Chứng Nhân Hy Vọng

(Các Bài Giảng Tĩnh Tâm

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo Triều Rôma)

 


- 01 -

Bài Suy Niệm dẫn nhập

Gia Phả Ðức Giêsu Kitô

Ðứng trước Mầu Nhiệm Thiên Chúa

 

Tôi, Phanxicô, đầy tớ Ðức Giêsu Kitô, kẻ bé mọn nhất trong những người kế nhiệm các Tông Ðồ, trước mặt anh em tôi không nghĩ mình hiểu biết gì nhiều ngoại trừ Ðức Giêsu Kitô chịu đóng đanh. Vâng lời Ðức Thánh Cha, và với phép lành của Ngài, tôi xin chào anh em rất thân mến với nụ hôn thánh thiện và mời anh em: nhân danh Chúa, chúng ta cùng nhau bắt đầu Tuần Tĩnh Tâm Năm 2000 với bài suy niệm dẫn nhập.

 

Gia phả Ðức Kitô

Thánh sử Tin Mừng Marco mở đầu chứng từ về Ðức Giêsu Con Thiên Chúa với những lời sau đây: "Gia phả Ðức Giêsu Kitô, Con Vua Ðavít, Con của Abraham..." (Mt 1,1).

Chọn gia phả này làm đề tài cho bài suy niệm dẫn nhập chắc gây nhiều ngạc nhiên.

Khi đọc đoạn Tin Mừng này trong phụng vụ, nhiều khi chúng ta cảm thấy hơi khó chịu. Có người trong chúng ta coi việc đọc một đoạn văn như vậy thật vô nghĩa, cứ lập đi lập lại cách nhàm chán. Có kẻ đọc vội vã, khiến cho các tín hữu chẳng hiểu gì; lại có người cắt ngắn, bỏ đi một số đoạn.

Ðối với chúng tôi, những người Á châu, đặc biệt là đối với tôi là một người Việt Nam, việc tưởng nhớ các tiền nhân có một giá trị lớn lao. Theo văn hóa Việt Nam, trong niềm hiếu kính, chúng tôi vẫn giữ một cuốn gia phả của gia tộc trên bàn thờ trong gia đình. Chính tôi cũng biết đọc tên của 15 thế hệ các tổ tiên của tôi, từ năm 1698, khi gia tộc tôi được lãnh nhận Phép Thánh Tẩy. Qua gia phả, chúng ta thấy rằng mình thuộc về một lịch sử rộng lớn hơn. Và chúng ta ý thức rõ hơn ý nghĩa lịch sử của mình.

Vì thế, tôi cảm tạ Mẹ Giáo Hội thánh thiện, ít là hai lần trong năm, vào mùa Vọng và trong lễ Sinh Nhật Ðức Mẹ, cho đọc lại trong các cộng đoàn rải rác khắp nơi trong thế giới Công giáo, danh xưng của bao nhiêu nhân vật ý nghĩa, theo ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa, đã giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử cứu dộ và trong thực tại của dân Israel.

Tôi xác tín rằng những lời trong "Sách gia phả Chúa Giêsu Kitô" chứa đựng lời loan báo chủ yếu về Cựu Ước và Tân Ước, cốt yếu của mầu nhiệm cứu độ liên kết tất cả chúng ta với nhau, các tín hữu Công giáo, Chính thống và Tin lành.

Trong bối cảnh Năm Thánh Nhập Thể, qua đó Hội Thánh hát lên niềm vui mừng Hy Vọng nơi Ðức Kitô, Ðấng Cứu Thế duy nhất của chúng ta, đoạn Kinh Thánh này mở ra cho chúng ta thấy mầu nhiệm lịch sử là mầu nhiệm về lòng thương xót. Ðoạn Kinh Thánh này nhắc nhở cho chúng ta điều Ðức Trinh Nữ Maria hát lên trong kinh Magnificat, bài ca mà Giáo Hội hằng ngày vẫn tiếp nhận là của mình trong Kinh Chiều: ý định nhân lành và trung tín của Thiên Chúa được hoàn thành theo lời hứa "với Abraham và dòng dõi ông đến muôn đời" (Lc 1,55). Thực vậy, lòng nhân từ của Chúa đang và sẽ trải dài từ đời này sang đời khác, "vì lòng thương xót của Ngài tồn tại muôn đời" (cf Tv 100,5; 136).

 

Mầu nhiệm của tiếng Chúa gọi

Sách gia phả Ðức Giêsu Kitô có ba phần. Phần I kể tên các tổ phụ, phần II nói đến các vua trước cuộc lưu đày Babilon, và phần III kể tên các vua sau cuộc lưu đày.

Ðiều gây chú ý đầu tiên khi đọc văn bản này là mầu nhiệm của tiếng Chúa gọi. Sự chọn lựa của Thiên Chúa có tính cách nhưng không và đầy tình thương, không thể hiểu được theo những lý luận của lý trí, và nhiều khi còn là điều gây gương mù nữa.

Chẳng hạn, trong sách gia phả Ðức Giêsu Kitô, chúng ta thấy Abraham thay vì chọn trưởng tử Ismael, con của bà Aggar, thì lại chọn Isaac, con của lời hứa, con của bà Sara, vợ của ông.

Rồi đến lượt Isaac muốn chúc lành cho trưởng nam Esau, nhưng rốt cuộc đành chúc lành cho Giacóp, theo một ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Giacóp cũng không trực tiếp thông truyền sự nối giòng dẫn tới  Ðấng Messia. Ông đã không chọn Ruben, con trưởng hoặc chọn Giuse, người được ông yêu thương nhất, người giỏi giang hơn tất cả các anh em, người đã tha thứ cho anh em mình và cứu họ thoát khỏi nạn đói lớn khắp vùng. Nhưng chọn Giuđa, người con thứ tư, người đã cùng với các anh em khác chịu trách nhiệm về việc bán Giuse cho các lái buôn đưa sang Ai Cập.

Mầu nhiệm cao cả về việc Thiên Chúa chọn lựa tiền nhân của Ðấng Messia bắt đầu làm cho chúng ta chú ý.

Trang Tin Mừng này soi sáng mầu nhiệm ơn gọi của chúng ta.

"Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con" (Ga 15,16). Chúng ta không được chọn vì công trạng của mình, nhưng chỉ vì lòng nhân từ của Chúa. Chúa nói: "Ta đã yêu thương con bằng tình yêu đời đời" (Gr 31,3). Ðó là điều làm cho chúng ta an tâm. "Từ lòng mẹ, Chúa đã gọi tôi" (Is 49,1). Như thế, điều làm cho chúng ta hãnh diện, đó là ý thức mình được gọi và được chọn vì tình thương.

Những ngày tĩnh tâm này là thời gian thuận tiện để hát lên lòng biết ơn vô biên của chúng ta đối với Chúa, vì "lòng thương xót của Ngài tồn tại muôn đời". Và chúng ta phải làm điều đó từ tận đáy tâm hồn mình, với lòng khiêm tốn sâu xa và biết ơn. "Chúa đã nâng kẻ mọn hèn từ nơi cát bụi, từ đống phân tro Ngài nâng kẻ nghèo túng, để đặt họ ngồi giữa hàng quyền quí, hàng quyền quí dân Ngài" (Tv 113,7-8).

 

Mầu nhiệm của tội lỗi và ân sủng

Nếu chúng ta xét tên của các Vua ở trong sách gia phả Chúa Giêsu, chúng ta có thể nhận thấy rằng chỉ có hai vị là trung thành với Thiên Chúa, đó là Ê-dê-ki-en và Giê-rô-bô-am. Những vua khác đều là những kẻ thờ thần tượng, vô luân hay sát nhân...

Cả trong thời kỳ sau cuộc lưu đày, trong số các vua được kể tên, chúng ta chỉ thấy có hai người còn trung thành với Chúa đó là Sa-la-ti-en và Zô-rô-ba-ben. Những vua khác đều là những kẻ tội lỗi hoặc không được biết đến.

Nơi Ða-vít, người nổi danh nhất trong các vua đã sinh ra Ðấng Messia, sự thánh thiện và tội lỗi xen lẫn nhau: với nước mắt cay đắng, Ngài xưng thú trong Thánh Vịnh các tội ngoại tình và sát nhân, nhất là trong Thánh Vịnh 50, một ca vịnh trở thành kinh nguyện thống hối thường được dùng trong phụng vụ của Giáo Hội.

Cả những phụ nữ mà Mát-thêu nêu tên trong đầu sách Tin Mừng của Ngài như những người mẹ thông truyền sự sống, từ cung lòng phúc lành của Thiên Chúa, cũng gợi lên nơi chúng ta một sự xúc động. Tất cả họ đều là những phụ nữ ở trong những hoàn cảnh bất hợp lệ: Ta-ma là một phụ nữ tội lỗi, Ra-káp là môt gái mãi dâm, Rút là một người ngoại bang; và về người phụ nữ thứ tư, người ta không dám nêu danh, và chỉ nói "đó là vợ của ông U-ri-a". Người đàn bà dó chính là bà Bét-sa-bê-a mà vua Ða-vít đã ngoại tình.

Tuy nhiên, dòng lịch sử tràn đầy lỗi lầm và tội ác như thế đã trở thành một nguồn nước trong khi càng đến gần thời gian sung mãn: đến Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và đến Chúa Giêsu, Ðấng Messia. Nơi các Ngài tất cả các thế hệ được cứu chuộc.

Danh sách những người tội lỗi mà Mát-thêu nêu rõ trong gia phả của Chúa Giêsu không được gây gương mù cho chúng ta. Trái lại gia phả ấy tuyên dương mầu nhiệm thương xót của Thiên Chúa. Cả trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã chọn Phê-rô, người đã chối Ngài, và chọn Phao-lô, người đã bách hại Giáo Hội. Vậy mà các vị lại trở nên những cột trụ của Hội Thánh. Trong thế gian này, khi một dân tộc viết lịch sử chính thức của mình, họ thường nói về những chiến thắng đã đạt được, những vị anh hùng, hoặc sự cao cả của mình... Quả là một trường hợp duy nhất, thật đáng ngưỡng mộ và tuyệt vời, khi thấy một dân tộc không hề dấu diếm những tội lỗi của tiền nhân trong lịch sử chính thức của mình.

 

Mầu nhiệm của Hy Vọng

Toàn thể Cựu Ước hướng về Hy Vọng:

Chúa đến để thiết lập Nước của Ngài,

Chúa đến để tái lập Giao Ước,

Chúa đến để lập một dân mới,

để xây dựng một Giêrusalem mới,

để kiến thiết một đền thờ mới,

Chúa đến để tái tạo thế giới.

Với biến cố Nhập Thể, Nước ấy đã tới, thời gian viên mãn đã tới. Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Nước ấy đang tăng trưởng từ từ, âm thầm, như một hạt cải... Giữa sự viên mãn của thời gian và tận thế, Hội Thánh đang hành trình như một Dân Tộc Hy Vọng.

Văn hào Charles Péguy đã nói: "Ðức tin làm cho tôi hài lòng hơn cả là niềm Hy Vọng" (Le porche du mystière de la deuxième vertu, Abbeville 1954. 81è édition, p.15). Ðúng vậy, vì trong Hy Vọng, đức tin vốn hoạt động nhờ đức ái, mở ra những con đường mới trong tâm hồn con người nhằm hướng đến việc thực hiện một thế giới mới, một nền văn minh tình thương. Ðức tin đó mang đến cho thế giới sự sống thần linh của Chúa Ba Ngôi, lối sống và hoạt động của Thiên Chúa, như được biểu lộ trong Ðức Kitô và được truyền lại trong Tin Mừng.

Thưa anh em, đó chính là ơn gọi cao cả của chúng ta. Không do công trạng của chúng ta, nhưng "vì lòng thương xót của Chúa tồn tại đến muôn đời". Ngày nay, cũng như trong thời Cựu Ước và Tân Ước, lòng nhân từ Chúa vẫn linh hoạt nơi những người có tinh thần thanh bần, nơi những người khiêm hạ, những người tội lỗi thành tâm trở về cùng Chúa.

 

Cùng nhau bước qua ngưỡng cửa Hy Vọng

Tôi đã chọn đề tài Tuần Tĩnh Tâm Năm Thánh này, tựa đề tổng quát là "Chứng Nhân Hy Vọng". Hy Vọng có lẽ là thách đố lớn nhất ngày nay, trước ngưỡng cửa Ngàn Năm Mới. Một tiểu sử mới đây của Ðức Thánh Cha mang tựa đề "Witness to Hope" - Chứng Nhân Hy Vọng. Giờ đây, tôi không thể không cám ơn Ðức Thánh Cha, vì đã hướng dẫn Hội Thánh bằng chứng tá rạng ngời của Ngài để bước qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng. Cùng với những anh em thuộc các Giáo Hội và Cộng đồng tôn giáo khác bước qua Cửa Thánh, ngưỡng cửa tương lai, Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy rằng toàn thể nhân loại tiếp tục cuộc hành trình gặp gỡ Chúa Giêsu là Hy Vọng độc nhất.

Hôm nay, tôi trình diện như một cựu tù nhân đáng thương, đã trãi qua hơn 13 năm trong tù, trong đó có 9 năm biệt giam.

Tôi cũng cảm thấy run sợ trước nhiệm vụ mà Ðức Thánh Cha đã ủy thác cho tôi. Nhưng một sách chuyện của Mỹ làm cho tôi an tâm. Sách ấy kể lại chuyện một nhà giảng thuyết danh tiếng thu hút đông đảo dân chúng. Trước tòa giảng, có một cụ già luôn chăm chỉ theo dõi tất cả các bài giảng của ông. Nhà giảng thuyết rất vui sướng vì thành công của mình. Một hôm, thiên thần hiện ra và nói: "Tôi chúc mừng ông vì những bài giảng của ông... ông thật là tài giỏi! Nhưng ông có nhớ cụ già luôn đến nghe ông không?" "Có chứ", - nhà giảng thuyết đáp. Thiên thần tiếp: "Vậy thì ông hãy biết rằng cụ già ấy đến không phải để nghe ông đâu, nhưng là để cầu nguyện cho ông. Chính nhờ lời cầu nguyện của cụ mà những bài giảng của ông mang lại nhiều ích lợi cho các tín hữu".

Như vậy, tôi xin nói với anh em: tôi hết lòng trông cậy nơi lời cầu nguyện của anh em.

Và với tâm tình này, chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria, Mẹ Ðấng Cứu Thế, đang ngự trên ngai trong nhà nguyện này, giữa các Thánh của Ðông và Tây phương. Chúng ta cảm thấy gần Mẹ như trong dịp Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, như chính con tim của Giáo Hội, như Mẹ của các Mục Tử và các tín hữu, như Mẹ của Hội Thánh.

Xin Mẹ chúc lành cho chúng con.

 

Tuần Tĩnh Tâm đầu Mùa Chay Năm Thánh 2000

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

________________________________________________________

 

- 02 -

Bài Suy Niệm thứ hai

Simon, Con Bảo Thầy Là Ai?

Chúa Giêsu Cứu Thế, niềm Hy Vọng độc nhất

 

Ngày 15 tháng 8 năm 1975, lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tôi được mời đến Phủ Tổng Thống, "Dinh Ðộc Lập", vào lúc 14 giờ. Tại đó, tôi bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm. Và đó là khởi đầu cuộc phiêu lưu của tôi.

Trong lúc ấy, tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ bị gọi tới Nhà Hát, với mục đích tránh mọi phản ứng của dân chúng đối với vụ bắt tôi.

Trong cuộc hành trình, tôi bắt đầu ý thức rằng mình đang mất tất cả. Tôi ra đi, với chiếc áo chùng thâm, trong túi có một cỗ tràng hạt. Tôi chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao nhiêu lo âu ấy, tôi vẫn thấy có một niềm vui lớn: "Hôm nay là lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời..."

Từ lúc đó, người ta cấm gọi tôi là "Ðức Cha, Cha...". Tôi là ông Nguyễn Văn Thuận. Tôi không được phép mang dấu hiệu gì về chức vị của tôi. Không hề báo trước chút nào, Chúa yêu cầu tôi hãy trở về với điều cốt yếu.

Trên đường dài 450 cây số, không có một ai. Tôi thực sự bị bỏ rơi.

Và trong sự xúc động trước hoàn cảnh mới, diện đối diện với Chúa, tôi nghe thấy câu Chúa Giêsu hỏi Simon: Simon, con bảo Thầy là ai? (cf Mt 16,15).

Các bạn đồng tù với tôi, những người không Công giáo, muốn hỏi "lý do tại sao tôi Hy Vọng". Với tình bằng hữu và thiện ý, họ hỏi tôi: "Tại sao ông đã bỏ mọi sự: gia đình, quyền thế, giàu sang, để theo Chúa Giêsu? Chắc là phải có một cái gì rất đặc biệt!" Những người cai tù cũng ngạc nhiên hỏi tôi: "Có Thiên Chúa thực hay không? Có Chúa Giêsu không? Hay đó chỉ là những điều mê tín mà thôi? Những điều do giai cấp thống trị bịa ra?"

Vì thế cần phải đưa ra những giải thích dễ hiểu, không phải bằng những từ ngữ kinh viện, nhưng với những lời lẽ đơn sơ của Tin Mừng.

 

Những khuyết điểm của Chúa Giêsu

Một hôm, tôi quyết định đưa ra những giải thích đặc biệt. Và điều tôi nói đây đúng ra là phản ảnh mục vụ nhà tù. Tôi xin anh em đại xá cho nếu tôi có phạm tội rối đạo nào trước mặt Giáo Triều: "Tôi đã bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu, vì tôi yêu thích những khuyết điểm của Ngài".

 

Khuyết điểm thứ nhất: Chúa Giêsu không có trí nhớ tốt (cf Lc 23,42-43)

Trên Thập Giá, trong lúc hấp hối, Chúa Giêsu nghe tên trộm bên phải nói: "Thưa ông Giêsu, xin hãy nhớ đến tôi, khi ông vào nước của ông" (Lc 23,42). Giả sử đó là tôi, thì có lẽ tôi đã trả lời: "Tôi sẽ không quên anh, nhưng anh phải đền bù các tội ác của mình ít là khoảng 20 năm trong luyện ngục". Trái lại, Chúa Giêsu trả lời anh ta: "Ngày hôm nay, ngươi sẽ được ở cùng Ta trên Thiên đàng" (Lc 23,43). Ngài đã quên tất cả tội lỗi của người ấy.

Ðiều tương tự cũng xảy ra với người đàn bà tội lỗi đã xức thuốc thơm cho chân Chúa. Chúa Giêsu chẳng hỏi gì về quá khứ xấu xa của bà nhưng chỉ nói: "... tội của con tuy nhiều, nhưng đều được tha hết vì con đã yêu mến nhiều" (lc 7,47).

Dụ ngôn người con trai hoang đàng kể lại cho chúng ta: trên đường trở về nhà cha, anh ta đã chuẩn bị sẵn trong lòng điều sẽ nói: "Thưa cha, con đã phạm tội đối với Trời và với cha; con không còn đáng được gọi là con cha nữa. Xin hãy đối xử với con như những đầy tớ của cha" (Lc 15,8-9). Nhưng khi người cha thấy người con ấy từ đàng xa, liền quên hết mọi sự và chạy ra đón con, ôm hôn con và không để anh ta rụt rè nói lên bài diễn văn đã dọn sẵn. Người cha gọi những đầy tớ đang kinh ngạc và nói: "Hãy mang quần áo đẹp nhất ra đây và mặc cho anh, hãy xỏ nhẫn vào tay và xỏ giầy cho anh. Hãy mang bê béo để làm thịt, và chúng ta hãy mở tiệc, vì con ta đã chết nay được sống lại..." (Lc 15,22-24).

Chúa Giêsu không có một trí nhớ như trí nhớ của tôi. Không những Ngài tha thứ và tha thứ cho mỗi người, nhưng Ngài còn quên là Ngài đã tha thứ.

 

Khuyết điểm thứ hai: Chúa Giêsu không biết toán học

Giả sử Chúa Giêsu đi thi toán, chắc Ngài sẽ bị đánh rớt. Dụ ngôn người Mục Tử Nhân Lành chứng tỏ điều đó. Một người mục tử có 100 con chiên. Một con chiên bị lạc, và không chần chờ gì, ông ta đi tìm con chiên ấy, bỏ 99 con chiên khác nơi hoang địa. Khi tìm được chiên lạc, ông vác chiên lên vai (cf Lc 15,4-7).

Ðối với Chúa Giêsu, 1 có giá trị bằng 99... và có lẽ còn hơn thế nữa! Có ai chấp nhận được điều đó không? Nhưng lòng thương xót của Ngài trải rộng từ đời này sang đời khác...

Khi phải cứu một con chiên lạc, Chúa Giêsu không nản chí vì bất kỳ rủi ro, mệt nhọc hoặc hiểm nguy nào... Chúng ta hãy chiêm ngắm thái độ nhân từ thương xót của Chúa khi Ngài ngồi bên bờ giếng Gia-cóp để tìm người phụ nữ xứ Sa-ma-ri-a, hoặc khi Ngài muốn dừng lại tại nhà ông Gia-kêu! Thật là đơn sơ... thật là thương yêu dường nào đối với kẻ tội lỗi!

 

Khuyết điểm thứ ba: Chúa Giêsu không biết luận lý học

Một người đàn bà có 10 đồng bạc. Bà bị mất một đồng, liền đốt đèn lên để tìm kiếm. Khi tìm thấy, bà gọi những bà láng giềng đến và nói với họ: "Các bà hãy vui mừng với tôi, vì tôi tìm được đồng bạc bị mất" (cf Lc 15,8-10).

Thật không hợp lý tí nào khi làm phiền các bà bạn chỉ vì một đồng bạc như vậy! Cũng chẳng hợp lý chút nào cả khi mở tiệc giữa đêm khuya để ăn mừng vì tìm lại được đồng bạc đánh mất. Và cuối cùng lại càng không hợp lý khi mời bạn bè đến ăn tiệc, tốn phí còn nhiều hơn đồng bạc tìm thấy. Cho dù có tiêu cả 10 đồng cũng không đủ cho phí tổn...

Ở đây, chúng ta có thể nói như Pascal: "Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không biết được" (B. Pascal, Pensées n.477, in: Oeuvres complètes [ed. J. Chevalier], Paris 1954).

Khi kết luận dụ ngôn, Chúa Giêsu đã tỏ lộ lý luận lạ lùng của tâm hồn Ngài: "Thực, Thầy bảo các con, các thiên thần của Chúa vui mừng chỉ vì một tội nhân hoán cải" (Lc 15,10).

 

Khuyết điểm thứ tư: Chúa Giêsu là một người phiêu lưu

Ai quảng cáo cho một công ty hoặc ra ứng cử thường chuẩn bị một chương trình rất chính xác, với nhiều lời hứa hẹn. Nhưng đối với Chúa Giêsu lại không như vậy. Lối tuyên truyền của Ngài, dưới mắt người đời, thế nào cũng bị thất bại. Thực vậy, Ngài hứa cho những kẻ theo Ngài nhiều lần bị xét xử và bị bách hại.

Với các Tông Ðồ đi theo, Ngài không bảo đảm cho họ nơi ăn chốn ở, nhưng chỉ cho họ chia sẻ cùng một cách sống của Ngài.

Một người ký lục muốn gia nhập đoàn môn đệ, Chúa Giêsu trả lời: "Con cáo có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu" (Mt 8,20).

Ðoạn Tin Mừng về các Mối Phúc Thật, một "bức chân dung tự họa" của Chúa Giêsu như một người phiêu lưu vì tình yêu đối với Chúa Cha và anh em. Từ đầu chí cuối của các Mối Phúc Thật này đều nghịch lý, cho dù chúng ta đã nghe quen: "Phúc cho người có tinh thần thanh bần.... phúc cho người sầu khổ..., phúc cho người bị bách hại vì sự công chính..., phúc cho các con khi người ta lăng mạ, bách hại, và nói mọi điều xấu chống lại các con vì Thầy. Các con hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng các con thật lớn lao trên trời" (Mt 5,3-12).

Nhưng các môn đệ đã tín thác nơi người phiêu lưu ấy. Từ 2,000 năm nay, và cho đến tận thế, chúng ta vẫn thấy không thiếu hàng ngũ những người phiêu lưu đã và sẽ tiếp tục theo Chúa Giêsu. Chỉ cần xem các Thánh qua mọi thời đại. Rất nhiều người trong số họ thuộc hiệp hội những người phiêu lưu ấy. Không có địa chỉ, chẳng có điện thoại hay điện thư...!

 

Khuyết điểm thứ năm: Chúa Giêsu không biết tài chánh và kinh tế

Chúng ta hãy nhớ lời dụ ngôn những người thợ làm vườn nho: "Nước Trời giống như một chủ nhà từ sáng sớm ra ngoài mướn người làm vườn nho cho ông. Rồi vào lúc 9 giờ, giữa trưa, 3 giờ chiều, và cả lúc 5 giờ ông tiếp tục mướn người về làm...". Chiều đến, ông bắt đầu trả lương cho những người đến làm trễ nhất, rồi lần lượt tới những người làm từ sáng sớm, tất cả mỗi người đều được ông trả một đồng (cf Mt 20,1-16).

Giả sử Chúa Giêsu được đặt làm quản lý cộng đoàn hoặc giám đốc một xí nghiệp, tổ chức ấy chắc sớm bị phá sản. Làm sao lại trả cùng một đồng lương cho những người làm từ sáng sớm cũng như những người chỉ bắt đầu làm từ ban chiều! Phải chăng Chúa Giêsu đã sai lầm? Ðã tính sai kết toán? Thật ra, không phải thế! Ngài cố tình làm như vậy, như Ngài giải thích: "Tôi không có quyền xử dụng của cải của tôi theo ý tôi sao? Hay là bạn ghen tương vì tôi tốt lành".

 

Chúng tôi đã tin vào tình yêu Thiên Chúa

Nhưng chúng ta tự hỏi: tại sao Chúa Giêsu có những khuyết điểm như thế?

Vì Ngài là Tình Yêu (Cf 1Ga 4,16). Tình yêu đích thực không lý luận, không đo lường, không dựng lên những hàng rào, không tính toán, không nhớ đến những xúc phạm và không đặt điều kiện. Nói theo kiểu thời nay: tình yêu không cân, đo, đong, đếm.

Chúa Giêsu luôn hành động vì yêu thương. Từ tổ ấm của Chúa Ba Ngôi, Ngài mang cho chúng ta một tình yêu lớn lao, vô biên và thần linh. Và như các Thánh Giáo Phụ diễn đạt, đó là một tình yêu điên rồ, làm đảo lộn những mẫu mực tính toán của con người.

Khi suy tư về dụ ngôn này, tâm hồn tôi đầy tràn hạnh phúc và an bình. Tôi Hy Vọng rằng vào cuối đời, Chúa cũng sẽ đón nhận tôi như người bé nhất trong số những người làm việc trong vườn nho của Ngài. Và tôi sẽ ca tụng lòng nhân từ của Chúa đến muôn đời, sẽ kinh ngạc vì những điều lạ lùng Chúa dành cho những người Ngài tuyển chọn. Tôi sẽ vui mừng được thấy Chúa Giêsu với những "khuyết điểm" của Ngài, những khuyết điểm - tạ ơn Chúa - không thể sửa chữa nổi, những khuyết điểm bất trị.

Các Thánh là những người chuyên môn về tình yêu vô biên ấy. Trong đời, tôi thường cầu xin Nữ Tu Faustina Kowalska giúp tôi hiểu lòng nhân từ của Chúa. Và khi viếng thăm Paray-le-Monial, tôi cảm động vì những lời Chúa Giêsu nói với Thánh nữ Margarita Maria Alacoque: "Nếu con tin, con sẽ thấy quyền năng của Trái Tim Cha".

Chúng ta hãy chiêm ngưỡng mầu nhiệm tình yêu ấy.

 

Ngài đã sáng tạo vạn vật cách kỳ diệu

Thiên Chúa đã sáng tạo người nam và người nữ theo hình ảnh Ngài. Ngài tạo nên họ chỉ kém thiên thần một chút (Tv 8,6; Dt 2,27). Ngài đã ban ơn bất tử, chân lý, công lý... Công Ðồng Vatican II dạy: "Lý lẽ cao cả nhất của con người hệ tại điều này là con người được kêu gọi hiệp thông với Thiên Chúa. Ngay từ thuở mới sinh, con người được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa. Thật vậy, con người chỉ hiện hữu vì được sáng tạo do tình yêu của Thiên Chúa, và luôn được Ngài bảo tồn vì tình yêu thương. Con người sẽ không sống trọn vẹn theo sự thật nếu không tự nhìn nhận điều đó và không biết tín thác nơi Ðấng Tạo Thành của mình" (GS 19).

Nhưng trong tự do, con người có thể từ chối "sự cao cả" do Thiên Chúa ban cho. Con người có thể toan tính hành động theo ý định riêng của mình khác với tương lai Chúa hứa. Thật vậy, con người cố tìm cách bảo đảm cho mình một tương lai riêng như Kinh Thánh đã nói về các dân ngoại: họ tìm kiếm giàu sang, trông cậy nơi loài người, liên minh với những quyền lực ngoại bang, thủ đắc những của thánh (Hs 2,10; Ed 16,15ss). Và thế là họ rơi vào tình trạng lầm than. Họ không còn Hy Vọng nơi Thiên Chúa nữa, nhưng theo đuổi những Hy Vọng giả trá.

 

Lại còn chỉnh đốn mọi sự cách nhiệm lạ hơn

Qua các Ngôn Sứ, Thiên Chúa không ngừng mời gọi con người tới niềm Hy Vọng đích thực là Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế duy nhất. Trong Chúa Giêsu, chúng ta được ánh sáng chân lý tha thứ tội lỗi, được tự do tái tạo trước quyền lực sự dữ. Trong Ngài, chúng ta còn được một khả năng mới để yêu thương, được tham gia vào bản tính Thiên Chúa, được chiến thắng trên sự chết nhờ sự phục sinh của thân xác, và được sự sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu đến gặp gỡ thân phận lầm than của con người. và khi cứu thoát chúng ta, Chúa Giêsu đã biến Tin Mừng và ơn thánh của Ngài thành nguyên lý đổi mới thế giới và nhất là canh tân con người trong mọi lãnh vực của cuộc sống: công và tư, văn hóa và xã hội, chính trị và kinh tế. Thiết lập mọi sự trong Chúa Kitô.

Ngây ngất trước Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là tất cả mọi sự của tôi (Deus meus et omnia), tôi cùng với Chúa Giêsu trở thành nguồn Hy Vọng trong vườn thế giới, như thi hào Charles Péguy người Pháp đã nói:

"Ta tự hỏi: nhưng làm sao nguồn suối Hy Vọng ấy có thể mãi trẻ trung, tươi mát, sinh động... Thiên Chúa phán: hỡi dân tốt lành, điều ấy không khó lắm đâu... Nếu Nguồn Hy Vọng ấy muốn dùng nước trong để làm nên những nguồn mạch tinh khiết, thì sẽ chẳng bao giờ tìm cho đủ nước trong toàn thề các tạo vật của ta. Nhưng từ những dòng nước đục ngầu mà Nguồn Hy Vọng ấy dùng để biến thành những nguồn nước trong. Và chính vì thế mà chẳng bao giờ thiếu nước, nhưng cũng vì vậy mà nguồn ấy là Hy Vọng... và đó chính là bí quyết đẹp nhất trong vườn thế gới". (Cf Le porche du mystère de la deuxième vertu, cit., pp.186-189).

Kính chào Mẹ từ nhân

Mẹ Thiên Chúa và Mẹ tha thứ,

Mẹ Hy Vọng và Mẹ ơn phúc

Mẹ đầy hoan lạc thánh thiện.

Lạy Mẹ Maria!

 

Tuần Tĩnh Tâm đầu Mùa Chay Năm Thánh 2000

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

 


 

 

Thiên Chúa viết thẳng

trên những đường cong

 

"Năm đầu tiên của Ngàn Năm Thứ Ba, một người Việt Nam sẽ giảng Tuần Tĩnh Tâm cho Giáo Triều Rôma", Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với tôi như thế ngày 15 tháng 12 năm 1999.

Ngài chăm chú nhìn tôi rồi nói tiếp: "Ðức Cha đã chọn đề tài nào chưa?"

"Kính thưa Ðức Thánh Cha, con từ trên mây rơi xuống, con rất ngạc nhiên. Có lẽ con có thể nói về Hy Vọng, được không?"

"Hãy kể lại những chứng tá của Ðức Cha!"

Bối rối và cảm động, tôi trở về nhà. Tôi vào nhà nguyện và cầu xin: "Lạy Chúa Giêsu, con phải làm sao đây? Con không quen nói nhiều về khoa học và thần học. Chúa biết con chỉ là một cựu tù nhân".

"Hãy nói như con cảm thấy. Hãy làm như Ðức Giáo Hoàng đã bảo con. Với tâm tình khiêm tốn, đơn sơ!"

Lúc ấy, tôi nghĩ đến việc chuẩn bị một bữa ăn Việt Nam. Xoong chảo vẫn như vậy, chất liệu cũng thế: Tin Mừng Hy Vọng. Nhưng tôi thay đổi thực đơn: tôi sẽ dùng gia vị và hương vị Á Châu và thực khách sẽ ăn bằng đũa.

Tôi sẽ cố gắng hết sức. Nhưng người làm bếp chẳng làm được gì nếu không có lửa: Chúa Thánh Thần.

Người Á châu không lý luận rườm rà, nhưng kể một câu chuyện, một dụ ngôn; và kết luận trở nên rõ ràng.

Khổng Tử, Ðức Phật, Gandhi đã nói như thế. Và cả Chúa Giêsu cũng nói:

"Một người từ Jerusalem xuống Giêricô... Theo ông, ai trong ba người đã thật sự là anh em của nạn nhân... Hãy đi và hãy làm như vậy" (cf Lc 10,30-37).

Thực đơn "Hy Vọng" do một cựu tù nhân chuẩn bị, người đã ở trong một tình trạng tuyệt vọng, nói đúng hơn, còn hơn cả tuyệt vọng nữa: người ta tưởng tôi đã chết rồi. Dân chúng đã cử hành nhiều lễ cầu hồn cho tôi. Nhưng Thiên Chúa đã biết viết thẳng trrên những đường cong. Và những Thánh Lễ đó đã ban ơn cho tôi được sống thêm nhiều năm.

Ngày hôm nay, vào lúc bế mạc Tuần Tĩnh Tâm, tôi rất xúc động. Cách đây đúng 24 năm, ngày 18 tháng 3 năm 1976, áp lễ Thánh Giuse, tôi bị đưa từ nơi quản thúc ở Cây Vông, đến chỗ biệt giam nghiêm ngặt trong nhà tù Nha Trang, trại Phú Khánh.

Cách đây 24 năm, tôi không bao giờ ngờ rằng một ngày kia, chính vào ngày này, tôi kết thúc việc giảng thuyết Tuần Tĩnh Tâm tại Vatican.

Cách đây 24 năm, khi tôi cử hành Thánh Lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi không bao giờ tưởng tượng, ngày hôm nay Ðức Thánh Cha tặng cho tôi một chén lễ mạ vàng.

Cách đây 24 năm tôi không hề nghĩ rằng chính hôm nay, lễ Thánh Cả Giuse năm 2000, Ðức Giám Mục kế vị tôi lại thánh hiến chính nơi tôi bị quản thúc một nhà thờ đẹp nhất dâng kính Thánh Giuse tại Việt Nam.

Cách đây 24 năm, tôi không bao giờ ngờ rằng ngày hôm nay, khi vừa kết thúc Tuần Tĩnh Tâm, một vị Hồng Y giao cho tôi một món quà lớn để giúp cho những người nghèo tại giáo xứ ấy.

Thiên Chúa thật cao cả và Tình Thương của Ngài cũng cao cả!

Tôi hết lòng cám ơn Chúa Giêsu, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse.

Cám ơn Ðức Thánh Cha,

tất cả anh chị em rất thân mến,

và rất nhiều người trên thế giới đã cầu nguyện cho tôi, trong những ngày này, giống như trong cùng một nhà Tiệc Ly vĩ đại.

Và tôi thờ lạy sự hiển linh của lòng thương xót Chúa.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khuyến khích tôi xuất bản những bài suy niệm này. Tôi thiết nghĩ lá thư thủ bút của Ðức Thánh Cha là lời dẫn nhập cao đẹp nhất.

 

18 tháng 3 năm 2000

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

_________________________________________________________

 

ÐTGM Nguyễn Văn Thuận
về tuần tĩnh tâm cho giáo triều Rôma


Nội Dung Tóm Lược
Bài Giảng Khai Mạc của ÐTGM N.V. Thuận:


CHỨNG NHÂN HY VỌNG



(Vatican chiều ngày 12 tháng 3 năm 2000)
Bài Giảng Khai Mạc

Hy vọng là thách đố lớn nhất của thế giới ngày nay


Chỉ có tình yêu là điều chắc chắn

"Những ngày tĩnh tâm này là thời gian thuận tiện để tạ ơn Thiên Chúa vì tình thương xót của Ngài tồn tại đến muôn đời. Ngài nâng cao những người nhỏ bé bần cùng và đặt họ ngang hàng với hạng vua chúa. Thật vậy, chúng ta được Thiên Chúa chọn không phải vì tài trí hay công trạng của chúng ta, nhưng chỉ vì do lòng thương xót của Ngài. Thiên Chúa phán: "Ta yêu thương con đến muôn đời". Ðây chính là bảo đảm của chúng ta. Và đây cũng là niềm hảnh diện của chúng ta vì chúng ta ý thức một cách rõ rệt mình được chọn gọi là do tình yêu thương của Thiên Chúa."


Gia phả của Chúa Giêsu bao gồm cả những người tội lỗi và đàng điếm
Vấn đề tội lỗi và ân sủng. Nhìn lại danh sách các vua trong gia phả của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta chỉ tím thấy có hai vị giữ trung tín với Thiên Chúa. Ðó là Hezekiah va Jeroboam. Tất cả các vua còn lại, kẻ thì thờ ngẩu tượng, người thì sát nhân hoặc vô luân... Ngay cả vua David nổi danh cũng vừa thánh thiện vừa tội lỗi. Bằng những giọt nước mắt đắng cay chua xót, David đã tự thú tội ngoại tình và sát nhân của mình trong các Thánh Vịnh, nhất là Thánh Vịnh 51, nay trở thành lời nguyện thống hối được lập đi lập lại nhiều lần trong Phụng Vụ của Giáo Hội.

Ngay cả những người đàn bà trong gia phả của Chúa Giêsu cũng gây chấn động không kém. Tất cả đều ngoại lệ. Tamar là người tội lỗi. Rahab làm đĩ. Ruth là người ngoại kiều. Còn người đàn bà thứ tư, thánh sử Mathêô không dám nhắc đến tên. Nhưng chúng ta biết đó là bà Bethshaba, vợ của Uriah mà David đã ngoại tình.


Tội lỗi ca khen lòng thuơng xót của Thiên Chúa
"Tuy nhiên, dòng sông lịch sử ngập tràn tội lỗi đó trở thành nguồn nước tinh tuyền khi thời gian viên mãn cận kề. Thật vậy, nơi Ðức Maria, người Mẹ; nơi Ðức Giêsu, Dấng Cứu Thế, tất cả mọi thế hệ đều được cứu độ. Danh sách những người tội lỗi mà thánh sử Mathêô ghi lại trong gia phả của Chúa Giêsu Kitô không làm cho chúng ta xấu hổ khó chịu, trái lại, chính đó làm nổi bật mầu nhiệm lòng xót thương của Thiên Chúa. Hơn nữa, trong Tân Ước, chính Chú Giêsu cũng chọn những người xem ra bất xứng như Phêrô, kẻ chối Chúa 3 lần; như Phaolô, kẻ bắt bớ Ngài, để trở thành rường cột của Giáo Hội.

Khi viết sử, thông thường người ta chỉ kể lại những chiến công, những anh hùng hay vĩ nhân của dân tộc. Còn lịch sử của dân Chúa, sử gia không ngần ngại kể ra cả những khuyết điểm, tội lỗi của tiền nhân. Thật lạ lùng. Nhưng điều này làm nổi bật mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa đối với dân của Ngài."


Niềm hy vọng ngày nay
"Ý thức về sự yếu đuối của con người và tình yêu thương của Thiên Chúa là 2 yếu tố quan trọng của niềm hy vọng. Toàn bộ Cựu Ước đều hướng đến hy vọng: Thiên Chúa đến để thiết lập Vương Quốc của Ngài, đến để tái lập Giao Ước, đến để thành lập một Dân Mới, đến để xây dựng một Thành Giêrusalem Mới, đến để kiến tạo một Ðền Thờ Mới và đến để tái tạo thế giới. Với việc xuống thế làm người, triều đại Ngài đã đến giữa trần gian. Nhưng Chúa Giêsu cũng cho chúng ta biết triều đại này chưa được hoàn tất. Như hạt giống trong lòng đất, triều đại Ngài đang phát triển dần dần. Vì thế Giáo Hội của Ngài luôn lữ hành như những con người của hy vọng."

"Ngày nay, hy vọng có lẻ là thách đố lớn nhất. Charles Peguy thường nói: "Ðức tin mà tôi thích nhất là hy vọng. Ðúng vậy, bởi vì trong hy vọng, đức tin, được biểu lộ qua việc bác ái, mở ra con đường mới đi vào tận tâm hồn của con người. Ðức tin đó hướng người ta đến việc xây dựng một thế giới mới, một nền văn minh tình thương và dẫn đưa cả thế giới đến tận hưởng cuộc sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ðây chính là cách thế mà Chúa Giêsu đã thực hiện và truyền đạt trong Tin Mừng. Và đây cũng là ơn gọi của chúng ta. Như trong thời kỳ Cựu Ước và Tân Ước, Thiên Chúa tiếp tục hành động nơi những con người có tinh thần nghèo khó, nơi những kẻ khiêm nhường, và ngay nơi cả những người tội lỗi biết thật lòng thống hối trở về với Ngài."

_______________________________________________________

VATICAN, ngày 13 tháng 3 năm 2000


Chỉ có Chúa là nơi nương tựa chắc chắn của chúng ta
Kitô-hữu phải trao ban cho thế-giới niềm Hy-Vọng nầy.


Vào ngày thứ hai tuần lễ tĩnh-tâm của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô Ðệ Nhị và các cộng-sự-viên của Ngài thuộc Giáo-Triều Rôma, các bài suy-niệm đều được hướng về niềm "Hy-Vọng ở nơi Thiên-Chúa". Sống trong một thế-giới đầy dẫy mâu-thuẫn giữa tiến-bộ và thoái-hóa, Ðức Tổng Giám-Mục Phanxicô Xavie Nguyễn-Văn-Thuận là vị thuyết giảng người Việt đã nhấn mạnh rằng đời sống chỉ có ý nghĩa đích thực khi biết đặt niềm hy-vọng ở nơi Thiên-Chúa.

Xà lim không cửa sổ
"Trong chín năm biệt giam, có một thời gian tôi bị giam kín trong một xà lim không có cửa sổ. Ðôi khi đèn điện bật sáng ngày nầy qua ngày khác, có khi lại ở trong tối tăm tuần nầy sang tuần nọ, tôi cảm thấy ngột ngạt vì sức nóng và hơi ẩm. Tôi sắp bị điên lên. Lúc bấy giờ tôi là một giám-mục trẻ tuổi với tám năm kinh-nghiệm mục-vụ. Tôi không thể ngủ được. Tôi bị giày vò bởi ý nghĩ phải bỏ rơi giáo-phận, phải bỏ dở những công việc của Chúa. Tôi cảm thấy một sự phẫn-uất nổi lên trong tôi."


Chỉ có Chúa thôi
"Một đêm kia, tự trong thâm tâm vọng lên một tiếng nói như sau: "Tại sao con phải tự giày vò mình như thế? Con phải biết phân-biệt giữa Chúa và công việc của Chúa. Mọi việc con đã làm và còn muốn tiếp tục làm như thăm viếng mục-vụ, huấn-luyện chủng-sinh, tu-sĩ nam nữ, giáo-dân, thanh thiếu niên, xây cất học-đường, mở mang các thí-điểm truyền-giáo... đều rất tốt, nhưng đó chỉ là công việc của Chúa, chứ không phải là Chúa. Nếu Chúa muốn con rời bỏ những công việc đó và trao phó con trong tay Ngài thì con hãy tức khắc vâng theo và hoàn toàn tín thác nơi Ngài. Chúa sẽ giao việc của con cho những người khác có nhiều khả-năng hơn con. Con đã chọn Chúa, chứ không phải công việc của Chúa."

"Áng sáng đó đã cho tôi một sức mạnh mới giúp biến đổi hoàn toàn cách suy tư của tôi, và giúp tôi lướt thắng những khoảnh khắc mà xét về mặt thể lý thì không tài nào chịu đựng nổi. Từ đó, một sự an bình mới tràn ngập tâm hồn tôi và lưu lại nơi tôi suốt 13 năm tù đày. Tôi cảm thấy sự yếu hèn của con người mình, nhưng tôi luôn luôn nhắc lại điều đã quyết-định khi phải đối diện với nghịch-cảnh. Nhờ thế tôi không bao-giờ mất sự bình an. Chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa. Ðó là nền tảng của đời sống Kitô-hữu trong mọi lúc."

"Tôi hiểu được rằng, bất cứ lúc nào, cuộc đời tôi cũng là một chuỗi những quyết-định giữa Chúa và công-việc của Chúa. Một quyết-định luôn luôn đổi mới là một sự hoán-cải. Ðiều cám dỗ của dân Chúa luôn luôn ở chỗ không hoàn toàn tín thác nơi Ngài mà cố tìm kiếm sự nương tựa và an toàn ở nơi khác. Ðó là kinh-nghiệm đớn đau mà những khuôn mặt sáng giá như Môi-sen, Ða-vít, Sa-lô-môn... đã phải chịu đựng."

"Thánh-Kinh đã nói rõ ràng như thế. Ðó là kinh-nghiệm của các Thánh Tổ-Phụ, các Ngôn-Sứ và những Kitô-hữu đầu tiên. Theo như đoạn 11 Thư gởi tín-hữu Do-Thái, thành-ngữ 'bởi đức tin' xuất hiện 18 lần và thành-ngữ 'với đức tin' chỉ một lần." Ðó cũng là chìa khóa khi đọc hạnh vô số các thánh nam nữ suốt hai ngàn năm lịch-sử Kitô-giáo và họ đã thí mạng sống mình vì đạo. Trong những gương sáng đó, Ðức Maria là người nổi bật nhất. Mẹ là người phụ-nữ "đã chọn Chúa mà quên đi những dự tính riêng tư mặc dầu hoàn toàn không chút thông hiểu gì về mầu-nhiệm đang xảy ra trong cơ-thể của Mẹ cũng như định-mệnh đang an bài trên Mẹ."


Câu trả lời cho thế-giới ngày nay
"Chọn Chúa, chứ không phải công-việc của Chúa: đó là câu trả lời xác thực nhất cho thế-giới ngày nay, là hành-trình đưa đến kế-hoạch của Chúa được hoàn thành trong ta, trong Giáo-Hội, trong nhân-loại ngày nay. Có thể những kẻ chọn Chúa phải trải qua những khổ nạn, nhưng họ vui-vẻ chấp-nhận tiêu tan sản-nghiệp, vì họ biết rằng họ có những sản-nghiệp lớn lao hơn mà không ai có thể lấy khỏi họ được."

_________________________________________________________________

Vatican, ngày 14 tháng 3 năm 2000


Bí Quyết của sự Thánh Thiện:
Sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng


Hôm nay, tiếp-tục giảng thuyết Tĩnh-Tâm cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolồ Ðệ-Nhị và các cộng-sự-viên của Ngài ở trong Giáo-Triều Rôma, Ðức Tổng Giám-Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn-Văn-Thuận đã đề-cập đến sự "Phiêu Lưu của niềm Hy-Vọng."

"Sau khi bắt tôi vào tháng tám năm 1975, hai người công an đã dẫn tôi ban đêm đi từ Saigon ra Nha-Trang, một hành-trình dài 450 cây số. Như vậy là khởi đầu cuộc đời tù đày của tôi, không giờ giấc, không ngày đêm. Ở trong nước tôi có một thành-ngữ như sau: 'Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại' (nghĩa là: một ngày ở trong tù bằng ngàn năm ở ngoài tự-do). Chính tôi đã kinh-nghiệm điều đó. Khi ở trong tù, ai nấy đều chờ đợi được trả tự-do, từng ngày, từng phút. Ðầu óc tôi chồng chất những tâm-tư lẫn-lộn: buồn chán, sợ hãi, căng thẳng. Tôi cảm thấy cõi lòng tan nát vì sống xa cách tín-hữu của tôi. Trong đêm tối dày đặc nầy, ở giữa đại dương của khắc-khoải và ác mộng đó, dần dần tôi bắt đầu tĩnh thức: 'Tôi phải đương đầu với thực-tại. Tôi đang ở tù. Phải chăng đây là một cơ hội tốt để làm một điều gì hay? Và rồi đây, trong cuộc đời có bao lần tôi lại được một dịp tốt như thế này nữa? Ðiều chắc chắn trong đời là cái chết. Do đó, tôi phải lợi-dụng những cơ-hội xảy đến cho tôi mỗi ngày để chu-toàn những công-việc tầm thường hằng ngày một cách phi thường.'" (ÐHV số 818)

"Trong những đêm dài quẫn bách, tôi tự nhủ rằng sống giây phút hiện-tại là đường lối đơn-giản và chắc-chắn nhất để đạt tới sự thánh-thiện. Niềm xác-tín đó đã gây cảm-hứng cho lời cầu nguyện sau đây: "Lạy Chúa Giêsu, con sẽ không chờ đợi, con muốn sống giây phút hiện-tại cho tràn đầy tình thương. Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Ðường hy vọng do mỗi chấm hy vọng. Ðời hy vọng do mỗi phút hy vọng. (ÐHV số 977). Lạy Chúa Giêsu, cũng thế, Chúa đã luôn luôn làm hài lòng Ðức Chúa Cha. Mỗi phút giây, con muốn thưa cùng Chúa rằng: Lạy Chúa Giêsu, con kính mến Chúa, con thật sự luôn luôn làm lại với Chúa một giao-ước mới và vĩnh-cửu. Mỗi phút giây con muốn cùng toàn thể Giáo-Hội ca tụng Chúa: Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh-Thần..."


Sứ-điệp viết trên giấy lịch
"Trong những tháng kế tiếp, khi tôi bị quản-thúc ở làng Cây Vông, Nha Trang, ngày cũng như đêm, ở dưới sự canh chừng thường xuyên của công an, một tư-tưởng đã ám-ảnh tôi: 'giáo-dân mà tôi rất mến thương đã như một đàn chiên không có chủ chăn! Làm sao tôi có thể tiếp-xúc với giáo-dân của tôi, chính ngay lúc nầy đây, khi họ rất cần đến một mục-tử?' Các nhà sách Công-Giáo đã bị tịch-thu; trường học Công-Giáo bị đóng cửa; các giáo-viên, nam nữ tu-sĩ bị phân tán; một số đi nông-trường lao-động, số khác đi 'vùng kinh-tế mới'. Sự xa lìa giáo-dân là một cú "sốc" làm tan nát tim tôi".

"'Tôi sẽ không chờ đợi', Tôi tự nhủ như thế. 'Tôi sẽ sống giây phút hiện-tại, làm cho nó tràn đầy tình thương. Nhưng như thế nào?' Một đêm kia tôi chợt hiểu ra rằng: 'Phanxicô, rất đơn-giản, hãy làm như Thánh Phaolồ đã làm khi Ngài bị cầm tù: hãy viết thư cho các giáo-đoàn.' Hôm sau, vào tháng mười năm 1975, tôi ra hiệu gọi một cậu bé 5 tuổi tên Quang là một Kitô-hữu. 'Con về nói với má con mua cho ông mấy xấp lịch cũ.' Ngay hôm đó, vào lúc đêm tối, cậu bé Quang mang đến cho tôi mấy xấp lịch cũ và mỗi đêm trong các tháng mười và mười một năm 1975, tôi đã viết sứ-điệp cho giáo-hữu của tôi từ trong ngục tù. Mỗi buổi sáng, cậu bé đến lấy những mảnh giấy lịch tôi đã viết để mang về nhà. Rồi anh chị cậu chép lại những sứ-điệp đó. Thế là sách "Ðường Hy-Vọng" đã được viết ra. Hiện nay cuốn sách này đã được dịch ra 11 ngôn-ngữ khác nhau."

(Mặc dù Ðức Tổng Giám-Mục Nguyễn-Văn-Thuận đã không đề-cập tới, những suy tư của ngài đã được chuyền tay nhau giữa dân chúng. Và cuối cùng những sứ điêp đó đã rời khỏi nước cùng với các "Thuyền-Nhân" vượt biên.)


Con Ðường đưa đến sự Thánh-Thiện
"Khi ra khỏi nước, tôi đã nhận được một lá thư của Mẹ Têrêxa ở Calcutta với những lời lẽ sau đây: 'Ðiều đáng kể không phải là số lượng công-tác được hoàn thành, nhưng là mức-độ tình yêu mà ta để vào trong mỗi công-tác.' Kinh-nghiệm đó đã củng-cố trong tôi ý niệm là phải sống mỗi ngày, mỗi phút giây của cuộc đời ta như là phút giây cuối cùng; hãy dẹp bỏ những gì là phụ-thuộc; chỉ tập-trung vào những gì là chính yếu. Mỗi chữ, mỗi cử-chỉ, mỗi cú điện-thoại, mỗi quyết-định phải là những phút giây đẹp nhất đời ta. Chúng ta phải thương yêu mọi người, chúng ta phải tươi cười với mọi người mà đừng đánh mất một giây phút nào."

_______________________________________________________________


Vatican, ngày 15 tháng 3 năm 2000


"Lạy Cha, Lạy Cha, sao Cha bỏ con?"
Suy ngắm về Mầu-Nhiệm Thánh-Giá.


Thánh Phaolô viết:"Lần đầu tiên tôi phải tự bào chửa trước tòa, không ai ở bên cạnh tôi. Mọi người đã bỏ rơi tôi. Nhưng Chúa đã ở với tôi và tăng sức mạnh cho tôi, để rồi ngay trong hoàn-cảnh đó tôi có thể rao truyền sứ-điệp của Ngài." Với những lời đó của Thánh Phaolồ, Ðức Tổng Giám-Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn-Văn-Thuận đã bắt đầu ngày thứ tư của tuần lễ tĩnh-huấn cho Ðức Thánh Cha. Hôm nay, Ðức Tổng Giám-Mục đã suy ngắm Chúa Kitô trên Thập-Giá, lắng nghe từ tận đáy lòng mình tiếng kêu của Chúa Kitô: "Lạy Cha, lạy Cha, sao Chúa bỏ con?" "Sự bỏ rơi mà Thánh Phaolồ đã cảm-nghiệm, chính tôi cũng đã từng chứng-nghiệm suốt 13 năm giam cầm trong lao-tù. Nhiều khi tôi cảm thấy bị bỏ rơi, nhất là trong đêm 01 tháng mười hai năm 1975, khi tôi bị còng chung với một tù-nhân và cùng với các tù-nhân khác, chúng tôi được dẫn bộ từ trại giam xuống chiếc tàu thủy sẽ đưa chúng tôi ra miền Bắc, cách giáo-phận của tôi khoảng 1,700 cây số. Tôi cảm thấy thật đớn đau về phương-diện mục-vụ, tuy-nhiên, tôi có thể quả-quyết rằng Cha trên trời đã không bỏ rơi tôi, và Ngài đã cho tôi sức mạnh."

"Có thể tất cả chúng ta, ở vào những cảnh-ngộ khác nhau, đã hay đang trải qua những giờ phút bị bỏ rơi. Chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi khi chúng ta bị nhận chìm trong cô-đơn và cảm giác thất-bại; khi chúng ta cảm thấy gánh nặng của thân-phận làm người và tội-lỗi chúng ta. Chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi khi những sự hiểu lầm và bất trung khuynh-đảo những tương-giao huynh-đệ của chúng ta; khi chúng ta nghĩ rằng mình đang ở trong trạng-thái hổn loạn và tuyệt-vọng không có lối thoát; và khi chúng ta cảm nghiệm được những khổ đau của Giáo-Hội và của quảng-đại quần-chúng."

"Ðó là những 'đêm tối của tâm-hồn', vắn hay dài, đã làm tối sầm sự hiện-diện của Thiên-Chúa trong ta. Tuy-nhiên, Chúa vẫn ở gần ta và đã cho cuộc đời ta một ý-nghĩa. Trong những khoảnh khắc đó, cho dẫu niềm vui và sự yêu-thương đều xem như bị dập tắt, chính những lúc đó là khi chúng ta có thể hiểu tỏ-tường "mầu-nhiệm thập-giá."

"Các thánh cũng đã trải qua những đêm dài tuyệt-vọng, khi mà các ngài cảm thấy bị mọi sự và mọi người bỏ rơi. Tuy nhiên, là những người đã thực-sự lão-luyện về tình yêu của Chúa, họ không bao giờ ngại-ngùng bước theo con đường thánh-giá cho đến cùng, để mặc cho thánh-giá soi dẫn và tôi-luyện, cho dẫu phải trả giá bằng chính sinh-mạng của mình. Ðó là lề-luật Phúc-Âm: 'Nếu hạt giống gieo xuống đất mà không bị hủy-diệt thì còn lại trơ-trọi, nếu bị hủy-diệt thì sẽ sinh nhiều hoa trái.' Ðó cũng chính là lề-luật của Chúa Giêsu: cái chết của Ngài là trung-thực, nhưng sự sống sung-mãn tuôn tràn từ cái chết đó lại càng trung thực hơn nữa."

"Trong thư gởi cho Giáo-Ðoàn Philipphê, Thánh Phaolồ trình bày Ðức Kitô "bị tước bỏ thiên-tính của Ngài, nhận lấy 'thân phận tôi đòi' để 'nên giống con người' hoàn toàn. Ðó là hình ảnh của một Thiên-Chúa 'tự hủy-diệt', 'dốc bỏ' chính mình Ngài để tự hiến mạng sống mình vô điều-kiện, cho đến độ chết trên thập-tự-giá để gánh hết mọi tội lỗi của nhân loại, và cho đến độ mặc dầu là "Ðấng vô tội', 'Ðấng công-chính" Ngài đến trong trần-gian như một phàm-nhân tội-lỗi. Ðó là sự trao-đổi kỳ-diệu giữa Thiên-Chúa và con người, mà Thánh Augustinô mô tả như là cuộc "trao đổi tình yêu" và Thánh Lêo Cả gọi là "trao đổi cứu rổi."

"Ðức Kitô gánh lấy tội-lỗi nhân-loại nặng nề đến độ từ trên thập giá Ngài phải kêu lên cùng Chúa Cha: "Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con?" Ngài đã bị con người phản-bội, những người thân-thuộc của Ngài không còn ở với Ngài, và giờ đây Thiên-Chúa mà Ngài gọi là 'Cha' ('Abba'), cũng lặng thinh. Ðức Chúa Con cảm thấy sự trống vắng của Chúa Cha, Ngài mất hẳn niềm vui của sự hiện-diện Chúa Cha. Niềm xác quyết tuyệt đối sẽ không bao giờ bị bỏ rơi một mình, luôn luôn được Chúa Cha nghe đến, và luôn thực thi thánh ý Chúa Cha, đã khiến Ngài kêu lên lời khẩn-khoản bi-thiết trên đây."

"Ðó là tình-cảnh bị bỏ rơi thê thảm dễ nhận thấy nhất mà Chúa Giêsu đã kinh-nghiệm trong cuộc sống như Thánh Gioan Thánh-Giá đã mô tả. Như vậy Ðức Kitô đã bị hủy-diệt và hoàn-toàn trở thành số không. Và cũng như Thánh Gioan Thánh-Giá tiếp-tục giải-thích, chính khi Ngài bị bức bách, Ngài đã hoàn tất kỳ-công tuyệt-diệu nhất đối với tất cả những gì mà Ngài đã thực-hiện trong suốt cuộc đời trần-thế, đầy dẫy những phép lạ dấu kỳ. Với cái chết, Ngài đã hòa-giải và nối kết Thiên-Chúa với loài người. Ở trong tình yêu năng động diệu kỳ của Thiên-Chúa, mọi đau khổ của chúng ta đều được thâu nhặt và chuyển biến, mọi khoảng trống đều được lấp bằng, mọi tội-lỗi đều được cứu chuộc. Việc chúng ta bị bỏ rơi và khoảng cách giữa chúng ta với Thiên-Chúa đã được khỏa lấp đến tràn-trề."

_________________________________________________________________


Vatican, ngày 16 tháng 3 năm 2000


BÍ-TÍCH THÁNH-THỂ.

Cuộc tĩnh-tâm của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolồ Ðệ-Nhị được tiếp-tục hôm nay với sự suy-niệm về Bí-Tích Thánh-Thể. Cũng như những ngày trước đây, Ðức Tổng Giám-Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn-Văn-Thuận đã làm nổi bật những đích-điểm của cuộc tĩnh-tâm bằng những mẫu chuyện của chính đời ngài, nhất là phác họa từ 13 năm tù đày của ngài.

"Khi mới bị bắt ở tù vào năm 1975, một câu hỏi dằn vặt tâm-tư tôi: 'Làm sao tôi có thể dâng Thánh-Lễ được?? Thật vậy, khi tôi bị bắt, họ không cho tôi mang theo gì cả. Hôm sau, tôi được phép viết thư về nơi tôi bị bắt đi để yêu-cầu gởi những thứ cần-thiết như áo quần, thuốc đánh răng, vân vân... Trong đó tôi xin gởi cho tôi ít rượu thuốc đau bao-tử. Người được phép thăm nuôi tôi hiểu ngay lập-tức điều tôi muốn nói và đã gởi cho tôi một chai rượu nhỏ có dán nhản-hiệu "Thuốc đau bao-tử" cùng với vài mẫu bánh lễ được dấu trong một lọ chống ẩm."

Công-an đã hỏi tôi: "Ông bị đau bao-tử sao?"

"Vâng,"

"Ðây là thuốc của ông."

"Tôi chắc không bao giờ mình được vui sướng như thế. Mỗi ngày tôi dâng Thánh-Lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay tôi. Hằng ngày tôi có thể quì gối trước Thánh-Giá của Chúa Giêsu, uống với Ngài chén cay đắng nhất. Mỗi ngày, khi đọc lời truyền phép, tôi đã cam-kết với cả con tim và với hết tâm-hồn một giao-ước mới, một giao-ước vĩnh-cửu giữa Chúa Giêsu và tôi, hòa lẫn Máu Ngài với máu của tôi. Ðó là những Thánh-Lễ đẹp nhất trong đời tôi."

"Trong thời gian mới bị đưa ra Bắc, tập trung trong trại cải tạo, tôi được xếp vào một đội gồm 50 tù-nhân. Chúng tôi ngủ chung với nhau trong cùng một phòng. Mỗi người chỉ chiếm một khoảng 50 phân. Mỗi đêm chúng tôi dàn xếp để năm người Công-Giáo có thể nằm cạnh tôi. Ðèn tắt lúc 21 giờ 30 và mọi người đều ngủ. Trong giường, tôi đã dâng Thánh Lễ thuộc lòng và trao Mình Thánh Chúa bằng cách đưa tay dưới chiếc mùng muỗi. Chúng tôi đã làm những hộp nhỏ bằng bao giấy gói thuốc lá để đựng Mình Thánh Chúa. Tôi luôn luôn mang Mình Thánh Chúa Kitô trong túi áo của tôi."

"Từ khi có buổi học tập hằng tuần mà tất cả mọi đội 50 người của trại cải-tạo tham-dự, tôi lợi-dụng giờ nghỉ, và với sự trợ-giúp của các bạn-bè Công-Giáo, Mình Thánh Chúa được trao ban cho bốn đội tù-nhân kia. Tất cả đều biết rằng Chúa Giêsu đang ở giữa họ và Ngài chửa lành mọi đớn đau thể xác cũng như tâm thần. Ban đêm, các tù-nhân thay phiên nhau chầu Mình Thánh Chúa. Sự hiện-diện âm-thầm của Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể đã làm nên nhiều điều kỳ diệu: nhiều người Công-Giáo đã bắt đầu tin-tưởng trở lại một cách nhiệt tình. Và xác chứng của họ về sự phục-vụ và yêu-thương đã có một ảnh-hưởng lớn lao hơn bao giờ hết đối với các tù-nhân khác, ngay cả những anh em Phật-Giáo và ngoài Công-Giáo cũng tin theo. Sức mạnh của Chúa Giêsu vô phương đối kháng. Ðêm tối của lao-tù biến thành ánh sáng Phục-Sinh."

"Chúa Giêsu đã bắt đầu cuộc cách mạng trên thập giá. Cuộc cách mạng của văn-minh tình thương bắt nguồn từ Bí-Tích Thánh-Thể, và từ đó phát ra nguồn sinh-lực."

"Tôi muốn kết-thúc bằng một ước mơ mà trong đó Giáo-Triều Rôma là một tấm bánh thánh lớn, ở trung-tâm-điểm của Giáo-Hội như là một Nhà Tiệc Ly lớn. Tất cả chúng ta cũng giống như những hạt lúa mì phải được nghiền nát do những nhu-cầu cấp-bách của sự hiệp-thông để làm nên một thân-thể duy-nhất, liên-kết chặt-chẻ và hiến-dâng trọn-vẹn, như bánh hằng sống cho trần-thế, như một dấu-chỉ của niềm hy-vọng cho nhân-loại. Chỉ có một tấm bánh và chỉ có một thân-thể."


NHỮNG ẢNH HƯỞNG BẤT NGỜ


Năm nay là lần đầu tiên một vị thuyết giảng từ thế giới thứ ba được chọn giảng Tuần Tĩnh-Tâm cho Ðức Thánh Cha và các cộng-sự-viên của Ngài thuộc Giáo-Triều Rôma. Quyết-định của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolồ Ðệ-Nhị mời Ðức Tổng Giám-Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn-Văn-Thuận hướng-dẫn các bài suy-niệm đã hoàn-toàn đạt được mục-tiêu. Những bài suy-niệm Mùa Chay chưa bao giờ gây nhiều hứng-khởi như năm nầy, nhờ vị thiết giảng đã từng sống kinh nghiệm lao tù suốt 13 năm.

Những chia sẻ của Ðức Tổng Giám-Mục Nguyễn-Văn-Thuận không những chỉ giúp Ðức Thánh Cha và thành viên Giáo Triều Roma suy-tư mà còn lan rộng ra khắp thế giới. Ban bình-luận của ZENIT đã nhận được nhiều thư khen ngợi và cám ơn Ðức Tổng Giám-Mục về chiều sâu và giản-dị của các bài chia sẻ ngay từ ngày thứ hai của tuần tĩnh tâm.

Những thư yêu-cầu tái bản những bài suy-niệm đã đến từ nhiều nơi không ngờ trước, chẳng hạn như Oslo, Na Uy. Những tờ báo đời có tính cách thông-tin tổng-quát ở Nam Mỹ, Phi-Luật-Tân và Tây-Ban-Nha cũng đã ấn-hành một số bài suy-niệm. Ngay cả phản-ứng của chính những người được nghe Ðức Cha thuyết-giảng cũng không kém hào hứng. Ða số các vị đó là những Hồng-Y, Giám-Mục và cộng-sự-viên ở Giáo-Triều Rôma, đã hết sức chăm-chú theo dõi 22 bài suy-niệm của Ngài.

Những bài suy-niệm được mộ mến đặc-biệt bởi vì "đơn-giản nhưng sâu-sắc," tổng hợp một cách hài-hòa giữa "chiều-kích Thánh-Kinh, Giáo Phụ, thần học với kinh nghiệm cá-nhân" được truyền-đạt "không những bằng lời nói mà còn bằng cả con tim." Một trong số các Ðức Hồng Y tham dự chia sẻ: "Ðây là một cuộc nói chuyện về Phúc-Âm có tính cách đơn-giản. Thật là rõ-rệt, chúng ta phải đi theo phương cách nầy."

Ðức Tổng Giám-Mục đã xen kẻ vào những bài thuyết-giảng bằng những câu pha trò, một yếu-tố giúp thính-giả "hội-nhập" với những suy-tư của Ngài. Ðể trả lời cho một trong những cộng-sự-viên của Ðức Thánh-Cha đã biết rỏ nét độc-đáo của lối trình-bày, Ðức Cha Nguyễn-Văn-Thuận đã nói: "Nội-dung luôn luôn là một. Nhưng cách nấu nướng thì có tính cách Á-Ðông. Do vậy, vào năm 2000, thay vì dùng muỗng nỉa để ăn, chúng ta ăn bằng đôi đũa."


Phần Kết Luận:
Ðức Thánh Cha yêu-cầu Ðức Cha Thuận in các bài giảng thành sách
Vào cuối Tuần Tĩnh Tâm, Ðức Thánh Cha đã yêu-cầu Ðức Tổng Giám-Mục Nguyễn-Văn-Thuận viết lại thành sách những suy-tư đó để có thể giúp ích cho nhiều người." Ngoài ra, trước khi rời Tòa Thánh để đi hành hương Thánh-Ðịa, Ðức Thánh Cha đã gởi cho Ðức Tổng Giám-Mục một bức thư riêng, trong đó Ngài viết:

"Cha hy-vọng rằng trong Năm Ðại Thánh là thời-gian đặc-biệt để tỏ bày những chứng-nghiệm của những người đã khổ đau vì Ðức Tin, và đã can-trường trải qua nhiều năm tháng dài trong chốn lao-tù, thiếu-thốn đủ thứ. Ðức Cha đã chia-sẻ chứng-nghiệm đó cho chúng tôi với tâm tình nồng ấm và xúc động, chứng tỏ rằng trong đời sống mỗi cá-nhân, lòng thương xót khi trổi vượt lên trên mọi lý-luận nhân-sinh thì vô bờ bến, nhất là vào những lúc đớn đau tột độ. Ðức Cha đã liên-kết chúng tôi với những người ở những phần đất khác nhau trên thế-giới đang còn phải trả một giá rất cao cho Ðức Tin của họ ở nơi Ðức Kitô."

"Dựa vào Thánh-Kinh và giáo-huấn của các Giáo-Phụ, cũng như những kinh-nghiệm bản thân, nhất là trong những năm tù đày vì Ðức Kitô và Giáo-Hội của Ngài, Ðức Cha đã chứng-tỏ quyền-năng của Lời Chúa mà, đối với các môn-đệ, là sự kiên-cường trong Ðức Tin, là của ăn nuôi sống phần hồn và là một mùa xuân trong sáng và viên-mãn của đời sống tinh thần."


______________________________________________________________




Thông tấn xã Zenit
phỏng vấn ÐTGM Nguyễn Văn Thuận
về tuần tĩnh tâm cho giáo triều Rôma




Vatican 12/3/2000 - Vài hàng giới thiệu về thân thế của ÐTGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: Gia tộc của ÐTGM Nguyễn Văn Thuận đã bị bắt bớ kể từ năm 1698, khi một vị tổ-tiên của ngài, từng làm sứ thần nhà vua ở Trung-Quốc, vì chịu phép rửa tội, đã bị đuổi ra khỏi triều-đình và bị tịch-thu tài-sản.

Tháng tư năm 1975, Ðức Giáo-Hoàng Phaolồ Ðệ Lục bổ-nhiệm ngài làm Tổng Giám-Mục Phó Thành Phố Sài Gòn với quyền kế vị. Nhà nước cộng-sản đã gán cho việc bổ-nhiệm này là một âm mưu chính trị nên chỉ hơn ba tháng sau họ đã bỏ tù ngài ròng-rã 13 năm, trong đó 9 năm bị biệt giam. Khi được trả tự-do vào cuối tháng 11 năm 1988, Ngài được tạm trú tại Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, nhưng không được thi hành chức vụ Giám Mục. Ðến cuối năm 1991, ngài bị cưỡng bách rời khỏi Việt-Nam. Cho dù gặp bao-nhiêu khổ đau và, có thể vì lý-do đó mà Ðức Tổng Giám-Mục Nguyễn-Văn-Thuận là một chứng-nhân có một không hai về đức tin, hy-vọng và tha-thứ của Kitô-Hữu.


Chứng-nhân của Hy-Vọng


Bắt đầu hôm nay cho đến thứ bảy tới, Ðức Cha sẽ thuyết giảng TuầnTĩnh-Tâm cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolồ Ðệ Nhị và các cộng-sự-viên của Ngài trong Giáo-Triều Rôma. Ðề-tài của các bài suy-niệm là Hy-Vọng: "Hy-Vọng ở Chúa"," Hy-Vọng trực diện với Hy-Vọng", "Cuộc Phiêu Lưu và Niềm Vui của Hy-Vọng", ''Canh Tân và Con Người của Hy-Vọng," là những đề tài suy-niệm mà ngài đã chuẩn-bị cho tuần giảng phòng này. Vì thế không phải ngẫu-nhiên mà quyển sách đầu tiên Ðức Cha viết trong thời gian bị giam cầm đã được dịch ra 11 thứ tiếng và phổ-biến khắp thế-giới, mang tựa đề "Ðường Hy-Vọng."

Ðức Cha Thuận không bao giờ đánh mất niềm hy-vọng, ngay cả ngày 15 tháng tám năm 1975, khi ngài bị bắt đột ngột và di-chuyển ban đêm hoàn toàn bí mật, ra khỏi thành phố Saigon 450 cây số. Người bạn đồng-hành duy-nhất của ngài là tràng chuỗi Mân-Côi. Lúc bấy giờ, khi mọi sự đều bị đánh mất, ngài đã hoàn-toàn phó-thác vào sự Quan-Phòng của Chúa . Ðối với những bạn tù ngoài Kitô-Giáo, họ rất ngạc-nhiên tại sao ngài có thể giữ vững niềm hy-vọng như thế. Và ngài đã trả lời: "Tôi đã bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu là vì tôi yêu mến những khuyết điểm của Ngài."

Thật vậy, những "khuyết điểm" của Chúa Giêsu là một trong những đề-tài mà vị thuyết giảng cho Ðức Thánh Cha sẽ trình-bày trong tuần lễ tĩnh tâm này.


-Chúa Giêsu không có trí nhớ
Ðức Cha chia sẻ: "Trong cơn hấp-hối của Chúa trên thập-tự-giá, người ăn trộm xin Ngài nhớ đến anh ta khi Ngài trở về trong Thiên-Quốc của Ngài, nếu là tôi thì tôi sẽ trả lời như sau: 'Tôi sẽ không quên anh, nhưng anh phải đền tội anh ở trong Luyện-Ngục trước đã.' Ngược lại, Chúa Giêsu đã trả lời: "Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên Thiên-Ðàng." Ngài đã quên mất tội-lỗi của anh ta. Ðiều đó cũng đã xảy ra với bà Maria Mađalêna, và với Ðứa Con Hoang Ðàng. Chúa Giêsu không có trí nhớ nên Ngài tha-thứ cho mọi người."


-Chúa Giêsu không rành về Toán-Học và Luận Lý
"Chúa Giêsu không rành về toán-học. Ðiều đó đã được chứng-minh qua dụ-ngôn Người Mục-Tử Nhân-Lành. Người đó có một trăm con chiên, một con bị lạc mất và ông đã không ngần-ngại đi tìm kiếm con chiên lạc mất đó, để 99 con kia trong chuồng. Với Chúa Giêsu, một con chiên cũng có giá-trị như 99 con, và có thể còn hơn nữa."

"Ngoài ra, Chúa Giêsu không phải là một nhà lý luận tài giỏi. Một người đàn bà có mười đồng tiền, đánh mất một đồng và đã thắp đèn đi tìm. Khi bà ta tìm thấy thì kêu lối xóm và nói: "Hãy vui mầng với tôi, vì tôi tìm thấy đồng tiền đã mất." Có hợp lý không khi rầy rà bè bạn chỉ vì một đồng tiền và còn tổ chức một buổi liên-hoan vì đã tìm thấy đồng tiền đó?" Ðức Cha trầm ngâm suy nghĩ. và nói tiếp: "Hơn nữa, khi mời bạn bè để thiết tiệc, bà ta chắc đã chi phí nhiều hơn là đồng tiền được tìm lại. Thật ra, điều đó chỉ để chứng tỏ nỗi vui mầng của Thiên-Chúa đối với sự hoán-cải của chỉ một tội-nhân."


-Chúa Giêsu là người dám liều mà không có chút ý niệm về kinh tế
"Chúa Giêsu là người dám liều. Những ai muốn được sự tán trợ của người khác thì thường hứa hẹn nhiều điều, trong khi Chúa Giêsu lại hứa hẹn với các môn-đệ của Ngài bằng những kiện-cáo và bắt bớ. Nhưng rồi, suốt 2000 năm lịch-sử, người ta đã chứng-kiến vẫn có những kẻ dám liều lĩnh bước theo chân Chúa Giêsu."

Ðức Cha nói tiếp: "Chúa Giêsu không có một ý-niệm về tài-chánh hay kinh-tế. Trong dụ ngôn những người làm vườn nho, người chủ trả tiền lương như nhau cho người làm việc từ sáng sớm cũng như cho người bắt đầu làm trễ. Có phải Chúa đã nhầm lẫn khi tính sổ chăng? Hay là Chúa đã sai lầm? Không, Chúa làm như thế là có chủ-đích, bởi vì Chúa Giêsu yêu mến chúng ta không phải vì công-trạng của chúng ta. Tình yêu của Ngài thì nhưng không và vượt lên trên chúng ta một cách vô giới-hạn. Chúa Giêsu có "khuyết điểm" vì Ngài yêu thương. Tình yêu đích thực không lý-luận hay tính toán; tình yêu đó không có biên cương hay điều-kiện, không xây thành đắp lũy và không ghi khắc vào tâm khảm những lần bị xúc-phạm."
.....................