Ăn Tục Nói Phét

 Hoàng Lão Tà

 Trước đây tôi có phóng bút viết lăng nhăng một bài phiếm nói về chuyện ăn sáng. Bạn nối khố Quốc Bảo của tôi qua Tây du học từ thuở xa xưa, thời Đệ Nhất Cộng Hoà Việt Nam nhưng không quên nguồn cội lại có giòng máu văn chương thi phú chảy trong người vì cậu ruột anh ta là văn hào TCHYA, anh ta nhân đọc bài viết của tôi nên nổi hứng viết một loạt bài nghiên cứu về chữ "Ăn" thật là phong phú như "ăn trưa, ăn thịt chó" rồi mới đây lại thêm một bài viết thật súc tích và dày công nghiên cứu "Ăn Tết". Nhân thấy 3 bài viết của anh ta vừa dí dỏm, vừa uyên bác lại có đề cập đến tên tôi trong đó như một thách thức và dè bĩu vì bài viết của tôi thuộc loại nhớ đâu viết đó không có căn cơ, không nghiên cứu sách vở chữ nghĩa gì ráo trơn ráo trọi nếu để cạnh bài viết của anh ta thì thật là chim gi sánh với phượng hoàng nên tôi bực cái...mình. Nghĩ bụng, đã thế thì cho thế luôn, viết ngay bài này đáp lễ bạn vàng cho chén sành chén đất đứng bên chén ngọc chén vàng xem thử chén nào sợ vỡ hơn chén nào. Đã cùi thì đâu còn sợ lở !                

Tôi giòng họ Hoàng mà nói theo chữ Hán là Hoàng Tộc. Nếu Hán(g) không rộng và cố ý thấy sang bắt quàng làm họ thì Hoàng Tộc tức là giòng dõi nhà vua. Phải hiểu như thế mới có thể sánh được với bạn tôi vốn phu nhân của anh ta là giòng dõi Hán Cao Tổ Lưu Bang bên Tàu. Đọc truyện Kim Dung thấy Hoàng Dược Sư oai phong lẫy lừng trong hàng " Võ Lâm Ngũ Bá" mà tính tình lại phóng khoáng, khi tà khi chính nên tôi bèn lấy danh hiệu võ lâm Hoàng Lão Tà của ông làm bút hiệu của tôi để tha hồ viết mà khỏi cần phải lách vì đã tà rồi thì đâu còn sợ ai chê cười nữa mà phải lách. Cứ phóng bút viết lung tung, tuỳ hứng để phát tiết ẩn ức để khỏi bị refoulé. Âu cũng là một phương thuốc có lợi không nhiều thì ít cho sức khoẻ trên đường số 6, cũng là một phương cách để động não hầu có thể tránh được phần nào căn bệnh Alzheimer đang chực chờ bên cạnh hoàng hôn cuộc đời.

Chúng tôi, những lão già mất nết, những tên già dịch tuổi tròm trèm cổ lai hi thường hay tụ họp ăn uống nhậu nhẹt lai rai để nói phét cho vui đời tỵ nạn. Bạn tôi, cũng là cái "ông chàng" rể quý của giòng nhà Hán Trung Hoa, (dùng chữ "anh chàng" thì quá trẻ) đặt tên cho câu lạc bộ của chúng tôi là câu lạc bộ ATNP. Dân Mỹ chuyên về xài tiếng tắt, nhiều lúc chẳng biết là cái quái quỷ gì, nên, nhập gia tuỳ tục, chúng tôi cũng mập mờ đánh lận con đen dùng ngay chữ ATNP đặt tên cho Club của chúng tôi mà ý nghĩa chỉ đơn thuần là Ăn Tục Nói Phét.

Tại sao lại bảo là "ăn tục" nhỉ? Ăn là đệ nhất khoái lạc trên đời trong 4 cái khoái được ngưòi đời ưa chuộng. Tôi cóc cần nghiên cứu mà chỉ suy nghĩ theo con nhà quý phái bình dân (chữ của Vũ trọng Phụng trong tác phẩm Số Đỏ) thì ăn tục chắc là ăn không đúng theo lễ nghi quan cách, không đúng theo nghi tiết, theo "protocole", phải khăn ăn phủ trên chân, che cặp giò kể từ háng đến đầu gối, ngồi thẳng đứng không dám cục cựa mạnh sợ khăn rơi rớt, ngồi trong thế nghiêm giống như quân đội trong lúc thao diễn, hai cùi tay không được chống trên bàn ăn, cầm muổng , cầm nĩa phải đúng cách, không loạng quạng, loay hoay, phải rót rượu vào đúng loại ly, rượu vang thì ly thấp hay ly cao, rượu mạnh thì ly tròn hay ly méo, champagne thì ly chân một cột, một giò hay ba cẳng. Phải uống rượu đúng theo loại ly quy định thì rượu mới ngon chứ cứ Dzô, Dzô vung tàn tán thì là ngưu ẩm nghĩa là trâu uống nước. Lúc tôi sang Pháp và Đức chơi, tôi thấy ly tách chén dĩa , dao muổng nĩa sắp xếp trên bàn tiệc do bạn bè khoản đãi mà đâm chóng mặt, nhớ và thèm vô cùng cái bình dị, đơn giản của những vật dụng bằng giấy, bằng nhựa ở Mỹ. Thực dụng vô cùng! Ăn thì phải khoan thai, không nhai nhồm nhoàm, nhóc nhách, không há mồm to để các thực khách chung bàn khỏi phải nhìn thấy răng của mình dù là hàm răng giả bóng loáng đều đặn như hạt bắp Cồn xứ Huế. Nhìn mấy ông bà người Mỹ ăn mà mồm không dám há, hai hàm răng khép chặt, môi mấp máy, treọ qua, trẹo lại như đang thầm thì, to nhỏ tâm sự, tôi thật sự không biết họ làm sao để tận hưởng cái đệ nhất khoái trong đời, trông mà chỉ những muốn điên tiết quát bảo: " Thôi, đừng mà có làm bộ làm tịch, cứ nhai mạnh, nhai nhanh đi , ăn to nói lớn cho thoả chí bình sinh, đừng có mà móm mém như chó ăn vụng bột, gai con mắt lắm rồi!"

Thế mà tôi có bà bạn nhìn say mê đắm đuối thực khách Mỹ lúc bà làm việc trong một nhà hàng ăn ở thành phố Louisville, tiểu bang Kentucky. Bà bảo trông họ ăn uống từ tốn khoan thai thật là dễ thương. Tôi thì cứ là ghét muốn đào đất mà chôn đi cho khỏi phải xốn mắt. Tôi cứ nghĩ mấy ông bà đó mà vượt biên như tôi, suốt tuần, suốt tháng đói khát, thì lúc lên bờ không biết có còn giữ đươc cung cách quý phái rởm đời như thế được không. Ông Cụ Khổng của nước Lỗ thời Xuân Thu chiến quốc cũng phán: "Quân tử thực bất cầu bảo", người quân tử ăn chẳng cần no, thế thì đừng ăn có được không nào. Rõ là lẩm cẩm ! Tôi thì Hán chẳng rộng nên cứ hiểu nôm na "thực bất cầu bảo" nghĩa là cứ ăn đi, không cần ai phải bảo, phải mời. Tôi chán nhất là đến nhà mấy ông bà người Bắc, ngồi vào bàn ăn, mình đã đói bụng, đã giả vờ lịch sự một lúc lâu rồi mới cầm đũa gắp món ăn, mới và cơm vào mồm thế mà cả gia đình đều tranh nhau:

" Mời bác xơi cơm ạ, mời anh xơi cơm ạ!"

Mồm đang đầy cơm, ngượng chín cả người vì chưa được mời ăn mà đã vội xơi. Những lúc đó, ước gì họ là bạn bè thân thuộc để mà trả lời:

"Bộ tụi bay không thấy tau đang xơi hay sao mà còn mời? Rõ khỉ!"

Dân miền Trung và miền Nam không có cái kiểu cách đó! Thật đơn sơ, thân mật và mộc mạc. Khoái cái gì đâu! Hoan hô quý phái bình dân! Lúc còn bé, thường được Cha, Mẹ dạy là "Ăn vóc học hay", "Ăn xem nồi, ngồi xem hướng" hay "Ăn cây nào rào cây nấy". Bây giờ nghĩ lại những câu răn dạy này nghe dường như xa lạ và lỗi thời một cách buồn cười. Thử hỏi làm thế nào mà có thể nhìn vào nồi cơm của thiên hạ. Thời buổi bây giờ, có bao giờ mà thiếu cơm, thiếu gạo để ta phải vừa ăn vừa xem chừng nồi cơm của chủ nhà, sợ đưa chén cho chủ nhà để xới thêm cơm mà nồi cơm thì đã cạn làm bẽ mặt chủ nhà và ta thì cũng tẽn tò vì tham ăn. Còn xem hướng thì thật là không thể nào áp dụng được, chủ nhà đặt đâu thì phải ngồi đó cũng như đi ăn tiệc cưới, chỗ ngồi đã được sắp xếp sẵn, đâu có thể chọn lựa xem hướng Đông, Tây, Nam, Bắc gì được nữa.

Như vậy, tóm lại, "ăn tục" là nhai nuốt ồn ào, nhồm nhoàm, lách nhách, ăn bốc, ăn hốt , ăn không đúng phong cách, vừa ăn, vừa nói, vừa cười đùa, giỡn cợt, vừa vung tay , múa ngón, tha hồ ăn, tha hồ uống, nước ngọt, nước cay, nước đắng, nước sinh tố, hằm bà lằng, chó cắn, bạn bè vui cười thoả thích, không câu nệ lễ nghi, kiểu cọ. Tận hưởng đệ nhất khoái trong đời! Có chết thằng Tây say nào đâu mà bận bịu, lo nghĩ cho mau già, cho chóng lớn. Đấy là chính sách, là tiêu chuẫn là chủ trương, là tôn chỉ của bọn chúng tôi , của Câu Lạc Bộ ATNP của ATNP Club.

Phần AT xong rồi ! Bây giờ đến phần NP: Dân Bắc Kỳ rau muống gọi là "nói phét", dân Trung Kỳ hay Huế Kỳ chúng tôi gọi là "nói dốc" vì quê hương núi Ngự, sông Hương của chúng tôi có mấy con dốc khá nổi tiếng như :Dốc An Cựu, Dốc Bến Ngự, và dốc cao nhất là Dốc Nam Giao. Dân Nam Kỳ thì gọi là "nói phách lối" hay là vỏn vẹn chỉ một chữ "lối". Thật ra trong Club của chúng tôi, mọi người đều biết rõ nhau, biết ông nào tẩy xất, ông nào tẩy bạt, ông nào tẩy xì thì làm sao mà nói phét được, ai mà tin. Vì vậy chữ "phét" ở đây phải phải hiểu theo nghĩa khác là "nói tục". Nói văng mạng, tha hồ xổ nho, mặc sức văng tục, văn bằng Bác sĩ DM xài thả ga, quê hương người cá, mỹ nhân ngư Na Uy, Đan Mạch cứ việc dùng không ngần ngại e dè. Các cơ quan, bộ phận chiến lược trên thân thể người ta cứ theo thuyết "Chính Danh" của Nho Giáo gọi đúng ngay chóc tên thường gọi trong giới bình dân, không cần phải hoa hoè, hoa sói văn chương thanh nhã , thanh cao thoát tục, gọi theo tên khoa học tốn công tra cứu từ điển. Cứ nôm na cho mọi người ai cũng hiểu, cho tiện việc sổ sách. Bạn chúng tôi, ông toubib ở gần Nữu Uớc chẳng cần lưu ý trong bàn tiệc có liền bà, con gái hay liền ông, con trai, ông ta kể chuyện khôi hài cứ thế mà xài ngôn ngữ bình dân, gọi tên các bộ phận sinh dục bằng tên tục, tên móc nôi của bộ phận vì ông ta là bác sĩ thứ thiệt thì e ngại gì những tiểu tiết khi thường xuyên tiếp xúc với các cơ quan chiến lược đó. Trong ngôn ngữ từ điển có từ ngữ đó thì mình cứ xài chứ ngại ngần gì!

Để bổ xung cho vấn đề nói phét hay nói tục này ta lại có môn nói lái, thần sầu quỷ khiếp đa dạng, đa năng mà ngay trong thi ca kim cổ đều xử dụng. Lúc nào nói lái được là chớp ngay cơ hội. Và dĩ nhiên, nói lái phải tục mới vui, mới cười được, chứ nói lái thông thường thì chả có gì hấp dẫn. Quan toubib chúng tôi cũng chuyên trị thơ nói lái. Chẳng phải một mình ông bạn chúng tôi làm thơ nói lái mà các thi sĩ lão thành nổi tiếng của Huế Đô cũng làm nhiều bài thơ nói lái hay không chê vào đâu được. Rất tiếc tôi không phải là nhà nghiên cứu về khoa ăn nói này nên chỉ nhớ lõm bõm vài câu đại khái như: "Làm sương cho sáo", "Lấy tóc mà may". Thi sĩ Bùi Giáng, người mê truyện Kiều đến cuồng điên cũng thường hay nói lái trong thi ca. Ông rất thích các chữ có vần "Ôn". Rất nhiều từ ngữ được ông dùng một cách nhuần nhuyễn như "Liên Tồn", "Lưu Tồn" hay "Lá hoa cồn".Ta hảy xem một đoạn thơ thật bay bướm, hồn thơ lai láng với những từ ngữ nhiều ẩn dụ được lựa chọn thật tài tình và tài hoa của thi sĩ họ Bùi sau đây trong bài thơ nhan đề "Xuân Thôn Nữ":

Gò mô mấp máy bãi cồn
Lá lơ thơ xuống bên tồn sinh bay
Mép rìa vòm cỏ hoa phai
Con chim mùa cũ hẹn ngày giờ sang
Hay trong bài "Thiếu phụ trở về":
Non hồng chiều vọng chân mây
Sương chừng lãng đãng rơi đầy tuổi thơ
Lá cồn thu lạc bao giờ
Hồn trong sóng phượng chia bờ trường giang
Tưởng không có ai hay thi sĩ nào chuyên trị vần "Ôn" điêu luyện như thi sĩ Bùi Giáng mà tôi xin chứng minh thêm bằng một đoạn thơ nữa trong bài thơ "Bờ trần gian" trích trong thi phẩm "Mưa Nguồn" của ông:
Cá ở ngoài khe có ít nhiều
Cồn lau cỏ lách có hoang liêu
Em về có hỏi răng ri rứa
Nhắm mắt đưa chân có bận liều

Đấy, Club ATNP của chúng tôi là như thế đó! Vô tội vạ! Chuyện cười, chuyện tiếu lâm kim cổ cứ tuôn tràn như thác lũ cho vui đời tỵ nạn, để níu kéo tuổi Xuân, để vui thú điền viên, để về hưu non, về hưu già, rong chơi trong thế sự vuông tròn, mặc cho thời gian úa phai màu má phấn, môi son, cho tóc nhuộm mãi mãi vẫn còn xanh đen cùng tuế nguyệt phôi pha. Bạn có thích thơ Bùi Giáng, thơ Hồ Xuân Hương không? Bạn có muốn gia nhập ATNP Club không? Chúng tôi mở rộng vòng tay đón các bạn trẻ già cùng quan niệm sống.

*****************************************************

 

Ăn Chơi

 Hoàng Lão Tà

Không phải "Con hát Mẹ khen hay" cũng không phải "Mèo khen mèo dài đuôi"và lại càng không phải "Tự ái dân tộc", tôi, dù không phải là một nhà ngôn ngữ học, tôi vẫn bạo mồm , bạo phổi mà tuyên bố rằng thì là tiếng Mẹ đẻ của tôi , tức là tiếng Việt Nam của tôi, của chúng tôi rất chi là phong phú.

Này nhé, nếu có ai đó hỏi bạn:

Sao ! Anh, độ rày như thế nào rồi, công việc làm ăn như thế nào rồi?

Bạn chỉ cần trả lời:

Lu bù!

Hai tiếng ngắn gọn bao hàm hết tất cả những gì bạn muốn mô tả. Chữ "Lu" không phải là cái lu, cái chum, cái vại, cái ghè , cái ché. "Lu" không là cái gì sất! Chữ "Bù" không có nghĩa là bù trừ, bù lỗ, bù đắp, là đánh bài xì dách trên 21 nút. "Bù" không là cái gì hết trơn hết trọi. Hai chữ không có một ý nghĩa gì hết, thế nhưng ghép chung lại với nhau để trở thành một tiếng "tán thán từ"(Interjection) hay một "trạng từ" (Adverbe) thì lại mang một ý nghĩa thật phong phú và trào lộng. Lu bù nghĩa là lung tung xèng, là loạng quạng, là đầu tắt mặt tối, là ngập lút đầu không thở nổi, là nhiều quá sá quà sa, là đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất, là 36 ngàn cách (trente-six mille facons) theo lối nói của dân Tây. Tôi thú thật chẳng hiểu vì sao dân Tây lại dùng con số 36 để diễn tả một số nhiều có tính cách trào phúng. Tôi chỉ biết lúc tuổi đời đã đến thuở cặp kê thì lũ học trò Trung học chúng tôi đă truyền tay nhau một xấp ảnh thuộc loại "ma bùn" gồm 36 kiểu làm tình và con số 36 kể từ đó đã mang một ý nghĩa xấu.

Lại loạn bàn lung tung! Xin trở về với cái phong phú của những từ ngữ kép trong ngôn ngữ Việt Nam! Ngoài những chữ vốn đứng một mình đơn lẻ thì không mang một ý nghĩa nào hết nhưng khi ghép lại với nhau thì mang một ý nghĩa độc đáo, ngôn ngữ Việt Nam chúng ta lại có những tiếng kép mà cả hai chữ đều có ý nghĩa riêng biệt chẳng hạn như ăn uống, ăn nói, ăn mặc hay ăn chơi. Không biết có phải vì cái "ăn" là đệ nhất khoái trong cõi người ta hay là vì một lý do nào đó mà tôi không biết, chứ tôi thấy chữ ăn đi vào rất nhiều trong ngôn ngữ Việt Nam như: ăn vóc học hay, ăn cây nào rào cây ấy, ăn làm, ăn đoong, chằn ăn trăn cuốn, ăn vụng, ăn chùng, ăn vã, ăn tục nói phét, ăn năn, ăn vạ, ăn như tằm ăn dâu, ăn xổi ở thì vv...

Trước đây tôi đã viết một bài về "Ăn sáng", bạn tôi đã phụ đính một bài về "Ăn trưa" lại thêm một bài nghiên cứu về "Ăn thịt chó" cho phù hợp với năm Bính Tuất. Sau đó thừa thắng xông lên tôi viết thêm một bài về "Ăn tục nói phét" rồi bạn tôi lại viết về "Ăn Tết" Biết bao nhiêu là thứ ăn nhưng tôi chỉ khoái nhất là cái thứ "ăn chơi". Còn nhớ một dạo một cửa hàng ăn của quận Cam nhờ quảng cáo là "Ăn chơi ngon hơn ăn thiệt" mà khách ra vào tấp nập, chủ nhân làm ăn phát đạt, nụ cười luôn nở trên môi. Thì ra ai cũng khoái chơi hơn là thiệt . Chữ "chơi" ở đây là phản nghĩa với chữ "thiệt". Biết rồi, khổ lắm nói mãi! Tôi chỉ muốn nói đến chữ "Chơi" viết hoa trong hai câu thơ:

"Chơi Xuân kẻo hết Xuân đi
Cái già xồng xộc nó thì theo sau"

Thử xem "chơi" nghĩa là gì nhỉ!

Lu bù!

Ôi thôi, loạn xà ngầu! Tiếng Việt Nam ta chữ "chơi" thường đi chung với chữ "đùa". Chơi đùa không mang một ý nghĩa trang nghiêm đứng đắn, chơi đùa là một cái gì phù phiếm, lăng nhăng. Người lớn cũng chơi đùa được mà con trẻ lại càng có thể chơi đùa hơn. Gần như chơi đùa là một thuộc tính của trẻ thơ: Chơi đùa phá phách hay phá phách đùa nghịch thì cũng mắm sốt! Chơi đùa là một hành động thiên về thể xác, một vận động tay chân không cần dùng đến trí óc nhiều. Tuy nhiên cũng có những trò chơi cần phải vận dụng trí óc, đòi hỏi sự thông minh chẳng hạn như "chơi chữ". Những lối chơi này thật là đa dạng và cần nhiều kiến thức. Phạm vi bài viết lăng nhăng này không thể bàn đến cái thứ chơi cao thâm này.

Thuở không còn là con nít nữa, cái thời mà mặt mày tuy vẫn còn non choẹt nhưng ở mép đã bắt đầu thoáng hiện một đường râu mờ mờ, trên đôi gò má đã lấm tấm những nốt mụn của tuổi dậy thì. Thời gian này là lúc mon men muốn làm người lớn, muốn tìm hiểu cái sự đời "đen như mõm chó, chém cha sự đời" Dạo đó tôi cũng như các bạn cùng lứa tuổi đã lén lút tìm đọc những cuốn sách giáo dục sinh lý như "Ái tình bửu giám", như "Người con gái sắp lấy chồng cần nên biết ". Chúng tôi đã lén lút đọc vì những loại sách này thuộc loại sách cấm đối với lứa tuổi chưa trưởng thành của chúng tôi.Chẳng bù với ngày nay, học sinh từ lớp 9 đã được giảng dạy về sinh lý, đã được khuyên bảo nên mang ông "Đại sứ Ca Bốt Lốt" mỗi khi đụng trận để tránh khỏi cảnh phải mang ba lô ngược từ đàng sau lưng ra trước bụng và để tránh các bệnh "Ếch nhái" vv... Thật thời đại văn minh khoa học tiến bộ có khác! Chúng tôi vào giai đoạn dậy thì đó trong đầu óc đã lảng vảng một từ ngữ "phù thuỷ" hấp dẫn như trái cấm trong vườn Địa Đàng. Đấy là chữ "CHƠI" viết bằng chữ hoa, một ám ảnh ngày đêm mà nếu không cao cường nội lực thì sa cơ thất thế, bỏ công đèn sách liền tút suýt. "Chơi" tiếng Pháp gọi là "Jouer" và tiếng Anh là "Play". Khi quân đội Mỹ chưa tham chiến trên quê hưong của chúng ta , chúng tôi chỉ biết chữ "jouer" thường đi chung với chữ "Papa" tức là "Jouer Papa", dịch nôm na từ chữ "Chơi cha" của chúng ta mà ra. "Chơi cha" tức là chơi trội , chơi vượt mức bình thường, có tính cách khác thường, chơi ngông, chơi qua mặt những thằng "con" vì mình là "Cha" mà lị ! Chơi kiểu công tử Bạc Liêu lấy tiền giấy đốt lên để cho người đẹp tìm chiếc kẹp tóc lỡ đánh rơi trong đêm tối. Chiếc kẹp chỉ đáng giá vài xu trong lúc một căn nhà thời bấy giờ chỉ cần vài chục đồng là có thể mua được. Thế mà nở lòng nào đem từng đồng tiền giấy đốt lên thì đúng là chơi ngông , chơi cha thiên hạ, là "Jouer Papa" rồi chứ gì nữa. Sau này khi quân đội đồng minh đến nước ta , bấy giờ chúng ta biết thêm được một từ ngữ nữa thật là hấp dẫn , mê tơi, ấy là "Playboy". Chuyền tay nhau xem say sưa tạp chí Playboy với hình ảnh các kiều nữ sexy, nghèo áo, nghèo quần, thật không có gì thích thú bằng, thuở mới lớn. Còn nhớ thời gian đó các cây viết phóng sự tiểu thuyết thời đại làm mưa làm gió trên các nhật báo và tuần báo. Họ đưa vào các câu chuyện của họ một thứ "sex" nhè nhẹ đủ để lôi cuốn bao nhiêu là độc giả tuổi choai choai trong đó dĩ nhiên có tôi. Tôi không nhớ ông Văn Quang hay ông nhà văn nào đã bắt đầu thiên phóng sự của ông bằng hai câu thơ theo kiểu câu dẫn nhập trong các truyện Tàu chia thành từng "hồi" và cứ mở đầu cho một hồi là có hai câu giới thiệu những gì sẽ xảy ra trong hồi đó như:

Giới Bài quan,Tiết Đinh San đột phá trùng vây
Nữ tướng Phàn Lê Huê, giữa trận tiền mê trai

Tôi thuộc nằm lòng hai câu mà cây bút phóng sự bắt đầu câu chuyện như thế này:

Thanh bình gặp buổi hôm nay
Thử chơi một phát ban ngày xem sao

Ông ta viết như thế thì làm sao mà không mê được! Nội chữ "Chơi" không thôi đã mang đầy đủ bùa phép làm say mê độc giả rồi, ông lại còn thêm "một phát" nữa thì có phải bao nhiêu nội lực trong đan điền phải căng cứng chực vỡ oà, tuôn tràn ra không . Thế vẫn còn chưa đủ hấp dẫn, ông ta lại còn thêm chi tiết thời gian trái cựa là ban ngày, ban mặt, giữa thanh thiên bạch nhật chứ không phải là như thông thường diễn ra "ban đêm, nhà tranh như nhà ngói". Tôi thấy văn chương mà khêu gợi chữ tình đến như thế là nhất ông ta rồi! Vừa thanh lại vừa tục, hay không chịu được! Không thanh sao được khi ông ta bắt đầu bằng chữ "Thanh bình" và "tục" đến mê tơi, đến lịm cả người khi ông xuống giọng "xề" bằng cách cám dỗ, dụ khị "Thử chơi một phát". Hỏi ai có thể cưỡng chống lại lời mời gọi đam mê này ?

Tôi không hiểu trong ca dao của ta khi viết: "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" thì chữ chơi có hàm ý như chữ chơi mà chúng ta hiểu ngày nay chăng. Thời xa xưa, ông Tú Xuơng cũng đã dùng chữ chơi như chúng ta hiểu trong thời đại Playboy như khi ông tự mô tả mình:

Vị Xuyên có gã Tú Xương
Giở giở lại ương ương
Cao lâu thường ăn quỵt
Thổ đĩ lại chơi lường
Trong văn chương bình dân, lác đác cũng có vài ba câu đề cập đến chữ "chơi" thời thượng như ngày hôm nay:
Có chồng càng dễ chơi ngang
Đẻ ra con thiếp, con chàng, con ai.
Hay bạo gan, bạo phổi hơn:
Có chồng thì mặc có chồng
Còn đi chơi trộm, kiếm đồng mua rau
Cái món "ăn chơi" mô tả trong 4 câu ca dao trên đây thường được nôm na gọi là "Ăn vụng". Mà ăn vụng thì phải chùi mép cho kỹ để tránh lâm vào cảnh dĩa bay tan tác của chia ly hay là cảnh bị đá văng xuống giường ra nằm chuồng heo hay là nằm trên xô pha xem TV mệt nghỉ vì cái thứ ăn chơi này là một thói hư tật xấu của các đấng liền ông, con trai . Không ngờ trong văn chương bình dân lại có đề cập đến cái pha này mà lại do các thôn nữ diễn xuất. Kể cũng lạ thật! Thôn quê Việt Nam ta nhỏ bé tí teo, ra đường ngoài ngõ gặp nhau thường xuyên , biết mặt nhau ráo trơn, ráo trọi , tôi không hiểu làm thế nào mà các cô gái làng quê lại có thể lăng nhăng, lít nhít ăn vụng được. Thì ra ăn vụng không phải chỉ dành riêng cho tu mi nam tử mà giới "tè không qua ngọn cỏ" ở thôn quê cũng có thể vung vít được. Sau đây là một vài câu ca dao trong đó chữ "chơi" mang ý nghĩa nhẹ nhàng thanh tao nhưng cũng không kém phần hấp dẫn:
Đôi ta lấm tấm hoa nhài
Chồng đây vợ đấy kém ai trên đời
Muốn cho gần chợ ta chơi
Gần sông tắm mát, gần nơi đi về.
Trời mưa thì mặc trời mưa
Chồng tôi đi bừa đã có áo tơi
Chồng tôi đi chơi đã có nón đội
Chồng tôi đi hội đã có dù che
Nghề chơi cũng lắm công phu, muốn chơi cho lăn lóc đá, cho người biết tay hay chơi cho lịch lãm râu mày thì bài loạn bàn này không thể nào bao giàn nổi .Tôi chỉ xin lạm bàn đôi chút về chữ "chơi" để gợi ý các bậc thức giả ngứa nghề mà ra tay đưa một đường nghiên cứu đầy đủ ngọn ngành, rành mạch từng chi tiết, có đầu đuôi tai nheo để bàn dân thiên hạ học hỏi thêm, để cùng trau dồi kiến thức. Để kết thúc tôi xin khuyên các bạn của tôi:
Bạn ơi tuổi đã hoàng hôn
Don't play too much , chờ tròn tuổi trăm .