Những cố gắng trong Quan Hệ

giữa Toà Thánh Vatican

và Việt Nam

 


Sau năm 1975, những chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của phái đoàn Toà Thánh tại Việt Nam là vào năm 1990. Trước đó, vào năm 1989, có chuyến viếng thăm "mục vụ" của Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, tại Thành Phố Saigòn và Vĩnh Long, mở đầu cho những chuyến viếng thăm chính thức, từ năm 1990 đến nay.

Biến cố đặc biệt mới nhất ghi dấu tương quan giữa Toà Thánh và Việt nam, là biến cố viếng thăm chính thức của Ông Thủ Tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, tại Toà Thánh Vatican, hôm ngày 25 tháng Giêng năm 2007. Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu tín hữu, tức khoảng 7% dân số toàn quốc.


 

- Năm 2007:

Phỏng Vấn Ðức Ông Pietro Parolin

về Cuộc viếng thăm của Phái Ðoàn Tòa Thánh

tại Việt Nam từ ngày 5 đến 11/03/2007

 

Phỏng Vấn Ðức Ông Pietro Parolin về Cuộc viếng thăm của Phái Ðoàn Tòa Thánh tại Việt Nam từ ngày 5 đến 11 tháng 3 năm 2007.

"Giáo Hội Việt Nam là một Giáo Hội dũng cảm, năng động và đầy sức sống" (Msgr. Parolin)

Rôma, (Zenit - Thứ Hai, 26-03-2007) - Tương quan giữa Việt Nam và Toà Thánh đã tiến những bước lớn, dù hai bên chưa đưa ra một thời hạn cho ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ðấy là điều mà Ðức Ông Pietro Parolin, phó bí thư đặc trách Quan Hệ với các Quốc gia, đã khẳng định trong buổi phỏng vấn của Radio Vatican ngày 17 tháng 3 năm 2007. Sau đây chúng tôi trích một vài đoạn. Ðức Ông Parolin đã hướng dẫn phái đoàn Toà Thánh đến Việt Nam từ 5 đến 11 tháng 3 năm 2007.

Radio Vatican: Xin đức ông nói về chuyến đi này.

Ðức Ông Parolin: Từ năm 1989 - năm Ðức Hồng Y Roger Etchegary viếng thăm - cho đến nay, Tòa Thánh đã cử 14 phái đoàn đến Việt Nam; thường thường vị trưởng đoàn là phó bí thư đặc trách Quan Hệ với các Quốc gia, Ðức Ông Claudio Maria Celli và Ðức Ông Celestino Migliore. Phần tôi, đây là lần thứ hai tôi đến Việt Nam, sau lần năm 2004. Năm 2005, thì một phái đoàn Việt Nam lại đến Rôma. Năm 2006, tôi không thể sang Việt Nam vì những lý do nho nhỏ, và năm nay tôi đã sang. Cùng đi với tôi có Ðức Ông Luis Mariano Montemayor, cố vấn văn phòng Sứ Thần tại tòa Quốc Vụ Khanh, và Ðức Ông Banabê Nguyễn Văn Phương, người Việt, trưởng phòng trong Thánh Bộ Truyền Giảng Phúc Âm cho các Dân Tộc.

Như mọi người đã biết, cuộc viếng thăm này có hai mục tiêu chính: liên hệ với Chính Quyền Việt Nam và gặp gỡ Giáo Hội địa phương. Thực vậy, suốt tuần ấy, phái đoàn Toà Thánh đã làm những gì mà các sứ thần toà thánh thường làm ở các nước khác, bởi lẽ Việt Nam chưa có sứ thần. Do đó, phái đoàn gặp gỡ đối thoại với chính quyền về những vấn đề liên quan đến Giáo Hội và những tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước, và đi viếng thăm nhiều giáo phận, điều này cho chúng tôi có cơ hội củng cố và nâng cao mối dây hiệp nhất vốn có giữa Toà Thánh và Giáo Hội địa phương.

Năm nay, chúng tôi đã đến Quy Nhơn và Kontum, trong tổng giáo phận Huế, nằm giữa nước Việt Nam. Hai giáo phận này chưa từng có dịp được một phái đoàn Tòa Thánh viếng thăm. Cuộc viếng thăm lần này hẳn là một cơ hội để tiến hành cuộc tiếp xúc và đối thoại, mà trong vòng 20 năm, đã giúp bước đi những bước dài theo hướng này; phần chúng tôi, chúng tôi hy vọng rằng cuộc viếng thăm này có thể đưa đến những hình thức hiện diện ổn định và thường xuyên hơn của một đại diện Toà Thánh ở trong nước, dĩ nhiên, cho đến ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, lúc ấy sẽ có một khâm sứ hay một sứ thần tòa thánh.

Radio Vatican: Theo Ðức Ông, cuộc gặp gỡ gần đây giữa Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ðức Giáo Hoàng có ảnh hưởng gì không đối với chuyến viếng thăm này?

Ðức Ông Parolin: Tôi phải nói rằng, trong chuyến viếng thăm lần thứ hai này, tôi cũng nhận được sự đón tiếp niềm nở như lần đầu tiên, năm 2004. Với những nhân vật mà tôi gặp gỡ, chúng tôi đã có thể thắt chặt mối dây tôn trọng, thân thiện và tin tưởng, những giá trị rất quí báu của xã hội Việt Nam, khiến cho suốt cuộc đối thoại trở nên thoải mái, nhất là khi phải đề cập đến những vấn đề gai góc.

Mặt khác, tôi nghĩ rằng họ muốn đặc biệt làm nổi bật cuộc viếng thăm này trong bối cảnh mà, vào tháng Giêng vừa qua, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Vatican gặp gỡ Ðức Thánh Cha và những nhân vật cao cấp trong tòa Quốc Vụ Khanh. Nhiều chi tiết nhỏ cho thấy điều đó: cách mà họ tiếp đãi chúng tôi, tiếng nói của các phương tiện truyền thông liên quan đến cuộc thăm viếng ấy. Ngoài ra, chúng tôi cũng biết ơn chính quyền Việt Nam và quả là công bình khi chúng tôi biểu lộ công khai lòng biết ơn đó. Chúng tôi đã nói về cuộc viếng thăm của Thủ Tướng trong nhiều bối cảnh, ngay cả trong bối cảnh nhà thờ - tôi nhớ, chẳng hạn, khi vị đại diện giáo dân lên chào mừng chúng tôi cuối thánh lễ tại thánh đường Hà Hội, ông đã nói lên điều đó một cách minh nhiên. Người ta nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc viếng thăm ấy và đến niềm hy vọng rằng đó thực sự là một chặng đường mới cho tương lai, mà ý chí vươn lên giúp vượt qua những khó khăn còn tồn tại.

Radio Vatican: Ðức ông có đề cập đến khả năng thiết lập nhanh quan hệ ngoại giao không?

Ðức Ông Parolin: Chúng tôi có nói đến quan hệ ngoại giao, nhưng hiện tại, chúng tôi không xác định một thời hạn. Một số người hẳn chờ mong một sự tiến triển rõ nét, bởi vì trong lần viếng thăm của Thủ Tướng, vấn đề này đã được Hồng Y Quốc Vụ Khanh nêu ra minh nhiên, và trước đó, nhiều nhân vật chính trị đã tỏ ra thuận lợi, cũng như Giáo Hội địa phương đã nói lên sự ủng hộ rõ ràng.

Dù sao, tôi nghĩ rằng một bước quan trọng đã được thực hiện, bởi lẽ theo như phía Việt Nam cho chúng tôi biết, thì Thủ Tướng, như ông từng hứa tại Rôma, đã ủy cho các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu vấn đề này. Chúng tôi cũng đã đề nghị thành lập, ngay từ tháng sau, một nhóm chuyên viên nghiên cứu thời gian và cách thức cụ thể cần thiết để đi vào tiến trình thiết lập quan hệ ngoại giao.

Về điểm này, tôi cần nhắc lại rằng thiết lập quan hệ ngoại giao không có nghĩa là mọi vấn đề còn tồn đọng đã được giải quyết hết. Quan hệ ngoại giao không chỉ là một điểm đến, nhưng còn là và nhất là một điểm khởi hành. Ðấy là một dấu chỉ rõ ràng! Dấu chỉ rằng ta có thể đối diện với nhau trong tinh thần xây dựng để thiết lập những tương quan mới, và ta cũng sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn. Qua quan hệ ấy, và nhờ việc trao đổi giữa các đại diện, hai bên sẽ có những kênh đặc biệt để có được thông tin về nhau, những thông tin đúng đắn và tích cực. Ðiều này rất là quan trọng để có thể giữ gìn một quan hệ tốt đẹp đối với nhau.

Radio Vatican: Ðối với vấn đề tự do tôn giáo, Ðức ông cảm thấy thế nào về những tiến bộ đã được thực hiện?

Ðức Ông Parolin: Tôi nghĩ rằng thông tri của Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh, phát hành sau khi Thủ Tướng viếng thăm Vatican, đã phản ánh đúng đắn tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam. Trong thông tri đó, người ta nói đến 'những không gian đã mở ra' và tôi có thể bảo đảm rằng, dựa trên chứng từ các giám mục, một số vấn đề đã được giải quyết và một số khác đang được giải quyết. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến vấn đề tái thiết các nhà thờ bị phá hủy trong chiến tranh và xây dựng những nơi thờ phượng mới cho di dân. Ðối với các vấn đề còn tồn đọng, chúng tôi hy vọng rằng, qua đối thoại và thiện chí, chúng tôi sẽ tìm được một giải đáp ổn thoả.

Như ta biết, chính sách tôn giáo của chính quyền Việt Nam được xác định bởi Pháp Lệnh tín ngưỡng tôn giáo ban hành ngày 18-06-2004, dựa trên hai nguyên tắc theo đó những người có tín ngưỡng - và như thế cũng bao gồm người công giáo - là một thành phần của Dân Tộc, và Nhà Nước cam kết đáp ứng những yêu cầu chính đáng của họ. Trong lần gặp gỡ với Ủy Ban Tôn Giáo, chúng tôi được thông báo về tình trạng áp dụng luật này, và đó cũng là nội dung của một tập sách nhỏ: Tôn giáo và chính sách tôn giáo tại Việt Nam (Religion and policies regarding religion in Vietnam) Bởi lẽ một số thẩm quyền trong lãnh vực tôn giáo được ủy thác cho chính quyền địa phương, nên điều quan trọng là phải đảm bảo áp dụng luật một cách đồng đều, hầu tránh tình trạng những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, lại bị gò bó so với những vùng thành thị phát triển hơn. Tôi nghĩ rằng cần phải lưu ý đến những nhận xét mà các cộng đồng tôn giáo nêu lên liên quan đến việc áp dụng luật này. Những nhận xét đó xuất phát từ kinh nghiệm của họ và giúp cải thiện tại những nơi cần thiết, hầu cho tự do tôn giáo, vốn là một quyền căn bản của mỗi người và mỗi cộng đồng, có thể được tôn trọng và thể hiện trong việc làm cụ thể.

Radio Vatican: Ðức ông có cảm tưởng gì về sức sống của Giáo Hội Việt Nam?

Ðức Ông Parolin: Tôi đã nói nhiều dịp, trong những lần gặp gỡ các tín hữu, rằng điều chúng tôi nhận thì nhiều hơn gấp bội so với điều chúng tôi cho. Thật vậy, không thể nào vô cảm trước những kinh nghiệm và những chứng tích của người công giáo Việt Nam.

Tôi vẫn còn thấy trước mắt và trong lòng mình hình ảnh các cộng đoàn phụng vụ ở Quy Nhơn, Pleichuet, Hànội, v.v...; hình ảnh các tín hữu này, mà nhiều người thuộc dân tộc thiểu số, tràn ngập sân nhà thờ Kontum vào ngày 8 tháng 3; tôi còn thấy trước mắt hình ảnh của cộng đồng Hạ Long thật sốt mến, một cộng đồng từng gánh chịu bao nhiêu là khổ đau.

Cách họ cầu nguyện gây ấn tượng mạnh nơi tôi. Họ thật lắng đọng, chăm chú, thật sốt sắng nhưng đồng thời rất hiện diện trong cộng đoàn mình. Mọi người, lớn nhỏ, già trẻ, nam nữ, đều đồng thanh hát ca và đáp lễ.

Và làm sao không nhắc đến lòng yêu mến của người công giáo Việt Nam đối với Ðức Thánh Cha, một lòng mến mà họ không ngừng biểu lộ suốt cuộc viếng thăm của Phái Ðoàn Tòa Thánh.

Giáo Hội Việt Nam là một Giáo Hội dũng cảm, năng động và đầy sức sống, mà một dấu chỉ là số lượng đông đảo các ứng sinh vào tác vụ linh mục và đời sống tu trì. Ðấy cũng là một Giáo Hội rất dấn thân vào xã hội. Chăm sóc những người thiếu thốn, và ước ao cống hiến nhiều hơn trong giáo dục và trong các vấn đề xã hội, hầu được đóng góp nhiều hơn, chất lượng hơn và hiệu quả hơn cho đất nước và người dân, không phân biệt tín ngưỡng tôn giáo. Cuối cùng đấy là một Giáo Hội ý thức những vấn đề liên quan đến việc công nghiệp hóa nhanh chóng của đất nước và đến cái sục sôi của việc phát triển kinh tế (với một tỉ lệ phát triển 8.4% dự kiến trong năm 2007, nước Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh thứ nhì trên thế giới); một Giáo Hội đang chuẩn bị để đối đầu với mọi thách thức.

 

Trần Duy Nhiên (chuyển dịch Việt ngữ từ bản tin tiếng Pháp)

 

Phái đoàn Toà Thánh mang về tin tức tốt đẹp

trong chuyến thăm Việt Nam

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phái đoàn Toà Thánh mang về tin tức tốt đẹp trong chuyến thăm Việt Nam.

Bài của Gerard O'Connell, Ðặc Phái viên tại Rôma

Thành Phố Vatican (UCAN ZY02090.1436 Ngày 13-3-2007) - Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam sáu ngày, phái đoàn Tòa Thánh và các viên chức nhà nước Việt Nam đã thảo luận về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, "và cùng nhau nghiên cứu một số cách thức cụ thể để tiến hành thiết lập quan hệ ngoại giao".

Tòa Thánh ra tuyên bố sau khi phái đoàn trở về Rôma hôm 12-3-2007 rằng Việt Nam "quả quyết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, các viên chức có thẩm quyền đã tiến hành làm việc" về vấn đề này.

Ðức ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, dẫn đầu chuyến viếng thăm từ ngày 6-11/3/2007. Cùng đi với ngài có Ðức ông Luis Mariano Montemayor của văn phòng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Ðức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương của Thánh bộ Truyền giáo, người luôn có mặt trong các phái đoàn Tòa Thánh sang thăm Việt Nam từ năm 1989.

Tòa Thánh cho biết, các giới chức Việt Nam "đặc biệt chú trọng đến chuyến thăm lần này, chuyến thăm chính thức thứ 14 của phái đoàn Tòa Thánh", diễn ta ngay sau khi Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 25-1-2007.

Theo tuyên bố của Tòa Thánh, phái đoàn đã có "các buổi làm việc" với Ban Tôn Giáo chính phủ, do ông Nguyễn Thế Doanh đứng đầu, và các buổi làm việc này được tổ chức trong "bầu khí thân mật, thẳng thắn và tôn trọng".

Các vị đại diện Tòa Thánh cùng các viên chức chính quyền đồng cấp xem xét "việc thực thi Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo ban hành ngày 18-6-2004, vốn phác thảo chính sách của chính phủ Việt Nam về các vấn đề tôn giáo". Họ còn thảo luận "một số bổ nhiệm giám mục đang chờ cứu xét" và "các đề tài khác liên quan đến đời sống và hoạt động của Giáo hội Công giáo Việt Nam".

Tòa Thánh cho biết, phía chính quyền "đánh giá cao vai trò của Giáo hội Công giáo trong nước", trong khi phía Tòa Thánh hy vọng các tín hữu Việt Nam có thể tăng cường "phổ biến các giá trị đạo đức, đặc biệt là đào tạo giới trẻ và tăng cường đoàn kết với những người yếu kém nhất" trong thời kỳ "thay đổi kinh tế - xã hội nhanh chóng trong xã hội Việt Nam" hiện nay.

Theo Tòa Thánh, hai bên nhấn mạnh những vấn đề nổi bật "có thể gặp phải và có thể được giải quyết kịp thời trong sự đồng tình, thông qua đối thoại, khiên nhẫn và xây dựng". Phái đoàn đã thảo luận việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, một ưu tiên hàng đầu trong nghị trình, khi gặp ông Lê Công Phụng, Thứ trưởng ngoại giao, cũng như ông Phạm Xuân Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Ðối ngoại Trung ương, và ông Vũ Mão, Chủ tịch Ban Ðối ngoại của Quốc hội.

Ngoài gặp gỡ các viên chức nhà nước, phái đoàn Tòa Thánh còn gặp Ðức Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa của giáo phận Nha Trang, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và Ủy ban thường trực của hội đồng.

Tòa Thánh mô tả việc các vị đại diện Tòa Thánh viếng thăm Quy Nhơn và Kontum, hai giáo phận chưa được một phái đoàn Tòa Thánh nào viếng thăm trước đây, là "hết sức cảm động". Ðức ông Parolin và các vị tháp tùng với ngài đã dâng thánh lễ với các giám mục của hai giáo phận và hầu hết các giáo sĩ, trong bầu khí được Tòa Thánh gọi là "một tinh thần hết sức vui mừng và hiệp thông Giáo Hội".

Giáo phận Kontum "có giáo dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, họ tham gia rất đông trong các buổi đọc kinh cầu nguyện khác nhau", theo bản tuyên bố của Tòa Thánh.

Phái đoàn còn gặp các chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh trong khi thăm mỗi giáo phận, và cử hành Bí Tích thánh Thể cho các tín hữu tại Nhà Thờ Lớn Thánh Giuse ở Hà Nội và tại giáo xứ Hòn Gai ở Hạ Long thuộc giáo phận Hải Phòng, gần biên giới Trung Quốc.

Phái đoàn thăm "nhiều nhà dòng, cơ sở từ thiện, trường nội trú và trường mẫu giáo được điều hành bởi một Giáo hội không ngừng khơi dậy lòng khâm phục vì sự can đảm, sức sống và năng động của mình".

Phái đoàn "đã chuyển lời cổ vũ và phép lành của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, người được các tín hữu bày tỏ lòng yêu mến, hiếu thảo và trung thành sâu sắc, với hy vọng một ngày nào đó Ðức Thánh Cha có thể viếng thăm mục vụ đất nước này".

 

UCAN

 

 

Thông cáo báo chí của Toà Thánh

sau chuyến viếng thăm của

Phái Ðoàn Toà Thánh tại Việt Nam

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thông cáo báo chí của Toà Thánh sau chuyến viếng thăm của Phái Ðoàn Toà Thánh tại Việt Nam trở về.

(Radio Veritas Asia 13/03/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Phái Ðoàn Toà Thánh do Ðức Ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao, cầm đầu, đã đến làm việc tại Việt Nam từ ngày 5 đến 11 tháng 3 năm 2007, và đã về đến Roma ngày thứ Hai 12 tháng 3 năm 2007. Phòng báo chí Toà Thánh, trong thông cáo báo chí được phổ biến hôm thứ Hai 12 tháng 3 năm 2007, đã cho biết như sau:

 

Hôm nay, --- (tức thứ Hai 12 tháng 3 năm 2007) --- Phái Ðoàn Toà Thánh đã về đến Roma, sau một tuần lễ làm việc nhiều tại Việt Nam, từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 3 (năm 2007). Phái đoàn gồm có Ðức Ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao, Ðức Ông Luis Mariano Montemayor, Tham Biện Toà Sứ Thần tại Phủ Quốc Vụ Khanh và Ðức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, Vụ Trưởng Bộ Rao Giảng Phúc Âm cho các Dân Tộc (tức bộ Truyền Giáo). Từ phía Việt Nam, bằng nhiều cách khác nhau, đã làm nổi bật đặc biệt chuyến viếng thăm lần thứ 14 của phái đoàn Vatican, diễn ra không lâu sau buổi tiếp kiến Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI dành cho Thủ Tướng Việt Nam, Ông Nguyễn tấn Dũng, hồi tháng Giêng vừa qua.


Phái Ðoàn Toà Thánh chụp hình lưu niệm với Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt và các Linh Mục đồng tế sau khi cử hành Thánh lễ tạ ơn tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội vào ngày 11/03/2007.


Phái Ðoàn Toà Thánh trước hết đã gặp Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, giám mục Nha Trang, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, và gặp Ban Thường Trực của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam.

Những buổi làm việc với Ban Tôn Giáo, do Ông Nguyễn Thế Doanh chủ sự, --- đã diễn ra trong bầu khí thân thiện, thành thực và đầy tôn trọng; những buổi làm việc này đã cho phép duyệt qua việc áp dụng Sắc Lệnh về các Tín Ngưỡng và các Tôn Giáo, ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2004, vạch ra đường lối của Chính Phủ Việt Nam trong vấn đề tôn giáo; cho phép duyệt lại vài bổ nhiệm giám mục đang có và duyệt qua những vấn đề khác liên quan đến đời sống và hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

Phái đoàn chính phủ Việt Nam đã không bỏ qua dịp để nhấn mạnh đến vai trò mà cộng đồng công giáo đang thi hành trong nước; trong khi đó phái đoàn của Toà Thánh đã nói lên ước mong sao cho người công giáo càng ngày càng luôn được góp phần vào việc phổ biến những giá trị luân lý, nhất là trong những gì liên quan đến việc huấn luyện giới trẻ, vào lúc có những thay đổi nhanh chóng trên bình diện xã hội và kinh tế trong xã hội Việt Nam; và được góp phần vào việc cổ võ tình liên đới đối với những tầng lớp yếu kém nhất trong dân chúng.

Cả hai bên đã nhấn mạnh rằng những vấn đề còn mở ngõ, sẽ có thể được bàn đến và giải quyết tương xứng, với sự đồng ý chung, nhờ qua cuộc đối thoại kiên trì và đầy tinh thần xây dựng.

Phái đoàn Vatican đã đến thăm Ông Phó Tổng Trưởng bộ ngoại giao, Ông Lê Công Phụng, thăm Ông Phó Chủ Tịch Ban Ngoại Vụ của Ban Trung Ương Ðảng cộng sản Việt Nam, Tiến sĩ Phạm xuân Sơn, thăm Ông Chủ tịch Ban Ngoại Vụ của Quốc Hội, Tiến Sĩ Vũ Mão. Trong những dịp này, đã được đặt ra vấn đề bình thường hoá những liên lạc với Toà Thánh. Về vấn đề này, Việt Nam đã bảo đảm rằng, theo thông lệnh của Thủ Tướng, những cơ quan có thẩm quyền đã bắt đầu làm việc, trong khi hai bên đã khảo sát chung vài thể thức cụ thể để mở ra tiến trình thiết lập những liên lạc ngoại giao.

Một kinh nghiệm đặc biệt đánh động là phần viếng thăm tại vài giáo phận trên đất nước Việt Nam, mà năm nay được thăm hai giáo phận Quy Nhơn và Kontum, hai giáo phận cuối cùng mà phái đoàn toà thánh đã chưa bao giờ đến thăm. Phái Ðoàn đã đồng tế Thánh lễ với quý đức giám mục của từng giáo phận và với đa số hàng giáo sĩ giáo phận, trong bầu khí niềm vui sâu xa và sự hiệp thông giáo hội. Giáo Phận Kontum, nằm trên cao nguyên miền Trung Việt Nam, gồm có đa phần tín hữu thuộc các dân tộc thiểu số, được gọi là những anh chị em miền sơn cước; rất đông những anh chị em này đến tham dự những lần gặp gỡ cầu nguyện khác nhau. Tại mỗi giáo phận được viếng thăm, Phái Ðoàn Toà Thánh cũng đã gặp thăm những vị Chủ Tịch của các Hội Ðồng Nhân Dân địa phương.

Cuối cùng, Phái Ðoàn đã cử hành Thánh Thể cho các tín hữu tại Nhà Thờ Thánh Giuse Tổng Giáo Phận Hà Nội, tại Nhà Thờ Giáo Xứ Hòn Gai, ở Vịnh Hạ Long, nằm trong giáo phận Hải Phòng, gần với Trung Quốc; Phái đoàn đã viếng thăm nhiều Nhà Dòng, thăm những chương trình bác ái, những nhà nội trú và các trường mẩu giáo của một Giáo Hội không ngừng khơi dậy sự khâm phục, vì lòng can đảm, sức sống và sức năng động của mình.

Phái Ðoàn đã mang đến cho tất cả mọi tín hữu sự khích lệ và phép lành của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, mà đối với ngài các tín hữu đã biểu lộ những cử chỉ nói lên lòng mộ mến sâu sa, sự gắn bó con thảo và lòng trung thành, trong niềm hy vọng một ngày kia Ðức Thánh Cha sẽ có thể đích thân thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ tại xứ sở này.

 

(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 

 

 

Thánh lễ tạ ơn

của phái đoàn Tòa Thánh Vatican

tại nhà thờ chính tòa Hà Nội

 

Ðức Ông Pietro Pardin, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh,

chủ tế Thánh lễ tạ ơn tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội.

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thánh lễ tạ ơn của phái đoàn Tòa Thánh Vatican tại nhà thờ chính tòa Hà Nội.

Hà Nội, Việt Nam (11/03/2007) - Ngày 11 tháng 3 năm 2007, Chúa Nhật thứ III Mùa Chay, vào lúc 9 giờ sáng, thánh lễ đồng tế do Ðức Ông Pietro Pardin, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh, chủ tế, đã được cử hành trọng thể tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Ðây là thánh lễ tạ ơn, kết thúc chuyến viếng thăm, công vụ thường niên của Tòa Thánh với Chính Phủ Việt Nam từ ngày 5-3-2007 đến 11-3-2007 tại Việt Nam.


Giáo dân Hà Nội tiếp đón phái đoàn Tòa Thánh Vatican tại sân nhà thờ chính tòa Hà Nội.


Trong thánh lễ đồng tế có sự hiện diện của Ðức Tổng Giám Mục Hà Nội - Ðức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Cha Chính Giáo Phận, linh mục đoàn Hà Nội, các Ðức Ông trong phái đoàn Tòa Thánh cùng đông đảo nam nữ tu sĩ và giáo dân tới tham dự thánh lễ.

Trước thánh lễ, Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã trân trọng giới thiệu với cộng đoàn Dân Chúa các Ðức Ông, thành phần trong phái đoàn. Ngài giới thiệu sơ qua về mục đích chuyến viếng thăm của phái đoàn và nhắc nhở cộng đoàn cầu nguyện cho phái đoàn, cho Giáo Phận Hà Nội, cho Giáo Hội Việt Nam.

Thánh lễ đã diễn ra trong bầu khí trang nghiêm sốt sáng. Trong bài giảng, trước tiên, Ðức Ông Pietro Pardin đã bày tỏ sự vui mừng được dâng thánh lễ tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội sau một tuần làm việc nghiêm túc với Chính Phủ Việt Nam về các vấn đề của Giáo Hội Việt Nam. Ngài đã nói sơ qua về cuộc viếng thăm và làm việc của phái đoàn Tòa Thánh với Ban Tôn Giáo Chính Phủ, với một số các vị chức trách của Trung Ương, đồng thời Ngài nêu tầm quan trọng mang tính lịch sử của chuyến viếng thăm, gặp gỡ gần đây của Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam, với Ðức Thánh Cha Benedict XVI tại Vatican ngày 25-1-2007. Ðức Ông cũng bày tỏ những ấn tượng mạnh mẽ của Ngài cũng như của phái đoàn trước đức tin mạnh mẽ, tinh thần hi sinh, phục vụ, tinh thần hiệp nhất với Ðức Thánh Cha của giáo dân Việt Nam tại các giáo phận mà Ngài vừa thăm viếng. Ngài đã chuyển đến phép lành, những tâm tình quý mến của Ðức Thánh Cha tới hàng giám mục, các linh mục, nam nữ tu sĩ, giáo dân Việt Nam để nói lên rằng Ðức Thánh Cha luôn đồng hành cùng giáo dân Việt Nam, Giáo Hội Việt Nam luôn luôn ở trong trái tim Ngài. Ðức Ông hứa sẽ trình lên Ðức Thánh Cha những ấn tượng tốt đẹp của Ngài về một Giáo Hội sống động, yêu thương, về cách sống đạo nhiệt thành, kiên trì của giáo dân Việt Nam. Ðể Tòa Thánh được gần gũi với Giáo Hội Việt Nam, Ðức Ông đã bày tỏ ước mong sớm có một Vị đại diện cho Ðức Thánh Cha tại Việt Nam và hi vọng một ngày gần đây nhất Ðức Thánh Cha sẽ đến Việt Nam để chính Ngài chứng kiến lòng tin yêu sống động, lòng kiên trì của giáo dân tại đất nước nhỏ bé thân yêu này.


Thánh lễ đồng tế do Ðức Ông Pietro Pardin, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh, chủ tế, đã được cử hành trọng thể tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội.


Trong phần suy niệm Lời Chúa, Ðức Ông đã bắt đầu bằng Ðiều Răn thứ nhất Chúa truyền cho Mai-sen: "Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn", nhưng Ðức Ông nhấn mạnh rằng trước khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì Chúa đã yêu thương chúng ta rồi. Nếu như trước kia Chúa nói với Mai-sen "Ta đã biết những nỗi khốn cùng của Dân Ta" thì nay chắc Chúa cũng đang nói với chúng ta "Ta cũng đã thấy những nỗi vất vả, khó khăn của từng người trong các con". Cho nên, chúng ta phải xác tín rằng Chúa luôn yêu thương, luôn thấu hiểu những tâm tư, những khát vọng, những buồn vui của mỗi người chúng ta, Chúa không bao giờ bỏ chúng ta. Tình yêu của Chúa đối với chúng ta tỏ ra rằng Chúa cũng hết sức kiên nhẫn như cây vả trong Tin Mừng Luca (Lc 13,1-9).

Sau thánh lễ là bài cảm ơn đầy ý nghĩa của một giáo dân đại diện cho Cộng Ðoàn Dân Chúa Hà Nội với những bó hoa tươi thắm dâng lên Ðức Tổng Giám Mục, Quý Ðức Ông trong phái đoàn Tòa Thánh, như tình cảm kính mến và lòng tri ân của giáo dân Việt Nam đối với các Vị Mục Tử của mình.

 

Gp. Hà Nội

 

Tường thuật chuyến viếng thăm

của Phái đoàn Tòa Thánh Vatican

tại Pleiku, GP Kontum, ngày 9/03/2007

 

Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh hướng dẫn Phái đoàn Tòa Thánh

viếng thăm nhà thờ Plei chuet, giáo hạt Pleiku, GP Kontum

 

 

Tường thuật chuyến viếng thăm của Phái đoàn Tòa Thánh Vatican tại Giáo hạt Pleiku, Giáo phận Kontum, ngày  9/03/2007.

Tin Pleiku, Việt Nam (Ngày 09.03.2007) - Lúc 5 giờ sáng, Phái đoàn gồm Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh, 3 Ðức Ông (Phái đoàn Tòa Thánh Vatican), Cha Tổng Ðại Diện, Cha Quản Lý Tòa Giám Mục, Cha thư ký Tòa Giám Mục và các viên chức nhà nước, trên 4 chiếc ôtô trực chỉ đi Pleiku.


Thánh lễ đồng tế tại Lễ Ðài trước tiền sảnh Nhà Thờ Pleichuet, được cử hành chính là tiếng Việt, ngoài ra lời nguyện và Lời Chúa được đọc 2 thứ tiếng Jrai và Việt.


Giáo hạt Pleiku nằm trên tỉnh Gialai, có diện tích là 15,495 Km2, năm 2005 dân số là 1,146,970 người, người dân tộc là 511,605 trong đó có 35 sắc tộc, đông nhất là Jrai hơn 300,000 người; số giáo dân công giáo là 112,248 tín hữu, dân tộc là 55,521 tín hữu, dân Jrai hơn 40,000 tín hữu. Pleiku có núi Hàm Rồng hùng vĩ, có Biển hồ (hồ) xanh đẹp rộng lớn... Nay ai có đến Pleiku, không quên ghé thăm Thủy Ðiện YaLy.

* 05g50: Ðoàn Xe đến nhà thờ Plei chuet, rất đông đảo linh mục tu sĩ và giáo dân kinh, Jrai, Bahnar đứng làm hàng rào danh dự tiếp đón Phái đoàn Tòa Thánh. Phái Ðoàn đã tiến vào Nhà thờ Pleichuét trong cảnh chào đón nồng nhiệt của các điệu xoang, múa nhảy của các thiếu nữ, phụ nữ Jrai đồng phục. Ðoàn cồng chiêng đi trước đánh vang dậy cả một vùng trời Pleiku, tiếng chiêng mà đã nổi tiếng lâu nay, nổi tiếng bởi sắc dân ở đây sử dụng, nổi tiếng bởi nó là loại đặc biệt của vùng đất Pleiku nầy, nó vừa mới được UNESCO trao tặng là Văn Hóa phi vật thể của nhân loại.

Sau khi vẫy chào đám đông dân chúng, Ðức Cha Micae và 3 Ðức Ông vào Nhà Thờ, Chầu Thánh Thể và chuẩn bị thánh lễ.

Ðược biết nhà thờ Pleichuet, ngôi nhà thờ đầu tiên dành cho giáo dân Jrai, nằm cạnh Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Giáo phận Kontum. Giáo xứ Pleichuét này được trao cho các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế coi sóc. Dòng Chúa Cứu thế có 14 tu sĩ-linh mục đang phục vụ tại 5 cộng đoàn trong Giáo hạt Pleiku. Ðặc biệt chuyên trách lo cho người Jrai. Mới đây có thêm trung tâm truyền giáo lo cho người Bahnar là Kret Krot thuộc huyện Mang Yang, tỉnh GiaLai. Dòng Chúa Cứu thế đến Giáo phận Kontum năm 1969 theo lời mời của Ðức Cha Paul Seitz Kim, đến nay đã gần 40 năm có mặt trên Giáo phận Kontum.

* 06g10: Thánh lễ tại Nhà thờ Pleichuet bắt đầu. Ðoàn đồng tế gồm có Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh, 3 Ðức Ông (Phái đoàn Tòa Thánh), Cha Tổng Ðại Diện Giuse Nguyễn Thanh Liên, Cha Hạt trưởng Phêrô Nguyễn Vân Ðông, cha Giuse Trần Sĩ Tín là chánh xứ và cũng là bề trên tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Tây Nguyên, và gần 30 linh mục đồng tế tiến ra Lễ Ðài trước tiền sảnh nhà thờ Pleichuet, có đông đảo tu sĩ nam nữ và gần 4 ngàn giáo dân tham dự. Thánh lễ được cử hành chính là tiếng Việt, ngoài ra lời nguyện và Lời Chúa được đọc 2 thứ tiếng Jrai và Việt.


Phái đoàn đến thăm Tu viện Phaolô Pleiku, thuộc Hội Dòng Phaolô thành Charttres tỉnh dòng Ðà Nẵng, nhà mẹ tại Rôma. Phái đoàn được tiếp đón nồng nhiệt bởi gần 20 nữ tu và hơn 100 em học sinh nội trú, các em khuyết tật và trẻ em mầm non.


Ðức Ông Pietro Parolin giảng lễ. Ngài chuyển lời chào thăm và chúc mừng của Ðức Thánh Cha Benêđic XVI đến Giáo phận. Ngài giảng theo ý nội dung Tin Mừng Luca 16,15-18 đề cập đến sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Sau thánh lễ, Bác sĩ Ksor Bip, giáo dân Jrai Pleichuet đại diện cộng đoàn dự lễ cám ơn Phái đoàn và tặng kỷ vật lưu niệm là 1 chiếc vòng (cồng Jrai) và 1 cái áo Jrai cho 3 Ðức Ông (Phái đoàn Tòa Thánh). Sau đó chụp hình lưu niệm.

* 07g25: Lễ xong, Phái đoàn ăn sáng theo kiểu dân tộc (mười ngón) và xem múa nhảy, cùng thưởng thức tiếng đàn ống tre của người Jrai.

* 07g50: Phái đoàn rời Pleichuét đến thăm Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gialai.

* 08g40: Rời Ủy Ban Tỉnh, Phái đoàn đến thăm Tu viện Phaolô Pleiku, 02 Lý Thái Tổ, Phường Ia Kring, Thành phố Pleiku, thuộc Hội Dòng Phaolô thành Charttres tỉnh dòng Ðà Nẵng, nhà mẹ tại Rôma. Phái đoàn được tiếp đón nồng nhiệt bởi gần 20 nữ tu và hơn 100 em học sinh nội trú, các em khuyết tật và trẻ em mầm non.

Ðược biết Cộng đoàn Phaolô Pleiku được thành lập vào tháng 04 năm 1962, với sứ mệnh đến với anh em dân tộc thiểu số, nghèo khổ và bệnh tật; hiện nay có 92 nữ tu thuộc 15 cộng đoàn rãi khắp ở Giáo phận Kontum. Công việc phục vụ chủ yếu là: dạy giáo lý trẻ em, dự tòng, tân tòng hôn nhân. Giúp bệnh phong trong các buôn làng. Ngoài ra có các trường mầm non: nhà trẻ và mẫu giáo có 295 em; ký túc xá học sinh 302 em; cô nhi khuyết tật 31 em. Thêm vào đó công tác không thường xuyên là tìm công ăn việc làm cho thanh niên - thiếu nữ dân tộc nghèo là 165 người trong 2 năm qua; các lớp huấn luyện may, diệt, y tế thôn bản.... Sau khi Nữ tu Bề Trên Têrêxa Lê Thị Liên chào đón và giới thiệu Cộng Ðoàn với Phái Ðoàn Tòa Thánh, Ðức Ông Pietro Parolin đáp lời bằng việc chào thăm tất cả cộng đoàn và các em... Ngài nói, ngài ở Kinh Thành Rôma nhưng chưa biết nhà mẹ Trung Ương ở đó, hy vọng sau khi biết cộng đoàn và tinh thần hăng say làm việc của các nữ tu thuộc Hội Dòng ở đây sống động như thế này, ngài sẽ đến thăm Nhà Mẹ, cách nào đó, như Chúa giới thiệu con cái trước, con cái giới thiệu với Cha Mẹ sau... sau đó dùng ly nước, trái cây... phái đoàn chụp hình lưu niệm và đến thăm Nhà Nội Trú Khuyết Tật Ðức An.


Phái đoàn đến thăm Trường Mầm non Tư Thục do các nữ tu Dòng Con Ðức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân - Huế phụ trách.


* 09g10: Phái đoàn đến Nhà Nội Trú Ðức An, nơi đây nội trú rất đặc biệt là những em bệnh bại não, đao, khuyết tật,... Ðược biết, nơi đây là do Cha Phêrô Nguyễn Vân Ðông, cha xứ Giáo xứ Ðức An trước đây thành lập. Chị Hồng - một giáo dân - người Sài Gòn đã tình nguyện lên chăm sóc cho các em. Nay chị được trao toàn quyền điều hành cơ sở này.

* 09g30: Phái đoàn đến thăm Trường Mầm non Tư Thục do các nữ tu Dòng Con Ðức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân - Huế phụ trách. Ngôi trường có 3 nữ tu và 23 giáo viên và 6 nhân viên, tổng số các em là 470 em độ tuổi từ 3-5.

Ðến đây Phái Ðoàn ai cũng nở nụ cười vì đông đảo trẻ em từ 3-5 tuổi đồng phục nhiều màu sắc chào đón bằng những bài hát bi bô và tiếng trống cơm rộn ràng... Sau khi lời giới thiệu và chào thăm của Chị Lam Hồng, bề trên vùng Tây Nguyên, Ðức Ông Pietro Parolin nói vài lời chào thăm, Ngài rất phấn khởi khi thấy Giáo phận Kontum có nhiều nét nổi bật về giáo dục, phục vụ... và nhất là tại đây, đầy tươi vui... làm ngài cũng nhớ lại ký ức tuổi trẻ, ngài chia sẻ: "Nhờ các soeur huấn luyện khi trẻ nhỏ mà tôi có ngày hôm nay. Hôm qua là ngày 8 tháng 3, Ngày Quốc tế Phụ Nữ, vẫn còn tâm tình ấy, tôi gửi lời chúc mừng mồng 8 tháng 3 đến quý nữ tu, xin Chúa chúc lành cho các chị luôn phục vụ yêu thương cách nhiệt thành nhất, luôn có người yêu lý tưởng là Ðức Kitô trong đời sống mình, thể hiện qua phục vụ trẻ thơ, như Ðức Giêsu đã yêu trẻ thơ". Ðược biết, Cộng đoàn Con Ðức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân-Huế lên Tây Nguyên năm 1969, hiện nay tổng số nữ tu là 28 chị đang phục vụ tại 8 cộng đoàn trong Giáo phận Kontum. Ngoài ngôi trường Phái đoàn đang viếng thăm, các chị còn có 1 nhà nội trú có 42 em học sinh Cấp III (33 Kinh và 9 Jrai), những em này cũng là mầm non ơn gọi của Hội Dòng. Và một nhà nội trú khác có 30 em Jrai từ vùng sâu vùng xa về học ở Thành phố Pleiku.

Ngoài giáo dục, các chị còn phục vụ các công tác khác như: người phong cùi 480 bệnh nhân trong các làng xa xôi hẻo lánh. Mở các lớp dạy may miễn phí. Công việc phục vụ tại các xứ đạo là dạy giáo lý thiếu nhi và dự tòng.


Phái Ðoàn Vatican viếng thăm Nhà Nội Trú của Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn. Nơi đây có hơn 100 em học sinh từ các huyện xa gần đến nội trú để đi học Trung Học (từ lớp 6 đến 12) độ tuổi từ 12 đến 18.


* 09g50: Ðến Nhà Nội Trú của Mến Thánh Giá Quy Nhơn, 44 Hùng Vương, Thành phố Pleiku, một cơ sở được xây dựng "như thể vội vàng" trên mảnh đất 4 ha năm 1975, nhưng nay chỉ còn vỏn vẹn gần 2,000 m2, Sau khi biểu diễn vũ điệu tiếp rước và hát bài đồng ca bằng Anh ngữ, Nữ tu bề trên Maria Lê Thị Huệ chào thăm và giới thiệu với Phái Ðoàn về Hội Dòng. Nơi đây có hơn 100 em học sinh từ các huyện xa gần đến nội trú để đi học Trung Học (từ lớp 6 đến 12) độ tuổi từ 12 đến 18. Ðược biết các chị em Mến Thánh Giá Quy Nhơn lên Tây Nguyên năm 1913, hiện nay Mến Thánh Giá Quy Nhơn phục vụ tại Giáo phận Kontum là 17 chị em, trong các lãnh vực: dạy giáo lý tại các giáo xứ, lo cho các em nội trú, nuôi dạy tình thương, đào tạo ơn gọi, lo cho bệnh nhân, khi cần chuyển bệnh nhân đi bệnh viện hoặc về lại làng. Và nét đặc biệt là Hội Dòng đã có 5 chị em người Bahnar xuất thân từ Kontum.

* 10g10: Phái đoàn đến thăm Nhà Thờ Thăng Thiên của Cha hạt trưởng Phêrô Nguyễn Vân Ðông, hơn 300 chức việc, giáo dân đã xếp hàng đón tiếp Phái Ðoàn. Tại đây lại một lần nữa tiếng cồng chiêng vang dội, những điệu xoang đưa Phái Ðoàn vào Nhà thờ viếng Thánh Thể và dùng trưa tại Nhà xứ.

* 11g10: Phái đoàn ra Phi trường Pleiku đáp máy bay đi Ðà Nẵng-Hà Nội.

 

Pleiku, ngày 9.3.2007

Lm. Bartôlômêô Nguyễn Ðình Phước

Văn phòng TGM Kontum

 

Tường thuật về thánh lễ

do Phái Ðoàn Tòa Thánh cử hành

tại nhà thờ chính tòa Kotum

 

 

Tường thuật về thánh lễ do Phái Ðoàn Tòa Thánh cử hành tại nhà thờ chính tòa Kotum chiều ngày 8 tháng 3 năm 2007.


Tối ngày 8 tháng 3 năm 2007, Phái Ðoàn Tòa Thánh cử hành Thánh Lễ tại Lễ Ðài trước tiền sảnh nhà thờ Gỗ Chính Tòa Kotum. Giáo dân kinh và dân tộc tham dự Thánh Lễ rất đông đảo.


Kontum, Việt Nam (9/03/2007) -- Tối ngày 8 tháng 3 năm 2007, Phái Ðoàn Tòa Thánh cử hành Thánh Lễ tại Lễ Ðài trước tiền sảnh nhà thờ Gỗ Chính Tòa Kotum. Giáo dân kinh và dân tộc tham dự Thánh Lễ rất đông đảo. Từ ngày trước, các anh em nhiều sắc tộc từ những huyện xa như Ðak Glei, Dak Tô, hoặc Ðịa sở Kon Mah, xã Hà Tây, thuộc huyện Chư Pah, hay Kon Mahar Hà Ðông tỉnh Gialai... đã đến thị xã Kontum. Số lượng phỏng chừng gần 8,000 người dự lễ sốt sắng và trật tự.

Sau lễ, anh em dân tộc ở xa qua đêm trong khuôn viên nhà thờ chánh tòa, ngoài trời mát mẻ để rồi ngày mai (09/03/2007) trở về nhà dù nhiều nơi phải đi bộ hàng chục cây số, nhưng vẫn vui vẻ vì đã tham dự Thánh Lễ đồng tế trang trọng và đầy ý nghĩa trong tâm tình hiệp thông Ðức Thánh Cha qua Phái đoàn Tòa Thánh.

Chúng tôi xin ghi lại đây một số bài phát biểu:

- Cha Tổng Ðại Diện giới thiệu phái đoàn với anh em tín hữu;

- Lời chào mừng Phái Ðoàn Tòa Thánh của Ðức Cha Micae, Giám mục giáo phận;

- Sau bài Tin Mừng, Ðức Ông Trưởng phái đoàn suy gẫm Lời Chúa;

- Lời tri ân của đại diện cộng đoàn dân Chúa và đáp lời cám ơn của Ðức Ông Trưởng phái đoàn;

1 - Cha Tổng Ðại Diện giới thiệu phái đoàn cho toàn thể cộng đoàn dân Chúa.

Kính thưa Quí Ðức Cha, quí cha, quí tu sĩ nam nữ, quí chủng sinh, quí giáo phu, chức việc và cộng đoàn dân Chúa.

Hôm nay, ngày 08 tháng 03 năm 2007, phái đoàn Tòa Thánh đã chính thức đến thăm giáo phận và vào giờ nầy, chúng ta hân hoan đón chào Phái đoàn trong khuôn viên nhà thờ Chính Tòa. Tôi trân trọng giới thiệu với cộng đoàn Ðức Ông Pietro Parolin, Thứ trưởng bộ ngoại giao Tòa Thánh, Ðức Ông Luis Mariano Montemayor, thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cố vấn Sứ thần Tòa Thánh, đặc trách các nước vùng Ðông Nam Á. Ðức Ông Barnabê Nguyễn văn Phương, Vụ Trưởng tại Bộ Truyền Giáo.

2 - Lời chào mừng Phái Ðoàn Tòa Thánh của Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh, Giám mục giáo phận Kontum.

Kính Thưa Ðức Ông Trưởng Ðoàn và quí Ðức Ông trong đoàn,

Giáo phận Kontum rất hân hạnh đón tiếp và kính chào quí Ðức Ông. Khi hay tin Phái đoàn sắp đến thăm, có thể nói toàn thể giáo phận vui mừng và nôn nóng chờ đợi giây phút này. Khi đón tiếp các Vị Ðại diện từ Giáo triều tới Cộng đoàn dân Chúa Kontum có cảm tưởng Vị Cha chung của Giáo Hội Hoàn vũ cũng đang hiện diện nơi ừng núi Tây Nguyên này. Qua quí Ðức Ông trong phái đoàn, gia đình giáo phận xin hướng lòng lên Ðức Thánh Cha Bênêdictô thứ 16 cùng Giáo triều cùng với tâm tình của những người con thảo kính. Sự hiện diện của phái đoàn Tòa Thánh hôm nay nói lên tính công giáo, tính hiệp nhất và tình liên đới trong Hội Thánh, đặc biệt trong Thánh Lễ Tạ ơn đêm nay. Xin quí Ðức Ông nhận nơi đây những tâm tình quí mến và biết ơn của gia đình giáo phận Kontum được gói ghém trong lời cầu nguyện cũng như trong nét vui tươi trên khuôn mặt của toàn thể cộng đồng hôm nay. Toàn thể giáo phận Kontum chân thánh kính chúc quí Ðức Ông trưởng đoàn cũng như quí phái đoàn chan hòa ơn thánh và cầu chúc chuyến viếng thăm và làm việc của phái đoàn tại Việt Nam sẽ đem lại nhiều thành quả tốt đẹp cho Giáo hội cũng như cho xã hội Việt Nam.

Xin chân hành cảm ơn.

3 - Ðức Ông Trưởng phái đoàn suy gẫm Lời Chúa

Ðức Ông Pietro Parolin, Thứ trưởng bộ ngoại giao Tòa Thánh suy gẫm bằng tiếng Ý và Ðức Ông Barnabê Nguyễn văn Phương phỏng dịch ra tiếng Việt và Cha sở nhà thờ chánh Tòa dịch ra tiếng Bahnar. Chúng tôi xin ghi nội dung sau đây:


3 Ðức Ông, Cha Tổng Ðại Diện Giuse Nguyễn Thanh Liên, Cha Hạt trưởng Giuse Ðỗ Hiệu, cha chánh nhà thờ chánh tòa Phaolô Nguyễn Ðức Hữu, gần 40 linh mục đồng tế thánh lễ tại Lễ Ðài trước tiền sảnh nhà thờ Gỗ Chính Tòa.


Kính thưa Ðức Giám mục Giáo phận Kontum, kính thưa cha sở Nhà thờ Chính Tòa.

Kính thưa Ðức Cha cựu Giám mục Giáo phận, kính thưa tất cả các linh mục đã đến đông tham dự Thánh lễ chiều hôm nay. Kính thưa tất cả anh chị em tín hữu thân mến.

Trước cảnh đông đảo như chúng ta đang chứng kiến đây, trước sự hiện diện sốt sắng của tất cả anh chị em, tôi liên nghĩ đến lời sách Khải Huyền. Ðoạn sách Khải huyền đó nói rằng tôi thấy đông đảo các dân tộc nhiều sắc thái khác nhau cùng đến thờ lạy Chúa Giêsu Kitô phục sinh và đương thống trị toàn cầu. Lời sách Khải huyền đó chiều nay có thể được áp dụng cho cộng đoàn của chúng ta tôi thấy rất đông đảo đoàn lũ anh chị em đến đây mà tôi thật là bất ngờ không nghĩ tưởng đến bao giờ là anh chị em đông đảo và cùng hiệp lại ở đây với chúng ta. Anh chị em rất khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa và những đặc tính khác của mỗi dân tộc mà chúng ta hợp nhất ở đây. Nhưng đó là mầu nhiệm của Giáo hội, Giáo hội của chúng ta gồm thành nhiều người, nhiều dân tộc, nhiều sắc thái, nhưng cùng hợp nhất trong một đức tin. Sự khác biệt, rất là khác biệt với nhau như thế này làm cho tôi tưởng đến với thế giới khi mà có khác biệt giữa những người cùng sắc tộc tiếng nói văn hóa với nhau thì thường đưa họ đến sự chống đối với nhau, nhưng mà chúng ta thì ngược lại, chúng ta cùng hiệp nhất cùng một đức tin và cùng tin ở Chúa Kitô. Chúng ta tất cả ở đây cũng có thể nói được rằng là chúng ta làm thành một chiếc áo đẹp nhiều màu sắc xứng đáng là hôn nữ, hôn thê của Chúa Kitô. Chiều ngày hôm nay, tất cả mọi người chúng ta chắc chắn cảm nhận được đặc tính của Giáo Hội của chúng ta là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Giáo Hội công giáo chúng ta có Chúa Giêsu là Trung tâm của mình và Giáo Hội chúng ta mỗi lần cử hành thánh lễ là diễn lại cuộc chết và sống lại của Người. Và đức tin của chúng ta dạy chúng ta biết rằng Giáo Hội trên trần gian này, có một trung tâm, trung tâm đó là sự hiện diện của Ðức Thánh Cha là Ðấng mà Chúa Kitô đã trao cho trách nhiệm làm cho hợp nhất cũng như làm cho con chiên, làm cho anh em, cũng như tất cả mọi người tín hữu đựơc vững mạnh trong đức tin của mình. Ngày hôm nay, chiều hôm nay trong thánh lễ này Ðức Thánh Cha hiện diện đặc biệt giữa chúng ta qua Phái đoàn được Ngài gởi đến với anh chị em. Trước khi đi viếng thăm Việt Nam lần này, khi gặp Ðức Thánh Cha, Ngài yêu cầu tôi gởi đến tất cả và từng người mà tôi sắp gặp trong chuyến viếng thăm này lời chào thăm ưu ái của Người, sự cố gắng nâng dậy sự khuyến khích của Người biết sống đạo và phép Làm Phép Lành cho tất cả mọi người. Và chiều hôm nay thì tôi gởi đến tất cả anh chị em tâm thình của Ðức Thánh Cha và yêu cầu từng người từng người sẽ diễn lại tâm tình đó đến người mà anh chị em sắp gặp. Chắc chắn và mặc dầu buổi lễ trọng thể làm chúng tôi cũng muốn ở lại với anh chị em, nhưng mà chúng tôi phải về và chúng tôi sẽ trình lên với Ðức Thánh Cha, và sẽ cho Ðức Thánh Cha biết đời sống, sự hiện diện cũng như là đức tin sống động, chứng tá của người giáo hữu ở đây. Chúng tôi sẽ mang về cho Ðức Thánh Cha đức tin sống động của anh em, cuộc sống chứng nhân đức tin của anh chị em, lòng gắn bó của anh chị em với Người. Trong Thánh lễ này, chúng ta cầu nguyện theo ý chỉ của Người để cho Thiên Chúa luôn luôn phù trợ hướng dẫn Người do đó và từ đó Người sẽ hướng dẫn lại chúng ta. Không muốn kéo dài thời giờ, làm mất lòng nhẫn nại, cũng không muốn làm cho anh chị em phải chờ đợi nhiều, nên tôi xin kết thúc để nói rằng cầu mong cho tất cả mọi người qua lời cầu nguyện trong thánh lễ mà chúng ta hồi nãy dâng lên Chúa là xin cho đức tin của mỗi người và mỗi một ngày được vững mạnh hơn. Xin chân thành cảm ơn sự hiện diện của tất cả anh chị em, cảm ơn đức tin của anh chị em, cảm ơn sự nồng cháy sống đạo, sự chứng tá của anh chị em là niềm hy vọng của Giáo Hội hoàn cầu. Chúng ta tiếp tục hiệp nhất với nhau, cùng cầu nguyện cho nhau và xin Ðức Mẹ chúng ta luôn luôn cầu khẩn, đặc biệt Ðức Mẹ Lavang xin gìn giữ chúng ta và chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho nhau.

4 - Lời tri ân của 3 đại diện cộng đoàn dân Chúa

Sau thánh lễ, 3 vị đại diện cộng đoàn dân Chúa là Cha Calistô Bá Năng Lý (linh mục Sêđăhng), Yă Let (người Bahnar, Dòng Ảnh Phép Lạ) và phó tế Quỳnh cám ơn Phái Ðoàn, bằng 3 thứ tiếng: kinh, Bahnar và Pháp, nội dung như sau:

Trọng kính quí Ðức Ông.


Ðông đảo tu sĩ nam nữ và hơn 6 ngàn giáo dân các sắc tộc tham dự thánh lễ tại Lễ Ðài trước tiền sảnh nhà thờ Gỗ Chính Tòa.


Chúng con vừa trãi qua một buổi chiều thật tuyệt vời. Chúng con đã bắt đầu một năm âm lịch mới rất tốt đẹp với sự hiện diện các Vị khách quý đến từ kinh thành Rôma, nơi mà chúng con hằng quan tâm chú ý, bỡi đây là nơi sống và nơi làm việc của Cha chung chúng ta, Ðại Diện Thánh Phêrô hướng dẫn Giáo Hội phổ quát, trong đó có cả Giáo hội Việt nam nữa. Chúng con luôn hiệp nhất với Giáo hội và trung thành với Giáo hội Công Giáo Rôma.

Ðây là lần đầu tiên chúng con được vinh dự đón tiếp những người được sai đi từ trung tâm kinh thành Rôma. Chúng con cảm thấy rất vững lòng và an ủi sau bao nhiêu khó khăn và thử thách đã trãi qua trong đời sống đức tin.

Tòa Thánh vẫn quan tâm giáo phận, đặc biệt là đời sống của những anh em giáo dân dân tộc Tây nguyên. Theo yêu cầu của Tòa Thánh, năm 1924, Cha Guerlach đã chuyển 30 kiện hàng đến Rôma, trong đó chứa đựng một 113 thể loại vật dụng khác nhau diễn tả đời sống tâm linh và đời sống hằng ngày của anh em dân tộc, gồm có áo xống bằng vải, vỏ cây, những đồ dùng bằng đá, đồng, sắt, tre nứa v.v... những vật dụng này đã được trưng bày tại Vatican vào mùa xuân năm 1925.

Cũng sự quan tâm ấy, Tòa Thánh đã thiết lập giáo phận Kontum, vào năm 1932 và vào ngày 6-4-1947, Tòa Thánh đã cho phép thiết lập Dòng Ảnh Phép Lạ, đặc biệt dành cho thiếu nữ dân tộc. Năm 1950, nhân kỷ kiệm 100 năm loan báo Tin Mừng tại miền Tây Nguyên Trung phần Việt-nam, Ðức Thánh Cha đã gởi lời chúc mừng và ban phép lành cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo phận. Năm 1998, kỷ niệm 150 năm loan báo Tin Mừng, đây là dịp lễ thật lớn và long trọng đối với các dân tộc miền Tây Nguyên Trung phần, Ðức Thánh Cha và Thánh bộ Phúc âm hóa các dân tộc đã gởi chúng con những lời chúc mừng cùng phép lành Tòa Thánh để chia sẻ niềm vui với chúng con.

Từ năm 1932 đến nay, Tòa Thánh đã gởi đến cho chúng con 6 vị Giám mục, chính nhờ việc điều hành của các ngài mà giáo phận chúng con được phát triển như ngày nay. Dầu cho trong những năm qua có những khó khăn và thử thách, nhưng chúng con vẫn hy vọng rằng với chính sách mở cửa của Nhà nước, Giáo phận chúng con có thể mang lại những lợi ích cho quê hương và những hoa trái thành công trong việc phúc âm hóa các dân tộc miền Tây nguyên. Chúng con biết rằng nhờ những xúc tiến và những nổ lực của Tòa Thánh mà mối liên hệ ngoại giao giữa Việt nam và Tòa Thánh được cải thiện. Chúng con đã thấy trên truyền hình và báo chí hình ảnh của Thủ tướng Việt-nam tiếp kiến Ðức Thánh Cha Bênêditô XVI.

Trọng kính quí Ðức Ông,

Trong quá khứ Tòa Thánh đã lưu tâm đến chúng con, chúng con xin Tòa Thánh tiếp tục nâng đỡ giáo phận chúng con về tinh thần lẫn vật chất. Chúng con xin gởi đến quí Ðức Ông lời tri ân chân thành cùng với một món quà nhỏ, đó là một dây stôla và tấm khăn do đôi tay của những anh em sắc tộc nơi đây dệt nên.

Một lần nữa, giáo phận chúng con hân hoan chào đón qúi Ðức ông và chân thành cảm ơn chuyến viếng thăm này.


3 Ðức Ông, Cha Tổng Ðại Diện Giuse Nguyễn Thanh Liên, Cha Hạt trưởng Giuse Ðỗ Hiệu, cha chánh nhà thờ chánh tòa Phaolô Nguyễn Ðức Hữu, gần 40 linh mục đồng tế thánh lễ tại Lễ Ðài trước tiền sảnh nhà thờ Gỗ Chính Tòa. Ðông đảo tu sĩ nam nữ và hơn 6 ngàn giáo dân các sắc tộc tham dự thánh lễ.


5- Ðức Ông Trưởng Phái đoàn Parolin đáp lời như sau:

Một vài lời để kết thúc Thánh Lễ mà chúng ta dâng lễ tối nay với nhau rất tốt đẹp: lời đó là lời cảm ơn. Cảm ơn từ đáy lòng của chúng tôi: cám ơn Ðức Giám mục giáo phận, cảm ơn các linh mục, cám ơn các tu sĩ, cám ơn toàn thể anh chị em giáo dân, các hội đoàn và những thành phần đã đóng góp vào thánh lễ một cách sốt sắng hôm nay. Mối liên kết, liên kết chúng ta với Ðức Thánh Cha đã đưa chúng tôi đến đây với anh chị em và mối liên kết này sẽ tiếp tục trong hiện tại và trong tương lai. Như anh chị em đã yêu cầu phái đoàn, yêu cầu Tòa Thánh, thì tôi xin hứa bảo đảm là Tòa Thánh sẽ tiếp tục nâng đỡ giáo phận, tiếp tục nâng đỡ Ðức Giám mục, tiếp tục để giúp về phương diện đạo đức, thiêng liêng cũng như về vật chất. Ðặc biệt cám ơn ca đoàn đã giúp chúng ta tham dự Thánh lễ một cách sốt sắng và chắc chắn mỗi người sẽ ở trong tâm hồn chúng tôi để chúng ta cùng nhờ nhau và cầu nguyện cho nhau. Cám ơn anh chị em đã tặng cho chúng tôi dây Stola này thật tuyệt đẹp, nhưng mà ý nghĩa là do công khó của anh chị em đồng bào dân tộc đặt hết tâm tình của anh chị em vào trong đó và chắc chắn rằng chúng tôi mang về Rôma, chúng tôi sẽ giữ, mỗi một lần dâng thánh lễ, chúng tôi nhớ đến cộng đoàn này. Và tôi xin bảo đảm với tất cả anh chị em mặc dầu chúng tôi sắp từ giã đây ra đi, nhưng mà tâm hồn quả tim chúng tôi ở lại với anh chị em (Vỗ tay thật dài). Xin chân thành cảm ơn và xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em. Trước khi ban phép lành, Ðức Giám mục một lần nữa cảm ơn Phái đoàn Tòa Thánh thăm Giáo phận, dâng Thánh lễ tại nhà thờ Chánh tòa hôm nay và xin chân thành cảm ơn Ðức Thánh Cha Bênêditô XVI.

 

LM Nguyễn Hoàng Sơn

 

 

Tường thuật chuyến viếng thăm

của Phái đoàn Tòa Thánh Vatican

tại Kontum ngày 8/03/2007

 

Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh hướng dẫn

Phái đoàn Tòa Thánh Vatican viếng thăm giáo phận Kontum

 

 

Tường thuật chuyến viếng thăm của Phái đoàn Tòa Thánh Vatican tại Kontum ngày 8/03/2007.

Tin Kontum, Việt Nam (9/03/2007) - Như tin đã loan báo, trong thời gian viếng thăm Việt Nam, phái đoàn Tòa Thánh Vatican đã dành thời gian từ chiều ngày 8 đến trưa ngày 9 tháng 3 năm 2007 đến thăm giáo phận Kontum, một Giáo phận gần 160 năm tuổi (1848-2007).


Phái Ðoàn Vatican đã tiến vào Tòa Giám Mục Kontum trong cảnh chào đón nồng nhiệt của Gia Ðình Giáo phận Kontum, với những tiếng cồng chiêng, múa nhảy (xoang) của những anh chị em giáo dân Bahnar, Sêđăng, Jrai, Jé, Stiêng, Kinh, v.v... 


Từ chiều ngày 7/3/2007, Cha Tổng đại diện Giuse Nguyễn Thanh Liên đã xuống Giáo phận Qui Nhơn để tháp tùng đón Phái Ðoàn lên thăm Giáo phận và làm việc với chính quyền.

Lúc 17 giờ 15 Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh, Ðức Cha Phêrô Trần Thanh Chung (giám mục tiền nhiệm Ðức Cha Micae), rất đông đảo linh mục tu sĩ và giáo dân các sắc dân đứng làm hàng rào danh dự tiếp đón Phái đoàn Tòa Thánh.

Lúc 17 giờ 25, Phái đoàn Tòa Thánh đã đến cổng Tòa Giám Mục Kontum, Phái đoàn gồm có Ðức Ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao của Toà Thánh, cầm đầu phái đoàn Toà Thánh, Ðức Ông Luis Mariano Montemayor, thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh và Ðức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, Vụ Trưởng tại Bộ Truyền Giáo. Cùng đoàn có các Viên Chức Tôn Giáo Nhà Nước Việt Nam và Tỉnh Kontum.

Phái Ðoàn đã tiến vào Tòa Giám Mục Kontum trong cảnh chào đón nồng nhiệt của Gia Ðình Giáo phận Kontum, với những tiếng cồng chiêng, múa nhảy (xoang) của những anh chị em giáo dân Bahnar, Sêđăng, Jrai, Jé, Stiêng, Kinh, v.v... Hàng chào danh dự múa nhảy cồng chiêng mang đậm nét văn hóa Tây Nguyên và làm vang dậy cả một vùng trời Tây Nguyên dẫn Phái Ðoàn vào nhà Nguyện Chủng Viện Thừa Sai Kontum, nơi có lưu dữ hài cốt của các vị cha anh đi trước...

Sau khi viếng Thánh Thể, Hai đức Cha Micae và Phêrô cùng 3 Ðức Ông thắp nhang niệm hương nơi lưu dữ hài cốt các vị cha anh...

Sau lời chào đón của Ðức Cha Micae, Ðức Ông Pietro Parolin đáp từ....

Sau khi rời nhà nguyện, Phái đoàn đến khán đài trước Tòa Giám Mục, nơi đây, Ðức Cha đã chào đón phái đoàn và ngài giới thiệu sơ lược vài con số về hiện tình Giáo phận Kontum. Giáo phận Kontum gồm hai Giáo hạt Kontum và Pleiku nằm trên địa bàn 2 tỉnh Kontum và Tỉnh Gialai, theo thống kê 31.12.2005 thì diện tích của Giáo phận là diện tích 25,110 km2, dân số là 1,524,560 người. Theo dự tính dân số sẽ lên trên 3 triệu rưỡi vào những năm tới, vì 3 đường Bắc Nam Ql 14, Xa lộ HCM và Xa lộ Ðông Trường Sơn sẽ thu hút thêm nhiều dân từ các nơi tới. Số Giáo dân năm 2005 là 224.624, có thể còn cao hơn nữa, vì chưa có điều kiện liên hệ với số anh chị em giáo dân đến lập nghiệp tại nhiều vùng sâu, vùng xa.


3 Ðức Ông, Cha Tổng Ðại Diện Giuse Nguyễn Thanh Liên, Cha Hạt trưởng Giuse Ðỗ Hiệu, cha chánh nhà thờ chánh tòa Phaolô Nguyễn Ðức Hữu, gần 40 linh mục đồng tế thánh lễ tại Lễ Ðài trước tiền sảnh nhà thờ Gỗ Chính Tòa, có đông đảo tu sĩ nam nữ và hơn 6 ngàn giáo dân các sắc tộc tham dự thánh lễ.


Theo thống kê 31.12.2006 thì Giáo phận Kontum có 65 linh mục, nhưng về hưu và đi học và làm việc tại nơi khác, chỉ còn hơn 50 vị làm việc với gần 240 ngàn giáo dân. Với con số như thế thì Giáo phận quá thiếu linh mục! Giáo phận có 81 ngôi nhà thờ, 276 ngôi nhà nguyện đơn sơ ở các làng vùng sâu, vùng xa... Ða số nhà thờ đã bị tàn phá từ thời chiến tranh. Nhiều nơi hiện chưa có nơi thờ phượng. Vẫn tạm trong nhà dân hay một chỗ nào ngoài rừng, ngoài trời. Nhu cầu lên tới cả hơn 200 nhà thờ, nhưng hướng mục vụ chủ yếu: ưu tiên hàng đầu là đào tạo nhân sự, tới nâng cao cuộc sống người dân và sau cùng là xây dựng.

Sau vài lời giới thiệu của Ðức Cha Micae, Ðức Cha Micae đã trao 3 chiếc vòng (còng) là kỷ vật của người sắc dân. Ðược biết, anh chị em dân tộc miền núi xem chiếc còng như là vật quý của họ. Thay vì nhẫn của các dân tộc khác xem trọng trong giao kèo, hôn ước hay uy quyền trị vì thì chiếc còng đối với dân Bahnar, Jrai, Sêdăng, v.v.... trên Tây Nguyên này là vật có giá trị như thế.

Tiếp đến là một tiết mục nhảy xoang theo điệu Bahnar, diễn tả cảnh đi săn bắn, chiến đấu của sắc dân Bahnar... rất ấn tượng bởi tiếng nhạc cồng chiêng rợn rùng sâu thẳm của rừng xanh, mạnh mẽ của thác nước... Sau tiết mục văn nghệ, Ðức Ông Pietro Parolin đáp từ, ngài cười rất duyên và nói khi nhìn các thanh niên nhảy múa ngài cũng muốn múa nhảy theo... Ngài tỏ ra rất vui khi được tiếp đón nồng nhiệt như thế.

Ðúng 18 giờ, Phái Ðoàn đi chào thăm chính quyền Tỉnh Kontum.

19g00: Phái đoàn rời trụ sở Chính Quyền và đến Nhà thờ Chính Tòa để chuẩn bị thánh lễ.

19g30: Ðoàn đồng tế gồm Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh, Ðức Cha Phêrô Trần Thanh Chung, 3 Ðức Ông, Cha Tổng Ðại Diện Giuse Nguyễn Thanh Liên, Cha Hạt trưởng Giuse Ðỗ Hiệu, cha chánh nhà thờ chánh tòa Phaolô Nguyễn Ðức Hữu, gần 40 linh mục đồng tế tiến ra Lễ Ðài trước tiền sảnh nhà thờ Gỗ Chính Tòa, có đông đảo tu sĩ nam nữ và hơn 6 ngàn giáo dân các sắc tộc tham dự. Thánh lễ được cử hành chính là tiếng Việt, ngoài ra lời nguyện, Lời Chúa và giảng lễ và cám ơn được đọc các thứ tiếng Bahnar, Sêđăng, Ý, Pháp và Việt.

Trong thánh lễ, Ðức Ông Pietro Parolin đã giảng lễ, với nội dung Tin Mừng ngày thứ Năm tuần 2 Mùa Chay (Người nghèo Lazarô và Lão Phú Hộ), nhất là tâm tình mùa chay, hướng đến Chúa phục sinh, nhìn xuống đông đảo anh chị em giáo dân tham dự, nhiều sắc dân, Ngài liên tưởng hình ảnh đến hình ảnh trong sách Khải Huyền, đoàn người đông đảo kéo về... quy tụ về hợp nhất dưới Con Chiên, hình ảnh Ðức Giêsu Kitô, Ðấng thống trị và hợp nhất mọi dân nước... Ngài cũng "cảm nhận" được đức tin của anh chị em sắc dân Tây Nguyên của Giáo phận Kontum qua thánh lễ sống động và sốt sắng này, Ngài nói về lại Thành Ðô Vatican Ngài sẽ đem theo để đệ trình Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI....


3 Ðức Ông, Cha Tổng Ðại Diện Giuse Nguyễn Thanh Liên, Cha Hạt trưởng Giuse Ðỗ Hiệu, cha chánh nhà thờ chánh tòa Phaolô Nguyễn Ðức Hữu, gần 40 linh mục đồng tế thánh lễ tại Lễ Ðài trước tiền sảnh nhà thờ Gỗ Chính Tòa, có đông đảo tu sĩ nam nữ và hơn 6 ngàn giáo dân các sắc tộc tham dự thánh lễ.


Sau thánh Lễ, 3 vị đại diện cộng đoàn dân Chúa là Cha Calistô Bá Năng Lý (lm người Sêđăng) Yă Let (người Bahar, dòng Ảnh Phép Lạ) và phó tế Quỳnh cám ơn Phái Ðoàn, bằng 3 thứ tiếng Kinh, Bahnar và Pháp, nội dung:

"Trọng kính Quý Ðức Ông,

Chúng con vừa trải qua một buổi chiều thật tuyệt vời. Chúng con đã bắt đầu một năm Âm lịch mới rất tốt đẹp với sự hiện diện của những vị khách quý đến từ Kinh Thành Rôma, nơi mà chúng con hằng quan tâm chú ý, bởi đây là nơi sống và làm việc của Vị Cha Chung chúng ta, Ðại diện Thánh Phêrô, hướng dẫn Giáo Hội phổ quát, trong đó có cả Giáo Hội Việt Nam nữa. Chúng con luôn hiệp nhất với Giáo Hội, và trung thành với Giáo Hội Công Giáo Rôma.

Ðây là lần đầu tiên chúng con được vinh dự đón tiếp những người được sai đi từ Trung Tâm Kinh thành Rôma. Chúng con cảm thấy rất vững lòng và an ủi sau bao nhiêu khó khăn và thử thách đã trải qua trong đời sống đức tin.

Toà Thánh vẫn quan tâm tới giáo phận, đặc biệt là đời sống của những anh em giáo dân dân tộc Tây Nguyên. Theo yêu cầu của Tòa Thánh, năm 1924, Cha Guerlach đã chuyển 30 kiện hàng đến Rôma, trong đó chứa đựng 113 thể loại vật dụng khác nhau diễn tả đời sống tâm linh và đời sống hàng ngày của anh em dân tộc, gồm có: áo sống bằng vải, vỏ cây, những đồ dùng bằng đá, đồng, sắt, tre nứa, v.v... Những vật dụng này đã được trưng bày tại Vatican vào mùa xuân năm 1925.

Cũng sự quan tâm ấy, Tòa Thánh đã thiết lập Giáo phận Kontum, vào năm 1932. Và vào ngày 06.04.1947, Tòa Thánh đã cho phép thiết lập Dòng Ảnh Phép Lạ, đặc biệt dành cho các thiếu nữ dân tộc. Năm 1950, nhân kỷ niệm 100 năm loan báo Tin Mừng tại Miền Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam, Ðức Thánh Cha đã gửi lời chúc mừng và ban phép lành cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo phận. Năm 1998, kỷ niệm 150 năm loan báo Tin Mừng, đây là dịp lễ thật lớn và long trọng đối với các dân tộc Miền Cao Nguyên Trung phần, Ðức Thánh Cha và Thánh Bộ Phúc Âm hóa các Dân tộc đã gửi đến chúng con những lời chúc mừng cùng với Phép lành Tòa Thánh để chia sẻ niềm vui với chúng con.

Từ năm 1932 đến nay, Tòa Thánh đã gửi đến cho chúng con 6 vị Giám Mục. Chính nhờ việc điều hành của các ngài mà Giáo phận chúng con được phát triển như ngày nay. Dầu cho trong những năm qua có những khó khăn và thử thách, nhưng chúng con vẫn hy vọng rằng, với chính sách mở cửa của Nhà Nước, Giáo phận chúng con có thể mang lại những lợi ích cho quê hương và những hoa trái thành công trong cuộc Phúc âm hóa các sắc tộc miền Tây Nguyên. Chúng con biết rằng nhờ những xúc tiến và những nỗ lực của Tòa Thánh mà mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Tòa Thánh được cải thiện. Chúng con đã thấy trên truyền hình và báo chí hình ảnh của Thủ Tướng Việt Nam tiếp kiến Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

Trọng kính quý Ðức Ông,


Sau lời chào đón của Ðức Cha Micae, Ðức Ông Pietro Parolin đáp từ....


Trong quá khứ, Tòa Thánh đã lưu tâm đến chúng con, chúng con xin Tòa Thánh tiếp tục nâng đỡ Giáo phận chúng con về tinh thần lẫn vật chất. Chúng con xin gởi đến quý Ðức Ông lời tri ân chân thành cùng với một món quà nhỏ, đó là một dây Stola và tấm khăn do đôi tay của những anh em sắc tộc nơi đây dệt nên.

Một lần nữa, Giáo phận chúng con hân hoan chào đón quý Ðức ông, và chân thành cảm ơn chuyến viếng thăm này."

Sau những lời cám ơn của các vị đại diện cộng đoàn dân Chúa Giáo Phận Kontum, Ðức Ông Pietro Parolin đáp từ lại. Ngài cám ơn tấm thịnh tình mà Gia đình Giáo phận Kontum đã dành để cho Phái Ðoàn đại diện Tòa Thánh và cách riêng là đối với ngài. Ngài nói ngài sẽ nhớ tới Giáo phận trong lời nguyện và nhất là khi đeo dây stola thổ cẩm làm lễ, hoặc dùng tấm khăn thổ cẩm kỷ vật hay nhìn chiếc còng đeo tay... Ngài hứa sẽ về đệ trình lên Ðức Thánh Cha ước nguyện của Giáo phận. Và Tòa Thánh sẽ tiếp tục lưu tâm, nâng đỡ Giáo phận về tinh thần lẫn vật chất...

Sau thánh lễ, đoàn đồng tế chụp hình lưu niệm trước lễ đài... và về dùng bữa tối tại Tòa Giám mục.

Tạ ơn Chúa đã ban cho Phái Ðoàn Tòa Thánh viếng thăm Giáo hạt Kontum cách tốt đẹp.

 

Kontum, 00g30 ngày 9.3.2007

Lm. Bartôlômêô Nguyễn Ðình Phước

Văn phòng TGM Kontum

 

Giáo phận Qui Nhơn hân hoan đón tiếp

Phái Ðoàn Tòa Thánh Vatican đến viếng thăm

 

Các tín hữu Giáo phận Qui Nhơn với những chiếc lộng vàng

hân hoan đón tiếp Phái Ðoàn Tòa Thánh Vatican đến viếng thăm

 

 

Giáo phận Qui Nhơn hân hoan đón tiếp Phái Ðoàn Tòa Thánh Vatican đến viếng thăm.

Tin Qui Nhơn, Việt Nam (8/03/2007) - Ðược tin Phái đoàn Tòa Thánh Vatican sẽ viếng thăm Giáo Phận Qui Nhơn, mọi người trong giáo phận nô nức chờ đợi và chuẩn bị để có dịp tiếp đón.


Các tín hữu thuộc giáo phận Qui Nhơn xếp hàng tề chỉnh tại công trường trước Nhà Thờ Chính Tòa Qui Nhơn để đón tiếp và chào mừng Phái đoàn Tòa Thánh Vatican đến dâng Thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho giáo phận.


Từ mấy ngày trước, Nhà Thờ Chính Tòa Qui Nhơn, Nhà Thờ Giáo Xứ Gò Thị, và những địa điểm mà Phái đoàn sẽ ghé thăm đều được trang hoàng lộng lẫy. Tuy đơn sơ nhưng thật mỹ miều và đẹp mắt với những lá cờ màu sắc thanh nhã.

Rất tiếc, trong dịp trọng đại nầy, Ðức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám Mục Giáo Phận Qui Nhơn, vì bệnh tình tái phát, phải nhập viện tại thành phố Sài Gòn, nên trong dịp Giáo Phận đón tiếp phái đoàn Tòa Thánh không có sự hiện diện của Ngài. Cha Tổng Ðại Diện Giáo Phận, Phêrô Hoàng Kym, thay mặt Ngài chủ sự chương trình đón tiếp Phái đoàn.

Như đúng giờ đã hẹn, Linh Mục Tổng Ðại Diện của Giáo Phận, các linh mục, các Ðoàn thể của Giáo Phận Qui Nhơn đã ra tận phi trường Phù Cát (Qui Nhơn) cùng với đoàn chính quyền tỉnh Bình Ðịnh để chuẩn bị tiếp đón Phái đoàn Tòa Thánh Vatican. Vào lúc 2:00 trưa ngày 7 tháng 3 năm 2007, chuyến bay của hãng Hàng Không Việt Nam chở phái đoàn Vatican đã đáp xuống phi trường Phù Cát bình an.

Chiều ngày 7 tháng 3 năm 2007, Chính quyền tỉnh Bình Ðịnh đã tiếp phái đoàn về trụ sở của mình trong cuộc chào đón xã giao và cùng làm việc với phái đoàn về một số những sinh hoạt tôn giáo địa phương cần được chính quyền quan tâm và giải quyết.

Sáng sớm ngày 8 tháng 3 năm 2007, vào lúc 7.00g sáng các linh mục tu sĩ, các ban ngành trong giáo phận đã tề chỉnh tại công trường trước Nhà Thờ Chính Tòa Qui Nhơn để đón tiếp và chào mừng Phái đoàn Tòa Thánh đến dâng Thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho giáo phận.

Cha Tổng Ðại Diện Phêrô Hoàng Kym đã thay mặt Ðức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám Mục Giáo Phận Qui Nhơn, chủ sự nghi lễ đón tiếp Phái đoàn Tòa Thánh.

Sau cuộc chào đón và các bài diễn văn chào mừng trọng thể, Ðức ông Parolin và phái đoàn đã cùng các linh mục trong giáo phận dâng Thánh lễ đồng tế tại lễ đài Thánh Giuse trong khuôn viên Nhà Thờ Chính Tòa Qui Nhơn, để cầu cho bình an trong giáo phận và cho công cuộc truyền giáo được phát triển luôn mãi, theo gương các thánh anh hùng tử đạo Việt Nam, nhất là Á thánh Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam.


Ðức ông Parolin và phái đoàn đã cùng các linh mục trong giáo phận dâng Thánh lễ đồng tế tại lễ đài Thánh Giuse trong khuôn viên Nhà Thờ Chính Tòa Qui Nhơn. Các tín hữu và các nữ tu thuộc giáo phận Qui Nhơn sốt sắng tham dự thánh lễ.


Sau Thánh lễ, Phái đoàn Tòa Thánh đã lên đường đi đến thăm vùng Ðất Thánh Gò Thị, quê hương của Thánh Tử Ðạo Anrê Kim Thông. Tại đây, Phái đoàn Tòa Thánh đã thăm Nhà thờ Giáo xứ Gò Thị, Tu viện Mến Thánh Giá Qui Nhơn (tên cũ trước đây là Mến Thánh Giá Gò Thị) và sau đó về dùng cơm trưa tại Tòa Giám Mục Qui Nhơn.

Sau bữa cơm trưa, phái đoàn Tòa Thánh từ giã Giáo Phận Qui Nhơn để đến viếng thăm Giáo Phận Kontum trong chuyến thăm viếng Miền Trung Việt Nam năm 2007.

Giáo Phận Qui Nhơn với hơn một thế kỷ truyền giáo đầy gian nan do các cha dòng Ða Minh Bồ Ðào Nha, rồi sau đó đến các cha dòng Tên. Ngày 18-1-1615, hai cha dòng Tên F. Buzomi, D. Carvalho và thầy A. Dias tới Ðà Nẵng mở đầu công cuộc Truyền Giáo cho Giáo Phận Ðông Ðàng Trong. Sau này vào ngày 3-12-1924, giáo phận Ðông đổi tên theo địa bàn hành chính nơi đặt Tòa Giám Mục, lấy tên gọi giáo phận Qui Nhơn, do Ðức cha Damien Grangeon Mẫn coi sóc. Vào Lễ Phục Sinh năm 1615, cha Buzomi đã rửa tội cho 10 người Việt. Nhờ quan trấn thủ Qui Nhơn, cha mở rộng vùng truyền giáo ở Qui Nhơn và Quảng Nam.

Giáo phận Qui Nhơn nằm trên các Bắc vĩ tuyến từ 13-15 và trên kinh tuyến 109, vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Bắc giáp tỉnh Quảng Nam của giáo phận Ðà Nẵng, Nam giáp Vạn Giã của giáo phận Nha Trang, Ðông giáp biển Ðông, Tây giáp các tỉnh Kontum, Gia Lai của giáo phận Kontum và tỉnh Ðăklăk của giáo phận Ban Mê Thuột.

Với diện tích: 17,100km2. Dân số 3,500,000 người (tính đến 31-12-2002). Số giáo dân Công giáo 62,520 người. Hầu hết dân chúng trong giáo phận sống bằng nghề nông, lâm ngư và thương nghiệp.

Giáo phận Qui Nhơn có 90% là người Kinh, còn lại một số người Việt gốc Hoa, người Chăm, người Bahna, Cùa (Co), Hrê (Mọi Ðá Vách).

Quảng Ngãi một tỉnh nằm ở phía Bắc của Giáo Phận Qui Nhơn có rất nhiều núi như Cà Ðam (cao 1,600m), núi Ðá Vách (1,500m), núi U Bò (1,200m). Bình Ðịnh có núi Teup (963m), Yon (967m). Quảng Ngãi có sông Trà Khúc (dài 120km), sông Vệ (80km), sông Trà Bồng... Bình Ðịnh có sông Côn, sông La Tinh, sông Lại và sông Hà Thanh. Phú Yên có sông Ðà Rằng và sông Kỳ Lộ.


Linh mục chánh xứ Gò Thị hướng dẫn Phái đoàn Tòa Thánh Vatican đến viếng thăm Linh Ðịa Gò Thị, Giáo phận Qui Nhơn.


Giáo phận Qui Nhơn được nổi tiếng với Linh địa Gò Thị, cái nôi của giáo phận. Ðức cha Cuénot Thể đã chọn Gò Thị làm giáo phủ vì nằm ven đầm Thị Nại, dễ ẩn trốn khi bị bách hại, số giáo dân đông và ruộng đất phì nhiêu. Ngài đã nhờ ông trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông (thánh tử đạo) đứng tên mua đất. Ngài đã xây dựng nhà trường đào tạo các chủng sinh, nhà phước cho các nữ tu và cô nhi viện. Công đồng Gò Thị đã được Ðức cha tổ chức ở đây với sự tham dự của Ðức cha phó D. Lefèbre Ngãi, cha chính J.C. Miche Mịch và 13 linh mục Việt Nam để đào tạo hàng giáo sĩ Việt cho Ðàng Trong, mở rộng vùng truyền giáo cao nguyên và chuẩn bị chia giáo phận.

Ðền thờ Thánh E.T. Cuénot Thể, tại Vĩnh Thạnh, Gò Bồi, cách Gò Thị 3km về hướng bắc bên bờ sông Côn thơ mộng. Ðền được xây trên nền nhà bà Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lựu, nơi Thánh Giám Mục Stêphanô dâng thánh lễ cuối cùng trước khi bị bắt, và mất tại Bình Ðịnh. Bà Huỳnh Thị Lựu cũng bị bắt vào dịp này, và đã tử đạo tại Gò Chàm, Bình Ðịnh.

Trại Phong Quy Hòa nằm cách thành phố Qui Nhơn khoảng 5km về hướng Tây Nam, do cha Paul Mabeu Mỹ, một linh mục thừa sai MEP người Pháp và bác sĩ Le Moine, trưởng ngành y tế Qui Nhơn, sáng lập năm 1929. Từ khởi đầu cho đến nay, các nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ vẫn tận tâm phục vụ hàng ngàn bệnh nhân phong tại đây, trong số đó có cả thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử. Mộ của nhà thơ vẫn là điểm dừng chân của nhiều du khách trước khi thăm viếng trại phong Quy Hòa.

Giáo Phận Qui Nhơn có rất nhiều danh lam thắng cảnh. Viện bảo tàng Tây Sơn. Ðây là quê hương của Tam Kiệt Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Vùng núi không cao (800m) nhưng hiểm trở, nằm ở huyện Bình Khê, nay là huyện Sơn Tây, tỉnh Bình Ðịnh. Sau khi xưng vương ở đất Tây Sơn (1773), đại đế Quang Trung Nguyễn Huệ đã ba lần kéo quân ra Bắc. Chiến công hiển hách nhất của ông là tiêu diệt 50,000 quân Thanh của tướng Tôn Sĩ Nghị tại gò Ðống Ða ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789). Vương quốc Chiêm Thành: dọc theo bờ biển trong giáo phận, có rất nhiều di tích của vương quốc Chiêm Thành như: kinh đô Vijaya (Ðồ Bàn hay Chà Bàn), thành Phúc Lộc, tháp Hưng Thạnh, tháp Tre Xanh...

Giáo phận Qui Nhơn là một giáo phận bị tàn phá vì chiến tranh nặng nề nhất, thêm vào đó, vì an ninh và sinh kế, một số đông giáo dân đã rời bỏ giáo phận và di tản tới nhiều nơi khác, do đó, giáo phận thất thoát to lớn về mặt chất xám cũng như tài chính. Vì vậy, ưu tư số một của giáo phận là nâng cao dân trí, xây dựng hạ tầng cơ sở, làm sao cho giáo dân thấm nhuần giáo lý để sống đức tin và vững mạnh. Ðể củng cố đức tin và lòng mến cho giáo dân, giáo phận dưới sự chỉ đạo của Ðức Giám Mục Phaolô Huỳnh Ðông Các và Ðức Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn, đã đào tạo hơn 2,600 giáo lý viên và vẫn còn tiếp tục đào tạo nữa, để những người này tiếp tay với số linh mục ít ỏi trong việc tông đồ và truyền giáo.


Ðức ông Parolin và phái đoàn nói chuyện với các giáo hữu tại Linh Ðịa Gò Thị, miền đất của Thánh Stéphanô và Thánh Anrê Kim Thông, những chứng nhân Ðức Tin anh hùng tử đạo của Giáo Hội Việt Nam.


Giáo phận Qui Nhơn hiện nay đang tìm cách gây quỹ để trợ giúp các em học sinh nghèo, nhất là thúc đẩy con em trong các giáo xứ chăm học, nếu không đạt được trình độ đại học thì ít ra cũng hết trung học (cấp III). Ðây cũng là cơ sở để tuyển lựa ơn gọi linh mục, tu sĩ cho giáo phận, cho Giáo Hội. Ngoài ra, giáo phận cũng tìm cách mở những lớp huấn nghệ cho các em thanh niên nam nữ không phân biệt lương giáo. Giáo phận cũng đã bắt đầu gửi các linh mục trẻ ra nước ngoài để trau dồi thêm kiến thức và trao đổi những kinh nghiệm mục vụ.

Các vết thương chiến tranh nay vẫn chưa lành, nhất là ở những giáo xứ thuộc miền Bắc Bình Ðịnh và Quảng Ngãi, xưa là những giáo xứ trù phú, nay có thể nói là rất hoang tàn. Do đó cố gắng to lớn của giáo phận hiện nay là phục chế, trùng tu, tôn tạo và xây dựng cũng như kiến thiết các Nhà Thờ. Kinh nghiệm độc đáo ở Việt Nam cho thấy họ đạo nào còn Nhà Thờ thì giáo dân ở đó sốt sắng và lên tinh thần. Họ đạo nào Nhà Thờ đổ nát hay không còn nhà thờ nữa, giáo dân ở đó mang nhiều mặc cảm, lo âu, sợ sệt và đức tin yếu kém, không thoải mái trong việc làm ăn phát triển. Nhà Thờ đối với người Công Giáo Việt Nam hiện nay không những là nơi quy tụ mọi thành phần Dân Chúa, để thi hành mọi nghĩa vụ đạo đức, mà còn là nơi người giáo dân đặt niềm tin và hy vọng của mình.

 

(Joseph Trương)

(Các tư liệu: dựa theo Niêm Giám năm 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam)

 

Phái đoàn Tòa Thánh Vatican

viếng thăm giáo phận Qui Nhơn

 

Nhà Thờ Chính Tòa Qui Nhơn (hình chụp năm 1972)

 

 

Phái đoàn Tòa Thánh Vatican viếng thăm giáo phận Qui Nhơn.

Tin Qui Nhơn, Việt Nam (Thứ 4, 7/3/2007) - Như tin đã loan báo, trong thời gian viếng thăm Việt Nam, phái đoàn Tòa Thánh Vatican đã dành thời gian hai ngày 7 và 8 tháng 3 năm 2007 đến với giáo phận Qui Nhơn, một Giáo Phận kỳ cựu nhất Việt Nam, mà đã từ lâu kể từ sau năm 1975, chưa có lần nào phái đoàn Tòa Thánh đặt chân đến.


Nhà thờ mới Giáo xứ Gò Thị, khánh thành vào tháng 10 năm 2000.


Ðây là niềm vinh dự cho cộng đồng Dân Chúa Giáo Phận. Rất tiếc, trong dịp trọng đại nầy, Ðức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám Mục Qui Nhơn, vì bệnh tình tái phát, phải nhập viện tại thành phố Sài Gòn, nên Giáo Phận đón phái đoàn Tòa Thánh mà không có sự hiện diện của Ngài. Cha Tổng Ðại Diện Giáo Phận, Phêrô Hoàng Kym, sẽ thay mặt Ngài chủ sự chương trình đón tiếp Phái đoàn. Sau đây là sơ lược chương trình viếng thăm của phái đoàn Tòa Thánh tại Giáo Phận Qui Nhơn:

- 14.00 ngày 7/3/2007: Phái đoàn Giáo Phận cùng với phái đoàn chính quyền tỉnh Bình Ðịnh sẽ ra phi trường Phù Cát đón tiếp Phái đoàn Tòa Thánh.

- Sau đó phái đoàn Tòa Thánh sẽ viếng thăm và làm việc với Chính quyền tỉnh Bình Ðịnh.

- 7.00 ngày 8/3/2007: Giáo Phận Qui Nhơn chính thức đón tiếp phái đoàn tại Nhà Thờ Chính Tòa.

- Cha Tổng Ðại Diện Phêrô Hoàng Kym sẽ thay mặt Ðức Giám Mục Giáo Phận chủ sự nghi lễ đón tiếp Phái đoàn Tòa Thánh. Toàn bộ nghi lễ đón tiếp và Thánh lễ đồng tế sẽ diễn ra tại lễ đài Thánh Giuse trong khuôn viên Nhà Thờ Chính Tòa Qui Nhơn.

- Sau Thánh lễ, Phái đoàn Tòa Thánh sẽ ghé thăm vùng Ðất Thánh Gò Thị, quê hương của Thánh Tử Ðạo Anrê Kim Thông. Linh địa Gò Thị, cái nôi của giáo phận Qui Nhơn. Ðức cha Cuénot Thể đã chọn Gò Thị làm giáo phủ vì nằm ven đầm Thị Nại, dễ ẩn trốn khi bị bách hại, số giáo dân đông và ruộng đất phì nhiêu. Ngài đã nhờ ông trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông (thánh tử đạo) đứng tên mua đất. Ngài đã xây dựng nhà trường đào tạo các chủng sinh, nhà phước cho các nữ tu và cô nhi viện. Công đồng Gò Thị đã được Ðức cha tổ chức ở đây vào ngày 5-10-1841 với sự tham dự của Ðức cha phó D. Lefèbre Ngãi, cha chính J.C. Miche Mịch và 13 linh mục Việt Nam để đào tạo hàng giáo sĩ Việt cho Ðàng Trong, mở rộng vùng truyền giáo cao nguyên và chuẩn bị chia giáo phận. Phái đoàn Tòa Thánh sẽ thăm Nhà thờ Giáo xứ Gò Thị, tu viện Mến Thánh Giá Qui Nhơn (tên cũ trước đây là Mến Thánh Giá Gò Thị) và sau đó sẽ về dùng cơm trưa tại Tòa Giám Mục Qui Nhơn.

- Sau bữa cơm trưa, phái đoàn Tòa Thánh sẽ từ giã Giáo Phận Qui Nhơn để đến viếng thăm Giáo Phận Kontum.

 

Lm Jos. Trương Ðình Hiền

GHPY

 

Phái đoàn Tòa Thánh Vatican gặp gỡ

các viên chức chính phủ Việt Nam

 

Ðức Ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao của Toà Thánh,

họp mặt với ông Vũ Mão, chủ tịch Ngoại Vụ của Quốc Hội Việt Nam.

 

 

Phái đoàn Tòa Thánh Vatican gặp gỡ các viên chức chính phủ Việt Nam.

Tin Hà Nội, Việt Nam (6/03/2007) - Các hãng thông tấn và báo chí của Nhà Nước Việt Nam đăng tải các tin tức về chuyến viếng thăm của Phái Ðoàn Vatican tại Việt Nam.


Phái đoàn Tòa Thánh Vatican họp mặt với các viên chức của Ủy Ban Tôn Giáo Chính Phủ Việt Nam vào ngày 6 tháng 3 năm 2007.


Nguồn tin Vatican cho biết mục tiêu của phái đoàn là viếng thăm cộng đoàn công giáo tại Việt Nam, và thảo luận với các viên chức chính phủ Việt Nam về "lộ trình" và những giai đoạn khác nhau của việc bình thường hoá liên lạc ngoại giao giữa Toà Thánh và Việt Nam trong tương lai.

Ðức Ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao của Toà Thánh, cầm đầu phái đoàn Toà Thánh đã đến Hà Nội ngày 5 tháng 3 năm 2007. Phái đoàn sẽ viếng thăm Việt Nam một tuần lễ, và sẽ rời Việt Nam về lại Vatican ngày 11 tháng 3 năm 2007. Cùng đi với Ðức Ông Pietro Parolin, có Ðức Ông Luis Mariano Montemayor, thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh và Ðức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, Vụ Trưởng tại Bộ Truyền Giáo.

Sau khi đến Hà Nội, Phái Ðoàn Toà Thánh đã gặp Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, giám mục Nha Trang, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, và gặp Ban Thường Trực của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam.

Vào ngày 6 tháng 3 năm 2007, Phái đoàn Tòa Thánh đã đến gặp ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng Ban Tôn Giáo Vụ của chính phủ Việt Nam, và có buổi họp mặt với các viên chức của Ủy Ban Tôn Giáo Chính Phủ, để bàn thảo về những vấn đề của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. Vấn đề bổ nhiệm giám mục cho các giáo phận trống toà, như Bắc Ninh, Ban Mê Thuột, Lạng Sơn, sẽ được bàn đến trong những thảo luận của Phái Ðoàn Toà Thánh với Bộ Ngoại Giao và Ban Tôn Giáo của Chính Phủ Việt Nam.

Phái đoàn Vatican đã đến thăm Ông Phó Tổng Trưởng bộ ngoại giao, Ông Lê Công Phụng, thăm Ông Phó Chủ Tịch Ban Ngoại Vụ của Ban Trung Ương Ðảng cộng sản Việt Nam, Tiến sĩ Phạm xuân Sơn, thăm Ông Chủ tịch Ban Ngoại Vụ của Quốc Hội, Tiến Sĩ Vũ Mão. Trong những dịp này, đã được đặt ra vấn đề bình thường hoá những liên lạc với Toà Thánh. Về vấn đề này, Việt Nam đã bảo đảm rằng, theo thông lệnh của Thủ Tướng, những cơ quan có thẩm quyền đã bắt đầu làm việc, trong khi hai bên đã khảo sát chung vài thể thức cụ thể để mở ra tiến trình thiết lập những liên lạc ngoại giao.

Sau cuộc họp mặt với các viên chức chính phủ Việt Nam, Ðức ông Pietro Parolin cho báo chí biết dù chưa thỏa thuận và hoàn tất lộ trình, nhưng Ngài biết có khả năng tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngoài ra, Ðức ông Pietro Parolin còn cho biết ngài cũng đã nêu vấn đề của cha Nguyễn Văn Lý ở Huế, một linh mục đã bị chính quyền Việt Nam truy tố về tội tuyên tuyền chống phá nhà nước.


Ðức Ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao của Toà Thánh, bắt tay ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng Ban Tôn Giáo Vụ của chính phủ Việt Nam, trước khi có buổi họp mặt giữa Phái đoàn Tòa Thánh Vatican và các viên chức của Ủy Ban Tôn Giáo Chính Phủ Việt Nam vào ngày 6 tháng 3 năm 2007.


Phái đoàn dự trù sẽ viếng thăm những giáo phận của giáo hội công giáo tại Việt Nam. Phái đoàn sẽ đến thăm Giáo Phận Qui Nhơn từ ngày 7 đến sáng ngày 8 tháng 3 năm 2007 và Giáo Phận Kontum từ chiều ngày 8 đến ngày 9 tháng 3 năm 2007... Việt Nam và Toà Thánh Vatican chưa có liên lạc ngoại giao, nhưng những người công giáo việt nam từ vài năm qua được hưởng vài mở rộng thấy được. Tuy nhiên Nhà Nước Việt nam vẫn còn nghi ngờ đối với giáo hội công giáo tại Việt nam, tiếp tục kiểm soát việc bổ nhiệm giám mục, giới hạn số các linh mục. Dù vậy, liên lạc giữa Toà Thánh Vatican và Việt Nam từ vài năm qua đã có những bước tiến tốt. Việc bổ nhiệm giám mục mới nhất tại Việt Nam là bổ nhiệm Ðức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám Mục Ðà Nẵng, do Ðức Bênêditô XVI, hôm ngày 13 tháng 5 năm 2006.

Ðược biết, sau năm 1975, những chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của phái đoàn Toà Thánh tại Việt Nam là vào năm 1990. Trước đó, vào năm 1989, có chuyến viếng thăm "mục vụ" của Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, tại Thành Phố Saigòn và Vĩnh Long, mở đầu cho những chuyến viếng thăm chính thức, từ năm 1990 đến nay. Chuyến viếng thăm cuối cùng của Phái Ðoàn Toà Thánh tại Việt Nam là vào tháng 5 năm 2004.

Biến cố đặc biệt mới nhất ghi dấu tương quan giữa Toà Thánh và Việt nam, là biến cố viếng thăm chính thức của Ông Thủ Tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, tại Toà Thánh Vatican, hôm ngày 25 tháng Giêng năm 2007. Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu tín hữu, tức khoảng 7% dân số toàn quốc.

 

(Joseph Trương)

 

Phái Ðoàn Toà Thánh viếng thăm Việt Nam

từ ngày 5 tháng 3 năm 2007

 

 

Phái Ðoàn Toà Thánh viếng thăm Việt Nam từ ngày 5 tháng 3 năm 2007.

Tin Vatican (Apic 1/03/2007) - Các hãng thông tấn và các báo chí phát hành tại Việt Nam, đều loan tin hôm ngày 1 tháng 3 năm 2007 rằng phái đoàn Toà Thánh sẽ đến thăm Việt nam, từ ngày 5 đến 11 tháng 3 năm 2007.

Nguồn tin Vatican đã xác nhận với hãng tin I. Media tại Roma về chuyến viếng thăm này và cho biết mục tiêu của phái đoàn là viếng thăm cộng đoàn công giáo tại Việt Nam, và thảo luận với các viên chức chính phủ Việt nam về "lộ trình" và những giai đoạn khác nhau của việc bình thường hoá liên lạc ngoại giao giữa Toà Thánh và Việt Nam trong tương lai.

Ðức Ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao của Toà Thánh, cầm đầu phái đoàn Toà Thánh đến Hà Nội ngày 5 tháng 3 năm 2007. Cùng đi với Ðức Ông Pietro Parolin, có Ðức Ông Luis Mariano Montemayor, thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh và Ðức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, Vụ Trưởng tại Bộ Truyền Giáo. Phái đoàn dự trù sẽ được viếng thăm những giáo phận của giáo hội công giáo tại Việt Nam, mà cho đến giờ vẫn còn khó được phái đoàn đến thăm. Vấn đề bổ nhiệm giám mục cho các giáo phận trống toà, như Bắc Ninh, Buôn Mê Thuột, Lạng Sơn, sẽ được bàn đến trong những thảo luận của Phái Ðoàn Toà Thánh với Bộ Ngoại Giao và Ban Tôn Giáo của Chính Phủ Việt Nam. Việt Nam và Toà Thánh Vatican chưa có liên lạc ngoại giao, nhưng những người công giáo việt nam từ vài năm qua được hưởng vài mở rộng thấy được. Tuy nhiên Nhà Nước Việt nam vẫn còn nghi ngờ đối với giáo hội công giáo tại Việt nam, tiếp tục kiểm soát việc bổ nhiệm giám mục, giới hạn số các linh mục. Dù vậy, liên lạc giữa Toà Thánh Vatican và Việt Nam từ vài năm qua đã có những bước tiến tốt. Việc bổ nhiệm giám mục mới nhất tại Việt Nam là bổ nhiệm Ðức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám Mục Ðà Nẵng, do Ðức Bênêditô XVI, hôm ngày 13 tháng 5 năm 2006.

Ðược biết, sau năm 1975, những chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của phái đoàn Toà Thánh tại Việt Nam là vào năm 1990. Trước đó, vào năm 1989, có chuyến viếng thăm "mục vụ" của Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, tại Thành Phố Saigòn và Vĩnh Long, mở đầu cho những chuyến viếng thăm chính thức, từ năm 1990 đến nay. Chuyến viếng thăm cuối cùng của Phái Ðoàn Toà Thánh tại Việt Nam là vào tháng 5 năm 2004.

Biến cố đặc biệt mới nhất ghi dấu tương quan giữa Toà Thánh và Việt nam, là biến cố viếng thăm chính thức của Ông Thủ Tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, tại Toà Thánh Vatican, hôm ngày 25 tháng Giêng năm 2007. Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu tín hữu, tức khoảng 7% dân số toàn quốc.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

Phái đoàn Toà Thánh viếng thăm Việt Nam

để thảo luận lộ trình bình thường hoá quan hệ

và các hoạt động của Giáo hội Công giáo

 

 

Phái đoàn Toà Thánh viếng thăm Việt Nam để thảo luận lộ trình bình thường hoá quan hệ và các hoạt động của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.

Bài của Gerard O'Connell, Ðặc phái viên tại Rôma

Thành Phố Vatican (UCAN - ZY02020.1434 Ngày 28-2-2007) -- Một phái đoàn Toà Thánh sẽ thăm Việt Nam vào đầu tháng Ba (2007) để thảo luận lộ trình bình thường hoá quan hệ và các vấn đề quan trọng khác về hoạt động của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.

Ðức ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao Toà Thánh, dẫn đầu phái đoàn dự kiến sẽ đến Hà Nội ngày 5-3-2007 và lưu lại một tuần.

Ðức ông Luis Mariano Montemayor của Văn phòng Quốc vụ khanh Toà Thánh và Ðức ông Barnabe Nguyễn Văn Phương của Bộ Truyền giáo sẽ tháp tùng Ðức ông Parolin.

Phái đoàn dự kiến sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao Việt Nam, trong đó có các giới chức trong Bộ Ngoại giao và Ban Tôn giáo, để thảo luận các vấn đề liên quan đến khoảng sáu triệu người Công giáo Việt Nam.

Trong các chuyến viếng thăm thế này, phái đoàn Toà Thánh thường đề cử danh sách các ứng viên giám mục cho các giáo phận còn trống toà. Việt Nam hiện có ba giáo phận trống toà là: Bắc Ninh, Ban Mê Thuột và Lạng Sơn.

Theo thoả thuận giữa Vatican và Việt Nam, ứng viên được Toà Thánh chỉ định được bổ nhiệm nếu chính phủ chấp thuận. Nếu ứng viên đó bị từ chối, thì một người khác sẽ được đề cử. Trong thực tế, Ðức Giáo hoàng bổ nhiệm tân giám mục và chính phủ Việt Nam công bố "nihil obstat". Các nhân viên kiểm duyệt của Giáo hội thường dùng cụm từ Latin này, có nghĩa là "không gì ngăn trở", để cho phép phát hành sách.

Năm 1989, Ðức Hồng y Roger Etchegaray, lúc đó đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình và Hội đồng Giáo hoàng "Cor Unum", đã thăm viếng mục vụ Việt Nam. Ngài là viên chức Vatican đầu tiên đến Việt Nam từ khi cộng sản lên nắm quyền vào ngày 30-4-1975.

Sau đó phái đoàn Toà Thánh đã có chuyến thăm "chính thức" đầu tiên vào năm 1990, và chuyến thăm sắp tới đây sẽ là chuyến thăm lần thứ 14. Ðây sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai bên kể từ ngày 25-1-2007, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam viếng thăm Ðức Giáo hoàng từ khi Cộng sản lên nắm quyền.

Sau khi nói chuyện riêng với Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI, ông Dũng tiếp tục gặp gỡ Ðức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Toà Thánh, và Ðức Tổng Giám mục Dominique Mamberti, Ngoại trưởng.

Cũng trong ngày hôm đó, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin: "Ðức Hồng y Bertone đã đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Vatican và Việt Nam, vốn được Thủ tướng Dũng chấp nhận và đã đề nghị cơ quan ngoại giao hai bên thảo luận cụ thể hơn vấn đề này".

Chương trình nghị sự cho cuộc gặp gỡ sắp tới ở Hà Nội không được công bố, nhưng có thể sẽ có thảo luận về tiến trình phác thảo các bước cần thiết để bình thường hoá quan hệ ngoại giao và thời gian đạt mục tiêu này.

Các nguồn tin ở Vatican cho UCA News biết, Toà Thánh sẵn sàng và quyết tâm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam, như đã làm với 176 quốc gia khác. Một nguồn tin khẳng định: "Tuỳ thuộc Việt Nam quyết định".

Cũng nguồn tin này, yêu cầu giấu tên, cho biết việc Toà Thánh có thiện chí phát triển quan hệ như thế cho thấy Giáo hội Công giáo ở Việt Nam hiện đang hưởng một mức tự do tôn giáo có thể chấp nhận được, cho dù là hoạt động của Giáo hội vẫn còn bị kiểm soát. Tuy nhiên, Toà Thánh hy vọng sự kiểm soát đó sẽ được nới lỏng theo thời gian và cuối cùng sẽ không còn nữa.

Ngoài thảo luận các vấn đề này, phái đoàn sẽ gặp gỡ các đại diện của Hội đồng Giám mục Việt Nam và hy vọng sẽ viếng thăm một số giáo phận, như trong các lần viếng thăm trước. Phái đoàn sẽ trở về Rôma vào ngày 12-3-2007.

 

UCAN