Yêu Thương Phục Vụ

Bảo Vệ Mái Ấm Gia Ðình

Rev. Hoàng Tiến Ðoàn, S.J.

 

Ai Phục Vụ Ai?

Một anh bạn tâm sự với tôi rằng, hồi anh và chị đưa nhau vào Nhà Thờ để thề nguyền sống chết bên nhau lúc vui cũng như khi buồn, lúc ốm đau cũng như khi mạnh khoẻ anh đã có một lòng tâm nguyện với lời hẹn ước với Ðức Mẹ, Ðấng đã làm rất nhiều phép lạ trong cuộc đời anh, và đặc biệt phép lạ lớn nhất: đó là dẹp tan mọi sóng gió bão táp cả hai bên gia đình để cho: anh lấy được nàng!

Chiều ngày lễ cưới, anh nghẹn ngào xúc động quỳ dưới bàn thờ Ðức Mẹ Từ Bi, lòng anh cảm thấy vui mừng và sung sướng, anh nguyện hứa với Ðức Mẹ suốt một đời anh sẽ sống khiêm nhượng và quyết tâm luôn luôn làm "người phục vụ tốt của Bà Xã", người thiếu nữ đoan trang khả ái, nết na và đạo hạnh mà Ðức Mẹ đã thương ban cho anh như người bạn đời chung bước với anh suốt cuộc sống. Anh vẫn tâm niệm những lời Chúa nói trong Phúc Âm như ánh sáng soi đường dẫn bước anh đi: "Ai muốn làm lớn thì phải trở nên như kẻ phục vụ"; "Không tình yêu nào quý hơn là tình yêu của kẻ biết hy sinh mạng sống cho người mình yêu!"; "Các con gọi Ta là Thầy là Chúa song Ta ở giữa các ngươi như người hầu hạ. Và này, Ta rửa chân cho các con thì các con cũng hãy rửa chân cho nhau như vậy".

Những Lời Chúa ấy, anh khắc ghi trong tim với tất cả tâm tình sốt mến và tạ ơn. Anh lập lại lời hứa ấy với Thánh Gia Thất, xin Gia Ðình Thánh là mẫu mực cuộc sống mới của anh, nhắc nhủ và thêm sức cho anh làm tròn nguyện ước.

 

Thế rồi, anh kể lại hơn một năm sau ngày cưới, vì phải đi làm ở xa, đến khi trở về đến nhà, anh gặp thấy một Con Vật Dị Dạng y như một Alien từ hành tinh nào đó: cả thân hình nó đỏ hỏn, và cứ ngó ngoáy lắc lư không lúc nào yên; chân nó co giật và vung ra liên hồi, còn tay nó thì luôn nắm chặt như khư khư giữ lấy cái gì quý lắm, thỉnh thoảng lại quơ lên như muốn đấm vào mặt ai; và đôi môi nó cứ trườn lên, trẹo xuống, thỉnh thoảng lại mím chặt; hai mắt nó nhắm tịt, lâu lâu hé ra ti hí để lộ ra hai con ngươi đen lánh sắc bén như biểu hiện một trí óc thông minh tuyệt đỉnh trong một cái đầu tròn ủng như quả dừa non lưa thưa dăm ba sợi lông. Anh rón rén lại gần để xem cho rõ hơn, thì một tràng âm thanh hỗn độn, rổn rảng không giống bất kỳ một thứ âm thanh nào ré lên từ đôi môi trẹo trọ uốn éo của nó. Anh hoảng hồn muốn bỏ chạy, thì có một bàn tay nhỏ đặt lên vai anh, thì ra bà xã đã đứng cạnh bên anh từ lúc nào. Nàng âu yếm nói với anh:

- Anh xem kìa, nó giống anh như đúc!

Anh điếng người, chết trân đứng nhìn! Cố gắng lắm, anh mới dằn được xúc động mà nói với vợ:

- Em muốn đặt tên cho nó là gì?

- Mình gọi tên nó là Tâm đi anh, tiếng Mỹ thì gọi là Tommy cho tiện!

Phải, chính cái thằng Tâm này, mà ông nội nó vẫn thường gọi là Tô-Mì, thật là đúng với cái tên của nó. Người đã tròn như cái cối xay rồi mà lúc nào cũng chỉ ăn với ngủ. Và anh bắt đầu khám phá ra rằng: từ nay anh không chỉ phục vụ riêng có một người, bây giờ lại thêm một nhân vật thứ ba nữa. Ðó là Tô-Mì mà anh gọi là Tí, mà vì nó, lắm khi anh đã phải chạy vắt giò lên cổ.

Chẳng hạn như mới hôm nào, đang xem Super Bowl trong TV đến phiên gay cấn khán giả đang hò reo ầm ĩ: "gô gô gô", anh cũng nắm tay trợn mắt: "gô gô gô" thì bà xã từ trong phòng tắm gọi ra:

- Anh ơi, kiếm cho cu Tí cái áo được không anh?

Anh ta nghĩ bụng: "được chớ, nhưng từ từ đợi một tí cho qua pha gay cấn này đã." Ðang chần chừ thì đã có tiếng cằn nhằn: "Người gì mà lúc nào cũng cứ dí mắt nhìn vào cái TV, không còn đụng chân tay vào bất cứ việc gì. Lớn lên đừng giống như thằng cha mày nghe con!" Nghe vợ càm ràm, nhìn lên ảnh Ðức Mẹ anh nhớ lại lời hứa, nên vội vàng chạy vào phòng ngủ chụp đại cái áo mỏng của thằng Tí trên giường đưa vào phòng tắm cho vợ:

- Áo thằng Tí đây em.

- Không phải áo này, mỏng dính như vậy con mặc vào lạnh chết. Lấy áo dầy màu xanh hình con thỏ trong ngăn tủ áo ấy.

Anh vừa chạy vào lại phòng ngủ vừa nhớn nhác cuống quýt kêu lên,

- Biết bao nhiêu là ngăn tủ mà, ngăn nào vậy em?

- Thì ngăn để quần áo con nít ấy.

Kiếm mãi mới tìm ra được, mừng quá lấy ra cho vợ thì chị lại nói luôn :

- Lấy thêm cho con cái tã nữa, anh!

Chẳng biết cái tã là gì, anh chạy vội vào phòng ngủ quơ đại cái khăn bông đưa đến cho vợ, liền bị cự ngay:

- Ðây là khăn bông, em đã bảo lấy cho cái tã cơ mà!

Anh thở dài thườn thượt,

- Tã là cái gì vậy, anh chưa thấy bao giờ?

- Ối giời ơi, cái mà tiếng Mỹ gọi là Diaper đó.

- À, giống như của mấy võ sĩ Sumô chứ gì, anh gọi nó là cái khố.

- Thì biết rồi, đi lấy đi còn đứng đó càm ràm nữa!

Anh lại phải chạy vào trong phòng ngủ lục lọi tìm mãi trong mấy thùng giấy mới kiếm được cái tã. Ðưa ra cho vợ xong, anh hớn hở mừng rỡ thầm nghĩ thế là xong bổn phận, nên vội nhẩy ra phòng Living Room đang định ngồi xuống thưởng thức tiếp màn Super Bowl gay cấn, thì có tiếng vợ cằn nhằn vang lên,

- Cái anh này, mới đứng đây mà đã biến đâu mất rồi. Anh ơi, lấy cho cái lọ dầu cho con được không, anh à? Cần bôi dầu cho con nó ấm, sợ bịnh.

Anh thở dài ngao ngán nghĩ bụng: "Ðược thì được chớ, nhưng mà trời đánh tránh lúc coi Football" Dù vậy, anh cũng thở dài thấp thểnh bước vào:

- Dầu để đâu vậy em?

- Ðể trên bàn phấn của em ấy, anh chả để ý cái gì cả! Cái gì cũng phải hỏi.

Bực bội, anh muốn gân cổ lên, nhưng anh đã quyết định những lúc như thế này phải hạ giọng xuống, đấy là nguyên tắc anh đã học được để bảo vệ mái ấm gia đình. "Khi bực muốn gân cổ lên thì phải lập tức hạ giọng xuống," nên anh cố gắng nói một câu hài hước:

- Dạ thưa cô, vâng!

Làm công tác phục vụ xong, anh cảm thấy mệt lử, không còn thấy hứng thú coi Football nữa. Chị vợ tắm và mặc quần áo cho con xong, bồng con ra nhà ngoài thấy mặt mũi anh chồng bơ phờ, thương hại, chị nói:

- Ðã bảo rồi mà anh không chịu nghe, lấy em thì chỉ có khổ thôi!

Nghe chị nói thế, anh cảm thấy mát ruột, bèn trả lời:

- Khổ vì yêu mà em! Không khổ làm sao biết yêu!

 

Cu Tí mới tắm xong nên vui vẻ toe toét nói cười, anh cảm thấy dạt dào thương con, xong cũng cảm thấy tấm tức vì nhiều lúc anh có cảm tưởng mình bị bỏ rơi. Trước khi có con, chị làm tất cả và dành mọi thì giờ cho anh. Bây giờ có con rồi, nhiều khi chị quên tuốt là có anh bên cạnh. Dường như chị hết sức chú tâm và dành hầu hết mọi thì giờ cho con. Nhiều đêm, chị nựng con, cho con bú, ôm hôn vuốt ve chiều chuộng, rồi ru con ngủ và ngủ luôn với nó, để anh chồng nằm khò khoeo chơ vơ một mình. Liếc nhìn thấy đứa con ngủ say sưa ngon lành trong vòng âu yếm tay của vợ, anh đưa mắt lừ đừ ấm ức nhìn con, "cái thằng mất nết, hư, quấy, khóc nhè! Không có mẹ ôm thì không chịu ngủ."

Một hôm, anh cười mủm mỉm thủ thỉ với vợ:

- Em ơi, từ khi nhà mình có thằng Tí, anh chỉ có mỗi một ước mơ!

- Ước mơ gì vậy anh?

- Ước chi anh cứ nhỏ mãi, nhỏ mãi, nhỏ đi mãi y như thằng cu Tí thì . . . sung sướng biết chường nào.

Chị ngớ ra một lúc, rồi cười ngỏn ngẻn thụi nhẹ anh một cái.

- Cái anh này kỳ cục! Ai lại đi ghen với con. Thôi từ nay lo cho con ngủ xong rồi, em sẽ lo cho anh nha!

- Nói chơi cho vui vậy thôi, lo cho con là hơn cả em à. Anh tự lo cho mình được rồi.

 

Nói thì nói thế thôi, chứ cái tâm nguyện làm "Người phục vụ tốt của bà xã" đã lắm khi challenged anh rất nhiều. Nhiều lúc anh cảm thấy chán ngán muốn bỏ cuộc vì mệt quá, lắm lúc anh muốn tránh né khi bà xã có ý nhờ cậy. Ðặc biệt, cái làm cho anh bực nhất là không biết ý của vợ như thế nào để làm cho đúng. Vì nhiều khi không làm thì không được, mà làm thì không biết có đúng ý vợ hay không, thật là rắc rối! Gần đây trong đám bạn nhậu, có anh sắp lấy vợ hỏi ý kiến về cuộc sống hôn nhân gia đình là gì, anh thở dài thườn thượt chép miệng:

- Hôn nhân ấy à! Thì à . . . nó giống y như là . . . cái Rest Room ấy."

- Cái gì kỳ cục dzậy cha? Bộ hối hận vì đã lấy vợ rồi hả?

- Này nhé: Hôn nhân nó y như là chỗ mà . . . kẻ bên ngoài thì thập thò muốn vào, kẻ bên trong lại nhấp nhỏm muốn ra. Vậy thì nó không giống như cái Rest Room thì còn giống cái gì?

Mấy anh nhậu nhìn anh cười hề hề:

- Thế, . . . bộ đằng ấy đang nhấp nhỏm muốn ra rồi hả?

- Muốn cũng chẳng được, bị ket� cứng trỏng rồi mấy ông ơi! Ðành chịu vậy thôi!

 

Cách đây ít lâu, anh khẳng định với tôi: "làm người phục vụ tốt của bà xã" mệt lắm chứ không phải chơi! Nói thì dễ lắm, nhưng làm thì khó vô cùng.

Và mới hôm nọ, trong một buổi đi du ngoạn đẹp trời với anh chị và đứa con nhỏ. Tôi gặp chị riêng một chỗ, và dùng lời nói khéo để tỏ bày tâm ý của anh cho chị nghe, thì chị giẫy nẩy lên:

- Thôi đi, hổng dám đâu! Ai phục vụ ai? Có em phục vụ ảnh thì có, ở đấy mà ảnh phục vụ em!

Rồi chị kể ra một thôi một hồi cả hàng trăm thứ việc mà ngày nào chị cũng phải làm để lo cho chồng, và lo cho ...

- "thằng con cưng của ảnh", thỉnh thoảng ảnh mới động chân động tay giúp cho dăm ba việc lặt vặt thì bầy đặt kể lể... phục vụ phục viếc.

 

Nghe những lời chị kể, tôi liên tưởng đến một ông bạn khác có vợ và ba đứa con. Vì các con còn nhỏ cả nên chị ở nhà coi con chỉ có một mình anh đi làm thôi. Anh vẫn tưởng rằng chị ở nhà coi con như vậy thì chắc là thảnh thơi hơn anh. Cho đến một hôm, anh phải ở nhà trông coi các con cho chị sang thăm bà mẹ già bệnh nặng bên tiểu bang Lousianna, anh mới hiểu được thế nào là tề gia nội trợ. Trước khi đi, chị trao cho anh một list danh sách những việc cần phải làm trong ngày:

- 6:30 sáng sớm thức dậy, sau khi rửa mặt đánh răng xong,

- 6:45 nấu ấm nước sôi (đổ đầy lên đến vòi) để chuẩn bị pha sữa cho con,

- 6:50 mở cửa, ra ngoài lấy báo vào, nếu không nước tưới cỏ sẽ xịt lên vào lúc 7 giờ sẽ làm cho báo ướt hết. Nếu là ngày Thứ Ba thì khi lấy báo, đem mấy thùng rác ra, cho xe đến đổ rác vào khoảng lúc 7 giờ.

- Ngay sau đó, lên phòng ngủ đánh thức thằng Tí, và con Ti dậy, nhưng phải giữ yên lặng để cho thằng cu Ri còn ngủ tiếp, vì nó hay ngủ trễ; nhất là vì còn bé phải được cho ngủ nhiều hơn. Giúp 2 đứa Tí, Ti gấp mền gối cho gọn gàng và xếp lại ngay ngắn trên đầu giường. Ðể ý nghe ấm nước rít lên thì phải xuống bếp tắt ngay, nếu không sẽ cháy ấm gây hỏa hoạn. Ðể nước đấy, khoảng 3 phút sau mới pha sữa, vì pha ngay nước nóng quá sữa không tốt. Pha luôn ba bình để tủ lạnh cho con ăn trong một ngày.

- 7 giờ giục hai đứa Tí, Ti rửa mặt cho lẹ, vì nhiều khi vào đến Bath Room rồi mà chúng nó vẫn còn ngồi ngủ tiếp trong đó. Pha nước ấm vừa phải cho con tắm. Chúng nó tự tắm lấy được vì em đã training chúng nó rồi, anh không phải lo. Nhưng phải lấy quần áo sạch của hai đứa nó trong phòng ngủ bỏ sẵn vào ngăn tủ cuối cùng trong phòng tắm, để tắm xong chúng nó tự thay quần áo lấy.

- 7:15 phút ra ngoài vườn mở cửa chuồng cho chó ra. Gọi chó vào trong Garage và lấy Food trên kệ gỗ bên hông Garage cho nó ăn. Lấy một chén nhỏ đã để sẵn ở đó thôi, đừng lấy nhiều quá, ăn không hết nó sẽ bới vung vãi lên làm dơ garage.

- 7:20 phút gọi thằng Tí, con Ti từ phòng tắm trên lầu xuống, lấy Seriô và đổ sữa tươi vào cho nó ăn. Ðể chúng nó tự chọn thích cái gì cho ăn cái đó. Nhưng chỉ cho mỗi đứa đầy một chép soup nhỏ thôi, nhiều quá ăn không hết, chúng nó bời lợp ra. Sau khi lấy Seriô, để xuống bàn nhỏ trong Living Room và mở TV chương trình "Baney" lên cho nó vừa ăn vừa xem để khỏi phá phách.

- 7:30 phút, lên phòng ngủ bế thằng Ri dậy.

Chỉ đọc đến đây thôi, anh ta đã cảm thấy toát mồ hôi. Ấy mới có một tiếng đồng hồ thôi đấy, biết bao nhiêu là việc. Nhìn nhật trình hằng ngày từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối chữ đặc kịt hơn 5 trang giấy, anh ta thấy choáng váng mặt mày: nào là tắm rửa cho thằng Cu Ri, đút cháo cho con, cho ăn thêm sữa, đưa hai đứa con đi học, đi chợ, nấu ăn những thức mấy đứa nhỏ thích, giặt giũ và xếp lại quần áo, bỏ vào ngăn tủ cho đúng chỗ, đến giờ đưa hai đứa con về, đẩy xe cho thằng cu Ri đi dạo neighborhood, đồng thời cũng giắt chó đi chơi luôn. Cả một ngày bận rộn liên tục không lúc nào ngừng nghỉ. Ðặc biệt, anh thấy bà xã của anh đã organize và tính toán các giờ giấc với các việc phải làm rất khít khao vào hợp lý không sai chệch chỗ nào được. Chẳng hạn sau khi bỏ nồi cơm lên, thì làm các món ăn, và trong khi đồ ăn đang được nấu chín thì dọn bàn ăn cho mấy đứa nhỏ, và gọi chúng nó ngồi sẵn vào đấy. Khi đồ ăn vừa chín thì cơm cũng chín tới và mấy đứa nhỏ cũng có đó luôn để cho chúng ăn. Phụ nữ biết tính toán và xếp đặt những cái chi ly vụn vặt rất khít khao, đâu ra đó. Thật là kỳ diệu. Lúc ấy anh ta mới cảm thấy phục bà xã của anh sát đất.

 

Vậy thì, "Ai Phục Vụ Ai?", trở lại với anh chàng muốn làm "người phục vụ tốt của bà xã" với cậu con trai tên Tô-Mì kia, anh ta phàn nàn rằng nhiều khi không biết ý vợ làm sao để biết có nên làm không và phải làm sao cho đúng vì cổ im ỉm không nói. Nếu có nói thì lại có vẻ như ra lệnh, hoặc trách móc, hoặc bực tức, hoặc giận dỗi làm cho anh quay cuồng, không biết làm sao cho phải. Nhiều khi, cách nói của chị làm cho cơn lười của anh nổi lên, anh muốn ỳ ra để mặc, chẳng muốn làm gì cả!

Tại sao lại có sự khó khăn rắc rối như vậy? Thực ra điều này nằm nơi sự bí ẩn trong bản tính người nữ, cũng như nơi sự ngây ngô trong tâm tính người nam. May thay, chính những cái bí ẩn và ngây ngô này khiến nhiều anh bị các chị vợ hay người yêu cắm cho cả hàng chục cái sừng trên đầu mà không biết; cũng như các chị, các cô biết rằng mình bị phỉnh, bị nịnh, bị cho đi máy bay giấy mà vẫn thích như thường.

 

Bản tính người phụ nữ khi yêu, họ tự nguyện dâng hiến, muốn cho đi, muốn trao dâng một cái gì đó. Trong nỗi thương yêu nồng nhiệt, họ tìm ra vô số những cách thức để tỏ lòng thương yêu cùng với sự âu yếm, sự lo lắng, sự săn sóc cách này cách khác. Với tình thương yêu nồng nàn lâng lâng trong trái tim, người phụ nữ rất tinh ý họ tự nguyện giúp đỡ ngay khi người yêu muốn mà không cần người này phải hỏi han hay kêu cầu gì cả. Chính vì thế, người phụ nữ nghĩ rằng: chồng hay người yêu của mình cũng đối sử lại với mình y như thế. Trong thế giới phụ nữ: "yêu là tự nguyện, tự giác không cần phải hỏi". Người phụ nữ luôn nghĩ rằng: "đã yêu là tự khắc phải biết, cần gì phải hỏi," có nghĩa là nếu người ấy yêu mình thật thì sẽ tự nguyện làm cho mình vui lòng, không cần phải hỏi. Vì đã phải hỏi, phải kêu cầu mới làm cho thì còn gì là yêu nữa. Ðối với người phụ nữ, không hỏi, không nhờ cậy mà làm theo điều mình mong muốn, như thế mới cho thấy là người ấy yêu mình thật. Nói khác đi, "không nói mà làm theo ý mình muốn" trở thành cái test để người phụ nữ thử xem, người kia có yêu mình thật hay không!

Tuy nhiên, điều này lại hoàn toàn không thể nào có (it doesn't work) trong thế giới của người nam. Thông thường, người nam chẳng bao giờ tự nguyện làm cái này hay giúp cái kia nếu không được nhờ cậy. Ðối với người nam được người nữ "nhờ cậy" đem lại cho mình sự thích thú và niềm hãnh diện, vì có cảm tưởng mình là kẻ được tin tưởng, được trông cậy. Người nam cảm thấy rất "nervous" khi mình phải làm cái gì đó mà không được người nữ trực tiếp hay gián tiếp nhờ cậy. Vì nghĩ rằng không biết mình có nên làm không, và có làm đúng ý theo cách người ấy muốn không?

Thông thường thì vợ chăm lo việc này việc kia cho chồng, và mong chồng cũng biết đáp ứng lại điều mình muốn. Nhưng thấy chồng cứ tà tà chả quan tâm gì, làm chị phát bực, và đến lúc phải nói lên sự mong muốn của mình, thì thường lời chị phát biểu có vẻ găy gắt, bực bội, hay hờn dỗi, hoặc ra lệnh khiến cho anh, thay vì hăng hái làm hết sức mình, thì lại làm chiếu lệ, qua loa cho xong để khỏi bị mè nheo phiền phức. Thường thì, chồng thấy vợ không nói gì tưởng chị không cần giúp, hơn nữa, anh không biết phải giúp gì và giúp thế nào cho chị vui lòng nên cứ tỉnh bơ bình thản.

 

Ngày nay, ngoài công việc làm bên ngoài để phụ giúp tài chánh trong gia đình, các chị còn phải làm thêm cả công việc nội trợ, mà hầu như phụ nữ nào cũng tự coi là việc của mình: Ði chợ, nấu nướng, giặt giũ, lo cho các con. Xin các anh lưu ý khi các chị không nói gì không có nghĩa là các chị không cần giúp mà trái lại các chị đang trông mong và chờ đợi các anh giúp. Xin cứ hỏi cho biết cần giúp gì và giúp thế nào.

Mặt khác, xin các chị đừng assume (giả định) rằng các anh cũng giống như các chị, đoán biết điều cần làm và tự ý làm mà không cần được bảo cho biết. Các anh chỉ làm khi được nhờ cậy; và thực ra, các anh thích được các chị nhờ cậy lắm. Các anh cũng muốn "make sure" ý các chị ra sao để các anh biết cách làm cho các chị. Vậy, xin các chị cứ nói ra vui vẻ, tự nhiên và đơn sơ chân tình, đừng nói ra vì ấm ức chờ hoài nên đành phải nói, và cũng đừng nói lời yêu cầu một cách sự rụt rè, nghi ngại. Xin các chị nhớ lại khi mới quen nhau, các chị nhờ gì các anh cũng làm hết mình, làm cho đến khi các chị mãn nguyện mới thôi. Các anh đã làm các việc ấy một cách rất tự hào, vui vẻ và hãnh diện. Tôi thiết nghĩ, các anh vẫn muốn tiếp tục làm như vậy, tuỳ vào cách các chị có biết nhờ cậy và khích lệ để giúp các anh trở nên người phục vụ tốt hay không.

 

Giúp bằng cách nào? Bằng cách nói, cử chỉ và đừng quên, bằng cả phần thưởng nữa giống như trước ngày cưới các chị đã đối xử với các anh. Tôi xin đề nghị với các chị vài cách nói sau đây, hy vọng giúp các chị đánh trúng tim đen (nghĩa là đáp ứng đúng điều các anh mong mỏi) và làm cho các anh không từ chối được.

- Xin hãy nói vắn gọn, dịu dàng, thẳng thắn với tất cả lòng tin cậy, chứ đừng nói vòng vo, hay giải thích với đủ mọi thứ lý do linh tinh, cũng đừng nói một cách rụt rè, hay nghi ngại. Xin hãy nói với sự tin cậy chân thành, và sẵn sàng chấp nhận nghe các anh say: "NO" ngay lúc ấy, nhưng có lẽ sẽ làm theo vào lúc khác. Ðừng nhờ cái việc biết rõ anh sắp làm. Vì như thế anh sẽ cụt hứng, khựng lại không muốn làm nữa. Ðặc biệt, tuyệt đối đừng ra lệnh, vì cơn tự ái các anh sẽ nổi lên, có cảm tưởng là bị vợ sai bảo, nên họ sẽ không làm hoặc làm khác ý các chị. Ðặc biệt quan trọng, xin đừng quên cho các anh TIP sau khi họ làm được việc. TIP đây là phần thưởng của các chị, đó là lời nói cám ơn ngọt ngào, hay một ly đá chanh thơm mát, hay một cái hôn, một chai bia với cái nhìn âu yếm. Tất cả sẽ khích lệ, giúp các anh dễ dàng trở nên người phục vụ tốt.

 

Sau đây là một vài ví dụ đơn sơ để các chị hiểu hơn thế nào là những lời yêu cầu vắn gọn, dịu dàng, thẳng thắn với tất cả lòng tin cậy:

Tôi lấy một ví dụ như câu chuyện đã kể trên kia, chị vợ nói: "Lấy cho thằng Tí cái áo được không anh" thì lập tức, anh chàng chần chừ không muốn lấy ngay, và trong trí anh hiện lên biện luận này: "lấy thì được chứ, tại sao không? Nhưng không phải ngay lúc này vì football đang gay cấn". Tại vì cách nói của chị có vẻ rụt rè, không tin chắc là anh sẽ làm cho mình. Nhưng nếu chị kêu lên như thế này: "Anh, lấy cho thằng cu Tí cái áo." thì lập tức có lẽ anh ta sẽ phản ứng lại như thế này: "em không lấy được à, cần gì phải gọi đến anh!" Tuy nhiên, nếu chị nói: "lấy dùm em cái áo cho thằng Tí đi anh." Thì chắc hẳn anh sẽ vui vẻ làm ngay, không chần chừ biện bác hay kháng cự gì cả.

Câu sau chị nói: "lấy dùm cái lọ dầu cho con được không anh à!" thì lập tức cơn lười và tật mê football trong anh nổi lên ngay với ý nghĩ thế này: "Lấy thì được chứ, nhưng sao em không đưa con vào trong phòng mà sức dầu cho nó." Dĩ nhiên, suy nghĩ như thế, anh chần chừ không muốn đứng lên đi lấy dầu cho con. Nhưng nếu chị ta bảo anh: "Anh, dầu trên bàn cầm lại đây cho em." thì anh phản pháo lại liền, "chuyện đó, em cũng làm được mà!" Tuy nhiên, nếu chị nói: "Anh ơi, lấy dùm em lọ dầu trên bàn cho con đi." thì anh khó có thể từ chối và vui vẻ làm ngay. Xin đan cử vài ví dụ khác:

 

 

Lựa Lời Mà Nói Cho Vừa Lòng Nhau

 

Khi chị nói:

anh sẽ hiểu (hoặc có ý kiến như sau) và kết cục: Không làm gì cả !

Vậy, chị nên nói:

Mấy đứa nhỏ cần được đi đón mà em không có giờ rảnh rỗi.

thì cậu với dì nó sao không nhờ, vì đây cũng bận lắm, chứ có rỗi hơi đâu!

Ðón mấy đứa nhỏ về cho em nha.

Ðồ vật đi chợ về, hãy còn đầy ngoài xe kìa!

thì cứ từ từ để đấy, tí nữa mang vào có sao, làm gì mà cuống lên thế. (Rút cục anh ta không mang vào)!

Mang đồ vật vào dùm cho đi anh.

Vườn tược gì mà dơ dáy, lôi thôi bẩn thỉu quá.

sao anh lười thế, chả chịu dọn dẹp gì cả. Có chịu giúp cho người ta được một tí không hả?

Giúp em dọn sạch vườn sau nhà đi

Thư đâu, hôm nay chưa thấy thư từ gì cả?

Anh quên mang thư vào à? Chỉ có việc đem thư vào mà cũng quên!

Anh mang thư vào dùm em.

Hôm nay chả muốn nấu nướng gì cả.

Thế thì order Pizza, hay cái gì bậy bạ đó ăn cũng được mà.

Tối nay, tụi mình ra ngoài ăn đi anh.

Chẳng còn tay nào mà làm nữa (vì chị đang rửa ráy nồi niêu xong chảo).

Cứ từ từ, ăn xong phải nghỉ ngơi đã chứ, làm gì mà phải hấp tấp thế. (rốt cục anh ngồi giạng chân đọc báo chả làm gì cả).

Dọn bàn giúp cho em đi anh.

 

Vậy các chị đừng nghĩ các anh giống như các chị, chỉ cần nói ý xa xa là các anh hiểu và làm cho. Xin cũng đừng bao giờ nói: "Anh có thể," hay "anh có làm được không". Những lời ấy làm cho óc hay lý sự và biện bác của đàn ông nổi lên, làm cho các anh chần chờ không muốn làm ngay, và có thể bỏ qua luôn. Các chị cứ đi thẳng vào vấn đề, nói rõ ràng, vắn gọn, không cần giải thích dài giòng lôi thôi, và lời nói cần gói ghém sự nhờ cậy và tin tưởng. Ðàn ông phản ứng bằng lý trí và suy luận chứ không phải bằng trực giác và tình cảm, nên các anh không có trực giác nhậy bén và linh cảm sâu sắc như các chị để biết cách làm hài lòng người khác mà không cần phải nói đâu.

Sự tin cẩn nhờ cậy của các chị thường làm cho các anh hãnh diện; có khi các anh không làm ngay điều các chị nhờ, không phải vì "lazy" muốn thoái thác việc nhà, nhưng vì đầu óc đàn ông hay lý sự và cái gì cũng muốn phải được minh bạch rõ ràng. 

Xin các anh chị cùng hợp ý cầu nguyện, để chúng ta, nhất là các anh chị: là vợ, là chồng hiểu được những khác biệt của nhau để dễ dàng cảm thông, yêu thương và biết phục vụ lẫn nhau hơn trong cuộc sống hằng ngày.

 

"Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra những khác biệt của nhau để tôn trọng, đón nhận và thương yêu nhau hơn. Xin giúp chúng con biết phục vụ lẫn nhau và cùng nhau xây dựng một gia đình ấm cúng, hạnh phúc, tràn đầy tình yêu Chúa. Amen".

 

Tìm Lại Cái Hay Ban Ðầu

 

Tôi có quen một cô vẫn thường coi tôi như anh thiêng liêng để "tâm sự" mỗi khi "đụng chuyện gì", trước cũng như sau khi lập gia đình. Trước ngày cưới, cô ta tâm sự với tôi:

- Em biết ngay, . . . chắc là anh ngạc nhiên lắm, phải không? Khi thấy em OK anh chàng này. Như anh biết, em có nhiều bạn trai trong đó có vài chàng dễ thương, nhưng em chỉ thương có anh này thôi. Em cũng không hiểu tại sao em thương anh ta, mặc dù ảnh hơn em tới cả 15 tuổi và cũng chẳng đẹp trai gì.

- Anh nghe nói ông này, ý sorry, anh này chứ, chiều em lắm có phải không? Dù sao đây cũng là đức tính tốt của những người đã có tuổi!!!

- Chiều em? Ðúng, nhưng không phải vì chiều, mà em ưng đâu! Có mấy anh chàng khác cũng chiều em lắm chứ. Em nghĩ chắc là tại vì anh ta có những đức tính quí mà em không tìm thấy nơi những người khác. Anh biết không, anh này tính tình cẩn thận lắm. Lái xe không bao giờ vượt quá tốc độ. Làm cái gì cũng thận trọng lắm cơ! Em chưa thấy anh ta hấp tấp bộp chộp bao giờ. Thật là rất hợp với em!

- Chậc chậc, . . ái cha . . . dữ hôn? Trúng tủ cô nương rồi . . . !

- Ðừng ồn ào, để em kể cho nghe: Anh biết không, nhà anh ta lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng. Lần đầu đến, em tưởng nhà trống trơn không có sự gì. Nhưng hỏi ra thì cái gì cũng có, và thứ nào để ra thứ đó trong ngăn tủ gọn gàng sạch sẽ. Chén bát em mới ăn xong chưa kịp rửa, còn đang nói chuyện và quay qua quay lại đã thấy anh ta rửa xong và đang cất đi rồi. Lấy anh này, em nghĩ đỡ phải mệt dọn dẹp nhà cửa. Chứ ở với bố mẹ, nhiều khi em phát bực cả lên, nhất là đối với thằng út, chưa dọn xong cái này nó đã bày cái khác ra rồi. Và chưa bao giờ em dám bước chân vào trong phòng nó. Thật là một ổ rác, dơ dáy quá sức. Giầy dớ, áo lót, quần xì vứt lung tung bừa bãi ở lối đi, gầm giường lẫn lộn với sách báo, băng nhạc. Ðược như anh này, chắc cả trăm người mới có vài ba người.

- Nói làm gì, cả ngàn người anh nghĩ chưa biết có kiếm được một, hai người không?

Cô ta vênh mặt lên rất tự hào:

- Ðấy nhá, có phải thế không anh? Em nghĩ rằng em đã chọn đúng người. Anh biết không, đi shopping với em, cái gì anh ấy cũng đòi trả tiền. Khi trả thì anh ta cẩn thận xem cho kỹ có phải là tờ 1 đồng, 10 đồng hay 100, và đếm lại, rồi còn lật qua xem mặt bên kia nữa. Thấy em phì cười, thì anh ta bảo là sợ 2 tờ nó dính nhau. Nhưng dù sao, tính tình cẩn thận như thế rất hợp với em. Em nghĩ rằng chính điều này làm cho em thương anh ấy.

- Hợp tính hay không chỉ là một chuyện. Cái quan trọng là quả tim của em đã nhúc nhích rồi. Cái đấy mới thành vấn đề. Anh thành thật chúc chúc mừng em đã tìm được người lý tưởng. Cảm tạ Chúa cho em và cho cả ba mẹ em nữa. Anh thấy cậu mợ lo quá sức vì thấy em có nhiều boy friends! Mợ thường than thở với anh mỗi khi nhắc đến em: "ngày lắm mối, tối nằm không!"

 

Thế rồi, . . . tháng ngày qua đi, bây giờ anh chị đã ở với nhau được hơn 10 năm và đã có với nhau ba tí nhau. Bây giờ gặp lại cô em, tôi thấy cô ta thở dài thườn thượt:

- Chán quá sức, anh ơi! Em không thể tưởng tượng được?

Tôi liền hỏi: "Có chuyện gì vậy em?" Thế là, cô ta tuôn ngay ra một tràng dài:

- Anh biết không, làm cái gì ảnh cũng chậm rì, sốt ruột, bực cả mình. Nhiều khi em đến lễ trễ là bởi vì cái ông nội kia kìa, cứ lái xe cứ rù rà rù rì. Bao nhiêu người lái xe lách qua lane, vượt qua mặt, và nhất là đã giờ lễ rồi mà vẫn cứ lái xe chạy rề rà. Tức quá, em đã bảo ảnh từ giờ nếu không cho tôi lái, tôi sẽ không bao giờ đi lễ chung với ông nữa. Cho nên mới chịu để cho em lái đấy. Rồi chiều nào, mỗi khi đi làm về đến nhà, là ảnh lấy máy hút bụt ra hút khua náo ầm ĩ, và xông ra cái mùi hôi hám. Anh thấy không, nhà em đâu có dơ dáy gì đâu, không hút bụi cả tuần lễ cũng còn được cơ mà. Mấy đứa nhỏ vất đồ chơi bừa bãi, dọn cho được một tí thì nhăn nhó càu nhàu. Em nhớ, anh thường dặn tụi em phải luôn cố gắng "get better communication" với nhau. Nhưng với ông này thì có bao giờ chịu mở miệng ra đâu mà có "better communication". Này nhá, ăn cơm xong, hai đứa vừa ngồi xuống coi ti vi một tí thì ảnh đã gãi đầu gãi tai: "em ngồi đây nhé, anh phải đi coi vườn một tí!" Vườn thì có gì đâu mà phải coi, nó cũng giống như hôm qua, và như hôm kia và cũng như tuần trước. Thế rồi đủng đỉnh ra đứng góc vườn ngó bụi cây này một tí, rồi lại khệnh khạng đi ra ngó góc vườn kia một tí, nhổ vài cọng cỏ ở chỗ này, vặt vài lá rau ở chỗ kia. Nhìn thấy mà bực cả mình. Chưa bao giờ ảnh ngồi nói chuyện với em lâu đến 10 phút, lúc nào cũng táy máy tìm việc gì đó để làm. Anh biết không có lần bị "lay off" ở nhà gần hai tháng. Cả ngày sáng chiều cứ lấy xe ra lau đi lau lại, lau đến nỗi chiếc xe mất nước bóng cũ mèm. Chẳng bù với chiếc xe kia của ông hàng xóm, mua cùng một đời, một lượt mà xe ông ấy vẫn láng bóng. Tại vì cái xe này bị lau nhiều quá đấy mà!

- Nhưng mà em à, anh nhớ, . . . trước ngày cưới, em đã nói chọn được anh này rất hợp tính em, vì cẩn thận ngăn nắp, nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng sạch sẽ.

- Nhưng cẩn thận quá lại hoá ra lẩn thẩn, ấm ớ, phát bực cả lên!

 

Thưa quí anh chị, làm cách nào giải quyết được tình trạng này? Chính cái đặc nét cuả anh chàng ngày trước làm cho cô ta mê, thì bây giờ lại làm cho cô ta chán. Thành ra khi nói chuyện với nhau, anh chị lúc nào cũng có vẻ cau có, gắt gỏng. Tôi chợt nhớ lại một câu danh ngôn, mà hôm nào có ai đó gửi cho tôi qua email, câu ấy như thế này: "A woman marries a man expecting he will change, but he doesn't. A man marries a woman expecting that she won't change but she does." Thoáng nhìn qua và nghe câu chuyện trên đây, chúng ta thấy câu trên có vẻ chí lý. Nhưng xét kỹ hơn, chúng ta thấy có đúng, nhưng cũng có sai. Ðúng theo cái nhìn của anh: anh chàng nghĩ rằng mình trước sau vẫn thế, có thay đổi gì đâu! Nếu có thì chỉ là cần phải kỹ lưỡng hơn, thận trọng hơn vì mình có trách nhiệm lo cho gia đình; cái người đã thay đổi chính là cô nương này, và cô ta muốn tôi cũng phải thay đổi theo ý thích của cổ. Tuy nhiên câu trên này lại sai bét dưới cái nhìn của chị. Chị nói: "he is getting worse, he đã trở thành một con người ấm ớ, lẩn thẩn, dở hơi không còn dễ thương như ngày xưa nữa!" Mình mà biết trước như vậy thì đâu có dại gì mà vác cái cục nợ này vào thân cho mệt!

Rốt cuộc, cái hay ban đầu lại trở thành cái dở! Lý do, vì cái đó không còn đáp ứng được nguyện vọng cuả người kia nữa. Như vậy cái hay hoặc cái dở tự nó không phải là hay, là dở; nhưng chính là vì nó có đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người kia hay không! Mà nhu cầu và nguyện vọng của con người thì thay đổi tuỳ nơi, tuỳ lúc và nhất là tuỳ hoàn cảnh và tâm tính mỗi người. Vậy làm sao giữ được cái hay để vẫn cứ hay mãi. Chắc chắn, đây không phải là điều đơn giản, vì là nam nữ chúng ta khác biệt từ tâm lý, suy nghĩ cho đến cách thức biểu lộ cảm xúc về nhu cầu và nguyện vọng của mình.

Thực ra, sự khác biệt nam nữ dựa trên chính bản chất con người: Người phụ nữ thường phản ứng theo cảm tính, trực giác và thường dùng ngôn ngữ hay cử chỉ của mình để tô đậm lên, để biểu lộ cảm xúc hay ước muốn của mình. Và tuỳ theo mức độ tình thân của mình với người kia, mà cách thức biểu lộ có mức độ nhanh chóng, vắn tắt, gọn gàng và nói lên cực điểm ước muốn của mình nhiều hay ít. Chẳng hạn khi anh chị mới lấy nhau, thì chị thủ thỉ với anh như thế này: "Em thích tụi mình ra ngoài đi đâu đó với nhau. Em thương những giây phút đó thật tuyệt vời, khi mà . . . tụi mình có nhau, cùng đi chơi với nhau. Hay là tụi mình đi ăn tối, hoặc đi coi xi-nê đi anh? What do you think?" Sống với nhau được vài năm rồi, đã có tình thân với nhau rồi, chị chọn một cách nói nhanh chóng, vắn tắt và gọn gàng, để thông truyền cùng một ý muốn với lòng ao ước như thế. Nhưng chị không muốn mất nhiều thì giờ với những ngôn ngữ dài dòng, lòng thòng vô ích như trên. Chị nói vắn tắt thế này: "Tụi mình chẳng bao giờ ra ngoài cả!" Phải chăng chị đã thay đổi, không còn ý nhị, duyên dáng như trước nữa! Không phải thế, chị vẫn ý nhị và duyên dáng như thế có khi còn hơn thế nữa đối với những người chị mới quen, mới gặp. Nhưng với người đã có tình thân sâu đậm rồi thì chị dùng cách thức vắn tắt, gọn gàng để truyền đạt ý muốn mình mà thôi. Vì không hiểu được như thế, khi nghe chị nàng nói: "Tụi mình chẳng bao giờ ra ngoài cả." anh chàng nổi quặu lên và phản ứng lại thế này: "Ơ, cái tính em hay quên nhỉ, tụi mình mới đi ra ngoài ăn tối với nhau tháng trước!" Hoặc nếu cố gắng cầm mình không nói gì "cho yên cửa yên nhà!", thì anh chàng cũng lầm bầm nghĩ trong bụng rằng chắc hẳn bà xã muốn nói thế này: "Lúc nào anh cũng chỉ biết lúi húi, cặm cụi trong nhà, chẳng biết đưa vợ con ra ngoài enjoy cái gì cả. You are not doing your job to take care of your wife and your family. You are lazy and just boring!"

 

Trong một quyển sách nhan đề, "MEN ARE FROM MARS, WOMEN ARE FROM VENUS" (Ðàn ông từ Sao Hoả, Ðàn Bà từ Sao Kim: lấy ý nghĩa từ một thần thoại Hy Lạp: Sao Hoả là thế giới các dũng sĩ, nơi có các tráng sĩ dũng cảm uy hùng; Sao Kim là thế giới những người đẹp, nơi có các tiên nữ sắc đẹp mê hồn) tiến sĩ tâm lý gia đình, John Gray nói như thế này: "Once upon a time Martians and Venusians met, fell in love, and had happy relationships together because they respected and accepted their differences. Then they came to earth and amnesia set in: They forgot they were from different planets." Tôi xin được phép phỏng dịch như sau: "Ðã một thời, Dũng Sĩ (người Hoả Tinh) và Tiên Nữ (người Kim Tinh) gặp nhau, họ thương nhau và có với nhau tình thân thật tuyệt vời vì họ tôn trọng và chấp nhận những khác biệt của nhau. Thế rồi, họ đưa nhau xuống Quả Ðịa Cầu xây dựng tổ ấm, và họ bắt đầu quên: Họ quên đi rằng họ đã đến từ hai hành tinh khác biệt."

Ðấy, chính cái "quên đi" đã thỉnh thoảng lại gây nên tấn bi kịch sảy ra trong đời sống gia đình của quí anh chị. Vì anh, vì chị là nam, là nữ giống như những Martians và Venusians đến từ hai hành tinh khác biệt. Cho nên, mặc dù anh chị nói cùng một ngôn ngữ, nhưng vì suy nghĩ và tâm tư khác nhau, nên những nhu cầu và nguyện vọng của mỗi người thường đã không được biểu lộ trọn vẹn, cũng như không được hiểu chính xác và đúng mức nên thường gây ra hiểu lầm và xung đột. Tôi xin đưa ra một vài thí dụ để giải thích điều này:

Khi nghe chị nàng nói: "Mệt quá rồi chẳng muốn làm gì cả" Anh hiểu ngay ra rằng bà xã mình phàn nàn: "Tôi làm đủ mọi việc, còn anh cứ ì ra, lười, chẳng làm sự gì cả! Coi kìa anh không chịu cất nhắc chân tay giúp cho người ta một tí à. Lấy anh thật là điều bất hạnh lớn lao: Picking you was a big mistake!" Thực ra thì chị chỉ muốn nói lên sự mệt nhọc của mình để chia sẻ với anh: "Hôm nay em mệt quá, không muốn làm gì cả. Em muốn nghỉ xả hơi một cái đã. Giá mà anh giúp em một tí, hay nói một vài lời dịu dàng an ủi, hoặc giữ yên lặng cho em nghỉ ngơi một tí thì quí lắm."

Khi nghe chị nàng nói: "Nhà cửa bề bộn dơ dáy quá". Anh liền hiểu ngay ra là chị muốn nói rằng: "Nhà cửa này dơ là tại anh. Anh chỉ biết bừa ra chứ chẳng biết dọn dẹp gì cả. Sống với anh thật là chán quá. Một là anh phải biết dọn dẹp đi, hai thì anh cút đi đâu thì đi cho khuất mắt." Trong khi đó chị chỉ muốn than thở: "Hôm nay em muốn sả hơi, muốn relax! Nhưng sao nhà mình lôi thôi bề bộn quá. Nhìn thấy làm cho em bực mình khó chịu. Giá anh giúp dọn cho được một phần thì vui biết mấy."

Khi nghe chị nàng nói: "Chẳng được việc gì cả". Anh chàng liền hiểu ngay ra rằng: "Anh thật là đồ lười, vô tích sự, chẳng làm nên cơm cháo chuyện gì cả. Giá mà người khác thì đã giúp tôi được việc, chứ còn anh thì đụng chuyện gì, hư chuyện đó." Trong khi đó chị chỉ muốn nói: "Hôm nay em cảm thấy chán nản, khó chịu, chẳng muốn làm sự gì cả. Vì có làm gì cũng không được. Ước gì anh cho em lời an ủi, hay cử chỉ ân cần giúp cho em thêm hăng hái, phấn khởi."

Quan hệ cảm thông giữa Martians và Venusians, giữa nam và nữ thật là phức tạp và khó hiểu quá! Người nói với ý này, người kia lại hiểu ra ý khác. Như tôi đã nói: Người phụ nữ thường hay phản ứng theo cảm tính và trực giác nên cách biểu lộ hay dùng ngôn ngữ, hoặc cử chỉ để tô đậm lên hầu dễ dàng biểu lộ cảm xúc của mình. Trái lại, người đàn ông thường dùng lý trí và ý chí nên thường cho đó là quá đáng. Sự khác biệt nằm ngay trong bản tính là nam, là nữ. Dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng có trường hợp ngoại lệ: Ðàn ông mà tính đàn bà, hay đàn bà mà tính đàn ông. Nhưng ở đây, tôi chỉ nói trong trường hợp thông thường, chung chung cho mọi người. Vậy làm sao chúng ta có thể sống chung hoà bình, vui vẻ hạnh phúc với nhau? Hãy chấp nhận lẫn nhau như người đó là. Ðừng bắt người kia phải thay đổi theo ý mình muốn hay làm theo cách mình thích. Hãy cứ để cho người đó thật sự là một Martian hay là Venusian. Ðừng bắt người đó phải đổi tính đổi giống.

 

Tuy nhiên, xin nhớ cũng có những khác biệt chẳng liên hệ gì tới bản tính nam nữ của con người, nhưng chỉ là background giữa hai người khác nhau. Background mà tôi muốn nói ở đây là cách lối giáo dục của mỗi gia đình, hay là quá trình cuộc sống, và tất cả những gì đó tạo nên một nề nếp, một lối sống với những suy tư khác biệt giữa người này với người kia. Khác nhau trong cách lối suy tư hay lựa chọn, hay sở thích với những giá trị quan khác nhau. Khi mới lấy nhau, anh chị thấy cái gì cũng tuyệt vời, tình tứ, dễ thương, và đón nhận những khác biệt này một cách rất dễ dàng. Nhưng sống với nhau lâu rồi, họ mới dần dần khám phá ra những: "tính hư tật xấu của anh"; "tính hư tật xấu của em". Nhưng, cái gọi là tính hư tật xấu nhìn theo góc cạnh của người này, thì nhiều khi thật ra lại là điều hay, điều tốt và tiện lợi theo cách nhìn của người kia. Lấy thí dụ, khi ở với nhau một thời gian rồi, chị khám phá ra anh có một tật xấu xa kinh khủng, ghê tởm, không thể nào tưởng tượng được và làm cho chị vô cùng khổ tâm và bực bội. Ðó là khi đánh răng xong anh để bàn chải, và kem đáng răng ở ngay đó, bên cạnh vòi nước, nhất là hộp kem đánh răng thì thay vì bóp từ dưới lên trên, và cứ hết đến đâu cuộn lên đến đó theo cách chị vẫn làm, thì anh bóp ngay kề trên miệng hộp kem đánh răng. Mới lấy nhau thì chị "don't care" không quan tâm, và không lấy làm phiền hà gì mấy. Nhưng cứ hết ngày này qua tháng khác, mỗi lần anh đánh răng xong chị lại phải dọn dẹp: phải cất ngay ngắn tươm tất vào trong hộc tủ và clean up lại cho sạch sẽ thì chị thấy đây quả là một thói xấu kinh tởm không thể nào chịu đựng được. Tuy nhiên, anh cũng phát bực nghĩ rằng đồ người ta để đâu thì hãy cứ để đó, sao lại cứ đem cất đi để mỗi lần muốn sử dụng thì lại phải mở tủ, moi móc ra từ những góc kẹt nào đó trong hộc tủ. Sao mà mất công mất thì giờ thế! Thật là phiền toái, bực cả mình!

Nhìn theo khía cạnh của chị, sử dụng xong mà không dọn dẹp, cất đâu vào đó cho ngăn nắp là một tật xấu, nhưng nhìn theo khía cạnh của anh thì cứ làm sao nhanh chóng và thuận tiện thì tốt: Dùng xong để đó, khi muốn dùng lại có ngay đó, không phải mất thì giờ lục lọi tìm kiếm. Lý do sự khác biệt này, vì từ còn bé anh chị đã hấp thụ giáo dục của hai gia đình khác nhau, hai lối sống khác nhau. Một gia đình thì luôn luôn phải ngăn nắp, gọn gàng, còn một gia đình thì cần nhanh chóng và thuận tiện không quá mất thì giờ với những chuyện lặt vặt. Ðó là hai chủ trương và lối sống khác biệt, và đều có giá trị đáng tôn trọng.

 

Vậy làm sao để giải quyết được và cả hai cùng tôn trọng lẫn nhau?

1. Mở lòng, lắng nghe và tìm hiểu những khác biệt đó để dễ dàng cảm thông.

2. Tôn trọng sự khác biệt của nhau, đừng bắt người khác phải thay đổi theo cách mình muốn và làm theo điều mình chọn.

3. Cần cầu nguyện, cần tìm đến Chúa như một Thông Dịch Viên giúp hiểu và giải hoà khác biệt giữa 2 người. Chúa là Ðấng dựng nên ta, Người biết ta hơn ta biết chính mình.

4. Cần bình tâm, lắng đọng tâm hồn để học tập theo gương Chúa Kitô, để hiểu tình yêu là gì và thực tập yêu thương như Chúa.

 

Xin hãy nhớ rằng không phải chỉ có sự khác biệt giữa nam và nữ, nhưng còn là chính chúng ta cũng khác biệt trong quan hệ giữa mình đối với Chúa. Chính Ngài đã nói: "Ta từ trên mà xuống và nói ngôn ngữ của bên trên, các ngươi từ đất mà ra và nói ngôn ngữ ở dưới đất." (Phúc Âm Gioan 3:11-13). Tuy nhiên, mặc dù không có good communication với con người và Ngài thường bị misunderstood, Chúa Giêsu vẫn khẳng định, "không tình yêu nào quí hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống vì bạn mình," (Gio. 15:13). Và Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, cầm lấy bánh bẻ ra: "Hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta;" rồi cầm lấy chén đưa cho họ: "hãy cầm lấy mà uống, này là Máu Ta." (Mt. 26:26-17). Chúa Kitô trao ban bản thân và cuộc đời Ngài cho các môn đệ và qua họ, cho mỗi người chúng ta, cho vợ, cho chồng để anh chị cũng biết làm như Ngài dậy, "Như Thày đã làm cho các con thế nào, các con cũng hãy làm cho nhau như vậy." (Gio.13:15). Anh chị hãy biết cho nhau chính mình, rửa chân cho nhau, phục vụ lẫn nhau như Chúa đã trao ban chính mình và hiến thân phục vụ anh chị trong tình yêu Ngài trao ban và liên kết anh chị, cũng như trong Mình và Máu của Ngài qua mỗi Thánh Lễ để liên kết anh chị nên một trong Ngài và đồng thời liên kết anh chị nên một với nhau trong Ngài. Anh chị là vợ là chồng, là người đã được liên kết với mình nên một trong bí tích Hôn Nhân và trong một Tấm Bánh, là Thân Thể Ðức Kitô. Anh chị cũng cần bẻ tấm bánh chính bản thân mình, bẻ tấm bánh cuộc sống của mình với những vui buồn sướng khổ mà trao cho nhau. Ðây chính là điều Ðức Giêsu, Chúa chúng ta hằng nhắc nhở anh chị mỗi khi Ngài cử hành nghi lễ tạ ơn qua tay vị linh mục trên bàn thờ.

Và xin nhớ một điểm hết sức quan trọng là: mỗi người khi cầu nguyện, hãy xin Chúa biến đổi chính mình, để mình biết lắng nghe, tìm hiểu và đón nhận người khác như người ấy là, chứ không xin Chúa biến đổi người ấy theo ý muốn của mình. Nhiều người, mỗi khi đi tĩnh tâm hay cầu nguyện là luôn luôn xin cho nhà con được thay đổi, để "ổng" hay "bả" bớt tính hư tật xấu, chứ còn mình thì: "I am fine!" (con đâu cần phải thay đổi gì, cứ vậy là tốt rồi." Nhiều người cứ cầu xin để thấy sự thay đổi của người kia, để rồi kết quả không thấy có sự thay đổi như mình muốn thì chán Chúa quá! Người ấy nghĩ rằng Chúa chẳng thương con gì cả, Chúa không chịu nghe lời con xin! Nên thôi bỏ Chúa luôn, không thèm đi lễ đi thờ, đọc kinh cầu nguyện nữa, nghĩ rằng những việc ấy vô ích, mất thì giờ. Chúng ta không hiểu rằng: hạnh phúc không phải là thay đổi được người khác, nhưng là thay đổi chính mình. Thay đổi cái nhận thức thế nào là hạnh phúc của mình. Hạnh phúc chính là sống với Chúa. Nhờ Ngài và trong Ngài, chúng ta nên khí cụ Chúa dùng để ban bình an và tình thương cho người khác. Chúa lại hay thường dùng sự chịu khó nhẫn nại, và hy sinh của mình để làm việc này. Vậy chúng ta hãy, "xin Chúa hãy biến đổi con và dùng con làm khí cụ bình an và tình thương của Chúa!" Ðó là lời kinh nguyện chúng ta cần phải luôn khắc ghi trong tim trong cuộc sống hằng ngày.

 

Vậy để cùng nhau tìm lại được cái hay ban đầu hầu canh tân gia đình, xin quý anh chị nắm lấy tay nhau và cùng nhìn lên Chúa. Kêu xin Ngài giúp cho mình biết tiếp tục chấp nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau, và xin Chúa hãy làm cho mình trở nên khí cụ của Chúa, để đem bình an và tình thương đến cho người Chúa đã kết hợp nên một với mình, trong cuộc sống gia đình:

 

"Lạy Chúa, với những hy sinh và cố gắng của con, xin Chúa hãy dùng con như khí cụ bình an và tình thương của Chúa, và ban cho chúng con con ơn tha thứ, sự hoà giải và tình thương của Chúa: một tình thương tha thiết chân thật để chúng con biết tự hiến chính mình như Chúa đã và đang ban cho chúng con vậy, Amen."

 

 

Tâm Sự Của Gã

Ngồi bấm đốt ngón tay gã nhẩm tính ra từ ngày cất bước theo thày đến nay đã được ngót mười bốn niên rồi! Còn nhớ dạo nào, khi gã còn đang thấp thỏm bước chân vào nhà tu thì,... một lần nọ khi đi thăm Thầy Phan, Dòng Chúa Cứu Thế đang nằm điều trị tại bệnh viện thánh nữ Têrêsa ở Fujisawa, một miền phụ cận cuả Tokyo thì có một cô nọ thật duyên dáng dễ thương, nhí nhảnh nheo mắt hỏi gã:

- Anh ấy ơi, tại sao anh đi tu?

Gã ngây người đứng thộn mặt ra! Thật chưa bao giờ gã gặp một cô gái dễ thương đến thế, mà hỏi một câu khó "giả nhời" như vậy. Gã còn đang tần ngần ngẫm nghĩ xem phải trả lời thế nào cho hợp tình hợp lý, thì có bà chị nọ mau mắn trả lời hộ ngay cho rằng:

- Không ai thương, không ai lấy thì đi tu chứ biết đi đâu!

Choáng váng cả mặt mày, lập tức gã ngoác mồm ông ổng la tướng lên:

- Ôi giời, tưởng đi tu dễ lắm đấy! Chị nào hay cô nào ế chồng hay là,... thất tình thì cứ tà tà đi vào nhà tu thử xem, có huỳnh huỵch chạy ra không?

Nói xong, gã mới biết mình đã thất lễ! Nhưng các cô các chị đều là những người dễ tính cả. Sau một hồi cười rộ, mọi sự được xem như là huề, câu nói đi có lời đáp lại.

Nhưng riêng gã, gã không cho là huề! Trong lòng gã ấm ức lắm! Vì nếu thiên hạ (dĩ nhiên thiên hạ ở đây chỉ là một vài người quen biết gã), cho rằng đi tu chỉ vì không kiếm được vợ thì thật là hiểu nhầm một cách khủng khiếp quá! Gã đâu đến nỗi "xí giai" lắm, và cũng không phải là hạng người "cù lần đần độn." Vì thế nếu gã hết lòng hết sức đánh sát lá cà với các chàng mót vợ, thì thế nào gã cũng "phỗng" được trái tim của một nàng! Ít ra là gã tự nghĩ cho mình như vậy! Các bạn bè làm chung hãng với gã đã từng gán ghép gã với cô nọ cô kia, và cũng có người sẵn sàng đứng ra làm mai mối chỉ cần gã OK đó sao?

Sau hai năm tập tành từ bỏ hết mọi sự để đi theo Ngài, khi trở về Tokyo gặp lại bạn bè cũ, họ kể cho gã nghe chuyện tình của người này kẻ nọ. Ðặc biệt, họ nức nở khen một anh chàng kia đã tiến bộ một cách vượt bực. Ðã đi một bước quá độ, đang từ thành phần thứ ba nhảy tọt lên đến thành phần thứ nhất. Gã ngơ ngác chẳng hiểu gì ráo! Người ta cho gã là dân nhà quê, và thuyết giảng cho gã hiểu rằng: Thành phần thứ ba ở đây là những kẻ vô gia cư, chưa được mắt xanh của nàng quản lý! Còn thành phần thứ nhất là những kẻ đang có vợ hoặc đã kiếm được vợ!

Gã hỏi: "Thế còn thành phần thứ hai?"

- Thì mấy anh thày tu chứ ai!

- Uả?

- Tức là những kẻ không kiếm được vợ, đi nương thân ở các chốn viện tu chùa chiền.

Gã phì cười, miệng méo xệch một bên! Nói đúng ra, gã vừa mếu vừa cười! Gã toan cãi lại; "Tớ có kiếm vợ đâu cơ chứ. Tại sao lại xếp hạng một cách bất công như vậy được!" Nhưng chợt một ý nghĩ thoáng qua: "Thôi tội nghiệp cho tụi nó, đang mót vợ mà chẳng có ai thương cho! Mình nên góp mặt cho có đồng minh để an ủi chúng nó đôi chút!" Phải chăng sau hai năm theo Thày, cái tinh thần hiền hoà và yêu thương cuả Thày đã thấm vào tâm trí gã. Chứ nếu không thì gã đã gân cổ oang oang cãi lại rồi!

Tuy nhiên dù sao, nếu bạn bè gã xu bỉ, ỉ ôi như thế thì thật là lỗ lã cho gã và đồng bọn thày tu cuả gã quá. Vì thế gã cảm thấy cần phải lên tiếng thanh minh để mọi người và ngay cả các "nường" nữa, hiểu được phần nào nỗi lòng cuả những kẻ như gã, và nhận ra được rằng: Ðâu là sức thúc đẩy và sự hấp dẫn đã khiến gã và đồng bọn từ bỏ của cải, từ bỏ những tiện nghi vật chất, từ bỏ sự ấm cúng của một gia đình để trở thành một người cho mọi người, để sống cuộc đời phục vụ, để tìm niềm vui và hạnh phúc cuả mình nơi hạnh phúc của những người khác!

Ðâu là sự thúc đẩy khiến gã quyết định chấp nhận xếch bếch sang bang theo Ngài? Khi tự hỏi điều này, gã rầu rầu nhớ lại có lần đọc trong một tờ báo nọ qua mấy bài thơ, trong đó người ta nghĩ tốt khen hay, và thần tượng hoá bọn thày tu của gã một cách quá đáng! Chẳng hạn như họ coi bọn gã như là những người quả cảm biết hy sinh mối tình nhỏ nhen vụn vặt thế gian, để có được một tình yêu bao la quảng đại! Những người hùng dũng hiên ngang lướt thắng mọi cám dỗ của ma quỉ, thế gian, xác thịt để hiến thân phụng sự hội thánh và nhân quần xã hội. Gã cười buồn, ai thì gã không biết, chứ riêng đối với gã, gã yếu như sên dễ vấp ngã, làm gì có được những tâm tư cao thượng và thánh thiện như thế. Sở dĩ gã còn đi đứng và theo Ngài được cho đến ngày hôm nay, hoàn toàn là cậy nhờ vào sức lực của Ngài vậy!

Tại sao gã theo Ngài? Gã có thể trả lời một cách hết sức đơn giản: "Tại vì riêng đối với gã, Ngài có một sức hấp dẫn, một sức thu hút đặc biệt không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ cuả con người!" Ðó là một cảm nghiệm nội tâm, một kinh nghiệm tôn giáo có tính cách thiêng liêng đặc biệt mà người ta vẫn thường gọi nôm na rằng: Ðó là Ơn Gọi.

Ơn Gọi là cái gì chính gã cũng không hiểu! Nhưng gã linh cảm rằng gã sẽ uổng phí đánh mất cuộc đời nếu gã không gắn bó với Ngài, không sống cho Ngài. Kinh nghiệm trong đời cho gã hiểu rằng: không gì có thể đem lại cho gã được niềm vui trọn vẹn, không ai có thể tạo cho gã được hạnh phúc đầy đủ! Chỉ khi gã đến với Ngài trong trầm mặc tĩnh niệm, gã tìm được sự bình an thật dịu êm, thật bình lặng trong tâm hồn. Một đôi khi gã linh cảm Ngài đang có đó thật gần gũi, cận kề ngay bên gã, trong lòng gã trào dâng một niềm vui chất ngất tràn ngập hạnh phúc không thể diễn tả được! Những lúc ấy, gã cảm thấy tự đáy lòng, một tình thương yêu tràn ra đến hết thảy mọi người, và gã khao khát mọi người đều được hạnh phúc như gã. Gã hiểu Ngài muốn chọn gã làm dụng cụ của Ngài. Ngài muốn hiện diện qua bản thân và cuộc đời gã để thực hiện công việc của Ngài. Ðiều đó đòi hỏi một lối sống đặc biệt cho gã. Một lối sống quyết liệt và dứt khoát chỉ dành riêng cho một mình Ngài! Gã hiểu và gã quyết định chấp nhận.

Vào nhà tu rồi, gã mới thấy những nhiêu khê, những gian khổ mà đời sống tu trì cần phải vượt qua. Ðiểm trước hết làm cho gã chao đảo, có khi té lăn lóc nếu không có sức mạnh và tình thương của Ngài, có lẽ gã đã không thể gượng dậy nổi. Ðó chính là quan hệ giữa con người với con người trong một cộng đồng tu viện. Bên cạnh những người dễ mến hợp với tính tình của gã mà bất cứ lúc nào gã cũng có thể tâm sự hoặc tìm nơi người đó sự an ủi của tình bạn, thì cũng có những người khó thương, khó tính, khó chịu. Bên cạnh những người ấy, gã cảm thấy đời sống tu trì trở nên ngột ngạt, nặng nề và khó thở. Nhưng rồi những năm tập qua đi, gã cảm thấy trưởng thành hơn trong đời sống tu, và tìm thấy được tình anh em, tình gia đình trong một cộng đồng dòng. Càng ngày gã lại càng nhận ra được rằng: tình anh em là một trợ lực lớn trong nếp sống tông đồ và cầu nguyện. Tuy nhiên, tình anh em vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ những khát mong trong tâm tư gã. Bởi vì gã thao thức tìm kiếm một tình thân thương tha thiết thật quảng đại và bền bỉ, bất biến và trường tồn chứ không hời hợt mau qua, dễ thay đổi và đôi khi rất phức tạp và khó hiểu như tình cảm của con người! Và rồi, trong cầu nguyện, gã hiểu ra rằng: chỉ có một mình Ngài mới là Người Bạn thân tình, chí thiết nhất trong cuộc đời của gã mà thôi.

Tuy nhiên, cũng đôi lúc gã khao khát một cái gì đó hiện thực, vật chất. Một cái gì đó có thể đụng chạm, có thể sờ mó được, có thể ôm ghì chặt lấy để yêu thương! Ðồng thời gã cảm thấy một nỗi buồn da diết, một sự trống vắng không thoả mênh mang trong tâm hồn. Những lúc ấy gã hiểu rằng mình đang trải qua một trạng thái tâm lý rất phức tạp mà những người sống bậc hôn nhân không thể nào hiểu nổi! Gã nhận biết và thâm tín rằng: Tất cả những điều ấy chính là cái giá mà gã phải trả để theo Ngài, để sống cuộc đời tận hiến. Gã thích suy gẫm về sự Thương Khó và sự Phục Sinh cuả Thày. Vì điều này giúp gã hiểu được tình thương cuả Ngài, và đó cũng chính là sức mạnh, là hy vọng, và là niềm cậy trông cuả gã.

Ðôi lúc gã tìm được sự an ủi và niềm vui bên trẻ thơ. Gã say mê ánh mắt thiên thần cuả chúng, hay những vui tươi hân hoan trong công việc, bên bạn bè. Nhưng tất cả những điều đó chỉ là tạm bợ mau qua! Chỉ duy nhất một mình Ngài mới có thể đổ đầy những khoảng trống khắc khoải, khát mong trong tâm hồn gã. Với những kinh nghiệm thiêng liêng và trong cầu nguyện, một cái gì đó huyền bí kỳ diệu nối kết Ngài với gã, gây nên trong tâm tư gã những rung cảm nội tâm bắt được những làn sóng yêu thương từ Trái Tim Ngài.

Theo Ngài, con đường dài thăm thẳm! Có những buổi bình minh nắng đẹp, chim hót vui tươi rộn rã; Có những chiều hè nóng bức oi ả, ve sầu rền rĩ ai oán; Có những đêm đen mịt mùng mưa sa bão táp! Nhưng tất cả đối với gã đều đẹp. Ðẹp, vì đó chính là cuộc đời gã! Và trong cuộc đời ấy: có Ngài ở bên gã, có Ngài cùng bước đi với gã.

Trong tâm hồn gã văng vẳng những vần thơ ngày nào đã thuộc, trong những buổi đầu "Uyên Ương Ân Tình với Thày Chí Thánh", như gã vẫn thường tình tứ âu yếm gọi thế, để nói về những ngày mà gã đã nhận định với xác tín rằng: Mình có Ơn Gọi!

 

Tiếng Chuá thúc dục hồn con,
Băng mình theo Chuá con còn tiếc chi?

Gian lao khổ cực xá gì,
Một niềm tận hiến khắc ghi tâm hồn!

 

Một Buổi Chiều Hè Oi Ả

Chí-Tâm (Hoàng Tiến Ðoàn, S.J.)