tuyền chỉ là lòng yêu nước. Chính trị hay không chính là điệp khúc.

Chính sự hài hòa kết hiệp ấy đã khơi lên phong trào đấu tranh của nghiệp đoàn và kế hoạch đàn áp của Xô Viết và tay sai. Một chiến dịch 2 ngày được hoạch định vào tháng 12 năm 1980: ngày đầu, hơn 12 sư đoàn Xô Viết, 2 sư đoàn Tiệp Khắc, và một sư đoàn Đông Đức sẽ di chuyển vào Ba Lan. Ngày hôm sau thêm 9 sư đoàn Xô Viết nữa. Tin trên của tình báo Mỹ được cố vấn an ninh của Jimmy Carter là Brzezinski thuyết trình cho đức Gioan Phaolô II ngày 7 tháng 12, nhấn mạnh rằng cuộc xâm nhập xẩy ra bất cứ lúc nào. Ngày 16, lòng yêu quê cha đất tổ buộc đức Giáo Hoàng phải can thiệp trực diện, dĩ nhiên vẫn ở trong cương vị của mình. Đó là lý do của bức thư thời danh gửi Leonid Brezhnev “Chủ Tịch Xô Viết Tối Cao Liên Bang Các Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết”:

Tôi muốn đề cập đến mối bận tâm của Âu Châu và của toàn thế giới liên quan tới sự căng thẳng do các biến cố nội bộ đang xẩy ra ở Ba Lan gây nên trong mấy tháng qua. Ba Lan là một trong các quốc gia ký tên trên Đạo Luật Kết Thúc Helsinki (Helsinki Final Act). Tháng 9 năm 1939, quốc gia này là nạn nhân đầu tiên của một cuộc gây hấn vốn là gốc rễ cho một thời kỳ chiếm đóng kinh hoàng kéo dài tới tận năm 1945. Trong suốt Thế Chiến II, người Ba Lan luôn xát cánh với các đồng minh của mình, chiến đấu trên mọi trận tuyến, và sự tàn phá khủng khiếp của cuộc tranh chấp này đã làm Ba Lan mất đi gần 6 triệu con em của mình: nghĩa là một phần năm dân số trước chiến tranh.

Bởi vậy, khi nghĩ tới những nguyên động lực nghiêm trọng của mối quan tâm do sự căng thẳng trong tình thế hiện nay ở Ba Lan gây nên, tôi yêu cầu ngài hãy làm mọi điều có thể làm được để cất đi tất cả những gì, theo ý kiến phổ quát ngày nay, từng làm cớ gây nên mối bận tâm kia. Điều này hết sức cần thiết để tạo hòa khí cho Âu Châu và thế giới. Tôi nghĩ rằng điều ấy chỉ có thể đạt được qua việc trung thành tuân theo các nguyên tắc long trọng của Đạo Luật Kết Thúc Helsinki, một Đạo Luật qui định các tiêu chuẩn để điều hành mối liên hệ giữa các quốc gia, nhất là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền cố hữu cũng như nguyên tắc bất can thiệp vào việc nội bộ của mỗi quốc gia hội viên. Các biến cố xẩy ra ở Ba Lan trong mấy tháng qua là do nhu cầu cấp bách phải tái xây dựng kinh tế xứ sở, một nhu cầu cùng một lúc đòi hỏi phải có việc tái xây dựng luân lý dựa trên sự can dự có ý thức và đoàn kết mọi lực lượng của toàn thể xã hội.

Tôi tin tưởng ngài sẽ làm mọi sự có thể làm được ngõ hầu dẹp tan sự căng thẳng hiện nay để công luận chính trị có thể an tâm trước vấn đề hết sức tế nhị và khẩn trương như thế.

Tôi hết lòng hy vọng ngài sẽ độ lượng tiếp nhận và chú tâm xem sét điều tôi có nhiệm vụ trình bầy với ngài, xét vì tôi chỉ quan tâm tới lợi ích của hoà bình và hiểu nhau giữa các dân tộc.


Joannes Paulus PP.II

Vatican, 16 tháng 12 năm 1980.

Theo George Weigel, đây là bức thư duy nhất đức Gioan Phaolô II gửi cho Brezhnev, trong đó không có lời lẽ nào cho thấy ngài đe dọa sẽ bay về Ba Lan nếu Liên Sô xâm lăng quê hương mình, như lời đồn đại lúc ấy. Ngài không phải là người chịu đưa ra lời đe dọa kiểu đó. Chân lý bao giờ cũng được ngài coi như nguyên tắc hàng đầu trong mọi giao dịch, kể cả giao dịch quốc tế. Bởi ngài biết rõ muốn thoát ác thần, khí cụ duy nhất chính là sự thật (Gioan 17:17).
Lãnh tụ Lech Walesa
Bức thư cũng không ám chỉ xa gần tới sự hiện diện quân đội khối Hiệp Ước Warsaw trên biên giới Ba Lan. Ngài không cần phải làm như thế. Ngài chỉ đặt căn bản chính nghĩa của ngài trên các quyền lợi quốc gia vốn có sẵn trong hiệp ước được cả Ba Lan lẫn Liên Sô ký kết, tức Đạo Luật Kết Thúc Helsinki. Năm 1975, chính Liên Sô rất hoan hỉ hành động như thể Ba Lan là một quốc gia độc lập. Bức thư của đức Gioan Phaolô II chỉ để nhắc Liên Sô nhớ đến chân lý luân lý đó, ấy là chưa kể chân lý chính trị, và khẳng quyết điều này là chân lý ấy là một nhân tố mạnh mẽ trong nền chính trị quốc tế. Đọc kỹ, đây là một bức thư, tuy dùng ngôn ngữ ngoại giao, nhưng rất thẳng thừng cho nhà lãnh đạo Xô Viết hay: đây là việc nội bộ của Ba Lan, không dính dáng gì tới Liên Xô. Việc ngầm so sánh giữa cuộc xâm lăng, nếu có, của Liên Xô năm 1980 với cuộc xâm lăng Ba Lan năm 1939 của Đức Quốc Xã cho thấy rõ đức Giáo Hoàng sẽ dùng những ngôn từ luân lý nào để định nghĩa cuộc gây hấn của Xô Viết và bản chất những người gây hấn ấy.

Việc ngài nhắc đến chữ “đoàn kết” trong câu “đoàn kết mọi lực lượng của toàn thể xã hội” đọc lướt chỉ cho thấy nó cần cho sự tái thiết kinh tế và luân lý của quốc gia, nhưng trong tình thế phong trào nghiệp đoàn Đoàn Kết đang trên đà đấu tranh thắng lợi, nguời ta không thể không thấy ra sự liên kết giữa bức thư và phong trào này (George Weigel, đã dẫn tr.406-408). Sự hài hòa kết hiệp giữa các vai trò trong Giáo Hội một lần nữa được chính đức Giáo Hoàng nêu rõ. Ngài tin tưởng Phong Trào này cách riêng, và dân chúng Ba Lan cách chung, đâu cần phải bay về Ba Lan để ngăn chặn bước tiến của hai mươi sư đoàn Xô Viết và chư hầu.

Tưởng nên thêm điều này, trong các biến động gần đây, một số người đã vô tình hay cố ý trích dẫn sai lạc bức thư của đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô. Điều ấy chứng tỏ sự ấu trĩ của người viết, chỉ biết dựa vào lời đồn hay phóng đại để xây dựng quan điểm riêng của mình mà không chịu tìm hiểu ngọn ngành sự việc. Điều ấy cũng chứng tỏ sự non nớt trong kỹ năng cầm bút: những trích dẫn quan trọng đến như thế mà không hề cho độc giả hay mình trích dẫn từ đâu. Khiến độc giả muốn kiểm chứng cũng kiểm chứng không được. Phải chăng những người này không muốn độc giả kiểm chứng để họ mặc tình thao túng dư luận?

Việc cho là họ được đọc một nguồn chắc chắn khác với nguồn của George Weigel là điều khó xẩy ra vì không dễ gì lọt được vào văn khố mật của Vatican, nếu không có phép đặc biệt. Trường hợp George Weigel, ông được chính đức hồng y Angelo Sodano, quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho phép đọc và khảo sát bản văn bức thư này và sau đó được đức tổng giám mục Jean-Louis Tauran, bộ trưởng bộ Liên Lạc Các Quốc Gia của Tòa Thánh, phiên dịch (nguyên bản tiếng Pháp) cho tác giả trong cuộc phỏng vấn tại văn phòng của ngài vào ngày 12 tháng 12 năm 1997 (sách đã dẫn, tr.902).

2. Trường Hợp Úc Đại Lợi

Như trên đã nói, Đức Gioan Phaolô II không đưa ra lời đe dọa bay về Ba Lan, lý do chính vì ngài biết rõ lời đe dọa ấy chỉ là mưu mẹo chính trị không xứng đáng, mặt khác nó cũng không cần thiết vì ngài đã nhìn thấy sức năng nổ nơi những con người như Lech Walesa (thợ điện), Tadeusz Mazowiecki (chủ bút), Zbigniew Bujak (Lãnh tụ Đoàn Kết tại Warsaw)… Những con người thông minh đủ và nhất là can trường đủ trong việc diễn dịch giáo huấn thành hành động. Ta có tìm được những giáo dân như thế ở Việt-Nam không? Ở Úc, những giáo dân năng nổ như thế không hẳn thiếu. Người đầu tiên hay được nhắc đến là Bob Santamaria, người được Tự Điển Bách Khoa Wikipedia coi là “một trong những nhân vật chính trị có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Úc thế kỷ 20, tuy chưa bao giờ giữ một chức vụ công hay tham gia một đảng chính trị nào”.

Người Công Giáo Úc từ ngày “lập quốc” hầu hết là tội đồ (convicts) gốc Ái Nhĩ Lan, sau đó bị coi là công dân hạng hai, hay nói như linh mục sử gia Edmund Campion, là những tên đập đá (Rockchoppers, Growing up Catholic in Australia, Penguin Books, 1982). Không lạ gì họ là lực lượng nòng cốt của các nghiệp đoàn thợ thuyền Úc đối nghịch với giai cấp chủ nhân vốn thuộc dân Anh, theo Anh Giáo. Chính phong trào nghiệp đoàn này đẻ ra Đảng Lao Động vào thập niên 1890.

Qua đầu thế kỷ 20, khi Liên Bang Úc thành hình, càng ngày càng có nhiều người Công Giáo tham gia đảng chính trị này. Tuy Đảng Lao Động bị coi là một đảng theo xã hội chủ nghĩa, một thứ triết lý từng bị Giáo Hội kết án, nhưng năm 1905, trong một thư chung gửi giáo dân Úc, các giám mục của châu lục này tuyên bố rằng Đảng Lao Động chỉ xã hội chủ nghĩa ở chỗ cố gắng sửa chữa các sai lầm và giảm thiểu các nỗi khốn cùng của người lao công nghèo khổ.

Năm 1910, khi Đảng Lao Động thắng các cuộc bầu cử cấp tiểu bang và cấp liên bang, người ta thấy công lớn là nhờ người Công Giáo dồn phiếu cho các ứng cử viên của họ. Thế nhưng cùng năm đó, Joseph McCabe, một người vô thần theo xã hội chủ nghĩa, nhân đi du thuyết khắp nước Úc, được Thủ Hiến Lao Động thù tiếp tại Melbourne. Những người công giáo từng bỏ phiếu cho ông lên làm thủ hiến hết sức bất bình: rõ ràng Lao Động chỉ muốn phiếu của họ, chứ không hề tôn trọng các niềm tin và lý tưởng của họ. Người Công Giáo cảm thấy như bị phản bội. Chính các chính trị gia công giáo trong nội bộ Đảng Lao Động cũng không công khai bầy tỏ quan điểm riêng của mình. Người ta bảo họ: xác tín tôn giáo chỉ là việc cá nhân không ăn nhậu gì tới lãnh vực công.

Năm 1914, dưới sự lãnh đạo của tiến sĩ Daniel Mannix, tổng giám mục Melbourne, người Công Giáo được khuyến khích không bỏ phiếu cho bất cứ ứng cử viên nào đi ngược các nguyên tắc Công Giáo. Ý niệm một đảng chính trị công giáo được manh nha trong bầu không khí này. Trong khi chờ đợi, nhiều hội đoàn và đoàn thể Công Giáo Tiến Hành liên tiếp được thành lập trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, mục đích để thâm hậu hóa đức tin và tạo cơ hội sống thực đức tin ấy.

Bob Santamaria chính là một trong các thủ lãnh của Công Giáo Tiến Hành ngay trong giai đoạn phôi thai này. Ông vốn là con một gia đình di dân gốc Ý, buôn bán rau tươi, được học bổng học tại Đại Học Melbourne.

Ông Bob Santamaria
Chính ở đây, ông được nhiều nhà trí thức công giáo dẫn vào luồng tư duy công giáo tại Âu Châu đang được những người như Maritain, Chesterton, Belloc,Christopher Dawson phát biểu. Năm 1931, chính nhóm này thành lập ra Hội Campion để tìm hiểu chiếu kích trí thức trong đạo Công Giáo. Năm năm sau, họ quyết định xuất bản tờ Thợ Thuyền Công Giáo [Catholic Worker] mà Bob là chủ bút đầu tiên. Năm 1937, ông quay lưng khỏi hội luật gia, và tham gia Văn Phòng Công Giáo Tiến Hành toàn quốc.

Nhiệm vụ của ông là thúc đẩy người Công Giáo đem tôn giáo của mình ra khỏi nhà thờ và đi vào nơi chợ búa. Lúc ấy, cộng sản đã trà trộn vào nhiều nghiệp đoàn thợ thuyền Úc, tuyển thêm nhiều đảng viên mới và vận động cho các đảng viên của mình chiếm giữ những chức vụ quan trọng trong các nghiệp đoàn liên hệ. Nhiều người sợ họ sẽ dần dần tiếm quyền lãnh đạo Đảng Lao Động. Người công giáo hết sức cảnh giác trước nguy cơ này, họ lên tiếng yêu cầu đưa ra một thách thức có tổ chức chống lại chủ nghĩa cộng sản. Với sự hỗ trợ của một số bằng hữu, Bob lập ra một tổ chức bí mật gọi là Phong Trào Nghiên Cứu Công Giáo (the Catholic Study Movement) gọi tắt là Phong Trào, mục đích khuyến khích người công giáo gia nhập các nghiệp đoàn để đấu tranh chống sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản từ bên trong.

Phong Trào này chính thức được hàng giáo phẩm Úc công nhận vào Tháng 9 năm 1945, và “được một ủy ban giám mục đặc biệt kiểm soát cả về phương diện chính sách lẫn tài chánh”. Ủy ban này tài trợ Phong Trào mỗi năm 10,000 bảng. Bù lại, các giám mục muốn dùng nó hành động ngăn chặn bước tiến của Cộng Sản, không để họ chiếm quyền tại Úc.

Cương lãnh của Phong Trào, theo chính lời của Bob, cũng không khác mục tiêu trên, vì đây là một “tổ chức toàn quốc có kỷ luật, hoàn toàn dựa theo khuôn mẫu Đảng Cộng Sản và hoạt động theo cùng những nguyên tắc tổ chức”. Đến lúc được hội đồng giám mục Úc chính thức ủng hộ, tổ chức này đã có hơn 3,000 đoàn viên trên khắp lãnh thổ Úc Đại Lợi. Bob tường trình cho các giám mục hay: “Sau cùng, chúng ta đã có được một tổ chức toàn quốc có kỷ luật mạnh như Đảng Cộng Sản”. Phong Trào được tổ chức thành những nhóm nhỏ trong các giáo xứ với một hệ thống trồng kéo với các nhóm khác trong nghiệp đoàn và xưởng máy.

Các buổi họp tương tự như các buổi họp thường lệ của Công Giáo Tiến Hành nghĩa là học hỏi phúc âm, cầu nguyện… chỉ khác là các hội viên phải thề giữ bí mật và luôn được nhắc nhở tới nguy cơ cộng sản thôn tính Úc. Những khẩu hiệu như “Các Cơ Quan Chính Phủ Đầy Rẫy Bọn Đỏ”, “Mục Tiêu Chiến Lược của Trục Moscow-Sydney: Chiếm Trọn Thế Giới Vào Năm 1973” là những hàng tít lớn trên tập san học tập News-Weekly của họ. Năm 1951, chính Bob đề cập đến “điều rất có thể xẩy ra, mà nói theo lối nói của người phàm thì là điều chắc chắn sẽ xẩy ra, là trong vòng 20 năm tới, Úc sẽ bị hủy diệt không còn là một quốc gia nữa”.

Mũi dùi chính của Phong Trào, vì thế, là dành được quyền hành nơi nghiệp đoàn và trên vũ đài chính trị. Chỉ thị của ủy ban trung ương toàn quốc phải được tuyệt đối thi hành không cần bàn cãi, chỉ thị ấy được coi như phát xuất từ chính hàng giáo phẩm. Các đoàn viên có nhiệm thu lượm “tình báo” về các đồng nghiệp và đồng đạo của mình để gửi về trung ương nghiên cứu. Họ hy vọng nhờ thế, một chủ lực chống cộng được tổ chức trong lòng giáo hội. Tổ chức bề mặt của họ là Nhóm Kỹ Nghệ (Industrial Group) trong Đảng Lao Động do người của Bob Santamaria cầm đầu, dĩ nhiên một cách dấu mặt. Theo cương lãnh của Đảng Lao Động, hễ ai chiếm được vị thế lãnh đạo nghiệp đoàn, là có tiếng nói trong việc điều hành Đảng. Nên Phong Trào càng ngày càng gây được ảnh hưởng lớn trong Đảng này.

Thành công này khiến Bob nghĩ tới việc biến tổ chức được các giám mục Úc Châu dùng như một lực lượng đặc nhiệm có tính cấp cứu (emergency) thành một bộ máy chính trị lâu dài. Đầu thập niên 1950, Bob Santamaria mở rộng cơ quan trung ương đặt tại Melbourne, tăng con số nhân viên toàn thời gian lên đến 30 người, kể cả 3 linh mục.

Giữa năm 1952, đã có tường trình cho hay: Trong các tháng gần đây, Phong Trào đã gia tăng chú tâm vào việc chinh phục các đảng chính trị, nghĩa là, công bố danh sách ứng cử vào cơ quan Chủ Tịch Lao Động Thiếu Niên, cũng như các cuộc bỏ phiếu để được đề cử ra tranh cử các chức vụ dân cử, hay vào các Ban Ngành của Đảng Lao Động; thành lập các nhóm áp lực để gây ảnh hưởng tới các buổi họp chính thức của các dân cử Lao Động (caucus), cũng như các sinh hoạt của Đảng Tự Do. Tháng 12 năm 1952, chính Bob Santamaria viết cho tổng giám mục Mannix của Melbourne hay: chỉ vài năm tới, Phong Trào sẽ thống lĩnh được phong trào lao động và sẽ đưa được các đoàn viên của mình vào các quốc hội tiểu bang và liên bang. Nhờ thế, đây là lần đầu tiên trong thế giới Ănglô-Xắcxông kể từ thời Cải Cách, các chính phủ tại Úc chẳng bao lâu nữa sẽ thi hành các kế hoạch xã hội của Công Giáo.

Tiếc thay, việc “nổi bật” ấy khiến Đảng Lao Động giật mình và có phản ứng tức khắc chống lại sự “xâm nhập” của Bob Santamaria. Năm 1954, tiến sĩ Evatt, thủ lãnh Đảng này, lên tiếng tố cáo Phong Trào, đặc biệt Bob Santamaria và tiến sĩ Mannix là âm mưu tiếm quyền Đảng Lao Động. Hành động của Evatt gây ra cuộc chia rẽ vĩ đại nhất trong nội bộ Đảng, một biến cố mà sau này sử sách gọi tắt là cuộc Phân Rẽ (the Split). Từ năm ấy tới năm 1957, những ai là đoàn viên của Phong Trào hay ủng hộ nó thẩy đều bị khai trừ hay tự ý ra khỏi Đảng Lao Động. Sự phân hóa này trầm trọng đến độ sau đó, Đảng Lao Động liên tiếp thất bại trong các cuộc bầu cử Liên Bang, tới tận năm 1972 mới ngóc đầu lên được với chính phủ Gough Whitlam.

Điều nghịch lý là sự thất bại của Đảng Lao Động lại đã mang đến cái chết tức tưởi cho Phong Trào của Bob Santamaria. Số là, như trên đã nói, các giám mục Úc chỉ muốn dùng Phong Trào như một lực lượng đặc nhiệm cho một mục tiêu giới hạn là ngăn chặn sự xâm nhập của Đảng Cộng Sản vào chính giới Úc. Đảng này, năm 1945, có số đảng viên lên đến 16,000 người, hiện diện trong đủ mọi thành phần xã hội, nhất là lao động và sinh viên. Nhưng tháng 4 năm 1950, chính phủ của ông Robert Menzies đã thông qua dự luật Hủy Bỏ Đảng Cộng Sản, buộc các đảng viên đảng này phải tự thú và bị loại ra khỏi các cơ quan công quyền cũng như các nghiệp đoàn. Tuy đạo luật này bị Tối Cao Pháp Viện bác bỏ, nhưng nhờ nó, Cộng sản hết đường tư tung tự tác và từ đó, càng ngày càng bị loại khỏi xã hội Úc. Thành thử ra, “đặc nhiệm” của Phong Trào dường như không còn nữa để mà biến thành một bộ máy thường trực.

Các giám mục bắt đầu “ngãng ra” nhất là hai tổng giám mục Sydney (Norman Gilroy) và Adelaide (Matthew Beovich). Vị sau, khởi đầu rất hỗ trợ Phong Trào, nhiều lần lên tiếng minh xác rằng dù Giáo Hội có quyền lên tiếng về các vấn đề đức tin và luân lý, nhưng người Công Giáo chỉ nên tham gia vào các hoạt động chính trị đảng phái như các cá nhân chứ không với tư cách đại diện cho Giáo Hội. Trong phiên họp hội đồng giám mục Úc từ ngày 17 tới ngày 19 tháng 4 năm 1951, vị này đánh giá cao sự đóng góp của Phong Trào đối với Giáo Hội và Đất Nước trong việc chống lại “lạc giáo cộng sản vô thần”, nhưng cần thận trọng rất nhiều kẻo vô tình kéo Giáo Hội và hàng giáo phẩm vào lãnh vực thuần túy chính trị đảng phái.

Ngày 20 tháng 3 năm 1956, hồng y Gilroy của Sydney trở thành chủ tịch ủy ban giám mục đặc trách Phong Trào, và hậu quả đương nhiên là chỉ thị của ủy ban buộc Phong Trào phải giới hạn các hoạt động của mình vào lãnh vực kỹ nghệ và giáo dục mà thôi, không được hoạt động chính trị. Ngày 18 tháng 7 năm 1956, Bob Santamaria và toàn bộ ban lãnh đạo đệ đơn từ chức. Phong Trào chính thức được khai tử từ đó. Vatican củng cố quan điểm của hồng y Gilroy nên một năm sau ra chỉ thị chống lại việc thiết lập một đảng chính trị tôn giáo tại Úc và không cho phép Phong Trào đảm nhiệm một vai trò chính trị nào.

Sự thất bại của Phong Trào một phần còn do phương thức hành động của nó. Năm 1957, nhìn lại quá trình của Phong Trào, tổng giám mục M. Beovich cho hay quả là một lầm lỗi lớn khi Phong Trào mô phỏng quá xát các kỹ thuật của cộng sản. Bob chủ trương “dĩ độc trị độc”: dùng cán bộ đánh cán bộ, dùng tổ đánh tổ, dùng phe nhóm đánh phe nhóm. Công tác “tình báo nhân dân” được đặt lên hàng đầu: thu lượm tin tức từng cá nhân bị tình nghi là cộng sản, phân loại mọi giáo dân trong xứ thành R (Reliable=đáng tin cậy), ? (No information=không chi tiết), S (Suspect=đáng nghi) và O (Definitely No Good=nhất định không tốt), một công việc họ gọi là thống kê (census). Cùng với phương thức hành động ấy là việc “nhồi sọ” não trạng nguy ngập (crisis), đến nỗi các đoàn viên khi gặp nhau thường đặt câu hỏi “Tuần này có nguy cơ gì?”.

Khía cạnh khác nữa là tính trung ương tập quyền kiểu cộng sản: mọi chính sách đều phát xuất từ Bob Santamaria. Có người còn coi ông “giống như giám mục” (a quasi bishop). Bob Santamaria cũng mập mờ đánh lộn con đen giữa Công Giáo Tiến Hành mà ông là một trong các giám đốc văn phòng trung ương và Phong Trào, hai cơ quan có tôn chỉ khác nhau, vì Công Giáo Tiến Hành chủ trương đứng bên ngoài chính trị. Họ tố cáo Bob đã sử dụng sai quấy thẩm quyền của giáo hội, đến nỗi ngay năm 1953, 14 vị tuyên úy Công Giáo Tiến Hành toàn quốc đã yêu cầu các giám mục phải phân biệt rõ sự khác biệt giữa Công Giáo Tiến Hành và Phong Trào. Các giám mục, vì thế, đã buộc Bob phải chọn lựa giữa Công Giáo Tiến Hành và Phong Trào. Ông chọn Phong Trào.

Dù sau khi Phong Trào tan hàng không bao lâu, nhóm của ông đã thành lập ra tổ chức mới gọi là Hội Đồng Công Dân Quốc Gia (the National Civic Council), nhưng Chính Hội Đồng này, sau khi tiến sĩ Mannix qua đời (1963), cũng đã mất ủng hộ ngay ở Melbourne và đến thập niên 1980, hàng ngũ của nó bị nhiều phân hóa trầm trọng: hầu hết các thủ lãnh nghiệp đoàn rút chân ra, các nghiệp đoàn do Phong Trào kiềm soát trước đây đã trở lại với Đảng Lao Động. Bản thân Bob Santamaria tiếp tục gây ảnh hưởng trên dư luận Úc qua cột báo thường xuyên của ông trên tờ The Australian cũng như chương trình truyền hình Point of View trên Đài Số 9.

Về phía Công Giáo, ông sáng lập ra tập sản bảo thủ A.D. 2000. Người ta kính trọng các quan điểm cá nhân của ông sau này hơn là những hoạt động trước đây, ông bàn về đủ mọi đề tài, thuộc đủ mọi lãnh vực đời sống công. Ông là người không mệt mỏi viết chống lại phá thai, đồng tính luyến ái, an tử (euthanasia) và những khuynh hướng phóng túng và thế tục khác của thế giới hiện đại. Ông nhiệt tâm bênh vực các giá trị thiêng liêng, tôn giáo và gia đình và cực lực chống lại bất cứ chính sách nào chống liạ các giá trị ấy. Về cuối đời (thập niên 80 và 90), ông chống lại các chính sách kinh tế có tính duy lý của cả hai Đảng Lao Động lẫn Tự Do, coi chủ nghĩa “tư bản độc quyền” (monopoly capitalism) tệ hại không kém gì chủ nghĩa cộng sản. Ngày 3 tháng 3 năm 1998, ông được tiểu bang Victoria tổ chức lễ an táng chính thức (State Funeral) có sự tham dự của cả thủ tướng John Howard lẫn các lãnh tụ Lao Động và các đảng phái khác, với sự đồng tế của toàn bộ hàng giáo phẩm Úc: tổng giám mục Pell, tổng giám mục D’Arcy, hồng y Clancy và tổng giám mục Little. Trong thánh lễ này, đức cha George Pell xưng tụng ông là “người Úc vĩ đại và là một người Công Giáo thánh thiện” (AD2000 vol 11 no 3 [April 1998] p.10).

Ông Arthur Calwell

Một nhân vật Công Giáo hoạt động chính trị khác, qua đời trước Bob Santamaria, cũng được Tiểu Bang Victoria tổ chức tang lễ chính thức là Arthur Calwell. Ông này tuy về đường học vấn thua xa Bob Santamaria, nhưng lại thành danh không kém, có khi khá hơn là đàng khác, vì tuy ông chỉ học hết tương đương trung học nhưng sau đó đã trở thành lãnh tụ của Đảng Lao Động liên tiếp 7 năm trời từ Giống như Bob Santamaria, Arthur Calwell là một người công giáo nhiệt thành. Nhưng khác với Bob, ông là người say mê chủ nghĩa xã hội. Ông thuật lại kinh nghiệm giáp mặt với chủ nghĩa 1ây như sau: “Tình trạng [nghèo khổ] tại Tây Melbourne đánh động tôi sâu sắc đến nỗi tôi theo xã hội chủ nghĩa từ hồi rất trẻ và tôi thường cuốc bộ tới Thư Viện Công và ngấu nghiến đọc bất cứ sách vở gì có thể đọc được và thường thì thuộc loại cấp tiến… Tôi trở nên xác tín rằng xã hội chủ nghĩa là giải đáp duy nhất đối với các tồi tệ của chủ nghĩa tư bản… nhân loại dễ lầm lạc và tội lỗi nên ta sẽ không bao giờ có được một xã hội hoàn hảo” (Arthur Calwell, phỏng vấn của Mel Pratt. Oral History Programme, National Library of Australia, Melbourne, 20 May 1971).

Một điểm nữa khác với Bob Santamaria, Arthur Calwell chủ trương tách biệt giáo hội ra khỏi nhà nước. Cũng thời gian trên, ông được mẹ và dì đưa đi nghe những buổi diễn thuyết của tiến sĩ W. Maloney, người mà 36 năm sau ông nối nghiệp làm dân biểu đơn vị Melbourne. Ông thuật lại: “Quan tâm chính trị của tôi được thúc đẩy và các quan điểm của tôi thành hình khi tôi tham dự các buổi gặp gỡ tại Bờ Sông Yarra và trong các Phòng Hội Xã Hội Chủ Nghĩa… Tôi không có, và chưa bao giờ có, bất cứ khó khăn nào trong việc tách biệt các niềm tin tôn giáo của tôi ra khỏi các suy tư chính trị của mình, và tuân giữ cả hai thứ ấy bằng lương tâm của tôi” (Calwell, Be Just and Not Fear). Điều đáng nói ở đây ông là một trong ba học sinh được học bổng đi học tại Trường Trung Học Thánh Giuse năm 1909, nhờ vậy tốt nghiệp tương đương lớp 12 bây giờ. Học sinh kia tên Matthew Beovich, sau này làm tổng giám mục Adelaide, như đã nhắc trên này.

Khỏi cần nói, ta cũng biết sau đó ông gia nhập Đảng Lao Động rất sớm, “Đảng duy nhất luôn đặt quyền lợi Úc lên trên hết”. Năm 1931, ông được bầu làm Chủ Tịch Đảng Lao Động Victoria. Năm 1940, được bầu vào Hạ Nghị Viện Liên Bang và trở thành Tổng Trường Thông Tin của chính phủ John Curtin thời Thế Chiến II, nổi tiếng vì các biện pháp kiểm duyệt báo chí. Dưới thời chính phủ Ben Chiefly, ông là Tổng Trưởng Di Trú (đầu tiên), nổi tiếng với khẩu hiệu “tăng dân số hay diệt vong”, chỉ buồn là ông lại nhiệt liệt bênh vực chính sách “White Australia=Nước Úc Da Trắng” với câu bông đùa bất hủ “two Wongs do not make a white= hai anh wong không tạo thành một anh da trắng”. Khi Robert Menzies của Đảng Tự Do chiếm được quyền thành lập chính phủ vào năm 1949, ông rời chính trường, để rồi năm 1951, trở lại đảm nhiệm chức phó lãnh tụ Đảng Lao Động, dưới quyền tiến sĩ H.V. Evatt. Năm 1960, khi tiến sĩ Evatt rời bỏ chính trường, ông được bầu làm lãnh tụ Đảng, từ đó đến năm 1967 mới từ chức, sau khi không đánh bại được liên minh Tự Do và Quốc Gia.

Arthur Calwell đã không rời Đảng Lao Động trong các năm từ 1954 tới 1957 như phần lớn các đồng đạo công giáo khác nhân vụ Phân Rẽ. Có người cho vì ngôi sao của ông đang lên trong hàng ngũ đảng này. Nhưng như ta đã thấy, Calwell rất xác tín vấn đề tách biệt giáo hội ra khỏi chính trị. Ông từng viết cho Chiefly về “quyết tâm khai triển một xã hội gồm nhiều thành phần khác nhau (heterogeneous): một xã hội trong đó tính Ái Nhĩ Lan và Công Giáo La Mã được chấp nhận y như tính Anh quốc và Thệ Phản: trong đó gốc gác Ý được chấp nhận y như căn gốc Hy lạp, Hòa Lan hay bất cứ căn gốc nào khác. Ở đây, xin mở một ngoặc đơn để nói thêm về câu bông đùa đầy tính kỳ thị chủng tộc của ông. Tuy không dấu diếm khuynh hướng muốn duy trì căn gốc da trắng của nước Úc, một điều lúc ấy vẫn còn rất phổ thông, nhưng Calwell không hề kỳ thị chủng tộc theo nghĩa so sánh hơn kém. Ông chỉ dùng hai tên Wong và White theo nghĩa thời sự vì lúc đó một người Trung Hoa tên Wong đang bị đe dọa tống xuất một cách sai lầm, còn Thomas White lúc ấy là dân biều đơn vị Balaclava. Báo chí ác ý đã không viết hoa tên vị dân biểu này, cố tình cho người ta hiều Calwell muốn so sánh người Trung Hoa với người da trắng. Bản thân ông chủ trương phải kết án các hoạt động ác ý dựa trên cơ sở tôn giáo và chủng tộc vì chúng chỉ tạo nên bất hòa và cay đắng trong nước lẫn ở ngoại quốc (Tranh Luận Tại Quốc Hội, 184: 4911-4915). Trong chủ trương tách biệt giáo hội với nhà nước, ông bênh vực lập trường bênh vực việc các giáo dân được quyền nhận định các quyết định của Giáo Hội và các chính trị gia được quyền bác bỏ các vụ Giáo Hội chính thức pha mình vào chính trị. Ông cho rằng các tranh biện và to tiếng của ông đối với một vài vị chức sắc trong Giáo Hội chỉ thuộc phạm vi tài phán (jurisdictional) và tổ chức mà thôi. Ông trích dẫn Mt 22:15-22 và điều 116 của Hiến Pháp Úc.

Trong thập niên 1940, Bob Santamaria và Phong Trào của ông thường đồng hóa các Mục Tiêu Xã Hội Chủ Nghĩa của Đảng Lao Động với cộng sản. Calwell cho rằng chính “lòng tham và sự đần độn của chủ nghĩa tư bản đã khiến chủ nghĩa cộng sản lan tràn” (Tranh Luận Tại Quốc Hội 196: 627-632). Ông cho xuất bản tài liệu tựa là “Các Đức Giáo Hoàng Đã Nói Gì về Chủ Nghĩa Tư Bản, Giai Cấp Chủ Nhân Và Các Nghiệp Đoàn’ trong đó ông trích dẫn các thông điệp của các đức giáo hoàng, các tuyên bố của tổng giám mục Mannix và một số hồng y người Pháp, tờ Công Nhân Công Giáo của Melbourne và hai bình luận gia công giáo là Maisie và Barbara Ward. Năm 1950, trong bài trình bầy về sự can dự lâu đời của ông và của Đảng Lao Động trong việc chống lại chủ nghĩa cộng sản, ông trích lời đức Piô XI nói: “Gương mù lớn nhất trong thế kỷ 19 là ta đã đánh mất giới lao động trên thế giới”. Ông cũng cho rằng việc Santamaria đồng hóa các hoạt động chống cộng của mình với Giáo Hội Công Giáo chỉ làm sống lại cái quan điểm cho rằng Giáo Hội Công Giáo muốn kiểm soát một đảng chính trị. Hai điều nghịch lý xẩy ra là năm 1961, dưới sự lãnh đạo Đảng Lao Động của ông, Đảng Tự Do chỉ thắng sít sao nhờ phiếu ưu tiên (preferences) của Cộng Sản dồn cho.

Nghịch lý thứ hai, năm 1964, ông được Tòa Thánh ban tặng Huy Chương Hiệp Sĩ. Nhận định về những phản ứng của một số người công giáo chống đối việc ban tặng này, Calwell cho hay: “Tôi sợ rằng một số rất đông đồng đạo Công Giáo của tôi chỉ là những người sống vì khiếp đảm, ghét cộng sản, lo làm giầu, leo thang xã hội, đi tìm địa vị, bị tẩy não, sống khép kín. Đối với họ, đức giáo hoàng quá táo bạo và không khôn ngoan đủ trong các đối xử một đàng với thế giới không Công Giáo và đàng kia với một phần sáu cộng sản của thế giới”. Mới đây nhất, người ta hiểu tại sao ông được danh dự ấy. Tờ The Australian ngày 12 tháng 12 năm 2006 chạy hàng tít: Cố Lãnh Tụ Lao Động Ông Arthur Calwell, Trong Thế Chiến II, Bị Điều Tra Vì Đã Đặt Lòng Trung Thành Công Giáo Của Ông Lên Trên Lợi Ích Quốc Gia Lúc Làm Ti63ng Trưởng Dưới Thời Chính Phủ Curtin.

Kết Luận:

Kinh nghiệm Ba Lan đưa lại kết quả tốt đẹp là nhờ sự kết hiệp hài hòa giữa các vai trò trong Giáo Hội. Người giáo dân ở đấy biết vận dụng các giáo huấn và hướng dẫn của hàng giáo phẩm để hành động không cần loay hoay ngồi chờ các linh mục ra tay trước, và nhất là khi thất bại, không tìm con dê tế thần để trút giận. Trường hợp Úc Châu, có người đã lợi dụng chiêu bài “nguy cơ cộng sản” để thúc đẩy hàng giáo phẩm phải chính thức bước vào lãnh vực chính trị đảng phái. Họ đã thất bại nặng nề. Từ điển bách khoa Wikipedia cho hay: về cuối đời, Bob Santamaria nhiều lần thú nhận sự nghiệp chính trị của ông là một thất bại hòan toàn.

Vũ Văn An